Gặp Mác một lúc thế cũng sướng !
(Ghi chép tặng Hội đồng lý luận Trung ương)
Vũ Quốc Uy
Nếu không xảy ra sự cố này, chắc hẳn tôi đã vội vàng coi chuyện “Ngoại cảm, nói chuyện với người âm” là nhảm nhí rồi. Chuyện không duy tâm tý nào, vì gắn liền với một chủ nghĩa rất duy vật là chủ nghĩa Mác-Lê .
Đầu đuôi là thế này:
Ai đã được tôi luyện trong lò Mác-xít thì không thể không tự hào rằng học thuyết Mác không chỉ “giải thích thế giới” mà còn “cải tạo thế giới”. Nhưng gay go chính ở hai chữ “cải tạo” chết người này. Cải tạo thế giới mà làm hỏng thế giới, làm khổ thế giới thì hẳn là phải chịu trách nhiệm trước thế giới! Chính vì lo như thế nên Mác, cùng với cả một “thế giới người hiền” nguyên khối, như các đồng chí Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Ceausescu, Honecker, Pol Pot… tuy đã lên tiên nhưng chẳng mấy đêm chợp mắt được vài tiếng đồng hồ. Cho nên, khi thấy có người ở hạ giới “gọi hồn” là các cụ tỉnh dậy ngay, ngồi tiếp chúng tôi ở “phòng Xôviết tiếp dân” hẳn hoi.
Lại nói về phần chúng tôi. Mấy năm nay trên talawas dày đặc những cây viết về chủ nghĩa Mác, cuối cùng chia thành hai phe, phe Ca ngợi và phe Phản biện. Bên Ca ngợi chê bên Phản biện là IQ thấp, là lười đọc sách, là “thảm hại”. Bên Phản biện số đông là những người vui tính, được thực tiễn hậu thuẫn nên hay nói chuyện khôi hài. Bên Phản biện chúng tôi bị thiệt thòi vì báo chí và nhà xuất bản trong nước vẫn hoàn toàn thuộc độc quyền của bên Ca ngợi. Tìm được một vài diễn đàn ở hải ngoại thì một số bài cứ tranh luận về những điều lý thuyết dông dài. Chúng tôi nghĩ bụng: nếu gặp thẳng được cụ Mác thì tốt biết bao, để Cụ bảo cho một câu xem thế nào, chứ các cấp dưới của cụ bây giờ đầu óc họ đặc sệt và “kiên trì” lắm.
Chúng tôi đánh liều, ngỏ ý này với các nhà ngoại cảm. Cô Ngoại cảm (xin giấu tên vì Cô bị nhiều người tìm đến nhờ vả quá rồi) ngần ngừ một lát rồi trầm ngâm: “Năm ngoái em đã gặp được Bác Hồ, may quá em vẫn lưu được tần số của Bác, để em nhờ Bác nối mạch sang Cụ (ý nói Cụ Mác) xem Cụ còn nằm trong Thiên hà này không?”
Trong chờ đợi và hy vọng, phe Phản biện chúng tôi họp nhau lại để chuẩn bị. Cô Ngoại cảm khuyên chúng tôi chỉ nên cử một người đại diện thôi, đông người quá thường bị nhiễu sóng. Hội nghị bàn rất kỹ những nội dung cần đưa ra hỏi ý kiến Mác, sao cho ngắn gọn mà thiết thực. Đến phần chọn người, tôi đinh ninh hội nghị sẽ chọn một vị lão thành đầy bản lĩnh và quen giao tiếp trong nội bộ Đệ Tam. Ai ngờ các cụ lại chỉ vào tôi: “Thôi nhất trí để thằng nhỏ Quốc Uy này lãnh sứ mạng vinh quang. Nó còn nhỏ nhưng lúc nào cũng nghĩ đến Mác, chắc Cụ mến nó hơn”. Tôi quyết từ chối nhưng cuối cùng phải nhận.
Trước buổi gọi hồn, Cô Ngoại cảm làm việc với tôi một buổi. Nội dung cần đàm thoại tôi chuẩn bị sẵn ra giấy, viết hẳn thành một bài lý luận, photo một bản đưa cho Cô nghiên cứu. Tôi hỏi đàm thoại bằng tiếng gì, tôi không biết tiếng Đức. Cô bảo không lo, Cô sẽ phiên dịch. Tôi hỏi Cô đi Đức về ư thì Cô mắng ngay: “Anh tưởng ngôn ngữ ngoại cảm cũng thô thiển như tôi nói với anh thế này à?”. Tôi biết mình ngu thật.
*
Cô Ngoại cảm đốt nhang, đưa cho tôi một nén, bảo ngồi khoanh chân, nhắm mắt lại, tụ khí về đan điền (vùng dưới rốn), dồn hết tâm linh vào cuộc gặp gỡ. Tôi vâng lời nhưng mắt vẫn ti hí xem kỹ thuật chiêu hồn của Cô ra sao. Cô lấy ra đồng xu để xin âm dương. Xin hai lần đều không được, Cô lắc đầu, nói nhỏ: “Chưa chắc đã giúp được các anh.” Đến lần thứ ba thì nét mặt cô giãn ra, thở phào, vừa chỉ cho tôi xem đồng xu vừa nói trong hơi thở: “Được rồi!”
Vào cuộc đàm thoại tôi cứ nói tiếng Việt, Cô Ngoại cảm dịch lời của Mác ra tiếng Việt cho tôi, nghe cũng rất lưu loát.
Tôi hỏi thăm sức khoẻ của Mác và các cụ người hiền dưới đó (Cô Ngoại cảm sửa lại là “trên đó”), và được Cụ Mác cho biết về tình trạng chung rất mất ngủ như đã nói ở phần trên.
Cụ hỏi tôi (tất nhiên qua lời Cô Ngoại cảm):
“Này anh bạn Việt Nam, nghe anh Nguyễn Đức Bình và “Hội đồng lý luận” báo cáo rằng thời đại từ 1917 đến nay vẫn tiếp tục bằng sự tan rã của chủ nghĩa tư bản để tiến sang chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới thì ta mừng lắm. Vậy mà nhiều lúc đêm khuya ta cứ giật mình khi văng vẳng nghe các đồng chí Việt Nam hô hoán: ‘Đổi mới ngay không thì chết’, rồi lại ‘Không, Đảng phải bám chắc vào điều 4, buông ra là chết cả lũ bây giờ!’. Thế là thế nào?”
Tôi tóm tắt giai đoạn hưng thịnh của phe ta, rồi đoạn tan rã từ 1989, rồi sự đổi mới của mấy mấy nước cộng sản thoát hiểm…, rồi tình hữu nghị thắm thiết của các đảng cộng sản hiện nay với bọn tư bản, kẻ thù giai cấp ra sao. Qua nét mặt của Cô Ngoại cảm tôi biết Cụ bị sốc.
Tôi hỏi:
“Thưa Cụ, các ông ấy bảo làm kinh tế thị trường chính là làm đúng tinh thần của Mác và Lenin. Nhưng cháu nghĩ Cụ đã nói: ‘Người cộng sản có thể thâu tóm lý thuyết của mình trong một câu duy nhất: Bãi bỏ quyền tư hữu!’. Nhưng bỏ tư hữu thì làm gì có kinh tế thị trường? Nay chấp nhận kinh tế thị trường thì phải chấp nhận tư hữu, vậy đối chiếu với câu duy nhất nói trên thì hết chủ nghĩa Mác rồi còn gì?”
Cô Ngoại cảm:
“Cụ gật đầu, Cụ bảo anh nói đúng.”
“Thưa Cụ, bây giờ có hai phe, những người xưng tụng Cụ cứ thấy người khác phê phán Cụ là lại tuôn ra hàng tràng về Mác của phương pháp Biện chứng Duy vật, Mác của thuyết giá trị trong kinh tế. Nhưng cháu thấy về tác động đối với xã hội thì Mác triết học và Mác kinh tế chẳng quan trọng gì, có vấn đề sở hữu thì Cụ cũng vừa nhất trí với cháu rồi. Mác chính trị mới là vấn đề cần tập trung khảo sát, có phải thế không ạ?”
Cô Ngoại cảm:
“Cụ gật đầu, tán thành lắm, bảo anh nói tiếp đi.”
“Thưa Cụ, cháu thấy bàn về “Mác chính trị” thì phải tập trung trả lời các câu hỏi sau đây:
+ Có phải lịch sử của loài người từ xưa đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp không?
+ Có phải động lực của tiến hoá là đấu tranh giai cấp không, hay đó là sự tích luỹ và cạnh tranh trí tuệ?
+ Có phải nhà nước luôn luôn là công cụ của giai cấp để đàn áp giai cấp không và nó sẽ tiêu vong chăng?
+Vấn đề Dân chủ - Nhân quyền và vấn đề giá trị của trí tuệ là hai yếu tố tối quan trọng của thời đại mới thì dường như rất mờ nhạt trong học thuyết Mác, nên các đảng cộng sản thường yếu kém về hai mặt này, vậy chủ nghĩa Mác có tiêu biểu được cho thời đại không?
+Mâu thuẫn giữa công nhân và tư sản có phải là mâu thuẫn một mất một còn, buộc phải tiêu diệt nhau không, có tiêu diệt được nhau không, hay tự nhiên cùng tồn tại và có thể hợp tác với nhau để phát triển xã hội?
+Những hệ lụy tàn phá của chuyên chính vô sản ra sao?...
Thưa Cụ, cháu nghĩ có trả lời thẳng vào các câu hỏi này mới có thể kết luận nền tảng của học thuyết Mác-Lê là khoa học hay không khoa học, và từ đó mới xác định được đúng vai trò của các đảng cộng sản ạ!”
Cô Ngoại cảm (ngắt lời, có lẽ vì tôi nói hơi dài):
“Cụ gật đầu đấy, nhưng cứ thấy Cụ đi đi lại lại liên tục, Cụ không vui anh ạ.”
Tôi nói tiếp:
“Cháu là kẻ ít học thì không kể đến, nhưng những người học nhiều thì bảo chủ nghĩa Mác rất thâm sâu, dù hàng triệu người uyên bác nghiền ngẫm cả thế kỷ cũng chỉ hiểu được vài phần trăm thôi, có đúng thế không ạ?”
Cô Ngoại cảm (bỗng nhiên biến sắc):
“Ôi anh ơi, Cụ nổi giận kìa! Cụ bảo thằng cha nào mỉa mai Cụ cay độc thế? Có chân lý nào lại tối như hũ nút như thế bao giờ? Một lý thuyết để quần chúng đem thực hành mà lại khó hiểu đến mức giới trí thức hàng trăm năm sau không ai hiểu đúng ư, thà họ nói thẳng là ta sai lầm còn dễ chịu hơn là nhạo báng ta , xỏ lá ta như vậy! ”
Tôi hối hận lảng sang chuyện khác:
“Cô hỏi Cụ xem Cụ có chất vấn gì mình không?”
Cô Ngoại cảm (liếc vào tờ giấy cầm tay):
“Cụ hỏi anh về chuyện hai phe bây giờ thế nào?”
“Thưa Cụ, chuyện hai phe Cộng sản và Tư bản ngày trước thì nay xong rồi ạ, hai bên hôn nhau thắm thiết hơn ruột thịt, có khi còn đẩy cả ruột thịt ra ngoài nữa ạ. Lúc nãy cháu nhắc đến hai phe là hai phe lý luận thời hậu Mácxít thôi, một bên tiếp tục ca ngợi Mác, một bên phản biện Mác thẳng thừng. Bên bảo vệ Mác thì cau có, bên kia thì vui cười.” (Tôi liếc sang Cô Ngoại cảm, hỏi xem ý Cụ thế nào.)
Cô Ngoại cảm (liếc qua tờ giấy rồi gật gật):
“Cụ cười đấy, Cụ bảo từ giã quả khứ một cách vui vẻ như thế là tốt.”
Thấy Cụ vui, tôi bèn pha trò thêm:
“Dạ, vui lắm. Học thuyết Mác quyết cải tạo thế giới nên mọi người cứ như được sống trong Trại Cải tạo khổng lồ vậy. Thiên hạ đang cải tạo nhau dữ lắm, toàn cải tạo bằng bạo lực thôi. Nạn bạo hành hết trong gia đình lại trong nhà trường, rồi trong xã hội. Thanh niên sống không lý tưởng, động một tý là cho nhau về chầu cụ Mác (cháu xin lỗi, chầu ông Vải ạ). Khổ nhất là đấu tranh trong cùng giai cấp mà cũng cải tạo nhau không khoan nhượng nhau tý nào. Công an thì múa kiếm chống bảo vệ ngoài sân bay, bịt miệng bị cáo trước toà, đánh cả liền bà con gái đi khiếu kiện, đánh cả bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người bất đồng chính kiến… chứ không được dân chủ như thời Cụ viết Tuyên ngôn Cộng sản đâu. Chúng cháu cứ khôi hài là hai bên đều xưng dân chủ đánh nhau: bên dân chủ một triệu lần choảng bể đầu bên dân chủ thông thường ạ.
Nhìn sắc mặt Cô Ngoại cảm tôi biết câu pha trò cũng khiến Mác mỉm cười nhưng có phần hơi gượng.
Biết sắp đến lúc phải chia tay, tôi thật sự muốn từ biệt Mác “một cách vui vẻ”, nên không nói gì thêm nữa. Chỉ nhờ Cô Ngoại cảm hỏi Mác xem Cụ có dạy điều gì không.
Cô Ngoại cảm (hơi bị giật mình, lại thoáng nhìn tờ giấy trong tay):
“À à… Cụ bảo: Nước Việt các đồng chí còn xếp ngoài thứ 100 (một trăm), so với các nước phát triển là còn chậm tiến đấy, phải biết bảo nhau hoà thuận mà làm ăn, nên khiêm tốn! Các đồng chí chưa phải tầm định nghĩa Thời đại đâu! Muốn tìm định nghĩa thời đại, người ta không hỏi Việt Nam đâu. Các đồng chí xếp hàng mãi gần phía cuối mà lại dẫn dắt nhân loại, lại “đón đầu” thì nhân loại đi giật lùi à?”
Cô Ngoại cảm dừng một lát rồi lại nói thêm:
“Cụ bảo: Cuộc Thí nghiệm để chứng minh lý thuyết giả định của Cụ thế là đủ rồi. Dùng ngót một thế kỷ và ngót một trăm triệu sinh mạng để thí nghiệm. Nhân loại đã cấp cho chủ nghĩa Mác một “kinh phí” quá lớn để thí nghiệm rồi. Dừng lại thôi! Hãy thương lấy nhân dân, không cần thương Mác! (tôi nghe câu này thật rất cảm động). Hãy vứt đi mọi lý thuyết dù là đỉnh cao trí tuệ, khi nó cản trở con người yêu thương con người. Còn sách vở của Cụ thì thuê mấy chuyến xe chở về đây cho Cụ, để Cụ xử lý, Cụ cho hỏa thiêu…”
Cả tôi và Cô Ngoại cảm đều hốt hoảng, tôi vội đỡ lời:
“Thưa Mác kính yêu, xin Người đừng nghĩ thế. Nguyên một trái tim muốn hiến cả đời mình để kiếm tìm hạnh phúc cho nhân loại đã chẳng là vĩ đại rồi ư? Tạo hoá sinh ra loài người, thả về trái đất, nhưng bản đồ gien và bản đồ về căn tính con người thì Tạo hoá lại giấu đi để không ai có thể đoạt quyền Tạo hoá mà tự sủa chữa, tự vận hành cỗ xe nhân loại theo ý chủ quan. Con người phải tự lần mò để tìm lấy hai bức bản đồ bí mật đó. Bản đồ gien (thuộc phạm trù vật chất) nay đã hoàn thành, còn bản đồ về căn tính con người trong xã hội, bản thiện hay bản bất thiện (thuộc phạm trù ý thức) phức tạp hơn nhiều lắm, công trình của Mác là một trong những phép thử vĩ đại ban đầu. Kết quả thí nghiệm dù là dương tính (positive) hay âm tính (negative), thành công hay thất bại đều có giá trị riêng, phải được lưu trữ muôn đời trong thư khố ạ… Tình thương mà vô ý, thương không đúng cách vẫn thường gây nên tội ạ...”
Tôi mải nói mà không biết rằng không khí xung quanh đã bỗng nhiên lạnh toát, hụt hẫng như thể vừa mất đi một cái gì không tả được.
Tôi nói những lời sau cùng trong nước mắt. Tôi nhìn Cô Ngoại cảm, Cô Ngoại cảm nhìn tôi, rất tự nhiên chúng tôi cầm lấy tay nhau mà như thể được cầm bàn tay còn nồng ấm của Mác. Thôi, gặp được Mác một lúc thế cũng sướng. Bất giác cả hai chúng tôi nước mắt giàn giụa.
Có thể Mác đang bay về một Thiên hà khác. ..
VQU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét