Nhãn

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

“HÀ NỘI VÀ TÔI”, HOÀI NIỆM THĂNG LONG, NỖI BUỒN NHÂN THẾ...

 ĐẶNG VĂN SINH

 Tôi mới quen biết Vũ Ngọc Tiến vài năm nay nhưng đọc của ông thì từ lâu rồi, chí ít là tập Rồng đá* với ba truyện ngắn quỷ khốc thần sầu: Chù Mìn Phủ và tôi, Âm bản chiến tranh Vị phồn thực. Đó là chưa nói đến Quỷ vương, một tiểu thuyết gây ấn tượng mạnh, khiến ông được liệt vào danh sách những nhà văn tên tuổi của Thủ Đô.

Cái khác ở Hà Nội và tôi không phải ở bút pháp. Bởi lẽ, giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, dù là truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự hay văn chính luận, Vũ Ngọc tiến bao giờ cũng đẩy ngòi bút đến tận cùng, dữ dội, thậm chí cực đoan, mà là ở cách ông tìm về quá khứ, khai mở ký ức đem đến cho người đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau về một Hà Nội thanh lịch, tử tế xứng đáng là đất Thăng Long ngàn năm văn vật nhưng dường như... một đi không trở lại.

Dưới con mắt Vũ Ngọc Tiến, Thăng Long chỉ còn là hoài niệm, một thứ phú quý giật lùi, do những biến động xã hội đã trở thành quá vãng.

Theo thiển ý của chúng tôi, Hà Nội và tôi là tập truyện ký, mà ở phần Hoài niệm Thăng Long, Vũ Ngọc Tiến sử dụng hồi ức như một biện pháp ẩn dụ ngầm so sánh quá khứ với hiện tại để chứng minh sự suy thoái của một nền văn hóa đất Kinh Kỳ do chính con người gây ra một cách có ý thức. Muốn xây dựng được giá trị sống tốt đẹp một dân tôc phải mất đến vài chục thế hệ vun trồng, bồi đắp, nhưng hủy hoại nó lại rất nhanh, có khi chỉ cần một cuộc chiến tranh ý thức hệ, một cuộc cách cái mạng nó đi là tất cả lại trở về điểm xuất phát. Khi ấy con người sẽ hành xử với nhau theo một chuẩn mực khác, có thể lành mạnh hơn, nhưng phần nhiều là dốt nát, hãnh tiến hơn, vô đạo đức nhưng đầy quyền lực bởi phông văn hóa mỏng và thừa thói hợm hĩnh, kiêu ngạo. Cụ đồ Vũ Duy Huệ trong Đạo học người Hà Nội xưa hay ông vua tơ tằm Đông Dương trong Chuyện doanh nhân Mỹ Bảo là hai minh chứng rất có sức thuyết phục cho phong cách sống mẫu mực của người Hà Nội: trung thực, tín nghĩa, thủy chung như nhất. Vậy thì câu hỏi đặt ra phía sau những trang hoài niệm ấy là, vì sao ngày trước người Thăng Long có nếp sống đẹp qua sự tôn sư trọng đạo, giữ gìn chữ tín và ứng xử với nhau tình nghĩa đến như vậy? Rằng vì cơn cớ gì mà phong hóa người Hà Nội xuống cấp đến mức thảm hại khiến cho ngay cả những cư dân gốc gác Thăng Long xưa, sau mấy chục năm ăn nhờ ở đậu xứ người, giờ trở về thấy mình lạc lõng giữa một thành phố xa lạ nhếch nhác?

Hà Nội một thời được xem như mẫu mực của văn hóa phương Đông. Sau khi người Pháp sang khai hóa, Thăng Long với tư cách là thuộc địa nhưng chỉ mấy chục năm đã trở nên một thành phố sầm uất với những khu phố Tây, cầu Paul Doumer, phủ Toàn Quyền, Nhà Hát Lớn và hàng loạt công trình kiến trúc hoành tráng, là niềm tự hào mà các quốc gia trong khu vực không dễ gì có được. Trí thức Tây học xuất hiện ngày càng nhiều cùng với trí thức Hán học trong lòng xã hội phong kiến nửa thuộc địa đang trên đường Âu hóa, nhưng có điều lạ là, người Hà Nội vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Văn hóa cộng đồng tồn tại là bởi sự tích hợp từ những hạt nhân của nó mà trước hết là văn hóa gia đình, dòng họ. Một khi các thang giá tri thay đổi hoặc đổ vỡ tất yếu văn hóa cộng đồng sẽ băng hoại. Vì thế, ở một mức độ nào đó, ta có thể xem, Hà Nội và tôi là cuốn sách viết về một nền văn hóa đang chết lâm sàng nếu những nhà quản lý ở cấp vĩ mô không có ngay biện pháp chấn hưng. Cứ nhìn vào bố cục tác phẩm, người đọc dù vô tâm đến mấy cũng nhận ra, sự xuống cấp của các giá trị sống Thủ Đô cứ tiệm thoái dần theo những biến động xã hội qua ba tiêu đề: HOÀI NIỆM THĂNG LONG, MUỐN QUÊN MỘT THUỞ và TRĂN TRỞ HÔM NAY.

Ở phần Hoài niệm Thăng Long, giống như thời kỳ trầm tích những giá trị căn bản, tốt đẹp nhất bởi kỷ cương xã hội được thiết lập và duy trì trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Người Kinh Kỳ khi ấy, dù lả anh phu xe hay con sen cũng đều có nhân cách tốt đẹp, có liêm sỉ và trọng danh dự. Các giai tầng xã hội luôn ứng xử với nhau theo những chuẩn mực trên ra trên, dưới ra dưới, mỗi cá nhân đều biết rõ vai trò và chức phận của mình nên xã hội không động loạn. Có lẽ vì thế, khi đọc truyện Mẹ tôi hay Hai người đàn bà bán muối, lòng ta chợt rưng rưng, rồi trong tâm khảm tự nhiên mong ước bao giờ cho đến ngày xưa? Đương nhiên, một cộng đồng dân cư, có tốt đẹp đến mấy cũng không thể loại bỏ hết những thành phần bất hảo, nhưng ngay cả bà Phúc Toàn, một phụ nữ rách giời rơi xuống mà vẫn phải chịu sự ràng buộc của luật tục, phải nhiều năm sau mới dám lén lút về làng cho dù bà ta là chủ hiệu thuốc bắc ở khu Ba Mươi Sáu Phố Phường. Đọc đến Một người Hà Nội đi kháng chiến, ông Y, toàn tâm toàn ý phục vụ chế độ mới, từng làm đến trưởng ty kinh tế, vậy mà sau khi giải phóng Thủ Đô, bỗng nhiên thành kẻ vô gia cư, như phản xạ tự nhiên, tôi nghĩ ngay đến nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Gia đình ông đã hiến năm ngàn lượng vàng cho Chính phủ Kháng chiến. Khi đất nước yên hàn, vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ muốn xin lại một trong nhưng ngôi nhà đã bị chiếm dụng, vậy mà sau mấy chục năm, những quan chức có thẩm quyền vẫn chỉ hứa suông, đến nỗi, một đêm, người con trai phải cõng mẹ đột nhập vào ngôi biệt thự của chính gia đình mình như một kẻ trộm...

Vẫn phải nhắc lại Hai người đàn bà bán muối. Bà Ích Thái và chị Chanh tuy ở hai đẳng cấp khác nhau, hoàn cảnh xã hội khác nhau nhưng đều có chung một triết lý sống đẹp của phong hóa đất Kẻ Chợ. Người đàn bà chủ sạp vải nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, sau chính sách cải tạo công thương mất sạch cơ nghiệp, chọn nghề bán muối vào dịp áp tết để ngạo đời: Ơ hay! Sao ông không ăn mà lại nhìn tôi mà khóc? Còn gì là Tết! Ngày xuân... Giữa đời lạt tình tôi đi bán cái mặn mòi. Giữa cái nhộn nhạo, tôi đi rao mời quả phúc. Vui quá đi chứ. Buồn cái nỗi gì (tr.62). Và đây nữa, một sự so sánh của người nữ doanh nhân khiến những ai đó có lương tri phải mủi lòng: Tôi đi bán cái mình dư dả cho người đang khao khát, lãi lắm cả nhà ơi! Có mấy tiếng đồng hồ, thu lãi bằng nửa năm lương làm ở tổ hợp tác, can cớ gì phải sĩ diện... (tr.62)

Muốn quên một thuở có thể xem là giai đoạn đệm, chuẩn bị cho một sự đổ vỡ trên quy mô lớn bằng cuộc Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp và phong trào Hợp tác hóa đẩy đất nước vào cơn khủng hoảng trầm trọng. Có thể thấy rất rõ, cuộc Cải cách ruộng đất cũng như Cải tạo công thương nghiệp là một cú đòn trời giáng vào miền Bắc Việt Nam nói chung và không gian Hà Thành nói riêng làm cho mọi trật tự xã hội bị đảo lộn, trong đó, những điền chủ lương thiện, những nhà doanh nghiệp chân chính bị phá sản trở thành kẻ trắng tay, còn bọn lưu manh, vô học nghiễm nhiên nên ông nọ bà kia. Vết thương trí mạng ấy hằn sâu vào ký ức cộng đồng, kéo dài nhiều thế hệ, cho đến ngày nay có vẻ như vẫn còn rỉ máu. Đó chính là nguyên nhân khiến đất nước rơi vào cơn bĩ cực, người dân đói dài đói rạc, thậm chí phải ăn cả thứ lương thực chỉ dành cho gia súc. Hạt bo bo là một trong số đó. Giờ nghĩ lại vẫn thấy rùng mình.

Thế nên, chẳng có gì khó hiểu về một kiểu người mới xuất hiện như Bình cá gỗ, Bà Tuyết phe, Tâm Sứt hay Bôn Tây. Họ là sản phẩm tất yếu của xã hội, khi bị những chính sách trái quy luật áp đặt, không còn đường sống, bắt buộc phải tìm cách phá rào theo phương châm to be or not to be mà Hamlet trong vở bi lịch cùng tên của văn hào W. Shakespeare, để tồn tại. Và cũng chính ở vào cái giới hạn mong manh của “to be or not to be” ấy, đã nảy sinh những bộ óc thông minh muốn cải tạo hoàn cảnh, khiến không ít người thân bại danh liệt hay mắc vòng lao lý. Họ giỏi giang, không chấp nhận cảnh đói nghèo, đi trước thời gian, tạo nên những chiều kích tác động không nhỏ vào nền kinh tế kế hoạch hóa vốn chỉ đưa con người đến cảnh bần cùng. Bôn Tây, Ba Toác, Hải Chichomex là những trường hợp điển hình trong số đó. Với Bôn Tây thì chỉ có nghề đi tù mới tìm thấy tự do, còn Ba Toác, xuất hiện vào lúc tình trạng xã hội bế quan tỏa cảng đã tương đối cởi mở nên chớp thời cơ làm giầu bằng xảo thuật lách luật. Và rồi sau 23 năm nhìn lại, chính nhân vật nổi tiếng một thời đã khiến tác giả rút ra kết luận: Có lẽ cần phải cảm ơn Ba Toác bởi qua nó, tôi mới ngộ ra những nhân vật ngày ấy của mình chỉ dừng ở mức tỷ phú tiền Việt. Họ giàu phất lên nhờ làm ăn theo kiểu móc ngoặc và lách luật, nhưng so với lứa tỷ phú tiền đô bây giờ thì họ vẫn chỉ là thứ làm ăn cò con, góp phần hình thành tầng lớp trung lưu mới ở Hà Nội giàu mà đa số mỏng học (“Cùng Ba Toác viết lại câu chuyện cũ”, tr.173). Tuy không nói thẳng ra, nhưng bạn đọc ai cũng ngầm hiểu, cái gọi là móc ngoặc, lách luật ấy chính là những doanh nghiệp núp bóng tư nhân nhưng thực ra lại là sân sau của những ông lớn có chức có quyền nhiều khi khuynh đảo cả nền kinh tế đang ở giai đoạn tiền tư bản. Và có lẽ, cũng chính một mô hình xã hội với cách điều hành bất thường so với phần còn lại của thế giới như thế nên mới xuất hiện những hiện tượng như Mỹ Linh. Từ con gái nhà lành, trải qua một cuộc bể dâu, nhờ ơn mưa móc của những thằng bán tơ thế kỷ XX, nàng tiểu thư khuê các biến thành nữ tướng cướp xăm trổ đầy mình, trả thù đời, một trong số đó là gã bảo vệ trường mù chữ, sắp chết đói, từng được cụ thân sinh nàng cưu mang. Cho dù sau mấy chục năm, trở thành nữ doanh gia tài năng, lại được thừa kế một gia sản lớn ở Pháp, Mỹ Linh vẫn khao khát một tình yêu đích thực, muốn được người đàn ông xứng đáng là bậc nam nhi vuốt ve âu yếm. Thế mới biết, cho dù bị một xã hội bất lương chà đạp, mất hết niềm tin, nhưng trong nơi sâu thẳm tâm hồn, không ít người Hà Nội vốn được hưởng thụ nền giáo dục tử tế của các bậc sinh thành, vẫn còn đủ lương tri phản tỉnh.

Tuy nhiên, Hà Nội và tôi không phải không có những con người tốt đẹp giữa lúc nhân tình thế thái chao đảo. Chuyện ông giám thị trại tù, bằng tấm lòng nhân ái đã cảm hóa được bao nhiêu phạm nhân trở thành người lương thiện cũng đáng để cho ta phải suy nghĩ. Giá như, trên đời này có nhiều những cai tù giầu lòng vị tha như thế thì xã hội bớt đi biết bao kẻ tội đồ. Ngày nay, cứ mỗi khi mở báo ra đọc, là lại thấy tức mắt bởi những cái title cướp, giết, hiếp lan tràn trên các tờ lá cải câu khách. Vì sao một xã hội được mệnh danh là tốt đẹp nhất, đáng sống nhất mà lại lắm tệ nạn xã hội thế nhỉ?

Có lẽ vì vậy, Vũ Ngọc Tiến mới đặt cho phần ba của cuốn sách Trăn trở hôm nay chăng?

 Đ.V.S.

 

*“Rồng đá, hay là Mũi uốn ván” là nhan đề tập truyện ngắn của đồng tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai, Nxb Đà Nẵng,  2008 tại Đà Nẵng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét