Đặng Văn Sinh
Có thể nói, thơ đối với Đồng Thị Chúc chỉ là nghề tay trái, một thứ amateur, nhưng lúc hứng lên, cảm xúc dâng trào, thỉnh thoảng chị vớ được câu thơ để đời. Điều này không có gì khó hiểu. Tất cả là bởi niềm đam mê, và, còn hơn thế nữa, niềm đam ấy lại gặp được cái duyên. Và đấy cũng là cũng là số phận của người cầm bút gắn mệnh vận mình với trò chơi chữ nghĩa.
Lục bát của Đồng Thị Chúc là lục bát tâm trạng, hầu như bài nào cũng có xu hướng tìm về bản ngã, khai thác những cung bậc tình cảm vốn trong trạng thái tiềm ẩn. Chỉ khi kho lưu trữ ấy được kích hoạt, những vùng mờ tối mới hiển lộ thành hình hài. Đấy chính là lúc cảm xúc thăng hoa, những con chữ bất chợt hiện ra, có lúc ào ạt, dữ dội như đang lên đồng. Đến lượt chúng ta, những người đọc, trước khi thưởng thức thơ chị, cần một công đoạn không kém phần quan trọng, đó là giải mã văn bản. Bởi lẽ, một văn bản thơ được in ra mới chỉ ở dạng tiềm năng. Nó chỉ được gọi là thơ sau khi người đọc tiếp nhận văn bản ấy. Một bài thơ có nhiều cách đọc khác nhau, mỗi cách đọc lại có cách hiểu khác nhau phụ thuộc vào trình độc vấn, phông văn hóa và sự trải nghiệm của mỗi cá thể.
Trở lại với lục bát Đồng Thị Chúc. Cũng không khó khăn lắm để người đọc nhận ra, thơ chị lấy nguồn cảm hứng từ đất nước, quê hương và con người bao đời nay nổi tiếng bởi những làn điệu dân ca Quan họ. Nói cách khác, Quan họ được xem như nền tảng thẩm mỹ của những suy tư, trăn trở về thân phận con người. Nó giống như một mã văn hóa có chức năng định hướng, gợi mở tứ thơ, thậm chí còn cung cấp cho chủ thể những dữ liệu độc đáo để hình thành tác phẩm ở cấp độ tối ưu. Có thể xem không gian Quan họ của các liền anh liền chị đã hình thành phong cách lục bát Đồng Thị Chúc.
Như một mối lương duyên, giai điệu dân ca Quan họ rất gần, thậm chí còn chuyển hóa thành hồn vía lục bát nhất là ở loạt bài Đồng Thị Chúc hoài niệm về những người thân yêu trong gia đình. Là bởi lẽ, âm hưởng buồn man mác ấy vốn là của những tù binh Chiêm Thành bị vua Lý Thánh Tông bắt về sau những cuộc chinh phạt cách nay cả ngàn năm. Nó là tiếng ca ai oán bi thương của một dân tộc chiến bại đang có nguy cơ vong quốc. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với văn hóa bản địa, cấu trúc giai điệu Chiêm có sự biến đổi, hình thành những giai điệu mới như một cách hòa nhập tự nhiên. Cho nên, chúng tôi mới nói, lục bát Đồng Thị Chúc thấm đẫm hồn Quan họ mà chỉ dấu dễ nhận thấy là cấu trúc câu và cách xử lý nhịp điệu. Với Đồng Thị Chúc, lục bát là bản mệnh, là niềm đam mê, là lẽ sống của một người chót đa mang đến mức có hẳn một bài viết về thể loại này. Không còn nghi ngờ gì nữa, “Lục bát” được xem là “tuyên ngôn” của chị với đầy đủ cung bậc tình cảm chẳng khác gì “người tình trăm năm”:
“À ơi vào kiếp tình tang
Thả hương vào kiếp nhân gian đọa đầy
(…)
Giữa Trời Đất rộng mênh mông
Cặp dôi lục bát tang bồng mà đi”
Và còn hơn thế nữa, ở bài “Chơi vơi lục bát” tác giả nâng niu như một bảo vật bằng hình ảnh thậm xưng “Gói lời Lục Bát mang về/ Ủ lên men đợi thơm về mai sau”. Liệu có phải, đây là dự cảm cho sự trường tồn của lục bát nằm trong cái tổng thể “nhịp tâm hồn” làng quê Việt?
Cho dù vật đổi sao dời, với tư cách là mảnh hồn dân tộc, lục bát không bao giờ cũ. Mỗi thế hệ tiếp theo, không ít người cầm bút lại tìm cách làm mới thể loại thơ sáu tám này không chỉ ở cách bẻ dòng, mà còn cách tân ngay cả cấu trúc văn bản để phù hợp với xu thế thời đại. Tuy nhiên, ở trường hợp của Đồng Thị Chúc, sự đổi mới không phải ở cấu trúc mà lại là nhịp điệu tâm hồn lẩn khuất đâu đó sau những con chữ ngỡ như rất chân quê. Chính cái nhịp điệu âm thầm hơi hướm Quan họ ấy đã làm không ít người đọc bâng khuâng, xao xuyến về những hoài niệm một thời chưa xa. Có thể xem bài “Người quê” và “Chiều chia tay” trong tập “Gót chân trần” Đồng Thị Chúc viết từ những năm chín mươi của thế kỷ trước là những minh chứng khá thuyết phục cho nhận định của chúng tôi. “Người quê” chỉ ba cặp lúc bát nhưng nội hàm của nó không giới hạn trong khuôn khổ một mối tình: “Đất vàng ứa lệ chua cay/ Mắt anh đọng mỗi dáng gầy bóng em”. Còn với “Chiều chia tay” thì những tiếng chuông chùa trong không gian u tịch làm nền cho một cuộc phân ly, bất chợt làm ta liên tưởng đến cảnh “giã bạn” của “làng Quan họ” sau mùa hội xuân:
“Ngang trời mây bạc lửng lơ
Hồ chiều mặt nước mịt mờ sương buông
Chùa xa văng vẳng tiếng chuông
Người xưa dấu cũ bên đường còn đây”
Cũng vẫn với nhịp tâm hồn, Đồng Thị Chúc có đến ba bài về mẹ mà ở mỗi bài độc giả lại nhận ra những sắc thái khác nhau trong việc biểu đạt nỗi niềm thương yêu kính trọng với người đã cho mình có mặt trên đời. Có thể thấy, ở “Mẹ tôi” tác giả sử dụng lớp từ ngữ dung dị, thậm chí còn cũ kỹ, cắt nhịp cũng chân phương theo kiểu 2/2 hay 2/4, nhưng cái tình ẩn chứa bên trong mới làm nên diện mạo bài thơ khiến người đọc mủi lòng:
“Chợ phiên mủng thóc không đầy
Đường thôn mà lắm ăn mày đến xin”
(…)
“Biết thơ viết chẳng đủ lời
Ước sao mẹ trẻ như thời ngày xưa
Cái thời câu hát đò đưa
Yếm đào bao lý và … chưa lấy chồng”
Chân dung tâm hồn bà mẹ Kinh Bắc từng có thời là những liền chị với giọng ca Quan họ ngọt ngào làm xốn xang con tim bao khách đa tình, rốt cục vẫn phải trở lại với nghĩa vụ làm vợ làm mẹ trong cuộc nhân sinh đầy nhọc nhằn, bất trắc. Chính vì rất hiểu quy luật muôn đời ấy nên Đồng Thị Chúc mới viết:
“Lục bát dâng tặng mẹ ta
Vần thơ trải những sâu xa đáy lòng
Nhớ từng gốc rạ trên đồng
Thương sao những gánh hàng rong phố dài”
Không thể phủ nhận, hình ảnh người mẹ Việt Nam - chủ thể sinh ra những thế hệ con dân đất Việt - từng có những nhà thơ viết rất thành công, nhưng với Đồng Thị Chúc, chị lại dành cho mẹ những suy tư mang như một triết lý nhân sinh: “Ta đi bao bước phong trần/ Vẫn không sánh được một lần mẹ qua”. Từ một bà mẹ cụ thể, tác giả đã nâng lên thành biểu tượng mang tầm vóc dân tộc. Cho nên, với tư cách người con, chị thấy hẫng hụt khi mà: “Một ngày mưa gió giăng mù/ Bỏ ta mẹ dạo phù du kiếp người”. Có lẽ đây chính là nguyên nhân chị cất công “Gom nhặt thơ về mẹ” chăng: “Những lo tình ấy bị rơi/ Nên đi gom lại cho Đời mai sau”.
Cấu trúc lục bát của Đồng Thị Chúc khá gọn luôn tương thích với bố cục và số lượng câu trong bài. Bởi lẽ, lục bát trữ tình chuyển tải tâm trạng chủ thể không chấp nhận lối viết kéo dài lê thê như xay lúa. Tục ngữ có câu “miếng ngon ăn ít ngon nhiều”, bất cứ ai dù vô tình hay hữu ý vi phạm nguyên tắc này cầm chắc là thất bại. Chính vì thế, chùm 3 bài “Em gái làng Châu”, “Vụng về thôn nữ”, “Trước thu”, “Lang thang” hay “Lời yêu”…, đều nằm trong mạch cảm xúc về quê hương đầy ắp kỷ niệm, nhưng tác giả luôn sử dụng thi ảnh, mà tiết chế ngôn từ làm cho mạch thơ cô đọng, tình ý tương giao. Thơ ấy là thơ tâm trạng, nhịp ấy là nhịp tâm hồn, có khi đồng điệu, có khi trắc trở nhưng đều chung một ngôn ngữ nghệ thuật. Chẳng hạn ở bài “Trước thu” tác giả có cặp lục bát giữa câu sáu và câu tám dường như như đối lập nhau, nhưng nếu ta đọc bằng “con mắt thơ” thì đó lại là sự hài hòa trong cảnh giao mùa: “Những là sắc thắm màu hoa/ Những là gió, những mưa sa phố dài”. Còn “Lang thang” thì đích thực là bài tứ tuyệt về khoảnh khắc tâm trạng khó nói nên lời mà chủ thể trữ tình bị/ được đặt vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan: “Những mơ tìm bóng với mình/ Người đâu rồi biết gửi tình đến ai…?”. Vẫn giọng điệu như thế về mối tình vu vơ tuổi hoa niên, giờ đã đến lúc hồi tưởng, Đồng Thị Chúc đem đến cho người đọc một hình ảnh mang hiệu ứng “liên văn bản” nếu bất chợt nghỉ về “Xe chỉ luồn kim”: “Em về mang áo ra khâu/ Cây kim sợi chỉ để xâu chập chờn”.
Cũng với tâm thức ấy, nhưng “Lúng liếng”, “Mơ Quan họ”, “Sợ rằng” lại truyền cảm hứng cho người đọc ở một cách tiếp cận khác, tiếp cận ngoài văn bản đó là niềm bâng khuâng tiếc nuối bởi những hợp tan vốn là quy luật muôn đời mà ngay cả những đêm hội làng Quan họ cũng không ngoại lệ. Có thể xem “Lúng liếng”, là từ láy mang sắc thái biểu cảm chính xác một trạng thái tình cảm Quan họ đến mức trở thành làn điệu được hình tượng hóa như thực thể sống động mặc dù nó phi vật chất: “Lúng liếng như thể cánh chim/ Tôi tìm không thấy đành chìm bến mơ”. Cho nên, cái nhịp tâm hồn phảng phất nét buồn Quan họ ấy có những lúc lại thôi thúc con tim rung lên thành lời ca: “Muốn thêm câu hát ‘Còn duyên’/ Muốn cùng ‘Ngồi tựa mạn thuyền’ với ai”.
Giống như âm hưởng chủ đạo (gamme) bản nhạc hay ca khúc, giọng điệu lục bát Đồng Thị Chúc luôn hòa nhịp với điệu tâm hồn. Có thể đây đó vẫn còn một vài câu mang sắc thái ca dao hay từ ngữ dùng chưa thật chuẩn, nhưng xét về tổng thể, ta vẫn nhận ra đâu đó tín hiệu thẩm mỹ lấp lánh giữa những con chữ thô ráp, chân quê. Và điều đáng trân trọng hơn cả vẫn là những suy ngẫm về nhân tình thế thái từ trải nghiệm cuộc đời, người viết ký thác vào không gian Quan họ hay ca dao tục ngữ như một cách để lại dấu ấn của riêng mình. Bài “Sợ rằng” rất có thể là một trong số đó:
“Sợ rằng đi Hội với người
Mải trèo Quán Dốc mải chơi quên về
Biết đâu lại vướng lời thề
Nên thôi đành chỉ mơ về Hội Lim”
Liệu rằng đây có phải lý do mà ở loạt bài về lễ hội, trong tâm tưởng chủ thể trữ tình, Đồng Thị Chúc dành riêng cho mình một “Bến Mơ”? Đương nhiên, đã gọi “Bến Mơ” thì không bao giờ tồn tại như một thực thể khách quan, nhưng ta lại có thể nhìn thấy được bằng “con mắt thơ” nếu trái tim rung cảm cùng tần suất với chủ thể sáng tạo. Và rồi, giữa những dặm dài thời gian, người thơ dành khoảng lặng trong hành trình kiếm sống tận hưởng về “Bến Mơ” của mình mỗi khi bâng khuâng nhớ về mùa Hội: “Lúng liếng như thể cánh chim/ Tôi tìm không thấy đành chìm Bến Mơ” (Lúng liếng); “Cầm lòng vậy để người tìm/ Đành lòng vậy để ta chìm Bến Mơ” (Sợ rằng…); “Có vì lúng liếng đi tìm/ Khi ta không thấy có chìm Bến Mơ” (Hỏi người).
Không làm duyên, không khoe chữ, không bẻ dòng theo hội chứng đám đông, lục bát Đồng Thị Chúc từ đầu đến cuối, cả hai tập thơ cách nhau 26 năm, vẫn giữ nguyên phong cách cổ điển. Cổ điển nhưng không cũ như đã nói ở phần trên. Những bài viết về làng Châu của chị ít nhiều đã minh định nhận xét của chúng tôi. Vì là lục bát tâm trạng, cấu trúc mỗi đơn vị lại giống như một lát cắt từ cái tổng thể nghệ thuật nên “tứ” của bài không mấy khi hiển hiện mà thường nép mình vào “bóng chữ”. Cho nên, tiếp xúc văn bản, ta bất chợt nhận ra, không chỉ bề nổi của bức tranh toàn cảnh mà còn là thông điệp nghệ thuật được tác giả gửi gắm qua những hình ảnh ẩn dụ, chẳng hạn như màu vàng hoa cải, màu đỏ cháy hoa gạo tháng ba, chiếc giếng thần hay gốc cau già mang biểu tượng thời gian. Hơn thế nữa, không cần phải bàn cãi ẩn dụ là biện pháp nghệ thuật cần thiết với thi ca, bao gồm cả thể loại lục bát. Nhưng nếu khảo sát kỹ thì cách diễn ngôn về chủ đề quê hương, tác giả luôn ưu tiên hồi ức như một cách bù đắp sau những tháng năm dài bươn chải, trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, lại chạnh lòng bởi không tìm thấy mảnh hồn quê. Thói thường người già hay hoài cổ, huống hồ chị đã ngấp nghe tuổi bát tuần. Đời người như bóng câu qua cửa sổ, vừa mới cất tiếng khóc chào đời, thoắt cái đã về cát bụi. Cho nên, với tâm hồn đa cảm như Đồng Thị Chúc, dù đi khắp bốn phương trời, nhưng ấn tượng về cái nghèo của quê nhà lúc nào cũng ám ảnh chị như một món nợ ân tình. Vì thế, ở bài “Phận nghèo”, chỉ cần đọc cặp lục bát thứ hai “Cam lòng chịu kiếp chông chênh/ Nón mê che chắn bồng bềnh được không?” là ta hình dung được ngay cảm xúc trào dâng tự con tim dễ tổn thương hơn là những lời đầu môi chót lưỡi. Còn đây là hình ảnh quê hương qua sự cảm nhận tinh tế về màu sắc hoa vừa quen vừa lạ, ở gần có vẻ bình thường mà đi xa lại cồn cào nỗi nhớ: “Vàng chi vàng rực thế này/ Một mầu hoa cải trải đầy bãi quê/ Sắc hoa dẫn lối ta về/ Thương hoa cải một thương Quê mấy lần” (Phận nghèo). Nhưng chưa hết, ngoài những vạt hoa cải bên sông trải miên man sắc vàng đến nao lòng, làng Châu vẫn còn một mùa hoa gạo tháng ba đầy ắp kỷ niệm vui buồn: “Gọi là GẠO của tháng ba/ Cái mùa giáp hạt làm ta đói lòng” (Hoa gạo tháng ba). Với hai bài tứ tuyệt, ngoài việc mượn sự phu diễn của thi pháp ca dao truyền thống, tác giả còn đem đến cho người đọc sự liên tưởng qua những ẩn dụ như một mã nghệ thuật về tâm thức người Việt với văn hóa làng:
“Run run chân bước khẽ khàng
Con tim đập giữa muôn vàn nhớ mong
Nơi xa xôi vẫn ngóng trông
Vẫn xin làng mở rộng lòng đón đưa”
(Làng ơi)
Cảm thức về làng qua những mái đình, cây đa, giếng nước hay cầu quán được xem như mẫu số chung của người cầm bút nặng lòng với quê hương, nhưng như phần đầu đã nói, đấy là một quê hương đã định hình trong ký ức tuổi thơ. Nó như một biểu tượng văn hóa thiêng liêng, đẹp lung linh không chấp nhận sự thay đổi. Vì thế, bao kẻ ra đi, khi mái đầu tóc đã pha sương trở lại quê hương mà ngậm ngùi không tìm thấy quê hương chẳng có gì lạ. Những câu thơ thảng thốt về hồn làng trong ký ức của nữ sĩ Kinh Bắc khiến người đọc cũng phải rối lòng: “Rưng rưng tôi gọi giữa trời/ Làng ơi! Thuở tuổi chín mười giờ đâu?”.
Thành thật mà nói, cũng như những cây bút đã thành danh của làng Lục bát Việt Nam, thơ Đồng Thị Chúc không phải lúc nào cũng đạt đến cảnh giới hoàn thiện, thậm chí có những bài còn lạc vận hay ý tứ dễ dãi, nhưng cái tình mà chị dành cho nó lại rất sâu nặng. Phải chăng, lục bát của chị luôn hướng nội, mỗi khi đọc lên ta thấy phảng phất nỗi buồn da diết bởi nhịp tâm hồn bắt nguồn từ những làn điệu dân ca Quan họ?
Chí Linh, 22.7.2022
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét