Nhãn

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

CHÀNG LÃNG TỬ VÀ KHÚC HẠ YÊN

ĐẶNG VĂN SINH

 

 

Chỉ sau khi đọc xong “Khúc hạ yên” tôi mới hiểu Nguyễn Thành Tuấn có số thiên di. Thật ra, tôi chưa bao giờ là đệ tử làng xê dịch, nhưng ông trời lại ưu ái ban cho nhãn quan thấu thị, nên ít nhiều cũng đọc được “vị” của đám lãng tử thi nhân. Tập thơ chia làm ba “khúc” kèm một phụ lục, mỗi khúc mang một cái tên: “Đường làng”, “Cầm nhánh dạ hương” “Đi”, còn “Phụ lục” bổ sung 6 bài được tác giả gọi là “Chữ sót”. Nhưng thật ra sự phân chia này hoàn toàn không rành mạch, rất có thể chỉ là ngẫu hứng. Bởi lẽ, chính sự không rành mạch ấy mới làm nên diện mạo tập thơ khi mà hầu hết các bài (trừ Khúc một) đều có cả ba yếu tố trên tương tác với nhau tạo nên một chủ đề xuyên suốt: Xê Dịch. Và sau chặng đường dài mỏi gối chồn chân, anh ta nghĩ đã đến lúc “hạ yên”.

“Khúc hạ yên” là khúc cuối cùng của chặng đường lang bạt kỳ hồ, nhưng vì đó là hoài niệm nên mỗi khi đọc ta lại có cảm giác như đâu đây vẫn văng vẳng tiếng gọi lên đường. Chẳng thế mà, Khúc hai “Cầm nhánh dạ hương” sang trọng như thế, mà ngay ở “Cầu Hầu” lại hiện hữu một hình bóng khách giang hồ:

“quần áo mệt nhoài ngủ rũ trên thành ghế

đôi giày ghếch mõm lên nhau thủ thỉ

                                      chuyện đường xa”

Cho nên, tôi chợt hình dung ra, thơ Nguyễn Thành Tuấn cũng là thơ “xê dịch”. “Xê dịch” và cổ điển, mới lướt qua hình như không chịu ảnh hưởng của khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại, nhưng nếu đọc kỹ thì có đấy, tuy mức độ đậm nhạt khác nhau. Muốn vậy, ta căn cứ vào cấu trúc văn bản, khảo sát mô hình câu và cách cắt nhịp của một số bài tiêu biểu trong tập là biết ngay.

Tưởng cũng nên nhắc lại một chút cái gọi là thơ hậu hiện đại Việt Nam. Cho đến những năm 70, 80 của thế kỷ XX, trừ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh và nhóm “Xuân thu nhã tập”, sau đó là Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, hầu hết các nhà thơ như Nguyễn Bính, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, thậm chí cả Nguyễn Đình Thi đều sáng tác theo lối tư duy nhị nguyên: âm - dương, trắng - đen, thiện - ác… Tuy đã được khúc xạ qua phong trào Thơ Mới nhưng về bản chất vẫn thuộc hệ hình thẩm mỹ trung đại kéo dài được dán nhãn Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tình trạng đóng băng hệ hình này rầm rộ nhất vào những năm 60, 70, bất cứ ai đi chệch quỹ đạo đều bị treo bút. Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng là những trường hợp điển hình.

Sau này, khi mà thơ phương Tây cùng với lý thuyết phê bình văn học hiện đại được dịch và phổ biến ở Việt Nam, thổi luồng gió mới vào không gian trì trệ của loại hình văn chương bế quan tỏa cảng, người ta mới ngộ ra, tư duy đa nguyên chẳng những không rơi vào hiện trạng siêu hình mà còn làm con người nhận thức sâu hơn về bản thể khám phá những giá trị còn tiềm ẩn trong tiềm thức hay vô thức. Nói cách khác, đã có một lớp nhà thơ, một cách vô thức, đoạn tuyệt với phương pháp sáng tác cổ điển, tự giác đến với “cách tân” như một nhu cầu tự thân, nếu không, anh ta sẽ bị bỏ lại phía sau. “Khúc hạ yên” của Nguyễn Thành Tuấn cũng không ngoài hiện tượng phổ quát này. Hãy bắt đầu với bài “Cuối đường mưa phùn”. Chưa nói đến bố cục hay cấu trúc tổng thể, chỉ cần khảo sát mấy đoạn dưới đây, người đọc cũng nhận ra ngay những tín hiệu ngôn ngữ khác xa với thơ cổ điển:

anh hoảng hốt hét em đứng lại

cuối đường kia mây rất bất thường

em bảo đấy chỉ là mùa hạ

ngực em đầy những cột thu lôi”

(Con đường mưa phùn)

và em vẫn có quyền cởi áo

trút dưới chân trần tất cả những mùa đông

giọt nước đầu tiên từ vai em lăn xuống

bật chồi xuân khắp châu thổ sông Hồng”

(Phóng túng sông Hồng)

chú ngựa trắng dựng bờm bên sa mộc

Như vẫn từ độ ấy đợi hai mình

xin vứt hết ngôn từ rắc rối

nắm cương và khẽ nói: theo anh

(Trở lại Sà Phìn)

Rất dễ nhận ra, ba khổ thơ trên gieo vần lỏng lẻo, cắt dòng tùy hứng mà nhịp điệu lại khá hài hòa. Nhưng cái mà ta cần bàn ở đây là thông điệp nghệ thuật được nói bằng ngôn ngữ phi truyền thống. Nếu không chịu ảnh hưởng của các trào lưu như Tân hình thức, Siêu thực hay Ấn tượng chắc chắn không thể có thành tựu như vậy.

Sang đến “Khúc ba”, nội hàm “Đi” được thể hiện khá rõ qua loạt bài “Lính thường”, “Mây Mẫu Sơn”, “Sự thật”, “Vĩnh biệt Sà Phìn”, “Đi”…Thời kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ai đó bạo gan gửi đăng công khai bài thơ này rất có thể bị “nhập kho” vì án “văn tự”:

muốn gặp riêng chúng tôi

đừng tìm trong sử sách

chỉ tướng tài lưu danh

sau tháng năm xa lắc

đất nước trăm trận mạc

muốn gặp người lính thường

hãy tìm trong dáng đá

vọng phu qua gió sương

(Lính thường)

Bài thơ hình thành trên nền tảng triết lý về chiến tranh như Tào Tùng thời Đường đã từng khái quát: “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Về hình thức, bài thơ có vẻ như thuộc dòng “cổ điể” nhưng tư tưởng nghệ thuật thì lại hoàn toàn “đa nguyên” nhất là ở câu “hãy tìm trong dáng đá/ vọng phu qua gió sương”. Tương tự như vậy, “Sự thật” với cách nhìn thứ ba, cách nhìn mang tính phản biện không phải đen cũng không phải trắng mà có yếu tố chiết trung khó tìm ra trong thi pháp thơ gọi là truyền thống:

sự thật có ích gì không

ích cho người này và hại cho người khác!

cỏ hoa không cần sự thật

ngựa đực trắng không cần sự thật

bóng đêm không

mặt trời cũng không

bởi nó khắp miền không có dấu chân

nó tìm đúng đường đến bầy ngựa cái

phởn phơ thung lũng

mặt đầm đìa máu bới cú đạp của

một con đỏng đảnh”

Rõ ràng đây là một “phản đề” từ lập tứ lẫn cách diễn ngôn về khái niệm SỰ THẬT mà chắc chắn những môn đồ hệ tư duy “nhị nguyên” coi là “phản động”:

chúng ta không cần sự thật

nó là mặt kia của sự giả dối

Còn đây nữa, một kiểu triết lý ít nhiều mang tinh thần Hegel trên nền tảng chủ nghĩa xê dịch như một chiều kích văn hóa làm nên thung lũng mây trắng muốt qua bộ ngực phập phồng cô gái H’Mông:

ta đã đi biền biệt tháng năm

bỏ quên tiễng vỗ rá ao quê trầm trầm

trời mưa giáp hạt vào lắc lơ tiềm thức

lướt vó trên những ban mai

                   thiếu nữ Mông ngực nồng

 nàn cõng ống bương tựa cửa thung lũng mây

                                                 chảy về trắng muốt”

                                                          (Đi)

Nói vậy, nhưng Nguyễn Thành Tuấn còn lưu luyến thơ truyền thống lắm. Bạn chưa đoạn tuyệt được để dứt khoát bước sang hậu hiện đại nhất là những bài mang hơi hướm sử thi. “Nhặt vỏ ốc cho con ở biển Trà Cổ” không phải là trường hợp hiếm hoi:

“sóng đánh lên những vỏ ôc tầm thường

bao người lớn đi qua không để ý

cha nhặt cho con từ địa đầu Sa Vĩ

lóng lánh sắc màu một kho báu trong tay”

Cũng với tâm thức ấy, ở “Lời ru Cao Bằng”, giọng điệu vừa trang nghiêm vừa buồn man mác lại khiến ta bâng khuâng về một kỷ niệm nào đó chưa xa:

khi những thiêng liêng trở thành nhàm chán

em đã bên kia đèo Gió xa xôi

hoàng hôn gỡ cỏ may hoài niệm

em đã bên kia một điệu ru hời”

Như vậy, “Khúc hạ yên” như một tuyên ngôn của Nguyễn Thành Tuấn “rửa tay gác bút” sau những năm tháng rong ruổi trên lưng chú ngựa gầy, lủng lẳng bên vai bầu rượu, túi thơ. Kể về số lượng, Tuấn viết không nhiều nhưng gia tài của bạn có không ít bài đáng đọc. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Trong sự nghiệp cầm bút, thiên hạ nhớ được một hai bài đã là hạnh phúc, huống hồ bạn còn làm được nhiều hơn thế…

Bến Tắm, tháng quý thu, ngày lành

Đ.V.S.

 


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét