Nhãn

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

"Những cây thông quanh biệt thự", vết sẹo thời gian


    Những cây thông quanh biệt thự",vết sẹo thời gian


                                                            Đặng Văn Sinh
    
           
Bài thơ mang tính ẩn dụ cao qua hình ảnh những cây thông được trồng làm hàng rào xung quanh một ngôi biệt thự. Phải thừa nhận, ở trường hợp này, tác giả có cái nhìn sắc sảo, từ một hiện tượng khá bình thường trong đời sống đã khái quát thành triết lý nhân sinh.
Cây thông và dây kẽm gai là hai đối tượng chẳng có mối liên hệ gì với nhau nếu xét về thuộc tính cũng như tương quan trong xã hội . Chúng là vật vô tri nên hoàn toàn bất khả tri. Tuy nhiên , bằng vào sự chiếm hữu nhân danh trí tuệ loài người, con người dù vô tình hay hữu ý đã tước đoạt quyền  tự do, biến cây thông và sợi kẽm gai thành những vật thể phụ thuộc, áp đặt cho thế giới tự nhiên ý chí của mình. Đây là hiện tượng bất bình đẳng có tính lịch sử. Ta dễ dàng nhận thấy, qua sự tăng dần của các chi tiết , nội hàm bài thơ dần dần biến đổi. Sợi dây kẽm gai quấn quanh cây thông không còn là hiện tượng bình thường, mà qua cái nhìn của nhà thơ, nó đã chuyển hóa thành vấn đề xã hội. Đó là mối quan hệ giữa một đồ vật với một sinh vật trong đời sống cộng sinh, giữa thân phận con người với thiết chế xã hội. Cây thông, theo quan niệm của văn hóa phương đông, tượng trưng cho người quân tử, ngay thẳng, dám chấp nhận sống nơi đất cằn, dáng vươn cao, sẵn sàng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Dây kẽm gai không phải là sản phẩm  tự nhiên mà là thành tựu của nền văn minh công nghiệp, từ lâu đã được xem là biểu tượng hủy diệt, chẳng thế mà nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong bài "Đất nước" nổi tiếng một thời đã từng viết :"Ôi những cánh đồng quê chảy máu /  Dây thép gai đâm nát trời chiều". Đặt hai hiện tượng có bản chất rất khác thường này bên nhau tất yếu sẽ nảy sinh xung đột dẫn đến bi kịch cho cuộc đời cây thông, biến cây thông thành một thứ hàng rào tầm thường bằng cách thủ tiêu từ từ phẩm chất tốt đẹp của nó.
Ngoài tính biểu tượng, bài thơ còn tạo ra sự bất ngờ, tác động vào nhận thức người đọc qua hàng loạt những hình ảnh chọn lọc, giầu biểu cảm, những từ , ngữ đa sắc thái chuyển tải một năng lượng vô hình nhưng có sức nặng thẩm mỹ, đánh thức phần mờ tối của lương tri vốn đã bị tê liệt, làm nó hoạt động trở lại sau khi cảm nhận được nỗi đau :
"Ngậm kẽm gai ngập sâu đến tủy
Ứa giọt nhựa quyện vào sắt rỉ
Đúc bê tông bền cho những nỗi đau.
Tôi nghĩ, có được những câu thơ trên, ai nào biết, tác giả đã hơn một lần hóa thân thành kiếp cây rừng trải nghiệm nỗi đau, dốc cạn dòng máu, vắt kiệt trí não, để rút ruột tằm , trải lòng mình với nhân quần mà đọc lên nghe thổn thức như tiếng oan khiên từ cả ngàn năm vọng lại :
Nhựa vẫn lên, sùi từng cục lớn
Mím cặp môi sưng
Trước vết thương
không bao giờ kín miệng.
Cái không bình thường lúc này lẩn khuất trong cái bình thường, sử dụng cái bình thường như một thứ phương tiện hợp lý để tha hồ thao túng bằng sợi dây thép gai có vẻ như là rất hiền lành kia, thông qua thứ ngôn ngữ hào nhoáng nhưng bên trong là cả một hệ thống kỹ thuật ràng rịt . Tôi có trói anh đâu, chỉ tạm thời giới hạn anh trong một không gian hẹp để anh tự điều chỉnh hành vi của mình, nhưng thật trớ trêu, cái vòng thép gai kia tưởng lỏng hóa lại vô cùng chặt :
Vết thương
Ai chém thông đâu
Thông càng lớn càng ôm vào gai góc
Những vòng gai buộc lỏng ban đầu.
Bài thơ được xem là hoàn mỹ cả về cấu trúc lẫn ngôn từ. Cách khai triển ý tưởng của Hà Sỹ Phu cũng có một cái gì na ná động thái của vòng dây kẽm, lỏng mà hóa chặt, tưởng là đùa mà hóa thật, có tứ mà dường như không có tứ, nói thế mà không phải thế. Chắc là nhà thơ đã học được cách cách ứng xử tai quái của đời sống cộng sinh trong môi trường đầy khuyết tật như một thứ duyên kỳ ngộ với cây thông Đà Lạt, nên bỗng chốc xuất thần thành " thi cú liễu"* sau cả một đời trải nghiệm.
Những hình ảnh "ngậm kẽm gai ngập sâu đến tủy","sùi từng u lớn", "mím cặp môi sưng", "đúc bê tông bền cho những nỗi đau"... không đơn thuần chỉ là ẩn dụ, tượng trưng, mà còn được đẩy lên ở cấp độ cao hơn ở tầm khái quát. Dòng nhựa, sau khi ngậm phải thứ rỉ sắt từ sợi kẽm gai, lập tức hình thành một cơ chế tương tác, mang dòng thông tin di truyền bắt đầu bị sai lệch. Nó giống như sợi dây thần kinh làm chức năng chuyển mệnh lệnh từ một não bộ đã bị tật nguyền đến các bộ phận trong cơ thể con người, và thật lạ, cái cơ thể tật nguyền của cây thông ấy , sản sinh ra những sợi thần kinh  biến đổi gene, chẳng những đã được miễn dịch và còn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra những khối u mới cho các thế hệ sau :
Những cây thông tật nguyền
Truyền nỗi khổ sang nhau
Qua sợi kẽm gai đã rỉ từ lâu
Nay đóng vai sợi thần kinh
Giỏi hơn vai thủ phạm.
Cây thông lúc này vẫn phát triển nhưng là sự phát triển có định hướng, vẫn lên cao nhưng là thứ chiều cao nằm dưới sự kiểm soát vô hình, tuy nhiên có một điều cả thủ phạm và  nạn nhân đều không ngờ tới, ấy là " Cái khoảng trống sát ngay mặt đất / Cứ cao thêm cho kẻ trộm chui vào". Hàng rào lúc này không còn làm chức năng bảo vệ mà lại tiếp tay cho lũ đạo tặc vì bản chất cây thông đã bị tha hóa. Đến đây, người đọc nhận diện rõ hơn thân phận những cây thông được giao phó chức năng "làm cọc rào", cho dù luôn tiềm tàng một sức lực cường tráng, có khả năng vươn cao tỏa bóng che mát cho ngôi biệt thự, cuối cùng vẫn phải chết dần chết mòn trong nỗi đau âm ỉ khi dòng nhựa đã nhiễm độc rỉ sắt. Nhìn bề ngoài, hàng rào thông chăng dây kẽm gai chỉ là hiện tượng bình thường trong thế giới đồ vật, nhưng xét về bản chất của mối liên hệ giữa con người với nhau trong xã hội văn minh thì đó lại là hành vi quái gở. Sợi dây kẽm gai, giờ đã được giao phó chức năng luật pháp, và , bằng vào quyền lực của mình, dần dần phá vỡ cấu trúc ban đầu, lạnh lùng áp đặt  thiết chế "rỉ sắt" lên cộng đồng loài thông, bắt chúng phải thích nghi với hoàn cảnh mới trong tình trạng hệ thần kinh ngày càng tê liệt.
Về mặt nghệ thuật, "Những cây thông quanh biệt thự" gần như đã đạt tới mức hoàn thiện cả về bố cục lẫn ngôn ngữ diễn đạt. Mỗi khổ thơ là một thông điệp được dồn nén trong một số  từ ít ỏi nhưng hàm chứa lượng thông tin tối đa. Các câu thơ liên kết với nhau, nâng đỡ nhau tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh trên nền cảm hứng giầu chất suy tưởng. Bài thơ được bố cục theo từng lớp, mỗi lớp là một đoạn văn bản với những tầng nghĩa khác nhau tạo ra khoảng mở cần thiết cho từng đối tượng tiếp nhận. Khả năng vận dụng các lớp từ trong mối quan hệ nội tại về ngữ nghĩa cũng như sự tương tác giữa chúng với nhau tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ của Hà Sỹ Phu là đáng nể. Ông tỏ ra là  tay lão thủ khi biết đưa đẩy các con chữ vốn vô  tri thành những câu thơ khiến người đời phải ngả mũ kính chào. Say mê nhưng vẫn tỉnh táo, thâm trầm mà sôi nổi, tưởng là thiên về lý trí hóa ra lại vô cùng tình cảm, với nội lực thâm hậu, ông đã tạo ra những "pha" phục bút đầy bản lĩnh luôn đặt  người đọc vào tình thế bất ngờ :
Ngọn gió lao xao
Kẽm rung, buốt vào tới tủy
Du khách vô tình
Cứ nghĩ
Thông reo...
Hình ảnh "kẽm rung" và "thông reo" được hoán đổi cho nhau trong cuộc đánh tráo khái niệm đầy ngoạn mục. Khách tham quan phần lớn nhìn rặng thông bằng con mắt của kẻ lãng du, mấy ai tìm vào bản chất sự việc. Cái bi kịch nhất là, những kẻ ngoài cuộc, vốn được giáo dục bằng thứ văn hóa cầu an, nhìn nỗi đau đồng loại bằng con mắt dửng dưng. Thói bàng quan và đôi khi cả a dua nữa, lúc này lại tiếp tay cho tội ác, và biết đâu, nhìn thân cây thông chằng chịt những vết sẹo kia, sẽ có không ít nhà nghệ sĩ tìm thấy bóng dáng của cái đẹp?
Tác giả nói về thông nhưng hình như lại không phải là thông, không nói về người mà lại có bóng dáng người, nói về sợi kẽm gai một cách rất nhân văn " Những vòng gai buộc lỏng ban đầu" nhưng dường như chúng đang gieo mầm tội ác cho dù không có từ nào biểu thị tội ác. Cái hồn của bài thơ chính là ở chỗ đó.



                        Những cây thông quanh biệt thự


Những cây thông đứng làm cọc rào
Ngậm kẽm gai ngập sâu đến tủy
Ứa giọt nhựa quyện vào sắt rỉ
Đúc bê tông bền cho những nỗi đau.
            Vết thương
            Ai chém thông đâu
            Thông càng lớn càng ôm vào gai góc
            Những vòng gai buộc lỏng ban đầu.
                        *
Nhựa vẫn lên, sùi từng u lớn
Mím cặp môi sưng
Trước vết thương
Không bao giờ kín miệng
Những cây thông tật nguyền
Truyền nỗi khổ sang nhau
Qua sợi kẽm gai đã rỉ từ lâu
Nay đóng vai sợi thần kinh
Giỏi hơn vai thủ phạm.
                        *
            Nhựa vẫn lên và thông vẫn lớn
            Vẫn xếp hàng đưa dây kẽm lên cao
            Cái khoảng trống sát ngay mặt đất
            Cứ cao thêm cho kẻ trộm chui vào.
                        *
Ngọn gió lao xao
Kẽm rung , buốt vào tới tủy
Du khách vô tình
Cứ nghĩ
Thông reo...





                                                 Dinh Đà Lạt
                                                     5- 1988
                                                  Hà Sỹ Phu






           



*  Ba chữ trong một vế câu đối HSP tặng nhà thơ Hoàng Cầm:黃琴詩句了/京北迷魂長 ( Hoàng Cầm thi cú liễu / Kinh Bắc mê hồn trường)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét