Truyện ngắn
Đêm cuối thu. Nguyệt ngồi
một mình trong phòng trực Bệnh viện Đa khoa dưới ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn
treo cao trên tường có chiếc chao màu xanh nước biển. Trời se lạnh. Ngọn heo
may đầu mùa làm đung đưa những chùm hoa sữa tỏa mùi hăng hắc khiến những ai hay
dị ứng với sự thay đổi thời tiết khó chịu.
Giờ này không phải phiên của
Nguyệt. Chị trực thay Ngân. Cô này chỉ kém Nguyệt vài ba tuổi nhưng đường tình
duyên lận đận, tìm mãi vẫn chưa chọn được ý trung nhân, nên rất cần được
"giao lưu" tình cảm. Chị cũng mới biết, cô bạn cùng khoa này vừa kiếm
được một anh chàng bên Viện Công nghệ Thông tin. Tay này chuyên môn giỏi, đã
thiết kế được những phần mềm rất tiện ích cho ngành y dược nhưng vẫn chịu cảnh
phòng không, chẳng hiểu do quá kén hay
là số trời bắt phải lận đận. Chiều nay, thứ 5, vừa hết giờ Ngân đã khoác túi
nhẩy chân sáo như một cô bé còn học phổ thông, hôn đến chụt một cái vào má
Nguyệt rồi giơ ba ngón tay lên làm hiệu tạm biệt bye! bye!
Không biết đêm nay là đêm
thứ bao nhiêu bác sĩ Thu Nguyệt không về nhà. Những ngày này, chị lẳng lặng như
cái bóng, rất ít nói, khi có người hỏi chỉ ậm ừ hoặc miễn cưỡng trả lời gióng
một. Mặc dù rất nhớ con, nhưng cứ nghĩ đến chồng lòng chị lại rối bời bởi những
tình cảm xung đột nhau. Thứ tâm trạng ấy giống như người mắc chứng kinh phong,
mỗi khi nghe phải những âm thanh chát chúa ở tần số cao lại bị kích động.
Chuyện xảy ra cách đây già
nửa năm. Thật ra đó không phải là điểm bắt đầu. Sự việc nếu được gọi bằng chính
tên của nó, thì trò mèo mỡ này đã âm thầm diễn ra trong một thời gian khá dài.
Nguyệt cũng nghe phong thanh nhưng không có bằng chứng. Và nói thẳng ra, cuộc
sống của vợ chồng chị đã biến thành địa ngục từ lâu rồi. Hôm ấy, buổi sáng đi
làm, Nguyệt sợ muộn giờ đưa bé Thu Thủy đến trường nên quên điện thoại. Chiếc
di động sắp hết pile, chưa kịp sạc nên nếu có ai gọi đến nó cũng không thể đổ
chuông. Khoảng chín giờ, lúc ấy số bệnh nhân đăng ký khám đã thưa, Nguyệt nhờ
bác sĩ Hoài trực thay, phóng xe máy ra siêu thị mua ít đồ ăn, nhân tiện rẽ về
nhà lấy điện thoại.
Như thường lệ, Nguyệt lấy chìa
ra vặn ổ khóa chìm. Cửa không khóa nhưng bị cài chốt bên trong. Như vậy là Trần
Quảng có nhà, vậy mà tối hôm qua, lúc ăn cơm, anh ta bảo mai phải bận cả ngày
tiếp đoàn thanh tra của Bộ. Linh tính báo cho Nguyệt biết có chuyện bất thường,
nhưng dù sao cũng không thể đứng chờ ở ngay trước cửa nhà mình. Chị bấm chuông.
Liên tiếp năm hồi mới có tiếng dép loẹt quẹt bước ra. Chủ nhà trong bộ đồ ngủ
nhàu nát chẳng thèm nhìn xem khách là ai, cau mặt sừng sộ: "Bấm chuông
kiểu gì mà như cháy nhà ấy?". Thế nhưng, khi thấy Nguyệt xuất hiện thì anh
ta sững người, miệng ú ớ không thốt nên lời. Nguyệt nhìn chồng một thoáng rồi thủng thẳng bảo:
- Lúc sáng vội đưa con đến
trường, tôi quên điện thoại...
Thấy Trần Quảng có vẻ căng
thẳng, Nguyệt sinh nghi, liếc mắt nhìn quanh. Dưới chân cầu thang là một đôi
dép nữ cao gót , rất thời trang, và đương nhiên là đắt tiền, loại dép chỉ những
phụ nữ ở tầng lớp trung lưu hoặc do nhân tình nhân ngãi mua cho mới có thể sở hữu.
Lúc này, Trần Quảng có vẻ
như đã trấn tĩnh tĩnh được. Anh ta lấm lét nhìn lên cầu thang, giọng nhừa nhựa
như người say:
- Hôm nay anh hơi... váng
đầu nên xin nghỉ sớm...
- Sao bảo có đoàn thanh tra
của Bộ về làm việc?
- Hoãn rồi em ạ, vì phía
doanh nghiệp chưa chuẩn bị hồ sơ.
Bằng sự mẫn cảm của phụ nữ
Nguyệt biết thừa Trần Quảng nói dối. Đó là chưa kể thái độ lúng túng của anh ta
rất khác với cách ứng xử độc đoán gia trưởng thường ngày. Chị cũng biết, trong
căn phòng ngủ của hai vợ chồng trên tầng hai, chắc chắn phải có cái gì đó liên
quan đến đôi dép. Ở vào hoàn cảnh khác, với những phụ nữ khác, chắc chắn hôm
nay sẽ có một cuộc túm tóc đánh ghen ngoạn mục. Nhưng Thu Nguyệt là một trí
thức, xuất thân từ gia đình nề nếp, lại được học hành tử tế, chị không thể làm
trò cười cho thiên hạ đàm tiếu. Hơn nữa, đã từ lâu rồi, trong quan hệ vợ chồng,
Trần Quảng và chị giống như những vai diễn gượng gạo trong vở bi hài kịch gia
đình.
Cưới nhau không lâu, Quảng
đã thay lòng đổi dạ. Anh ta là điển hình của một thứ Don Juan thời hiện đại,
chim chuột đủ loại đàn bà đến nỗi có lần xuýt bị khai trừ đảng vì quan hệ bất
chính với một phụ nữ cùng cơ quan có chồng đang là bộ đội ngoài hải đảo. Có
điều, chuyện chị không bao giờ ngờ đến là Trần Quảng lại dám đưa gái vào nhà. Lúc
này, chỉ cần một cú điện thoại, hay đơn giản hơn, bước lên hơn chục bậc cầu
thang, là chị có thể tận mắt nhìn thấy bằng chứng bằng xương bằng thịt không
thể chối cãi.
Ngẫm nghĩ một lúc khá lâu,
Nguyệt lẳng lặng cầm chiếc điện thoại bỏ vào túi rồi nhìn Quảng, cười nhạt:
- Lần sau anh nên giấu đôi
dép cao gót xinh đẹp kia vào góc khuất rồi hãy ra mở cửa nhé...
*
* *
Đối với Nguyệt, Vụ Trần
Quảng mang gái về nhà làm tình là giọt nước tràn ly tạo nên cú sốc phản vệ. Chị
đau đớn nhưng không vì thế mà suy sụp tinh thần bởi ít nhiều chị cũng là người
từng trải, có lòng tự trọng, và nhất là càng hiểu thêm con người Trần Quảng,
một gã đàn ông lắm tham vọng, nhân cách nhếch nhác.
Ngày ấy, cách đây đúng 9 năm
khi mà Nguyệt mới ra trường về Bệnh viện Đa khoa thì Quảng đã là trưởng phòng
kỹ thuật. Là con trai của một quan chức ngành Tuyên giáo thành phố, Quảng có đủ
điều kiện thăng tiến sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng với tấm bằng loại khá.
Anh ta được ông bố đầy quyền lực sắp xếp vào Công ty Xây lắp cơ sở hạ tầng
thuộc Sở Xây dựng thành phố. Chỉ vài năm, từ một anh kỹ sư quèn, Quảng đã được
kết nạp Đảng rồi ngồi chễm chệ ở chiếc ghế trưởng phòng, vượt mặt tất cả những
chuyên gia vừa có chuyên môn giỏi vừa có thế lực phía sau chống lưng. Vào thời
điểm ấy, Quảng là niềm mơ ước của nhiều cô gái trong các cơ quan đảng và chính
quyền thành phố. Quảng có một lịch sử yêu đương khá phức tạp với những cuộc
tình tay ba vô cùng lãng mạn nhưng cũng vô cùng nguy hiểm. Đó là thứ tình yêu
phi nhân bản bởi những trò chơi bướm vờn hoa hoang dã. Quảng không có đầu óc
thẩm mỹ nhưng lại sẵn thói phù phiếm thậm chí đàng điếm của loại công tử con
quan ỷ thế cha mẹ làm bất cứ việc gì mình muốn. Trong bộ sưu tập của mình,
Quảng có hàng tá người yêu đủ loại nhưng anh ta chẳng chung tình với người đẹp
nào mà chỉ coi như những cuộc chơi.
Nhưng với Nguyệt thì Quảng
có vẻ thật lòng cho dù con tim chị chưa bao giờ rung động. Không hiểu vì sao
Quảng lại say mê Thu Nguyệt đến thế. Cũng chính vì vậy, anh ta tìm mọi cách lấy
lòng người nữ bác sĩ, kể cả những thủ đoạn không mấy lương thiện...
Dịp ấy, lúc vừa mới ra
trường, còn đang trong thời kỳ xin việc thì gặp Quảng trong buổi sinh nhật
người bạn gái cùng lớp ở thành phố này...
Đang miên man dòng hồi ức
cay đắng về cuộc tình duyên trắc trở thì Nguyệt thấy phía ngoài hành lang thấp
thoáng bóng người. Chị biết, người ấy rất có thể là Khánh. Chị đoán không sai.
Khánh lặng lẽ bước vào phòng trực, giọng có vẻ không được tự nhiên:
- Hôm nay Nguyệt lại trực
thay chị Ngân à?
Nguyệt khẽ gật đầu:
- Vẫn chuyện muôn thuở... Có
người hẹn cô ấy. Hình như nhà trai muốn xem mặt. Mà sao giờ này Khánh vẫn chưa
về?
Khánh không nói gì mà chỉ im
lặng nhìn Nguyệt. Cái nhìn sâu thăm thẳm, đắm đuối làm Nguyệt cảm thấy người
nóng ran. Không gian yên tĩnh. Khoảnh khắc của những xung đột giữa lý trí và
tình cảm. Một sự giao thoa của những cảnh ngộ khiến tâm trạng cả hai người đều
xao xuyến. Hẳn nhiên, đó là một tình cảm rất lạ, nó hình thành không phải bằng
trực giác mà bằng linh giác. Nó mông lung, huyền bí thậm chí thiêng liêng không
thể nói được bằng lời.
Nguyệt không phải là người
có năng lực giao cảm bằng sự im lặng, nhưng trong tâm thức, chị nhận ra cái sự
không bình thường trong tâm hồn chàng trai kém mình những sáu tuổi này, hình
như đang gửi gắm một thông điệp. Mối quan hệ giữa Khánh và Nguyệt đương nhiên
chẳng phải là tình bạn khác giới hay tình đồng nghiệp. Hai thứ tình cảm ấy tuy
cũng được biểu hiện qua nhiều sắc thái nhưng hoàn toàn đơn giản chứ không phức
tạp, đa đoan như những rung động tế vi của
"con tim mù lòa" như lời tiên tri của Trịnh Công Sơn.
Khánh lưỡng lự một thoáng
rồi cũng bước vào phòng với một bông hồng Đà Lạt đỏ thắm trên tay. Anh lẳng
lặng đặt bông hoa lên bàn, giọng không được tự nhiên lắm:
- Tặng Nguyệt nhân một buổi
tối mùa thu nồng nàn hương hoa sữa...
*
* *
Bác sĩ Phan Khánh, hai mươi
chín tuổi, chưa vợ, thậm chí chưa có người yêu nhưng là chàng tra đa tài và
phong cách sống như một lãng tử. Mới về Viện được năm năm, tuy nhiên Khánh đã
là tay dao nổi tiếng của khoa Ngoại I. Mấy năm qua, hầu hết những ca khó mổ đều
qua tay anh mà nếu là trước đây, người ta sẵn sàng "kính chuyển"
tuyến trên vì sợ rủi ro và nhất là sợ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Và điều
khó hiểu là, từ khi chính thức được cầm dao đến giờ, chưa khi nào người bệnh
được Khánh mổ bị tử vong hoặc gặp sự cố. Giám đốc bệnh viên rất nể trọng. Chi
bộ gợi ý cho đi học lớp "bồi dưỡng chính trị", nhưng cứ mỗi lần ông
bí thư nhắc đến việc làm hồ sơ lý lịch là anh lại tìm đủ mọi cách khất lần.
Không ít người dị nghị, bảo Khánh kiêu ngạo, coi thường chi bộ, nhưng sự thật
là anh không thích vào Đảng, không muốn có bất cứ sự ràng buộc nào cho tự do
của riêng mình.
Khánh sinh ra trong một gia
đình trí thức có tên tuổi, bố là họa sĩ nổi tiếng, còn mẹ là nhạc công chơi
cello trong dàn nhạc giao hưởng. Hồi còn ở cấp trung học, Khánh đã mê say âm
nhạc. Anh được bố mẹ cho theo học một nhạc sư guitar nổi tiếng vào các buổi tối
chủ nhật và dịp nghỉ hè những năm lớp 10 và 11. Ngay từ đầu bố mẹ đã căn dặn,
học đàn để chơi amateur thôi, còn ý nguyện của gia đình muốn anh trở thành bác
sĩ ngoại khoa. Thật may. Đó cũng là mơ ước của Khánh. Anh thi đậu vào Đại học Y
Hà Nội với số điểm khá cao, đồng thời cũng có đủ sự kiên nhẫn theo hết sáu năm
dài đằng đẵng, để rồi, cuối cùng tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu đền đáp công
lao dưỡng dục của song thân.
Nhưng Phan Khánh là người
yêu tự do cá nhân, luôn làm theo ý mình khiến không ít kẻ dốt nát nhưng cơ hội
ganh ghét. Chẳng hạn, Khánh không bao giờ vòi vĩnh hoặc nhận những đồng tiền
gọi là "bồi dưỡng" của gia đình bệnh nhân. Tiền ấy bao giờ anh cũng
đề nghị chuyển cho Khoa. Không những thế, với tay nghề vượt trội và có trách
nhiệm với công việc, Khánh chẳng nể nang ai. Có lần anh đã mắng té tát một bác
sĩ phó trưởng khoa vốn tay nghề kém, lại tranh mổ, bệnh nhân xuýt nữa tử vong
nếu không can thiệp kịp thời. Cách sống như thế làm một số kẻ cơ hội không hài
lòng. Vắng mặt Khánh, họ gọi anh là kẻ "đạo đức giả" hoặc đơn giản là
"đồ hâm". Thời buổi này mà chê tiền chỉ có những kẻ mắc chứng tâm
thần. Tất cả những lời dị nghi Khánh đều bỏ ngoài tai. Anh có nguyên tắc sống
của riêng mình. Mỗi khi tâm trạng nặng nề anh lại cầm cây guitar dạo mấy khúc
biến tấu của Schubert hay "The Blue Danube" của johann strauss. Âm
nhạc làm tâm hồn trở nên thanh thản, giải tỏa những căng thẳng và tạo cảm hứng
cho những ý tưởng sáng tạo. Mà phẫu thuật, về một mặt nào đó cũng thuộc loại
hình nghệ thuật sáng tạo.
Về bệnh viện không lâu,
Khánh đã để ý đến Nguyệt. Nói chính xác hơn là anh đã phải lòng người nữ bác sĩ
sản khoa cho dù chị đã có chồng, có con. Thu Nguyệt tuy đã ở vào tuổi
"băm" nhưng cả bệnh viện không ai có được nhan sắc trời cho như chị.
Ở Nguyệt, nhan sắc và trí tuệ kết hợp một cách hài hòa tạo nên vẻ đẹp điển hình
của phụ nữ hiện đại: giàu cá tính, rất
tự trọng và cũng đầy bản lĩnh của phái yếu trong môi trường sống đầy những cạm
bẫy do chính con người giăng ra để hại nhau. Và Thu Nguyệt đã hơn một lần rơi
vào cái bẫy ấy...
Kẻ ấy là Trần Quảng, chồng
chị bây giờ. Ngày ấy, vừa về thành phố được hơn một năm Nguyệt vô tình rơi vào
tầm ngắm của Quảng. Anh ta là trưởng phòng kỹ thuật đang chỉ đạo công nhân xây
bệnh viện mới thay cho cơ sở cũ được làm từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước
đã xuống cấp nghiêm trọng.
Từ hôm ấy, tuần nào Nguyệt
cũng nhận được ít nhất một bó hoa. Có những hôm, chàng kỹ sư chọn được một bó
toàn hồng vàng, trên băng giấy còn ghi mấy dòng chữ vô cùng lãng mạn: "Mượn tạm hồng vàng của Pautovsky thân mến
tặng người đẹp". Nhưng Trần Quảng không bao giờ là type người trong
mộng của Thu Nguyệt. Ở anh ta có một cái gì đó giống như sự galant giả tạo, một
trò nịnh đầm lộ liễu, hoàn toàn không phù hợp với gu thẩm mỹ của những phụ nữ
trí thức giầu lòng tự trọng như chị.
Cách ứng xử của Quảng đôi khi còn để lộ ra sự hợm hĩnh của loại công tử
con quan, tuy có được học hành nhưng cái phông văn hóa chỉ ở tầm vừa phải,
không thể vượt khỏi sự tầm thường vốn luôn gắn với tư cách của kẻ tiểu nhân.
Hôm ấy là một ngày thứ bảy
đẹp trời. Trần Quảng lượn xe máy đến bệnh viện chờ khi hết giờ đón Nguyệt đi dự
sinh nhật một người bạn. Trước khi đến, Quảng đã gọi điện nhưng điện thoại cơ
quan không có người trưc. Anh ta gác chân lên xe đứng chờ ngoài cổng.
Nhìn thấy Trần Quảng, Thu
Nguyệt ngỡ ngàng nhưng tìm cách từ chối khéo với lý do về quê thăm bà dì bị tai
biến. Quảng không thất vọng. Anh ta giở bài thuyết khách có ngành có ngọn làm
cô bác sĩ xiêu lòng. Và chính bởi sự nhẹ dạ cả tin ấy chị đã phải trả giá. Cuộc
ly thân vô thời hạn của hai người hôm nay cũng là kết quả của sự nể nang trong
giây phút lý trí bị tình cảm lấn át.
Đêm ấy không trăng. Trời mưa
lắc rắc. Trần Quảng cùng đám bạn tổ chức cuộc sinh nhật cho Thụy Hà vui nổ trời
tại nhà hàng Hoa Sữa. Nguyệt chỉ quen Thụy Hà sơ sơ, nhưng cũng biết, cô gái
này là một nhân vật chịu chơi trong làng showbiz thành phố duyên hải. Sau chầu
rượu Hennessy nhắm với đặc sản biển là đến tiết mục khiêu vũ. Thu nguyệt cặp đôi với một chàng trai mang
kính cận nhảy điệu valse cổ điển rất mềm mại. Theo yêu cầu của chủ nhân, tức cô
gái showbiz, dàn nhạc chuyển sang chơi bài The Blue Danube của J. Strauss II.
Bản nhạc êm dịu sâu lắng như đưa hồn người vào cõi thiên thai. Đến đoạn cao
trào, tiết tấu dồn dập, Trần Quảng chen vào ghé tai chàng kính cận nói gì đó
rồi cầm tay ôm eo Thu Nguyệt nhún nhảy. Hóa ra Quảng không biết nhảy valse. Anh
ta vừa bắt vào phách mạnh đã bị lỗi, dẫm cả vào chân bạn nhảy làm Nguyệt đau
điếng. Quảng có vẻ ngượng, chống chế bằng thứ giọng đã ngấm hơi men:
- Xin lỗi Nguyệt! Anh chỉ
quen nhảy Cha cha cha!
Thế rồi Quảng vẫy tay cho
dàn nhạc, đồng thời hơi cúi người, dậm chân, lúc này toàn thân anh ta lúc lắc
kiểu Bolero với nhịp điệu gấp gáp, quái dị. Bản valse trữ tình êm ái tắt lịm
giữa chừng, bị thay thế bởi những âm thanh chát chúa kích động, không có giai
điệu làm Nguyệt nhức cả đầu. Cùng lúc ấy, Quảng nhảy lò cò đến gần Nguyệt sỗ
sàng nắm lấy tay chị:
- Ta nghỉ một lúc đi em...ồn
ào quá...
Nguyệt còn đang dùng dằng
thì anh ta đã kéo chị vào góc trái cánh gà phong khiêu vũ, nơi để đồ uống. Ở
đây có mấy bạn trai. Họ không nhảy mà chỉ vỗ tay cổ vũ.
Trần Quảng rót cho Nguyệt ly
nước ngọt. Chị cảm ơn rồi từ từ uống. Thứ nhạc Bolero loạn nhịp theo điệu Cha
cha cha vẫn đinh tai nhức óc. Tiếng rào rào nâng cốc chúc mừng vẫn liên tục
diễn ra nhưng Nguyệt chỉ cảm thấy thoang thoảng bên tai vì chi đã váng đầu.
Khi tỉnh dậy, Nguyệt thấy
mình gần như trần tuồng bên cạnh người đàn ông cũng trần truồng như chị liền
kêu thét lên nhưng bị Trần Quảng lấy tay bịt miệng. Vẻ mặt trước đây vốn ngạo
mạn của Quảng giờ hiển hiện vẻ đau khổ và ăn năn hối lỗi. Anh ta vội vùng dậy
mặc quần áo rồi quỳ xuống đất, giọng khẩn khoản:
- Anh thật có lỗi với em
nhưng mong em chấp nhận lời cầu hôn của anh. Vì quá yêu em mà em cứ thờ ơ nên
mới phải dùng đến cách này...
Nguyệt cố kìm những giọt
nước mắt sắp trào ra, từ từ ngồi dậy, bất ngờ giáng cho gã đàn ông một cái tát:
- Đồ khốn nạn! Anh giết tôi
rồi...
Thật không thể ngờ, một
người con gái đoan chính như chị, bỗng chốc lại sa vào hoàn cảnh tủi nhục như
thế này. Thế rồi chị òa lên khóc tức tưởi. Trong khi ấy Quảng vẫn nhẫn nhục
quỳ, tay cầm chiếc nhẫn cầu hôn đắt tiền với bộ mặt thiểu não:
- Anh xin cầu hôn Nguyệt...
mong Nguyệt làm vợ anh, những gì không nên không phải em bỏ quá cho...
Ngẫm nghĩ hồi lâu, nguyệt đã
trấn tĩnh được tinh thần. Chị là người phụ nữ có bản lĩnh, dù rơi vào hoàn cảnh
bẽ bàng này vẫn đủ tỉnh táo để xử lý tình huống.
- Quỳ thế đủ rồi. Anh đứng
lên đi!
Trần Quảng bỗng thay đổi nét
mặt, cười gượng:
- Nguyệt tha thứ cho anh
chứ?
- Anh nghe đây! - Nguyệt dằn
giọng - Tội của anh không thể tha bởi anh đã xúc phạm đến danh dự, phẩm giá và
trinh tiết của một người con gái ...
- Anh biết! Anh xin em tha
thứ...
- Vậy anh yêu tôi thật lòng?
- Anh thề có quỷ thần hai
vai, nếu sau này phản bội em thì trời tru đất diệt.
- Được. Đấy là anh nói đấy
nhé! - Nguyệt nhấn giọng mỉa mai - Nếu sau này không giữ lời hứa, tôi sẽ có
cách làm cho anh đau đớn gấp nhiều lần anh đã gây ra cho tôi.
- Được được! - Trần Quảng
rối rít nói - Anh xin thề.
- Vậy ngày mai anh mời bố mẹ
về quê thưa chuyện với gia đình tôi rồi mới tính chuyện cưới xin...
*
* *
Có một nghịch lý trong tình
yêu của Khánh đối với người phụ nữ hơn tuổi mình. Đó không phải là tình yêu
Platonic, mà là tình yêu với đầy đủ ý nghĩa của nó giữa hai con tim cùng rung
lên một nhịp đập bởi mũi tên kỳ diệu của thần Cupidon. Thu Nguyệt cố cưỡng lại thứ
tình cảm trái với sự thường hằng, còn Phan Khánh thì tìm đủ mọi cách để tấm
tình đơn phương của anh lọt được vào trái tim rớm máu của nàng.
Khánh biết Nguyệt đã ly
thân. Với Quảng, Nguyệt chưa bao giờ có tình yêu mà chị chỉ chấp nhận gá nghĩa
với anh ta vì danh dự. Sống với Trần Quảng, Nguyệt như cái bóng âm thầm bên cạnh
gã đàn ông nhiều tham vọng, lắm mưu mô trong những vụ làm ăn mờ ám. Là người có
cá tính cứng cỏi, dám quyết định nhiều việc hệ trọng liên quan đến chuyên môn,
nhưng trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình chị lại tỏ ra nhu nhược,
thậm chí đôi khi còn phó mặc cho số phận đưa đẩy. Tính cả nể, sự do dự dần dần
đưa Nguyệt vào thế thụ động trước một đức lang quân ngày càng tha hóa, nhất là
sau khi trở thành giám đốc công ty.
Kiếm được nhiều tiền, Trần
Quảng bắt đầu coi thường vợ. Anh ta phớt lờ lời hứa như đinh đóng cột ngày xưa,
để rồi thả lỏng bản tính, lao vào những cuộc tình tội lỗi với các nàng thư ký
xinh đẹp, những ả chân dài nhà hàng hay ca sĩ hạng ba, ngu xuẩn, kệch cỡm nhưng
biết cách chiều chuộng đàn ông sau khi đã thực hiện công đoạn "đào
mỏ".
Có thể nói, Trần Quảng là
hình mẫu tiêu biểu của loại giám đốc thời kinh tề thị trường kèm theo cái đuôi
"định hướng" dặt dẹo, là nguyên nhân của các giá trị văn hóa, đạo đức
đang ngày một suy thoái.
Sau hôm Trần Quảng liều lĩnh
mang bồ nhí về nhà bị Nguyệt bắt quả tang, quan hệ vợ chồng đã đạt đến đỉnh
điểm của sự căng thẳng. Sự rạn vỡ hầu như không thể hàn gắn. Ngay hôm sau
Nguyệt dọn ra ở riêng, sau khi ổn định sẽ về đòn bé Thu Thủy. Nhưng Trần Quảng
nhanh tay hơn, anh ta đã gửi con bế về ông bà nội. Căn hộ Thu Nguyệt ở thuộc chung
cư Long Giang của người chị họ đang định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức. Chủ nhà
không muốn bán mà nhờ Nguyệt trông giúp nên tiện cả đôi đường.
Căn hộ ở tầng 12. Vì không
muốn Phan Khánh đeo đuổi mãi mối tình vô vọng, Nguyệt không cho anh biết nơi ở
mới của mình. Những người như Khánh không bao giờ bỏ cuộc một khi trong đầu đã
quyết định làm một việc gì đó, nhất là trong quan hệ tình cảm có liên quan đến
hạnh phúc tương lai của mình. Chưa đầy một tuần, chàng bác sĩ đã biết được chủ
nhân hiện thời của căn hộ 1235, tầng 12 chung cư Long Giang là ai. Và Nguyệt
cũng rất ngạc nhiên, vào buổi chiều thứ sáu, trước căn hộ của mình, một bông
hồng đỏ được gắn vào khuy cửa bằng keo dán.
Buổi tối, chị mở Email. Thư
của Khánh: "Sao Nguyệt cứ lẩn tránh tôi mãi thế. Phải mất cả tuần mới tìm
được nhà của Nguyệt. Tối thứ bảy Nguyệt đừng đi đâu. Tôi có chuyện cần nói. Gửi
Nguyệt trăm ngàn yêu thương và nụ hôn chân thành của một người đang đau
khổ".
Đọc thư xong, mắt Nguyệt bị
nhòe đi. Trên đời này sao lại có người đàn ông si tình đến vậy. Khánh chân
thành hay đây chỉ là mốt yêu đương hiện đại khi những chàng trẻ tuổi muốn khám
phá sự nghịch lý của những mối tình chênh lệch về tuổi tác. Nguyệt hơn Khánh
những sáu tuổi. Đó là cái tuổi của chị em chứ không thể là tuổi của tình yêu.
Trong khi ấy, chị chỉ là một bác sĩ bình thường, nhưng là một phụ nữ có lòng vị
tha từng hai lần bị phản bội, nếu chấp nhận Khánh hóa ra mình cũng ngang hàng
phải lứa với Trần Quảng? Chưa biết chung cuộc rồi sẽ ra sao nhưng trước mắt
trong khoa đã có không ít lời bàn ra tán vào.
Thế nhưng, con tim Nguyệt
lại có vẻ như không đồng tình với những biện luận nặng mùi luân lý giáo khoa
thư vốn chỉ dành riêng cho những phụ nữ kém nhan sắc như một sự trớ trêu của
cán cân tạo hóa. Chị đã đoan chính, đã thủy chung trong bấy nhiêu năm, vậy mà
cuối cùng vẫn nếm phải trái đắng. Thử hỏi, cuộc đời này làm gì còn sự công
bằng? Những kẻ cơ hội, sa đọa như Trần Quảng thì thăng tiến như diều gặp gió,
còn những người lúc nào cũng giữ gìn đạo đức, phẩm hạnh như chị lại trở nên bất
hạnh?
Đúng vào lúc Nguyệt đang
trầm tư về số phận mình thì Khánh bước vào, giọng đượm vẻ hài hước:
- Nguyệt "ẩn cư"
kín đáo quá, mất cả buổi chiều mới lên được tầng 12.
Nguyệt cũng không vừa, vừa
nghe Khánh xưng hô "xách mé" lập tức bảo:
- Gọi bằng chị đi vì tôi hơn
bạn những sáu tuổi cơ. Giờ thành gái già rồi, không nên hoang tưởng nữa bác sĩ
ạ!
Nghe âm hưởng giọng nói có
phần chua chát của Nguyệt, Khánh biết chị vừa trải qua một cơn bão lòng. Những
đợt sóng "xung kích" dường vẫn còn lan tỏa trong căn phòng này. Phân
vân mãi, cuối cùng Khánh cũng diễn đạt được thành lời những điều vẫn ấp ủ trong
lòng bấy lâu nay:
- Tình yêu chân chính không
liên quan đến tuổi tác. Tạo hóa ban cho Nguyệt một sắc đẹp khiến nhiều thiếu nữ
tuổi đôi mươi phải ghen tỵ. Vẻ đẹp đến nao lòng ấy khiến tôi không thể nào gạt
bỏ được mối tình đơn phương ra khỏi trái tim. Hãy ly hôn đi rồi chúng ta làm lại
từ đầu, được không?
- Khánh tự tin nhỉ? - Nguyệt
sẽ chau mày - Thế còn bé Thu Thủy và dư luận xã hội? Người ta không thể dẫm lên
dư luận mà sống "chàng trai trẻ" ạ.
- Nhưng Nguyệt nên nhớ cuộc
đời là hữu hạn còn thế sự thì mênh mông. Nguyệt đã ly thân, và sự ly thân ấy,
xét đến cùng, trong hoàn cảnh này là phương án tối ưu. Hãy nghe Khánh. Đừng
vương vẫn mãi cái quá khứ ảm đạm mà đã chừng ấy năm Nguyệt miễn cưỡng sống với
nó.
- Thì ra Khánh cũng là một
tay sính triết lý? - Nguyệt chợt thay đổi thái độ, giọng nói đã có phần mềm hơn
- Nhưng thôi, nếu đã là số phận thì khó có thể thay đổi...
Im lặng bao trùm làm không
khí trong phòng như bị cô đặc lại. Nguyệt trầm ngâm ngắm bức tranh chép "Thiếu
nữ bên hoa huệ" của danh họa Tô Ngọc Vân trên tường được lồng trong chiếc
khung mạ vàng. Một lúc sau, chị vào phòng trong cầm ra cây đàn guitar cũ được
đánh véc ni màu cánh gián đưa cho Khánh:
- Nguyệt muốn nghe Khánh
solo bản valse "The Blue Danube" của J. Strauss.
Khánh ôm đàn, mắt mơ màng
nhìn vào khoảng không ngoài cửa sổ. Căn phòng như bừng tỉnh bởi kỹ năng đàn của
chàng bác sĩ ngoại khoa. Những âm thanh từ sáu dây đàn rung lên lúc nhặt lúc
khoan, lúc ồn ào, khi trầm lắng với những cung bậc tình cảm khác nhau, được truyền
cảm hứng qua bản valse để đời của nhạc sĩ
thiên tài làm tâm trạng người nghe xao xuyến. Thu Nguyệt như kẻ mộng du, lắng
nghe suối nhạc dìu dặt ở đoạn tiết tấu chậm rãi được rải ra như là một bè trầm
khiến chị thổn thức.
Tiếng đàn chợt dừng lại ở
hợp âm cuối cùng nhưng dường như tâm hồn Nguyệt vẫn còn lang thang đâu đó trên
những ngọn sóng xanh biếc của con sông huyền thoại xuyên qua lục địa Châu Âu.
Chỉ đến khi Khánh nhẹ nhàng nắm tay mình Nguyệt mới bừng tỉnh. Chị phản ứng một
cách yếu ớt:
- Đừng!
Rồi Nguyệt bảo:
- Cảm ơn vì... bản nhạc. Giờ
chưa phải là lúc ... Anh về đi...
*
* *
Thứ bảy. Cả khoa làm một
chuyến du lịch Đồ Sơn, trừ những người được phân công trực ban. Đương nhiên là
Khánh cũng biết tin lập tức bắt taxi ra Hải Phòng trước. Nhận phòng xong, Khánh
gọi điện cho Nguyệt:
- Tôi đang ở Đồ Sơn, Nguyệt
đến khách sạn Đông Hải, phòng...
Thật may, Nguyệt ở cùng ở
với Ngân. Khoảng 9 giờ, sau khi mọi người đã về nghỉ, Nguyệt rỉ tai cô bạn vừa
mới cưới chồng hồi đầu năm:
- Mình có việc phải đi một
lúc, nếu ai hỏi Ngân nói giúp là đi thăm bà cô nhé.
Ngân đã lờ mờ nhận ra mối
quan hệ không bình thường giữa Nguyệt và anh chàng bác sĩ khoa ngoại nên giả bộ
ỡm ờ:
- Chắc lại có anh nào rủ đi
hát karaoke...
Nguyệt cười:
- Già rồi, hát với hỏng gì.
Ngân vẫn giọng bông đùa
nhưng lần này là thật lòng:
- Nhan sắc như chị giờ này
ra ngoài đường, ối chàng "trống choai" muốn chết đấy. Mà em thấy tay
Khánh bên khoa ngoại có vẻ thật lòng, nhiệt tình với chị thế, sao không
"chia tay hoàng hôn" với lão Trần Quảng rồi làm "tập hai"
đi. Khánh là mẫu người lý tưởng của phụ nữ thời nay...
- Cậu chớ nói mò. Khánh chỉ
đáng tuổi em út, làm gì có chuyện ấy.
Ngân cười tinh quái:
- Xưa nay có ai biết ma ăn
cỗ bao giờ.
- Thôi đừng chém gió nữa.
Nhớ đấy. Đừng có bép xép!
- Nhớ rồi, thưa chị! Chúc
mọi sự tốt lành!
Khánh không phải chờ lâu.
Nguyệt vừa đi taxi đến là hai người tản bộ xuôi xuống dốc hướng về đền Bà Chín.
Biển Đồ Sơn về đêm đẹp vô cùng. Mặt nước phản chiếu những chùm đèn gắn trên mặt
tiền các nhà hàng, khách sạn ven bờ như những chuỗi ngọc sáng lấp lánh. Đêm
không trăng nhưng trời đầy sao. Ngoài khơi xa, biển vẫn rì rào khúc nhạc muôn
đời. Đêm mùa hạ, bầu trời lung linh những ngôi sao xanh in bóng xuống mặt biển
lấp lánh ánh lân tinh. Những lớp sóng dìu dặt xô bờ và những vì sao lang thang
trong vũ trụ bao la bỗng chốc tạo nên một không gian vừa êm ả vừa sôi động, vừa
hiền hòa lại vừa dữ dội khiến tâm trạng Nguyệt bớt đi sự cô đơn. Ngồi trên bờ
chắn sóng, Nguyệt hỏi như cố tình trêu chàng bác sĩ lãng tử:
- Bạn nhận được thông tin
nhanh thật. Theo Nguyệt được biết, hôm nay hầu hết các khách sạn "cháy
phòng" làm sao đặt được chỗ "VIP" như vậy?
- Tôi có người bạn là quản
lý ở khu nghỉ dưỡng này, nếu cần, chỉ một cuộc điện thoại là có phòng tiện nghi
ngay.
- Sao biết tin nhanh thế?
- À, mình thuê thám tử tư
chuyên thu thập thông tin từ Khoa Sản...
- Chỉ phịa! Chắc lại cô Vân
hành chính phải không?
- Ai không quan trọng, miễn
là ngày nào cũng được nhìn thấy Nguyệt. Nói thật lòng, Nguyệt đi một mình tôi
không yên tâm, nhỡ có chuyện gì xẩy ra, nhất là sợ... Trần Quảng.
Nguyệt bĩu môi:
- Sợ là đúng đấy. Tốt nhất
Khánh nên về. Quảng là người nhẫn tâm, việc gì anh ta cũng dám làm.
Khánh cười nhạt nhưng giọng
hoàn toàn nghiêm túc:
- Nếu cần, Khánh sẽ
"chiến đấu" đến cùng để giành lấy người mình yêu.
- Ai yêu anh? - Nguyệt cười
nhạt, miệng giẩu ra - Đừng có mà mơ!
- Thôi mà! Đừng làm khổ Khánh
nữa Nguyệt. Tôi yêu Nguyệt hơn tất cả mọi thứ trên đời...
- Nhưng mà Nguyệt đã qua một
chuyến đò, thành gái già rồi, anh nên tìm người khác trẻ hơn.
Khánh tủm tỉm cười:
- Khánh đã đi tìm nửa cuộc đời, giờ mới gặp
người trong mộng, không thể dễ dàng buông xuôi.
Sóng vỗ ràn rạt vào kè chắn
nước. Những ngôi sao xanh mờ dần nhưng bầu trời vẫn sâu thăm thẳm. Gió đã đổi
chiều từ ngoài khơi thổi vào thoang thoảng mùi muối, mùi nồng nồng của những
đàn cá chuồn lao như tên bắn trên mặt nước tím sẫm. Đêm đã khuya. Chuỗi đèn màu
ven bờ vẫn tỏa ra thứ ánh sáng ma mị đánh lừa lũ côn trùng. Bất giác Khánh cất
tiếng hát khe khẽ về một khúc ca biển của nhạc sĩ người Nam Dương bằng chất
giọng baritone "Biển rì rào, sóng vỗ
dập dềnh. Một con thuyền mỏng manh ra khơi. Muôn vì sao lung linh tỏa sáng mặt
biển xanh, tiễn đưa chàng ngư phủ xông pha trên đại dương bao la, tìm người
trong mộng...". Bài ca được viết ở giọng rê thứ, nhịp C nên giai điệu
uyển chuyển, phong cách trữ tình. Khánh vừa dạo xong khúc mở bằng hợp âm la
thứ, Nguyệt bắt vào với giọng soprano lảnh lót. Hai giọng ca hòa với nhau được
đàn guitar giữ nhịp tạo nên một phức điệu ngẫu hứng giữa muôn ngàn âm thanh rì
rào của sóng biển. Giờ đây, với Nguyệt, cuộc đời thật đáng sống. Những bất hạnh
đã qua dường như chỉ là sự thử thách của số phận, và hình bóng Trần Quảng đã
nhạt nhòa thuộc về quá khứ trước những giai điệu tuyệt đẹp của bản tình ca.
Đêm đã chuyển canh, Cặp tình
nhân rời bờ chắn sóng. Khánh lặng lẽ ôm lấy Nguyệt, hôn vào tóc, vào mí mắt rồi
đôi môi nàng, thì thầm:
- Về phòng Khánh đi!
Nguyệt nhẹ nhàng gỡ khỏi
vòng tay rắn chắc của người đàn ông rồi cầm cây đàn, giọng có vẻ tiếc nuối:
- Chưa được đâu anh! Hãy chờ
một thời gian. Nguyệt chưa chuẩn bị tinh thần...
*
*
*
Thời gian trôi đi rất nhanh.
Chẳng mấy chốc đã vào tiết xuân. Mưa xuân như rây bột. Trời vẫn còn se lạnh
nhưng hàng phượng vĩ hai bên đường đã
bắt đầu nhú những mầm non. Năm nay Nguyệt về quê giỗ tổ. Làng Bình Sơn của chị
cách thành phố khá xa. Hôm nay hai người đi ô tô, xe của Khánh do anh tự lái.
Trên đường đi, Khánh mở nhạc, bản "Sonate Ánh trăng" của L.
Beethoven. Giai điệu êm dịu của Chương 1 làm tâm trạng Nguyệt hưng phấn. Chị
bảo Khánh:
- Chốc nữa về nhà, Nguyệt
giới thiệu Khánh với gia đình là lái xe được không?
Khanh gật đầu:
- Tùy Nguyệt. Chỉ mong suốt
đời này tôi được lái xe phục vụ người đẹp. Nhưng này, liệu Trần Quảng có về
không?
Nguyệt cười phá lên:
- Giả sử anh ta về đây mà
"đụng hàng" thì hay đấy nhỉ...
Khánh cũng tỏ ra có khiếu
hài hước:
- Rất tiếc thời nay không
còn trò chơi đấu súng.
Nguyệt cao giọng:
- Thế thì anh sẽ bị hạ gục
ngay khi chưa bịp bóp cò...
- Chưa chắc! Bạn đừng coi
thường nhé!
Lễ giỗ tổ như một tín ngưỡng
văn hóa được cử hành trước ở nhà thờ sau ra phần mộ. Khu lăng mộ rất hoành
tráng, vừa đẹp về thiết kế kiến trúc vừa đạt tiêu chuẩn phong thủy. Trước mộ
phần là một khoảnh đất rộng chừng năm sáu chục mét vuông có hai gốc đại cổ thụ.
Mùa xuân hoa đại chưa nở nhưng đâu đó vẫn thoang thoảng mùi hương còn lại của
mùa hè năm trước trong gió xuân lất phất những hạt mưa bụi.
Lễ dâng hương xong. Khi các
bậc trưởng bối của dòng họ lần lượt ra về, Khánh ra hiệu cho Nguyệt ở lại. Hai
người ngồi bên gốc cây đại già có những cành vươn dài về phía lăng mộ che phủ
một phần khoảnh đất mọc dầy cỏ mần trầu. Khánh ướm hỏi:
- Gia đình đã biết chuyện
của Nguyệt chưa?
Nguyệt lẳng lặng gật đầu:
- Đây là vùng đất điển hình
của các lề thói cũ, Khánh cứ nhìn cách các cụ cử hành nghi lễ thì rõ. Lúc ở
nhà, mẹ cứ căn vặn anh là ai, vì sao Trần Quảng và bé Thu Thủy không về.
- Nguyệt trả lời thế nào?
- Cũng đành nói dối quanh.
Nói thật, bố sẽ đuổi Nguyệt ra khỏi nhà, thậm chí còn từ nữa.
- Chỉ còn cách nhanh chóng
ly hôn! - Khánh nhắc lại câu anh đã nói nhiều lần.
- Nhưng Trần Quảng vẫn chưa
nghe, với lại, Nguyệt thương con bé...
Lúc này Khánh buộc phải sử
dụng ngón đòn tâm lý:
- Nguyệt không còn nhớ những
hôm đến bệnh viện với những vết thâm tím trên mặt ư? Đời người ta rất ngắn,
phải biết vượt qua những suy nghĩ tầm thường.
Nói rồi Khánh cầm tay
Nguyệt, một bàn tay mềm mại, ấm nóng làm con tim anh như sắp nhảy khỏi lồng
ngực. Bất chợt, Khánh ôm ghì lấy Nguyệt đặt vào môi chị nụ hôn đắm đuối:
- Kìa anh! Nhỡ có người
trông thấy...
Khánh trở lại tư thế cũ
nhưng vẫn nắm tay Nguyệt trong bàn tay mình. Cuối cùng, lấy hết can đảm, chàng
bác sĩ trẻ cầm chiếc nhẫn nạm ngọc bích, quỳ một chân xuống, giọng run run:
- Nguyệt ơi! Hôm nay giữa
thanh thiên bạch nhật, có trời đất và hương hồn cụ tổ chứng giám, tôi xin cầu
hôn em... Nguyệt có bằng lòng làm vợ tôi không?
Nguyệt không lường trước
tình huống này. Cử chỉ đột ngột của chàng bác sĩ làm chị sửng sốt nhưng cũng đủ
bình tĩnh để đưa Khánh trở lại với hiện thực phức tạp của cuộc sống:
- Nguyệt biết là Khánh chân
thành vì Khánh yêu Nguyệt. Nhưng Khánh ơi! Chúng ta sao có thể bước qua được
những nguyên tắc. Vào thời điểm này, Nguyệt chưa thể nhận lời cầu hôn, bởi phía
sau còn có trách nhiệm và nghĩa vụ...
*
* *
Mùa hè năm ấy, Khánh được
mời tham dự hội thảo khoa học về kỹ thuật ghép tụy hiện đại do Bộ Y tế tổ chức
tại Sài Gòn. Anh bàn với Nguyệt xin nghỉ phép mấy ngày. Chị chần chừ mãi cuối
cùng cũng nhận lời. Hai người mua vé vào thời điểm khác nhau và không cùng
chuyến bay để tránh cặp mắt xăm xoi của những kẻ rỗi hơi thích ngồi lê đôi
mách.
Khánh đi chuyến trước. Anh
nhận phòng cùng với một bác sĩ mới ở Canada về. Anh gọi điện đặt cho Nguyệt một
phòng ở Hoàn Vũ hotel, sau đó bắt taxi ra sân bay đón chị. Trời Sài Gòn nắng
như đổ lửa. Dòng ô tô, xe máy chảy cuồn cuộn không ngừng nghỉ trên những con
đường bụi bặm. Nguyệt đã vào Sài Gòn mấy lần, và cứ mỗi lần thả bộ trên vỉa hè đại
lộ Tự do (nay là đường Đồng Khởi) chị lại thấy thành phố ngày càng ô nhiễm
nặng. Chuyến vô nam lần này chính là bởi
cuộc tình ngang trái mà trong đó, chị
vừa là kẻ chủ động lại vừa bị động. Thật ra, ranh giới giữa lý trí và tình cảm
trong mối quan hệ giữa chị với Khánh rất không rành mạch. Rõ ràng chị đã yêu
Khánh. Chị đã chủ động từ bỏ cái gia đình địa ngục mà ở đó, không ít lần bị
những cái bạt tai, túm tóc rồi đấm đạp của một kẻ đã mất hết tính người. Thế
nhưng vẫn còn một sự ràng buộc khiến Nguyệt không nỡ xa rời nó là bé Thu Thủy.
Hiển nhiên, Nguyệt là một trí thưc, một bác sĩ chuyên khoa 2, không thể chấp
nhận sống như một thứ Oshin bên cạnh gã đàn ông tha hóa vốn là sản phẩm độc hại
của một hệ ý thức lạc hậu, bảo thủ mà tinh thần cốt lõi của nó là thói đạo đức
giả. Nguyệt đã mấy lần viết đơn nhưng Trần Quảng vẫn khăng khăng không ký, thậm
chí anh ta còn về quê lôi kéo bố mẹ chị bằng những lời đường mật, nhằm kéo dài
thời gian, mong chị hồi tâm chuyển ý.
Đang miên man với dòng suy
tưởng về cảnh ngộ của mình thì Khánh từ cuộc hội thảo trở về. Anh lặng lẽ hôn
vào tóc Nguyệt rồi vui vẻ thông báo:
- Trưa mai, hội thảo xong, chúng
mình sẽ bay ra Phú Quốc mấy ngày. Khánh đã đặt vé.
- Này! Phiêu lưu vừa thôi.
Hình như ông Thất phó giám đốc đã biết chuyện của chúng mình. Biết đâu họ sẽ
làm khó dễ...
- Đừng nên nghĩ nhiều như
thế. Thời bây giờ khác xưa rồi. Vạn nhất, nếu họ giở quẻ, chúng mình sẵn sàng
bỏ việc trước khi bị đuổi. Ta sẽ mở phòng mạch riêng. Tiền thì khỏi lo. Ông anh
cả Khánh đang làm việc tại cơ quan Nguyên tử lực Hoa Kỳ, lúc nào cũng sẵn sàng
gửi cho ta cả triệu dollar mở bệnh viện tư nhân. Chưa biết chừng, bà Xuân, ông
Thất sau khi về vườn cũng xin sang làm việc cho chúng mình ấy chứ...
Nguyệt bật cười:
- Anh cũng là người thích
đùa đấy nhỉ!
- Anh không đùa tí nào - Lần
đầu tiên Khánh xưng "anh" với Nguyệt - Quy luật kinh tế thị trường sẽ
điều chỉnh hành vi và thói quen tư duy một chiều của các nhà lãnh đạo thiểu
năng trí tuệ.
Chặng bay từ Tân Sơn Nhất ra
Phú Quốc chỉ vài chục phút. Chiếc A320 hạ dần độ cao rồi lao xuống đường băng
một cách nhẹ nhàng. Dịch vụ taxi ở hòn đảo cực nam này cũng tiện lợi không kém
gì các phi cảng lớn trên đất liền. Lúc đã ngồi trên taxi, Nguyệt ghé ta Khánh
thì thầm:
- Lấy một phòng thôi. Hôm
nay Nguyệt có chuyện muốn nói với Khánh.
Chàng lãng tử sững người.
Hình như có sự chuyển biến nào đó trong tư tưởng Nguyệt.
Đêm hè lộng gió ở Phú Quốc làm
Nguyệt có cảm giác như đang ở một vùng trời xa xôi nào đó, một không gian sinh
tồn khác hẳn bởi tiếng sóng vỗ lao xao, tiếng đàn hải âu vừa chao lượn vừa kêu,
và nhất là những tiếng thì thầm đâu đó như từ cõi xa xăm mơ hồ vọng về. Có thể
đó là hoài niệm tiền kiếp chăng? Không gian biển vừa thơ mộng vừa mặn mòi.
Những hàng dừa, những cây bàng và cánh rừng có khu nghĩa địa cổ như là sự hiển
thị trong khoảnh khắc miền ký ức lịch sử của những cư dân từ vùng Thuận, Quảng,
thậm chí cả Thanh, Nghệ đặt dấu chân đầu tiên lên mảnh đất đầy nắng gió này.
Khánh mượn được cây guitar
của nhà khách cùng Nguyệt tản bộ xuống Bãi Soi vào lúc chiều tà nhìn mặt trời
lặn trên biển và thả hồn vào cõi mông lung ngắm trời, ngắm đất và...ngắm nhau
mãi không chán. Nguyệt sốt sắng bảo:
- Khánh đàn đi. "Diễm
xưa" ấy...
Khánh chỉnh dây, dạo mấy
lượt rồi bắt đầu nhấn những nốt nhạc đầu tiên. Lạ thật. Ngay trên bãi biển thơ
mộng này mà những khúc điệu và ca từ hình tượng về một tòa tháp cổ dân tộc Hời mãi xứ Quảng xa xôi vẫn hòa hợp
với một cách tự nhiên với phong cảnh nơi đây.
Đến khúc dạo thứ ba thì Nguyệt bắt vào bằng giọng lảnh lót đầy cảm khái:
"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...".
Ca khúc này của Trịnh dường
như không có đoạn cao trào. Tất cả gần như cùng một cấu trúc giai điệu nhưng
cái cách phát triển khúc thức và kỹ thuật đảo phách đã đạt đến trình độ tuyệt
vời của dòng nhạc trữ tình. Đang solo ở phần sinh động nhất với đoạn ca từ đẹp
như một bài thơ tình dang dở "Chiều
nay còn mưa sao em không lại/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau, hằn
lên nỗi đau...", Nguyệt đột ngột dừng lại tạo nên một khoảng lặng vô
cùng. Khánh chợt nhìn Nguyệt thấy chị ràn rụa nước mắt, vội buông đàn ôm chị
vào lòng. Nguyệt cũng ghì chặt lấy người yêu, giọng thổn thức:
- Khánh ơi! Hình như từ kiếp
trước chúng mình đã có duyên nợ với nhau. Vừa rồi, Nguyệt lờ mờ nhìn thấy hai
đứa mình trên con thuyền nhỏ bồng bềnh giữa đại dương chở đầy ánh trăng trong
đêm thượng huyền...
Khánh ghì chặt Nguyệt rồi áp
mặt vào ngực nàng thì thầm:
- Nhận lời làm vợ anh,
Nguyệt nhé!
Hải Phòng, 12/11/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét