Nhãn

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Nguyên khí (kỳ 10)

   NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường
 
              10. NI CÔ TIỂU MAI


                      Ánh nước hoa in một đoá hồng
                      Vết nhơ chẳng bén bụt làm lòng
                       Chiều mai nở chiều hôm rụng
                       Sự lạ cho hay tuyệt sắc không

                           ( Mộc Cận – Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi )



Lại nói về nhóm người tháp tùng Tiệp dư Ngọc Dao cùng Hoàng nhi Lê Tư Thành.
Thuyền của họ theo sông Kinh Thầy, ngoặt  sang sông Rừng ra gần cửa bể, rồi rẽ vào một con lạch nhỏ, đi quanh co giữa những cánh rừng lim cổ thụ, đến một ngôi chùa. Nơi đây phong cảnh thật hữu tình. Ngôi tam bảo nằm ở thế tả thanh long hữu bạch hổ, tựa lưng vào một  đồi thông, bên trái  là một hồ rộng, bên phải có một gò thoải, phía trước là cánh đồng. Sư thầy trụ trì có pháp danh Nhật Chiêu là một người nhân hậu. Vào đêm rằm nguyên tiêu, nhà sư nằm mơ thấy Phật bà Quan Âm hiển linh bảo rằng mùa thu sẽ có tiên đồng của Ngọc Hoàng hạ giới. Sư thầy liền cho dựng riêng một bảo am đàn nhang hương khói. Đến tháng tư bỗng có quân gia của quan An phủ sứ đến lệnh rằng, mùa thu tới nhà chùa chuẩn bị đón tiếp người của triều đình. Quả nhiên, bây giờ Tiệp dư và Ấu vương đã tới. Sư thầy Nhật Chiêu cùng các sư, vãi và phật tử vinh hạnh và sung sướng vô cùng.

Ông Cả Khuê và Nguyên Phong sau khi hoàn thành công việc, xin bái biệt để về Côn Sơn giúp quan Hành Khiển tổ chức nghênh giá. Ni cô Tiểu Mai đưa mắt cho Nguyên Phong rồi cũng xin cáo biệt để về cùng thuyền. Nàng rất muốn trở lại chùa Huy Văn xem tình hình sư thầy Thích Chân Như và lão Câm - Chân Tín ra sao, nhưng Cả Khuê và Nguyên Phong khuyên nàng chưa nên về vội, tạm thời hãy về chùa Hun với sư thầy Pháp Huệ, nhân tiện phụ giúp công việc cho quan Hành Khiển chuẩn bị nghênh giá. Tiểu Mai nghe theo.
Họ chia tay mẹ con Tiệp dư và sư  thầy Nhật Chiêu, cùng hai ni cô và các gia nhân nhà quan Thái bảo Ngô Từ, những người từ đây sẽ luôn bên cạnh để phụ giúp và phò tá Tiệp dư và Hoàng nhi.
Chuyện này không nói nữa.
Bây giờ nói chuyện ni cô Tiểu Mai.
Suốt từ cái đêm hai mươi tháng bẩy, khi Tiệp dư trở dạ sinh Hoàng tử, ni cô Tiểu Mai như sống trong mộng. Có lẽ bởi lần đầu tiên trong đời, ni cô được giao một trọng trách vô  cùng lớn lao là phải cùng Chân Tín và Cả  Khuê bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng của mẹ con Tiệp dư và đưa đi trốn an toàn. Không . Không hẳn như vậy. Lo lắng, hồi hộp thì có, chứ không thể xao xuyến, rạo rực như thế. Vốn là một cô bé mồ côi cha mẹ, được nhà chùa nhận về nuôi, được học chữ, học võ thuật…, tất cả tuổi thơ, tuổi thiếu nữ của Tiểu Mai chỉ có biết hướng tới cửa Phật. Mọi vui buồn sướng khổ đều được giãi bày, chia sẻ, hạnh ngộ trước Phật bà Quán Thế Âm và Đức Phật tổ Như Lai, đức phật Thích ca Mầu ni. Nhưng giờ thì khác. Nhắm mắt lại, ni cô Tiểu Mai không thấy Phật mà chỉ thấy ánh mắt vời vợi của chàng. Từ khi bước vào tuổi thiếu nữ, chưa có ai nhìn ni cô như thế. Chưa có ánh mắt nào nồng nàn đắm đuối như thế. Ánh mắt như dẫn dụ, mời gọi, rủ rê ni cô từ am vắng ra đồng rộng, từ tam bảo nghi ngút khói hương lên đồi cao rộn tiếng chim và hoa cỏ, từ trong bộ cà sa nâu sồng nặng trịch thành cô thôn nữ áo tứ thân,bao xanh, xà tích, nón thúng quai thao đi trẩy hội.Chàng như một tia chớp làm sáng chói bầu trời đen đặc, làm vỡ tan lớp vỏ cứng lâu nay chìm sâu trong đất, để nứt vỡ một hạt mầm…
Suốt cả chặng đò dọc từ sông Rừng vào sông Kinh Thầy, có hai người chốc chốc lại nhìn nhau, nói  đúng hơn là bốn mắt họ đắm đuối trong nhau. Không ai nói, chỉ nhìn, chỉ đốt nhau bằng ánh mắt. Nhiều lúc không chịu được cái nhìn bỏng cháy và hun hút của chàng, Tiểu Mai lại e lệ gục  đầu xuống gối. Nàng vừa thấy mình sung sướng, rạo rực đến tột cùng, vừa thấy mình là kẻ  tội đồ, tội lỗi đến ghê sợ. Vậy là  mười bẩy năm ăn mày cửa Phật, thụ giáo các bậc hòa thượng lừng danh, thông hiểu pháp giới, pháp môn, thao lược quyền cước võ lâm… giờ  nàng lại muốn giũ bỏ tất cả, muốn hoàn tục, trở lại cõi súc sinh, ngạ quỉ. Ôi, khốn khổ cho nàng, tội lỗi thay cho nàng. Cái vòng trầm luân mà đức Phật từ bi đang giải thoát cho nàng, giờ nàng ăn phải bùa mê thuốc lú, lại định chòng vào cổ mình sao?
Theo hầu Đức Phật đến cõi Niết Bàn, hay theo chàng?
Câu hỏi ấy xoáy cuộn trong đầu Tiểu Mai, dày vò, hành hạ nàng. Nàng sẽ gục ngã mất, nếu con thuyền cứ đi mãi thế này, nếu nàng tiếp tục theo chàng về Côn Sơn hôm nay.
Một ý nghĩ chợt lóe lên khi thuyền ngang qua Nam Sách: Hãy xuống lò gốm Chu Đậu của tượng nhân Bùi Thị Hý ở chơi vài ngày để có thời gian tĩnh tâm, để được chị Hý bảo ban khuyên nhủ.

                                                 ***
                      Bùi Thị Hý là ai?
Ngày ni cô Tiểu Mai theo sư thầy Pháp Huệ ăn mày đức Phật ở chùa Hun, có một nho sinh trẻ tuổi xưng là Bùi Văn, hiệu là Vọng Nguyệt, thường đến thắp hương cửa Phật và xin được đàm đạo kinh pháp với đại hòa thượng trụ trì. Chàng nho sinh thích trò chuyện với ni cô Tiểu Mai và không giấu giếm hoài bão muốn được lên kinh ứng thí để rạng danh dòng họ và tỏ mặt nam nhi. Ni cô Tiểu Mai cũng rất có thiện cảm với chàng trai và hy vọng chàng sẽ công thành danh toại.
Khi biết ni cô Tiểu Mai theo học phái võ thiếu lâm của Thiền sư Đạo Khiêm ở Hoa Nghiêm tự trên núi Chí Linh, nho sinh Bùi Văn đã  dẫn theo sư đệ của mình là Bùi Đình Khởi đến cùng thụ giáo và thử tài võ nghệ. Bùi Đình Khởi là con trai của tướng quân Bùi Quốc Nghĩa, người theo lệnh cha đã lập ra Bình khu cổ mã đường, một quân doanh để canh giữ An nam Quốc vương Trần Cảo, ông vua vờ che mắt nhà Minh. Bùi Quốc Nghĩa đã được cha truyền võ nghệ, là một tướng trẻ tuổi có tài, cùng theo cha tham gia nghĩa quân Lam Sơn và đã hy sinh trong trận công thành Xương Giang năm Đinh mùi, 1427. Nối chí cha, Bùi Đình Khởi ham luyện tập võ nghệ, được ông nội Bùi Quốc Hưng truyền dạy nhiều thế võ bí truyền. Mười tám tuổi, văn võ song toàn, nức tiếng ở Bình khu cổ mã đường, một lò võ nổi tiếng của trang Quang Ánh, xứ Đông. Lần gặp gỡ ấy, hình như Bùi Văn có nhã ý giới thiệu sư đệ Bùi Đình Khởi của mình với Tiểu Mai. Bùi Văn nói xa xôi bóng gió rằng, xem tướng mạo và tử vi, số của ni cô Tiểu Mai không thể ăn mày cửa Phật lâu được. Chắc chắn một ngày nào đó sẽ có một người đến quyến rũ ni cô hoàn tục. Tiểu Mai chột dạ, hiểu ẩn ý câu nói. Người đó là Bùi Văn hay sư đệ Bùi Đình Khởi của chàng?
Bẵng đi một năm, không thấy Bùi Văn đến chùa. Bỗng nhiên tin đồn ầm lên rằng chàng nho sinh Bùi Văn chính là một thiếu nữ giả trai, tên thật là Bùi Thị Hý, hiệu là Vọng Nguyệt, cháu nội quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng. Vì muốn được học hành, thi đỗ như bao người đàn ông khác, nàng đã cải dạng nam nhi để đi thi, đỗ xuất sắc kỳ  thi hương, nhưng vừa đến vòng tam trường thì  bị phát hiện. Giấc mộng nam kha không thành. Bùi Thị  Hý đành trở về thiên chức đàn bà. Nàng lấy tượng nhân Đặng Sỹ, người chủ lò  gốm Chu Trang nổi tiếng vùng Nam Sách và hứa suốt  đời phụng sự công đức nhà chồng.
Chia tay Cả Khuê và Nguyên Phong ở ngã ba sông, ni cô Tiểu Mai hẹn ba ngày nữa sẽ gặp lại hai người ở Côn Sơn. Ba ngày, với nàng sẽ dài bằng ba năm.
Trước Trần triều hải khẩu, Tiểu Mai không ngờ  vùng đất vang danh một thời  lại sầm uất, trên bến dưới thuyền tấp nập đến vậy. Sau hai mươi năm giặc Minh dày xéo tan tành, sự phục hồi các lò  gốm Mỹ Xá, Chu Đậu đã mang đến cho vùng sông nước này một bộ mặt mới. San sát dọc bờ sông các lò nung suốt ngày nhả khói. Thuyền buôn từ  kinh đô xuống, từ Vân Đồn vào, từ Hải  Đông sang. Có cả những con thuyền lớn vượt biển treo cờ lạ Minh triều, Hàn quốc, Nhật Bản…
Bùi Thị Hý giờ đây đã là bà chủ  một lò gốm to nhất vùng. Từ ngày lấy chồng, nàng đẹp lộng lẫy khiến ni cô Tiểu Mai không thể  nhận ra.
Bùi nương cũng bất ngờ không kém. Nàng không thể  nhận ra ni cô Tiểu Mai vì hôm nay Tiểu Mai duyên dáng như một thiếu nữ xứ Kinh Bắc trong bộ  váy áo tứ thân, chít khăn nhiễu Tam Giang, lại khoác theo cả chiếc nón quai thao.
- Mô Phật. Ngọn gió nào đã đưa ni cô  đến với kẻ quê mùa này? – Bùi nương chắp tay trước ngực, nhưng lại mở to đôi mắt ngạc nhiên nhìn người thiếu nữ hồi lâu, rồi không kìm  được, dang tay ôm chầm lấy Tiểu Mai.
Tiểu Mai cảm nhận hết hơi ấm và vòng tay êm  ái của người đàn bà tuổi ngoài hai mươi tràn  đầy sinh lực. Nàng bối rối:
- Chị Bùi Vọng Nguyệt, đừng gọi em là ni cô. Em không xứng được ăn mày cửa Phật nữa rồi…
Bùi nương sững sờ nhìn gương mặt đẹp thánh thiện tự nhiên bỗng đỏ lựng, rồi lại nhìn bộ  váy áo vận trên người Tiểu Mai:
- Mô Phật. Có chuyện gì với Tiểu Mai chăng? Ni cô đã hoàn…tục rồi chăng?
- Đã…à chưa…Nhưng em có tội với đức Phật…
Lời thú nhận ấy khiến Bùi nương cảm thấy Tiểu Mai vừa thân thiết và đáng yêu, lại vừa hụt hẫng xa vời. Vậy là sư đệ Bùi Đình Khởi của ta đã không còn cơ hội nữa rồi.
- Thế thì ni cô phải ở đây. Có  chuyện lớn rồi. Chúng mình phải thức trắng với nhau đêm nay…
Nói rồi Bùi Vọng Nguyệt  truyền gia nhân bẩm với  Đặng công có khách quí và thu xếp biệt phòng trên dãy nhà lớn chuyên dành cho các đại thương gia và quí quan triều đình.
Đặng công là tên gọi ngày thường của chủ lò gốm kiêm thương gia Đặng Sỹ. Ông tuổi Giáp ngọ, hơn Bùi nương sáu tuổi nhưng tỏ ra già dặn, chín chắn hơn vợ nhiều. Họ gặp nhau và lấy nhau như định mệnh đã sắp đặt sẵn.
Số là, sau khi việc giả trai đi thi Tiến sĩ  khoa Nhâm Tuất  bị phát giác, cô tiểu thư  Bùi Thị Hý thất vọng và đau buồn khôn xiết. Để an ủi người chị gái có chí hướng nam nhi, cậu em trai Bùi Đình Khởi bèn rủ chị  đi chơi hội đền Kiếp Bạc để giải khuây. Đó cũng là duyên cớ để nàng Vọng Nguyệt gặp tượng nhân Đặng Sỹ, một chủ lò gốm tài hoa và  giàu có nhất vùng Trần triều Hải khẩu. Biết nàng Vọng Nguyệt chính là nho sinh Bùi Văn, người rất có  thể giật giải khôi nguyên từ tay trạng nguyên Nguyễn Trực trong khóa thi Tiến sĩ vừa rồi, nếu như  không bị luật lệ triều đình loại khỏi trường thi, tượng nhân Đặng Sỹ bám riết  không rời. Nhờ cậu em trai Bùi Đình Khởi, vốn quen biết Đặng Sỹ bấy lâu, vun vào, hai người bén duyên nhau ngay. Chỉ trong vòng một tháng, họ đã nên vợ nên chồng. Đám cưới của họ được quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng, ông nội của cô dâu đứng ra làm chủ hôn, thực khách hàng trăm người, ăn uống, đàn hát suốt ba ngày liền.
- Vợ chồng là duyên số, không thể cưỡng lại được – Bùi Vọng Nguyệt nói với Tiểu Mai, trong cái đêm nàng xin phép chồng cho mình sang nằm chung giường với ni cô  để chị em hàn huyên  – Chị lấy Đặng công, chính là do số  mệnh. Bây giờ nghĩ lại, vẫn như trong giấc mơ. Em biết không, sau khi bị đuổi khỏi trường thi, chị chỉ muốn ra sông Cái trẫm mình cho xong. Nghĩ  đến cái chết, chị lại thương cha mẹ, thương ông nội, thương em trai Bùi Đình Khởi, không dám hủy hoại  đời mình. Rồi chị chợt nhớ đến em, muốn về  ngay chùa Hun, xuống tóc đi tu cùng em…
Câu chuyện của họ không còn cách bức ni cô, Bùi nương nữa mà chuyển sang cách xưng hô chị  em thân mật.
- Nhưng mà khi ấy em đang ở chùa Huy Văn cơ  – Tiểu Mai nói – Giá mà chị  vào chùa Huy Văn gặp em, thì bây giờ làm gì  có những đồ gốm sứ Chu Đậu mê hồn mà  chị vừa cho ra lò…
Bùi Vọng Nguyệt xoay người ôm lấy Tiểu Mai:
- Sao cơ?Em nói gì chị không hiểu? Chùa Huy Văn nào? Sao em lại bỏ chùa Hun lên chùa Huy Văn?
Tiểu Mai biết mình lỡ lời. Chuyện thâm cung bí  sử triều đình, hở ra là tru di tam tộc. Trong óc nàng chợt lóe lên hình ảnh gã thương nhân cùng cập bến thuyền với nàng trưa nay. Đúng là gã mặt choắt, râu dê, mắt ti hí gian giảo vẫn thường đến chùa Huy Văn dò la ngày nào. Gã là người của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh phái tới đây để dò tìm tung tích Tiệp dư và Ấu vương. Hú vía. Gã mặt choắt đã không nhận ra Tiểu Mai vì nàng đã thay bộ nâu sồng nhà chùa bằng bộ áo thường dân. Mồ hôi nàng bỗng tóa ra.
- Dạ… À quên. Em nhầm. Ý em nói là…
Nhưng Bùi Vọng Nguyệt  là người đàn bà  quá thông minh. Nàng đã ngầm hiểu ra. Ngày nàng đóng vai Bùi Văn lên trường thi ứng thí, nàng đã làm quen nhiều văn nhân sỹ tử, trong đó có ba người sau đó  đã đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đó là Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ và Lương Nhữ Hộc. Ba chàng giám sinh cùng trạc tuổi Bùi Văn, lại hợp nhau về chí hướng nên hầu như ngày nào cũng gặp nhau để trao đổi học thuật. Lúc nào họ cũng nhắc đến quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi, người sẽ là chánh chủ khảo kỳ thi này. Văn chương của Ức Trai, dĩ nhiên vượt xa mọi thời. Còn nhân cách đức độ của Người thì cả Lê triều không ai sánh bằng. Thời gian ấy, Nguyễn Trãi từ Côn Sơn về kinh và đã cùng quan Thiếu úy Trịnh Khả xin  vua Lê Thái Tông giảm tội cho Tiệp dư Ngọc Dao, đưa về quản ở chùa Huy Văn chờ ngày mãn nguyệt khai hoa. Các nho sinh bàn tán không ngớt về chuyện này. Nhiều người đoán già đoán non sách văn kỳ thi tiến sĩ, nếu do quan Chánh chủ khảo Nguyễn Trãi ra đề, nhất định sẽ bàn về đạo vua tôi, về đạo tam cương ngũ thường, hoặc là bàn về Phật pháp, đạo pháp… Nếu Tiểu Mai lên chùa Huy Văn từ dạo ấy thì nhất định là vì việc của Tiệp dư Ngọc Dao rồi.
- Ngày hôm kia thuyền của Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ vừa ghé đây…
Câu nói tưởng như vô tình của Bùi nương, cho Tiểu Mai hay là người đàn bà thông tuệ này  đã biết hết mọi chuyện. Và Tiểu Mai đã kể  hết đầu đuôi câu chuyện, từ việc cử người chăm sóc, người bảo vệ Tiệp dư, việc đào đường hầm rút ra ngoài đề phòng quân của Hoàng hậu bủa vây, cho đến đêm Hoàng tử chào đời. Tất nhiên phần sau của câu chuyện, tức việc đưa mẹ con Tiệp dư đi trốn, và hiện giờ Hoàng nhi ở đâu, thì Tiểu Mai không thể tiết lộ. Nàng tự hào khẳng định với Bùi nương rằng sứ mệnh của nàng là lên chùa Huy Văn để bảo vệ Tiệp dư và Hoàng nhi. Và nàng đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của đại hòa thượng Đạo Khiêm, sư thầy Pháp Hoa và quan Thừa chỉ Hành khiển giao phó. Rằng ngày mai nàng sẽ phải về Côn Sơn gặp Ức Trai và quan Lễ nghi Học sĩ để tổ chức lễ nghênh giá vào ngày mồng 4 tháng tám sắp tới.
- Ở chơi với chị một ngày nữa đi. Ngày kia vợ chồng chị sẽ cùng đi với em –  Bùi nương nói – Thời gian gấp lắm rồi. Ba ngày nữa Hoàng thượng sẽ thống lĩnh binh mã đi duyệt  đại quân ở thành Chí Linh, sau đó người sẽ ghé Côn Sơn thăm quan Thừa chỉ. Trưa mai, mẻ  gốm đặc biệt sẽ ra lò, sau đó chúng ta sẽ  đi Côn Sơn…
- Thật vậy ư?- Tiểu Mai quên cả lễ pháp nhà chùa, nắm lấy hai tay Bùi nương.
- Ban chiều Đặng công và chị đã đưa em đi xem những đồ gốm mới nhất vừa ra lò. Em biết không, khi Lễ nghi Học sĩ nhìn thấy những đĩa sứ, bình sứ Chu Đậu, người đã bất chấp cả  lễ nghi dang tay ôm chị, khi cả người chị, cả chân tay đều lấm đất. Người bảo, Ức Trai sẽ vui lắm đây khi được tiếp nhà vua bằng những đồ sứ Chu Đậu này.
- Em chưa đến Bát Tràng, nhưng em tin là Bát Tràng sẽ không có được những sản phẩm gốm sứ như ở đây…
- Em quả là người tinh đời. Đặng công và chị đã đến thụ giáo các tượng nhân Bát Tràng, và đã học hỏi được nhiều điều. Em chưa biết những sản phẩm đặc biệt đã được đóng gói đưa xuống thuyền từ hôm qua. Và độc đáo nhất là mẻ gốm trưa mai do chính tay chị tạo tác…Đây là quà tặng của vùng đất Mỹ Xá, Chu Trang để Ức Trai người nghênh giá và dâng lên thánh thượng…
Tiểu Mai sung sướng như chính mình được góp phần tạo ra những sản vật của vùng đất thiêng này. Nàng bỗng buột miệng:
- Chị ơi, nếu số em không được ăn mày cửa Phật nữa, chị cho em về đây làm kẻ  hầu cho chị nhé.
Bùi Vọng Nguyệt  vục ngồi dậy, khêu to ngọn dầu lạc, nhìn Tiểu Mai trìu mến. Nàng nói:
- Nếu số mệnh đã vậy, hãy cho phép chị coi em như tình cốt nhục. Ngày mai, trước mặt Đặng công, chị em mình sẽ làm lễ ăn thề kết nghĩa chị em. Hãy về đây với chị…Nhưng Tiểu Mai ơi, đừng giấu chị. Sư đệ Bùi Đình Khởi sẽ rất buồn khi biết tin này. Nhưng chị lại mừng cho em. Người dám kéo em ra khỏi cửa thiền phải là một trang nam nhi tuấn tú lắm phải không?
Hiển hiện trước mắt Tiểu Mai là hình bóng chàng. Cao lồng lộng với gương mặt chữ điền, cặp mày ngài, đôi mắt to sáng, vồng ngực vạm vỡ chắc khỏe. Kì lạ nhất là chàng có cây đoản côn lưỡng công, vừa như một vũ khí lợi hại, vừa như một cây sáo thần.Khi chàng rút cây sáo thổi, hoặc vỗ tay ám hiệu, lập tức xuất hiện một  đàn bồ câu lượn vòng tít trên đầu. Đó là  những con điểu thư gia truyền, mà ngày trước nghe nói chỉ đại tướng quân Trần Nguyên Hãn mới có. Ngoài cái tên Nguyên Phong, Tiểu Mai vẫn chưa hề  biết gia thế và hành tung của chàng. Nàng chỉ  tin chắc rằng, với diện mạo, phong thái và võ  nghệ siêu quần ấy, chàng quyết không phải là  kẻ gốc gác tầm thường…
Không nỡ giấu Bùi nương, Tiểu Mai đã kể cho nàng nghe về Nguyên Phong, về tài nghệ và  chiến công của chàng trong việc giải cứu ông Cả  Khuê và phò tá Ấu vương cùng Tiệp dư Ngọc Dao đi trốn.
- Ngày tới chị sẽ gặp chàng ở Côn Sơn.- Tiểu Mai sung sướng khoe, nhưng rồi bỗng im bặt, nước mắt đầm đìa.
- Kìa em, sao lại khóc? Em đang hạnh phúc mà…
Tiếng khóc Tiểu Mai càng to hơn. Nàng gục đầu vào lòng Bùi nương nức nở:
-  Nhưng chị ơi, em bối rối quá. Em khổ  quá. Em là một kẻ chẳng ra gì… Em sẽ phải  đày xuống địa ngục khi dám phản bội đức Phật, từ giã cửa thiền…
- Đức Phật sẽ tha thứ cho em. Dù ở  đâu, làm gì, tất cả chúng ta đều là những phật tử của Người.
Bùi Vọng Nguyệt nói rồi đi lại ban thờ Phật thắp ba nén nhang chắp tay cầu khấn.
Lạ thay, bát hương bỗng hóa, lửa cháy thành ngọn . Dường như đức Phật đang cười.


                                              ***


Chiều hôm sau nữa thuyền của vợ chồng tượng nhân Đặng Sỹ cùng với Ni cô Tiểu Mai đến Côn Sơn. Một khoang thuyền lớn chất đầy hàng trăm sản phẩm gốm sứ độc đáo với nước men, dáng vẻ  tuyệt mĩ chưa từng thấy bao giờ. Đó là những bộ đồ ăn gồm đĩa, bát, tô, liễn,bình rượu, những vật dụng như cơi đựng trầu, ống vôi, chân đèn, lọ độc bình, những tượng Phật, tượng tam đa, tượng người, những đồ vật trang trí hình rồng, nghê, những con giống đủ hình thù, kiểu dáng…mỗi loại một màu men: trắng hoa lam,men ngọc, men màu tam thái,men rạn đục…
Quan Thừa Chỉ cùng quan Lễ nghi Học sĩ đón vợ chồng Đặng công như những người thân.
Về chàng nho sinh nổi tiếng Bùi Văn, tức cô  thục nữ Bùi Thị Hý, bị phát giác trước kỳ thi Tiến sĩ, quan Thừa Chỉ biết quá rõ. Vụ việc Bùi Văn là gái giả trai đi thi, loan đi khắp kinh thành, xôn xao đám sỹ tử. Hôm ấy, mấy vị công thần thuộc Lam Sơn hội đã kéo nhau đến điện Kính Thiên tâu đức vua bắt Bùi Văn hạ  ngục để nghiêm phép nước. Quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng mặt mày xanh xám đến gặp Nguyễn Trãi:  - Tiện nữ Bùi Thị Hý là cháu nội của tại hạ. Cha nó đã hy sinh trong trận công thành Xương Giang. Chỉ vì ngông cuồng dại dột mà cháu nó dám giả trai để đi thi. Mong quan Thừa Chỉ Hành Khiển nể tình bằng hữu mà xin đức vua tha cho.
Nguyễn Trãi an ủi người bạn cao niên:
- Quan Thái Bảo hãy bình tâm. Cháu nội quan anh cũng là  cháu của Trãi này.Tại hạ còn muốn nhân trường hợp này xin Hoàng thượng ban chiếu từ nay không ngăn cản bất kỳ trai hay gái tham dự các kỳ thi. Phải bình đẳng nam nữ, thậm chí khuyến khích nữ giới học giỏi. Có như vậy mới tuyển chọn được người hiền tài…
Quả nhiên quan Chánh chủ khảo kỳ thi đã cùng với quan Lễ nghi Học sĩ bẩm với hoàng đế Lê Nguyên Long đúng như đã nói với quan Thái Bảo. Nhưng Hoàng thượng gạt đi, cho rằng như thế là gây mầm loạn. Nhà vua nói:
- Riêng việc ta tấn phong chức Lễ nghi Học sĩ  cho bà Lộ đã gây điều tiếng trong và ngoài triều lắm rồi. Nhiều kẻ còn hỗn xược bảo rằng ta có tư tình với vợ quan Hành Khiển. Sao loài cẩu trệ có thể nói hỗn hào như vậy nhỉ? Nói riêng với Ức Trai, lúc nào ta cũng coi quan Lễ nghi Học sĩ như nhũ mẫu của ta, như  thầy dạy của ta. Nhờ quan Lễ nghi Học sĩ  mà đám cung tần của ta biết chữ thánh hiền, biết đạo cương thường, nghĩa vua tôi…
Những lời như thế được phát ra từ miệng một ông vua trẻ tuổi, vốn ham chơi, bất cần  đến sơn hà xã tắc, thực sự đã là biểu hiện của một đấng quân vương trưởng thành.Ức Trai không dám nài thêm, đành chấp nhận việc đuổi Bùi Văn ra khỏi trường thi, cấm vĩnh viễn không được đi thi.
Ức Trai nhìn cặp trai tài gái sắc, đưa đốt ngón tay bấm độn, như thầm nhẩm tính một điều gì, rồi nói với quan Lễ nghi Học sĩ:
- Hai người này sẽ làm rạng danh vùng đất Chu Trang, Nam Sách. Nhưng phải sáu trăm năm nữa, người đời mới biết đến họ…
Đặng công nói:
- Bẩm Tướng công, chắc Tướng công còn nhớ chuyến cùng quan Thái bảo  sang Mỹ Xá động thổ chiếc lò nung lớn nhất vùng Nam Sách. Hôm nay vợ chồng kẻ tiện dân này muốn dâng Tướng công sản phẩm mới nhất của chiếc lò nung đó, những sản phẩm do chính tay cô cháu nội của quan Thái bảo và cháu yêu vủa Tướng công chế tác.
Đặng Công phất tay ra hiệu. Gia nhân vác từ thuyền lên những hòm đóng đai gỗ, những sọt tre lớn đồ gốm sứ.
Bùi Vọng Nguyệt chắp tay xá quan Lễ nghi Học sĩ rồi thưa:
- Dạ, theo lời chỉ bảo của quan bà hôm từ  kinh đô ghé qua Chu Trang, hôm nay lò gốm Chu Đậu chúng con xin dâng biếu Tướng công hai loại sản phẩm, loại ngự dụng và loại gia dụng. Bộ đồ ngự dụng, gồm tượng, bình, đĩa trang trí, bộ  đồ uống trà, bộ đồ ăn để hôm tới Tướng công và phu nhân nghênh tiếp Thánh thượng và các quan triều đình. Bộ đồ gia dụng để tiếp qúi khách và người nhà dùng. Đặc biệt, có loại vật phẩm đặc biệt để Tướng công và phu nhân dùng và làm quà dâng lên đức Vua, như  một sản vật của vùng quê Nam Sách…
Đặng công đỡ lời vợ:
- Dạ thưa, vật phần tặng riêng Tướng công và phu nhân là do chính tay Bùi Vọng Nguyệt tạo tác. Mẻ gốm vừa ra lò trưa hôm qua. Xin Tướng công và phu nhân thưởng lãm và cho lời chỉ giáo.
Những chiếc khăn nhiễu điều được mở  ra. Cả Ức Trai và bà Lộ đều sững sờ. Không thể không gọi là kiệt tác. Hai chiếc bình cao chừng hai gang tay, ngời lên chất men ngọc hoa lam trong suốt, được chạm vẽ nổi chìm những hoa văn cúc, sen cách điệu vô cùng tinh xảo. Một chiếc hình củ tỏi, một chiếc hình đàn Tỳ bà, như một cặp uyên ương sánh vai nhau.
Ức Trai ngắm nghía hai chiếc bình, rồi nhìn Bùi Vọng Nguyệt, thốt lên:
- Trời ơi, những kiệt tác của một tượng nhân kỳ tài!
Bùi nương thưa:
- Dạ thưa Tướng công. Từ khi về làm dâu con dòng họ Đặng và gắn bó với nghề  gốm sứ Chu Đậu, con luôn  mơ ước làm  được một sản phẩm độc đáo để kính dâng Tướng công và phu nhân, hai vĩ nhân mà con vô cùng tôn kính và ngưỡng mộ. Cả trong mơ con cũng nghĩ về hai người. Thế rồi con nảy ra ý nghĩ phải làm một cặp bình sứ tượng trưng cho hình tượng một đôi trai tài gái sắc, đó là Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi Học sĩ. Và bây giờ hình tượng ấy đây. Hai chiếc bình này là một cặp, đúng như ý tưởng của vợ chồng con. Người đời có thể gọi đó là cặp bình Tình Nhân, tượng trưng cho Âm Dương, Trời Đất, Vợ Chồng…
- Ta hiểu - Ức Trai gật gù, vuốt chòm râu bạc –  Bậc hiền triết có thể nghĩ ra ý tưởng, nhưng nếu không có bàn tay kỳ tài của tượng nhân Bùi Vọng Nguyệt đây thì đất Chu Đậu vẫn chỉ là đất mà thôi…
- Dạ, thưa Tướng công – Bùi nương lại nói  – Con đã đọc “Dư địa chí” của người. Con ghen với Bát Tràng, vì lò gốm sứ này  đã lọt vào mắt xanh của Tướng công, được viết vào“Dư  địa chí”, còn Chu Đậu thì chưa…
Nguyễn Trãi khoát tay, cười:
- Từ hôm nay, gốm sứ Chu Đậu đã thực sự  làm ta kinh ngạc. Ta sẽ san định lại, sẽ bổ  cứu vào sách “Dư địa chí”. Ta hứa. Sắp tới, khi Hoàng thượng ngự giá tới đây, ta sẽ  tâu ngài đưa gốm Chu Đậu vào hàng sản vật cống phẩm của triều đình…
Bùi nương nhìn chồng, ánh nhìn tràn trề hạnh phúc và mãn nguyện. Nàng muốn thưa với Ức Trai dự  định lớn nhất của đời nàng là được họa chân dung của Người trên những đĩa gốm, bình gốm, được khắc áng thiên cổ hùng văn bất hủ “Bình Ngô đại cáo”và những bài thơ của Người  trên những bình, đĩa lớn, được đóng những thương thuyền vượt biển mang những sản phẩm gốm Chu Đậu tới mọi miền quê Đại Việt và các nước lân bang.
Đặng công đưa mắt cho vợ. Bùi Vọng Nguyệt hiểu ý, bảo gia nhân mở tấm khăn điều cuối cùng. Lộ ra hai chiếc độc bình cao chừng một đứa trẻ ba tuổi màu hoa lam, điểm hình tre trúc, thông tùng.
Ức Trai sững sờ. Một lọ độc bình vẽ cảnh núi non hùng vĩ, in bài thơ viết trên Thác Bờ của đức Lê Thái Tổ. Lọ kia vẽ cảnh non nước thần tiên, in bài thơ Vân Đồn của Ức Trai. Tài tình nhất là chữ viết trên bình chính là thủ bút của vua Lê Thái Tổ và của Nguyễn Trãi.
Ức Trai bỗng nhớ lại chuyến đi đầy ấn tượng trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Hàng nghìn đảo đá với trăm hình nghìn vẻ. Thuyền như lọt vào một bát quái trận đồ với đảo đá vây bủa, có lúc như bức trường thành chắn ngang  tưởng không có đường ra, có lúc mở ra một dòng sông trên biển, nước chảy xiết, có lúc hun hút bị cuốn vào một dòng xoáy, lại có lúc mở ra bát ngát, sóng biển trắng xóa tưởng nhấn chìm thuyền và người .Bỗng nhớ đến những chiến công hiển hách từ thời Ngô Vương, Hưng Đạo Vương. Vùng bát quái trận đồ này đã chôn không biết bao nhiêu chiến thuyền của quân giặc phương Bắc. Ra tới Vân Đồn, đến bến Cái Làng, đình Quan Lạn…mới hay từ triều Lý, Trần, các bậc tiền nhân đã chú tâm khai mở vùng biển An Bang này, không chỉ là phên dậu bảo vệ xã tắc mà còn mở mang thương trường, bang giao với lân bang. Ức Trai đã viết bài thơ Vân Đồn để kỷ niệm chuyến đi này.
Bùi nương thưa:
- Dạ, nếu Tướng công chọn đôi độc bình này  để làm bảo vật dâng đức vua Lê Thái Tông khi Người ngự giá đến đây, thì rất hợp ạ.
Quan Lễ nghi Học sĩ cất giọng đọc bài thơ  “Vân Đồn” của Ức Trai tiên sinh in trên bình hoa lam:

“ Lộ nhập Vân Đồn sơn phục sơn
Thiên khôi  địa thiết phó kỳ quan
Nhất bàn lam bích trừng minh kính
Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn
Vũ trụ  đốn thanh trần hải nhạc
Phong ba bất  động thiết tâm can
Vọng trung ngạn thảo thê thê lục
Đạo thị Phiên nhân trú bạc loan”(*)

( Đường tới Vân Đồn đảo uốn quanh
Đất trời phục dựng đại kỳ danh
Nước biếc như gương trời soi bóng
Muôn hộc buông rèm tóc mướt xanh
Nhạc biển reo vang tầm vũ trụ
Bão giông càng vững chí bình sinh
Trông bờ cây cỏ rờn xanh thẳm
Thương khách bán buôn thật hữu tình)
                                           ( HMT dịch)

Đặng công không khỏi xúc động khi thấy nụ cười mãn nguyện trên môi Ức Trai.Vội thưa:
- Dạ, hẳn Tướng công còn nhớ chuyến ra chơi Vân  Đồn cùng với quan Thái bảo Bùi Tướng công. Nhân chuyến giao hàng cho khách buôn Nhật Bản, vợ chồng kẻ tiện dân này đã có hân hạnh được tháp tùng Người trên vùng viễn hải. Và Người đã chép tặng Bùi Tướng công bài thơ này…
Ức Trai vuốt chòm râu bạc, cười lớn:
- Ta quên sao được.Đó là lần đầu tiên ta ra thăm thương cảng Vân Đồn. Non sông gấm vóc Đại Việt khó nơi nào sánh bằng Hạ Long, Bái Tử Long. Thơ ta chưa xứng với sự diệu huyền của tạo hóa, chưa xứng với Vân Đồn…

                                 
                                   ***
                                   
Bây giờ nói về Tiểu Mai.
Trong khi mọi người bận rộn gặp gỡ, chào hỏi và  chuyển đồ từ thuyền lên, thì Tiểu Mai lặng lẽ vào trong khoang, nơi buồng kín, thay bộ áo tứ  thân bằng bộ nâu sồng nhà Phật.
Nàng ngồi trong đó rất lâu, mắt đăm đắm rõi qua ô cửa nhỏ tìm kiếm trong đám người nhà  quan Thừa Chỉ từ tư dinh đi xuống. Tim nàng như ngừng đập, khi nhìn thấy Nguyên Phong theo sau ông Cả Khuê xuống tận bến đò đón khách.
          Nguyên Phong cũng nhớn nhác như tìm kiếm ai đó.
Em đây!
Tiểu Mai muốn reo lên, muốn kêu vang động cả vùng sơn thuỷ để báo cho chàng hay. Tiếng kêu lần đầu tiên trong đời, khẳng định mình là một thiếu nữ, một người phàm tục đang yêu. Nhưng nàng không dám. Cổ họng nàng như bị chẹn lại. Nước mắt nàng giàn giụa. Hình bong Nguyên Phong nhoà đi. Chàng cũng nhớn nhác nhìn quanh như tìm kiếm ai đó.
Còn tìm ai nữa? Chàng đang tìm kiếm Tiểu Mai.
Không thấy nàng, Nguyên Phong đầy thất vọng, buông thõng hai tay, như buông xuôi tất cả.
Hoàn toàn không chủ động được mình, như kẻ  mộng du, Tiểu Mai lao từ khoang thuyền lên mui, bay từ mũi thuyền vào bờ, vượt một khoảng rộng mà người võ nghệ cao cường chưa chắc đã vượt qua nổi. Cứ thế, Tiểu Mai lao tới bên Nguyên Phong, mặc cho hàng trăm cặp mắt nhìn họ đầy kinh ngạc.
- Nguyên Phong, chàng không nhận ra em ư? Còn em, chưa bao giờ em nhớ chàng như bây giờ.
Tiếng của nàng rất nhỏ, chỉ đủ để chàng nghe thấy, nhưng sao chàng cảm thấy như nó vang ngân, tràn ngập không trung.
Nguyên Phong chột dạ. Chàng chắp hai tay, toan bật ra hai tiếng “Mô Phật”. Nhưng rồi chàng kịp dừng lại, đưa cánh tay đỡ lấy tấm thân thiếu nữ đang ào tới chàng.
 ----------------------------
(*) Vân  Đồn - Ức Trai thi tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét