Hoàng Minh
Tường
LỜI DẪN
Nhà văn
Hoàng Minh Tường là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng "Thời của thánh
thần" được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Hoa (riêng
bản chữ Hoa do ngài Chúc Ngưỡng Tu dịch bị kiểm duyệt chưa xuất bản). Sau
"Thời của thánh thần" ông lại cho ra đời hai tiểu thuyết sáng giá
"Nguyên khí" và "Những mảnh rồng". Tuy nhiên cả hai cuốn
sách đều không được xuất bản trong nước mà phải in ở nước ngoài, trong đó
"Nguyên khí" ở Mỹ và "Những mảnh rồng" ở Cộng hòa Liên bang
Đức. Chẳng những là tác giả tiểu thuyết hàng đầu ở Việt Nam được rất nhiều độc
giả hâm mộ, Hoàng Minh Tường thỉnh thoảng "ngứa tay" còn lấn sang cả
lĩnh vực phê bình văn học. Thật hân hạnh, cuốn "Ký ức làng Cùa" của
tôi vừa xuất bản ở Hoa Kỳ được ông để mắt tới. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài
viết rất ngẫu hứng của ông...
Đ.V.S.
Phải mất đến
15 năm "Ký ức làng Cùa" mới được xuất bản. Hành trình của tác phẩm đến
với bạn đọc rất khó khăn bởi hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt như là căn bệnh tự
kỷ ám thị của những người chăm sóc phần hồn nhân dân. Họ nhìn đâu cũng thấy
"thế lực thù địch" khiến các nhà xuất bản luôn phải dè chừng, nếu thấy
bản thào nào "có vấn đê" sẽ không cấp giấy phép, hoặc đã chót cấp thì
ngay lập tức đình chỉ phát hành chỉ với một cú điện thoại...
Thật ra,
"Ký ức làng Cùa" trước khi được Nhà xuất bản "Người Việt Books"
ở Hoa Kỳ in toàn văn vào cuối tháng 5 năm 2018, Đặng Văn Sinh đã gửi đến ít nhất
6 nhà xuất bản trong nước (trừ NXB Hội Nhà văn). Phần lớn các nhà xuất bản đều đọc
một cách nghiêm túc nhưng tất cả đều đề nghị chỉnh sửa, bỏ đi một số đoạn được
cho là "gai góc", đồng thời uốn nắn làm cho văn "mềm đi" bằng
cách đưa thêm vào tác phẩm một số nhân vật "tích cực" nhưng tác giả
không chấp nhận. Ông bảo, nếu in thì phải in cả bởi "Ký ức làng của"
là một tổng thể hoàn chỉnh, cắt cúp có nghĩa là làm què cuốn sách. Tôi góp ý với
Đặng Văn Sinh đổi tên thành "Làng bạc phúc" và chuyển cho một đầu nậu
nổi tiếng ở Kinh thành may ra thì xuôi chèo mát mái. Ông nghe tôi nhưng cuối cùng
cũng không qua mặt được các nhà "kiểm dịch"...
Vậy
"Ký ức làng Cùa" là cuốn sách như thế nào? Đây là câu mà tôi đã từng
hỏi nhiều lần nhưng có điều lạ là, chính Đặng Văn Sinh cũng không trả lời được
cho dù ông là "cha đẻ" của nó. Thế mới biết, viết tác phẩm là một
chuyện còn phê bình cuốn sách lại là chuyện khác. Điều này chứng tỏ, người viết
ra cuốn sách chưa chắc đã hiểu rõ nó bằng người ngoài cuộc.
Về mặt thể
loại, "Ký ức làng Cùa" được viết theo thi pháp tiểu thuyết hiện đại. Đặng
Văn Sinh hầu như không có sự đổi mới về thi pháp, nhưng một khi đã cầm đến cuốn
sách khổ 6 x 9 inch (15,24 x 22,86 cm), dày 633 trang, đã đọc là phải đọc đến tận
cùng bởi sức hút không thể cưỡng lại của nó. Cho nên, hình thức chỉ là cái vỏ
chuyển tải nội dung, còn nội dung cuốn sách và cách viết mới làm nên diện mạo tác
phẩm. "Ký ức làng Cùa" có kiểu viết khá lạ, nhiều trang như có ma quỷ
nhập vào dẫn dụ người đọc bởi một hiện thực dữ dội, khốc liệt đầy máu, nước mắt
và cả những hồn ma...
Ta có thể
xem "Ký ức làng Cùa" là một trường thiên tiểu thuyết phản ánh hiện thực
xã hội Việt Nam diễn ra hơn nửa thế kỷ ở vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ nhất đến giữa những năm bảy mươi của thế kỷ
XX. Cuốn sách được tái hiện với những biến
động lịch sử mà trọng tâm là hai cuộc chiến đẫm máu kéo dài ba mươi năm gây ra
bao đau thương tang tóc cho dân tộc Việt bằng những lát cắt được tác giả mô tả
thông qua sự thăng trầm của gia đình họ Khúc ở làng Cùa.
Gia đình họ
Khúc được xem như một xã hội thu nhỏ với các thành viên đại diện cho các thế hệ
khác nhau, mâu thuẫn ý thức hệ dẫ đến xung đột, trong đó, xung đột các giá trị
văn hóa, đạo đức là gay gắt nhất. Có thể nói, xã hội thực dân phong kiến hơn nửa
thế kỷ tao loạn ấy là một xã hội thời mạt pháp mà một trong những yếu tố cốt lõi
là sự khuyết tật của của các giá trị truyền thống bởi hệ ý thức Nho giáo xâm nhập
vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Nó mạnh mẽ và lỳ lợm đến mức, sau tám mươi năm
chịu ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây, tinh thần dân tộc vẫn không được
khai sáng. Đến khi người Pháp rút khỏi Đông Dương, sự bất hạnh lại càng tăng lên
khi mà học thuyết đấu tranh giai cấp như một thứ bùa mê thuốc lú lẳng lặng xâm
nhập vào tận hang cùng ngõ hẻm của một cộng đồng nghèo đói và dốt nát. Nó nhân
danh đủ thứ tốt đẹp phát động cuộc Cải cách ruộng đất vốn là thứ hàng nhái của
nhà nước Maoism, cổ xúy cho chiến dịch con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng. Từ làng
quê đến thành thị nháo nhào như đang lên đồng. Hậu quả là xã hội rối loạn, các
giá trị bền vững bị thay thế bằng những giá trị ảo như một thứ bánh vẽ lừa bịp đám
bần cố nông quá khích...
Ở "Ký
ức làng Cùa", xét về tổng thể, người đọc khó có thể đưa ra khái niệm nhân
vật "tử tế", hay nói theo lý thuyết sáng tác văn học Hiện thực Xã hội
chủ nghĩa là "nhân vật tích cực". Cấu trúc tác phẩm cũng không có
chuyện nhân vật chia làm hai phe thiện ác. Tác phẩm gần như không có nhân vật
chính mà chỉ là những thân phận con người bị biến dạng nhân cách để thích nghi
với hoàn cảnh xã hội mà họ đang lặn ngụp trong đó như loài vật được chăn dắt bởi
những ông chủ đã mất hết nhân tính.
Hệ thống
nhân vật trong "Ký ức làng Cùa" không bị bàn tay tác giả "gia công"
thành "điển hình hóa" hay "cá biệt hóa". Nhân vật của
"Ký ức làng Cùa" xù xì đầy góc cạnh nhưng có vẻ như đều là nguyên mẫu
của con người thực trong nhưng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Thế nhưng, những nhân
vật ấy lại có khả năng cuốn hút người đọc kỳ lạ bởi các mối quan hệ móc xích với
nhau theo một cách nào đó qua ngôn ngữ tự sự kết hợp với ngôn ngữ miêu tả chọn
lọc, sinh động, giầu kịch tính, tạo nên những trường đoạn hấp dẫn.
Lối kể của
Đặng Văn Sinh khá ngẫu hứng, linh hoạt mà lại tinh quái, lúc là câu văn ngắn, dứt
khoát, lúc lại kéo dài bằng cách sử dụng thành phần mở rộng với những tính ngữ,
trạng ngữ uyển chuyển. Câu văn của "Ký ức làng Cùa" thường sử dụng số
lượng từ tối thiểu để biếu đạt lượng thông tin tối đa. Nhưng đó không phải thông
tin trung tính mà là tín hiệu nghệ thuật được tiểu thuyết hóa dưới dạng ngôn từ.
Diễn ngôn
trong "Ký ức làng Cùa" hoàn toàn vắng bóng lời của tác giả xen giữa các
đoạn kể hoặc miêu tả. Đó là một lối kẻ "lạnh" dường như không thể hiện
quan điểm cá nhân nhưng lại rất có giá trị biểu cảm qua cấu trúc câu văn, cách
sử dụng từ ngữ và nghệ thuật mô tả các lát cắt lịch sử. Có thể nói, toàn bộ diễn
ngôn cuốn tiểu thuyết là lời kể, nhưng là lối kẻ chọn lọc, điển hình với mô hình
câu biểu đạt được ý tưởng trên cả hai bình diện hiển ngôn và hàm ngôn, trong đó,
phần hàm ngôn như như là mạch nguồn của dòng lũ ngầm cuồn cuộn chảy tác động mạnh
vào cân não người đọc bởi các thông điệp nghệ thuật qua thủ pháp ẩn dụ chiều sâu
làm nảy sinh hiệu ứng thẩm mỹ.
Phong cách
kể "lạnh lùng" đến vô cảm giúp tác giả giảm thiểu những chi tiết rườm
rà, tỉnh lược nhiều từ ngữ mòn sáo, đồng thời nhấn mạnh vào bản chất sự kiện bằng
những câu văn có xu hướng gợi liên tưởng kích thích sự hiếu kỳ càng khiến người
đọc muốn khám phá đến tận cùng cũng chính là đặc điểm của "Ký ức làng Cùa".
"Ký ức
làng Cùa" được chia là 18 chương và phần "vĩ thanh", mỗi chượng
lại được phân thành nhiều đề mục theo số thứ tự giống như những lát cắt lịch sử
ở vào thời điểm điển hình nhất. Đọc "Ký ức làng Cùa", chúng ta sẽ ngỡ
ngàng bởi mật độ dày đặc của các sự kiện và phương pháp xử lý khá linh hoạt của
tác giả, tạo nên bức tranh toàn cảnh xã hội Việt Nam vào những thời điểm lịch sử
biến động dữ dội. Đó là một xã hội đang ở giai đoạn vừa mới thoát ra khỏi
"đêm trường trung cổ", bước đầu tiếp xúc với nền văn minh nhân loại
trong khi tinh thần dân tộc bạc nhược, dân trí u mê và một nền kinh tế tự túc tự
cấp đầy bất trắc. Đây chính là những điều kiện cơ bản để học thuyết đấu tranh
giai cấp nhanh chóng thâm nhập vào đám quần chúng dốt nát, nghèo đói. Người nông
dân nhẹ dạ cả tin, bị thứ lý thuyết bánh vẽ mê hoặc lao vào cuộc đấu tố như những
con thiêu thân. Tiếp sau đó là hàng triệu người chết một cách vô nghĩa trong cuộc
chiến huynh đệ tương tàn. Tất cả những hiện thực lịch sử ấy đều được tái hiện với
từng cấp độ khác nhau trong "Ký ức làng Cùa". Với kiến văn sâu rộng của
một tiểu thuyết gia dầy dạn kinh nghiệm, Đặng Văn Sinh đã nhìn thấu những phần
khuất lấp của lịch sử bằng con mắt phê phán công bằng và nhân văn. Chính những
phần không được ghi trong chính sử ấy mới làm nên giá trị tác phẩm.
Ngoài việc
không sử dụng thủ pháp bình luận trữ tình ngoại đề, Đặng Văn Sinh còn ít khi sa
đà vào chuyện phân tích diễn biến tâm lý hay độc thoại nội tâm. "Ký ức
làng Cùa" là tập đại thành của các sự kiện giống như "tiểu tự
sự" trong những sáng tác theo khuynh hướng hậu hiện đại. Các sự kiện ấy
liên kết với nhau dưới nhiều dạng thức chẳng khác gì những hình lập phương của trò
chơi rubic.
Tư liệu
trong "Ký ức làng Cùa" được khai thác rất sâu từ những thời điểm lịch
sử có tính bước ngoặt. Đặt gia tộc họ Khúc trong bối cảnh vùng Ba Tổng đầy biến
động bởi những thế lực chính trị tranh giành nhau tạo nên bức tranh toàn cảnh
về xã hội Việt Nam với những bi hài kịch mà con người phải gánh chịu như một
thứ định mệnh. Ở mỗi thời điểm lịch sử, các nhân vật được đặt trong thế tương phản
với giai cấp thống trị, với khát vọng sống đã nảy sinh không ít mâu thuẫn. Mâu
thuẫn ấy ngẫu nhiên bị thứ học thuyết đấu tranh giai cấp lợi dụng, giải thích bằng
những xảo ngữ. Họ giương cao khẩu hiệu "người cày có ruộng" làm chiêu
bài như đội quân Áo Đen của thầy đồ Khúc Kiệt, lôi kéo đám bần cố nông vào chiến
dịch Cải cách ruộng đất tàn khốc có một không hai trong lịch sử dân tộc.
Một trong
những nhân vật rất có cá tính trong "Ký ức làng Cùa" là Khúc Đàm. Đây
là con người đầy bản lĩnh, thông minh, tài trí nhưng cũng mang nặng thói gia trưởng
của những điền chủ ở vùng Đồng bằng Bắc bộ. Trước khi ra tranh triện đồng lý trưởng
làng Cùa, họ Khúc đã từng đăng lính sang Pháp tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau khi giải ngũ hồi hương, ông ta cưới
vợ ba và xây ngôi nhà hai tầng theo kiến trúc Châu Âu. Trong khi ấy, Khúc Kiệt,
vốn là thầy đồ nghèo phẫn chí bỏ làng ra đi hành nghề thày tướng, gặp Hàn Hành
rủ rê vào "hội kín". Từ một gã hủ nho Khúc Kiệt bị học thuyết đấu
tranh giai cấp mê hoặc gia nhập một tổ chức khủng bố của đảng Cộng sản.
Mấy năm
sau, Khúc Đàm trở thành Chánh tổng 13 làng vùng hữu ngạn sông Lăng. Họ Khúc là
một chức sắc hách dịch nhưng lại bị bà vợ ba mê hoặc. Mọi việc trong gia đình lúc
này đều do Mạc Thị Lánh quyết định kể cả việc gả cô con gái khoèo tay cho gã
thuyền chài tứ cố vô thân . Từ khi Lê Văn Vận về làng Của thì nhà họ Khúc bắt đầu
lụn bại. Lê Văn Vận thông dâm với cả hai bà mẹ vợ. Và ông Chánh tổng cả ghen cũng
không thể nào ngờ, mấy đứa trẻ Khúc Luận, Khúc Thị Huệ, Lê Văn Khải và Lê văn
Nghiên đều là sản phẩm của của gã con rể loạn luân. Cái chết bất đắc kỳ tử của
Khúc Đàm có thể xem như chỉ dấu cho sự tan vỡ của các giá trị được xây dựng trên
nền tảng đạo đức Khổng Mạnh.
Khác với
Khúc Đàm, Khúc Kiệt là một kẻ lưu manh chính trị, đầu óc hoang tưởng chủ trương
bạo lực, đã thành lập đội quân "Áo Đen", một tổ chức bán vũ trang cướp
chính quyền địa phương và thiết lập trật tự xã hội trại lính kiểu Stalin. Chính
bởi hành động phiêu lưu ấy mà quân Nhật kéo về làng Cùa, đốt nhà, tàn sát hơn bảy
chục mạng người. Đỉnh cao trong sự nghiệp "cách mạng" của ông Trưởng
ban An ninh Ba Tổng là chiếm cứ rừng Hóp, thành lập đội du kích công phá đồn Tuần.
Kết quả thật bi hài, Khúc Kiệt mắc mưu Đồn Cáo, bị bắt sống nhưng được tay đại úy
quân đội Pháp tha mạng vì con trai ông ta là Khúc Văn là thiếu úy đồn phó.
Tuy nhiên,
những nhân vật được tác giả khắc họa đậm nét hơn cả phải kể đến Lê Văn Vận. Mạc
Thị Lánh, Lê Văn Khải, Lê Văn Nghiên, Bùi Quốc Tầm, Trịnh Doãng ở phần thứ hai
của cuốn sách. Khi mà những người Cộng sản đã cướp được chính quyền, họ giương
cao ngọn cờ "độc lập dân tộc" để lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào cuộc
chiến trường kỳ chống Pháp. Kháng chiến thành công họ liền trở mặt, bắt đầu bằng
chiến dịch Cải cách ruộng đất vốn là một phiên bản của Trung cộng.
Sự kiện được
Đặng Văn Sinh tái hiện một cách chân thực, chi tiết và sinh động nhất trong phần
thứ hai chính là phong trào Cải cách ruộng đất ở làng Cùa mà trung tâm là gia đình
họ Khúc với những cuộc đấu tố đẫm máu và những vụ hành quyết dã man hơn cả thời
trung cổ. Những bần cố nông "chân đất mắt toét" vốn là tá điền như Bùi Quốc Tầm, Lại Quang Nghinh, Cấn Viết
Tham, Ứng Thị Sót, Lương Văn Mực..., giờ nghiễm nhiên trở thành cán bộ lãnh đạo,
nắm quyền lực trong tay, đẩy xã hội vào cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế
nghiêm trọng mà biểu hiện rõ nhất là nạn đói.
Tiểu thuyết
của Đặng văn Sinh có cách kể khá đặc biệt. Kể mà như không phải kể. Đó loại diễn
ngôn chịu ảnh hưởng của khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại, thỉnh thoảng lại chèn
vào một vài câu hài hước làm giảm thiểu tính nghiêm trọng của vấn đề. Tiếng cười
có khi nảy sinh trong những hoàn cảnh đáng ra là phải khóc tạo nên sự đối lập
giữa sự nhận thức lý tính và nhận thức cảm tính như là một thủ pháp nghệ thuật.
Đọc nhưng
trang viết về Cải cách ruộng đất, ta dở khóc dở cười bởi đám quần chúng thiểu năng
trí tuệ bị Đội Cải cách kích động biến thành những kẻ khát máu. Cùng với họ là
những "ông, bà" cốt cán mù chữ nhưng "nhiệt tình cách mạng",
ngồi ghế chánh án bị bọn Đội Lạc, Đội Yên giật dây như những con rối. Hàng loạt
điền chủ bị tuyên án tử hình bởi những phiên tòa trá hình chính là liều thuốc độc
làm gia tăng lòng hận thù dân tộc. Các chi tiết điển hình đã phát huy hiệu quả
bất ngờ. Tự chi tiết nói lên bản chất mà không cần lời dẫn hay bình luận trữ tình
ngoại đề. Hơn nữa, bí quyết làm nên sự thành công của tác phẩm còn là phong cách
văn chương đa dạng, câu văn đầy nội lực biểu đạt được nhiều tầng ý nghĩa.
Tuy vậy, hành
trình của các nhân vật trong "Ký ức làng Cùa" không chỉ dừng lại ở
chiến dịch Cải cách ruộng đất vô nhân đạo. Từ sau năm 1964, khi mà những người
cộng sản chính thức phát động cuộc chiến "giải phóng Miền Nam" thì thân
phận của những nhân vật như Khúc Luận, Lê Văn Nghiên, Lê Văn Khải, Thùy Dung,
Trịnh Dọng..., mới thực sự trở thành bi kịch. Có thể nói, học thuyết đấu tranh giai cấp đã biến hai anh em Lê
Văn Khải và Lê Văn Nghiên thành những cái bóng vật vờ như hồn ma ngay trên
"thiên đường xã hội chủ nghĩa".
Trong khi
Lê Văn Khải bị Bùi Quốc Tầm khoác súng lên tận trường đại học bắt về thì Lê Văn
Nghiên bị nhà chức trách câu lưu, rồi phải nhờ sự can thiệp của Trần Quảng mới được
gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Hai anh em họ Lê, con trai Lê Văn Vận
đều có trình độ học vấn, là những người con hiếu thảo nhưng ít nhiều vẫn được Đặng
Văn Sinh miêu tả dưới dạng hoạt kê. Sự kiện Lê Văn Khải trở thành gia sư khi mới
vào trường Đại học Sư phạm cùng cô tiểu thư Phi Điệp, con gái vị đại sứ, sáng tác
những bức thư tình gửi các anh chàng Quasimodo và Vọi đúng là không thể nhịn được
cười. Người trí thức dưới chế độ độc tài toàn trị xuất thân từ thành phần phi vô
sản luôn được chính quyền giám sát chặt chẽ, thậm chí còn bắt buộc phải làm chỉ
điểm nhưng lại được gọi dưới danh xưng mỹ miều là "đặc tình". Và, ngay
cả khi phải chấp nhận làm công việc bẩn thỉu này, Lê Văn Khải vẫn bị đám công
an chìm nổi theo dõi.
Từ lúc bị Trần
Kim Thang đẩy đi chăn bò, Lê Văn Khải dần dần biến thành kẻ an phận thủ thường. Anh ta tặc lưỡi làm tình
theo kiểu "tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh" với người phụ nữ quá
lứa nhỡ thì hơn mình cả chục tuổi. Viên bác sĩ thú y lúc này sống mà như đã chết
bởi tâm hồn đã bị vết đâm trí mạng sau cú đòn gã giám đốc nông trường cướp trắng
công trình khoa học. Chi tiết Lê Văn Khải trở thành chuyên gia thiến lợn sau
khi về hưu sống với bà vợ đanh đá cá cày quả thật là màn bi hài kịch cho một trí
thức có hùng tâm tráng chí bị nhà nước chuyên chính vô sản biến thành giẻ rách
như nhà thơ Lê Đạt từng nói khi ông còn tại thế.
Lê Văn
Nghiên cũng được tác giả chấm phá bằng vài ba nét phúng dụ. Do hoàn cảnh bắt buộc,
chàng trai làng Cùa phải tham gia vào vụ giết Chu Quang Sầm để cứu những người
vô tội khác. Và cũng bởi những nghịch lý của cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đáng
lẽ phải bỏ xác chốn sa trường thì Lê Văn Nghiên lại là ân nhân cứu mạng của một
Việt cộng cộm cán. Chuyện Nghiên được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng, đúng như anh
ta thú nhận với Trịnh Doãng trong dịp về làng làm giỗ bố là có yếu tố "Trạng
Lợn". Màn hòa tấu trống, kèn, nhị bản "lâm khốc" của bộ ba Nguyễn
Đình Phán, Trịnh Doãng và Lê Văn Nghiên trước mộ Lê Văn Vận vô cùng xúc động nhưng
cũng vô cùng hài hước.
Tuy nhiên
nhân vật hoạt kê đậm đặc hơn cả trong "Ký ức làng Cùa" phải là Trịnh
Doãng. Trịnh Doãng được miêu tả cả diện mạo lẫn tâm thức có đầy đủ phẩm chất của
một kẻ vong mạng, luôn phản ứng tức thì với bọn cán bộ bần cố nông địa phương mỗi
khi chúng nghĩ ra những chiêu trò hại dân. Chống lại phong trào hợp tác hóa nông
nghiệp, Trịnh Doãng luôn bị cánh chức sắc địa phương gây khó dễ, thậm chí còn bị
công an xã dằn mặt chỉ vì dám thả ống lươn trong ao "tập thể". Trái lại,
Trịnh Doãng chẳng coi chính quyền công nông ra gì. Anh ta sẵn sàng đến huyện đường
gặp bí thư Đào Công Sự tố cáo tội ác tay chân của chủ nhiệm Tào Văn Hỗ sát hại
con mình và xuýt bị tống giam. Đỉnh điểm của sự kiện này là, Doãng cùng lão thợ
gộc và Nguyễn Đình Phán đào mộ, mang xác con trai đặt trước cửa phòng chủ tịch tỉnh
nơi sơ tán cùng với lá đơn kêu cứu. Kết quả Trần Quảng bị đột quỵ rồi chết trên
đường đến bệnh viện còn Trịnh Doãng bị án tù Sơn La với tội danh "khủng bố"...
Như trên
chúng tôi đã nhận xét, "Ký ức làng Cùa" tối kỵ lối văn kể lể rườm rà
làm người đọc mệt mỏi bỏ qua nhiều trang nhạt nhẽo mà các nhà phê bình gọi là
"chất độn". Vấn đề cần bàn trong cuốn sách này là hiệu ứng thẩm mỹ được
hình thành bởi sự cộng hưởng đa chiều. Đó là kết quả của phương pháp kể chuyện
và kỹ năng miêu tả, là cách sử dụng mô hình câu để tạo nên sự tương tác giữa các
thành tố tham gia diễn ngôn mà ta khó có thể phân định rạch ròi. Không một sự
kiện nào trong tác phẩm đứng riêng lẻ. Tất cả đều có mối liên hệ nội tại tạo nên
bức tranh hiện thực xã hội đặc sắc góp phần vào việc phản ánh tư tưởng thẩm mỹ
của tác phẩm.
Hơn tất cả,
"Ký ức làng Cùa" là cuốn sách viết về thân phận con người. Đó là những
thân phận "rách nát", bị đày ải dưới nhiều dạng thức khác nhau trong
một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, thời điểm mà các giá trị sống bị đảo ngược bởi
hệ ý thức đấu tranh giai cấp đang ở thế thượng phong.
Dàn nhân vật
trong "Ký ức làng Cùa" hầu hết là những thành phần "bất hảo",
chẳng coi nền tảng đạo đức truyền thống ra gì được tác giả miêu tả bằng ngòi bút
hoạt kê. Sự nghiêm túc theo phong cách "chính kịch" chiếm tỷ lệ không
nhiều trong hàng loạt diễn ngôn. Tiếng cười trong "Ký ức làng Cùa" vừa
chua chát vừa bi thảm. Nó có sức khơi gợi, liên tưởng đa chiều, khiến người đọc
buộc phải suy nghĩ về tương lai đất nước, số phận dân tộc và nhìn lại lịch sử một
cách nghiêm túc trái với những gì các sử gia đã viết. Một đất nước mà lịch sử bị
ngụy tạo thì tương lai đất nước ấy vô cùng bất trắc.
Phần
"vĩ thanh" coi như chương kết của "Ký ức làng Cùa", nhưng vẫn
là cái kết mang màu sắc bi hài vốn là đặc điểm phong cách của Đặng Văn Sinh. Đó
là cái kết mở bao gồm cả "lời dẫn" về cái "đầm ma" và mảnh
thiên thạch từng rơi xuống làng Cùa thời tiền sử có vẻ như chẳng ăn nhập gì với
nội dung tác phẩm. Vậy mà có đấy. Bạn hãy đọc "Ký ức làng Cùa" và tự
tìm câu trả lời cho mình...
Sài Gòn,
những ngày World Cup 2018
H.M.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét