HOÀNG
MINH TƯỜNG
NGUYÊN KHÍ
Tiểu thuyết
“Nguyên khí”
là cuốn tiểu thuyết viết về hai nhân vật lịch sử nổi tiếng Nguyễn Trãi - Nguyễn
Thị Lộ thời Lê sơ (thế kỷ XV) của nhà văn Hoàng Minh Tường, được Nhà
xuất bản DÂN KHÍ ấn hành năm 2014, mạng Amazon và shop Người Việt phát hành. Là tiểu thuyết lịch sử nhưng thực
chất lịch sử chỉ là điểm tựa tạo niềm cảm hứng cho tác giả thể hiện quan điểm
thẩm mỹ thông qua hệ thống nhân vật và bối cảnh xã hội hư cấu. Lịch sử nhân
loại thường được ghi chép không mấy trung thực, nhất là với lịch sử Việt Nam,
qua hàng ngàn năm chống ngoại xâm và nội chiến khốc liệt giành vương quyền đã để
lại nhiều điểm mù mờ, tạo nên những góc khuất, cho đến ngày nay vẫn còn là
những câu hỏi lớn. Vì vậy, không lạ gì, khi cùng một sự kiện ghi trong Quốc sử,
nhưng mỗi nhà văn lại có quan điểm khác nhau khi khai thác và sử dụng tư liệu. Vì
thế, Alxandre Dumas (cha) khi viết tác
phẩm “Ba chàng ngự lâm” (Les trois
mousquetaires) đã từng tuyên bố “Lịch sử
chỉ là cái đinh để
nhà văn treo bức tranh vẽ theo trí tưởng tượng của
mình”. Có thể xem như đó là một tuyên
ngôn của nghệ thuật.
Về mặt phương pháp sáng tác, “Nguyên khí” hầu như không chịu sự chi
phối của thi pháp tiểu thuyết lịch sử truyền thống. Tác giả phá vỡ hệ thống quy
phạm vốn đã được “tiêu chuẩn hóa”. Ông có vẻ như không coi trọng lắm các sự
kiện lịch sử, mà tập trung khai thác bản chất lịch sử thông qua thao tác phản
biện.
Có thể nói, viết “Nguyên khí”, Hoàng Minh Tường thay đổi hẳn bút pháp
nếu so với “Gia phả của đất” và “Thời của thánh thần”. Mạch truyện không theo
trình tư tuyến tính mà phát triển theo kiểu gián cách. Hệ thống nhân vật lịch
sử và hiện tại đan xen vào nhau cùng với những bình luận ngoại đề của nhân vật
hay của chính tác giả, tạo nên một văn bản nghệ thuật hấp dẫn, trong đó có
không ít trường đoạn mang yếu tố trào lộng, giễu nhại của phương pháp sáng tác
Hậu hiện đại.
Tính chân thực của “Nguyên khí” được dẫn dắt bởi mạch truyện linh hoạt
kết hợp giữa các sự kiện lịch sử và hư cấu nghệ thuật xung quanh vụ án Lệ Chi
Viên làm người đọc bị bất ngờ qua hàng loạt tình huống giầu kịch tính. Câu
chuyện bắt đầu bằng việc ông trưởng tộc
họ Đoàn xứ Đoài bất ngờ tìm được bộ “Long Thành tạp ký” bằng chữ Hán , ghi chép về vụ án Lệ Chi Viên
do cụ tổ Ứng Nhân Đoàn Khâm để lại từ năm trăm năm trước. Và cũng từ bộ sách
quý này mới nảy sinh ra chuỗi nhân vật giầu cá tính, đầy bản lĩnh nhưng cũng
thấp thoáng chút hài hước là hai “nhà buôn văn hóa” Cao và Thấp, giáo sư Hán
học Hoàng, tiến sĩ Bùi La Việt, chủ nhiệm Huỳnh Đạo. Tuyến nhân vật hiện đại
này tuy mỗi người một vẻ, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, nhưng tất cả
đều có một mẫu số chung là đều kính trọng, tôn vinh Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị
Lộ, đồng thời tìm mọi cách trả lại danh dự cho hai danh nhân văn hóa sau cái
chết oan khuất của họ cách đây hơn bảy trăm năm.
Có thể xem, “Nguyên khí” là một văn bản nghệ thuật kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, được soi rọi bằng nhãn
quan thấu thị của người cầm bút lách vào những góc khuất thời gian mà không bị
chi phối bởi ý thức hệ, nhằm tìm ra được chân tướng lịch sử vốn bị mù mờ do các
sử gia để lại.
Nguyên khí là bi kịch không chỉ một thời của giới trí thức Việt Nam.
Nó là nỗi đau tận tâm can của nhiều thế hệ bởi chúng ta chưa tự thắng được sự
hèn yếu của mình.
Đặng Văn Sinh
“… HIỀN TÀI LÀ
NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA. NGUYÊN KHÍ
THỊNH THÌ THẾ NƯỚC MẠNH MÀ HƯNG THỊNH, NGUYÊN KHÍ SUYTHÌ THẾ NƯỚC YẾU MÀ
THẤP HÈN. VÌ THẾ CÁC BẬC ĐẾ VƯƠNG THÁNH
MINH KHÔNG ĐỜI NÀO KHÔNG COI VIỆC GIÁO
DỤC NHÂN TÀI, KÉN CHỌN KẺ SĨ, VUN TRỒNG
NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA LÀM CÔNG VIỆC CẦN THIẾT…”
Thân Nhân
Trung
( Văn bia Tiến
sĩ năm Nhâm Tuất,1442)
VĂN MIẾU QUỐC
TỬ GIÁM
HÀ NỘI
“ … Tấn thảm
kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấn thảm kịch của một vĩ nhân sống trong một xã
hội quá ư bé nhỏ.”
YVELINE FÉRAY
SG.
Ngày 16/8 Nhâm Thìn (1/10/2012)
PHÁT PHẪN TRƯỚC THƯ
1. ỨNG NHÂN ĐOÀN KHÂM
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
(Cây chuối - Quốc âm
thi tập - Nguyễn Trãi)
Có khách lạ từ
Hà Nội về thăm ông thủ từ đình làng Động.
Chiếc xe Vios
màu bạc từ đường nhựa đi thẳng vào cửa đình. Hai ông khách, một trung niên một
trẻ, ông trung niên cao gầy, tương phản đến hài hước với ông trẻ béo lùn đeo
kính cận, giống hệt như hai thầy trò Don Quixote và Sancho Panza của văn hào
Miguel de Servantes nước Tây Ban Nha.
Hai ông khách thông thạo đường đi nước bước còn hơn cả người làng, đến tận
phòng cụ thủ từ, thì thào với cụ điều gì đó khoảng nửa tiếng đồng hồ, rồi phóng
xe đi ngay.
Ngày hôm sau,
một đoàn năm người, do cụ thủ từ dẫn
đầu, đón taxi ra gặp hai vị khách. Được hai ông tận tình hướng dẫn, đưa đi gặp
ban này, phòng nọ, sở kia, nhưng quan trọng hơn cả là họ được gặp sư trụ trì
chùa Thái Cực.
- A di đà Phật
- Sư trụ trì cung kính chắp tay đáp lễ và nói - Làng ta phúc lộc cao dày. Phải
có duyên có phước lắm mới được đức Phật độ trì.
Nói rồi sư trụ
trì đưa người làng Động vào hậu cung, tận mắt nhìn thấy một tấm bia đá hình chữ
nhật chi chít chữ nho, bề rộng chừng hai gang tay, chiều cao hơn ba gang tay,
xung quanh chạm nổi hoa dây và rồng phượng. Tấm bia dựng áp tường, phía dưới là
một ngăn tủ chìm, xếp vừa một hòm sắc cổ, trong đó có những bảo vật của làng
Động từ hơn năm trăm năm trước.
Công việc xác
nhận, bàn giao và đưa tấm bia đá cùng hòm sắc cổ về làng được tiến hành lặng
lẽ, khẩn trương, nhưng cũng phải kéo dài hai mươi mốt ngày mới hoàn tất.
Một lễ mở cửa
đình bất thường giữa mùa hè đã được các cụ phụ lão làng Động tiến hành suốt ba
ngày ba đêm. Sau kỳ lễ, tấm bia đá được gắn vào chân tường phía bên tả nhà bái đình, còn chiếc hòm sắc cổ phủ vải điều đã được trang trọng đặt vào hậu
cung, trước ngai thờ Thánh, nơi lưu giữ các báu vật linh thiêng của làng.
Vì sao lại có
cuộc rước bia đá và hòm sắc cổ ấy?
Lớp trẻ trong
làng có thể không biết. Nhưng từ lứa trung niên trở lên đều biết làng Động từng
có một ngôi đình vọng, gọi là đình Bái
Động, giữa khu phố cổ Hà Nội. Người già kể lại rằng, từ thời Lý - Trần, làng Động đã có người sinh sống
ở kinh kỳ. Họ buôn và bán rượu, tạo ra
hẳn một phố hàng Rượu, thuộc phường Khán Xuân, ven hồ Thái Cực, nay là địa phận khu phố Hàng Ngang,
Hàng Đào. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt. Vào cuối thời Trần, phường rượu
làng Động góp tiền mua đất, rồi dựng lên một ngôi đình thờ vọng để cho những
con em xa quê có nơi thờ cúng thành hoàng, tổ tiên.
Trải mấy trăm
năm, thế gian biến cải, phố phường lấn
lướt, khuôn viên đình Bái Động thu hẹp dần. Cho tới sau ngày giải phóng Thủ đô
năm 1954, ngôi đình chỉ còn lại tam quan và gian hậu cung. Năm 1961, đình Bái
Động được chuyển thành kho chứa của Công ty lương thực Quyết Thắng và Cửa hàng
Thực phẩm số 7. Năm 1972, bom Mỹ làm sập gian trái đình, sạt mái tam quan. Rồi
bẩy nhà dân từ đâu nhảy vào lấn chiếm. Khu đất vốn linh thiêng ngày xưa, nay
trở thành xóm tập thể, mạnh ai người ấy cát cứ.
Khi một mét
vuông đất quanh Hồ Gươm có giá tới bốn mươi cây vàng, thì đình Bái Động bỗng
thành một núi vàng. Biết bao con mắt lăm le. Thành phố mấy lần ra quyết định
giải tỏa vẫn không thành. Sáu năm dòng dã cò cưa thương lượng, đền bù, cưỡng
chế… Năm 1997, một công ty địa ốc bỏ ra mấy trăm cây vàng di dời được các hộ
dân, rồi cho xây tại đây một tòa nhà 12 tầng với cái tên vừa khó đọc, vừa khó
hiểu: Tòa nhà TBD Cty.
Theo sư thầy
Thích Quảng Nhân, người trụ trì và gắn
bó 42 năm với chùa Thái Cực thì tấm bia đá và hòm sắc là cổ vật của đình Bái
Động được tốp công nhân đưa sang gửi chùa từ khi khởi công tòa nhà TBD Cty. Năm
2009, chùa Thái Cực được nhà nước đại tu để chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Khi
lên danh sách kiểm kê, trật ra tấm bia và hòm sắc lạ. Báu vật của làng Động có
dịp hạnh ngộ quê nhà.
Sau bao năm
thất lạc, châu lại về Hợp Phố.
Trong chiếc hòm sắc cổ rước về đình làng Động,
không có vàng bạc châu báu, mũ mãng cân đai, mà chỉ có cuốn thần phả, mấy tờ
sắc phong các triều Lê, Nguyễn và năm quyển sách chữ Nho, giấy dó làng Bưởi đã
ngả vàng, ghi số từ quyển Nhất đến quyển Ngũ, bìa bồi một thứ nhựa nâu đen, hai
quyển rách bìa, mép sách mòn quăn, nhiều trang mất chữ. Người duy nhất ở làng
biết đọc chữ nho là cụ thủ từ đình làng, đeo mục kỉnh nhìn hàng tiếng đồng hồ,
cũng chỉ luận ra được hai chữ: “…THÀNH TẠP… ”. Cụ thủ từ bảo: “ Đây là năm pho
sách của Thánh hiền cung tiến Thành hoàng đình làng ta”, rồi trân trọng đóng
nắp hòm sắc, cung kính đặt lên giá thờ.
***
Cho đến một
ngày đẹp trời, chiếc Vios màu bạc lại về làng. Lần này hai ông khách không vào
đình gặp cụ thủ từ mà đến thẳng nhà ông Nghĩa, trưởng tộc họ Đoàn.
Ông Đoàn Nghĩa, 75 tuổi, cựu giáo chức hàng
huyện, lĩnh sổ hưu đã mười lăm năm. Họ Đoàn có mấy ông cao tuổi hơn ông Nghĩa,
nhưng về thứ bậc, học vấn, trường đời…, ông Nghĩa vẫn đứng đầu, có uy tín cao
trong làng. Hai ông khách Hà Nội dường như biết điều đó. Ông trung niên hất hàm
ra hiệu cho ông trẻ lấy từ trong chiếc samsonai có khóa inoc sáng loáng một tập
dày cộp đặt lên bàn.
- Thưa ông
trưởng họ. Chúng tôi là dân văn hóa. Tôi tên Đỗ Chí Cao. Chú đây tên Ngô Tháp.
Chính chúng tôi là người phát hiện ra tấm bia và hòm sắc cổ của đình Bái Động
khi trùng tu chùa Thái Cực.
- Tôi nhận ra
hai đồng chí rồi - Ông Nghĩa có thói
quen gọi những ai có dáng dấp cán bộ đều là đồng chí. Với tính hài hước, ngay
khi hai ông khách giới thiệu tên, ông đã tủm tỉm cười thầm đặt biệt danh cho
hai người. Đỗ Chí Cao thì đúng là Cao rồi. Còn Ngô Tháp thì gọi béng là Thấp
cho tiện.
Thấp rút bao
ba số 5 vuông, lấy bật lửa zippo, gẩy tay một cách điệu đàng, vừa châm thuốc vừa
nói:
- Bố ơi, chúng
con mang lộc về cho họ.
Ông Nghĩa giọng hồ hởi:
- Vậy thì để
tôi rước hai đồng chí ra đình, gặp cụ thủ từ.
Ông Cao khoát
tay:
- Không nên.
Chúng tôi đến gặp ông là có ý riêng. Không cần để cụ thủ từ và các phụ lão
trong làng biết chuyện này. Chú Tháp đây có biết chút ít chữ Hán, chú nói cho
cụ trưởng họ rõ đi.
Thấp hờ hững
để bao thuốc và chiếc bật lửa trên bàn, khiến ông Nghĩa cứ dán mắt vào con
zippo hình thù kỳ lạ, lại có cô gái cởi truồng, nằm ở tư thế rất chướng mắt.
- Cổ vật đấy
ông ạ.Vỏ bằng đồng thau nguyên chất, ruột mạ vàng 18k – Cao cầm chiếc bật lửa
đưa cho ông Nghĩa – Chủ nhân con zippo này là trung uý Richars Conney con
thượng nghị sĩ Mc Uyliam Conney, hy sinh tại chiến trường Quảng Đà năm 1968.
Đây là hàng độc, chỉ sản xuất một nghìn chiếc tại Mỹ. Con này số sery 02, lại
khắc chìm tên chủ nhân. Hơi bị khủng. Thằng Lợi hói ở Sài Gòn, vừa sang tên cho
chú Tháp đúng hai ngàn USD, không bớt một cắc.
Ông Nghĩa lè
lưỡi, như vừa nuốt phải mật cá mè.
- Em sẵn sàng
đổi một trăm con zippo để lấy bộ sách cổ này anh Cao ạ - Tháp kính cẩn đưa tập
sách ra trước mặt ông Nghĩa - Mời bố xem di sản của họ Đoàn ta. Con zippo dù là
kỷ vật của con trai ngài thượng nghị sĩ Mỹ, thì cũng không thể so được với cổ
vật này - Vừa nói Tháp vừa lật dở những trang chữ nho sạm đen trên giấy photo,
đôi mắt kính dày như đít chai loang loáng - Dạ, thưa bố, đây là bản chụp năm
quyển sách giấy bản có trong hòm sắc cổ mà chúng con đã giúp làng mang từ chùa
Thái Cực về. Ban đầu chúng con chỉ biết là thư tịch cổ chứ không biết sách viết
những gì. Vì tò mò nghề nghiệp, chúng con đã trộm chụp phim rồi mang in ra bản
này. Thưa bố, khi nhờ người thạo chữ Hán và chữ Nôm giảng giải, chúng con mới
biết tác giả là cụ Đoàn Khâm, hiệu là Ứng Nhân, người làng Động ta…
Như có một
luồng điện vừa chạy từ sống lưng lên gáy, ông
Đoàn Nghĩa ngồi dựng lên, tròn mắt nhìn tập sách, rồi lại nhìn hai người
khách.
- Các đồng chí
nói sao? Của cụ thượng tổ nhà tôi?
Ông Cao nói:
- Chúng tôi về
đây là muốn xác định xem cụ Ứng Nhân Đoàn Khâm, đỗ hương cống thời Lê sơ có
phải là người họ Đoàn làng Động…
Ông Thấp bổ
sung:
- Ở phần lạc
khoản có ghi cụ Đoàn Khâm người phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Hạ.
- Vậy thì đúng
là cụ thượng tổ nhà tôi rồi các đồng chí ơi ! Ứng Nhân tức là người phủ Ứng
Thiên - Ông Nghĩa reo lên và lật đật đứng dậy châm đèn thắp hương. Sau đó ông
mở chiếc tráp sơn son thếp vàng lấy ra cuốn gia phả dòng họ đưa cho hai ông
khách.
- Đây là cuốn
gia phả họ Đoàn mới được chúng tôi sắp
xếp lại rồi cho vi tính, mỗi gia đình giữ một bản. Các chú xem đi. Cụ thượng tổ
Đoàn Khâm nhà chúng tôi ở hàng thứ hai,
sau cụ thủy tổ Đoàn Khang…
Trong khi hai
ông khách xem gia phả, thì ông Nghĩa sẽ
sàng lật giở từng trang sách chữ
nho photo, tựa hồ như ông đang được hầu chuyện tiền nhân. Ông mường tượng thấp
thoáng giữa những trang sách là một cụ già đầu đội mũ cánh chuồn, râu tóc bạc
phơ, ánh mắt bao dung và đôn hậu. Cụ đang kể lại với hậu duệ của mình về lịch
sử dòng họ Đoàn làng Động…
Họ Đoàn, trước
cụ thủy tổ Đoàn Khang, không rõ ở đâu. Chỉ biết cụ Đoàn Khang cùng với hai cụ
họ Hoàng và họ Nguyễn lập ra làng Động. Thuở ấy vùng này còn là đầm lầy. Ba họ
chiếm ba khu đất cao, như ba con long mã chầu về một gò đất hình con quy, nơi
sau này được làng dựng đình và thờ Định Quốc công Nguyễn Bặc làm Thành hoàng.
Đoàn Khâm, con thứ của cụ Đoàn Khang là người đầu tiên của họ Đoàn đỗ hương
cống, cũng là người khai khoa của làng Động. Đoàn Khâm sinh Đoàn Thuật, Đoàn
Thuật sinh Đoàn Tín, Đoàn Tín sinh Đoàn Trí… Đến thời nhà Mạc, năm Minh Đức thứ
3 (1529), dòng họ Đoàn làng Động đã có người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân, đó là
Đoàn Sinh, làm quan đến chức Tả thị lang triều Mạc Đăng Doanh.
- Không chệch
đi đâu được nữa rồi - Ông Cao đưa cuốn gia phả cho chú Thấp, rồi nói với ông
Nghĩa - Nếu cụ Ứng Nhân là thượng tổ đời thứ hai thì ông trưởng họ đây thuộc
hậu duệ đời thứ 21 hay 22?
- Trong gia
phả có ghi cả, đồng chí ạ - Ông Nghĩa
nói - Họ Đoàn nhà tôi ở làng Động, tính đến bây giờ là đời thứ 24. Tôi thuộc
đời thứ 21. Ông cụ thượng tổ Đoàn Khâm
nhà chúng tôi kỵ nhật vào ngày mồng 8 tháng năm ta, mộ táng tại cánh Đồng Chằm.
- Vậy thì anh
em chúng tôi xin báo với ông trưởng họ một tin mừng - Ông Cao cầm tập sách lên
- Đây là trước tác của cụ Ứng Nhân Đoàn Khâm. Cụ chính là một nhà văn của làng
Động. Bộ sách năm quyển đặt trong hòm sắc cổ mà chúng tôi giúp rước về đình làng vừa rồi chính là bản gốc,
có tuổi hơn năm trăm năm...
- Có thật
không các đồng chí? - Giọng ông Nghĩa run run. Tay
ông cầm quyển sách cũng run run - Thế ra cụ thượng tổ nhà tôi đã dâng sách lên
thành hoàng đình Bái Động? Nhưng là sách gì
mà có hai chữ “Thành tạp” ngoài bìa hả các đồng chí?
- Hai chữ đầu
và cuối bị nhòe, khó đọc. Chúng con đã
phục chế lại - Ngô Tháp nói và chỉ vào bốn chữ đại tự mới viết bằng mực tàu đen
ánh - Đây, tên sách là “Long thành tạp
ký”, tập ghi chép về thành Thăng Long của Ứng Nhân Đoàn Khâm. Về thể loại, cũng
giống như cuốn “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, nhưng
thời gian thì sớm hơn gần hai trăm năm.
Đỗ Chí Cao đưa
đẩy:
- Loại thư
tịch cổ như thế này đặc biệt quí
hiếm.Thư viện Hán Nôm có thể mua tới mấy
chục triệu đồng.
Ông Nghĩa lại
tròn xoe mắt. Ông nhẩm một phép tính quy ra thóc. Vị chi là vài tấn lúa, chà
chà, không ngờ mấy cuốn sách chữ nho cũ nát mà đắt giá đến thế.
- Nhưng không
biết cụ thượng tổ nhà tôi viết những gì nhỉ? - Ông Nghĩa băn khoăn.
- Đây là loại
thư tịch cổ, lại là bản viết tay, bây giờ ít người biết - Ông Thấp nói - Loại
học Hán văn tập tọng như con, ôm từ điển cả ngày cũng không đọc nổi một trang.
- Thế này nhá
- Ông Nghĩa chau mày như vừa thầm quyết
một điều gì -Trưa nay hai đồng chí ở chơi với tôi. Ta làm món gì nhắm rượu.
Nhân thể tôi gọi mấy anh em trong họ đến bàn chuyện. Tôi muốn nhờ hai đồng chí
dịch quyển “Long thành” của cụ thượng tổ chúng tôi ra chữ quốc ngữ cho con cháu
đọc. Giá cả thế nào, xin cứ nói. Họ Đoàn chúng tôi nguyện lo chu tất. Xin lỗi,
để tôi gọi điện thoại. Anh em trong họ đến đây ngay.
Ông Nghĩa nhấc
máy điện thoại bấm số, nói oang oang:
- Chú Hội, tôi có khách quí từ Hà Nội về có việc liên quan đến họ Đoàn nhà ta. Chú sang mời ông Tám, bác Lượng,
bác Đường, chú Tại, cháu Mạnh đến tôi ngay. Nhân tiện chú ra nhà hàng Năm Sẹo
bảo vợ chồng nó làm cho tôi một mâm tám
người, vừa chó vừa vịt đặc sản quê mình.
Tiền nong tôi sẽ tính với Năm Sẹo. À,
thêm một đĩa lòng lợn, nhiều cổ hũ, dạ dày. Rượu nhà có rồi… Thế nhé. Khẩn
trương lên. Bà nhà tôi ra trông con cho thằng Quang. Không có ai phục vụ đâu.
Trong lúc ông
Nghĩa nói chuyện điện thoại, hai ông khách nháy nhau ra sân hút thuốc. Cao lấy
trong túi áo ra chiếc tẩu gỗ óc chó, cán sừng trâu rừng, nạm vàng 24k và gói
thuốc sợi Captain Black hảo hạng, nhồi thuốc, rồi cũng lấy ra một con zippo Mỹ còn khủng hơn cả con
của Thấp, châm lửa.
- Riêng cái
tẩu của tao giá cũng gấp ba con zippo của chú - Cao nói - Chiếc tẩu này, Bảo
tàng Văn chương đang gạ mua tao năm ngàn USD. Chỉ thương cụ Nguyễn. Hồi ấy chắc
bí quá Nguyễn mới đổi của độc này lấy mấy chai rượu ngoại…
- Anh nói thế
nào - Thấp cãi lại - Cỡ nhà văn như Nguyễn mà lại thiếu rượu ngoại? Chắc là tay
đạo chích nào thó của cụ…
- Thì bọn
thằng Hạo đồ cổ nó bảo tao thế. Mà chú xem đây, cán tẩu có chữ đề tặng cụ
Nguyễn rành rành …Thôi, tập trung vào việc. Ý chú thế nào?
Thấp bóp trán.
Lâu lắm rồi họ mới gặp một món hàng “độc”. Mỡ đến miệng mèo rồi mà lại để trượt.
Giống như vụ chiếc la bàn cổ của tượng nhân Bùi Thị Hý vùng gốm Chu Đậu. Lẽ ra trả tiền, lấy ngay thì lại chần chừ, hôm
sau bảo tàng về, đưa vào kho cổ vật. Mất toi mấy chục ngàn đô. Bây giờ vụ sách
cổ này, không khéo mà xôi hỏng bỏng không. Dọc đường về đây cả Cao và Thấp bàn
nát nước mong vớt vát lại, không biết liệu có nên cơm cháo gì?
Thấp nói:
- Anh vào việc
ngay đi. Chuyện dịch thuật cứ từ từ. Tay
Lợi hói trong Sài Gòn vừa điện thoại, sẵn sàng trả giá hai chục ngàn nếu ngay
tuần này giao cho nó bản gốc.
Cao thở dài:
- Ai học được
chữ ngờ. Biết thế hôm ở chùa Thái Cực
mình cuỗm luôn bản gốc, có phải bây giờ
đỡ rách việc. Đúng là tự thả gà ra vườn
mà đuổi…
Thấp chép
miệng:
- Hôm mang
sách đi chụp, em cứ ngờ ngợ, đến khi đọc
thấy tên ông cụ em toát hết mồ hôi. Biết là sách độc vừa trượt khỏi tay
mình…Thôi, anh cứ nói toạc ra đi. Mua đứt, năm mươi triệu.
Cao nháy mắt:
- Chú cứ để
mặc tôi.
Rồi Cao vào
nhà, bảo ông Nghĩa:
- Báo cáo ông
trưởng họ. Việc này chúng tôi muốn bàn riêng với ông. Thế này nhá. Anh em chúng
tôi đây là những người sưu tầm thư tịch cổ. Nói nôm na là chơi sách cổ, cũng ví
như thú chơi cây cảnh, chơi chim, chơi tem, chơi chó…hà hà…
- Tôi hiểu -
Ông Nghĩa gật gù - Ngày trước tôi cũng mê chơi diều sáo. Nhà tôi lúc nào cũng
có hơn chục con diều…
- Ấy đấy. Còn
hơn cả mê gái ấy ông nhỉ? - Cao cười khục khục tự thưởng cho câu nói hóm
hỉnh của mình - Thế cho nên, báo cáo ông trưởng họ, chúng tôi muốn có tập trước
tác của cụ tổ Đoàn Khâm. Không phải cuốn photo này mà là bản gốc trong hòm sắc
cổ ngoài đình. Chúng tôi sẽ mua giá cao, đắt gấp đôi giá của thư viện Hán Nôm,
tức là trả cho họ nhà ta bốn mươi triệu đồng.
- Ấy chết -
Ông Nghĩa bỗng xua tay.
Thấp tiếp lời:
- Bố sẽ có quà
riêng. Con bỏ tiền túi biếu bố năm triệu uống rượu.
- Không được
đâu các đồng chí ơi - Ông Nghĩa nhăn nhó như đang bị chứng đau dạ dày - Sách cổ
đang để thờ ngoài đình, bất khả xâm phạm.
Cao nói:
- Nếu lấy danh
nghĩa họ Đoàn, đứng ra nói với làng, xin cụ thủ từ và các cụ cao niên được thay
bản sách cổ bằng bản photo này, chắc
làng sẽ đồng ý. Chúng tôi sẽ có thù lao riêng với cụ thủ từ và ban phụ lão…
Ông Nghĩa đã
lấy lại bản lĩnh của một trưởng tộc họ, giọng bỗng lạnh lùng:
- Không được.
Các đồng chí cỏ trả bốn trăm triệu hay
bốn tỷ cũng không ai dám mang đồ thờ ra khỏi đình. Thành hoàng làng tôi thiêng
lắm. Có kẻ khuân đá kê cột đình về nhà,
hôm sau hộc máu ra chết. Hai đứa rủ nhau trèo lên nóc tam quan bắt tổ chim, một
đứa rơi xuống chết tươi…Cụ thượng tổ nhà tôi đã hiến tặng sách cho đình, con
cháu không thể bất tín. Thôi, ta dẹp chuyện bản gốc lại. Giờ ta bàn sang chuyện
dịch sách ở bản photo. Nếu đúng là sách
do cụ thượng tổ tôi viết, họ Đoàn nhà tôi sẽ chịu toàn bộ phí tổn để các đồng chí tìm giúp người dịch. Tôi thay
mặt họ Đoàn nói thế này: Kể cả bốn mươi triệu tiền thù lao dịch sách, chúng tôi
cũng quyết.
Hai người
khách nhìn nhau. Họ biết rằng ông Nghĩa
đã nói như thế, tức là không thể suy chuyển. Trong đầu Thấp và Cao đều
xoay vần những con tính. Đừng già néo mà đứt dây, xôi hỏng bỏng không.
Đỗ Chí Cao
nói:
- Chúng tôi
biết chuyện này rất khó. Nhưng cũng nói
để ông trưởng tộc bàn tính thêm với anh em họ mạc và cụ thủ từ. Nếu
chúng tôi có được bản gốc quyển “Long thành tạp ký” để bổ sung cho bộ sưu tập
cá nhân, thì xin gửi họ Đoàn một trăm triệu để lo việc họ hoặc cung tiến đình
làng. Còn chuyện tổ chức dịch sách theo ý ông trưởng, chúng tôi xin ghi nhận và
sẽ tiến hành ngay.
Ngô Tháp mở
samsonai lấy ra hai bản hợp đồng đã in sẵn đưa cho ông Nghĩa.
- Đây là hai
bản hợp đồng về việc dịch sách, xin bố trưởng họ ký để chúng con thực hiện.
Ông Nghĩa
thoáng hoang mang, không hiểu ông Cao ông Thấp này chuẩn bị từ bao giờ. Nhưng
rồi ông cũng đeo mục kỉnh, săm soi từng con chữ:
- Các đồng chí
chu đáo quá…Nhưng phải thêm một khoản nữa. Như các đồng chí nói, nếu là sách cụ
thượng tổ chúng tôi viết về đình Bái
Động, về phường Hàng Rượu của người làng Động ở kinh kỳ thì họ chúng tôi mới
tài trợ dịch. Còn cụ viết những đề tài xã hội khác thì cứ để thư thư đã, các
đồng chí ạ.
Cao thấy lão
già thật cao thủ. Vòng vo mãi, cuối cùng lại không dám chi tiền. Phải lật bài
ngửa với lão thôi. Cao đưa mắt cho Thấp, rồi nói:
- Như tôi đã
thưa với ông trưởng tộc. Cụ thượng tổ Đoàn Khâm nhà ta không phải là một người
ghi chép vặt, hoặc thuần tuý viết gia phả, mà là một sử gia, một đại văn hào.
Thấp chen
ngang:
- Nói chẻ hoe
ra cho nó dễ hiểu. Cuốn sách này viết về Ức Trai tiên sinh, bố ạ. Bố có biết Ức
Trai Nguyễn Trãi là ai không?
Ông Nghĩa tròn
xoe mắt, tưởng nghe lầm. Rồi ông chắp hai tay kính cẩn:
- Dạ, biết chứ
ạ. Đến Unesco còn tôn vinh cụ là Danh nhân văn hoá thế giới cơ mà…
Thấp càng cao
hứng:
- Danh nhân
văn hoá thế giới đầu tiên của Việt Nam. Đến như thi hào Nguyễn Du, tác
giả kiệt tác “Truyện Kiều” cũng còn đang ở diện đề nghị. Mà cụ Đoàn Khâm nhà
mình viết ngay sinh thời Ức Trai tiên sinh, mới độc chứ. Nếu “Long thành tạp
ký” được dịch và công bố thì đây sẽ là sự kiện chấn động toàn cầu. Ứng Nhân
Đoàn Khâm sẽ được xuất hiện như một nhà văn hóa lớn… Suốt mấy hôm nay, con cứ
như người nhập đồng… Hình như cụ Nguyễn Trãi và cụ bà Nguyễn Thị Lộ hiển linh
báo mộng ấy, bố ạ. Bố từng dạy học, biết quá rồi. Phải nói thế này: Gần sáu
trăm năm qua, vụ thảm án Lệ Chi Viên với cái án tru di tam tộc đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là một ẩn số tàn
độc chưa có lời giải. Thì đến nay, bằng tác phẩm “Long thành tạp ký”, nhà văn
kiêm sử gia Đoàn Khâm đã xé toang bức màn đen dối trá và vô nhân tính của quyền
lực để đưa sự thật ra ánh sáng. Bằng kiệt tác này, Ứng Nhân đã làm được một
việc mà không ai làm nổi, đó là chiêu tuyết hoàn toàn cho Ức Trai tiên sinh, và
đặc biệt là Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ…
Ông Cao há hốc
mồm kinh ngạc vì khả năng độc diễn tài tình của chú Thấp. Còn ông Đoàn Nghĩa bàng hoàng tưởng mình nghe lầm. Là
một nhà giáo dạy môn sử học và chính trị, suốt bao nhiêu năm, vụ án vườn Vải và
cái chết oan khuất của hai nhân vật lịch sử nổi tiếng, khiến ông luôn dằn vặt,
đau xót. Không ngờ cụ thượng tổ Đoàn Khâm lại làm được công tích vĩ đại, là
giải nỗi oan muôn đời ấy, thì phúc đức họ Đoàn nhà ông cao dày đến ngần nào?
- Nếu vậy thì
tôi ký ngay đây - Ông giáo Nghĩa giương mục kỉnh và cầm bút - Chỉ riêng cụ
thượng tổ Đoàn Khâm trở thành hiền tài, nguyên khí Quốc gia, một sử gia, một
nhà văn của làng Động, đã là niềm vinh hạnh lớn lao của họ Đoàn chúng tôi rồi.
(Xem tiếp chương 2 kỳ
tới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét