Đặng Văn Sinh
Vào một ngày cuối tháng 8 năm
2005, tôi đang ngồi gõ máy bản thảo bài phê bình tập truyện ngắn "Lá bàng
xanh ngoài cửa sổ" của nhà văn Tô Đức Chiêu thì chuông điện thoại reo. Đầu
dây đằng kia, một giọng trầm, âm lượng đầy nội lực hỏi: "Xin lỗi, ông có
phải nhà văn Đặng Văn Sinh không ạ?". Sau khi được xác nhận tôi đúng là
chủ nhân số máy vừa gọi, người khách tự giới thiệu: "Tôi là họa sĩ Lê Trí
Dũng ở đại học Mỹ thuật công nghiệp, vừa đọc trích đoạn tiểu thuyết "Ký ức
làng Cùa" của ông trên tạp chí Nhà
văn. Tuy mới đọc một chương mà đã
thấy tác phẩm gây ấn tượng mạnh, tôi gọi điện trước hết để chúc mừng, sau nữa
là, phiền ông gửi cho mua một cuốn theo đường bưu điện, tôi sẽ chuyển tiền vào
tài khoản...".
Nghe xong tôi lặng người đến
mấy giây rồi trả lời họa sĩ: "Cảm ơn ông đã đọc của tôi, nhưng thật đáng
buồn, bản thảo đã qua 5 nhà xuất bản đều bị từ chối. Có đầu nậu đã làm mi (dàn
trang, vẽ bìa), dự kiến in lần đầu vài nghìn bản, nhưng đến phút cuối cùng vẫn
không xin được giấy phép". Lê Trí Dũng ngẫm nghĩ một lúc rồi chợt đưa ra
sáng kiến: "Hay là ông "bán" cho tôi bản photocopy để anh em ở
đây đọc, chứ dở dang thế này không chịu được".
Biết đây chẳng những là tay
ham đọc sách mà còn có "con mắt xanh" nên tôi mách nước: "Toàn
bộ bản thảo cuốn sách tôi đã chuyển cho ban biên tập tạp chí, ông có thể liên
hệ với nhà thơ Nguyễn Trác hoặc nhà văn Văn Vinh mượn".
Bẵng đi một thời gian, một
hôm Lê Trí Dũng lại gọi điện cho tôi thông báo: "Cảm ơn ông, chúng tôi đã
đọc xong "Ký ức làng Cùa". Mấy ông bạn tôi đọc rồi, thích quá, bảo, ở
chốn rừng xanh núi đỏ xa xôi ấy, vậy mà có một tay bút thật đáo để". Từ
đấy chúng tôi thường xuyên gọi điện cho nhau. Và cứ đến dịp tết Lê Trí Dũng lại
gửi cho tôi tấm ảnh chụp "con giáp" do chính anh vẽ với lời đề tặng
rất trân trọng.
Cuối tháng 1 năm 2007, Lê
Trí Dũng gửi tôi cuốn tạp văn "Những hòn cuội nhặt dọc đường hành
quân" do nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành. Cuốn sách khá đặc biệt, khổ vuông
15x 15 cm, bìa cứng in ký họa người lính, AK 47 trên vai, lưng mang ba lô cóc,
ceintureron treo lỉnh kỉnh những bi đông, dao găm, lưu đạn... được bố cục trong
một không gian hẹp bằng những nét đanh, mảnh đan cài vào nhau, đang hành quân.
Góc dưới bên phải là nhan đề tác phẩm được sắp xếp theo chiều dọc bằng loại chữ
khổ nhỏ năm màu như những hòn cuội lấp lánh, tạo nên sự tương phản với những
nét trắng mảnh trên nền đen. Trái lại, bìa sau được thể hiện vô cùng phóng túng
bởi con ngựa màu đỏ gắt, xù lông tung bờm, bốn chân xoãi ra trong tư thế phi
nước đại trong khi chiếc đuôi đang bay lên dưới ánh trăng đêm.
Cuốn tạp văn dày 268 trang
gồm 17 bài viết và một "Lời cuối sách", được in đẹp, sửa morasse kỹ,
hầu như rất ít lỗi kỹ thuật. Điều thú vị nữa là, cùng với mỗi bài viết, Lê Trí
Dũng lại kèm theo ít nhất một minh họa, có những minh họa rất hoành tráng.
Và tôi sững sờ. Sự từng
trải, tầm vóc văn hóa, và sau hết là ngọn bút của người họa sĩ từng một thời là
lính xe tăng này thật tài hoa, khiến bất cứ ai, sau khi đọc cũng phải tâm phục
khẩu phục.
Hơn 4 năm sau, vào ngày 5
tháng 10 năm 2011, tôi lại nhận được ấn phẩm của Lê Trí Dũng bằng chuyển phát
nhanh. Đó là cuốn tạp văn thứ hai, dày gần gấp đôi cuốn trước, vẫn hình vuông,
khổ 15x15cm, và điều đặc biệt là, nó vẫn mang tựa đề "Những hòn cuội nhặt
dọc đường". Ngoài lời giới thiệu của họa sĩ râu dài Phan Cẩm Thượng và Yên
Ba và "Lời cuối sách", "Những hòn cuội nhặt dọc đường" lần
này in 30 bài tạp văn cùng khá nhiều tranh minh họa của tác giả phần lớn được
dàn trải trên cả hai trang, rất sinh động, càng làm tăng sức hấp dẫn.
Sức viết của Lê Trí Dũng
thật đáng nể, giữa năm 2013, Lê Trí Dũng xuất bản cuốn "Những hòn cuội
nhặt dọc đường" thứ ba, lần này là khổ 14x20,5cm, dày 356 trang, do nhà
xuất bản Văn học ấn hành, trong đó có 80 trang dành cho những bài phê bình. Các
bài viết được Lê Trí Dũng phân loại 4 chủ đề: "Muôn mặt hội họa",
"Sắc màu cuộc sống", "Vài tích cổ văn" và "Hòn cuội và
những người bạn".
Đến tháng 11 cùng năm, họa
sĩ cầm tinh con trâu (hẳn là trâu vàng) lại trình làng tập tranh Lê Trí Dũng
khổ 21x23cm, bìa cứng, in song ngữ của nhà xuất bản Mỹ thuật với 72 CON NGỰA vô
cùng trang trọng. Chính tập tranh đã làm nên "thương hiệu" Lê Trí
Dũng. Không riêng gì độc giả mà ngay cả giới phê bình mỹ thuật cũng phải thừa
nhận, Lê Trí Dũng là chuyên gia hàng đầu về NGỰA của nền hội họa đương đại Việt Nam.
Tập tranh ngựa Lê Trí Dũng
gửi ngay cho tôi sau khi in xong, nhưng "Những hòn cuội nhặt dọc
đường" tập 3 anh lại mang đến tận nhà tặng cùng với bức TRANH GÀ rất đặc
sắc nhân chuyến viếng thăm chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) đầu xuân Đinh
Dậu (2017).
Lê Trí Dũng bảo, chú gà Đinh
Dậu này vẽ chỉ trong một đêm, và, sở dĩ anh cách điệu cặp chân to đùng như gà
Đông Tảo là có ý muốn nó bước dẻo dai trên vạn dặm đường xa tìm ...nguồn cảm
hứng sáng tác cho người nghệ sĩ...
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét