Nhãn

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

TRUYỆN NGẮN Ý NHI, NHỮNG TRANG ĐỘC THOẠI THEO DÒNG Ý THỨC... (Đọc “Ngọn gió qua vườn”, NXB Phụ Nữ của Ý Nhi)

 ĐẶNG VĂN SINH

 

“Ngọn gió qua vườn” là tên tập sách tuyển một đời cầm bút của Ý Nhi, dày 822 trang khổ lớn, bao gồm cả phần phụ lục in những bài phê bình thơ và truyện ngắn của chị.

Ý Nhi từng nổi tiếng với tập thơ “Người đàn bà ngồi đan” (NXB Tác phẩm mới, 1985), từng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1985, Giải thưởng Cikada của Vương quốc Thụy Điển 2015, nhưng không có nghĩa sự nghiệp văn xuôi bị mờ đi bởi ánh hào quang thi ca. Trái lại, những trang văn của chị đã ghi dấu ấn khá đậm nét như một phong cách riêng, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Với 30 truyện, viết trong khoảng thời gian 18 năm từ năm 2000 đến 2018, ngắn thì hai ba ngàn, dài có khi đến bảy tám ngàn chữ, người đọc nhận ra một Ý Nhi rất chuyên nghiệp trong bố cục cũng như cách xử lý các tình huống để tạo nên những “đoản thiên tiểu thuyết” chinh phục tâm hồn người đọc không phải bằng những tình tiết ly kỳ lắt léo mà bởi những đặc trưng thẩm mỹ lẩn khuất sau mỗi trang văn.

Phương pháp sáng tác của Ý Nhi không có gì mới, nói cách khác, truyện ngắn của chị vẫn thuộc hệ hình thẩm mỹ cũ chiếm ưu thắng trong nền văn học Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay. Nó dường như đã ổn định trong môi trường văn hóa cộng đồng với vô số biến thiên lịch sử, nhất là mấy cuộc chiến tranh, nên việc tiếp nhận các trào lưu văn học phương Tây khá chậm chạp. Để khắc phục tình trạng “đông cứng” này, một số nhà văn tìm cách thay đổi từ “bên trong”, nghĩa là, giữ nguyên hình thức cũ nhưng làm mới nội dung. Đây cũng có thể xem sự một sự cách tân để theo kịp với tiến trình phát triển xã hội. Ý Nhi là một trong số đó.

Tuy nhiên, truyện ngắn Ý Nhi rất kén chọn bạn đọc. Chị có vùng thẩm mỹ riêng, từ đó hình thành một lớp công chúng riêng. Đó là lớp người cao tuổi vốn là công chức đã nghỉ việc, không ít trong số đó  từng sống dưới chế độ cũ có kiến văn sâu rộng bởi thời trẻ được thụ hưởng nền giáo dục khai phóng. Chẳng những thế, các trường đại học (miền Nam) lại giảng dạy bộ môn triết học cho sinh viên rất bài bản, đặc biệt là lịch sử các trường phái Đông Tây kim cổ, góp phần đáng kể vào việc hình thành phương pháp tư duy độc lập, bồi dưỡng nhân cách. Đó thật sự là tầng lớp trí thức tinh hoa nhưng chẳng may gặp phải cơn “biến động nhân gian” gần như trở thành người thừa trong một xã hội hoàn toàn xa lạ. Lớp người này rất nhiều tâm sự, nhiều hoài cổ, luôn mặc cảm, sống khép kín, lúc nào cũng có cảm giác như kẻ ăn nhờ ở đậu. Tuy nhiên, phức tạp hơn cả vẫn là những công chức giải nhiệm nhưng lại ở miền Bắc dạt vào sau năm 1975. Lần đầu tiên được biết đến ti vi, tủ lạnh, choáng ngợp trước những sản phẩm tiêu dùng của nền văn minh phương Tây, khác hẳn những gì họ thường nghe, thường thấy ở thiên đường xã hội chủ nghĩa nghèo đói nhưng dư thừa ảo tưởng như kiểu “bánh vẽ” của Chế lan Viên. Trong hoàn cảnh như thế, cho dù lập trường có kiên định đến mấy cũng nảy sinh sự hoài nghi nếu không nói hoàn toàn đổ vỡ. Không ít người có cảm giác mình bị lừa, nhất là sau khi kịch bản “cải tạo công thương nghiệp” ở miền Bắc từ những năm sáu mươi được tái lập trên các đô thị miền Nam phá nát nền kinh tế thị trường mới manh nha, đẩy mảnh đất phương Nam đầy tiềm năng vào cơn khủng hoảng triền miên.

 Phần còn lại, tuy không nhiều nhưng rất chọn lọc là những trí thức trẻ có học vấn và phông văn hóa khá, giỏi ngoại ngữ, biết nghe nhạc không lời và đặc biệt tâm hồn nhạy cảm nhưng ở địa vị thấp. Nói cách khác, họ đều là những trí thức có tài, cũng bởi chính vì có tài nên không được trọng dụng…

Từ bối cảnh xã hội rất không bình thường như vậy, ngòi bút của Ý Nhi đã phân tích, mổ xẻ tâm lý hàng loạt nhân vật thuộc tầng lớp trí thức bị kỳ thị, sống như những kẻ lạc loài ngay chính quê hương mình.

Đọc Ý Nhi, ta phải tìm hiểu tư tưởng thẩm mỹ của chị ở tầng chìm nằm dưới những con chữ, bởi lẽ, phần lớn  truyện đều có bố cục tuyến tính, cách kể nhẹ nhàng, chậm rãi ngay cả những khi xuất hiện xung đột, rất phù hợp với phong cách hành xử của giới trí thức có tinh thần công dân trong một xã hội biết tôn trọng nhân cách con người. Lại nữa, cốt truyện của Ý Nhi khá đa dạng được cụ thể hóa trên từng văn bản qua hai kiểu cấu trúc: truyện “không có chuyện” và truyện “có chuyện”. Ở cấu trúc truyện “không có chuyện”, Người đọc nhận ra một Ý Nhi có biệt tài sử dụng ngôn ngữ thơ vào truyện. Đọc truyện mà ta có cảm giác như đọc một bài thơ “văn xuôi” đầy tràn hình ảnh và trải nghiệm tâm trạng qua những thăng trầm dâu bể. Cho dù cốt truyện diễn biến như thế nào thì mạch văn Ý Nhi vẫn từ tốn, chậm rãi và bình thản như cách của những người sống chậm. Đó là thứ văn hàn lâm, làm đẹp cho tiếng Việt, vừa uyển chuyển trong cách vận dụng lớp từ vựng giàu tính biểu cảm, vừa tinh tế trong việc phối hợp nhạc điệu với tâm trạng. Truyện “không có chuyện” của Ý Nhi thực chất là những dạng đối thoại tư tưởng trên nền cảm hứng về sự cô đơn tâm hồn trước một hiện trạng xã hội làm con người mất đi khả năng thức nhận các giá trị sống. Rằng, sự vận hành xã hội thiếu đồng bộ khiến mỗi cá thể mắc căn mệnh hoài nghi, khiến chúng ta suy giảm sự nhạy cảm trước nỗi bất hạnh của đồng loại. Từ những độc thoại nội tâm như một hình thái tư duy tìm về bản thể, dường như mỗi nhân vật đều nhận ra, con người đang suy thoái về nhân cách đạo đức dẫn đến sự suy thoái phẩm chất của cả cộng đồng. Đây chính là nguy cơ cho thế hệ tương lai…

Phần lớn nhân vật của Ý Nhi đều không tên hoặc đôi lúc có tên nhưng cũng là phiếm chỉ. Vì thế, họ tiêu biểu cho một lớp người, một nhóm cư dân chẳng những phải mang mặt nạ mỗi khi ra ngoài mà còn phải sắm vai diễn ngay chính trong nhà mình như một thói quen để duy trì các mối quan hệ tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ. Chính vì thế, người đọc thường bắt gặp những cảnh vợ chồng sống với nhau gượng gạo, tình cảm cha con, anh em nhạt nhẽo nhưng vẫn vờ như chẳng có chuyện gì là xảy ra. Sự dối trá đã trở thành phương châm hành xử giữa các thành viên trong gia đình. Đây chính là mối nguy cơ có thật đang từng bước hủy diệt phong hóa dân tộc được tác giả thể hiện dưới những dạng thức khác nhau bằng hình tượng văn học như là sự cảnh báo đối với cộng đồng xã hội.

Như một sự mặc định từ khi con người có ý thức, gia đình là hạt nhân của xã hội. Xã hội tồn tại được đương nhiên là nhờ những đơn vị cơ bản ấy. Thế nhưng, đọc “Ngọn gió qua vườn”, người ta chợt nhận ra, cấu trúc gia đình đang bị rạn nứt, sự ràng buộc giữa các thành viên lỏng lẻo hơn bao giờ hết nhưng chắc chắn không phải là lý do kinh tế mà có nguồn gốc sâu xa từ trạng thái tâm lý bất ổn bởi các định chế khuyết tật đẩy xã hội truyền thống vào sự rối loạn.

Mặt khác, khả năng “miễn dịch” của thành phần trí thức, nhất là trí thức tinh hoa khá yếu, nếu áp lực bên ngoài vượt quá giới hạn chịu đựng, mọi phản ứng sẽ lập tức hướng nội. Tìm về bản thể, truy vấn bản ngã cũng là phương thức tự bảo vệ khi con người không còn chỗ dựa tinh thần. Lúc ấy, đối thoại tư tưởng hay độc thoại nội tâm cũng là phương thức tồn tại.

Từ những nhận định trên, chúng tôi cho rằng, tư tưởng thẩm mỹ trong truyện ngắn Ý Nhi đều phát triển theo khuynh hướng này.  Tuy nhiên, viết được những truyện ngắn “không có chuyện” như Ý Nhi không dễ bởi đó là kết quả những trải nghiệm của một đời người, là sản phẩm của tư tưởng nghệ thuật được tích hợp từ nhiều nguồn năng lượng, mới có thể tái hiện thành hình tượng văn học như một kiểu dụ ngôn hiện đại. Tiêu biểu cho dạng truyện này có thể kể đến “Phòng chờ”, “Một giờ sáng”, “Có chuông gió sẽ reo”, “Lại mưa”, “Trở lại N”, “Ba sẩm tối”, “MIX”, “Tàu đến G”, “Gió”, “Có người gõ cửa”., “Quán chữ cái”, “Ám thanh”, “Mất sóng”...

“Phòng chờ” kể về một người đàn ông được học hành tử tế, có goût thẩm mỹ riêng và luôn galant với phái đẹp. Thế nhưng sau nhiều lần tiếp xúc với phụ nữ, trong đó có cả Phương, một người vợ vô cảm với ngay cả chồng con, anh ta thất vọng, từ đó, hàng ngày đến phòng chờ sân bay tìm sự thanh thản cho riêng mình. Điều kỳ lạ là, tại đây, anh lại gặp một gã đàn ông giống hệt mình, nghĩa là cũng ngồi phòng chờ giết thời gian nhưng chẳng biết vì lý do gì. Câu chuyện chỉ sáng tỏ sau chuyến nhân vật đặc biệt của chúng ta đi công tác miền Trung về được một nữ nhân viên trao cho chiếc phong bì, mới hiểu rõ nguồn cơn. Hóa ra anh chàng kia mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống chỉ còn tính từng ngày. Phòng chờ của gã cũng chính là phòng chờ bệnh viện, đồng thời cũng là tựa đề những ghi chép gửi lại người “đồng bệnh” nhưng không hề có căn cước. “Phòng chờ”, ngoài sự bất lực cô đơn của con người trước hoàn cảnh, người đọc còn nhận ra một chân lý đơn giản, “vẻ đẹp của của vật thể, đồ vật tùy thuộc vào góc nhìn, thời gian nhìn và tâm trạng con người”.

“Một giờ sáng” lại được tác giả khai thác ở khía cạnh khác, trong đó có tâm trạng hoài cổ, nhưng cái chính vẫn là khoảng cách không thể san lấp giữa các thế hệ trong cùng một gia đình. Đương nhiên, đó chưa phải là xung đột ý thức mà là quan niệm sống được hình thành từ nền học vấn, phông văn hóa và sự tương tác xã hội. Mới nhìn, đó chỉ là những chuyện vặt nhưng lại có sức nặng ám ảnh tâm lý người già như một phản ứng trước những tác nhân ngoại lai ngược với thói quen của mình. “Lại mưa” cũng là một truyện đáng chú ý về những hệ lụy do nền văn minh kỹ trị gây ra khi mà một anh chàng có tư cách đàng hoàng, được học hành tử tế, nghề nghiệp ổn định, bỗng nhiên phải ra tòa ly hôn chỉ vì quanh năm suốt tháng “đi mây về gió” chẳng ngó ngàng gì đến cô vợ trẻ cô đơn dưới mặt đất. Truyện rất ngắn gần như không có xung đột nhưng để lại ấn tượng sâu sắc bởi tính cách của những hành khách trên mỗi chuyến bay, là sự ẩn dụ thế giới chúng sinh đa dạng và hỗn tạp trong cuộc cạnh tranh mưu sinh khốc liệt. Có lẽ vì thế mà tác giả để cho Nhân vật K, con rể một ông tướng, là kẻ mang bản chất lưu manh, cơ hội xuất hiện trên chuyến bay với một nhà sư điềm đạm, lịch lãm có tấm lòng bồ tát giúp đỡ mọi người bằng những hành động cụ thể chăng? Nhân vật  trong truyện cho dù là tầng lớp trí thức bậc trung vậy mà họ luôn thể hiện sự mệt mỏi, chán chường như còn thiếu một cái gì đó. Bố cục truyện đơn giản như nó vốn có trong đời sống thường nhật, nhưng chính những mảnh vụn của đời sống ấy đã làm nên diện mạo thiên truyện.

Đọc truyện của Ý Nhi ta được tác giả dẫn dụ vào thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của tầng lớp trí thức, trong đó, nổi bật hơn cả là sự cô đơn bất lực trước hoàn cảnh. Chính vì thế, họ tìm đến sự yên tĩnh như kiểu co cứng trong vỏ ốc theo phương châm “độc thiện kỳ thân” mặc kệ thiên hạ sự. “Năm cuộc điện thoại”, “MIX”, “Tàu đến G.” và “Món quà” tuy bối cảnh khác nhau, thân phận khác nhau nhưng tất cả đều giống nhau ở diễn biến tâm trạng người trí thức vào lúc hoàng hôn cuộc đời.  Đọc kỹ và suy ngẫm, ta không thể không thừa nhận, đó là những con người, lúc sinh thời được kính trọng vì phẩm chất và tài năng của họ, nhưng rồi thời cuộc đổi thay, bỗng chốc bị chìm xuống dưới đáy xã hội. Một khi các giá trị bị đảo lộn, ở nơi tận cùng ấy, cho dù có bản lĩnh đến mấy cũng không thoát khỏi bi kịch. Bi kịch   theo đuổi, hành hạ khổ chủ dai dẳng và khốc liệt đến mức, dù đã chuyển dịch đến một vùng đất khác, hít thở loại khí trời khác, vẫn cứ như một ám ảnh cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay nơi đất khách. Cho nên, bảo rằng “Ngọn gió qua vườn” của Ý nhi đều là một chuỗi những độc thoại nội tâm, những giằng xé đau khổ về thân phận con người cũng không sai.

Ở “Năm cuộc điện thoại”, nhân vật chính là một nhà văn mãn hạn tù, vợ con di tản chết trên biển vì bão. Đã có một thời nhà văn này làm xuất bản và chỉ in những cuốn sách mình yêu thích. Ông ta có người bạn mê văn chương, chuyên la cà ở các hiệu sách cũ, có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sách quý đến nỗi khánh tận. Đó là những nghệ sĩ biết yêu cái đẹp, luôn có khát vọng sáng tạo cái đẹp cho con người nhưng lại bị sóng gió cuộc đời đưa đẩy vào cảnh nhếch nhác, phải vất vả kiếm sống, vậy thì còn đâu là hùng tâm tráng chí?

Một đặc điểm tưởng cũng cần phải nhắc đến trong truyện ngắn Ý Nhi là hội chứng chiến tranh luôn ám ảnh các nhân vật của chị. Chẳng hạn như ở “Ba sẩm tối”, tác giả miêu tả hình ảnh người đàn ông có tư thế nằm trên ghế đá với vết sẹo trên mu bàn tay giống như “anh”, nhân vật chính của câu chuyện, từng gặp ông ta hai lần nơi vườn hoa Bờ Hồ. “Anh” là một người đàn ông lạ kỳ,  luôn có thói quen đi xe rẽ phải khắp các ngã ba, ngã tư thành phố tìm về nhà mình. Hội chứng chiến tranh khiến tâm thần bấn loạn, anh ta cứ đi lòng vòng khắp thành phố như kẻ mộng du rồi lại quay về Bờ Hồ nhưng chiếc ghế đã trống trơn. Người đàn ông liên quan đến cuốn sách anh ta đang đọc đã tan biến vào trong đêm. Ở truyện này, cách kể của tác giả vừa là ký ức vừa là dòng ý thức đan xen nhau tạo nên dòng chảy vô tận như một cách tìm về nguồn gốc của hiện tượng rối loạn hành vi.

Cũng vẫn với lối kể từ tốn chẳng đi đâu mà vội như là phong cách sống của người đã sang bên kia dốc cuộc đời, nhưng ở serie truyện “có chuyện” của Ý Nhi lại níu kéo người đọc bởi thân phận con người trong những cảnh ngộ éo le mà nếu không đủ bản lĩnh rất có thể gục ngã. Câu chuyện không còn là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác như văn học sử thi mà là những xung đột tư tưởng, tình cảm trong cùng một cá thể dưới tác động của hoàn cảnh. Con người ở đấy, với tư cách cá nhân, nhưng đồng thời cũng là thành viên của cộng đồng. Anh ta chịu sự chi phối của thiết chế văn hóa bao hàm cả những thói quen trong tư duy và hành vi sống như là căn tính của dân tộc. Tuy là truyện ngắn, một loại hình văn học rất cần các chi tiết tình tiết để tạo nên sự xung đột hay các tình huống mâu thuẫn, nhưng Ý Nhi lại không mấy coi trọng. Truyện của chị chỉ xem chi tiết như một phương tiện để tìm vào bản chất sự việc, khai thác tối đa khả năng biểu đạt ở tầng sâu tư tưởng. Mà những truyện có tư tưởng thẩm mỹ ít nhiều đều mang tinh thần triết lý thời đại. Một trong số đó là “Phìn Sa”. “Phìn Sa” là truyện trong truyện, một phương pháp gián tiếp để người con trai kể lại cuộc tình duyên đứt đoạn của bố mình với một người phụ nữ dân tộc thiểu số xinh đẹp thời kỳ ông công tác ở vùng Tây Bắc. Người phụ nữ trẻ, tức mẹ anh, không chịu được cuộc sống tù túng nơi đô thị, đã bỏ chồng con về với núi rừng. Nhưng không chỉ có thế. Bố anh được cử đi học nước ngoài rồi ở lại tục huyền với một phụ nữ người Âu, chỉ về quê chịu tang bà nội một lần. Nỗi dằn vặt đối với anh chưa hẳn ở việc không còn nhìn thấy bố mà là, ngay cả người mẹ sinh ra mình cũng chưa bao giờ gặp mặt. Mấy lần toan tính lên Phìn Sa đều đổ vỡ. Nếu không có thư của M, người đã mấy lần rủ đi Lai Châu, anh không thể biết mẹ ở Phong Thổ, từng gá nghĩa với một người đàn ông nhưng đã chết vì nghiện thuốc phiện. Và cũng buồn thay, những kẻ đồng bệnh tương liên, người con trai duy nhất của ông già là giảng viên đại học, lấy vợ rồi định cư ở mãi trời Tây.

Câu chuyện là một lát cắt của đời sống nhưng hàm chứa một triết lý nhân sinh. Con người sống ở những không gian văn hóa khác nhau khó có thể hòa hợp được với nhau nếu không có một giai đoạn cần thiết để hòa nhập. Văn hóa là những giá trị sống của một dân tộc được hình thành qua nhiều thế hệ mang tính đặc thù, không thể dùng sức mạnh, cho dù là sức mạnh của bom hạt nhân áp chế.

Hội chứng chiến tranh như một căn bệnh mạn tính có thể đeo đuổi con người suốt đời ngay cả khi anh ta không phải là kẻ cầm súng bắn vào đồng loại. Hình ảnh ông già bày biện rượu “quốc lủi”, lạc rang, dưa chuột mời người khách không quen biết cùng cạn chén trong “Đợi tàu ngược” là thiên truyện đặc sắc về ký ức chiến tranh cho dù chiến tranh đã qua đi một phần ba thế kỷ. Ông già kỳ quặc này không đợi tàu ngược mà đợi người vợ đã chết vì bom mấy chục năm cùng với hai đứa trẻ chăn trâu. Gặp ai ông cũng mời rượu, và triết lý của ông rất độc đáo “uống rượu là để tự lừa mình”. Chiến tranh, qua hình tượng người đợi tàu ngược, gián tiếp cho chúng ta thấy một hiểm họa khôn lường nếu những nhà quản trị quốc gia không lượng định đến những hậu quả của nó. Xét về khía cạnh nhân văn, chiến tranh cũng là những trái bom hủy diệt cả một nền văn hóa. Vết thương tinh thần không kém gì vết thương vật chất nhưng còn nguy hại hơn bởi nó có khả năng di truyền qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, truyện vẫn còn một tuyến nhân vật thứ hai liên quan đến gia cảnh của người khác được ông già mời rượu. Đó là Tứ, người em cùng cha khác mẹ mà vì mặc cảm luôn khép mình, kiệm lời mặc dù được mẹ cả đưa về nuôi, đối xử như con ruột. Ở đây là vấn đề tâm lý, hay nói khác đi, đó cũng là một trong những giá trị sống hằn sâu trong tâm thức không thể gỡ bỏ một sớm một chiều. Thật ra, cái ga xép quang cảnh tiêu điều ấy không chỉ có thế. Ở đấy nó còn là nơi khởi phát câu chuyện về anh chàng làm nghề xẻ gỗ ngủ suốt ba năm ba tháng mười một ngày. “Người ngủ” mất ngủ rồi lại ngủ trong khi cô gái và chàng trai bắt đầu trạng thái yêu đương có phần hoang mang về đường tình duyên nên nhờ người xem bàn tay như là một cách giết thời gian trong cảnh chờ tàu. Đành rằng cuộc đời vốn lắm nghịch lý, nhưng cái sự bất thường không nằm trong quy luật của câu chuyện rất đáng để ta suy ngẫm.

Xung đột trong truyện ngắn Ý nhi có vẻ như không giống xung đột kịch mà hầu hết là những giằng xé nội tâm khi nhân vật tự đối thoại với chính mình. Hình thức đối thoại tư tưởng luôn là cảm hứng chủ đạo và đều có xu hướng lôi kéo người đọc tham gia vào quá trình “giải cấu trúc” văn bản. Những truyện “Búp bê biết khóc”, “Với chiếc đèn quảng cáo”, “Gió” hay “Con ngựa bãi biển” đều có xu hướng tiếp cận hậu hiện đại nên thể hiện khá rõ đặc điểm trên. Cấu trúc văn bản “Với chiếc đèn quảng cáo” khá phức tạp, trong đó tác giả sử dụng cả thủ pháp đồng hiện cũng như yếu tố huyền ảo để khắc họa tính cách một người làm nghề khảo sát địa chất. Trong đêm tối, nơi bến xe khách bỏ hoang, anh ta đi tìm nước rồi gặp một con chó bị bỏ rơi. Và cũng tại nơi ấy, một ký ức bất chợt tìm về liên quan đến cuốn sổ ghi chép bài thơ của người bạn thuở học trò giống như cảnh ngộ của mình. Cuốn sổ tay ngày ấy đã gây ra một vụ rắc rối, còn bài thơ lại như một lời tiên tri cho số phận anh ta cả chục năm sau: “Chẳng thà làm một cơn mưa/ trên bãi xe không bóng người/ với chiếc đèn quảng cáo quay những vòng ngũ sắc lên trời/ không ngớt”. Và thứ triết lý tưởng như vô lý của người bạn ngày ấy lại trở thành chân lý vĩnh cửu: “Ô, hóa ra, giết chết một tình yêu không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ở đâu đó, bị đè nén, khuất lấp bởi cuộc sống thường nhật nhưng rồi sẽ đến lúc, chúng bùng cháy. Và khi ấy, hắn khó mà lường được sức nóng, sức lan tỏa của chúng” (“Với chiếc đèn quảng cáo…”, tr. 438).

Với một đầu óc không bình thường như thế, câu chuyện về những chiếc đèn quảng cáo và con Mực ở bến xe cũ tất nhiên không đủ chứng cứ để mọi người, kể cả cô vợ tin tưởng, nhất là khi nghe chồng nói đến một cơn mưa. Người duy nhất bị câu chuyện ly kỳ chinh phục lại là anh tài xế, và chỉ khi cơn mưa xuất hiện và con Mực chờ sẵn hai người khi xe ra đường lớn thì nút thắt của thiên truyện mới được giải tỏa.

Cấu trúc văn bản truyện ngắn Ý Nhi không hoàn toàn dựa trên những xung đột kịch, nhưng nếu có, lại không phải xung đột tình huống mà là xung đột dòng ý thức có xu hướng tiệm cận triết lý. Những truyện “Tàu đến G”, “Gió”, “Có người gõ cửa”, “Con ngựa bãi biển”, “Ám thanh” hay “Mất sóng” đều thuộc khuynh hướng này. Nếu “Tàu đến G” là sự ám ảnh về người vợ cũ cùng với sự suy sụp tinh thần của nhà khoa học thì một nhà khoa học khác lại nhiễm căn bệnh “thiếu gió” như là hình thức ẩn dụ trạng thái bế tắc trong một không gian sinh tồn hạn hẹp. Đảo Xanh được xem như một thiên đường thỏa mãn tất cả các điều kiện sống, và nhất là rất nhiều gió nhưng thực ra chỉ là viễn cảnh. Vì thế, lời phát biểu thấm đẫm tinh thần cấp tiến của vị tổng thống trẻ “mức độ tôn trọng tri thức là thước đo của một nền dân chủ” hay “một quốc gia phát triển không phải là nơi người nghèo có xe riêng mà là nơi người giầu dùng phương tiện giao thông công cộng”  cũng chỉ được xem ở thì tương lai.

Truyện ngắn của Ý Nhi là như vậy. Hãy đọc và suy ngẫm.

Đ.V.S.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét