Nhãn

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Chủ tịch nước

Chủ tịch nước

Lê Mai

QUỐC HỘI nước VNDCCH, vào ngày 9.11.1946, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên mà sự tiến bộ, mẫu mực, dân chủ của nó cho đến nay – không những làm chúng ta mà còn làm cả thế giới thán phục. Trong bản Hiến pháp dân chủ ấy, ngoài việc thiết kế một thiết chế chính trị mẫu mực, đã quy định quyền hạn của Chủ tịch nước rất rõ ràng, đó là người thay mặt cho nước, giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân, ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, ban bố các đạo luật, đặc xá, ký hiệp ước với các nước, tuyên chiến hay đình chiến…
Hồ Chí Minh là Chủ tịch đầu tiên của nước VNDCCH.
Dĩ nhiên, dấu ấn của Hồ Chí Minh hết sức đậm nét trong bản Hiến pháp đầu tiên. Sự thông minh xuất chúng, hiểu nhiều, biết rộng của Hồ Chí Minh đã làm Võ Nguyên Giáp – một người tài ba, một cộng sự rất gần gũi Hồ Chí Minh kinh ngạc. Ông kể, gần như làm bất cứ việc gì, ông đều thấy Hồ Chí Minh đã tiên liệu, suy nghĩ vấn đề đó từ rất lâu rồi. Bản Tuyên ngôn độc lập, bản Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH chỉ là vài dẫn chứng sinh động.

Đối với những tình huống đột xuất thì sao? Những ứng phó của Chủ tịch nước Cộng hòa non trẻ, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài đầy rẫy càng làm chúng ta khâm phục.
Ngay sau cái Tết Bính Tuất năm 1946 – Tết độc lập đầu tiên sau tám mươi năm trời nô lệ, Hồ Chí Minh đã có một cuộc nói chuyện dài với tướng Raun Xalăng. Xalăng – một sỹ quan Pháp, người đã từng ăn cơm lam chấm mắm ngóe miền thượng nguồn, ăn mắm tôm vắt chanh ở miền xuôi của VN. Tướng Xalăng đang rất hung hăng, điều này dễ hiểu, vì bấy giờ, Pháp ỷ vào sức mạnh nên coi thường Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng, ông ta có vẻ bối rối khi hiện ra trước mắt mình là một nhà hiền triết phương Đông với phong thái ung dung tự tại tỏa ra từ đôi mắt sáng, chòm râu thưa, mái tóc pha sương, nước da dãi dầu mưa nắng, một cốt cách thanh cao khắc khổ ẩn tàng sức mạnh siêu quần được dấu kín trong bộ quần áo kaki cổ đứng không cài cúc.
- Mời tướng quân xơi nước.
Tướng Xalăng nâng chén nước lên theo lời mời của Hồ Chí Minh và nói:
- Thưa ngài Hồ Chí Minh…
Lập tức, Hồ Chí Minh ngắt lời ông ta:
- Tôi đã mời “tướng quân” xơi nước chứ tôi không mời “ngài” Raun Xalăng…
Raun Xalăng mất chủ động, lúng túng xin lỗi, mặc dù dụng ý của ông ta rất rõ ràng: không công nhận chức Chủ tịch của Hồ Chí Minh, cũng tức là không công nhận nước VNDCCH.
Sau những lời xã giao, thăm hỏi, trao đổi về tình hình chung, bỗng Raun Xalăng chuyển câu chuyện. Ông ta nói:
- Chủ tịch thử nghĩ xem, nên để chúng tôi khôi phục trật tự ở nước này, vì chúng tôi đủ lực lượng và rất nhiều phương tiện. Theo ý tôi, nếu được như vậy đất nước này sẽ biết ơn Chủ tịch, vì Chủ tịch là người đứng đầu Chính phủ có uy tín tuyệt đối với nhân dân. Nếu Chủ tịch để chúng tôi đưa quân vào đây không gặp trở ngại nào thì đó là sự chứng minh trước thế giới Chủ tịch biết kiềm chế quân đội của mình và điều đó thể hiện uy quyền của Chủ tịch là vô song.
Phải công nhận lời nói của Xalăng rất khôn khéo mà hiểm độc. Hồ Chí Minh bình thản chế thêm nước trà vào chén mời Xalăng:
- Tướng quân uống nước đi. Hút tiếp một hơi thuốc lá thơm, giọng nói trầm hùng của Hồ Chí Minh phắt căng lên:
- Tôi không thể làm như lời tướng quân, nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc. Tướng quân nên nhớ rằng, chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ. Nước Pháp có binh hùng, có nhiều tướng giỏi, nhiều vũ khí tối tân. Một Pháp có thể giết 10 VN, 10 VN có thể chỉ diệt được một Pháp nhưng toàn dân VN đều một lòng kháng chiến chống Pháp.
- Chúng tôi rất mạnh. Cuộc đổ bộ của chúng tôi đã sẵn sàng. Vì sao Chủ tịch không chịu thừa nhận điều hiển nhiên ấy?
Giọng Hồ Chí Minh như có lửa:
- Nếu quân Pháp lại đổ bộ đến đây, chúng tôi không chặn đứng được ngay, nhưng  sẽ đổ máu, những người dân Pháp sẽ bị chết. Đó là điều bất hạnh cho cả hai bên. Chúng tôi không bao giờ mong điều đó xảy ra. Nhưng chúng tôi không chịu làm nô lệ một lần nữa.
Câu chuyện trên về Hồ Chí Minh gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp, vấn đề xử lý mối quan hệ Việt – Trung, các cuộc biểu tình của người dân yêu nước phản đối sự gây hấn của TQ, sự ngăn cấm của nhà cầm quyền…Hơn ai hết, tấm gương sáng của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, người lãnh đạo một dân tộc bất khuất đang nhắc nhở chúng ta.
Rồi sau đó, Hồ Chí Minh là thượng khách của nước Pháp nhân Hội nghị Phôngtennơblô. Trên đường bay sang Pari, Hồ Chí Minh nhận được tin ở VN, cao ủy Xêđin và đô đốc Dacgiăngliơ đã nặn ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”. Hồ Chí Minh nói với Raun Xalăng – người tháp tùng trong cuộc hành trình:
- Tướng quân này, các ông đừng có ảo tưởng biến Nam Bộ của chúng tôi thành một thứ Anđát – Loren mới, nếu các ông cứ dẫm chân lên dấu bàn chân cũ thì sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh một trăm năm. Thôi, ông hãy đưa tôi trở về Hà Nội.
Thật là kiên quyết, thật là dũng cảm, không hề có một chút run sợ trước kẻ thù. Sau khi Xa lăng đề nghị cứ tiếp tục sang Pari, nơi đó Chủ tịch sẽ thanh toán các vấn đề, Hồ Chí Minh tiếp tục:
- Tôi tin tướng quân. Ở Pháp, tôi có nhiều bạn tốt dẫu rằng thế giới đang là một biển thù.
 “Thế giới đang là một biển thù” nhưng vị Chủ tịch nước với lòng yêu nước và thiên tài của mình đã dẫn dắt dân tộc VN vượt qua. Lịch sử đã chứng minh hùng hồn. Thế thì, ngày nay, thế giới đâu còn là một biển thù nữa, tại sao VN không thể đứng thẳng, ngẩng cao đầu một cách hiên ngang?
Đến đây, như thường lệ, chúng ta nhìn sang bên kia biên giới, một ông Chủ tịch nước khác – Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước CHNDTH.
Lưu Thiếu Kỳ, người đầu tiên đề xuất cụm từ “tư tưởng Mao Trạch Đông”, đưa vào điều lệ Đảng, uy tín ngày một lên cao, nhất là trong bối cảnh Mao liên tục “phát minh” ra các sáng kiến “trăm hoa đua nở”, “đại nhảy vọt”, “công xã nhân dân” làm chết đói hàng chục triệu người dân. Mao sợ mất đại quyền. Mao căm thù ông nhiều chuyện, song, “quân tử mười năm trả thù cũng chưa muộn”, Mao ghim nó trong lòng. Cơ hội đến, Mao gán cho Lưu Thiếu Kỳ là “phản bội, nội gian, công tặc”, là đầu sỏ phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đến nỗi, Lưu Thiếu Kỳ xin được từ chức Chủ tịch nước, về quê làm ruộng cũng không được Mao đồng ý. Và ông đã chết sau bao nhiều cực khổ vì bị đày đọa, với cái tên Lưu Vệ Hoàng, còn mục nghề nghiệp ghi là “vô nghề nghiệp”.
TQ là như thế đó, thế mà người ta không hiểu lịch sử ư?
Vấn đề Chủ tịch nước TQ chưa dừng lại ở đó. Tháng 3.1970, Mao kiến nghị cải biến thể chế quốc gia, không lập chức Chủ tịch nước nữa.
Lâm Bưu, người kế vị Mao đã được ghi vào Điều lệ Đảng – một việc chưa từng có, vừa mừng vừa lo. Mừng vì Mao tỏ thái độ sẽ không làm Chủ tịch nước, đương nhiên phải là ông ta. Lo vì Mao không chủ trương lập chức Chủ tịch nước, vậy đừng hòng ai mơ tưởng chức vụ ấy. Lâm Bưu hai lần điện thoại cho Mao “kiến nghị cần để Mao Trạch Đông giữ chức vụ Chủ tịch nước”, đều bị Mao khước từ.
Lâm Bưu lại lao tâm khổ tứ, đề xuất kiến nghị chính thức với Bộ Chính trị. Ông ta cho rằng, nếu kiến nghị chính thức với Bộ Chính trị, Mao không thể dễ dàng bỏ qua.
Nửa đêm, Lâm Bưu đọc kiến nghị cho thư ký ghi chép. Thứ nhất, vấn đề Chủ tịch nước, đồng chí Lâm Bưu vẫn kiến nghị để Chủ tịch Mao Trạch Đông kiêm nhiệm. Như vậy, thích hợp với trạng thái tâm lý của nhân dân, trong nước và nước ngoài, trong đảng và ngoài đảng. Thứ hai, vấn đề Phó Chủ tịch nước, đồng chí Lâm Bưu cho rằng có thể có, có thể không, có thể nhiều, có thể ít, không mấy hệ trọng. Thứ ba, đồng chí Lâm Bưu cho rằng, bản thân mình không nên đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch.
Bản kiến nghị của Lâm Bưu cực kỳ khéo léo. Nói thẳng ra, mình chỉ có thể làm Chủ tịch nước. Nhưng than ôi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, kết cục bi thảm đã đến với ông ta khi chiếc máy bay đưa ông ta chạy trốn bị rơi trên đất Mông Cổ, không một ai sống sót. Câu chuyện về Chủ tịch nước chưa thể dừng lại.

LM

Nguồn: Lê Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét