Nhãn

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Ký ức làng Của (tiếp theo)




    Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

           Chương mười một        

                                          1

Lái Lự hồi bốn sáu đã là uỷ viên Mặt trận Liên Việt, những năm sau này lại ủng hộ gạo cho kháng chiến nhưng cũng không thoát khỏi tầm ngắm của Đội Cải cách xã Nhân Ái. Người ta phát động bần cố nông tìm ra vô số tội có thật và không có thật của ông ta trong quá khứ để quy kết bằng được thành phần địa chủ phản động. Nặng nhất là vụ bán gần hai chục con trâu cho đồn điền Bon Bajar sau đó đến việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân Áo đen của Khúc Kiệt. Ông cựu lái trâu ngồi trong nhà giam chín ngày thì bị mang ra xử. Với từng ấy tội danh, căn cứ vào khung hình phạt rất tuỳ hứng của Toà án Cải cách đang thi hành, dù có bổ sung tình tiết tăng nặng chăng nữa, ông cựu uỷ viên Liên Việt cũng chỉ tù chung thân là cùng. Nhưng khốn nỗi là, Uỷ ban Cải cách đã phân bổ chỉ tiêu án tử hình cho các xã. Nhân Ái gồm bốn làng bình quân mỗi làng ít nhất phải có ba. Làng Bòng mới xử bắn Phó tổng Phạm Công Cảo và Lý trưởng Trần Phê, còn một suất nữa tất nhiên phải là Lái Lự.

Sau khi ông lái trâu bị hành quyết ở miễu Đài Sơn, người ta chia cơ ngơi của ông ta cho hai cố nông xóm Bối. Mẹ con bà cháu Khúc Thị Hài bị tống ra khỏi nhà vì bao nhiêu năm nay họ chỉ là người ở nhờ. Chính quyền mới không thừa nhận mối quan hệ vợ chồng giữa ông lái và bà Thoả. Ngôi nhà cũ của cụ khán bên làng Nội bị Tây đốt năm năm mốt, phần đất còn lại xem như vô chủ đã được Đội Cải cách cấp cho một hộ bần nông. Ngay chiều hôm ấy, cả nhà kéo nhau ra cồn Láng ở tạm trong dãy chuồng trâu cũ. Chuồng trâu chỉ còn lại bốn bức tường đắp bằng đất nện, toàn bộ phần mái đã bị cơn bão năm Tý lột sạch quăng ra giữa sông. Tóm lại đó là một cảnh hoang tàn, đổ nát mà nhìn vào đó người ta có thể thấy được lẽ thịnh suy của thế sự và cái vô nghĩa của những cuộc bắn giết lẫn nhau chỉ vì muốn giành quyền lực về tay  mình.
Sông Lăng lừ lừ trôi, nước phù sa đỏ đòng đọc dưới ánh chiều tà. Một con thuyền chở đá nặng nề ngược nước. Bầy chèo bẻo phải đến vài chục con bay chập chờn trên mặt sông, có lúc cặp cánh của chúng chạm đến đầu ngọn sóng như là muốn tắm rồi lại lao vút lên chẳng khác gì mũi tên vừa bật khỏi dây cung.
Lê Văn Khải và Lê Văn Nghiên ngày ngày vào miễu Đài Sơn  chặt tre làm nhà. Từ cồn Láng đến miễu vừa đi vừa về mất đúng một ngày. Hai anh em bền bỉ vác tre như kiến tha mồi, khoảng nửa tháng thì công việc hoàn tất. Sau chiến tranh, cồn Láng gần như bị bỏ hoang, lại vô chủ nên mẹ con bà Hai tha hồ chăn nuôi trồng trọt. Cá sông Bối nhiều, anh em Khải, Nghiên ngày nào cũng quăng chài, thả lưới kiếm được hàng thúng trôi chép cho mẹ mang đi chợ Lành bán. Nhưng đến mùa lũ thì khổ. Mùa lũ bắt đầu từ tháng bảy ta, phù xa từ ngàn xanh đổ về chỉ một ngày một đêm cồn Láng, cồn Vành thành biển nước mênh mông. Gò me như một ốc đảo, mọi sự đi lại đều bị đình trệ nếu không có thuyền. Khu chuồng trâu trở thành nơi tá túc của đủ loại cầy cáo, chuột và rắn. Anh em Khải nghĩ ra cách đặt bẫy xen với lưới vó căng chung quanh hàng rào tre, sáng nào cũng tóm được vài con cho mẹ om riềng.
Được chừng nửa tháng, Khải bàn với Nghiên đóng chiếc vó bè và mua năm chục vịt giống về thả. Mùa nước lũ nuôi vịt không cần cho ăn vẫn lớn như thổi vì cồn Láng nhiều tôm cá. Đến tháng hai năm sau, đàn vịt tăng lên ba trăm con. Thương lái từ Ngã ba Môi biết tiếng, đánh thuyền ngược sông Lăng về mua trứng. Nhưng rồi chuyện làm ăn của anh em họ Lê không qua được mắt ông Chủ tịch xã Nhân Ái Hoàng Đình Tằng. Tằng tuổi  ba bảy, người làng Hệ, cách kẻ Bòng một cánh đồng, chuyên câu ếch. Chỉ với cái cần trúc, cuộn cước buộc lưỡi câu với giỏ nhái mà trong vòng ba bốn năm anh ta tóm được ở đầm Vực, ao Chài và cồn Láng hơn vạn con ếch. Chiếc lưỡi câu gài hoa mướp trong tay Tằng như có ma thuật. Tay trái giữ cần trúc, tay phải cầm cuộn dây, anh ta điều khiển lúc căng lúc chùng, lúc chỉ khẽ vờn làm như con nhái nhảy chồm chồm, lúc lại lặn một mạch xuống vùng nước không có bèo bằng cách miết dây, khiến cho lũ ếch dù có tinh khôn đến mấy cũng chẳng hề dửng dưng trước thứ màu vàng huyền diệu của cánh hoa mướp và mùi đặc biệt hấp dẫn của chàng nhái sọc. Tằng là sát thủ đáng gờm của họ nhà ếch, nhưng cái nghề ấy không thể nuôi sống được bảy miệng ăn, trong khi năm sào ruộng trũng của ông bố để lại anh ta đã đem gán nợ sau một đêm xóc đĩa thua cháy túi, đành phải đến nói khó với Lái Lự vay tiền mua vó bè làm kế sinh nhai. Ông Lự bảo:
- Tao cho vay tiền làm nghề để vợ con khỏi chết đói chứ không phải để đánh bạc. Sau ba tháng phải trả cả gốc lẫn lãi nếu không tao trình Lý trưởng cắm đất, mày có đồng ý thì ký vào văn tự.
  Lãi cao nhưng ngoài ông ta ra, khắp tổng An Lạc không ai có tiền mà lại nhả ra cho một thằng khố rách áo ôm chuyên nghề đỏ đen như anh ta vay. Tằng rập đầu tạ ơn ông lái rồi sang chợ Lành mua vó. Tre lồng ngộc thì nhờ mấy thằng bạn vào miễu Đài Sơn chặt. Mấy hôm đầu, anh ta làm ăn tử tế, ngày nào cũng có cá cho vợ bán. Nhưng rồi dần dần lều vó trở thành nơi chứa chấp phường cờ bạc của cả mấy làng trong vùng. Chưa đầy một tuần Tằng nhẵn túi còn đèo thêm khoản nợ mới gần trăm bạc. Ông lái biết tin cho người đến thu bộ gọng vó về để góc vườn. Sau vụ ấy gã câu ếch bỏ mặc vợ con, ra sông Lăng theo cánh đò dọc. Giữa năm năm tư, hắn về làng, việc đầu tiên là đến nhà Lái Lự sừng sộ :
- Ông lái trả chiếc vó bè để tôi làm ăn.
Lái Lự chỉ tay ra vườn bảo :
- Bộ gọng tôi để ngoài kia anh ra mà vác, vó ở trong buồng tý nữa chị Hài đưa cho, nhưng trước khi mang vó đi phải hoàn lại hai đồng tư đã vay năm Tỵ. Tôi chỉ lấy gốc còn lãi thì coi như biếu anh.
Tằng thần người ra một lúc rồi cười nhạt :
- Đất nước độc lập rồi, bao nhiêu nợ cũ đều xoá hết, ông biết điều thì đốt văn tự đi nếu không nay mai Đội Cải cách về làng có mà tù mọt gông.
Anh ta nói không sai. Tháng chín Đội về làng Bòng thật. Hoàng Đình Tằng được cử làm Chủ tịch xã. Lái Lự bị bắt giam, chín ngày sau lĩnh án tử hình.
Một hôm Tằng ra Cồn Láng câu ếch nhìn thấy ngôi nhà mới làm của mẹ con bà Hai, tức điên lên. Bọn này dám chiếm cứ cánh bãi chung quanh gò Me làm giàu, đang có âm mưu phục thù giai cấp đây. Phải trị đến cùng để chúng biết thế nào là công bằng xã hội. Các người lại dám giầu hơn bần cố nông à?
Trưa hôm sau, Tằng cử Xã đội  trưởng Nguyễn Đình Phiên dẫn mấy dân quân khoác súng ra cồn Láng với một cái lệnh. Nội nhật trong ba ngày, bà Hai Thoả và các con cháu phải đi khỏi gò Me, trái lệnh sẽ bị tống giam. Lê Văn Khải điếng người nhìn tay Xã đội bằng cặp mắt hằn học:
- Chúng tôi đã bị đuổi khỏi làng Bòng, giờ lại bị đuổi nữa các ông bảo đi về đâu?
Nguyễn Công Phiên rút trong túi ra mảnh giấy đưa cho Khải, tay chỉ sang bên kia sông:
- Các người là dân làng Cùa về bên ấy mà ở. Ông Chủ tịch đã viết công văn thông báo cho xã Đoàn Kết, cầm sang đưa cho họ.
Bà Hai đang bị ốm cũng phải gượng dậy ra nói ngọt với cánh dân quân :
- Xin các ông thư thư cho dăm hôm để mẹ con nó thu xếp.
Ông Xã đội lắc đầu:
- Không được! Ở nơi vắng vẻ thế này các người sẽ tìm cách móc nối với bọn biệt kích, gián điệp gây bạo loạn….
Lê Văn Nghiên vừa ở bãi về thấytình hình có vẻ căng liền tìm cách đấu dịu :
- Chúng tôi đi ngay cũng được nhưng khó nhất là đàn vịt với chiếc vó bè, mong các ông thông cảm cho lui lại.
Xã đội Phiên khoát tay :
- Mấy tháng nay mẹ con bà làm ăn trái phép ở cồn Láng nên Uỷ ban xã quyết định sung công đàn vịt và tất cả các phương tiện đánh cá. Không nói lải nhải nữa, yêu cầu công dân Phùng Thị Thoả chấp hành.
Chuyến sang sông này của mẹ con bà Hai thật là bất đắc dĩ. Bốn người không một xu dính túi. Mấy tháng trời vất vả đổ mồ hôi nước mắt mới có được đàn vịt và chiếc vó bè bỗng chốc bị cướp trắng. Bà Hai xót của thở dài :
- Một đời đã gặp mấy lần tao loạn nhưng chưa bao giờ khốn nạn như thế này.
Đó là một chiều tháng tư nhạt nắng. Bà Hai Thoả, sáu mươi nhăm tuổi, tóc bạc, lưng còng chống gậy dẫn đám con cháu từ bến đò lên điếm  Bài Vân.
Khúc Thị Hài quấn khăn tang, cánh tay tật nguyền bỏ thõng, tay kia xách bị cói. Hai anh em họ Lê cúi đầu lầm lũi bước, thỉnh thoảng ngẩng lên, lập tức bắt gặp ánh mắt nghi ngại của người làng Cùa. Đường làng vẫn như hồi họ còn bé, nghĩa là vừa hẹp vừa gồ ghề và đặc biệt bẩn thỉu khi trời mưa. Phân trâu, phân chó rải rác khắp các ngõ xóm, hết lần cũ đến lần mới, gặp mưa lẫn với đất thó tạo thành thứ bùn xam xám, nhão nhoét, hễ nắng lên là bốc mùi thum thủm theo gió tây nam tràn vào các nhà. Làng Cùa trước đây rất nhiều chuối, tốt như rừng, trồng trong vườn hoặc rải rác dọc các ngõ xóm tạo thành một không gian âm u, ẩm ướt là nơi trú ngụ lý tưởng của muỗi. Từ ngày Cải cách, tất cả các bụi chuối đều bị phạt tận gốc, củ đào lên om lươn, thân, thái cho lợn. Thay vào đó là những ụ đất bằng đống rạ, cao như mả thằng ăn mày trồng khoai lang chống đói theo sáng kiến của một nhà khoa học nông nghiệp nổi tiếng lúc bấy giờ.
Tối hôm ấy mẹ con bà Hai vào ở nhờ ngôi nhà tranh Ba gian của Ngô Quỳnh. Từ ngày ông ta đi tù đến giờ nhà vẫn bỏ không. Sáng hôm sau, anh em họ Lê mang tờ giấy của Hoàng Đình Tằng nộp cho Uỷ ban xã Đoàn Kết. Bùi Quốc Tầm đọc đi đọc lại mãi đến khi nhìn thấy con dấu chữ nhật in bằng mực đen đóng đè lên chữ ký như con nòng nọc của Chủ tịch xã Nhân Ái ở mặt bên kia mới vào :
- Gia đình các anh thuộc đối tượng phải quản lý chặt chẽ. Bên ấy người ta không cho ở là đúng. Trước mắt các người hãy tạm trú ở nhà Ngô Quỳnh, thường trực Uỷ ban họp bàn rồi sẽ thông báo sau nhưng nhớ là, ra khỏi làng phải đến trình công an xã.
Cuối cùng thì Uỷ ban xã Đoàn Kết cũng chấp nhận cho gia đình bà Hai cư  trú tại làng Cùa nhưng gần nửa tháng mới có thông báo chính thức. Chỗ ở là một rẻo đất phía tây nam xóm Trại Cá, nơi trước đây bà Cả Huê cắt cho mẹ con bà Hai sau khi Khúc Đàm bị giết. Xóm Trại Cá gần ngòi Mác, nằm ngay trên đường ra đồng Chó Đá. Cách đấy không xa là khu ruộng Chùa chỉ cấy một vụ về mùa tháng tám, rất nhiều tôm cá. Việc đầu tiên là phải dựng nhà. Người làng Cùa dù có một số bà con thông cảm hoàn cảnh nhưng không ai dám giúp đỡ mẹ con bà Thoả trừ Trịnh Doãng. Mọi việc từ mua tre, đắp nền, nhào đất trát vách đến xin rạ hắn đều làm rất tận tình. Mấy anh em xoay trần ra chừng nửa tháng thì ngôi nhà Ba gian hai chái hoàn thành.
Dịp ấy cả vùng Ba Tổng đói. Hơn nửa năm trời, hết ngày lại đêm, người ta chỉ dành thời gian cho các cuộc mít tinh, đấu tố địa chủ cường hào, xử án Việt gian phản động, học bài hát và nhảy sạp mà quên mất nhiệm vụ cày cấy trên mảnh ruộng vừa được Đội chia, vì thế đến vụ gặt, đồng điền vẫn xanh ngút ngàn những cỏ là cỏ. Sau bao nhiêu năm tao loạn, đất canh tác bỏ hoang quá nửa bạc màu, cây lúa còi cọc như tăm hương, lúc thu hoạch mười phần không được hai ba. Làng xóm tiêu điều báo hiệu một nạn đói mới đang rình rập có khi còn hơn cả tháng ba năm  Ất Dậu.
Những thế hệ con trai con gái lớn lên trong cảnh no đủ sau này sẽ không thể hình dung cảnh mặt trời tháng tư năm đói như thế nào. Đó là thứ màu đỏ cà chua hơi sẫm ở giữa, nhàn nhạt chung quanh đang từ từ chìm xuống đường chân trời được nhuộm một thứ màu vàng mỡ gà ảm đạm. Quả cà chua khổng lồ ấy rơi một cách chậm chạp, nặng nề dường như không muốn chịu sự chi phối của quy luật tuần hoàn vũ trụ mà cứ thích vung vãi mãi thứ ánh sáng ghê rợn ấy xuống thế gian với ý thức huỷ diệt. Những chiều như thế, cứ xâm xẩm tối là vợ nhìn vào mắt chồng thở dài, con nhìn cha ai oán. Trẻ đói khát nhìn nhau bằng cặp mắt trống rỗng, vô hồn.
Củ chuối mài nhỏ nấu lẫn với cá lẹp, rau muống bè độn cơm là thứ thức ăn phổ biến của bà con bần cố nông. Đến khi không còn gì có thể ăn được nữa, Chủ tịch Bùi Quốc Tầm quyết định cho nhân dân dỡ khoai lang ụ, vì từ lúc trồng đến giờ đã được gần năm tháng. Nhà nhà khấp khởi mừng thầm nghĩ rằng sắp được mấy bữa no, ai ngờ sau khi ụ được cuốc ra, bên trong chỉ toàn là rễ. Có những ụ, rễ dài lòng thòng quấn lại như mớ bòng bong, nhìn thấy, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Xóm Trại Cá có mười bảy hộ thêm bà Hai là mười tám. Nhà Xã đội Lương Văn Mực ở bên trái, bà Hai bên phải chỉ cách nhau một bờ rào. Chính Mực là người chỉ huy hành quyết Lê Văn Vận rồi mấy hôm sau chết trong vụ nổ ở nhà Ứng Thị Sót. Bây giờ là đầu tháng tư âm lịch, lúa mới đứng cái chưa thể gặt hái. Vợ chồng Mực có ba đứa con gái và một thằng con trai. Đứa nào cũng xanh như tàu lá vì đói. Chị vợ goá chưa đến ba mươi mà hom hem như bà già ngũ tuần, quần ống thấp ống cao, suốt ngày lấm láp như vừa đi tát vét về.
Sáng nào mẹ con chị Mực cũng dậy sớm xuống đồng Mạc Điền, Đậu Khê móc cua. Có hôm dậy muộn, chậm chân, bọn xóm Đình, xóm Cầu Đá bắt hết là hôm ấy nhịn phèo. Những ngày này dân các làng đổ ra đồng như trẩy hội. Cua ốc, tôm cá, châu chấu, cào cào, thứ gì ăn sống người là bắt tuốt cho vào chiếc giỏ tre đeo lủng lẳng bên sườn. Thằng Vê con chị Mực vồ được mấy chú muỗm tre, vặt cánh rồi bỏ luôn vào miệng nhai rau ráu vì nhà hết gạo đã lâu, nó đói quá. Chỉ trong một thời gian ngắn các loài thuỷ tộc ở tất cả chín khu đồng làng Cùa gần như đã bị tận thu, lúc này thứ còn có thể kiếm được ra tiền là cỏ cồn Vành tuy rằng giá rẻ như bèo.
Sông Lăng mùa này cạn nước. Dân tứ xứ kéo sang Cồn Vành cắt cỏ nên lão Tam chột, mới được uỷ ban xã Đoàn Kết cắt ra chở phà, cáu vì tăng chuyến mà thù lao thì vẫn thế. Lão chửi rầm lên nhưng chẳng ăn thua gì. Các bà các chị vẫn quảy quang gánh xuống bến nườm nượp. Tam Chột tuổi Quý Sửu, cháu gọi Lái Tình đã chết trong trận lũ cách đây hơn hai mươi năm bằng cậu. Lão không máu rượu như cậu mà nghiện thuốc lá nặng, lúc nào cũng vắt vẻo điếu sâu kèn bên khoé môi. Tam chột có tật hay văng tục. Mỗi khi chửi lão thường đẩy nhanh điếu thuốc từ mép này sang mép bên kia, thành thử âm thanh phát ra nghe cứ bập bềnh như sóng vỗ mạn thuyền. Phương tiện xã giao cho Tam Chột quản lý là chiếc phà gỗ mỗi chuyến chở được vài chục người. Chiếc phà chẳng biết được đóng từ khi nào, bằng loại gỗ gì, nhưng nhìn bề ngoài đáng ra đã phải nghỉ hưu từ lâu bởi vô số những vết rạn nứt cùng đủ loại mảnh ván tạp nham táp vào chẳng khác gì tấm váy đụp của bà đĩ Hoe được ông Bí thư huyện uỷ tự tay treo vào phòng truyền thống để cho các thế hệ con cháu biết được tội ác bóc lột dân cày của bọn địa chủ cường hào.
Phụ chèo cho lái Tam là Tư Quýnh. Tay này khoảng hai tám, ba mươi, trông khá đẹp mã nhưng bị tật nói ngọng, con gái làng chê. Anh ta tức mình rước một cô bên Mạc Điền về làm vợ. Con gái Mạc Điền trắng trẻo, thắt đáy lưng ong, khéo nịnh chồng chỉ phải tội đi chợ hay ăn quà. Tư Quýnh chèo khoẻ, đẩy phà băng băng, lão Tam thích lắm nhưng thỉnh thoảng vẫn chửi vì cái tật rình đàn bà tắm sông.
- Đồ con lợn, thích thì xuống tận nơi tụt quần nó ra mà sờ việc gì phải nấp trong vườn chuối như chó rình cứt trẻ con.
Tư Quýnh tức lắm quẫy mạnh mái chèo quay ngược mũi phà làm lão Tam chột gồng người cạy mãi không ghé được vào bến. Lão toát mồ hôi hột, miệng bập bập điếu thuốc rê ngoảnh lại chửi:
   - Tổ sư thằng ngọng xỏ lá!
Lúc ấy đã trưa. Dân cắt cỏ vẫn còn đông nghịt trên bờ. Chị Mực, cái Vấn, cái Vít đã xuống được phà, chỉ còn cái Vịt chờ hai chị lên đỡ. Gánh cỏ của nó kềnh càng mà phà thì đã đầy nhưng lão Tam vẫn chưa chịu rời bến. Lão hất hàm cho Tư Quýnh nhấc gánh của cái Vịt lên rồi dùng chiếc sào dài cán ngang đẩy mọi ngươì ép sát về đằng lái. Lão quyết định chở thêm mười hai gánh nữa. Con phà lắc lư trườn đi một cách khó khăn vì ngược nước. Có những lúc mái chèo của Tư Quýnh cong vát đi, tưởng sắp gãy đến nơi. Tay lái của lão Tam cọt kẹt bởi tiếng dây chão nghiến vào cọc gỗ nghe rợn cả người. Phà ra đến giữa sông bỗng nhiên mọi người nghe thấy mấy tiếng rào rào. Chết cha rồi, gãy mái chèo. Nhưng không phải, chính là nước từ đáy phà tràn lên. Chỉ trong khoảnh khắc, do sức đẩy khá mạnh, chiếc phà chở quá nặng bị vỡ làm đôi. Lão Tam và Tư Quýnh mỗi người một bên, tay vẫn nắm mái chèo nhưng mặt xanh như đít nhái, mồm há hốc, đang hốt hoảng chưa biết làm thế nào thì cả hai nửa chiếc phà đều bị lật, hất tất cả đám hành khách đang kinh hồn bạt vía kia xuống nước.
Hầu hết đám đàn bà con gái đều không biết bơi hoặc bơi kém. Họ vùng vẫy một cách tuyệt vọng trước làn nước đục lờ lờ, bám vào bất cứ thứ gì vớ được trong tầm tay, hy vọng khỏi làm mồi cho Hà Bá. Hai nửa chiếc phà có đến vài ba chục bàn tay bám vào, người nọ túm áo người kia như một đám rồng rắn. Những mảnh gỗ vá víu ngấm nước cùng với vô số đai sắt, boulon khá nặng, không chịu được phụ tải, từ từ chìm xuống. Trên mặt sông chỉ còn những bàn tay chới với cùng với tiếng la hét tuyệt vọng.
Anh em họ Lê lúc ấy đang gỡ lưới ở lạch Cá Bơn, nghe tiếng người trên bãi ngô kêu gào vội cho thuyền ra bến. Hai người cố sức chèo nhưng cũng phải nửa khắc mới đến được chỗ phà bị nạn. Tất nhiên là lão Tam Chột và Quýnh ngọng không sao. Họ sợ đám đàn bà bám vào nên đã lặn xuống thật sâu, bơi ra xa rồi vào bờ lấy thuyền ra cứu chị em. Nghiên nhảy xuống sông, lập tức có hàng chục bàn tay túm áo xuýt nữa thì chết chìm. Lão lái phà vội nhào theo tiếp sức cùng Nghiên đưa từng người lên thuyền. Bên kia, Lê Văn Khải và Tư Quýnh cũng vớt được bốn năm cô đã uống no nước. Sau gần hai tiếng đòng hồ, mệt bở hơi tai họ đưa được hai mươi bảy nạn nhân vào bờ, bảy người khác bị nước cuốn đi trong đó có cái Vịt. Lê Văn Khải bị vợ Lại Quang Nghinh quàng tay bấu chặt lấy cổ rồi cứ thế chìm xuống vì chân chị ta có đến hai người nữa bám vào. Khải phải nín thở, vặn người nhoài ra mãi mới thoát. Hai bà già kia sặc nước nổi lập lờ được Quýnh ngọng kéo lên thuyền. Gần tối hôm ấy  người ta mới tìm được xác cái Vịt. Nhà Mực khóc con rất là thê thảm. Mẹ con chúng không có tiền đóng ván phải quấn chiếu bó lạt mang ra đồng Chó Đá chôn. Hai anh em Khải khênh cái Vịt, Tư Quýnh vác mai cuốc, lão Tam chột cầm bó đuốc dài gần hai thước tây thỉnh thoảng quay một vòng làm lửa loé lên, tàn bay tứ tung. Bốn mẹ con không còn bơ gạo nào. Trong chum chỉ lổng chổng mấy lát khoai khô. Bà Hai thương tình bảo Lê Văn Nghiên mang cho nửa rổ khoai lang. Số khoai ấy, Khúc Thị Hài mua ở chợ Rồng chiều hôm trước sau khi bán mớ cá chày Khải đánh được trên sông Lăng.
Sau mấy tháng ở trong ngôi nhà quả thực, Phạm Ổn và Ứng Thị Sót bắt đầu gỡ cánh cửa bức bàn gỗ lim mang sang chợ Cháy bán. Đói quá, họ bàn nhau mỗi hộ chỉ ở một gian, còn gian chính đường có thứ gì kiếm ra tiền đều cho đi tàu suốt. Hôm sau Sót gọi người vào mang đi bộ đồ thờ. Tất cả long án, bồ đài, ống hương, lư đồng, mâm ngũ quả đều lần lượt chất lên chiếc xe ngựa của lão Tuế Sứt mang lên phố huyện cho bà Cát Đại. Bà Cát xấp xỉ bốn mươi, ngực lép nhưng cổ chân to như chân voi vì bị giun chỉ có ông anh ruột làm Bộ trưởng ở Hà Nội, nửa công khai, nửa bí mật khuân gần hết đồ tế tự ở làng Cùa với cái giá rẻ như cho không. Bà ta mua những thứ linh thiêng này không phải để kinh doanh mà cất vào kho, hy  vọng có ngày chủ của nó đến chuộc lại.
Đồ Sách không những không bị xử tù về tội chửi càn mà còn được xếp vào thành phần bần nông vì có anh cháu họ trong Đội Cải cách làng Chi Điền, trước đây ở cùng đơn vị với đội Ngọ. Ông ta được chia bốn sào ruộng đồng Gà và bộ long án bằng gỗ vàng tâm sơn son rất đẹp. Chiếc án thờ chạm khắc khá tinh xảo chiếm già nửa gian nhà, một mình không mang đi được, Đồ Sách phải gọi hai thằng cháu ngoại đến khiêng. Hai đứa cháu mấy hôm nay chỉ húp cháo khoai cầm hơi, chân tay chệnh choạng như của đi mượn. Bỗng rầm, thằng Tề bị hẫng, cái án thờ chao nghiêng đổ xuống sân gạch vỡ làm mấy mảnh. Ông ta tức mình chửi toáng lên. Chiều hôm ấy, nó được chẻ ra quẳng vào bếp làm củi. Mấy hôm sau, từ sớm tinh mơ, người ta thấy ông Đồ gánh một gánh, một bên là mấy chiếc bồ đài cùng với mâm ngũ quả, bên kia, chiếc lư đồng mắt cua ra đường 228 lên chợ Cháy. Mẹ con chị Mực sau ngày cái Vịt chết đuối không sang cồn Vành cắt cỏ nữa mà trở lại nghề móc cua. Dân làng Cùa dạo này kéo nhau xuống Đậu Khê,  An Bối, Chi Điền kiếm ăn, nhưng những nơi này cũng đang có nguy cơ chết đói. Khắp vùng Ba Tổng, các dải bờ ruộng bị thuổng cuốc đào bới nhoe nhoét. Lúa đang làm đòng vốn dĩ còi cọc lại bị hàng trăm hàng ngàn bàn chân dẫm nát.
Buổi trưa, sau khi húp bát canh cua loãng nấu với rau tập tàng, cái Vấn cái Vít rủ nhau sang Đậu Khê tát cá. Trời đang nắng gắt. hai đứa vét được lưng giỏ lòng cò rồi vào gốc gáo ngồi nghỉ. Bất chợt cái Vít nhìn thấy mấy vồng khoai lang liền gạ chị :
- Hay là ta hái ít ngọn khoai về xào với tỏi ăn?
Cái Vấn lưỡng lự:
- Ruộng khoai của ông Chủ tịch đấy, nhỡ người ta biết thì chết.
- Ngắt vài ngọn sợ gì, chị không làm để em, nhưng tối về đừng có chọc đũa vào.
Cái Vấn nghĩ đến mùi ngọn khoai xào tỏi đã nuốt nước miếng, nhìn trước nhìn sau thấy đồng đã vắng người liền chạy theo em. Cái Vít vừa hái ngọn vừa bới gốc. Đây rồi. Những tia củ bằng ngón tay đã bắt đầu lộ ra. Nó bẻ gãy mấy đoạn, lấy vạt áo lau rồi đưa lên miệng nhai rau ráu. Cái Vấn thấy em ăn, nó ngần ngừ mãi rồi cũng cúi xuống kéo một chùm rễ lên. Hai đứa mải ăn không để ý vợ Chủ tịch Tầm từ phía sau bước đến. Chị ta thuộc loại đàn bà chua ngoa, quay quắt, nhất là từ khi chồng làm Chủ tịch, lên mặt, coi bà con dân làng chẳng ra gì. Hai chị em sợ quá bỏ cả giỏ cá với nắm ngọn khoai ù té chạy.
Chiều hôm ấy, hai dân quân đến nhà chị Mực bắt ba mẹ con ra trụ sở Uỷ ban. Họ tống cái Vấn cái Vít vào buồng khoá lại, bắt chị Mực phải mang tiền bồi thường chỗ khoai bị móc mới cho hai đứa về. Chị ta không biết tìm đâu ra tiền đành mang cái hòm khoá chuông được chia hồi Cải cách sang nhà bà Hai :
- Bà làm phúc cho con vay mấy nghìn[1] cứu các cháu.
Bà Hai ngẫm nghĩ một lúc rồi tháo đôi khuyên bạc đưa cho vợ Mực bảo :
- Nhà chị mang sang chợ Cháy mà bán, có lẽ cũng đủ số tiền nộp phạt, còn cái hòm này mang về, tôi không giữ làm gì.
- Con đội ơn bà nhưng nếu thế thì con không dám cầm đôi khuyên.
- Đã bảo cứ cầm về. Nửa tháng nay, nhà này cũng toàn ăn khoai với canh cua, nhưng tao thương hai đứa. Tội chúng quá.
Chập tối thì cái Vấn cái Vít được thả. Hôm sau, vợ Mực ra chợ Rồng đong ba ống gạo, mua nửa cân thịt và mấy cái bánh đa. Thịt thì luộc. Bánh đa bẻ ra nấu với cua, thật là một bữa ăn thịnh soạn làm thằng Vê mắt sáng lên. Cái Vấn hỏi :
- Mẹ lấy đâu ra tiền mà ăn sang thế?
 Vợ Mực bảo :
-  Bà Hai cho vay đôi khuyên, mẹ bán đi đền cho chúng mày, còn thừa một ít làm mâm cơm cúng bố.
Cái Vít tuy háu ăn nhưng thấy mẹ tự nhiên tiêu hoang khác hẳn với ngày thường cũng sinh nghi :
- Vay rồi sau này lấy gì mà trả?
- Mẹ đã mang cái hòm khoá chuông sang nhưng bà không nhận.
-  Cái hòm chỉ đáng mấy bơ gạo, mẹ làm thế bác Hài với các anh ấy khinh cho.
Chị Mực thở dài:
- Biết làm thế nào được hả các con? Nhà mình cùng đường rồi.
Cơm trắng, thức ăn ngon nhưng bốn mẹ con ngồi rất lâu, khác hẳn mọi ngày, bữa ăn mãi đến quá Ngọ mới xong. Thằng Vê có lẽ đã no, vừa buông đũa buông bát thì mặt mày tái nhợt, hai cánh mũi phập phồng, mắt trợn ngược, ngã vật xuống ngay bên mâm cơm. Cái Vấn thấy sự lạ, quờ tay nâng em dậy nhưng chính nó cũng đang mất thăng bằng, mắt hoa lên, đầu quay cuồng điên đảo như lúc bé bị đặt lên cối xay lúa. Cái Vít trợn mắt nhìn mẹ, hai tay quờ quạng, cổ họng giật giật mấy cái rồi nôn thốc nôn tháo như ăn phải mùn thớt. Trước mắt chị, những đốm xanh đỏ tím vàng cứ hiện ra rồi lại mất đi, có lúc chúng lồng vào nhau thành khối hỗn độn ngũ sắc, lúc lại tách riêng, phồng ra thành những quả bóng đỏ sẫm bay dần lên cao. Trong tai chị như có tiếng sấm nổ lục bục chẳng khác gì búa tạ gõ vào thái dương làm  cặp mắt đờ dại như muốn bật ra khỏi tròng. Ruột gan người mẹ sắp đứt ra từng khúc bởi những cơn đau xé làm toàn thân chị ta co giật ngả nghiêng.
 Tầm xế chiều, Khúc Thị Hài đun nước gội đầu, chạy sang nhà Mực xin lá bòng, thấy cửa mở toang liền ngó vào bỗng tay chân rụng rời, bổ về gọi bà Hai.
Bốn mẹ con chị Mực nằm co quắp bên cạnh mâm cơm vẫn còn mấy miếng thịt lợn và bát canh bánh đa ăn dở. Bà Hai đã hiểu chuyện gì xảy ra liền bảo Lê Văn Nghiên chạy sang báo ông Ngật, trưởng xóm kiêm trưởng ban Nông hội. Mãi nửa tiếng sau, Xã đội trưởng Cung Văn Luỹ và trưởng  công an Cao Khắc Thông, em vợ Bùi Quốc Tầm mới đến khám nghiệm hiện trường. Họ lục tung đồ đạc trong nhà tìm thuốc độc nhưng không thấy mà chỉ thấy lá thư tuyệt mệnh của chị Mực viết bằng thứ chữ ngoằn ngoèo như gà bới sau khi học lớp bình dân được hai tháng: Cái Vấn cái Vít trót dại moi trộm của nhà ông Chủ tịch mấy dãi khoai và vặt một bó ngọn về xào. Bốn mẹ con hiện giờ chẳng còn gì ăn. Đời người đằng nào cũng một lần chết. Sống như thế này còn cực hơn cả thời thực dân đế quốc, thà chết sớm cho đỡ khổ, đỡ nhục. Nhà con có tội với bà Hai vì anh Mực đã bắn bác Vận. Sau khi mẹ con con đi, toàn bộ gia tài giao cho cậu Nghiên cậu Khải. Số cơm canh thừa đã trộn thuốc chuột, không ai được ăn, ăn vào là chết đấy. Con chắp tay lạy bà Hai, chị Hài và hai cậu. Nguyễn Thị Vách.
Cao Khắc Thông đọc thư xong vội nhét vào túi áo bảo trưởng xóm trại Cá:
- Chúng tôi về trình Uỷ ban việc này, bác đi báo cho bà con đến làm thủ tục mai táng.
Ông Ngật bảo:
- Việc tày đình như thế này phải trình lên công an huyện để người ta xử lý chứ.
Cao Khắc Thông cau mặt sừng sộ:
  - Ông này hay nhỉ. Tôi là Trưởng công an tất nhiên là phải có trách nhiệm, còn mấy cái xác không chôn đi để đến mai nặng mùi, mất vệ sinh ai chịu được.
Trưởng công an mang bức thư  đưa cho ông anh rể. Tầm đọc xong còn đang phân vân, thì ông em vợ bảo:
- Việc này có liên quan đến bác, anh em nhà tay Mực mà kiện là gay, theo tôi ta nên đốt đi.
 Tầm có vẻ sợ, ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi :
  - Đã lập biên bản chưa? 
- Xong rồi
- Những ai ký?
- Tôi đã lừa được lão Ngật trưởng xóm ký và mấy bà xóm Trại Cá điểm chỉ.
- Trong biên bản có nhắc đến việc mấy luống khoai không?
- Không, dại gì mà đưa vào, đây bác xem.
Ông Chủ tịch đọc đi đọc lại mấy lần thấy bên dưới có cả chữ ký của Xã đội  trưởng liền đưa bức thư tuyệt mệnh cho Cao Khắc Thông bảo:
- Đốt đi.
(Xem tiếp kỳ sau)



[1] Đồng tiền lúc ấy chưa đổi có mệnh giá lớn nhưng giá trị thực lại thấp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét