Đặng Văn Sinh
Chiều muộn
(Rút trong tập Kẻ chiếm dụng thời gian của thượng đế)
Truyện ngắn
Từ mấy chục năm trước, tuy là vùng hẻo lánh, góc thành phố này đã hội đủ các điều kiện thuận lợi cho một khu buôn bán sầm uất : bến xe, ga tàu, chợ và một con sông nhỏ có cây cầu bê tông nối hai bờ. Chính vì thế, vừa chớm bước vào thời kinh tế thị trường, con người như chợt bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Thị dân đủ loại xoay như chong chóng với các thương vụ lỗ lãi, ít ai để ý đến một người đàn bà điên chẳng biết từ đâu mới đến chợ được dăm tháng. Cũng không ai hỏi rõ tên tuổi, quê quán, chỉ áng chừng chị ta chưa đến ba mươi, có khuôn mặt dễ ưa, da trắng, tóc dài, phải cái bàn tay bàn chân thô tháp, gân guốc như đàn ông. Dân chợ gọi là Con Điên. Con Điên ban ngày đi lang thang. Tối, tá túc ở một chiếc lều nào đó trong chợ. Gã quét chợ nhiều lần đuổi, có lúc đã phải dùng đến gậy. Con Điên túm đầu gậy trừng mắt ( đôi mắt bồ câu rất đẹp) bảo :
- Đừng cậy thế đàn ông bắt chẹt kẻ yếu nhá ! Đây mà thỉnh Quan Âm Bồ Tát thì cả nhà anh phải sa xuống chín tầng địa ngục.
Buổi chiều, khi chợ đã vãn người, Con Điên tha thẩn lượm lá bánh, nhặt những hạt gạo còn sót lại, vừa ăn vừa nghêu ngao một bài hát cổ mà giọng điệu nghe buồn nẫu ruột:
Ly khách…chén rượu đắng nước mắt
Trăm năm, cuộc bể dâu, hồn phiêu diêu…
Khiếp nhất là lúc Con Điên lên cơn. Khi ấy tựa như có ma quỷ nhập vào bắt mất hồn, mắt nó long sòng sọc giống như con nhang bị đồng ốp, phút chốc lại thảng thốt, bí hiểm như người mắc bệnh hoang tưởng. Sau cơn vật vã khoảng nửa giờ, Con Điên bắt đầu xé quần áo, và rồi, trong tình trạng rã rời cả thể xác lẫn tinh thần như thế, nó lang thang trên đường phố. Trước cảnh ấy, những người đứng đắn cúi đầu nhìn đi nơi khác. Mấy mụ nạ dòng chanh chua chuyên ngồi lê đôi mách đầu đường xó chợ nguýt dài, tỏ ý ghê tởm. Còn lũ choai choai vô học, vô giáo dục không biết xấu hổ là gì nhưng nhiều đứa lại là đoàn viên thanh niên cộng sản, nhìn chòng chọc vào những chỗ đáng lẽ không nên phô ra trước bàn dân thiên hạ của Con Điên, cười hô hố.
Khi tỉnh, Con Điên không khác gì một phụ nữ bình thường. Cái vẻ dịu dàng đầy nữ tính trong cách ứng xử của nó làm người ta động lòng trắc ẩn. Đôi lúc các bà các cô còn nhờ Con Điên gánh hàng từ sân ga vào chợ. Thù lao cho nó là cặp bánh mỳ, chiếc bánh chưng hoặc một hai nghìn.
Bẵng đi mấy tháng không thấy Con Điên, dân chúng ai cũng nghĩ có thể nó đã được đưa vào bệnh viện tâm thần hoặc lang thang đến khu khác của thành phố. Ai ngờ, một hôm Con Điên trở về chiếc lều quen thuộc với cái bụng to kềnh. Con Điên có chửa. Cả phố đồn ầm lên. Các bà các cô ngạc nhiên thì ít mà tò mò muốn biết gã đàn ông nào là tác giả của cái bụng ấy thì nhiều. Từ tò mò đến miệt thị, khinh bỉ. Trong thâm tâm các bà, ai cũng nghĩ, rằng Con Điên là thứ công dân loại hai, tuy được xếp trước mấy ông tù tại gia theo Nghị đinh 31 CP nhưng là đối tượng mất trí khôn, không có quyền làm mẹ. Họ nhìn nó bằng cặp mắt ghẻ lạnh. Mà kể cũng đúng thật. Một con điên có chửa, thật ngược đời(!?).
Vậy mà Con Điên, mỗi khi vào chợ, nó ưỡn cái bụng thúng ra, mặt vênh vênh, hai tay vung vẩy, mắt luôn nhìn thẳng, phớt tất, coi như thiên hạ không có ai. Từ khi có chửa, hình như Con Điên khỏi bệnh. Nó không hát nghêu ngao hoặc xé quần áo, vừa chạy vừa cười sằng sặc trên đường phố nữa. Những biểu hiện của giới tính, một thứ ân huệ mà Tạo Hoá ban cho người đàn bà đa trở lại thấp thoáng trên gương mặt. Có điều, những biểu hiện ấy không hẳn chỉ là nièm vui mà còn là dấu hiệu mơ hồ, dự cảm trước số phận Con Điên, một khi, có luc nào đó, nó biết được mình cũng là một con người.
Vào một tối mùa đông mưa phùn gió bấc, Con Điên trở dạ. Những cơn đau bụng dữ dội quặn lên khiến nó gần như phải bò vào trú tạm trong chiếc lều của bà Bún Ốc. Chợ chiều đã tan từ lúc mặt trời xế bóng. Người đàn bà khốn khổ vừa thở dốc vừa gào đến nghẹn giọng. Gió lạnh hun hút. Mưa xiên. Những hạt nước nhỏ li ti buốt như kim châm. Tiếng rên rỉ đứt quãng của sản phụ lẫn trong tiếng gió rít… Đúng vào thời khắc thập tử nhất sinh như thế, chẳng hiểu có phải do số phận đem đến hay không, một người đàn bà cầm đèn từ trong chợ đi ra. Đó là bà Dần, bán hàng nước ở cuối phố Thợ Rèn, gần cầu Bê Tông. Nghe tiếng rên, bà hàng nước xách đèn chai lại gần. Khi nhìn thấy con Điên lăn lộn, miệng hớp hớp như cá mắc cạn, bà giật mình kêu lên :
- Con Điên… Trời phật ! Nó sắp đẻ…
Phải đến gần một khắc bà Dần mới đưa được Con Điên về nhà. Cũng may, trước đây đã có mấy năm làm nghề nữ hộ sinh nên bà biết phải làm gì trong tình trạng sản phụ đã vỡ ối và gần như kiệt sức thế này. Thật ra, ca đẻ cũng không đến nỗi khó vì thằng bé ra thuận chiều. Suốt đêm ấy, bà Dần phải cắt tấm chăn cũ rồi khâu lại làm tã lót cho thằng bé. Bà lấy bộ quần áo cánh của mình đưa cho Con Điên :
- Chị mặc vào rồi cho con bú. Nó khát sữa rồi đấy.
- Con cám ơn bà…Không có bà cứu mẹ con con chết mất.
- Dào ôi ! ơn với huệ gì. - Bà Dần vừa nhai trầu vừa thủng thẳng bảo - Tên nhà chị là gì ? Liệu có còn nhớ được không ?
- Dạ… Tên con là Nhài.
- Còn quê ở đâu ?
- Con không biết quê ở đâu bà ạ. - Nhài nhíu mày ngẫm nghĩ một lúc khá lâu rồi nói tiếp - Hình như ở làng… Rồng.
- Nhưng làng Rồng ở huyện nào, tỉnh nào?
- Bà để con nghĩ đã. Thật tình…lâu ngày rồi con quên mất.
Bà Dần thở dài nìn người thiếu phụ :
- Thôi, thế này, tôi chỉ có một mình. Nhà có hai gian, một gian bán quán, kể ra thì chật nhưng ăn hết nhiều chứ ở hết mấy. Mẹ con chị tạm thời cứ ở lại đây, khi nào cháu nó cứng cáp rồi sẽ tính sau chứ chị mà tha lôi nó đi khắp nơi thì gay lắm.
Nghe vậy, người đàn bà điên bật khóc, nước mắt chảy tràn xuống hai gò má xanh xao.
- Nào ! Có bằng lòng không thì nói. Đừng khóc nữa.
- Con thật muôn ngàn đội ơn bà…
- Thôi được rồi. - Bà Dần nhẹ nhàng bảo - Chị không biết tôi nhưng tôi biết chị từ lâu rồi, nhất là những lúc chị lang thang ở chợ hát những bài không đầu không cuố iâý. Này, tôi hỏi thật, dạo này thỉnh thoảng còn lên cơn không ?
Nhài nhìn bà hàng nước chớp chớp mắt :
- Từ khi có mang đến giờ con chưa lên cơn lần nào…
- Vậy thì…may ra…- Bà Dần khẽ gật đầu - Cầu mong Đức Phật phù hộ độ trì cho hai mẹ con tai qua nạn khỏi.
Nói điều ấy, trong thâm tâm bà Dần thấp thỏm niềm hy vọng. Có thể bệnh của chị ta chỉ là điên tình, bây giờ kiếm được mụn con, tức là trạng thái tâm lý vốn bị ức chế phần nào đã được giải toả, may ra khỏi được chăng…
Khi đưa Nhài về, thực tình, bà Dần cũng phân vân lắm. Nhìn cảnh người sản phụ vượt cạn một mình, không cứu không đành nhưng khi mẹ tròn con vuông rồi thì ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra. Bởi vì , dù sao chị ta cũng là một con điên. Lòng nhân ái của con người thì rộng vô cùng mà khả năng lại chỉ có hạn. Ở đời, chính vì cái hữu hạn ấy làm người ta nhẫn tâm trước đồng loại. Nhìn cảnh ngộ của mẹ con Nhài, bà Dần bất giác nghĩ đến thân phận mình…
Chuyện xảy ra từ mấy chục năm trước. Dịp ấy vào tháng bảy năm Mậu Tý, nước lên to, đêTrung Hà vỡ. Cả mấy tổng vùng Yên, Giáp bên hữu ngạn sông Yên ngập trắng nước. Dân trong hạt đói to phải kéo nhau đi tha hương kiếm việc làm. Bà Dần, lúc ấy còn là cô gái mười chín tuổi theo người làng ra thành phố, lần hồi mấy năm, lúc thì đi làm con sen, lúc gánh nước thuê, có khi đói vàng mắt phải liều đi ăn xin. Năm hai mươi ba tuổi, bà gặp một anh xích lô nghèo. Hai người cùng cảnh, thương nhau thật lòng rồi nên vợ nên chồng. Sau hoà bình, bà được khu phố cử đi học lớp nữ hộ sinh. Gần chục năm làm việc ở trạm xá, bà đã đón không biết bao nhiêu cô bé, cậu bé chào đời. Vậy mà đến lượt mình, ông bà mong đến mỏi mắt vẫn chẳng có lấy một mụn con. Đến năm bốn mươi mốt tuổi, bà bàn với ông kiếm đứa con nuôi cho vui cửa vui nhà. Đang tìm thì dịp may đến bất ngờ.
Hôm ấy cũng vào cữ rét như thế này, có một người phụ nữ chừng hai bốn hai nhăm tuổi đi xích lô đến trạm xá. Cô ta đã đến tháng đẻ, đau bụng mấy ngày rồi mà đứa bé chưa chịu ra. Bà Dần hỏi ở phố nào, cô ta bảo là công nhân nhà máy cơ khí, chồng là bộ đội mới đi B, đã nhờ về Hải Dương đón mẹ nhưng bà cụ bị ngã gẫy chân không ra được. Lúc ấy cứu được một mạng người là quý nên bà Dần không mấy quan tâm đến chuyện cô gái nói thật hay nói dối mà cứ bắt tay vào việc. Ngôi thai ngược, bà phải vất vả đến hơn một tiếng đồng hồ mới đưa được con bé ra. Vì không có thân nhân bên cạnh, bà Dần tự nguyện giúp đỡ hai mẹ con sản phụ như là chăm sóc con gái mình. Thiếu phụ có vẻ ít sữa. Đến ngày thứ năm, con bé khóc dữ quá, cô ta bảo :
- Bà trông cháu giúp con. Con ra mua hộp sữa để cháu ăn thêm rồi còn phải tạt qua Chợ Giời kiếm mấy cái tã…
Bà Dần vui vẻ bảo :
- Mấy hôm trước, lúc qua ga Hàng Cỏ tôi cũng thấy có người bán tã lót trẻ sơ sinh. Mua ở đấy rẻ hơn chợ Giời.
Người mẹ trẻ ôm dứa bé, thơm lên má nó rồi đứng tần ngần mãi khiến bà Dần phải giục :
- Cứ đi đi rồi chốc lại về với con bé …
Chị ta xách túi bước ra đếnn cửa còn quay lại nhìn con mãi rồi mới vẫy một chiếc xích lô.
Ở nhà, bà Dần chờ đến chiều, đến tối, đến cả tuần sau không thấy người mẹ trở về. Bà tìm vào nhà máy cơ khí hỏi, người ta cho biết, nhà máy không có nữ công nhân nào như thế. Bị lừa mà bà Dần mừng ra mặt . Bà bảo với chồng :
- Trời mang nó đến cho nhà mình đấy.
Đứa bé gái được đặt tên là Nguyệt, sau này lớn lên coi ông bà như cha mẹ đẻ. Năm 90, Nguyệt hai mươi mốt tuổi, lấy chồng là một công nhân ngành địa chất. Mấy năm sau, hai vợ chồng đưa nhau vào lập nghiệp ở thị xã Buôn Mê Thuột. Bà nhớ con đứt ruột nhưng chỉ biết thở ngắn than dài. Còn hai vợ chồng già, những tưởng nương tựa vào nhau lúc tuổi xế bóng. Ai ngờ, trời chẳng chiều người, cuối năm ngoái, ông mắc chứng cảm hàn rồi đột ngột qua đời, chẳng dặn lại được gì. Bà đau đớn khóc chồng và khóc luôn cho thân phận cô đơn của mình.
Bây giờ trong căn nhà chật hẹp cạnh bờ sông lại có tiếng trẻ con khóc, bà Dần vui lắm. Những vết nhăn nheo trên gương mặt khắc khổ một nắng hai sương lam lũ của bà dường như giãn ra. Bà đặt tên đứa bé là thằng Phúc, những mong cuộc đời nó sau này gặp nhiều may mắn. Khi bé Phúc được hai tháng, Nhài Bảo bà Dần :
- Mẹ con cháu không thể ăn bám bà mãi được. Con bàn thế này, từ ngày mai, bà ở nhà trông cháu để con chạy chợ kiếm thêm chút ít vào việc chi tiêu gia đình.
Bà Dần lắc đầu :
- Con cứ ở nhà để cháu nó cứng cáp lên đã. Trước mắt, cái quán này vẫn có thể nuôi được cả nhà.
Nhài khẩn khoản :
- Con biết bà thương cháu nhưng chẳng lẽ mẹ con cứ sống nhờ vào đồng vốn để dành của bà. Bà cứ trông thằng Phúc cho con. Nhất quyết con phải chạy chợ.
- Nhưng mà… - Bà Dần ngập ngừng - Thôi cũng được. Mẹ chỉ sợ ở chợ Ga người ta biết…
- Bà ơi ! - Nhài mỉm cười bảo - Con biết ý bà rồi. Con sẽ đi chợ Hôm, chợ Mai, chợ Bưởi chứ không ra ga để các bà ấy nhận mặt đâu.
- Ờ, thế cũng phải. - Bà Dần gật đầu. - Chị đã muốn thế thì mẹ cấm cũng chẳng được. Nhài chạy chợ. Cuộc sống của gia đình khá hẳn lên. Cô chỉ đi buổi sáng, chiều ở nhà trông con, bán quán giúp bà Dần. Từ ngày sinh con, Nhài đẹp hẳn ra. Cặp mắt bồ câu lúng liếng làm cánh đàn ông chết mệt. Quán đông khách, hàng bán chạy. Bà Dần mừng ra mặt.
Thời gian như thoi đưa. Thắm thoắt mẹ con Nhài đã ở với bà Dần hơn một năm. Thằng Phúc hay ăn chóng lớn phổng phao như một chú ngỗng non. Một hôm có gã đàn ông ăn mặc nhếch nhác, trông như dân bụi vào quán uống nước chè và hút thuốc lào. Thấy gã có vẻ khả nghi, nhìn thằng Phúc chòng chọc , bà Dần ngầm để ý. Lúc trả tiền nước, nó bỗng nhiên hỏi :
- Thằng bé này là con Con Điên phải không bà ?
- Chết, sao các bác độc mồm thế ?- Bà Dần nghiêm giọng - Nó là cháu ngoại tôi đấy.
- Bà chỉ khéo giấu. - Gã cười nhạt - Rõ ràng nó là con Con Điên. Bà rước về, sau này nó lại xé quần áo chạy ra đường như mẹ nó thì…
Nghe chướng tai, bà Dần nóng tiết mắng cho thằng cô hồn có cặp chân vòng kiềng, đi cà nhắc một thôi một hồi. Nó cười hềnh hệch rồi ra khỏi quán. Từ đấy bà Dần luôn phải cảnh giác. Những lúc Nhài đi chợ, nếu có việc cần kíp, bao giờ bà cũng mang cháu sang gửi hàng xóm.
Bẵng đi một thời gian, không thấy thằng bụi đời đến quấy rầy, bà đã hơi yên tâm. Lần ấy, bà đem chuyện nói với Nhài, cô bảo :
- Chúng nó rỗi mồm trêu bà đấy. Mặc kệ chúng.
Hôm ấy Nhài đi chợ Bưởi sớm. Bà Dần thương cô con nuôi vất vả, lựa lúc chưa bán hàng, mang chậu quần áo xuống chân cầu giặt. Thằng Phúc còn đang ngủ, gọi dậy thì lại phải dắt cả nó đi, bà Dần bèn khoá cửa lại cho chắc. Vả lại bờ sông gần nhà, chỉ giặt một loáng là xong.
Khác với mọi lần, hôm nay bà thấy bụng dạ bồn chồn. Giặt vội, bà bê chậu quần áo cố sức leo hai mươi chín bậc đá, vừa leo vừa thở như kéo bễ. Đến nhà, bà chợt sững người. Cửa đã bị mở và thằng Phúc biến mất. Tai hoạ rồi ! Bà Dần thoáng nghĩ. Bà muốn hô hoán lên, nhưng vừa mở miệng bỗng thấy trăm ngàn đốm sáng xanh đỏ tím vàng chập chờn trước mắt. Đầu óc quay cuồng. Ngực nghẹt thở. Bà đưa hai tay ra phía trước chới với, loạng choạng một lúc rồi ngã vật xuống…
Vừa về đến nơi, thấy hàng xóm đầy nhà, Nhài đã sinh nghi. Khi biết tin thằng Phúc mất tích thì cô quẳng quang gánh, lặng lẽ vào gian buồng ngồi bó gối, nhìn đăm đăm vào góc tường, nơi có giọt nắng tròn như hòn bi ve từ lỗ thủng trên mái rọi xuống. Ai hỏi cũng không nói. Chiều tối, bà Dần tỉnh lại, vào buồng vừa khóc vừa nói :
- Lỗi tại mẹ. Đáng ra mẹ đem gửi cháu thì không đến nỗi. Bà con dân phố đã báo công an, thế nào rồi người ta cũng tìm được…
Mặc cho bà Dần dỗ dành an ủi, mấy ngày liền Nhài chỉ im lặng, không ăn, không ngủ, ngồi nguyên một tư thế như pho tượng đá lạnh toát, không sinh khí. Sáng ngày thứ tư, Nhài chợt nhìn thấy tấm ảnh phóng to chụp thằng Phúc lúc sáu tháng tuổi treo trên tường, cô đứng dậy gỡ xuống vừa nhìn hình con vừa thổn thức. Bà Dần hồi hộp theo dõi, nghĩ rằng mấy ngày qua, vì quá thương con, Nhài mắc chứng trầm cảm, giờ khóc được tức là cơn kịch phát đã qua. Bà khấp khởi mừng thầm. Bất chợt một chuỗi cười ré lên, vừa man dại vừa đau đớn, nghe đến rợn người. Bà hốt hoảng định kéo Nhài vào giường thì cô hất mạnh tay ra, xé tung tấm áo đang mặc, vò rối đầu tóc, chạy bổ ra đường.
*
* *
Phía đông bắc thành phố, cách chợ Ga chừng bảy, tám cây số, có một khu dân cư nằm sát bờ sông Cái với những mái lều tùm hum được lợp bằng đủ các thứ vật liệu phế thải lượm từ bãi rác về. Đó là xóm Liều. Xóm mới mọc lên chừng vài ba năm nay. Cư dân ở đây hầu hết đều làm mỗi một nghề. Đó là nghề hành khất. Thành phần cư dân xóm Liều khá phức tạp. Do nhiều hoàn cảnh khác nhau, họ như những cánh bèo xơ xác sau những trận bão, theo dòng nước lũ trôi giạt khắp nơi, qua bao chặng dài thất thểu trên đường thiên lý, tấp lên thành phố, hy vọng ở nơi đô thị nhộn nhịp này có cơ may kiếm được miếng ăn. Phần còn lại là những kẻ du thủ du thực trốn về từ vùng kinh tế mới vì không chịu nổi rừng thiêng nước độc, những gã tội đồ đã mãn hạn tù… Bọn này hành tung có phần bí hiểm, và thật ra, cái nghề của chúng không phải lúc nào cũng là ăn mày. Xóm Liều có hai gia đình cả vợ chồng con cái đều sống nhờ vào bị gậy. Một trong hai gia đình có đứa con gái chừng hai tuổi tên là Nụ. Con bé tỏ ra rất được việc mặc dù nó quắt queo, da xanh nhợt, đầu to, trán gồ, chân tay teo tóp như ống sậy. Hằng ngày, vào tầm bảy, tám giờ, con Nụ được bế vào chợ Cửa Tây hoăc ra bến xe Liên Tỉnh. Bố nó là người đàn ông dị dạng, quần áo vá chằng vá đụp, miệng dẻo quẹo :
- Lạy ông, lạy bà ! Quê cháu vỡ đê, mẹ cháu bị nước cuốn… ông bà nhón tay làm phúc…
Nhìn cảnh ấy, dẫu người có trái tim sắt đá đến mấy cũng mủi lòng mở cái hầu bao lép kẹp của mình. Có buổi chưa tan phiên chợ, cái bị cói (mà dân hành khất gọi là túi "càn khôn") đã lưng lửng những gạo, ngô, bánh giò, bánh mì…Ngày hôm sau, vẫn đứa bé ấy nhưng người mang nó đi lại là bà vợ. Bà ta xấp xỉ năm mươi, da mặt sần sùi như bị bệnh phong, địu con Nụ trên lưng, giọng ngọt xớt :
- Nhà hàng xóm bị cháy, bố cháu xông vào cứu mấy đứa trẻ chẳng may bị bỏng chết. Cháu thì bệnh tật…phải muối mặt mang con đi hành khất…Lạy ông, lạy bà, lạy cô lạy cậu…bớt chút gọi là…
Tối tối, những chiếc bị cói được đổ ra, cả nhà xúm vào " kiểm kê". Một hôm, gã láng giềng cũng dân xóm Liều tên là Đỗ Thập nhìn thấy cảnh đó bèn nói nửa đùa nửa thật :
- Nhà bà cho tôi mượn con bé Nụ mấy hôm.
Mụ ăn mày ( Xóm Liều gọi là bà Tiêu ) cười nhạt :
- Đừng hòng nhé !
Đỗ Thập mè nheo :
- Tạng tôi thế này, ngửa tay xin ăn chẳng đứa chó nào nó thí cho cả. Hai bác giúp đỡ mấy hôm, nếu không tôi…chết đói mất.
Bà Tiêu sẵng giọng :
- Con bé là hòn vàng của nhà này đấy, muốn mượn phải…trả phần trăm hoa hồng.
- Gớm, bà chị riết gióng quá !
- Nói thật đấy. Mỗi ngày chú đưa tôi một chục, mà cũng chỉ cho thuê ba ngày thôi.
Tối ngày thứ hai, Đỗ Thập mang con Nụ trả bà Tiêu cùng với tiền "lệ phí". Bà mẹ sờ trán con Nụ thấy nóng như hòn than liền trừng mắt nhìn hắn :
-Chúng mày bắt nó bêu nắng suốt ngày chẳng trách nó sốt. Thôi nhé, ngày mai thì cắt, tự đi kiếm lấy mà "đớp".
- Kìa, bà chị ! Nó nóng sơ sơ thôi mà…
- Cút đi ! - Bà Tiêu tức giận quát - Con cái chúng mày đẻ ra đâu mà chúng mày xót.
Đỗ Thập lủi thủi về lều, bụng nghĩ thầm "Ước gì mình có được một đứa bé…".
Mấy hôm sau, Đỗ Thập tình cờ gặp lại thằng Ngõa Chột ( nó chột mắt là do thuở nhỏ bị bệnh đậu mùa biến chứng) ở chợ Giời. Thằng này trước từng là giám đốc lâm trường ở Lục Yên Châu, rất tàn ác, đối xử với công nhân như súc vật, đã có lần bị anh em trùm chăn đánh gẫy một chân nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Cách đây bốn năm, Ngõa Chột bị bắt vì cưỡng hiếp một nữ công nhân. Tội chứng rõ ràng, cấp uỷ không thể bao che được nữa, thế là hắn bị án mười bốn tháng, đưa về nhập trại Ba Sao . Mãn hạn, gã cựu giám đốc chẳng còn mặt mũi nào vác mặt về cố hương, đành nhắm mắt đưa chân phiêu bạt theo đám du thủ du thực khắp các nẻo đông đoài kiếm sống bằng nghề hành khất. Thấy thằng bạn tù đang cơn quẫn bách, Đỗ Thập bảo:
- Mày biết không, con Nhài ngày trước ở trại Tuyên Quang mới đẻ được thằng bé hơn một năm.
- Sao bảo nó bị điên sau vụ bị tay giám thị cưỡng dâm ?
- Hình như khỏi rồi.
- Mày chỉ phịa. Trông nó nhếch nhác như thế bố thằng nào dám…
- Chính mắt tao trông thấy nó bế thằng con trai ở quán nhà mụ hàng nước phố Lò Rèn. Này, tao vừa nghĩ ra một kế.
- Kế gì ? Có ăn được không ? Tao đang đối đây.
- Tìm cách tóm được thằng bé thì chúng mình mới mong sống ở đất này được. Cứ nhìn vợ chồng mụ Tiêu thì biết. Nhà ấy có tiền gửi về quê mua vàng …
- Nhỡ nó phát hiện ra báo công an thì sao ? Tao sợ đi trại lắm rồi.
Đỗ Thập cau mặt :
- Mày đã từng làm đến chức giám đốc mà còn dốt. Ai người ta tin một con điên. Với lại ta chỉ "mượn tạm" nó kiếm ăn vài tháng rồi lại giả, sợ gì.
- Tao vẫn hơi chờn…
- Cứ đi với tao. Chỉ cần mày đứng ngoài canh chừng và nhất là đừng để lộ cái giọng chọ chẹ ra, còn mọi việc để tao lo.
Kể từ lúc hai thằng bàn nhau, sau mấy chuyến thăm dò, rình rập nắm được quy luật đi lại của Nhài và bà Dần, lựa đúng lúc bà xuống sông giặt quần áo, Ngõa Chột nấp ở gốc xà cừ cảnh giới, Đỗ Thập dùng chìa vạn năng mở khoá, dấp ê te vào mặt thằng Phúc rồi bế nó đi.
Bắt được bé Phúc, Đỗ Thập lập tức rủ Ngõa Chột rời xóm Liều. Chúng kéo nhau xuống bến ô tô Nghĩa Phương vừa để tránh bị công an sờ gáy vừa tìm cơ hội làm ăn. Tại bến xe phía Nam, thằng Thập gom được hơn chục hành khất. Gã tập trung cả nhóm lại rồi tuyên bố :
- Thằng bé này là con trai tôi.Mẹ nó cũng dân bị gậy nhưng tháng trước bị ô tô của một ông "kễnh" cán chết. Tôi thì mắc chứng thấp khớp, đi lại khó khăn ( thực ra hắn là dân thiến lợn, nhà hắn đã có ba đời xách thòng lọng rong ruổi khắp các làng vùng hữu ngạn sông Thưa. Một lần đang thiến con lợn đực giống Mường Khương cho bà cửa hàng trưởng lương thực, Đỗ Thập mải nhìn vào hõm ngực áo tuột khuy, chẳng biết do vô tình hay hữu ý của "đồng chí" nữ cán bộ phốp pháp, bị chú Trư Bát Giới háu ăn đớp một phát xơi gọn bộ phận truyền giống xuýt chết , phải nằm phục thuốc ba tháng). Bây giờ thế này…Ai có nhu cầu thuê thằng bé thì đăng ký. Thời gian tính theo giờ, còn giá cả thì thoả thuận…
Nghe vậy, cánh ăn mày ngẩn ra một lúc rồi bỗng nhao nhao xô đến :
- Tôi… tôi…thuê trước.
Từ đấy, thằng Phúc được cánh ăn mày mang đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Nó còn bé tí, chẳng biết gì. Người ta tha lôi đến đâu thì nó đến đấy, cho gì nó ăn nấy, có khi cả tuần không được tắm rửa. Sau ba tháng, người nó quắt lại. Một lần, vì tham lam, mụ Gắm, tuy đã ních đủ các thứ xin được đầy chặt bị, vẫn cứ cắp thằng bé thập thững dọc phố Khách không chịu về. Đáng lẽ, vào giờ ấy là đến phiên lão Ngỗ Thọt. Chờ mãi, sốt ruột, lão bổ đi tìm thì chạm ngay mụ hành khất. Lão già giằng lấy thằng bé, sừng sộ :
- Quá hai tiếng rồi đấy. Ăn dầy vừa chứ. Tối nay nhà chị phải trả cả tiền cho thằng Thập.
- Còn lâu nhá ! - Mụ Gắm nguýt dài - Mà này, hình như nó đang sốt. Đừng mang nó đi nữa.
- Nhà chị nói hay nhỉ ? - Lão Ngỗ quắc mắt - Đợi mấy hôm mới đến lượt, bây giờ bảo mang nó về, ngày mai tao lấy gì nhét vào mồm ?
Lão xốc nách thằng bé tha đi. Thằng bé đã mệt lắm. Nó không còn đủ sức khóc mà chỉ thở khò khè như bị suyễn. Trán nó nóng hầm hập, mồ hôi nhớp nháp khắp người. Nắng gắt. Cả thành phố như đang lên cơn sốt. Mặt đường nhựa nhão ra. Cái nóng trên trời, cái nóng dưới đất hầu như hút kiệt sức lực con người. Lão ăn mày vừa bế thằng bé bước lếch thếch, vừa thở. Chiếc bị cói rách kéo trễ một bên vai.
Vào đúng lúc lão Ngỗ thất thểu ngoặt sang phố Đường Sắt thì bất chợt gặp Con Điên từ ngõ Hạ đi ra. Đầu tóc rũ rượi, trên mình không một mảnh vải che thân, Con Điên đang nghêu ngao bài hát " Ta chèo thuyền vào Thiên Thai mua ba mươi sáu nụ cười…", thoắt nhìn thấy lão Ngỗ, nó sững lại, nhìn chằm chằm vào thằng bé. Rồi, như có sự linh cảm của người mẹ mách bảo, nó lao đến như một con báo cái, giằng phắt đứa trẻ trong tay lão ăn mày. Sự việc xẩy ra quá nhanh. Khi lão Ngỗ còn đang ngớ người ra thì Con Điên đẫ ẵm thằng bé chạy dọc phố Đường Sắt với tốc độ của một vận động viên điền kinh. Chừng nửa giờ, hai mẹ con đến chợ Cửa Đông. Chạy vã đường dài dưới nắng tháng sáu đã thấm mệt, Con Điên mang thằng bé vào quán bà Bún Ốc. Lúc ấy đã xế trưa, chợ tan từ lâu. Nhìn thấy Con Điên bế đứa bé, những người mua hàng quen biết trước đây thương tình, có ai đó vứt cho bộ quần áo tàng tàng. Chiều xuống, hàng phố có người báo cho bà Dần. Được tin , bà hớt hải chạy ra. Con Điên vẫn ôm chặt thằng bé trong lòng không cho ai động đến nó. Bà Dần lách đám đông lại gần :
- Nhài ơi ! Đưa cháu mẹ bế cho rồi mẹ con mình cùng về…
Mắt Con Điên hoàn toàn vô cảm, nhìn trừng trừng vào bà Dần như là chưa từng quen biết bao giờ. Hai vành môi cắn chặt. Đến lúc ấy bà Dần mới hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Thằng bé đã chết. Bà lóng ngóng định gỡ đứa trẻ ra khỏi vòng tay người mẹ thì Nhài bỗng oà lên khóc, không phải tiếng khóc của người điên mà là giọng nức nở, nghẹn ngào của một người phụ nữ bất hạnh :
- Con ơi …!
Đ.V.S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét