Nhãn

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Sách mới của Đặng Văn Sinh

Sách mới của Đặng Văn Sinh



Tháng 9 năm 2011, tôi vừa có tập truyện ngắn mới  Kẻ chiếm dụng thời gian của Thượng đế do nhà xuất bản Dân trí ấn hành. Đây là tập truyện ngắn thứ 6, có thể xem như một tuyển tập truyện ngắn Đặng Văn Sinh.
Vì sao tôi lại xuất bản tập truyện ngắn ở nhà Dân trí là có nguyên nhân của nó. Cách đây chừng hai năm, NXB Lao động in cho Đặng Văn Sinh tiểu thuyết Bến Lở theo phương thức từ A đến Z, số lượng  1500 bản, được Lê Huy Hòa và Trần Dũng trả nhuận bút hơn 6 triệu sau khi đã khấu trừ 10% thuế VAT. Hôm tôi lên Hà Nội nhận nhuận bút và sách biếu tác giả, nhà văn Trần Dũng có gợi ý, nếu có tập truyện ngắn nào kha khá cứ gửi lên NXB sẽ lo. Mấy tháng sau tôi tuyển chọn trong số hơn 70 truyện ngắn đã đăng tải trên các báo và tạp chí trong vòng 30 năm, lấy 16 truyện gửi đến chỗ anh Lê Huy Hòa, giám đốc NXB Lao động. Chưa đầy một tuần, nhà văn Trần Dũng trả lời : “Tôi đã đọc, truyện rất ấn tượng nhưng chưa tìm được đầu ra, có thể phải chuyển sang một nhà xuất bản khác”. Tôi gọi điện cho Trần Dũng : " Nhà xuất bản nào cũng được, miễn là tác giả không phải bỏ tiền ra, vì số tiền in thời buổi đồng tiền lạm phát phi mã này cũng không phải nhỏ, mà tôi thì lúc nào cũng  “viêm màng túi”.

Bẵng đi gần một năm, một hôm tôi nhận được điện thoại của  cô Nguyễn Thị Dinh ở nhà xuất bản Dân trí cho biết, tập bản thảo Kẻ chiếm dụng thời gian của thượng đế do nhà xuất bản Lao động chuyển sang đã được biên tập, chú gửi ngay file văn bản lưu trong máy qua email cho NXB Dân trí để làm thủ tục in sách. Tuy nhiên, chẳng hiểu do trục trặc ở một số khâu nào đấy, mãi giữa tháng tám, cô Ánh , trưởng phòng phát hành NXB Dân trí mới điện cho Đặng Văn Sinh lên nhận sách. Số lượng in không nhiều, chỉ 1000 bản, nhưng  thật đáng mừng, vì, cho đến lúc này, đây là cuốn sách thứ 16 tác giả không phải bỏ tiền ra in. Xin chân thành cảm ơn Giám đốc Bùi Thị Hương và Tổng biên tập Nguyễn Phan Hách.
   
           Ảnh bìa một số tác phẩm của Đặng Văn Sinh

Nhân đây cũng xin có vài lời lạm bàn về việc xuất bản sách trong thời buổi được gọi là “kinh tế thị trường có định hướng XHCN". Thời nay, việc in sách rất dễ ngay cả đối với những “nhà”(văn, thơ, kịch, phê bình...) chưa sạch nước cản ngữ pháp tiếng Việt, nếu “tác phẩm” thỏa mãn điều kiện cần là đúng “đường lối chính sách” của Đảng, và điều kiện đủ là ... tiền. Đèn xanh từ các cấp lãnh đạo tư tưởng  đã bật, vậy là, hàng năm, mỗi khi khoản tiền tài trợ ( khoảng nửa tỷ VND từ tiền thuế của nhân dân) cho mỗi Hội văn nghệ địa phương được giải ngân, là  lập tức có hàng loạt sản phẩm dỏm được gọi là văn học ra đời. Từ thượng vàng đến hạ cám, phần lớn những ấn phẩm này đều được ra lò dưới nhãn mác “Văn học” hoặc “Hội Nhà văn” (Thực ra, với những bản thảo báo tường như vậy hai nhà xuất bản này chỉ bán giấy phép lấy tiền để tăng thu nhập mà thôi), bìa gập, trang trí lòa loẹt, nhất thiết phải có phần trích ngang để trình thiên hạ nhân thân và thành tích văn chương của mình. Tôi đã được một “nhà thơ” vừa là hội viên Hội văn nghệ tỉnh, vừa là hội viên thuộc CLB của ông Bành Thông tặng tập sách hổ lốn khá dày, trong đó có cả chục bài vè do một nhạc sĩ... lang thang nào đó phổ nhạc. Đáng chú ý nhất là trang bìa nhà thơ này thống kê là thành viên của 13 cái Hội và CLB, trong đó có Hội Chữ thập đỏ, Hội chim chó cảnh, Hội nuôi ong, CLB thơ Người khuyết tật phường X, CLB thơ lục bát ngách Y, CLB thơ Đường UNESCO phường Z, vân vân và vân vân...
Tất nhiên, với những ấn phẩm  như vậy, phần lớn tác giả chỉ in với số lượng vài ba trăm bản tặng bạn bè giải quyết khâu “oai” là chính, phần còn lại cho vào bao xác rắn, tống xuống gầm giường làm kỷ niệm, chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thấy có một cái gì đó không ổn đối với nền văn học nước nhà. Thì ra, thời nay, bất kỳ công dân Việt Nam nào, cứ in được một cuốn sách là đương nhiên thành nhà thơ hoặc nhà văn. Mà đã thuộc đẳng cấp văn nghệ sĩ rồi thì “đếch sợ bố con thằng nào”. Nhà thơ, nhà văn sao mà rẻ thế, chả trách già nửa thế kỷ qua số lượng tác phẩm đích thực văn chương chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Xin dẫn hai bài thơ vui, một lấy trong “Trò chuyện với hoa thủy tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn” của Nguyễn Huy Thiệp và một của ông Đỗ Đình Tuân, bạn tôi, một nhà thơ tài hoa nhưng số phận khá long đong  làm lời kết cho bài viết này:
Bài 1:
Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Hôm qua nó bảo dí thơ vào...L...
Vợ tôi nửa dại nửa khôn
Hôm nay lại bảo dí L... vào thơ.
                (Trò truyện với hoa thủy tiên...)
Bài 2:
          
Bây giờ trên đất Cao Lanh*
Các nhà thơ thuộc họ Bành** rất siêu
Bành Đàm chỉ thích giao lưu
Mời nhiều quan khách nhận nhiều lẵng hoa
Bành Tuân chuyên giáo huấn ca
Chữ “tâm”, chữ “đức” tuôn ra ngầu ngầu
Bành Chủng đã biết đối đâu
Mà thơ Đường luật đứng đầu Hải Dương
Bành Sỹ Lục, Bành Trác Trường
Giờ đây cũng cỡ trung ương cả rồi
Bành Thông nghĩ cũng lạ đời
Hà hơi một cái bao người nổi danh
Cứ như nhập cái họ Bành
Là như có sắt, có đanh đóng vào
Đời đời tên tuổi treo cao
Lung linh như một vì sao giữa trời.
                                        Đỗ Đình Tuân









* Chí Linh có mỏ đất chịu lửa (cao lanh) ở Trúc Thôn
** Bành Thông, chủ tịch CLB thơ Việt Nam

2 nhận xét: