Nhãn

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

DIỄM XƯA...




 Truyện ngắn

Đêm cuối thu. Nguyệt ngồi một mình trong phòng trực Bệnh viện Đa khoa dưới ánh sáng dìu dịu của ngọn đèn treo cao trên tường có chiếc chao màu xanh nước biển. Trời se lạnh. Ngọn heo may đầu mùa làm đung đưa những chùm hoa sữa tỏa mùi hăng hắc khiến những ai hay dị ứng với sự thay đổi thời tiết khó chịu.
Giờ này không phải phiên của Nguyệt. Chị trực thay Ngân. Cô này chỉ kém Nguyệt vài ba tuổi nhưng đường tình duyên lận đận, tìm mãi vẫn chưa chọn được ý trung nhân, nên rất cần được "giao lưu" tình cảm. Chị cũng mới biết, cô bạn cùng khoa này vừa kiếm được một anh chàng bên Viện Công nghệ Thông tin. Tay này chuyên môn giỏi, đã thiết kế được những phần mềm rất tiện ích cho ngành y dược nhưng vẫn chịu cảnh phòng không, chẳng hiểu do quá kén  hay là số trời bắt phải lận đận. Chiều nay, thứ 5, vừa hết giờ Ngân đã khoác túi nhẩy chân sáo như một cô bé còn học phổ thông, hôn đến chụt một cái vào má Nguyệt rồi giơ ba ngón tay lên làm hiệu tạm biệt bye! bye!

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

BA KẾ SÁCH CỦA PHƯỢNG SỒ TIÊN SINH CHO ĐẠI HỌC ĐỊA PHƯƠNG




Đặng Văn Sinh
Cổng trường Đại học này mang đậm tư duy của một anh thợ hàn

Ở Việt Nam hiện nay có một hiện tượng lạ mà không quốc gia nào trên thế giới sánh được. Đó là rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải giấu bằng cấp tìm đến các công ty xin việc, mong kiếm một tháng đôi ba triệu để đỡ phải ăn bám bố mẹ.     Chỉ riêng năm 2017, trang báo điện tử Vietnamnet đưa tin*, có thêm 200.000 sinh viên ra trường không kiếm được việc làm. VTC1, trong bản tin tối ngày 26 tháng 12 thông báo là 244.000. Vậy con số tồn dư từ hàng chục năm trước là bao nhiêu? Có vẻ như đấy cũng là "bí mật quốc gia" mà người ta chỉ có thể phỏng đoán là không ít hơn 750.000 nhân mạng. Thế nhưng thị trường lao động vẫn thiếu trầm trọng nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao. Hiện tượng thừa thầy thiếu thợ đang là vấn nạn của đất nước. Vậy nguyên nhân vì sao?  Câu trả lời rất đơn giản. Đó là chất lượng đào tạo. Mà một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ luỵ này là bởi phong trào ĐẠI HỌC HOÁ toàn quốc.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

NGỌ MÙI HƯƠNG HỘI




Đặng Văn Sinh

 
Trang bìa "Hội Đình văn tuyển"

Chúng tôi vừa tìm được cuốn ghi chép về khoa thi Hương vào năm Thành Thái thứ 6 (1894) và khoa thi Hội vào năm Thành Thái thứ 7 (1895) của triều đình nhà Nguyễn. Cuốn sách có tựa đề "Ngọ Mùi hương hội" chia làm hai phần. Phần đầu là "Hà Nam trường Hương thí văn tuyển" do tượng nhân Liễu Chàng khắc ván in. Phần sau là "Hội, Đình văn tuyển" do nhà sách Đồng Văn sao chép.

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

BAO GIỜ CHO ĐẾN ...NGÀY XƯA? (kỳ 2)



Đặng Văn Sinh

Từ nhiều đời nay, vùng chiêm trũng Ba Tổng là nơi quần cư của hàng chục làng nằm dọc con sông Kinh thơ mộng nhưng lắm lúc cũng đỏng đảnh chẳng khác gì cô gái đẹp đã qua thời xuân sắc. Mùa lũ đến, nhất là vào dịp trước rằm tháng Bảy, cư dân bên sông giật mình thon thót mỗi khi nghe sóng vỗ oàn oạp vào kè đá. Các xứ Yên Ninh, đồng Tè, Cao Đôi, Chi Điền, An Điền... nằm trên vùng phù sa cổ, đất đã bạc màu, năng suất lúa thấp nhưng bà con vẫn làm một năm hai vụ, đủ cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người nhà quê. Người nhà quê, cả đời chưa một lần đặt chân đến kẻ chợ nhưng lại hiểu rõ "tính nết" các thửa ruộng như từng đường chỉ trên lòng bàn tay.

BÁO "VĂN NGHỆ" VÀ NHÀ VĂN...




Đặng Văn Sinh



          Đã 10 năm nay tôi không dám đọc báo này cho dù mỗi tuần đều được phát không một tờ trừ thời gian bị cắt do Hội hết tiền. Báo, tạp chí do nhân viên bưu điện mang đến tận nhà, tôi thường xếp vào một chiếc hộp carton để chái bếp, đến khi chiếc hộp đầy không thể nhét được nữa, thì chuyển cho các bà đồng nát với giá rẻ mạt hoặc tặng lại bạn bè trong khi các ấn phẩm vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện".
Các bạn nên nhớ rằng, giá báo "Văn nghệ" chỉ 9.800 VND một tờ 24 trang, nghĩa là chưa bằng một nửa bát phở bình dân, vậy mà ế đến mức hầu hết các đại lý đều lảng xa theo tinh thần "kính nhi viễn chi" của Khổng Tử đối với các loại quỷ thần.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

TỪ ĐIỂN TIỂNG VIỆT CỦA GS NGUYỄN LÂN – PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU (kỳ 2)




Hoàng Tuấn Công

Nhiều trường hợp, GS Nguyễn Lân giảng giải, chú thích sai hoặc quá mơ hồ, chung chung về các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian trong thành ngữ tục ngữ:
○ “theo voi hít bã mía (Voi ăn mía nhả bã) Chê kẻ hùa theo người khác để mong được hưởng ơn thừa”.
Giải thích nghĩa đen không đúng. Con voi to lớn, nên đôi hàm răng khổng lồ của nó cực khoẻ. Voi lại rất thích ăn mía. Bó mía đối với nó cũng giống như bó cỏ non mềm mà thôi. Bởi vậy, khi ăn mía, nó không “nhả bã” như người, mà dùng vòi cuộn cả cây vào mồm, rồi nhai nuốt cả. Vậy, tại sao dân gian lại nói “Theo voi hít bã mía”? Mía là thức ăn ưa thích nhất của voi. Bởi vậy, quản tượng thường dùng thứ thức ăn vừa mềm, vừa ngọt này để dụ dỗ, thuần dưỡng voi sau những ngày bỏ đói chúng, hoặc làm “phần thưởng” cho những con phải làm việc nặng nhọc. Trong câu tục ngữ “Theo voi hít bã mía”, dân gian đã liên tưởng cách ăn mía của người, để chế giễu sự ngộ nhận, nhầm lẫn về cách ăn mía của voi. Tuy nhiên, có một thực tế là khi ăn, voi tiêu hoá không hoàn toàn. Nghĩa là trong phân voi vẫn còn nguyên sợi xơ thô, thân bã thực vật. (Người Thái Lan có nghề làm giấy thủ công lấy nguyên liệu đã được “sơ chế” từ phân voi). Từ sự quan sát ấy, ý dân gian muốn ám chỉ kẻ “theo voi hít bã mía”, nhưng “bã mía” chẳng thấy đâu, có chăng chỉ là “bã mía” ở trong đống phân voi mà thôi! Và “hít” ở đây vừa có nghĩa dùng răng, lưỡi để chắt, ép lấy chút “cái ngọt thừa” của bã mía tươi, vừa ám chỉ “hà hít” đống bã mía đã được “sơ chế” bởi ông voi khổng lồ!

Bao giờ cho đến...ngày xưa?




Đặng Văn Sinh



Ngày xưa, thường là vào cữ tháng bảy, tiết ngâu, làng Yên giống hệt ông lão ngái ngủ trong bộ chúc bâu nhuộm vỏ già nhờn nhợt màu thời gian, trầm mặc như pho tượng La hán lặng lẽ nhìn thế sự. Sông Kinh Thầy đỏ lừ, trôi miên man dưới vòm trời âm u. Mấy bác lực điền nhàn rỗi ngồi nhấm nháp chén rượu Hóp. Các bà các chị thì than thở về thời tiết xấu, còn lũ chúng tôi, áo tơi, nón lá dắt trâu ra đồng.

Chỉ một loáng, đàn trâu đã bị lùa lên đống Ba Tầng, Mả Gạch hoặc bãi tha ma rồi đứa nào đứa ấy thi nhau vồ châu chấu. Những con chấu cái bụng lặc lè, xanh màu lá mạ, bị ướt, vỗ cánh một cách khó nhọc. Có con không đủ sức vượt chặng đường khá dài từ Đống Chùa đến Gò Quao, rơi xuống đám ruộng bỏ hóa, co cẳng bơi cuống cuồng. Chấu đực nhỏ và gầy như đầu đũa, bay ràn rạt hàng đàn. Lũ này có vẻ lười tuy chúng bay rất khỏe. Các chàng đa tình thường "ngự" trên lưng các nàng tạo thành một cặp chênh lệch như mẹ cõng con. Thấy động, chấu cái cất mình bay lên như tàu "Bà Già" mang theo cả anh bạn đại lãn không mấy chung thủy.

Cào cào đầu nhọn đủ loại xanh đỏ tím vàng bay vù vù. Mỗi khi cất cánh chúng chẳng phải lấy đà. Chạm người hoặc bước chân trâu tới gần, chỉ nghe đến "xoẹt" một tiếng đã thấy chú ta lơ lửng trên trời, để rồi vài giây sau lại thả cái thân hình mỹ miều trong bộ áo mớ ba mớ bảy xuống đám dứa dại bên đầm sen cách đấy không xa dù rằng trời vẫn mưa nặng hạt.

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2017

TỪ ĐIỂN TIỂNG VIỆT CỦA GS NGUYỄN LÂN – PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU




Hoàng Tuấn Công



Hoàng Tuấn Công học chuyên ngành Dân tộc học, khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, nghĩa là không phải chuyên môn về ngôn ngữ nhưng lại "dám" viết hẳn cuốn sách TỪ ĐIỂN TIỂNG VIỆT CỦA GS NGUYỄN LÂN – PHÊ BÌNH VÀ KHẢO CỨU, dày 561 trang khổ 16 x 24cm, làm các hậu duệ của cụ Nguyễn Lân nhảy cẫng lên, gây áp lực "dằn mặt" tác giả. Còn giới chuyên môn, nhất là những nhà khoa học xu thời, bằng cấp lởm khởm, học hàm mua, thì hè nhau ném đá để bênh vực mấy cuốn từ điển rởm. Trong số những nhà "phản biện" trên tinh thần học phiệt có GS ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn, PGSTS. Lã Trọng Long, TSKH Phan Đình Tân, TS Nghiêm Thúy Hằng và nhà báo Thanh Hằng, người có chiếc răng nanh gần thư thò ra khỏi mồm, trông rất hãi. Lấy tiêu chí khoa học làm thước đo giá trị tác phẩm biên khảo công phu này, hầu hết các nhà chuyên môn trong giới ngôn ngữ đều lên tiếng bảo vệ Hoàng Tuấn công một cách nhiệt tình, công tâm đầy sức thuyết phục, khiến phe học phiệt lúng túng, cãi cùn, làm trò cười cho thiên hạ. Một trong hàng loạt bài viết có sức nặng "điểm huyệt" các nhà khoa bảng mũ cao áo dài nhưng thiểu năng trí tuệ là của tiến sĩ Chu Mộng Long.

TỪ "NGỰA" LÊ TRÍ DŨNG ĐẾN CHÚ "GÀ ĐINH DẬU"




            Đặng Văn Sinh







            Vào một ngày cuối tháng 8 năm 2005, tôi đang ngồi gõ máy bản thảo bài phê bình tập truyện ngắn "Lá bàng xanh ngoài cửa sổ" của nhà văn Tô Đức Chiêu thì chuông điện thoại reo. Đầu dây đằng kia, một giọng trầm, âm lượng đầy nội lực hỏi: "Xin lỗi, ông có phải nhà văn Đặng Văn Sinh không ạ?". Sau khi được xác nhận tôi đúng là chủ nhân số máy vừa gọi, người khách tự giới thiệu: "Tôi là họa sĩ Lê Trí Dũng ở đại học Mỹ thuật công nghiệp, vừa đọc trích đoạn tiểu thuyết "Ký ức làng Cùa" của ông trên tạp chí Nhà văn.  Tuy mới đọc một chương mà đã thấy tác phẩm gây ấn tượng mạnh, tôi gọi điện trước hết để chúc mừng, sau nữa là, phiền ông gửi cho mua một cuốn theo đường bưu điện, tôi sẽ chuyển tiền vào tài khoản...".

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

VĂN HÓA... DÔ!


Đặng Văn Sinh

(Nhại thơ ngũ ngôn của bác Thái Bá Tân về thứ văn hóa mới được xác lập như một giá trị sống, một loại "quốc hồn, quốc túy" của dân tộc Việt trong thời đại "đỉnh cao trí tuệ")
Đ.V.S.




Có một thứ văn hóa
Gần đây mới mọc ra
Gọi là văn hóa ...NHẬU
Nhưng lại rất "đậm đà(!?)


Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Phản biện như thế, hãy đi chỗ khác chơi




(Nhân đọc bài Đôi điều cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải của ông Tạ Hữu Đỉnh đăng trên trannhuong.com)



Đặng Văn Sinh



Với tư cách là người viết phê bình cuốn tản văn "Kẻ sĩ trước thời cuộc" của nhà văn Hoàng Quốc Hải, chúng tôi thấy cần phải trao đổi với tác giả Tạ Hữu Đỉnh về bài "Đôi điều cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải" vừa đăng trên trang trannhuong.com ngày 10 tháng 5 năm 2017, vì trong tạp bút này, đã hơn một lần ông nhắc đến tên chúng tôi với hàm ý chê bai.

Thực tình, sau khi đọc, chúng tôi đã có ý không muốn trả lời vì nội dung bài viết quá khiên cưỡng, nhận thức vấn đề hết sức ấu trĩ, thậm chí đọc không vỡ chữ nhưng lại biểu thị thói ngạo mạn, coi thiên hạ chẳng ai bằng mình. Thế nhưng phần lớn bạn bè lại có ý khác. Họ bảo, trannhuong.com là một trang mạng uy tín, mỗi ngày có cả ngàn người truy cập, nếu mình im lặng, vô tình sẽ tạo ra sự ngộ nhận của công chúng về một tác phẩm bị phê phán bởi cái nhìn lệch lạc của một người đọc thiếu công tâm, hoặc cố tình bôi nhọ bởi những lý do nào đó ngoài văn chương. Vì thế, chúng tôi quyết định "hầu chuyện" Tạ tiên sinh.

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

"Những hòn cuội nhặt dọc đường" và kẻ lãng du trong cõi hồng trần



 Đặng Văn Sinh


Vào một ngày cuối tháng 8 năm 2005, tôi đang ngồi gõ máy bản thảo bài phê bình tập truyện ngắn "Lá bàng xanh ngoài cửa sổ" của nhà văn Tô Đức Chiêu thì chuông điện thoại reo. Đầu dây đằng kia, một giọng trầm, âm lượng đầy nội lực hỏi: "Xin lỗi, ông có phải nhà văn Đặng Văn Sinh không ạ?". Sau khi được xác nhận tôi đúng là chủ nhân số máy vừa gọi, người khách tự giới thiệu: "Tôi là họa sĩ Lê Trí Dũng ở đại học Mỹ thuật công nghiệp, vừa đọc trích đoạn tiểu thuyết "Ký ức làng Cùa" của ông trên tạp chí Nhà văn.  Tuy mới đọc một chương mà đã thấy tác phẩm gây ấn tượng mạnh, tôi gọi điện trước hết để chúc mừng, sau nữa là, phiền ông gửi cho mua một cuốn theo đường bưu điện, tôi sẽ chuyển tiền vào tài khoản...".

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

CUỘC VUÔNG TRÒN TÍNH LÀM SAO ĐÂY




 
                  Nhà văn Ma Văn Kháng

1/ Điều dễ nhận ra nhất, sau khi gấp lại cuốn tiểu thuyết mới này của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn là, muốn hay không, người đọc cũng bị đẩy đến tình thế phải đối diện trực tiếp với cuộc sống ngày hôm nay. Cuộc sống ngày hôm nay, hiểu theo nghĩa rộng. Cuộc sống ngày hôm nay với bao trăn trở, bức bối. Cuộc sống ngày hôm nay, một phức điệu.
Cuộc sống ngày hôm nay đang nhất quyết bác bỏ lối suy nghĩ giản đơn, một chiều vốn là cách tư duy nằm trong dòng ý thức hệ truyền thống. Thay vào đó là lối đánh giá nhiều chiều, thậm chí trái chiều, theo nhiều thang giá trị khác nhau.
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi. Câu trả lời thật không dễ dàng chi (Nguyễn Trọng Tạo). Quả thật là không dễ dàng gì để xác định chuẩn trước những biến động đến chóng mặt của cuộc sống ngày hôm nay. Hôm qua mới đưa vào sử dụng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ô tô chạy 120 km/h thoải mái. Hôm nay người ta đã bàn đến việc chuẩn bị cho đường cao tốc máy bay ở trên không. Trên bình diện kinh tế - xã hội, hôm qua, kinh tế quốc doanh còn giữ vai trò chủ đạo. Hôm nay thành phần kinh tế tư nhân đã trỗi dậy đứng ngang hàng với người anh kinh tế quốc doanh và được công nhận là một động lực phát triển vô cùng quan trọng. Lao động thủ công, cơ bắp đã được thay thế bằng máy móc, tự động hóa, số hóa. Vừa say sưa với công nghệ hiện đại người ta đã nhận ra ngay rằng, nó đã tỏ ra lạc hậu so với công nghệ cao. Tư duy cảm tính duy ý chí đã được thay thế bằng tư duy lý tính, tức tư duy logic và rồi tư duy logic cũng không mấy quan trọng và hữu hiệu bằng tư duy trừu tượng. Đã có cái truyền thống giờ đây lại có cái phi truyền thống mà xem ra đó mới là cái hữu lý, mặc dầu là nhiều khi thấy nó kỳ quặc và khó hiểu.
Trong bối cảnh ấy, Chính, nhân vật mang chủ đề của bộ tiểu thuyết 2 tập liên hoàn (Vỡ vụn xuất bản 2015 và bây giờ là Cuộc vuông tròn) đã xuất hiện và thật tình là rất thoải mái và tự do trổ tài cao đàm khoát luận một cách rất đáng nể vì và trân trọng. Thôi thì còn sự kiện gì mà trong cuộc họp mặt có tính chất nội bộ gia đình này (gia đình ông già Sơn La, cựu Chủ tịch, cựu Bí thư tỉnh ủy và vợ chồng con - Nguyễn Chí Thành, bí thư kiêm chủ tịch tỉnh đương nhiệm) mà không được đưa ra trao đổi, bàn bạc, giảng giải, khám phá, hay nói một cách chính xác hơn, là được Chính trong tư cách một người đọc nhiều, chịu đào sâu tư duy đóng vai phát ngôn viên duy nhất.