Nhãn

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Nguyên khí


               NGUYÊN KHÍ
                   Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

         9. ỨC TRAI TIÊN SINH


               Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
               Trông thế giới phút chim bay. 

                    ( Mạn thuật 4 – Quốc âm thi tập – Nguyễn Trãi)


Lại nói về quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi.
Tận dụng những ngày ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã dồn hết tâm trí để hoàn thành bộ “Quốc triều Hình luật” mà ông đã hứa với vua Lê Thái tổ trước phút ngài lâm chung. Đây cũng chính là phần hai của “Bình Ngô sách” mà ông từng tâu lên Bình Định vương khi hội kiến người ở Lam Sơn. Ông từng nói với Lê Lợi:“Giành lại nước trong nanh vuốt giặc Ngô lúc này là vô cùng gian nan cực khổ, nhưng không phải là bất khả. Thời Trần thế giặc Nguyên Mông còn lớn gấp bội giặc Minh bây giờ. Vó ngựa quân Mông Cổ từng tung hoành khắp mặt đất, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, giặc Thát dày đạp Trung Nguyên, khiến người Hán mấy chục năm sau còn khiếp sợ. Vậy mà đến nước Nam ta thì thất bại. Hưng Đạo Đại vương cùng vua tôi nhà Trần ba lần làm cho giặc Nguyên Mông vỡ mật, Thái tử Thoát Hoan phải chui ống đồng mới toàn mạng… Chỉ cần chúa công dùng chước “mưu phạt tâm công” biết đánh vào lòng người, biết dựa vào sức dân, thì nguy nan đến mấy, Đất Nước cũng có ngày giành lại được. Nhưng thưa chúa công, giành được độc lập đã khó, nhưng xây nền tự chủ còn nguy nan gấp bội…”
Rất tiếc là ngay sau khi giành được độc lập, vua Lê Thái tổ đã quá say sưa chiến thắng, choáng ngợp vì vinh quang, tự mãn về công đức, đem lòng nghi kỵ công thần, thích nghe  bọn xu xiểm, bỏ ngoài tai lời nói thẳng. Tiếp đến là những năm ông vua trẻ Lê Thái Tông ham chơi, ít chịu học, ưa dùng bọn lộng thần. Vì thế việc lớn nhất là xây dựng rường cột quốc gia, đưa triều chính vào kỷ cương, khuôn trăm họ sống theo luật pháp… vẫn chưa làm được.
 Nguyễn Trãi cáo quan, bãi triều, tiếng là trí sỹ, ẩn dật, nhưng tất cả tâm trí sức lực vẫn dồn hết cho bộ “Quốc triều Hình luật” mà ông đã thai nghén từ thuở “góc thành nam lều một căn”. Rồi từ hơn chục năm nay, ông cùng các văn thần đồng môn đồng tuế  bao phen lao tâm khổ tứ, đào bới từ những tàng thư bị giặc Minh tiêu hủy để tìm vốn liếng còn lại của ông cha, nhờ các đoàn sứ thần sưu tầm các bộ hình luật của các triều đại Đường, Tống, Minh… để tra cứu, tham khảo. Bây giờ thì bộ sách đồ sộ “Quốc triều Hình luật” gồm 6 quyển, 13 chương, hơn 700 điều, đã hầu như hoàn thành, đang nằm trên án thư kia. Đó sẽ là món quà quí giá nhất mà Trãi này sẽ dâng lên đức vua để ngài phê chuẩn ban bố cho trăm họ. Nước Nam ta từ nay sẽ có quốc luật, quy định mọi hoạt động của nhà nước từ triều đình đến hương xã, từ quan đến dân; mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hoá, chủ quyền, lãnh thổ, bang giao, quân sự, thuần phong, mĩ tục; một bộ luật kỳ vĩ, là rường cột quốc pháp cho  muôn sau.
Nhiều đêm, như mộng du, Nguyễn Trãi chợt tỉnh giấc, đi lại án thư, mở một chương, tìm một điều khoản, nhẩm đọc lại, dùng bút son khuyên một vòng, hoặc sổ một nét bên lề, rồi lặng lẽ ngồi suy ngẫm.
 Hồi mới chuyển về Côn Sơn, nhân dựng căn nhà ngang làm nơi dạy học, Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân, người bạn đồng khoa đỗ Thái học sinh năm Canh Thìn (1400) cùng Nguyễn Trãi, từ kinh đô đi thuyền xuống, chỉ để bàn với Ức Trai về mấy điều trong chương “Điền sản”.
Cúc Pha nói:
- Dân Nam mình, ngoài ruộng vườn, còn có sản nghiệp gì để mưu sống?Vậy mà đám công thần tham lam đồi bại, bọn người nhà của đám kiêu binh Lam Sơn, bọn quan hoạn lộng quyền… dám ngang ngược chiếm đất của dân Kẻ Bưởi, Kẻ Sủi, Dương Nỗ, Văn Giang…Mấy tháng nay dân tình kêu khóc như ri đội đơn kêu oan đi khắp các cửa quan. Phải có điều luật quy định tư hữu về ruộng đất, người dân mới có cơ may sống nổi…
Cúc Pha than phiền về đám Lam Sơn hội, cậy thế Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đang đêm đuổi dân Kẻ Bưởi ra ngoài bãi sông để cướp đất xây cất phủ đệ. Ông nói, chính ông đã hai lần khải tấu lên đức vua cho triệu thỉnh quan Thừa chỉ Hành khiển về triều.
- Cám ơn Cúc Pha tiên sinh đã ưu ái kẻ tài hèn sức mọn này – Nguyễn Trãi nói – Sư huynh còn nhớ lần chúng ta cùng tranh biện ở Tập hiền viện không? Nhân nói đến Hạng Vũ, huynh cho rằng Tịch dòng dõi con nhà tướng nhưng chỉ là kẻ võ biền, có thể ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ, nhưng không thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị được thiên hạ. Chính vì thế mà đất Quan Trung sau này đều về tay Lưu Bang cả. Huynh nói vậy, tại hạ hiểu ngay thâm ý là muốn nói tới Tiên đế. Xã tắc đã qua những ngày ngồi trên yên ngựa. Hết võ công phải đến thời văn trị. Quốc thái dân an là một đại nghiệp lớn, khó lắm thay. Trãi tôi như khúc gỗ mục không đáng cấy mộc nhĩ. Lục thập nhi thụ lão…Toàn bộ chút hơi tàn đã dồn hết vào bộ “Quốc triều Hình luật” kia rồi…
Nguyễn Mộng Tuân vuốt chòm râu bạc, cười hà hà:
- Văn Nhược này vừa đọc trộm bài “Lão dung” của Ức Trai tiên sinh rồi. Khẩu khí còn ngạo đời lắm, gừng càng già càng cay. Để đọc lại xem trí nhớ Cúc Pha còn đáng tin không nhé:

“ Tìm được lâm tuyền chốn dưỡng thân
Một phen xuân tới một phen xuân
Tuy đà chưa có tài lương đống
Bóng cả như còn rợp đến dân.”

Nguyễn Trãi vội xua tay:
- Bài này Trãi làm vịnh cây đa già trước Thanh Hư động. Không có ý tự phụ khoe khoang gì. Xin chớ để đến tai bọn lộng thần…
Cúc Pha cả cười, ánh mắt đầy tinh nghịch.
- Ha ha… Ức Trai tưởng chỉ bọn giá áo túi cơm này say, còn một mình tiên sinh tỉnh hay sao? Không đâu. Văn Nhược  vừa chợt lóe một tứ thơ trong đầu. Xin tiên sinh giấy bút để bỉ nhân đề tặng.
Nguyễn Trãi bảo người nhà mang giấy và nghiên bút ra. Rồi tự tay Ức Trai rót  rượu, đưa mời bạn. Cúc Pha nâng chén đáp lễ, nhìn quanh tầng tầng giá sách và căn nhà đơn sơ của bạn, nghiêng đầu như xuất thần, rồi vung tay múa bút:

HẠ THỪA CHỈ ỨC TRAI TÂN CƯ

Thiện trị ưng tri kế Tử Kinh(1)
Hà tu lậu ốc hộ tân minh
Nhất điều thủy lãnh tri tam quán(2)
Tứ bích gia bần phú lục kinh
Mai ảnh nguyệt miêu lai giáng trướng
Hà hoa phong đệ tống sơ linh
Huề hồ nghĩ dục đồng thanh thưởng
Giai túy tùy nhân vật độc tinh.

( MỪNG NHÀ MỚI THỪA CHỈ ỨC TRAI

Tử Kinh nối chí khéo làm nhà
Lậu ốc cần chi có bản ca?
Lạnh lẽo một dòng quan cực phẩm
Xác xơ bốn vách sách nghìn pho
Dáng mai trăng tạc nơi màn đỏ
Sen ngát hương qua cây cối thưa
Mang rượu đến ông cùng thưởng thức
Say theo người chớ tỉnh riêng ta)(3)
Đọc bài thơ của Cúc Pha viết tặng, Nguyễn Trãi lặng đi, giấu hai ngấn lệ bên khóe mắt. Cúc Pha khéo mượn ý trong bài “Ngư phủ từ” của Khuất Nguyên: “ Nhân giai túy, duy ngã độc tỉnh hề” ( Mọi người đều say, riêng ta vẫn tỉnh) để nói với Trãi này.“Mang rượu đến ông cùng thưởng thức. Say theo người chớ tỉnh riêng ta”.
Sao Văn Nhược bạn thấu hiểu trái tim ta đến vậy? Hơ hơ… Nhân giai túy, duy ngã độc tỉnh hề…
Ức Trai rót tiếp hai ly rượu.
- Nào, Văn Nhược, ta uống với bạn suốt đêm nay. Nhân giai túy, duy ngã độc tỉnh hề. Trãi này đâu muốn tỉnh một mình. Thế thái nhân tình này, buồn nhất là không thể say được…

                                         ***

Nguyễn Mộng Tuân đi rồi, Nguyễn Trãi trống vắng cả tuần trăng. Rồi Côn Sơn cho ông những thời khắc bình lặng, khoan hòa. Ông tự hỏi: Xa chốn bon chen bụi hồng, ta sống thực là mình, ta sống tốt lên chăng?

Am trúc hiên mai ngày tháng qua
Thị phi nào đến cõi yên hà
Bữa ăn dầu có dưa muối
Áo mặc nài chi gấm là

Nước dưỡng cho thanh trì thưởng nguyệt
Đất cày ngõ ải luống ương hoa
Trong khi hứng động vừa đêm tuyết
Ngâm được câu thần dặng dặng ca.(4)

Không ở Côn Sơn không thể có những khắc giây thần bút như thế. Không lời thị phi nào lọt tai, mới lão thực đến thế. Ức Trai hiểu ra con người chỉ hạnh phúc khi không còn màng danh lợi:

Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
Dưới công danh đeo khổ nhục
Trong dầu dãi có phong lưu…(5)
     
Sau những thời khắc san nhuận “Quốc triều Hình luật”, hầu như ngày nào cũng có thơ. Thơ như tuôn chảy từ cảm xúc tự do, tự tại, từ tâm thế giã từ trần tục, hòa đồng với cỏ cây.
 Nhưng, đó mới chỉ là nửa con người Nguyễn Trãi. Thấp thoáng trong thơ, ông không giấu được con người thế sự, không che được bộ phẩm phục quan nhất phẩm và chiếc mũ ô sa. Nhiều đêm ông thảng thốt ngồi vục dậy, buông một câu than:

“ Quân thân chưa báo lòng canh cánh
Tình phụ cơm trời áo cha”(6)          

“ Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung” (7)                                 

 “ Bui có một lòng trung với hiếu
Mài chẳng khuyết nhuộm chẳng đen”(8)

 “ Những vì chúa thánh âu đời trị
Há kể thân nhàn tiếc tuổi tàn
Thừa Chỉ ai rằng thời khó ngặt
Túi thơ chứa hết mọi giang san”(9)

 “ Chữ học ngày xưa quên hết dạng
Chẳng quên có một chữ cương thường”(10) 
Quả là Cúc Pha tiên sinh đã thấu thị gan ruột Nguyễn Trãi.
Thế nên, khi có thánh chỉ:
“Năm Nhâm tuất, mùa thu, tháng tám, ngày 4, đức vua Lê Nguyên Long sau khi tuần thú miền Đông và duyệt quân tại thành Chí Linh sẽ ghé thăm quan Thừa chỉ Hành khiển, Tư phúc tự Côn Sơn, Nguyễn Trãi”, thì trong lòng Ức Trai vô cùng bối rối. Tại sao Hoàng thượng lại biệt ân với Trãi này?Nếu cần Trãi thì Hoàng thượng cứ tuyên triệu về triều, hà cớ gì hạ mình tới chốn thâm sơn cùng cốc?
Ký ức bỗng hiện về tuổi ấu thơ xa lắc.
 Hơn năm mươi năm trước, sau khi cậu bé Nguyễn Trãi năm tuổi theo ông ngoại là quan Tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán về an trí ở Côn Sơn, đã có lần đức Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vi hành về động Thanh Hư thăm ông ngoại, để hỏi về quốc sự.
 Ngày ấy, sao quá thần tiên.
Có thể nói, mười năm thơ ấu của Nguyễn Trãi là mười năm thần tiên. Năm năm đầu sống cùng cha mẹ ở tư dinh quan Tư đồ tại kinh thành Thăng Long, mặc dù thỉnh thoảng phải chạy loạn giặc Chiêm Thành, nhưng vẫn là những tháng năm sống trong nhung lụa. Rồi năm năm ở Côn Sơn, được ông ngoại khai tâm chữ thánh hiền, chiều chiều lên Thạch Bàn  nằm nghe thông reo, suối chảy, chim ca, vượn hót và nghe ông ngoại đọc thơ. Những ngày ấy, nhiều khi Trãi thấy ông ngoại ngẩn ngơ buồn, nhưng cậu bé đâu hiểu được rằng trong lòng ông ngoại đang trĩu nặng ưu tư vì việc nước, rằng ông như kẻ lực bất tòng tâm, thấy trước sự sụp đổ của vương triều già cỗi ruỗng mọt mà không có cách nào cứu vãn được. Bây giờ, Trãi này cũng ngoài lục thập, sắp bằng tuổi ông ngoại. Trãi cũng trốn triều về ở ẩn. Trãi cũng bất lực. Nhưng là sự bất lực của kẻ không giúp gì cho một vương triều mới khai sinh mà đã có mầm mống của sự thối rữa…
Cuộc viếng thăm Côn Sơn của Hoàng thượng lần này, không đơn thuần chỉ như cuộc thăm viếng của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông năm xưa. Nguyên Long cần gì ở Trãi này?Phải chăng Hoàng thượng biết “Quốc triều Hình luật” đã soạn thảo xong và muốn được ngự lãm?
Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu.
 Chưa giải đáp kịp đã lại có tin mới:“Quan Lễ nghi Học sĩ sẽ theo xa giá vua cùng về Côn Sơn”.
Rồi, một tin khẩn cấp hơn: “Tiệp dư  Ngọc Dao sắp lâm bồn tại chùa Huy Văn. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh có âm mưu thủ tiêu cả hai mẹ con...”
Người mang tin khẩn này chính là Nguyên Phong.
Nhìn chàng trai khôi ngô tuấn tú, dáng vẻ phong sương nhưng hào hoa phong nhã, Nguyễn Trãi ngờ ngợ, như đã gặp chàng ở đâu.
Nguyên Phong vội quỳ xuống, đưa hai tay ngang mày:
- Dạ, con là Trần Nguyên Phong, cháu nội của quan Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn.
Nguyễn Trãi giật mình, nhìn quanh. Lát sau định thần lại, vội đỡ chàng trai dậy.
- Ta nhớ ra rồi. Con là trưởng đích của Trung Khang Trần Doãn Hữu. Ta có lỗi lớn…Từ ngày ông nội và phụ thân con mất đi…
Nguyên Phong lấy trong búi tóc ra một cái trâm lông nhím.
- Dạ thưa Tướng công. Xin tướng công hãy đọc lá thư này.
Ức Trai mở lá thư bí mật viết bằng nước lá cây trên một thứ lụa cực mỏng, hơ lên ngọn bạch lạp, lập tức nét chữ quen thuộc của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn hiện ra:

“ Gửi sư huynh Trần Văn,
Chắc huynh còn nhớ Trần Võ, đứa em ngỗ ngược đã cùng huynh bôn ba đi tìm chân chúa, rồi cùng nằm gai nếm mật cho tới ngày đại định…
Trần Nguyên Phong, người cầm lá thư này là cháu đích tôn của Trần Võ đệ, sẽ kể cho huynh nghe mọi chuyện…Trần Võ vẫn sống đến bây giờ không phải như loài cẩu trệ, tham sinh úy tử, mà chỉ là ước vọng được sống tự do, sống đúng nghĩa như trời đất ban tặng…
Mai danh ẩn tích, xa lánh miền tục, nhưng lúc nào đệ cũng nhớ tới huynh, lo cho huynh cùng nghĩa tỷ Nguyễn Thị Lộ. Sư huynh và nghĩa tỷ lạc lõng giữa triều đình khác nào gà con giữa bầy quạ, thỏ non giữa hùm beo?
Sư huynh còn nhớ lời Trần Võ đệ nói về tướng chim của Việt vương Câu Tiễn không? Rất buồn là đức Tiên đế cũng không khác gì Câu Tiễn. Đệ đành bắt chước người xưa Phạm Lãi…
Biết tin sư huynh dời bỏ chốn quan trường về sống ẩn dật ở Côn Sơn,Trần Võ này mừng lắm. Hãy nhanh chóng đưa nghĩa tỷ về cùng, và nhớ đừng bao giờ trở lại nơi trướng hùm màn sói ấy…”
Đốt lá thư trên ngọn bạch lạp, Nguyễn Trãi vã hết mồ hôi.
Vậy là Trần Nguyên Hãn vẫn còn sống?
 Mười ba năm rồi.
 Hay là Hãn đã kịp đầu thai sang một kiếp khác?
                                      

                                                 ***

Suốt đêm ấy, chàng trai Nguyên Phong đã kể cho Ức Trai nghe thiên đại bi hùng sử về ông nội của mình.
Số là, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú cùng Nguyễn Trãi là nhóm người quyết phò tá Quốc vương Tư Tề lên ngôi thái tử. Trước hội thề Đông Quan, sau Bình Định vương Lê Lợi, thì quyền bính, thế lực cao nhất của quân Lam Sơn thuộc về ba người là Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn, Hữu Tướng quốc Tư Tề, rồi đến Thái úy Phạm Văn Xảo.
Hữu Tướng quốc Lê Tư Tề, con trai trưởng của Lê Lợi văn võ song toàn, từng kinh qua chiến trận, lập nhiều công trạng, sau chuyến cùng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin để có cuộc hội thề hòa hiếu với giặc Minh, buộc Vương Thông rút quân về nước, đã rạng danh trong ba quân là người kế vị xứng đáng khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, tuyên với trăm họ “Bình Ngô đại cáo”.
Nhưng rồi phái công thần Lam Sơn, đứng đầu là Lê Sát, Lê Ngân, Lê Thận, Lê Vấn, Lê Hoành, Lê Thụ, Lê Liệt, Lê Linh, Lê Bí, Lê Xí, Lê Lăng… thấy quyền bính có nguy cơ lọt khỏi tay phái Lam Sơn, nếu Tư Tề kế vị ngôi báu, bèn xúi đức vua lập Lê Nguyên Long làm Hoàng Thái Tử, để thực hiện lời hứa với bà Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần.
Lê Lợi vốn là người mê tín dị đoan, lại bị phe Lam Sơn o ép, xúi bẩy, nhất là Lê Vấn, Lê Hoành, hai người anh ruột của Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần, bèn đưa  Lê Nguyên Long mới sáu tuổi lên ngôi Hoàng Thái tử, Lê Tư Tề làm Quốc Vương giúp coi việc nước. Sau sự việc này, Tư Tề suy sụp, lấy gái rượu làm khuây, Trần Nguyên Hãn chán nản, xin về trí sỹ ở Sơn Đông. “Thập đạo kinh luân mao ức lý, nhân cựu trạch tử miếu”, sau mười năm chiến tranh quay về ngôi nhà cũ.
Bọn lộng thần không chịu dừng ở đó. Đã đánh rắn phải đánh giập đầu. Chúng sàm tấu với Lê Thái Tổ rằng Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú… có âm mưu phò giúp Tư Tề phản nghịch. Phạm Văn Xảo bị giết. Lưu Nhân Chú sau đó cũng bị Lê Sát bức hại.
Lê Quốc Khí và Đinh Bang Bản theo mật lệnh của Lê Sát hùng hổ dẫn quân cấm vệ lên Sơn Đông. Khi Trần Nguyên Hãn cùng hai bộ tướng là Bế Khắc Triệu,  Nông Đắc Thái và con trai cả là Trần Doãn Hữu bị áp giải về kinh, đi quá ngã ba
sông Lô thì thuyền bị bọn Lê Quốc Khí sai quân lặn xuống nước đục thủng đáy. Trần Nguyên Hãn biết đã mắc kế hiểm, bèn đứng trên mũi thuyền ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân. Nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm mà hại tôi, Hoàng Thiên có biết không?”
Rồi gieo mình xuống sông, trước khi thuyền bị nhấn chìm.
Lạ thay, như có bàn tay đỡ, như có ai dìu quan Tả Tướng quốc ngược dòng lên  thượng nguồn, rồi đưa ông táp vào một bãi sông. Tỉnh ra, Trần Nguyên Hãn biết mình đang ở đoạn Đà Giang độc bắc lưu.
Cải trang thành một lão nông, Trần Nguyên Hãn đi mãi về nam. Ông đi qua những vùng kháng chiến năm xưa, nơi gợi nhớ những trận Trà Lân, Bồ Đằng, Cổ Lộng… và dừng lại ở một thung lũng tít thượng nguồn sông Khả Lam. Ông lẫn vào cỏ cây, lẫn vào đám tiều phu, ngư phủ…
- Vậy là hiền đệ Trần Nguyên Hãn của ta vẫn còn sống – Nguyễn Trãi bỗng kêu thầm, ngửa nhìn trời, hai tay ôm lấy mặt, như ông muốn nhìn sâu vào ký ức để hình dung từng nét thân thương của người em họ ngoại.
Nguyên Phong thì thào:
- Ông nội con đã mai danh ẩn tích đổi họ thay tên rồi. Tướng công thử đoán xem ông nội con đổi họ gì?
Ức Trai chau mày rồi nhìn thấu thị vào Nguyên Phong.
- Ta đoán nhé. Ông nội con lấy họ…Đào, tên Trần Võ, đúng không?
Chàng trai không giấu được nét con trẻ, reo lên:
- Trời ơi! Ông nội con nói không sai. Tướng công tiên đoán như thần. Đúng là nội con đổi họ tên là Đào Trần Võ, còn con là Đào Nguyên Phong. Riêng hai chú Trần Trung Khoản và Trần Đăng Huy, ông nội lại bảo đổi họ Quách. Vậy là họ Trần Nguyên giờ đã đổi thành hai họ Đào và Quách.
Giọng Ức Trai trầm xuống:
- Ta biết cha con, Trung Khang Trần Doãn Hữu đã mất trong thuyền… Nhưng còn hai chú con thì sao?
- Dạ, hồi ấy con mới bẩy tuổi. Con nhớ là lúc quan quân triều đình lên Sơn Đông, trời đã quá chiều. Tình thế nguy cấp lắm rồi. Ông nội con bảo các bà nội và các chú hãy chạy vào trong rừng Thần. Chú Trần Trung Khoản mang bà hai  xuống thuyền theo Cống Khẩu vào Đầm Rạch. Chú Trần Đăng Huy mang bà nội và số người còn lại  vào ao Tó, nơi ông con vẫn tập thủy quân…Riêng cha con, một mực xin được theo hầu ông nội về triều đình. Cha con bảo, dù đức vua bắt tội chết, cha con cũng nguyện chết theo…
Nguyễn Trãi lặng người. Thấm thoắt đã nửa đời người. Cái ngày hai anh em Trần Văn, Trần Võ tìm vào Lam Sơn gặp minh chủ, khi nhìn thấy Lê Lợi  ngồi thái thịt, Trần Võ đã thầm bảo với Trần Văn:“ Sư huynh có nhớ lá thư của Phạm Lãi gửi Văn Chủng khi bỏ sang nước Tề không?” Trần Văn gật đầu và khẽ đọc: “Phi điểu tận, lương cung tàng. Giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh. Việt Vương vi nhân trường cảnh điểu uế, khả dữ cộng hoạn nạn, bất khả dữ cộng lạc.” ( Chim bay mất hết, cung tốt được cất đi. Thỏ khôn chết, chó săn bị nấu. Việt Vương là người cao cổ, miệng chim, chỉ có chung hoạn nạn mà không thể chung vui)…(11)
Nào ngờ…linh cảm ấy mười năm sau đã ứng nghiệm. Trần Nguyên Hãn  biết mình oan đã không chịu chết mà quyết chí bỏ vào núi, bắt chước Phạm Lãi, cũng lấy họ Đào. Phạm Lãi  thành Đào Chu Công, còn Trần Nguyên Hãn thành Đào Trần Võ. Chỉ tiếc rằng xưa Phạm Lãi xuống thuyền vào Ngũ Hồ, có người đẹp Tây Thi đi theo, nay Đào Trần Võ vào Hoan Ái chỉ có một mình…
Nguyên Phong chợt nhận ra trong khóe mắt của Ức Trai long lanh hai giọt nước.
- Dạ, thưa Tướng công…-  Nguyên Phong muốn an ủi Ức Trai - Chính bây giờ ông nội con lại lo cho Tướng công nhiều hơn là người lo cho ông nội...
Nguyễn Trãi đưa tay lên ra hiệu cho chàng trai đừng nói gì. Ông chợt nhớ tới kỳ thi Đình tháng ba vừa rồi, kỳ thi đầu tiên của triều Hậu Lê đã chọn được 33 tiến sĩ. Đây là thành công lớn với riêng Nguyễn Trãi khi ông quyết định chọn Nguyễn Trực để trình đức vua tấn phong Trạng nguyên với bài văn sách khoáng đạt mà hào sảng, vu khoát mà thâm thúy, bàn về quân tử và tiểu nhân, về kế sách tiến cử hiền tài…
Nhưng đó là niềm vui không trọn vẹn. Bởi Ức Trai luôn canh cánh một nỗi buồn vì sự hèn kém của kẻ sĩ. Làm chánh chủ khảo mà ông không dám can vua hãy sửa lại đề sách vấn do bọn cận thần hắc tâm sàm tấu. Đề sách vấn của nhà vua có đoạn lên án Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn, thế này:
 “… Đức Thái tổ Cao Hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai trúng tuyển, trong khi ấy thì bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ thăm thẳm, bọn Ngân bọn Sát lại gian ngoan chúa ác. Sao người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy?…”(12)
Mười ba năm rồi. Trắng đen đã rõ cả rồi. Chính đức Lê Thái Tổ trước lúc lâm chung đã rất hối hận vì nghe lời sàm tấu của bè lũ năm tên Lê Quốc Khí, Đinh Băng Bản, Nguyễn Tông Chi, Lê Đức Dư, Trịnh Bá Hoành, do Lê Sát giật dây mà giết nhầm Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn. Nhà vua đã biết tội bè lũ năm tên và đuổi chúng đi. Sau đó, Lê Nguyên Long đã nhận ra dã tâm của bọn Sát, bọn Ngân mà giết đi…Vậy hà cớ gì, trong đề thi tuyển chọn người tài Hoàng thượng Nguyên Long lại nhắc lại chuyện cũ? Và Trãi  này, người anh em chí cốt của Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, với cương vị Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Quốc tử giám, Chánh chủ khảo kỳ thi, lại không nói được một câu minh oan cho hai người, không dám khuyên can nhà vua sửa lại đề sách vấn cho hợp đạo lý, cho thỏa hương hồn người đã khuất. Hóa ra Trãi này cũng chỉ là kẻ cầu an, bảo mạng, phường giá áo túi cơm, thấy đồng bọn oan mà không dám kêu giúp, thấy trái đạo mà không dám sửa. Ôi,Trãi này còn kém xa quan Ngự sử đài Phan Thiên Tước dám dâng sớ sáu điều đàn hặc bọn Lê Thụ và can gián đức vua…
Nguyên Phong làm sao hiểu nổi trong lòng Ức Trai vừa dội lên niềm xót xa ân hận và sự tự xỉ? Chàng chợt hỏi Ức Trai:
- Dạ thưa Tướng công. Người có tin rằng ông nội con được thủy thần cứu giúp không ạ?
Nguyễn Trãi nói:
- Ngay từ ngày ta với ông nội con vào Lam Sơn đầu quân theo Lê Lợi, chúng ta đã được quan hà bá phù trợ. Chính ông nội con đã nghĩ ra cách dùng mỡ viết lên lá cây dòng chữ “Lê Lợi vi quân Nguyễn Trãi vi thần” cho kiến đục thủng rồi thả xuống sông, nhằm làm cho dân chúng tin rằng Lê Lợi đã được trời giúp đánh đuổi giặc Minh. Nhiều phen chúng ta bị rớt xuống sông, bị nước cuốn, vậy mà lần nào cũng được cứu sống…
Nguyên Phong nói:    
- Con thì lại nghĩ, chính tài bơi lội đã cứu ông nội con thoát chết khi thuyền bị đục thủng và ông nội con biết trước, nên đã nhảy xuống nước. Ông nội con bảo, cả vùng quê Sơn Đông bên dòng sông Lô, ai cũng có tài bơi lội, đặc biệt là bơi chó, tức là bơi đứng. Bơi cả ngày không biết mệt. Người trên bờ không biết có người đang bơi đứng dưới sông. Khi ông nội Trần Nguyên Hãn từ mũi thuyền nhảy xuống, bọn quan quân triều đình tưởng ông bị chết chìm dưới đáy sông, kỳ thực, ông đã lặn một hơi ngược lên thượng nguồn, rồi ngược lên ngã ba Bạch Hạc, rẽ ngang Đà Giang…Thưa Tướng công, ông nội Đào Trần Võ sai con mang thư này trao tận tay Tướng công và giao trọng trách cho con phải bằng mọi giá bảo vệ Tướng công…
- Đừng lo cho ta... Ta biết con đã được thụ giáo ông nội các môn võ nghệ cao cường, đủ sức địch muôn người, như ngày xưa ông nội từng tả xung hữu đột giữa ngàn vạn quân Minh. Ta biết , ông nọi con rất lo cho ta - Nguyễn Trãi nói và lại nhớ đến lời dặn của Trần Võ: “Nhớ đừng bao giờ trở lại nơi trướng hùm màn sói ấy”- Bây giờ con hãy giúp ta một việc.
- Dạ, Tướng công cũng như ông nội con. Con sẽ làm mọi việc Người giao.
Nguyễn Trãi trao cho Nguyên Phong hai lá thư đã viết sẵn:
- Đây là thư ta viết cho quan Lễ nghi Học sĩ. Còn đây là thư cho Nguyễn Khuê, con trai trưởng của ta. Con phải trao tận tay hai lá thư này. Họ sẽ làm theo điều ta dặn.Việc gấp lắm rồi. Tiệp dư Ngọc Dao sắp lâm bồn và Đức vua cũng sắp xa giá xuống đây. Con đi ngay đi, không thể chậm trễ.
Nguyên Phong quỳ lạy nhận thư. Chàng nói:
- Tướng công hãy tin ở con. Chắc Tướng công còn nhớ tài luyện chim đưa thư của ông nội con?Con đã được ông nội truyền dạy bí quyết này.
Nói rồi Nguyên Phong ngước nhìn về phía núi, đưa hai tay vỗ năm tiếng. Lập tức, từ đâu đó phía đỉnh Yên Tử, một chấm nhỏ hiện lên giữa vầng mây. Chấm nhỏ lớn dần, đảo những vòng hẹp dần, hiện ra một cánh chim câu. Rồi con thư điểu lượn một vòng nhỏ và sà xuống, đậu trên vai chàng.
Ức Trai vuốt ve con chim nhỏ, lòng bồi hồi nhớ Trần Nguyên Hãn da diết.
Nguyên Phong lấy trong tay áo chút thức ăn cho con chim câu, giọng âu yếm:
- Thư điểu, đây là ông nội của ta. Ngày mai chim sẽ đưa thư tới người cho ta, chim nhé.
 Rồi Nguyên Phong và con chim nhỏ giã biệt Ức Trai trở về Thăng Long.


                                            ***


 Con chim câu của Nguyên Phong mang tin đến kia rồi.
 Ức Trai nhìn lên bầu trời. Một cánh chim đang lượn vòng tít trên tầng mây. Mỗi lúc vòng lượn thêm nhỏ lại. Ức Trai xòe tay, con chim nhỏ cổ đeo cườm, mắt đen tròn, chân buộc lạp thư, sà xuống.
- Cám ơn thư điểu – Nguyễn Trãi vuốt nhẹ lên mình chim rồi lấy bức lạp thư, mở ra đọc.

“Thiếp Nguyễn Thị Lộ kính trình Tướng công.
Mọi việc đều diễn ra đúng như Tướng công trù liệu. Sư thầy Thích Chân Như cùng Chân Tín, Cả Khuê, Nguyên Phong, Tiểu Mai… đã  cùng thiếp hoàn tất mọi việc. Tiệp dư  Ngô Thị Ngọc Dao đã sinh Hoàng nhi. Hoàng thượng đã ban tên chữ Lê Tư Thành cho Ấu vương và bố cáo với trăm họ. Tiệp dư và Hoàng nhi đang trên đường ra An Bang như kế sách của Tướng công. Thiếp không đi theo hầu xa giá. Hoàng thượng muốn thiếp về với Tướng công trước để Tướng công yên lòng…”

Ức Trai nhìn lên bầu trời, nơi bóng con điểu thư chỉ còn là một chấm nhỏ rồi mất hút. Ông thầm cảm tạ trời đất đã phù hộ cho Tiệp dư và Hoàng tử. Chà, đức vua đã đặt cho Hoàng tử một cái tên quá đẹp: Lê Tư Thành. Mà sao nàng lại gọi là Ấu vương? Nàng đã tiên cảm được tương lai của hoàng tử rồi sao? Vậy là chỉ đêm nay,Tiệp dư và hoàng tử Lê Tư Thành sẽ ra tới An Bang, nơi mà quan An phủ sứ Nguyễn Nhật Thăng, bạn của Trãi này đã trù liệu mọi bề. Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh dù có ba đầu sáu tay cũng không thể hãm hại Tiệp dư và Ấu vương được nữa.
Thời gian còn lại, Ức Trai tưởng như mình đang trong cõi mộng du. Ông thấy mình như trôi về những ngày tự giam cầm ở góc thành nam. “ Góc thành nam, lều một căn. No nước uống thiếu cơm ăn”…Đó là những ngày bế tắc nhất của đời ông. Nếu không gặp nàng bán chiếu bên hồ Tây chiều ấy, đời ông sẽ ra sao?Trời ơi, nàng thông thái mà bí ẩn, trẻ trung mà sâu sắc, duyên dáng mà tinh nghịch. “ Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ. Chồng còn chưa có, hỏi chi con?” Thơ ứng tác mà uyên thâm, bác học. Nàng làm ta say từ phút gặp ban đầu. Không có nàng, có lẽ ta không đi nổi con đường vào xứ Thanh, không đủ sức vượt qua những ngày nằm gai nếm mật: “ Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần. Lúc Khôi Huyện quân không một lữ…” Và những ngày mũ áo xênh xang, vênh váo công thần, nhưng ta cô đơn biết bao, nếu không có nàng ở bên. Nàng không sợ đầu rơi máu chảy, quyết quì trước điện rồng kêu oan cho ta khi đức Vua hạ ngục ta vì nghi  ta cùng mưu phản với Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Nàng không chỉ hội tụ tứ đức công dung ngôn hạnh mà còn hơn cả bậc anh hùng liệt nữ.
Những ngày ở Côn Sơn với Ức Trai dài như cả đời người. Bởi không có nàng bên cạnh. Người ta đồn từ ngày nàng được phong chức Lễ nghi Học sĩ, được hằng ngày ra vào cung cấm, được đức vua sủng ái, nàng đã có ý khác.
 Có phải vậy không?
 Nếu không có ý khác thì tại sao nàng lại sốt sắng tìm nàng Mẫn cho ta để đưa về Côn Sơn, trong khi bà hai Nhạn, lại ra sức cản phá? Không còn yêu Trãi này nữa nên nàng mới tìm người khác thay thế mình? Nàng mượn cớ ta ở Côn Sơn không thể không có người chăm bẵm giấc hòe, sớm khuya cơm nước, trong khi nàng phải hầu vua ở Thăng Long. “ Tướng công không nghe thiếp, thiếp buộc phải  xin đức vua theo Tướng công về Côn Sơn cùng người” – Nàng giận dỗi bảo vậy. Ta nói với nàng:“Thì ta ở một mình có sao đâu. Nàng đừng vì ta mà trái lệnh Hoàng thượng”. Nàng lại bảo:“ Nhưng Tướng công phải đưa nàng  Mẫn đi theo. Nàng Mẫn là người bên họ vợ chú Nguyễn Thư. Thiếp phải thân hành vào Cổ Họach thỉnh ý chú. Sểnh cha còn chú mà. Chú Nguyễn Thư bảo: “Từ ngày sư huynh Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt sang Tàu, mọi việc trong họ chú đều hỏi ý trưởng đích Ức Trai. Quan Nhập nội Hành khiển bây giờ là nguyên khí quốc gia chứ không còn là của riêng dòng họ Nguyễn nhà ta, cho nên tìm cho quan Thừa Chỉ một người hầu thiếp thì không ai bằng Phạm Thị Mẫn.”Lý lẽ của nàng, Trãi này không thể bẻ được.
Nhắc đến chú Nguyễn Thư, lòng Ức Trai lại day dứt như người có lỗi. Lâu lắm rồi, có dễ dến hai năm, ông không về trang Cổ Hoạch, tức Canh Hoạch, vùng đất có tên nôm là làng Vác, để thăm ông già chú ruột của mình.
Số là, dòng họ Nguyễn Trãi vốn gốc ở làng Chi Ngãi, Chí Linh. Nhà nghèo, nhưng không muốn các con thất học, ông nội Nguyễn Trãi quyết định dời nhà về làng Nhị Khê huyện Thượng Phúc, vừa làm nghề dạy học, vừa bốc thuốc để nuôi ba con trai là Nguyễn Sùng, Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Thư ăn học. Nguyễn Ứng Long được mời làm gia sư cho nhà quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, dạy cô con gái lớn Trần Thị Thái. Rồi hai người yêu nhau, có mang Nguyễn Trãi. Quan Tư đồ quí tài Nguyễn Ứng Long, gả con gái lớn cho, lại giúp cho học tiếp, Nguyễn Ứng Long đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, ứng thí, đỗ Thái học sinh năm Xương Phù thứ 8 (1384). Nhưng vua Trần vốn cổ hủ, chê Phi Khanh con thường dân mà dám lấy quận chúa, không bổ dụng. Phải tới triều Hồ, ông mới được mời làm quan, chức Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám.
Thời gian ấy, Nguyễn Thư lấy vợ, rồi lập nghiệp ở làng Canh Hoạch, Thanh Oai. Làng Nhị Khê cách làng Canh Hoạch mấy cánh đồng, đi chừng nửa buổi đường. Đường vào Nhị Khê có ngã ba Quán Gánh với bánh dày Quán Gánh nổi tiếng. Đường về Canh Hoạch có ngã tư Vác. Hai anh em, người ở Gánh, người ở Vác. Anh Gánh em Vác, phù giúp nhau,làm rạng danh dòng họ Nguyễn Chi Ngãi.(13)
Lại nói về cuộc tình duyên éo le giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ngày Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở thành Đông Quan. Khi ấy, nếu không có ông chú ruột  ở làng Vác chắc cũng khó thành. Bà Lộ coi cụ đồ Nguyễn Thư như nghĩa phụ, có việc gì cũng đến thỉnh giáo. Việc Nguyễn Trãi về Côn Sơn một mình, khiến bà Lộ canh cánh không yên. Ý định chọn một người thiếp cho Nguyễn Trãi khiến bà tức tốc vào Canh Hoạch thỉnh giáo ông chú ruột. Nào ngờ ông già còn sốt sắng hơn. Cụ mở sách tử vi tính toán một hồi lâu rồi vã hết mồ hôi, lắc đầu bảo:
- Quan Hành Khiển không thể ở Côn Sơn một mình. Tuổi Canh Thân, năm Tuất có các sao Kiếp sát, Đà la, Thiên hình, Phục binh, Phá quân đóng ở cung Mệnh; Tang môn, Cự môn, Đẩu quân, Lưu hà ở cung Thân, lại có Địa không, Kình dương, Thái tuế, Thiên hư, Thiên khốc xung chiếu; Tuần, Triệt ở cung Nô, cung Phúc. Đại hiểm họa. Chỉ có người tuổi Nhâm Thìn  may ra mới giúp được phần nào...
Bà Lộ nói:
- Quan Nhập nội Thái bảo Bùi Quốc Hưng bấm quẻ, cũng nói năm Tuất, Ức Trai gặp sao Thái Bạch, La hầu…Xin nghĩa phụ tìm giúp Tướng công con một người tuổi Nhâm Thìn, để gánh đỡ…
Cụ đồ Nguyễn Thư trầm ngâm một hồi, rồi bỗng à lên:
- Chỉ có người này mới cứu giúp được quan Hành Khiển. Ta nhớ ra rồi. Nàng Phạm Thị Mẫn, tuổi Nhâm Thìn, con gái ông Cử Nhuần ở Thụy Phú, Phú Xuyên. Đẹp người đẹp nết. Chỉ phải khí đứng tuổi… Nhưng thế mới tam hợp. Nàng Mẫn mà về Côn Sơn với Ức Trai thì vẹn cả đôi đường. Để ta đánh tiếng với ông bà  Cử Nhuần xem sao…
Đích thân cụ Đồ Thư sai bà Lộ sửa lễ, rồi cụ dẫn bà xuống Thụy Phú, thưa chuyện với ông bà Cử Nhuần. Chạm mặt nàng Mẫn, bà Lộ ưng ngay. Người như thế mới giúp bà yên tâm phần nào khi Ức Trai về ẩn dật ở Côn Sơn.
Cuộc nhân duyên với nàng Phạm Thị Mẫn, thực ra là cuộc sắp đặt của quan Lễ nghi Học sĩ - Ức Trai thường tâm niệm như vậy. Hay nói đúng hơn nàng Lộ đã thay tạo hóa tác thành cho Trãi này. Càng ngẫm, Ức Trai càng thấy tình yêu của nàng đã vượt mọi tầm cỡ của giới đàn bà. Nàng Phạm Thị Mẫn  bằng tuổi con gái lớn Nguyễn Thị Trà của ta. Thực tình thì Trãi này  rất ngại. Nhưng nàng ép quá, ta đành ưng thuận. Sống với nàng Mẫn ở Côn Sơn, nhưng ta không thể nguôi quên nàng.

 “ Hầu nên khôn lại tiếc khuâng khuâng
Thu đến đêm qua cảm vả mừng
Một tiếng chày đâu đâm cối nguyệt
Khoan khoan những lệ ác tan vừng…”(14)

 Nàng muốn ta thay nàng bằng nàng Mẫn. Ta sống hằng ngày với nàng Mẫn để dần quên nàng. Nàng ác với ta quá. Nhưng càng xa nàng, ta càng không thể. Hầu nên khôn lại tiếc khuâng khuâng…Tiếc lắm. Xa nàng nhưng có ngày nào Trãi này nguôi
quên nàng. Thảng hoặc có tin từ kinh về, mách nàng được vua Nguyên Long sủng ái, ta thấy mừng mà lại thấy lo. Lại có kẻ giả chữ giám quan Đinh Phúc, Đinh Thắng viết cho ta nói nàng Lộ …đã khác. Lừa được Trãi này đâu phải dễ, nhìn chữ là biết chân, giả . Lại có người bóng gió: Ta “phá chấp tòng quyền” dám để vợ ở bên vua, để trục lợi. Đau lắm chứ. Bọn người ấy chỉ nghĩ gần mà không nghĩ xa. Ta đâu“phá chấp tòng quyền” bằng mọi giá, mà là “tuỳ thời phá chấp”. Bởi ta dám nghĩ đến cả việc giáo hoá ông vua trẻ. Đã có hồi bọn lão thần chúng ta, những Nguyễn Mộng Tuân cùng Phan Thiên Tước, Nguyễn Thiên Tích, Lý Tử Tấn… vào kinh diên đánh vật với chữ nghĩa mà vua có nghe đâu? Chỉ có nàng Lộ mới giảng sách được cho vua, mới cảm hoá nổi một thiếu quân hung hăng thành một minh quân khoan từ. Cho nên ta chấp nhận chịu tai tiếng với đời, để chăm lo cho quốc sự…
- Dạ thưa Tướng công…
Có tiếng của nàng Mẫn phía sau khiến Ức Trai giật mình quay lại.
- Dạ thưa …Thuyền của quan bà từ kinh sư đang về.
Ức Trai thảng thốt hỏi lại:
- Quan Lễ nghi Học sĩ đến bến thuyền rồi chăng?
- Dạ, thiếp đã nói người nhà làm cơm đãi quan bà và anh Cả Khuê cùng mọi người…
- Cả Khuê và Nguyên Phong còn ra An Bang.. Có lẽ chỉ mình nàng Lộ về thôi…
Ức Trai lập cập dời thư phòng. Rồi ông đứng sững, nhìn người thiếp hồi lâu.  Gương mặt nàng Mẫn tái nhợt, nhịp thở gấp gáp, nơi yết hầu phập phồng.
- Sao nàng thở gấp vậy? Hình như nàng đã…?
- Dạ…Không sao đâu... Chỉ vì thiếp mừng khi thấy quan bà về với Tướng công.
- Vậy ư? Nàng đừng gọi là quan bà. Xa cách lắm. Hãy gọi là chị Lộ- Ức Trai cười sảng khoái – Ta cũng mong như nàng. Vậy thì chúng ta cùng ra bến thuyền nhé.
         

                                           ***


Bây giờ nói về quan Lễ nghi Học sĩ.
Sau khi chia tay mẹ con Tiệp dư  Ngọc Dao ở cửa Lục Đầu, thuyền bà Lộ không về Côn Sơn ngay mà rẽ xuống vùng Trần triều hải khẩu, qua Mỹ Xá, ghé lò gốm Chu Trang.
Số là, lò gốm Chu Trang của ông Đặng Sỹ mới hình thành hơn chục năm nay, nhưng đã tạo nên thương hiệu gốm Chu Đậu với chất men lam nổi tiếng khắp lộ Nam Sách, sánh ngang với gốm sứ Bát Tràng vốn đã vang danh từ lâu. Người ta bảo rằng gốm Chu Trang là  loại sản vật độc nhất vô nhị vì nó được làm bằng nước thiêng Lục Đầu, lửa thiêng Nam Sách và đất thiêng Chu Đậu. Ngày  xây cất lò gốm mới Chu Trang, chủ nhân là Đặng Sỹ đã thân lên kinh đô rước quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng rồi sang Côn Sơn rước quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi về khai lễ. Ghé thăm lò gốm lần này, ý quan Lễ nghi Học sĩ muốn Ức Trai dành cho cuộc tiếp đón đức vua sắp tới những món quà độc đáo bất ngờ.
Cuộc hội ngộ giữa Ức Trai và quan Lễ nghi Học sĩ, ban đầu có vẻ quan cách, khách sáo và giả tạo. Giữa đông người, họ như che giấu mình đi. Chỉ riêng nàng Mẫn là nhận ra cái lõi của mối duyên ngầm giữa hai người. Có một thoáng, ánh mắt họ gặp nhau. Nàng Mẫn rùng mình, tưởng như vừa mất đi tất cả. Hai ánh mắt họ như hai dòng ánh sáng quấn bện vào nhau, hút lấy nhau. Họ như trẻ lại thời mười tám, đôi mươi. Từ ngày về hầu hạ Tướng công, nàng Mẫn chưa từng thấy ánh mắt ấy giành cho mình bao giờ.
Đêm ấy,Côn Sơn có mưa.
Cuộc gặp gỡ giữa Ức Trai và người tình muôn thuở Nguyễn Thị Lộ cảm động đến đất trời, khiến Ngưu Lang, Chức Nữ lại tái hồi để tuôn mưa xuống hạ giới chăng?
Phải đến lúc chỉ có hai người trong khuê phòng, bà Lộ mới nằm gọn trong vòng tay Ức Trai mà thổn thức. Bao nhiêu thương nhớ, giận hờn, âu yếm dồn tích lại. Tưởng như họ trở lại thuở làng Mai, hàn vi mà căng tràn sức trẻ. Sao chàng lại gửi cho thiếp bài thơ xé ruột xé gan như thế: “Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng. Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng…” Chàng giễu nhại thiếp, hắt hủi thiếp, cho rằng thiếp đã là khách lầu hồng sao? Đầm ấm gì nào?Hằng ngày giữa nơi hậu cung, khoác chiếc áo Lễ nghi Học sĩ khác nào sống giữa muôn ngàn lưỡi đao, ngọn giáo, giữa trăm nghìn ánh mắt ghẻ lạnh soi mói giết người không gươm. Hoàng hậu độc địa, thâm hiểm, nanh ác như hổ cái rình mồi. Đám phi tần thì lăng loàn vô học. Bọn thị nữ thì tham lam, lười biếng. Lũ hoạn quan như cú vọ, hồ ly. Cánh Lam Sơn hội kéo bè kéo đảng như hùm beo cẩu trệ, khiến kẻ sĩ ngán ngẩm, người ngảnh mặt làm ngơ, người tìm cách co mình sống yên thân. Còn Hoàng thượng thì không ra trẻ con, chẳng ra người lớn. Mới mười chín tuổi đã có tới sáu vợ, và mấy chục cung tần…Ấy đừng, nàng không được phạm thượng như vậy. Đức vua là Thiên tử, con Trời… Thiếp chỉ nói riêng với chàng thôi. Trước kia thiếp thất vọng về đức vua mười phần, thì nay chỉ còn hai ba phần. Mừng nhất là Hoàng thượng đã không còn nghe lời xúi bẩy của Thị Anh trong việc đuổi Tiệp dư ra khỏi chùa Huy Văn. Thế nên thiếp đã hoàn thành bổn phận mà Tướng công và quan Thái bảo Ngô Từ ủy thác. Chàng biết không? Hoàng tử Tư Thành sinh ra trên trán đã có dấu ấn của con Trời… Ta biết, đây không phải là một người thường. Rồi người này sẽ làm rạng danh nước Việt, làm cho triều Lê ta hiển hách … Tiếc rằng ta không có duyên nghiệp với người…
Tiếng thở dài của Ức Trai khiến nàng Lộ giật mình. Nàng đang mơ màng phiêu du. Nàng thấy mình đang cùng Ức Trai dong thuyền ra An Bang để thăm mẹ con Tiệp dư Ngọc Dao.

 “ Sóc phong xuy hải khí lăng lăng.
 Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.
 Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc.
 Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng…”

 ( Biển rung gió bấc thổi băng băng.
  Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Đằng.
  Kình ngạc băm vằm non mấy khúc.
  Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng…)(15)

 Bài thơ ấy Tướng công làm trong chuyến đi duyệt thủy quân cùng tướng quân Nguyễn Nhật Thăng năm nào, thiếp vẫn thuộc. Kìa, sao Tướng công lại thở dài?Chuyến này đức vua thân hành xuống mời Tướng công về triều, chắc chàng không thể thoái thác. Thú thật với chàng, chính thiếp cũng không thể ngờ Hoàng thượng lại trưởng thành nhanh đến vậy. Từ sau ngày Hoàng thượng thân chinh đi dẹp quân man ở châu Phục Lễ ngài đã có dáng dấp của một đấng quân vương…Dáng dấp thôi ư? Thế thì sao nàng lại khuyên ta bỏ Côn Sơn về triều? Vì sao ư?Chàng không nhớ câu ngạn ngữ : Uốn tre đừng đợi tre già, đó sao?Đất nước chỉ hưng thịnh khi có một ông vua anh minh sáng láng, biết sử dụng người hiền tài, biết chăm lo cho muôn dân trăm họ. Lê Nguyên Long sớm mồ côi mẹ, nên được đức Tiên đế nuông chiều, tựa như một cây con trồng dưới bóng rợp, dễ bị cớm, bị èo uột, bị sâu bệnh. Nhưng trong con người đó có khí chất bậc quân vương. Muốn đất nước có một vị vua anh minh sáng láng cần có nhiều người tài phò giúp. Mà người tài nhất, cần cho xã tắc nhất lúc này là chàng…
Ức Trai trở mình, ôm gọn tấm thân nóng ấm thơm phức mùi thanh hao, thứ lá thơm Côn Sơn mà lần nào về nàng cũng xông tắm. Ông cảm nhận hết những đường cong tuyệt vời của nàng vẫn mềm mại, nồng nàn như thuở nào.
Đức vua sai nàng về thuyết phục ta ư?- Ức Trai tinh nghịch chà sát chòm râu bạc vào má nàng - Ta không dám trái mệnh vua, nhưng trong lòng ta đã nguội lạnh. Bao hoài bão xây dựng một đất nước mà trăm họ sống thanh bình, xóm thôn âu ca, gia đình hòa thuận…còn quá xa vời. Mới mười lăm năm sau bao chiến công hiển hách, mà triều chính đã suy vi, vua nghi tôi, em giết anh, vợ lừa chồng; lộng thần, kiêu binh coi phận người như cỏ rác. Đám kẻ sĩ thì như gà phải cáo, kẻ uốn mình, múa mép cầu vinh, người mũ ni che tai quay lưng bảo mạng…Trãi này, kẻ trói gà không nổi, chỉ biết mang chút học vấn tầm thường ra giúp nước, mang lòng trung để phò vua. Nhưng tìm đâu ra vua sáng, chúa minh? Đành như Bá Di, Thúc Tề trốn vào núi Thú Dương để khỏi phải ăn thóc nhà Chu. Côn Sơn với ta cũng như núi Thú Dương vậy. Thông, trúc, cỏ cây, nước suối đủ nuôi ta để không vướng bụi trần. Nàng dọa, nếu ta không hồi triều thì nàng sẽ xin huyền chức Lễ nghi Học sĩ. Thì chiều nàng, ta sẽ về. Vào ngày 22 tháng tám tới, là ngày kị nhật  đức Tiên đế Lê Thái Tổ. Ta sẽ mang bộ “Quôc triều Hình luật” về dâng Tiên đế và đức Vua, rồi ta xin đức vua cho tấm thân già này về lại Côn Sơn…“ Vấn quan hà bất quy khứ lai? Bán sinh trần thổ trường giao cốc?” Câu hỏi ấy luôn xoáy trong đầu ta, nàng biết không? Vậy thì đừng ngủ vội nhé. Ta mới làm bài “Côn Sơn ca”. Để ta đọc nàng nghe:

Côn Sơn hữu tuyền
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tẩy đài phô bích
Ngô dĩ vi đạm tịch
Nham trung hữu tùng
Vạn lí thúy đồng đồng
Ngô ư thị hồ yến tức kỳ trung.
Lâm trung hữu trúc
Thiên mẫu ẩn hàn lục
Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kỳ trắc…

( Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn…)

Tiếng nàng Lộ thở đều đều. Ta chưa đọc hết “Côn Sơn ca”mà nàng đã ngủ rồi ư? Không biết vì thơ của ta dở quá, hay ngoài kia mưa tí tách trên mái lá, tiếng suối chảy róc rách, tiếng thông reo, tiếng nai tác rừng xa... đã ru nàng? Ôi, hèn chi nàng trẻ lâu đến vậy. Nàng thật vô tư, vô lo vô nghĩ. Mà thôi, ta c đọc tiếp. Cho chính ta nghe:

Vấn quân hà bất quy khứ lai
Bán sinh trần thổ trường giao cốc
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên
Ẩm thủy phạm sơ tùy phận túc…

( Về đi sao chẳng sớm toan
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi?
Muôn chung chín vạc làm gì?
Cơm rau nước lã nên tùy phận thôi…)(16)

Bên ngực Nguyễn Trãi bỗng rung nhẹ. Nàng Lộ bật khóc. Chao ôi, thì ra nàng chưa hề ngủ. Sao ta lại đọc thơ vào lúc này nhỉ? Người như nàng, nghe thơ ấy, sao mà ngủ được?
Nguyễn Trãi xoay người, nàng Lộ choàng tay ôm riết lấy ông. Nước mắt nàng ướt cả chòm râu ông.
Thôi nào,nín đi, ngủ đi…
 Nhưng kìa, sao có tiếng thổn thức ở đâu nữa?
Ai?
Ức Trai lắng tai, rồi chợt lạnh người. Phòng bên, nàng Mẫn đang dỗi hờn với nàng Lộ. Mẫn đang thút thít khóc.Thì ra những người đàn bà họ thường rất biết rõ về nhau. Lúc nửa đêm, nàng Lộ khuyên ta về phòng với nàng Mẫn: “Dì Mẫn có thai rồi đấy. Vậy  là chú Đồ Thư đã tiên đoán không sai. Con người tuổi Nhâm thìn này sẽ gánh hết vận hạn cho họ Nguyễn nhà ta. Nàng Mẫn sẽ sinh cho Tướng công một quí tử”.
Trãi này thấy xấu hổ với nàng. Tuổi ngoại lục thập mà còn sinh con ư? Nàng Lộ bảo:“Chàng không nhớ tích Lão Bạng sinh châu sao? Tuổi như chàng sinh quí tử là đại phúc.”
 Ôi, nàng khéo tìm cách an ủi ta. Nàng Lộ ơi, ta có tội với nàng. Bao nhiêu năm ta khao khát có một đứa con với nàng. Mà không thể!




Chú thích

   (1) Sách Luận ngữ: “Tử Kinh thiện cư thất” ( Công tử Kinh người nước Vệ khéo làm nhà ở). 
                   (2) Tam quán: Chiêu văn quán, Tập hiền viện, Sử quán, ba chức mà Nguyễn Trãi kiêm.
 (3)Theo Website Nguyễn Xuân tộc phả.
                    (4) Ngôn chính thi – 3- Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.
  ( 5) Ngôn chính thi -2) Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.        
                  (6) Ngôn chính thi -7- Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.
 (7) Thuật hứng -23- Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.
 (8)Thuật hứng-24- Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.
 (9) Tự thán -2- Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.
 (10) Tự thán – 12- Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.
(11) Sử ký Tư Mã Thiên.
(12) Văn sách thi Đình của trạng nguyên Nguyễn Trực.
(13)Theo gia phả họ Nguyến Canh Hoạch, Thanh Oai, Hà Nội. Chi họ Nguyễn này đến vụ án Lệ Chi viên, phải đổi thành họ Phạm để tránh họa tru di. Sau có hai người đỗ Tiến sĩ là Phạm Bá Ký, tức Nguyễn Bá Ký, Tiến sĩ khoa Quý mùi, Quang Thuận thứ 4, 1463 và cháu nội là Nguyễn Khuông Lễ, Tiến sĩ Ất Mùi, Đại Chính thứ 6, 1535. Hai người đỗ trạng nguyên là Nguyễn Đức Lượng( con Nguyễn Bá Ký, bố Nguyễn Khuông Lễ), trạng nguyên năm Giáp Tuất, Hồng Thuận thứ 6, đời Lê Tương Dực,1514 và Nguyễn Thiến, trạng nguyên năm 1532, triều Mạc Đăng Doanh. Trạng nguyên Nguyễn Thiến, chính là tổ phụ dòng họ Nguyễn Tiên Điền, Hà Tĩnh, sản sinh đại thi hào Nguyễn Du.
(14) Tích thị cảnh – 1. Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi.
(15) Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình dịch (NB Văn Hoá - Viện Văn học, Hà Nội -1962.
 (16) Côn Sơn ca- Ức Trai thi tập. Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình dịch. NB Văn Hoá- Viện Văn học, Hà Nội, 1962..

(Xem tiếp chương 10 kỳ sau)
                          










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét