Nhãn

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Người Việt thích rượu bia hay sách báo?



Người Việt thích rượu bia hay sách báo?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-12-25

Những người tham dự lễ hội bia hàng năm của địa phương tại Hà Nội vào ngày 07 Tháng Mười Hai 2014. Ảnh AFP
Theo báo cáo tổng kết năm 2015 , được báo chí trong nước đăng tải lại, người Việt đã chi ra trên sáu chục ngàn tỷ đồng vào bia rượu nhưng chỉ hai ngàn tỷ đồng để mua sách đọc.
Nên hay không nên dựa vào số liệu này để cho rằng người Việt ngày nay thích ăn nhậu hơn là thích đọc sách ? Thanh Trúc tìm câu trả lời tromg bài sau đây:
Báo cáo tổng kết 2015 và chương trình công tác trọng tâm 2016 của Cục Xuất Bản, In Và Phát Hành thuộc Bộ Thông Tin –Truyền Thông, cho thấy tính đến lúc này toàn ngành đã xuất bản được hơn 24.000 cuốn sách với trên 270 triệu bản, bên cạnh 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản.

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua



Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long
 Thụy Khuê

Chương 3 
Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802 
Phần 3

Kể từ tháng 9/1795 đến tháng 5/1797, Nguyễn Vương giữ từ Bình Khang [tức Khánh Hoà] vào Nam. Cảnh Thịnh giữ từ Bình Định ra Bắc.
Vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) năm 1795, mới 12 tuổi, dưới quyền phụ chính của Trần Văn Kỷ, chia quân phòng bị chặt chẽ từ Quảng Nam đến Quy Nhơn.
Nguyễn Vương, sau Nguyễn Huệ, chỉ sợ có Trần Quang Diệu.
Vì biến cố Bùi Đắc Tuyên, Trần Quang Diệu về Phú Xuân, sau đo các tướng trong triều dình Cảnh Thịnh tranh chấp nhau, nên Nguyễn Ánh rảnh rang trong gần hai năm không có chiến tranh, ông sửa sang việc nội trị và binh bị ở Gia Định.
Tháng 1-2/1796 (tháng 12/Ất Mão) lập Hàn Lâm Viện thị học.
Sai đóng 15 chiến thuyền lớn, hiệu Gia: Gia thiên, Gia địa...
Tháng 4-5/1796 (tháng 3/Bính Thìn) mở khoa thi, lấy 273 người đỗ. Cải tổ binh bị.
Tháng 7/1796 (tháng 6 ÂL.) triệu Tôn Thất Hội ở Diên Khánh về. Sai Nguyễn Huỳnh Đức Đặng Trần Thường trấn Diên Khánh cùng Phó tướng Tả quân Võ Văn Lượng.
Tháng 8/1796 (tháng 7 ÂL.) đặt thêm 5 dinh thuỷ quân.
Tháng 2/1797 (tháng 1/Đinh Tỵ), tăng trưởng quân Thần Sách, đặt vệ Diệu Võ quân Thần Sách, bổ Lê Văn Duyệt làm Thuộc nội Vệ Uý vệ Diệu Võ.
Bàn việc quân sự với vua, Duyệt nói: Nguyễn Văn Thành là người mưu mà ít dũng, Tống Viết Phước dũng mà ít mưu, duy có Tôn Thất Hội thì trí dũng kiêm toàn, thực là tướng giỏi. Vua cho là phải.
Vương lại sai Hoàng Trung Đồng và La Á Lục chia giữ 19 thuyền đại hiệu (Long Ngự, Long Hưng, Long Thượng, Long Đại, Long Nhất, Long Nhị, Long Tam, Phượng Đại, Phượng Nhị, Hồng Đại, Hồng Nhị, Hồng Tam, Loan Đại, Loan Nhất, Loan Nhị, Bằng Đại, Bằng Nhất, Bằng Nhị, Bằng Tam) (Thục Lục, I, t. 347).
19 thuyền "đại hiệu" tức là tầu chiến "hạng nặng" để phân biệt với các thuyền hiệu Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, chỉ là thuyền chiến thường do Vannier, Chaigneau và de Forcanz cai quản. Điều này chứng tỏ người Pháp không phải là những người "duy nhất" biết điều khiển tầu chiến bọc đồng theo kiểu Tây phương, như nhiều người lầm tưởng.
Tháng 3/1797 (tháng 2 ÂL.), Phó tướng Tả quân Võ Văn Lượng chết; sai Nguyễn Văn Thành thay thế. Để củng cố lực lượng cho Đông Cung, lúc đó đã 17 tuổi, phải làm tư lệnh, Vương bổ Nguyễn Văn Thành và Phạm Văn Nhân phò tá.

NGUYÊN KHÍ



            NGUYÊN KHÍ

  Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường


                 18. THỌT BỈ NHÂN


                       Lãm huy nghi học minh dương phượng
                       Viễn hại chung vi tị dặc hồng…

       ( Muốn học chim Phượng, thấy ánh sáng, hót khi mặt trời mọc
       Cuối cùng phải làm chim Hồng tránh mũi tên để khỏi bị hại.)

                   
       (Hoạ hương tiên sinh vận giản chư đồng chí - Ức Trai thi tập - Nguyễn Trãi)



Chủ trang Web “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt có một số phận khá đặc biệt. Cha anh là người Việt, họ Bùi, mẹ anh người Lào. Tên Việt của anh, viết đầy đủ phải là Bùi Lào Việt. Và, tên Lào của anh, Phôn Xikhăm, mang họ mẹ.
Mẹ anh, Phôn Seoly là một thiếu nữ xinh đẹp quê ở  Sầm Nưa, con một cán bộ của Mật trận Lào yêu nước. Phôn Seoly được gửi sang học văn hoá ở trường Hữu Nghị đóng ở Sơn Tây, một trường dành riêng cho con em các bộ tộc Lào, nguồn cán bộ cho lực lượng cách mạng. Tốt nghiệp phổ thông trường Hữu Nghị, Phôn Seoly được tuyển vào Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa ngôn ngữ.
Cuối năm 1967, một chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Cánh Đồng Chum tên là Bùi Quốc Luận được điều về bổ túc tiếng Lào để tăng cường cho chiến trường Trung Lào đang thời kỳ ác liệt.
Người phụ  giảng môn ngôn ngữ Lào cho Bùi Quốc Luận, chính là  Phôn Seoly. Đôi trai tài gái sắc Việt – Lào đã bùng nổ mối tình sét đánh. Họ dự định báo cáo tổ chức và hai gia đình để làm lễ cưới. Nhưng cuộc chiến ác liệt đã không cho họ kịp thực hiện dự định. Bùi Quốc Luận có lệnh khẩn cấp phải lên đường trở về chiến trường Trung Lào để giúp bạn thực hiện một nhiệm vụ bí mật trong vùng hậu phương  địch. Năm tháng sau, anh đã hy sinh trên đường từ Xiêng Khoảng đi Xavanakhet.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia long




Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long
 Thụy Khuê

Chương 3


Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802

(Phần 2)



Nguyễn Vương thu phục Gia Định
Cuối năm 1788, Nguyễn Vương đã chiếm được Sài Gòn và phần lớn đất Gia Định nhưng Phạm Văn Tham vẫn còn cầm cự ở Vĩnh Long và An Giang.
Vương sai Lê Văn Quân, Tôn Thất Hội, Võ Tánh, Nguyễn Văn Trương họp nhau đánh Phạm Văn Tham ở Hổ Châu [An Giang]. Phạm Văn Tham rút về Ba Xắc [Ba Thắc, An Giang?]. Thế cùng, phải ra hàng.
Toàn bộ Gia Định về tay Nguyễn Ánh.
Tháng 4/1789 (tháng 3 ÂL.) xây hai thành Cá Dốc [Dốc Ngư] và Vàm Cỏ [Thảo Câu] là hai nơi xung yếu, cổ họng của Sài Gòn, sai Nguyễn Văn Thành trấn giữ.
Vương rất chú trọng đến Vệ Thần Sách (Công binh và Pháo binh): sai Tôn Thất Huyên cai quản các đội ban trực tiền vệ Thần sách dinh Trung quân; Tôn Thất Chương ban trực hậu, Phạm Văn Nhân ban trực tả, Tô Văn Đoài ban trực hữu.
Tháng 7/1789 (tháng 5 nhuận) Vương bàn định đánh Tây Sơn. Nhưng nghe tin Nguyễn Huệ ở Thuận Hoá đã đóng nhiều chiến hạm, đang định đánh vào Nam, lại thôi.
Bắt đầu đặt chức quan Điền tuấn (trông coi nông nghiệp), dùng 12 người trong Hàn Lâm Viện chế cáo (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, vv...) trông coi việc mở mang canh nông, khai phá đất hoang cho bốn dinh: Phiên Trấn (Gia Định), Trấn Biên (Biên Hoà), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long), Trấn Định (Định Tường), khuyến khích dân trồng trọt, người nào không thích nghề nông thì vào phủ binh. Lập trường võ bị, chọn những người có khả năng chiến đấu trong quân ngũ, cho luyện tập trở thành quân tinh nhuệ.

Nguyên khí

z






            NGUYÊN KHÍ
               Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường


              17. CHỦ NHIỆM ĐẠO TÙNG

                               Thế sự trai yêu thiếp mọn
                            Nhân tình gái nhớ chồng xưa.

                  (Bảo kính cảnh giới - 52 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)



Chương“Sử thần Ngô Sỹ Liên” vừa dịch xong đã gây chấn động trong  “Nguyễn Trãi Club”. Mặc dù Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp rất nguyên tắc, kiên quyết bảo vệ bản quyền và chỉ cho lưu hành khi sách được chính thức xuất bản, nhưng ông Huỳnh Đạo vẫn có cách “đi đêm riêng” để “Thọt bỉ nhân” gửi cho mình một bản làm tư liệu cho cuộc sinh hoạt Câu lạc bộ sắp tới.
Hầu như  ít có một tổ chức xã hội tự nguyện nào lại bao chứa được nhiều loại người, nhóm người với những sở thích, chính kiến, quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau như “Nguyễn Trãi Club”. Có thể nói, đây chính là điển hình của sự thống nhất trong đa dạng. Chỉ bằng hệ thống mạng internet, qua các Bloggers, Facebookers, Twitters…, hàng trăm chi nhánh “Nguyễn Trãi Club” các tỉnh, các châu lục có thể liên hệ với nhau, thông báo cho nhau những thông tin, bài viết, tư liệu liên quan đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Có người nói vui với ông chủ nhiệm Huỳnh Đạo rằng, sau này “Nguyễn Trãi Club” thậm chí có thể phát triển thành một tôn giáo, gần giống với đạo Phật, đạo Cơ đốc, hay đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hoà Hảo... Khác chăng là, tín đồ của các tôn giáo kia là quảng đại quần chúng, và phần đông là tấng lớp bình dân, thì   “Nguyễn Trãi Club” lại hầu hết là giới trí thức. Từ giới trí thức cận thần, bổng lộc quyền lợi gắn với giới chóp bu quyền lực và các nhóm lợi ích, tới giới dân chủ dấn thân mà lý tưởng là tự do và dân chủ, công bằng cho mọi người, tiến tới xây dựng một đất nước hùng cường…, đều tìm thấy ở Ức Trai, từ con người đến sự nghiệp thơ văn, một danh nhân văn hoá kiệt xuất, một tấm gương sáng chói, một nhân cách tuyệt vời.

Nguyên khí 16




                                       HOÀNG MINH TƯỜNG


   NGUYÊN KHÍ
                                                    Tiểu thuyết

                            16. SỬ THẦN NGÔ SỸ LIÊN


                       Dưới công danh đeo khổ nhục
                          Trong dầu dãi có phong lưu.            

                          (Ngôn chính thi-2 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi) 

Bấy giờ khắp kinh thành Đông Kinh như có loạn. Cơn gió độc “Nguyễn Thị Lộ giết vua” lan đi, làm dựng tóc gáy mọi người.
Tiếp đến là tin sét đánh: Nguyễn Trãi  đang bị giải từ Côn Sơn về kinh. Ngày 16 sẽ tru di ba họ.
Không biết từ đâu, xầm xì một truyện hãi hùng: “Rắn báo oán”.
Chuyện rằng:
Hồi cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh mở trường dạy học tại Trại Ổi, Nhị Khê, ông cùng học trò phát cỏ trong vườn để dựng lớp học. Đêm ấy, ông nằm mộng thấy một người đàn bà dẫn đàn con lít nhít năm sáu đứa đến vừa khóc lóc vừa cầu xin ông hãy thư thả cho vài hôm, vì bận con mọn nên chưa kịp dời nhà. Nguyễn Phi Khanh nhận lời. Sáng hôm sau ông định bảo học trò hãy khoan dọn cỏ vườn. Nhưng đã muộn. Lũ học trò đã phát hiện ra ổ rắn, đập chết bầy rắn con, đuổi rắn mẹ bị thương lủi đâu mất. Nguyễn Phi Khanh rất hối hận. Nửa đêm ông ngồi đọc sách, bỗng có con rắn trườn trên xà nhà, nhỏ xuống một giọt máu, đúng ngay chữ “tộc”, thấm qua ba lớp giấy, ứng với “tam tộc”. Con rắn ấy, về sau thành tinh, ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Nguyễn Thị Lộ, tìm gặp con trai Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Trãi, xướng hoạ thơ với chàng, kết thành vợ chồng. Rồi cơ hội báo thù đã đến. Nguyễn Thị Lộ theo vua Lê Thái Tông đến Lệ Chi Viên để giết vua, trả thù ba họ nhà Nguyễn Trãi…

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

Chương 3
Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802
(Phần 1)
Trước khi tìm hiểu công trạng của những người Pháp "giúp vua Gia Long dựng nghiệp", chúng ta cần nhìn lại bối cảnh chung của cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, trong 25 năm, từ 1777 đến 1802, khi Gia Long thống nhất đất nước.
Chương này tóm lược bối cảnh chiến tranh qua lăng kính của Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện. Tuy gọi Tây Sơn là ngụy, là giặc, nhưng sử gia triều Nguyễn ghi chép rất kỹ về giai đoạn này.
Những chương kế tiếp, chúng tôi sẽ giới thiệu tài liệu của những người Tây Phương sống cùng thời, xem họ viết như thế nào; để đối chiếu với những điều do các nhà nghiên cứu, các sử gia thuộc địa viết, xem sự khác biệt ra sao.
Tổng hợp cả ba loại tài liệu trên, chúng ta sẽ có thể tìm ra sự thực lịch sử.

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (chương 2)




 

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long
Thụy Khuê
 Chương 2
  Giới thiệu bộ sử Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị
 Bộ sách lịch sử "Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn" xin gọi tắt là Nguyễn Văn Tường của Nguyễn Quốc Trị, do tác giả xuất bản năm 2013 tại Maryland, Hoa Kỳ, đáp ứng đúng nhu cầu nhìn lại và viết lại lịch sử.
Cảm tưởng đầu tiên của người đọc là sự ngạc nhiên trước một công trình nghiên cứu mới mà từ lâu những người quan tâm đến lịch sử vẫn hằng chờ đợi, không chỉ đối với giai đoạn hiện đại, mà cả về cuộc chiến chống Pháp của nhà Nguyễn, bởi hầu hết chúng ta, vì thiếu sách sử, vì không đọc được chữ Hán, vì kém Pháp văn, đã trưởng thành trong tình trạng thiếu hiểu biết lịch sử nước mình.

Nguyễn Quốc Trị, sinh năm 1929, xuất thân Đại học Quốc gia Hành chánh và Đại học Luật khoa Sài Gòn. Là viện trưởng cuối cùng của Học viện Quốc gia Hành chánh. Là cháu đời thứ ba của quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Với mục đích tìm hiểu những gì "ông cố" đã làm để gây tiếng xấu trong lịch sử, Nguyễn Quốc Trị không những đã truy tìm hành trình đích thực của Nguyễn Văn Tường mà còn điều tra lại những sự kiện lịch sử xẩy ra dưới triều Nguyễn, đánh đổ những thành kiến sai lầm về các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức. Ông tố cáo những giả trá trong cách hành xử của các nhà chính trị, quân sự, giáo sĩ Pháp, sự bóp méo lịch sử của những ngòi bút thuộc địa và giáo hội thừa sai, sự cố tình bôi nhọ triều Nguyễn nói chung, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nói riêng, cốt để trình bầy một bộ mặt lịch sử có lợi cho chế độ thực dân. 

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 10)



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)

Kỳ 10


Bùi Ngọc Tấn


Trở lại với bản thảo  Chuyện kể năm 2000.
Tôi đã bị công an Hải Phòng tịch thu khoảng 1500 trang bản thảo — hoàn toàn viết theo trường phái tụng ca — nên lần này tôi rất cảnh giác. Ngoài bản phô-tô của nhà xuất bản Hà Nội mà Lê Bầu thực hiện và đưa cả cho tôi, tôi còn hai bản đánh máy. Tôi gửi bản phô-tô ở nhà Nguyên Bình trên Hà Nội. Một bản đánh máy tôi cho vào một túi giả da có khoá kéo để chống dán và con dài đuôi, đem gửi anh Thành, anh thứ hai tôi.
Sự cẩn thận ấy không thừa. Chị Hoàng Ngọc Hà cho tôi hay: Công an đã biết có một bản thảo viết về nhà tù gửi đến chị. PA25 đến gặp chị, hỏi về tập bản thảo. Chị bảo có. Và lấy ngay từ tủ sách của nhà xuất bản tập tiểu thuyết viết về nhà tù của... Mỹ đã in. Họ bảo không, quyển Mộng Du cơ. Chị lại lấy ra quyển Mộng Du nào đó của nước ngoài cũng đã được dịch in.
Trong nhà tôi chỉ có một bản. Tôi “đánh bóng mạ kền” bản ấy mỗi khi rỗi rãi. Với cái máy chữ của Hoàng Hưng gửi từ thành phố Hồ Chí Minh ra cho, tôi mổ cò những đoạn sửa, cất đi một bản để ghép vào bản gửi anh Thành tôi. ([1]) Tập tiểu thuyết của tôi sau này khi in ra, được các nhà phê bình nhận xét viết theo phương pháp đồng hiện. Thú thật khi viết nó, tôi không nghĩ đến phương pháp nào hết. Mở đầu truyện là một anh tù được tha, được về với gia đình, về với xã hội. Nhưng nhà tù, trại giam, xà lim cứ theo anh ta từng bước, ám ảnh không rời. Những ngày ở tù, những người bạn tù, những chuyện tù cứ trở về bám lấy anh, ăn ngủ cùng anh. Cả những ngày anh còn là một người bình thường trước khi bị bắt, trước khi đi tù cũng về cùng anh. Lối viết ba kiếp sống cùng một lúc, dích dắc thời gian, dích dắc không gian này bắt tôi phải thật nhuyễn trong lúc chuyển ý, những đoạn chuyển phải thật tự nhiên để dắt bạn đọc theo mình mà bạn đọc không biết đã rẽ vào kiếp khác của nhân vật từ lúc nào. Những đoạn chuyển ý và cả những khúc ráp mối khi quay trở lại cũng vậy. Một công việc khó khăn nhưng cũng thật hấp dẫn. Nó bắt tôi cố gắng tối đa, phải “đồng hiện” suốt non nghìn trang tiểu thuyết và không được lặp lại cách làm. Hình như tôi đã đạt kết quả. Một bạn viết văn bảo tôi:
– Những mối hàn lắp ghép của anh không một vết gợn. Nó cứ phẳng lì.

Nguyên khia (chương 15)









  NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường


 
              15. VUA LÊ NHÂN TÔNG


                          Nhợ đứt khôn cầm bầy ngựa dữ
                          Quan cao nào đến dáng người ngây.

         (Bảo kính cảnh giới -10. Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)



Tháng 8, ngày mồng 6, giờ dậu, đại lâu thuyền chở di hài vua Lê Nguyên Long có quan Hành quân Tổng quản, Thái uý Trịnh Khả và quan Nhập nội Thiếu uý Tham tri chính sự Lê Thụ cùng đội thuyền chiến hộ tống, cờ rủ, lặng lẽ không kèn không trống, về tới bến Đông.
Ngay đêm ấy lễ phát tang được cử hành tại  điện Phụng Thiên.
Tin dữ loan đi khắp kinh thành: Vua bị Nguyễn Thị Lộ giết.
“Ngày 12, đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng Thái tử Bang Cơ lên ngôi. Lúc ấy vua mới hai tuổi. Lấy năm sau là Thái Hoà năm thứ nhất”.(1) 
                                              ***
Khi Bùi  La Việt dịch chương “ Thái phó Đinh Liệt”, có một chi tiết mà anh bỏ qua, nhưng giáo sư Hoàng Nguyên muốn lấy lại.
 Đó là  khi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh vừa cất giọng đọc di chiếu của vua Lê Thái Tông thì “Hoàng Thái tử Bang Cơ cựa mình phịch một bãi ra hoàng bào, rồi ngỏng chim tè một đường cong vào mặt các quan đại thần đang quì mọp dưới sân rồng. Ai nấy đều cho là điềm lành, chứng tỏ Hoàng Thái tử rất đắc chí khi nhận di mệnh lên ngôi Hoàng đế”.
Giáo sư  Hoàng bảo:
- Chi tiết này có vẻ dung tục không xứng với một đấng quân vương, nhưng đó là sự thật lịch sử. Người dịch phải tôn trọng nguyên tác.

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)


  Ký ức làng Cùa

   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh



            PHẦN THỨ HAI



           Chương mười hai   

  

3

Ở Bắc Thoòng được gần hai năm, ông Quyển bảo Lê Văn Khải:

- Cháu phải đi học. Trình độ học vấn như thế mà ở mãi xó rừng này nó phí đi.

Khải lắc đầu:

- Cháu mà về làng Cùa bây giờ là bị bắt ngay làm sao dám mơ tưởng đến chuyện học hành.

- Ta đã có cách. - Ông cựu kiểm lâm bảo. - Ta sẽ nhận cháu làm con nuôi và nhờ ông Nông ích Nghiêm chứng nhận vào hồ sơ.

Khải xem ra không mấy tin tưởng vào cách làm đầy mạo hiểm của ông Quyển nhưng hoá ra ở vùng cao này sự việc được giải quyết đơn giản hơn nhiều. Chủ tịch xã Bắc Thoòng bảo ông bạn già:

- Trước hết phải nhập hộ khẩu cho nó vào xã rồi mới làm hồ sơ cử đi học được.

Thế là Khải thành người họ Lưu, tức là họ của ông Quyển. Từ lúc lên Bắc Thoòng đến nay, Khải chẳng nhận được tin tức gì của gia đình. Chuyện cả nhà dắt díu nhau đi ăn mày đến nỗi bà Hai chết dọc đường, còn Lê Văn Nghiên phải vào trại giam chịu tội thay mình gần một năm, thiếu chút nữa thì mắc bệnh tâm thần, chỉ sau khi về làng anh mới biết.

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Chớ có bao giờ đụng đến Việt Nam




Chớ có bao giờ đụng đến Việt Nam

Ngô Việt Dũng


"KHÔNG ĐƯỢC ĐỤNG ĐẾN VIỆT NAM!"
Đó chính là lời căn dặn trước khi chết của Bin Laden đối với các thuộc hạ.
Lý do như sau:
Tổ chức khủng bố Al-Qaeda trước đây đã nhiều lần cử các phần tử khủng bố sang Việt Nam làm nhiệm vụ nhưng đều thất bại cay đắng.
Tên thứ nhất sang ám sát một đ/c lãnh đạo, nhưng đ/c này họp hành tiếp khách triền miên. Tên này mòn mỏi đợi chờ đến nỗi hết hạn visa, hết tiền khách sạn mà đ/c vẫn chưa họp xong, đành từ bỏ nhiệm vụ quay về căn cứ chịu tội.
Tên thứ hai bị ngập giữa đường phố Sài Gòn, xe hỏng nặng, thuốc nổ ướt sũng, nhiệm vụ thất bại.
Tên thứ ba ra Hà Nội khủng bố Ga Hàng Cỏ nhưng không tài nào chen lên xe buýt được.
Tên thứ tư bị trộm móc mất thiết bị điều khiển từ xa ở cổng chợ Bến Thành, rút chiếc xơ-cua ra chưa kịp bấm nút cũng bị 2 kẻ đi mô tô giựt mất luôn.
Tên thứ năm đánh bom Chùa Hương nhưng từ Ngã Tư Sở đã bị đám Cò bám riết như đỉa, tìm mọi cách cũng không sao thoát được, nhiệm vụ thất bại thảm hại.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



      

                           

  Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

           Chương mười hai        

*

  Ông công an điều tra cấp tỉnh xem ra còn có văn hoá và khả năng nhẫn nại hơn nhiều so với người đồng nghiệp dưới huyện. Ông này không thuyết lý dài dòng mà đi ngay vào bản chất của sự việc:
  - Thực ra, trong thời gian qua chúng tôi đã có đầy đủ hồ sơ về anh. Việc anh Khải đi khỏi làng không báo cáo chính quyền hẳn là đã có một kế hoạch được sắp đặt từ trước. Ở huyện công an, anh có ý định giấu trình độ học vấn nhằm mục đích gì?
Nghiên im lặng. Ông công an tiếp tục, giọng đều đều vô cảm:
 - Các anh được đào tạo rất bài bản trong hệ thống nhà trường thực dân, bị nhồi nhét toàn những tư tưởng phản động và hệ ý thức nô dịch, trong thâm tâm rất bất mãn với chính quyền mới và luôn chờ dịp để chống lại.
  Nghiên thấy đã đến lúc phải chứng tỏ thái độ của mình:
  - Lập luận của ông không đúng vì nó xuất phát từ nhận định chủ quan, mang tính áp đặt.
  - Anh dám…
  - Ông cứ bình tĩnh.- Nghiên xua tay cắt lời. - Trước hết chúng tôi cùng giai cấp với ông. Bố tôi là đảng viên đảng Lao động, hoạt động cách mạng nhiều năm và đã bị đế quốc cầm tù. Cách mạng thành công, ông ấy được cử làm Chủ tịch huyện, vậy mà hồi Cải cách bị đem ra xử bắn với tội danh rất mơ hồ là tay sai Quốc dân đảng. Từ cái chết oan ức của cha tôi, các ông nhân danh bần cố nông, tước hết số tài ít ỏi, đuổi chúng tôi ra khỏi làng, thử hỏi đấy là thứ đấu tranh giai cấp  gì?

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long



Thụy Khuê
 
Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long


Chương 1


Nhu cầu viết lại lịch sử thời Pháp thuộc


Tại miền Nam trước 1975, nền giáo dục phổ thông dựa trên bộ Việt Nam Sử Lược (1920) của Trần Trọng Kim. Đào sâu về thời Pháp thuộc hơn, có bộ Việt Nam Pháp thuộc sử 1884-1945 (1961) của Phan Khoang. Các nhà viết sử lớp sau như Phạm Văn Sơn cũng chỉ dựa trên hai cuốn sử này mà viết rộng ra, chứ không có khám phá mới.
Trong bài tựa cuốn Histoire moderne du pays d'Annam (1592-1820) [Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)] của Charles B. Maybon, in năm 1920, Henri Cordier cho biết cuốn sử đầu tiên mà độc giả Pháp được biết về nước Nam là cuốn Cours d'histoire annamite [Giáo trình lịch sử An Nam] của Trương Vĩnh Ký in năm 1875.
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, viết xong năm 1919, in lần đầu năm 1920, dưới thời Pháp thuộc, tất nhiên có sự kiểm duyệt của chính quyền thuộc địa. Học giả họ Trần, uyên thâm chữ Nho và chữ Pháp, tuy có đọc những bộ sử của nhà Nguyễn, nhưng ông vẫn đặt niềm tin gần như trọn vẹn vào tài liệu Pháp. Khi nhận định về những lý do của cuộc xâm lăng, Trần Trọng Kim lấy lại ý kiến của các sử gia thuộc địa, cho rằng vì triều đình Huế không chịu canh tân đất nước, áp dụng chính sách bế quan toả cảng, cấm đạo, diệt đạo, nên người Pháp mới đánh Việt Nam, để cứu giáo dân, giáo sĩ và bảo vệ tự do buôn bán.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



    Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


                              PHẦN THỨ HAI

                         Chương mười hai        

         1


Lê Văn Khải đi khỏi làng Cùa được ba hôm thì Trương Đình Tái, quyền Trưởng công an đem hai dân quân đến Trại Cá bảo mẹ con bà Hai:
 - Anh Nghiên theo chúng tôi ra ủy ban.
Khúc Thị Hài chột dạ bảo:
 - Nó làm gì mà các ông bắt?
 - Có chuyện đấy, đến ủy ban khắc rõ.
Bà Hai lắc đầu:
 - Chắc lại chuyện thằng Khải.
Nghiên bị dẫn ra trụ sở. Bùi Quốc Tầm đã ngồi chỡ sẵn.
             - Thằng Khải đi đâu?
Quả nhiên không ngoài dự đoán. Thấy thái độ hách dịch của Chủ tịch xã, nghiên ngứa mắt muốn quại cho hắn một phát vào mặt nhưng bắt buộc phải tỏ thái độ lễ phép một cách giả tạo:
 - Thưa ông Chủ tịch, nhà tôi không có ruộng mà những bốn miệng ăn nên anh ấy phải đi kiếm việc làm.
Tầm lại hỏi:
  - Làm ở đâu? Lúc đi sao không ra xã trình báo?
  - Anh ấy bảo chỉ đi ít hôm rồi lại về nên chúng tôi chưa kịp báo với ông Tái.
Tầm hắt hơi liền mấy cái, khạc đờm nhổ xuống đất rồi sẵng giọng :
  - Những đối tượng như các anh ra khỏi làng nửa ngày cũng phải xin phép. Đấy là quy định của chính quyền.Thế mà anh Khải vắng nhà đã ba ngày không lý do.Yêu cầu anh khai thật ra.
  - Tôi đã bảo là anh ấy đi tìm việc làm, khi chưa tìm được thì không thể nào có nơi cư trú để trình báo với các ông.
  - Anh cũng lắm lý luận gớm nhỉ? - Tầm châm chọc. - Vậy tôi hỏi anh, tại sao trước khi đi anh Khải không xin phép?
    Nghiên cười nửa miệng, nhìn vị Chủ tịch cố nông như nhìn một con lừa:
  - Anh ấy biết trước, có xin các ông cũng chẳng cho đi. Đói bụng đầu gối phải bò. Chẳng lẽ cứ ngồi nhà chờ chết đói?
  - Thế là rõ. - Tầm cười đắc thắng. - Vậy thì anh hãy tạm xuống buồng giam dưới kia, đợi đến khi nào thằng Khải về sẽ được ra.
  Ngày thứ tám, Trương Đình Tái mang lệnh của Chủ tịch ủy ban hành chính xã Đoàn Kết đọc cho mẹ con bà Hai nghe:
  - Từ ngày hai mươi bốn tháng ba năm…, vợ hai địa chủ Khúc Đàm là Phùng Thị Thoả, con gái là Khúc Thị Hài, vợ tên Quốc dân đảng Lê Văn Vận, có nợ máu với bà con bần cố nông, lập tức phải rời xóm Trại Cá ra đồng Chó Đá ở, nếu cố tình trái lệnh sẽ bị tống giam. Chủ tịch Bùi Quốc Tầm đã ký.
  Sáng sớm ngày hai mươi nhăm, mẹ con bà Hai cho tất cả đồ đạc tuỳ thân vào đôi quang thúng. Khúc Thị Hài gánh, còn bà mẹ khoác chiếc bị cói thập thững theo sau. Từ xóm Trại Cá đến đồng Chó Đá không xa lắm nhưng phải qua khu ruộng trũng hàng năm chỉ cấy một vụ còn một vụ bỏ hoá vì ngập nước. Khu đất mà xã Đoàn Kết bố trí cho các hộ địa chủ ở cách bãi tha ma chưa đầy trăm thước. Nơi đây mười lăm năm trước, sau trận huyết chiến giữa quân Áo đen của Khúc Kiệt với lính Nhật của Hirosi, làng Cùa đã phải chôn liền một lúc hơn bẩy chục người vô tội. Xương thịt của họ đã tan vào lòng đất làm xanh tốt hàng ngàn thế hệ cỏ cây nhưng linh hồn họ chắc gì đã được siêu thoát về nơi tịnh thổ.

Hậu Chuyện kể năm 2000



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)

Kỳ 9


Bùi Ngọc Tấn

Đinh Chương và tôi đều phải rời cơ quan báo, đi cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Đến lúc ấy chúng tôi mới thực sự hiểu mình đã là những con mồi của nhà tù đói khát, là vật phẩm của ông giám đốc công an Hải Phòng muốn có cái lễ biện lên ông Lê Đức Thọ trong hoàn cảnh thiên tải nhất thì đấu tranh chống xét lại này, để được lọt mắt xanh, đạt được một bước ngoặt trên con đường “phục vụ cách mạng”
Mùa đông năm 1967 chúng tôi về một làng ở Thủy Nguyên — Phả Lễ hay Phục Lễ, tôi không nhớ — học tập chính sách cải tiến quản lý hợp tác xã để trở thành anh cán bộ Đội. Nông thôn ngày ấy cực kỳ nghèo đói. Tường đất. Sân đất. Mái rạ mỏng kẹt. Nhà nọ nhìn sang nhà kia thông thống. Chúng tôi được một người trong ban tổ chức lớp học đầy nghi vấn xếp ở một nhà chỉ có hai mẹ con, bà mẹ già và cô con gái. Ăn tập trung ở bếp, còn ngủ trên một cái giường gian bên, đầu giường gần sát bàn thờ gian giữa. Đã là những con thú bị săn đuổi, chúng tôi rất cảnh giác. Đặt ba lô chăn màn xuống giường, chúng tôi quan sát chung quanh, quan sát gầm giường. Không có gì đặc biệt. Nhìn dưới gầm bàn thờ: Một cái hòm gỗ mới tinh đánh dầu bóng đỏ au, rất lạc lõng với đồ dùng trong nhà cũ kỹ bụi bặm. Phải là một nhà khá giả mới đóng được một đồ mớp thế này — dù nó chỉ to gấp hai gấp ba, bốn cái hòm cắt tóc, bởi gỗ thời đó cực kỳ quý hiếm. Không chỉ đỏ au, nó còn được khóa kỹ, chiếc khóa đồng mới tinh bóng loáng, hoàn toàn không ăn nhập gì vói đồ đạc trong nhà. Chính đây rồi. Không nghi ngờ gì nữa.

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 8)



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 8

Bùi Ngọc Tấn


Chữ của tôi là tiếng thở dài của những người dưới đáy đến thẳng trái tim tôi, giản dị, âm thầm, khắc khoải, nặng trĩu. Là những chuyến đi biển dài ngày, lên bờ vẫn thấy mình đu đưa như còn trên sóng gọi là say đất cộng với 5 năm tù dài hơn cả kiếp người, khi được tha nhìn ai cũng quen quen ngờ ngợ như gặp lại bạn tù trong trại, để rồi chiết xuất được hai tiếng “say tù.” Hai tiếng kết tinh tình yêu cuộc sống và nỗi trầm luân cay đắng của tôi. Nói rộng ra, tất cả sáng tác của tôi đều là hợp chất của hai thành tố ấy, càng đắm đuối càng cay đắng, càng cay đắng càng đắm đuối. Chữ là kinh nghiệm sống, là bầu khí quyển của tôi, tôi hít thở, ngụp lặn, nhấm nháp nghiền ngẫm. Giống Dương Tường, tôi ăn ngủ với chữ như với người tình một thuở. Tôi gọt giũa, lật lên lật xuống, vuốt ve ngắm nghía. Tôi ủ chữ trong tim, tôi ngậm chữ trong miệng, thì thầm với chữ và đọc to lên. Có những chữ như ảo ảnh, ẩn hiện trong sương, một dáng hình trong mơ, luôn giữ một khoảng cách không thể vượt qua. Nó làm tôi mất ăn, mất ngủ, ngơ ngẩn như người bị phụ tình. Lại có những chữ không hề nghĩ tới, vụt rơi vào trang giấy ngay trước mắt như một sự tự tìm đến hiến dâng, món quà ban tặng của Thượng Đế. Chữ với âm thanh trầm bổng — điều đặc biệt của tiếng Việt — lúc như viên chì lăn tròn vào lòng người, lúc trải rộng như cửa sông đổ ra biển cả, nhịp nhàng uốn lượn uyển chuyển như múa, như hát, một hòa thanh nhỏ cho từng câu và một tổng phổ trong cả tập truyện dài.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Nguyên khí (kỳ 14)




  NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường




                14. THÁI PHÓ ĐINH LIỆT


                 Dã kính hoang lương hành khách thiểu
                      Cô châu trấn nhật các sa miên

                    ( Đường vắng cô liêu người thưa bóng
                     Thuyền côi ghếch bến ngủ triền miên)

                  ( Trại đầu xuân độ - Ức Trai thi tập - Nguyễn Trãi)

Bấy giờ Thái phó Đinh Liệt cùng với Đại Đô đốc Nguyễn Xí, Nhập nội Kiểm hiệu Lê Thận đặc trách trông coi chính sự trong thời gian vua Lê Thái Tông đi kinh lý miền Đông.
Ngày đức Lê Thái Tổ lâm chung, người được nhà vua gọi riêng đến ký thác con côi Lê Nguyên Long, không ai khác là Đinh Liệt. Bởi về huyết thống, Đinh Liệt gọi nhà vua là cậu ruột. Ông là con nhà võ, nhưng thông hiểu chữ nghĩa, văn chương, tính tình điềm đạm khoan hoà. Lại nữa, từ ngày ông lấy được nàng Lương Minh Nguyệt, nữ lưu vùng Sơn Nam Hạ, nức tiếng có giọng hát Chầu văn, Ả đào mê hoặc lòng người, thì con người ông có nhiều đổi khác. Ở ông không có tính quá khích của dân xứ Thanh và máu công thần bè phái của Lam Sơn hội như bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Vấn, Lê Thận, Lê Ê, Lê Hiệu... Cũng không có sự giảo hoạt, xu thời lựa thế của danh sĩ đất Bắc như bọn Phan Thiên Tước, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Liễu…Ông cũng không quá ủng hộ Quốc vương Tư Tề như bọn Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Trãi… Nếu cho ông lựa chọn người kế vị, tất nhiên ông sẽ chọn Lê Tư Tề, vị hoàng trưởng tử, ngoài hai mươi tuổi đã kinh qua trăm trận, đã từng trực diện bang giao với quân Minh để dẫn tới hội thề Đông Quan, chấm dứt ách nô dịch ngoại bang, chứ không phải Lê Nguyên Long, một cậu bé 11 tuổi ham chơi, chưa hề ý thức gì về bản thân mình, chưa có ý niệm về giang sơn xã tắc. Nhưng khi đức vua Thái Tổ, trước lúc lâm chung, đã quyết chọn Lê Nguyên Long làm người kế vị, và chọn Đinh Liệt làm người thực hiện di mệnh, thì ông không thể làm khác. Thực tế chín năm qua đã cho thấy lòng trung thành tuyệt đối ở ông. Ông và vợ con ông có thể chết để bảo vệ đức vua, bảo vệ vương nghiệp.

Hậu Chuyện kể năm 2000 (tiếp theo)

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)
Kỳ 7

Bùi Ngọc Tấn   


Thời ấy điện là thứ xa xỉ. Chỉ có một tí vào buổi tối nhưng cũng cách nhật. Điện hầu như chỉ thực hiện một chức năng nhiệm vụ để mọi người không quên xử dụng công tắc  như cách nói của Nguyên Bình.Và làm người ta nhức nhối thần kinh khi từ nhà mình quạt nan phì phạch tối thui mồ hôi ròng ròng, con khóc ời ợi, muỗi vo ve bên tai, nhìn sang những nhà ưu tiên có điện sáng trưng quạt máy vù vù, cát-xét oang oang, fi-dơ làm đá chạy suốt ngày đêm như nhìn sang một hành tinh khác, chứng kiến cuộc sống một loài sinh vật cao đẳng dù họ chỉ là một cán bộ uỷ ban, một chủ tiệm giải khát hay một hộ làm nghề uốn tóc, một anh làm toà án, một anh thuộc Sở Điện Năng vẫn thường được mọi người gọi bằng cái tên đầy “tình cảm”: Sở Điên Nặng.
Tôi thắp đèn dầu ngồi viết. Sáng ra rửa mặt, ngoáy mũi, khăn mặt đen sì vì khói dầu. Không điện nghĩa là không quạt. Mồ hôi rỏ giọt xuống bản thảo. Chân tay dính bết. Không sao. Tôi không phe phẩy chiếc quạt nan mà ngồi lì cả tiếng đồng hồ trên sàn trước ngọn đèn dầu và xếp giấy trắng. Viết văn với tôi giống một công việc khổ sai. Lại cũng giống như thi đấu thể thao. Phải căng hết sức ra luyện tập. Kiên trì ngày này sang ngày khác. Không được lười. Có đến một vạn lý do để tặc lưỡi gác công việc lại. Thành tích là từ những nỗ lực rất nhỏ. Không phải tự nhiên mà đạt được tới cái trần của mình. Ở xí nghiệp, tôi có bàn để viết. Còn về nhà, bàn viết của tôi là cái ghế xa lông gỗ gõ tôi gửi anh em tầu cá mua từ Hố Nai chở ra, niềm tự hào một thời của gia đình tôi, nó làm sáng cả căn buồng. Tôi ngồi bệt xuống sàn lim. Tôi thó vài chục tờ giấy Bãi Bằng của xí nghiệp đem về nhà. Tôi viết bằng bút bi — cũng của xí nghiệp phát. Tôi miệt mài cặm cụi tới khuya. Vợ tôi buông màn nằm ngủ dưới sàn ngay sau lưng tôi. Khi thức, phe phẩy quạt cho tôi. Rồi thiếp đi. Nửa đêm chợt tỉnh, thấy tôi vẫn lụi cụi cắm mặt vào xếp giấy, vừa quạt cho tôi vừa cằn nhằn: