Nhãn

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Ký ức làng Cùa




Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

             Chương chín  (Tiếp theo)
 

Sau khi rời khỏi làng Cùa, cuộc đời Nhân lại sa vào một bi kịch. Hôm ấy, bụng mang dạ chửa, Nhân cắp gói quần áo đi dọc triền đê, mấy lần định nhảy xuống sông Lăng nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng lại chần chừ không nỡ. Khoảng nửa chiều có con đò dọc đậu ở bến Tam Giang sắp xuôi Vạn Giã, cô đánh liều bước xuống xin đi nhờ về kẻ Lủ. Nhìn thấy cô gái xinh đẹp ăn mặc nền nã tay chủ đồng ý ngay. Hắn ta trạc ba tư ba nhăm, rậm râu, tóc húi móng lừa, bắp tay bắp chân cuồn cuộn, ngực nở mày rậm, đặc biệt cặp mắt hoang dại như mắt chó sói nhìn ai cũng muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Nhưng bà chủ thuyền còn ghê gớm hơn nhiều. Mụ ta có khi phải hơn chồng năm bảy tuổi, nhác trông chẳng khác gì loại Tú Bà chuyên nghề buôn son bán phấn, đã hết thời xuân sắc phải xuống sông chạy đò dọc. Nhìn thấy Nhân, bà ta ghét lắm định tống cổ lên bờ. Ngữ này cho xuống thuyền chỉ hỏng đám chân sào. Chưa biết chừng gã chồng háo sắc nát rượu kia cũng thèm rỏ rãi cũng nên. Nghĩ vậy mụ ta gọi Nhân vào trong khoang hỏi :
- Cô tên là gì?
- Thưa bà, cháu tên là Nhân.
- Quê quán?
- Thưa . . .ở làng . . .Yên Ninh. -  Nhân buột miệng nói dối.
- Cô có mang phải không?
- Cháu . . .chót dại.
Bà chủ thuyền gật đầu khẽ “hừ” một tiếng :
- Hiểu rồi. . . Bây giờ phải cho cái thai ra đã.
- Thưa bà! Cháu…

- Không muốn thì thôi nhưng ở đây là phải làm việc.
- Xin bà làm phúc cưu mang, việc gì cháu cũng làm.
- Vậy thì được.
Công việc trên đò dọc không thiếu. Ngay chiều hôm ấy Nhân đã phải khênh những sọt dưa hấu lên bờ cùng với một thằng bé da đen nhẻm chừng mười một mười hai tuổi. Chuyến cuối cùng, vừa bước lên ván cầu thì Nhân bị trượt chân rơi xuống bến. Sau khi được cánh chân sào đưa lên thuyền, mọi người mới biết cô bị trụy thai, đẻ non. Máu ra ướt đẫm chiếc váy sồi. Đứa bé chỉ ngọ ngoạy được một lúc rồi tắt thở. Nhìn thấy Nhân nằm thiêm thiếp dưới khoang mụ chủ cau có bảo:
- Để đàn bà đẻ trong thuyền là làm ăn xúi quẩy. Phải đưa cô ta lên bờ thôi.
 Tay chồng lắc đầu:
- Đừng, phải tội chết.
- Tội lội xuống sông. – Bà vợ gườm gườm lườm ông chồng trẻ - Đúng là cái đồ háo sắc, nhìn thấy gái cứ quýnh lên, bây giờ lấy cả tiền vốn ra mà nuôi báo cô nó.
Gã chủ thuyền văng tục:
- Mẹ kiếp! Chỉ tại bà bắt người ta khênh nặng mới ra như thế. Những việc ấy là của đàn ông cơ mà, hay là bà muốn chơi xỏ tôi?
- Ông im đi! – Mụ chủ mà dân vạn đò vẫn gọi là Sáo Sậu, cầm tinh cọp, vênh mặt chì chiết - Đang yên đang lành thì rước cái của nợ ấy lên thuyền. Nếu phải lòng nó thì mang nhau đi nơi khác, để ở đây ăn bám là không yên với con này.
- Tưởng gì chuyện ấy thì  dễ…- Hắn chạy huỳnh huỵch vào khoang lôi ra chiếc bị cói nhét mấy bộ quần áo vào rồi gọi mấy gã chân sào – Phiền các anh đưa cô Nhân lên cái quán cạnh gốc bàng trên kia giúp tôi.
Sáo Sậu tưởng chồng dọa, ai ngờ hắn đi thật đâm hoảng : 
- Mới nói thế đã tự ái. Thôi thì cứ để cô ta ở lại ít hôm, sau sẽ tính.
Phải nói vậy tức là Sáo Sậu đã chịu xuống thang, nhưng đấy chỉ là giải pháp tình thế nhằm giữ chân ông chồng chứ thực ra trong lòng mụ đang chết cay chết đắng.  Con bé mỏng mày hay hạt, mắt sắc như dao cau, không chồng mà chửa hẳn là phường mèo mả gà đồng. Nó khác gì loài hồ ly tinh bất cứ lúc nào cũng có thể gieo tai hoạ cho người khác.
Quá nửa đêm vào lúc mụ chủ thuyền đang mơ mơ màng màng chợt nghe thấy phía mũi khoang có tiếng to nhỏ. Hay là một thằng chân sào nào mò vào. Không phải. Bọn chân sào sau một ngày kéo thuyền mệt nhọc đang ngáy như sấm trong khoang Vậy là chỉ có hắn. Đồ khốn nạn. Con đàn bà vừa mới đẻ non, máu còn dầm dề thế mà đã ngứa ngáy. Mụ rón rén như mèo rình chuột dỏng tai áp sát vách thủng. Trong khoang chồng mụ đang dỗ dành cô gái:
- Chuyện đã lỡ như thế cô đừng trách bà ấy nữa. Ngày mai đi đến bến Lác tôi sẽ cắt thuốc  ông lang Tiếm sắc cho mà uống, độ dăm hôm là khỏi.
Tiếng Nhân:
- Tôi cùng đường mới phải bước chân xuống nhờ đò dọc vậy mà bà ấy đối xử tàn tệ quá. Những người nhẫn tâm như vậy sau này tất bị quả báo.
- Thì ra con này ghê gớm thật. – Sáo Sậu nghiến răng ken két - Được rồi mày sẽ biết tay bà.
Sáng hôm sau, mụ chủ thuyền thản nhiên như đêm qua không có chuyện gì xẩy ra, đợi ông chồng lên bờ cắt thuốc, lân la đến chỗ Nhân nằm, giọng ngọt như mía lùi:
- Đàn bà nhiều lúc bực bõ gắt gỏng không đâu, em bỏ quá cho chị. Chốc nữa anh Sỹ về, chị sẽ sắc thuốc, em cố mà uống cho mau lại sức.
Nhân vẫn còn mệt, nghe giọng bà chủ quay quắt, bán tín bán nghi, nhưng đến trưa, khi mụ ta bưng bát thuốc còn nóng hổi đưa tận tay cho mình thì cô cảm động rơi nước mắt.
Một tuần sau, lúc ấy đã khuya, Nhân đang thiu thiu ngủ, chợt thấy tiếng động nhẹ phía sau khoang. Bụng thầm nghĩ, chắc lại là anh ta. Người cô run lên vì sợ. Sao cái số mình nó khổ thế. Bà ta mà phát hiện ra thì biết thanh minh thế nào đây. Đêm ấy trăng suông. Con thuyền chở đằm, xuôi gió, bánh lái kẽo kẹt mỗi khi lão Đô ngủ gật để thuyền chệch hướng. Lá buồm cánh dơi bay lật phật. Hơi sương thấm ướt cả lớp vải bố nhuộm nâu thỉnh thoảng nhăn nhúm vì luồng gió quẩn. Bóng đen lặng lẽ đến gần rồi bất ngờ ấn mạnh cuộn giẻ vào mồm Nhân. Hai cánh tay hộ pháp của người đàn ông ôm cứng lấy cô chui nhanh ra ngoài. Cô chỉ ú ớ được mấy tiếng thì đã bị quẳng xuống sông. Trong lúc giãy giụa, thật may, cuộn giẻ bật ra, Nhân chới với giữa dòng nước, cố sức bơi ngửa để giữ thăng bằng. Hồi còn ở làng Cùa, Nhân đã nhiều lần bơi ra doi cát giữa sông vớt củi, nhưng đấy là ban ngày, còn lúc ấy, giữa đêm hôm khuya khoắt, nhìn đâu cũng thấy mênh mông nước chẳng biết chỗ nào là bờ. Trăng hạ tuần đã lặn nhưng trời vẫn còn lưa thưa mấy đốm sao. Mặt sông loang loáng những con sóng nhún nhảy tạo thành tiếng lóc bóc lúc gần lúc xa giống hệt tiếng súng làm bằng tàu chuối hột của lũ trẻ con. Nước phù sa lạnh toát. Nhân nhắm mắt khua tay bơi trong tình thế tuyệt vọng. Người vừa bị  mất máu lại dầm nước như thế này, chỉ cần một cơn chuột rút là cái chết cầm chắc trong tay. Nhưng rồi Nhân chạm phải một vật lừ lừ trôi ngay bên cạnh. Một cây chuối. Vậy là sống rồi. Nhân thầm reo lên. Cô bám chắc, xoay theo chiều cắt ngang dòng nước, hướng về phía bên trái. Thời gian chậm chạp trôi đi. Nhân kiên trì nhích dần từng đoạn cố sức chống chọi với dòng chảy chẳng hiểu sao mỗi lúc một mạnh.
Sáng sớm, có hai gã đàn ông ăn mặc theo kiểu lái buôn đi trên con thuyền gỗ nhỏ nhìn thấy Nhân nằm gục giữa dải cát cách bờ một đoạn liền chống sào đưa cô lên khoang. Hai người này chính là tay chân của tướng phỉ Lý Quán. Chúng thường giả làm dân đò dọc thám thính các tổng vùng hạ nguồn sông Vệ rồi tổ chức cướp tiền vàng hoặc trưng thu lương thực của bọn nhà giàu cho sơn trại. Nhìn thấy Nhân, Lý Quán mê ngay. Ông ta có hai vợ nhưng đều đã chết. Vợ cả bị mất xác trong trận Nhật ném bom Đồng Quan. Vợ hai bị rắn khô mộc cắn ở rừng Mai Lĩnh, về đến trại thì đã quá chậm, không cứu được. Phận đàn bà, rơi vào hoàn cảnh ấy, Nhân không còn cách lựa chọn nào khác, nhưng cô ta đưa ra một yêu cầu phải bắt cho được mụ chủ thuyền độc ác trên sông Lăng mới chấp nhận gá nghĩa với ông ta. Quân thám thính của Lý Quán lang thang dọc các bến hơn hai tháng thì tìm ra tung tích con đò dọc. Lúc ấy có lẽ vì sợ lộ tung tích nên Sáo Sậu bắt chồng xuôi xuống Ngã ba Môi, ngược lên sông Vệ làm ăn ở khu vực bến An Đồng. Hai tên phỉ giả làm lái buôn vải phải trả công vận chuyển khá cao, hứa sẽ thưởng thêm sau khi hoàn thành mới lừa được Sáo Sậu về bến Tam Giang. Chập tối ngày mười bốn, đang trên đường đi Cổ Trai, đến quãng vắng, hai tên phỉ rút súng uy hiếp tay chủ thuyền và cánh chân sào, trói gô lại nhét giẻ vào mồm rồi lôi Sáo Sậu xuống chiếc thuyền đánh cá đậu gần đấy. Mụ ta ngơ ngác không biết chuyện gì xẩy ra thì bị một trong hai lái buôn chặt cho một nhát vào gáy.
Nhìn thấy Nhân ở sơn trại, mặt mụ chủ thuyền tái nhợt, quỳ xuống vái lấy vái để xin tha mạng. Cô ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo Lý Quán:
- Hay là tha cho bà ta.
Ông trùm phỉ lắc đầu:
- Đối với loại nặc nô như thế này không thể không trị tội. Mình quên là mụ đã sai thằng chân sào ném xuống sông rồi sao? Phải xử bắn.
Nhân ngập ngừng:
- Làm thế liệu có  nhẫn tâm quá không?
Lý Quán cười gằn:
- Không đâu. Tội ác của nó phải xử lăng trì mới đúng.
Nói rồi ông trùm phỉ vẫy tay về phía sau. Hai tên còn khá trẻ tóc tai bờm xờm như người rừng khoác súng xuất hiện lôi Sáo Sậu vào rừng. Chừng nửa khắc, có hai tiếng nổ rất gần làm Nhân giật thót người.
Lễ cưới được cử hành khá cầu kỳ theo nghi thức của người Tàu. Lý Quán trong bộ y phục võ quan Quốc dân đảng, ngực cài bông hoa lụa đỏ bằng cái đĩa sứ Giang Tây nâng chén tươi cười mời quan khách. Quan khách ở đây không phải ai khác mà chính là đám lâu la ăn mặc tạp nham, mặt mũi hốc hác, râu tóc lâu ngày không cạo chẳng khác gì đám ăn mày đói khát. Khúc Thị Nhân đầu trùm khăn đỏ, ngồi cạnh bang trưởng im lặng như một pho tượng. Khúc Luận cũng được lôi vào đội quân phục dịch, nghĩa là phụ giúp mấy gã nhà bếp những việc lặt vặt. Nhìn thái độ ngạo mạn của Lý Quán, cậu công tử làng Cùa tức đầy ruột, thầm nghĩ “Giờ mà có khẩu súng ông sẽ cho mày một phát rồi muốn ra sao thì ra”. Trong giây lát hắn tưởng tượng ra cảnh tên phỉ bị bắn vỡ đầu, óc phọt ra hoà lẫn với máu thành một đám lầy nhầy vung vãi dưới đất. Hắn rê nòng khẩu tiểu liên Nhật vừa cướp được của tên mặt rỗ, hạ gục toán lâu la rồi kéo Nhân nhảy xuống đường hào. Đầu cô em họ vẫn còn trùm khăn đỏ. Hắn bực mình giật phắt, hoá ra tân nhân của Lý Quán là một con hồ ly trắng toát như tuyết. Hắn hoảng quá, người toát mồ hôi mắt trợn ngược như bị trúng gió. Một tên phỉ lấy cùi tay thúc vào mạng sườn hắn quát khẽ :
- Thằng này điên đấy à?
Bọn phỉ uống rượu theo đúng phong cách của các hảo hán Lương Sơn Bạc, tức là nốc ừng ực từng bát lớn, xong, khà một tiếng rồi mới nhón tay bốc thịt nhai nhồm nhoàm. Ngày vui của chủ tướng, ngay cả bọn gác ở các trại ngoại vi cũng được thả lỏng. Chúng tha hồ chạm cốc say tuý luý thậm chí nôn oẹ bừa bãi cũng không bị phạt. Đêm xuống, Lý Quán sai thắp đuốc cắm la liệt khắp sơn trại. Những ngọn đuốc cháy rần rật toả ra toả ra thứ ánh sáng hung hung đỏ cùng với đám khói đùng đục cuộn lại bốc lên cao toả mùi khét lẹt cay xộc lên  tận óc. Nốc rượu vào, bọn lục lâm phởn chí, vừa múa may quay cuồng vừa cất giọng lè nhè hát. Vào đúng lúc ấy có những bóng đen mặc áo trấn thủ từ dưới đường hào lần lượt chui lên. Họ nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí xung yếu rồi bất ngờ nổ súng vào đám cưới. Bọn thổ phỉ bị ma men  lấy hết đảm khí, phần lớn không kịp trở tay, ngã hàng loạt như cây chuối bị phạt ngang. Phía cuối đường hào nhoáng lên một quầng lửa. Vừa ném xong quả lựu đạn Nhật, tên mặt rỗ lại xả một loạt đạn làm một Việt Minh đang chạy khựng lại. Anh ta ngoẹo đầu sang một bên vai trước khi ngã xuống. Khúc Luận định nhảy xuống đường hào, nhưng chợt nhìn thấy khẩu tiểu liên của thằng phỉ cằm lẹm vừa bị trúng đạn Việt Minh, bèn vồ lấy nhằm gã mặt rỗ kéo cò. Tên ác ôn nhảy cẫng lên như bị vấp, khẩu súng rớt khỏi tay. Thấy hắn đã chết, Khúc Luận xô đống cây cột đổ lổng chổng đuổi theo Lý Quán. Sau khi luồn qua một đoạn hào khá dài, hắn nhìn thấp thoáng chiếc ngù vai bằng kim tuyến dưới ánh lửa chập chờn của mấy ngọn đuốc sắp tàn, liền nâng súng kéo hết cả băng đạn rồi lẩn vào một công sự mới đào nông choèn. Bỗng có tiếng quát:
- Đứng im! Bỏ súng xuống!
Khúc Luận giật mình nghĩ là sắp chết đến nơi. Trước mặt hắn là một Việt Minh còn trẻ, đuôi mắt có vết sẹo bằng hạt ngô, tay cầm súng lục hất hàm hỏi:
- Mày vừa bắn ai?
- Bắn Lý Quán.- Khúc Luận lập cập nói – Tôi vừa nhìn thấy vợ chồng nó chạy theo đường hào kia lên rừng.
- Làm phỉ lâu chưa? – Người Việt Minh hỏi lại.
- Tôi bị chúng bắt ở rừng Cổ Bi từ giữa tháng chín.
- Được! – người chỉ huy Việt Minh gật đầu bảo. – Cầm lấy khẩu súng kia rồi theo tôi.
Khúc Luận ngớ người ra chưa hiểu ý tay Việt Minh ra sao thì anh ta hỏi:
- Có muốn vào bộ đội không?
Cậu công tử làng Cùa không tin ở tai mình nữa. Hắn là đứa trẻ vị thành niên, vô gia cư lại đã từng gây án, lúc này được gia nhập Việt Minh thì còn gì bằng. Hắn sướng quá nhưng lại chợt nghĩ “nhỡ anh ta đánh lừa đưa mình vào rừng cho viên đạn vào đầu thì toi đời. Bọn này liệu có thể tin được không?”. Có vẻ như đã nắm được tâm trạng gã thanh niên trông như gà tồ này, anh Việt Minh vỗ vai hắn bảo:
- Nếu không muốn theo kháng chiến thì về nhà với mẹ nhưng phải nộp lại khẩu súng.
- Dạ, thưa các anh, em muốn làm Việt Minh lắm.
- Tốt. – Người chỉ huy gật đầu. – Bây giờ theo tôi vào sào huyệt Lý Quán.
Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng mười lăm phút. Hai mươi mốt tên phỉ tử thương. Những gã còn lại sáng sớm hôm sau đều bị đưa vào rừng xử bắn. Vợ chồng Lý Quán biến mất, không biết họ trốn ở đâu.
(Xem tiếp kỳ sau)
                         





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét