Nhãn

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



      

                           

  Ký ức làng Cùa
   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


            PHẦN THỨ HAI

           Chương mười hai        

*

  Ông công an điều tra cấp tỉnh xem ra còn có văn hoá và khả năng nhẫn nại hơn nhiều so với người đồng nghiệp dưới huyện. Ông này không thuyết lý dài dòng mà đi ngay vào bản chất của sự việc:
  - Thực ra, trong thời gian qua chúng tôi đã có đầy đủ hồ sơ về anh. Việc anh Khải đi khỏi làng không báo cáo chính quyền hẳn là đã có một kế hoạch được sắp đặt từ trước. Ở huyện công an, anh có ý định giấu trình độ học vấn nhằm mục đích gì?
Nghiên im lặng. Ông công an tiếp tục, giọng đều đều vô cảm:
 - Các anh được đào tạo rất bài bản trong hệ thống nhà trường thực dân, bị nhồi nhét toàn những tư tưởng phản động và hệ ý thức nô dịch, trong thâm tâm rất bất mãn với chính quyền mới và luôn chờ dịp để chống lại.
  Nghiên thấy đã đến lúc phải chứng tỏ thái độ của mình:
  - Lập luận của ông không đúng vì nó xuất phát từ nhận định chủ quan, mang tính áp đặt.
  - Anh dám…
  - Ông cứ bình tĩnh.- Nghiên xua tay cắt lời. - Trước hết chúng tôi cùng giai cấp với ông. Bố tôi là đảng viên đảng Lao động, hoạt động cách mạng nhiều năm và đã bị đế quốc cầm tù. Cách mạng thành công, ông ấy được cử làm Chủ tịch huyện, vậy mà hồi Cải cách bị đem ra xử bắn với tội danh rất mơ hồ là tay sai Quốc dân đảng. Từ cái chết oan ức của cha tôi, các ông nhân danh bần cố nông, tước hết số tài ít ỏi, đuổi chúng tôi ra khỏi làng, thử hỏi đấy là thứ đấu tranh giai cấp  gì?

  - Anh không được láo! Nói xấu chính quyền cách mạng là tù mọt gông.- Ông cán bộ thẩm vấn vứt ngay cái mặt nạ đạo đức giả nhìn xoáy vào Lê Văn Nghiên như muốn ăn tươi nuốt sống anh ta. - Biết điều thì khai ra, thằng anh mày trốn ở đâu?
  - Tôi đã nói rồi, tôi không biết .
  Cái kiểu khiêu khích của Lê Văn Nghiên rất khó chịu. Đó là thứ châm chọc mang mầu sắc văn hoá hơn hẳn đối phương một bậc làm ông công an phát khùng, không kìm được liền giáng cho anh ta mấy cái bạt tai. Mấy cái tát có nghề làm Nghiên nổ đom đóm mắt, máu cam chảy ra làm rớt xuống ngực áo. Anh ta cười như mếu:
  - Thì ra chuyên chính của nhà nước dân chủ là thế này đây.
  - Đúng đấy. - Ông cán bộ điều tra cười nhạt, giọng khinh khỉnh. - Nếu không biết điều thì sẽ còn rất lâu mới được nhìn thấy ánh mặt trời anh bạn ạ.
  Chiều hôm ấy, ông công an điều tra trả Nghiên về trại K4 với mệnh lệnh:
  - Tống vào phòng biệt giam, cắt khẩu phần ăn hai ngày.
  Trên đường về, ông cán bộ điều tra vẫn còn hậm hực vì gần một năm làm công việc thẩm vấn tội phạm chưa bao giờ gặp một thằng nhãi ranh miệng còn hơi sữa mà thở ra toàn lý sự như Lê Văn Nghiên .
  Hai mẹ con bà Hai lên trại thăm Nghiên nhưng không được gặp. Trên đường về họ phải rẽ vào làng Tảo An xin ăn. Bà Hai sẵn có bệnh tim, bụng đang đói, trời vừa nắng gắt lại đổ mưa, bị cảm ngã xuống ruộng. Khúc Thị Hài phải khó khăn lắm mới kéo được mẹ lên thì bà đã hôn mê. Giữa đồng không mông quạnh, chẳng biết làm thế nào, chị ta đành chạy vào làng nhờ người giúp. Ông Xã đội  trưởng hỏi:
  - Mẹ con nhà chị ở đâu ? Làm sao phải đi ăn mày?
  Lúc này không thể nói dối. Chị ta đành kể về thân phận mình. Nghe xong, vị Xã đội  trưởng lạnh lùng phán:
  - Uỷ ban đã có lệnh, thân nhân các gia đình địa chủ phản động có nợ máu với nhân dân chết không được để chung ở nghĩa địa khu dân cư. Nếu mẹ chị chết chúng tôi sẽ cử mấy dân quân ra đào huyệt chôn.
  Khúc Thị Hài tức tưởi chạy ra đến nơi thì bà Hai đã tắt thở. Chị ta nằm phục bên xác mẹ, người cứ rung lên bần bật. Tiếng khóc bị nghẹn lại bởi trong người hầu như đã cạn kiệt sức lực. Có cảm giác như chẳng còn bao lâu nữa chị cũng đi theo mẹ.
   Mấy dân quân bó bà Hai trong chiếc chiếu từ thiện rồi đào huyệt chôn ngay cạnh đường gần một bụi dứa gai. Vài tháng sau ngôi mộ cứ to dần, thỉnh thoảng lại có người thắp hương. Đó là các bà vùng Ba Tổng đi chợ Cháy mang đất đá đắp vào mong hồn người chết phù hộ cho mua rẻ, bán đắt .
  Mẹ chết đường, con vào trại, Khúc Thị Hài bị đột quỵ nằm liệt giường gần nửa tháng mới dậy được. Cũng may trong túi vẫn còn ít tiền dì Ba cho hôm gặp ở quán nước làng Cự Khê nếu không thì chết đói. Lê Văn Khải vẫn không có tin tức gì. Chị ta định sang tỉnh một chuyến xem có hy vọng gì không, nhưng hễ cứ đứng dậy là đầu choáng mắt hoa không bước được.
  Nhịp sống của cư dân đồng Chó Đá vẫn cứ diễn ra đều đều trong nỗi nơm nớp lo sợ lúc nào đó đến lượt mình sẽ vào trại giam. Con cái địa chủ, cường hào, Quốc dân đảng thường bị dân quân làng Cùa đến bắt đi bất cứ lúc nào. Có đứa vừa lang thang xin ăn về, chưa kịp bước chân vào lều đã bị trói giật cánh khuỷu điệu xuống trụ sở Uỷ ban chỉ vì đêm qua nhà ông Chủ tịch Nông hội bị chặt mất buồng chuối. Cộng đồng những kẻ ăn mày bất đắc dĩ này cũng chẳng tử tế gì vói nhau mà ngược lại luôn rình rập đề phòng nhau. Kinh nghiệm cho biết, không nên đặt hết niềm tin vào bất cứ người nào dù họ có tốt đến mấy. Phương châm hành xử khôn ngoan là chỉ có thể tin vào chính mình, vì ở đây tai vách mạch rừng. Trong hoạn nạn rất nhiều trường hợp không những không cưu mang nhau mà còn sẵn sàng bán đứng nhau để có được sự thương hại của bần cố nông. Chuyện các bà cô cạnh khoé, xoi mói nhau xảy ra như cơm bữa ở khu lều ổ chuột.  Ông Phó lý cựu Trương Đình Hàm, không phải đi tù nhưng bị tịch biên gia sản là một trong những hộ cư trú sớm nhất đồng Chó Đá. Bà Phó lý mắc chứng kinh giật, tay chân lúc nào cũng run bắn, cầm bát cơm không vững. Nhà đông người, đói triền miên nhưng ông Hàm nhất quyết không đi ăn xin mà bắt lũ con bắt cua, mò ốc, tát cá bán lấy tiền đong gạo. Những ngày đầu rất khổ. Con cái địa chủ ngồi bán hàng ở chợ Rồng, chợ Từ Đường, chợ Đình không ai thèm mua. Bà con bần cố nông sợ ăn tôm cá của họ sẽ bị lây thói áp bức bóc lột, rất nhiều hôm chị em cô Xuyến phải mang về.
  Xuyến là con cả ông Hàm, xinh nhất nhà, trước Cải cách đã hứa gả cho con trai Đồ Sách là anh Thiệp. Hai người quyến luyến nhau lắm, nhưng đến khi ông Phó lý cựu bị quy lên địa chủ, mà Đồ Sách chỉ ở mức bần nông thế là ông ta tuyên bố huỷ bỏ hôn ước. Anh Thiệp cưới cô La thành phần cố nông, gia đình cơ bản chỉ phải tội toét mắt. Có một người làng Cùa rất mê Xuyến là Nguỵ Văn Thành. Anh ta đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa có con trai trong khi cô vợ lùn tịt đẻ liền một mạch năm ả vịt giời. Thành khá đẹp trai, tán gái thành thần nhưng cô vợ sẵn máu Hoạn Thư, nghe phong phanh ông chồng léng phéng ở đâu là lồng đến đánh ghen. Tuy nhiên, Thành cũng có trăm phương ngàn kế lừa vợ để chim chuột đám chị em quá lứa nhỡ thì, ngứa nghề. Hồi ấy gia đình ông Hàm vẫn ở xóm Đình, một lần gặp Xuyến ngoài ngòi Mác, anh ta hỏi :
  - Tình hình bên nhà thế nào ?
  Xuyến vốn ghét thói trai lơ của tay trưởng ban thông tin xã, chẳng thèm nhìn anh ta, nói trống không :
  - Hỏi làm gì ?
  Nguỵ Văn Thành lim dim mắt bảo:
  - Có cần đây giúp cho.
  Con gái ông Phó lý cựu cũng không vừa liền đổi giọng:
  - Có hạ được thành phần cho nhà tôi không?
  Thành lắc đầu:
  - Nói thật nhá, ông cụ đã có tên trong danh sách năm người bị xử bắn đợt này, cô mà đồng ý …tôi có thể nói với ông Lạc miễn tội chết.
  -Chỉ phải đi tù phải không?
  - May ra thì thoát đi tù, nếu vận động thêm được bà Sót. Bà này xem ra lập trường cứng rắn lắm.
  - Thôi thì trăm sự nhờ anh, tôi chẳng có gì ngoài tấm thân anh muốn làm sao thì làm…
   Mấy hôm sau Thành hẹn Xuyến ra chiếc lều vó của ông Khích ở ngòi Mác. Từ nửa tháng nay ông ta nghỉ việc để tham gia biểu tình đấu tranh vạch mặt địa chủ. Vừa gặp Xuyến, anh trưởng ban thông tin đã thông báo :
  - Việc nhà cô xong rồi. Tôi đã vận động mấy cốt cán chỉ giữ ở mức địa chủ thường, không có thêm cái đuôi cường hào hoặc Quốc dân đảng nhưng phải tịch thu tài sản. Chốc nữa về bảo với ông cụ có tiền nong vàng bạc gì thì giấu đi, hai ba hôm nữa là họ đuổi ra đồng Chó Đá.
  Xuyến vào trong lều, đầu tiên cô cởi tấm áo cánh gụ, cởi yếm rồi bất ngờ tụt nhanh chiếc váy để lộ ra tấm thân nõn nà làm Nguỵ Văn Thành run bắn người. Trăng đầu tháng chênh chếch rọi vào cửa lều có thể thấy rõ cặp vú mịn màng trắng toát choán cả khuôn ngực đang phập phồng. Cô gái co chân, nhích người nằm dịch vào một bên rồi bảo anh thông tin:
  - Nào anh còn đợi gì nữa. Tôi còn trinh đấy.
  Thành vẫn đứng trước lều, mặt ngẩng lên nhìn trăng , im lặng .
  Xuyến lại giục :
  - Chả lẽ tôi đem sự trinh tiết đổi lấy mạng sống của thày tôi mà anh còn chưa bằng lòng hay sao?
  Người đàn ông ngồi xuống cửa lều cầm chiếc áo đặt xuống ngực cô gái khẽ bảo:
  - Em mặc váy áo vào đi.
  - Sao thế, hay là anh nghĩ lại không giúp gia đình tôi nữa?
  Thành lắc đầu :
  - Tiếc là không hạ được thành phần nhà em xuống nữa. Tôi biết ông cụ bị oan .
Xuyến ngồi dậy mặc váy áo xong lưỡng lự một lúc rồi bảo:
  - Gia đình em chẳng biết lấy gì tạ ơn anh. Bao giờ em phải ra đây nữa ?
  - Thôi đừng ra nữa. Giờ em phải về đường tắt qua miếu Si, đừng đi cổng chính, bọn thằng Phong đang canh ở đấy.
  Chuyện hai người trong lều vó không giấu được ông cựu Phó lý. Xuyến không ngờ đêm ấy, lúc cô ra khỏi nhà ông Hàm đã cử cô em bám theo. Biết nhưng ông bố vẫn âm thầm chịu đựng cho đến khi phải ra đồng Chó Đá. Một hôm cả nhà đi tát cá ở thùng Đấu, ông Phó lý cựu mang dây thừng ra cây đa giữa đồng treo cổ tự tử, may mà có Trịnh Doãng và Nguyễn Đình Phán đi chao giậm châu chấu phát hiện ra, chậm chút nữa thì không cứu được .
               

                                                               2


Nghiên bị tạm giam đã hơn hai tháng. Thời gian trôi đi, cuối cùng Khúc Thị Hài thấy rõ một điều, nếu cứ chần chừ việc đi gặp dì Ba thì con trai bà ta khó mà được về. Hai chục năm qua, người đàn bà tật nguyền vẫn ôm mối hận bị cướp chồng mà không có cách nào hoá giải được. Nó như căn bệnh trầm kha, ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng, cứ mỗi ngày lại làm hình hài một héo hon. Khúc Thị Hài từ lúc sinh ra đã quặt quẹo, bản tính nhu nhược, chỉ muốn an phận, biết mình không phải là đối thủ của Mạc Thị Lánh. Bà Ba là người không chịu sự ràng buộc của khuôn phép, luôn khát khao hướng tới một cái gì đó tốt đẹp hơn hoàn cảnh hiện tại cho dù chỉ là ảo tưởng. Cô ta dám sống hết mình, sẵn sàng đập phá, nhổ toẹt vào mớ giáo lý phong kiến cổ hủ, vô nhân đạo ràng buộc thân phận người phụ nữ. Đứng trước Mạc Thị Lánh, KhúcThị Hài chỉ là cái bóng mờ nhạt, nhiều khi còn bị thần khí của cô ta làm cho biến dạng nên rất ngại giáp mặt .
  Khúc Thị Hài đến nhà 15 Đông Sơn vào buổi chiều. Lúc ấy đã tan tầm. Các công sở hết giờ làm việc. Bà Ba trong bộ quần áo cánh nhuộm nâu non, tóc búi buộc túm bằng chiếc khăn mùi xoa, chạy ra mở cổng. Nhìn thấy bà Hài, bà Ba hỏi ngay:
  - Sao lâu thế mới đến? Tôi cứ chờ mãi .
  Khúc Thị Hài chớp chớp mắt:
  - Mẹ tôi mất rồi.
  Bà Lánh hỏi dồn:
  - Mất khi nào? Bệnh gì?
  Khúc Thị Hài lấy ống tay áo quệt nước mắt:
  - Bị cảm nắng chết trên đường đi ăn xin.
  - Còn thằng Nghiên?
  - Vẫn chưa được thả. Tôi  lên gặp dì Ba hôm nay cũng vì việc ấy. Thôi thì trăm sự nhờ dì, mẹ con tôi không bao giờ dám quên .
  Bà Ba đứng dậy khép cửa buồng, kéo rèm che phía trong rồi ngồi xuống bên cạnh Khúc Thị Hài  bảo:
  - Từ nay chị đừng gọi dì Ba hay bà Ba nữa. Tôi bây giờ là Dương Thị Xuân, đang làm Bí thư phụ nữ tỉnh. Nhà tôi là Phó chủ tịch. Chiều nay bên Uỷ ban tỉnh có cuộc họp quan trọng nên giờ ông ấy vẫn chưa về.
  Khúc Thị Hài thấy nhà vắng vẻ nên hỏi:
  - Dì Ba được mấy em ?
  - Được hai. Thằng lớn đang đá bóng với lũ trẻ ngoài phố, còn con em về quê thăm bà nội từ đầu tháng chưa ra .
  - Mừng cho dì.
  Mạc Thị Lánh cau mặt:
  - Đã bảo cứ gọi là chị cho thân mật .
  - Vâng, thưa chị!
  Được rồi, việc thằng Nghiên cứ để tôi lo. Ông nhà tôi phụ trách khối nội chính có ý kiến của ông ấy là bên công an phải thả thôi. Nhưng mà nghe tôi dặn đây, không được nói với bất cứ ai ở vùng Ba Tổng về tôi. Đời tôi cũng ba chìm bảy nổi khốn khổ lắm mới có được ngày hôm nay.
  - Có phải vì thế mà hồi ông lái bị xử chị cũng không dám về làng Bòng?
  - Hoàn cảnh lúc ấy bắt buộc phải nhẫn nhục. - Bà Bí thư phụ nữ thở dài bảo - Cũng may ông Quảng kịp thời giữ lại, tôi mà về là bị bắt ngay.
  - Nửa đêm hôm ấy chị qua sông mang quan tài về chôn cất ông cụ phải không ?
  - Nói thực với chị, làm thế là rất mạo hiểm nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, huống hồ đấy lại là người sinh ra mình.
  Khúc Thị Hài gật đầu:
  - Cảm ơn chị cũng đã lo cho anh Vận tấm áo.
  Bà Ba cầm tay Khúc Thị Hài, giọng ngập ngừng:
  - Trước đây còn trẻ dại tôi có lỗi với chị và hai cháu nhiều lắm, giờ nghĩ lại thật xấu hổ.
  Khúc Thị Hài bảo :
  - Chuyện cũ qua rồi, người chết cũng đã yên phận, đừng nhắc lại thêm đau lòng.


                                                               *
                                                            *   *        
  Khúc Thị Hài không thể ngờ, sau khi cùng Lê Văn Vận trốn khỏi làng Cùa, Mạc Thị Lánh lại xuýt chết vì cú đâm lút cán con dao găm của người tình. Lúc ấy, trong khi Trần Phí dẫn anh em sơn tràng truy tìm Lê Văn Vận thì một toán lính khố xanh của Tri châu Vi Văn Sầm đi tìm gỗ đàn hương nhìn thấy ba cái xác nằm bên bờ suối Đá Đen. Hai gã đàn ông đã chết. Người đàn bà bị đâm vào bụng tuy đã được cầm máu nhưng vẫn bất tỉnh. Viên đội người Thái lưỡng lự một lúc rồi bảo:
  - Phải mang cô ta xuống thuyền độc mộc đưa về Chiềng Đôi  để thầy mo Lủ chữa thuốc.
  - Hình như cô ta bị cưỡng hiếp .
  - Chắc là hai tên sơn tràng trần truồng kia. - Viên Đội khịt mũi nhổ nước bọt bảo - không biết kẻ nào đã giết chúng nhỉ?
  - Ai giết cũng mặc chúng nó, cứ để đấy cho hổ báo về xé xác. - Một anh lính trẻ khoác khẩu Indochinoise[1] bảo - Cây gỗ tìm được hôm nay chắc quan Tri châu hài lòng lắm.
  - Đây là cây đàn hương rất hiếm, có người đi rừng cả đời chưa chắc đã tìm thấy. Chuyến này thế nào anh em mình cũng được thưởng bạc trắng.
  - Thôi được, việc ấy để tôi trình quan xin cho anh em, giờ ta phải mang cái cô người Kinh kia xuống thuyền. Sao mà con gái người xuôi nó đẹp thế, có khi quan lớn nhà mình cũng phải mê.
  Thuyền độc mộc chở được ba người. Bà Ba nằm thiêm thiếp, đôi môi khô se, tím ngắt, thỉnh thoảng lại ú ớ ngủ mê. Gần nửa ngày đi thuyền, toán lính khố xanh đưa Mạc Thị Lánh đến bản người Thái Chiềng Đôi. Thầy mo kiêm thầy lang Quàng Văn Lủ xem vết thương xong lắc đầu:
  - Nặng lắm, bị mất máu nhiều, không chắc nó đã sống được .
  Viên Đội đưa cho ông ta một đồng bạc trắng, ghé tai dặn:
  - Đây là người của quan Tri châu, ông chữa chạy tử tế sẽ có thưởng, nếu để cô ta chết coi chừng cái mạng.
  Thầy mo Quàng Văn Lủ vốn là môn đệ của Tri châu Vi Văn Sầm, cứ vài ngày lại cưỡi con ngựa gầy giơ xương về châu lỵ hầu điếu đóm cho quan lớn để được hưởng sái thuốc phiện. Nhìn sắc diện bà Ba, Quàng Văn Lủ biết tình trạng vết thương không đến nỗi nào, chỉ cần chữa thuốc trong vòng một tuần là khỏi, nhưng lão phải nói thế để may ra moi được của viên Tri châu mấy đồng thuốc phiện .
  Lão thầy cúng nửa mùa này đánh bạn với nàng Tiên nâu từ năm mười sáu, ngày nào không có thuốc là người phát phiền, chẳng thiết ăn uống gì, bởi vậy, tuy là thầy thuốc nổi tiếng cả mường nhưng hễ được bao nhiêu bạc lão lại nhét hết vào dọc tẩu thành ra quanh năm nghèo đói.
  Tri châu Vi Văn Sầm là tay mê gái có hạng. Tuy đã có ba bà vợ Thái, trẻ nhất mới ba mươi mốt, nhưng khi nghe thầy Đội Lò Văn Hếnh kể về cô gái người Kinh trẻ đẹp thì lão ngứa ngáy không chịu được. Bọn lính khố xanh biết ông chủ của mình ưa của ngọt liền xúm nhau vào tán dương :
  - Tháng này quan lớn có lộc, coi như song hỷ lâm môn.
  Lão Tri châu nhe bộ răng vàng cười hềnh hệch rồi hỏi bọn thuộc hạ:
  - Thế nào là song hỷ lâm môn ?
  Lò Văn Hóng biết chữ nho, viết một chữ hỉ to tướng vào tờ giấy hồng điều cung kính trình lên Vi Văn Sầm:
  - Bẩm quan, cái vui thứ nhất là anh em chúng con đã tìm được cây đàn hương cổ thụ ở đầu nguồn suối Đá Đen. Thứ hai là mang được cô gái người kinh đẹp như tiên sa về bản Chiềng Đôi, nhưng nó bị thương , thầy mo Quàng Văn Lủ đang chữa.
Viên Tri châu chợt mắt sáng lên:
  - Các người làm ta sốt ruột quá, liệu đến hôm nào cái người Kinh ấy nó khỏi bệnh để ta xuống thăm?
  Lò Văn Hóng nháy mắt với đám lính khố xanh:
  - Quan lớn cứ bình tĩnh, cô ta khỏi là chúng con đưa lên dinh ngay .
  Vi Văn Sầm lừ mắt:
  - Bé cái miệng thôi. chúng mày bép xép mấy con mẹ nhà dưới nó biết thì ta cắt lưỡi.
  Bọn lính kín đáo đưa mắt cho nhau. Ngài Tri châu nổi tiếng hách dịch , hơi nhíu mày là bọn thuộc quan xanh mặt, nhưng người điều khiển lão ta lại là vợ cả, năm ấy đã ngót ngét sáu mươi, gầy đét như con cá mắm. Người trong châu kháo nhau, nhà bà ta truyền đời nuôi ma xó. Cách đây gần hai mươi năm ở bản Nháy xảy ra chuyện lạ. Ông Tòng Quang Phúng, chồng bà Ló, chị ruột bà Lả léng phéng với đứa con gái lão thợ săn người Mán. Khi cô này có mang thì cũng là lúc ông Phúng tự nhiên phát điên nhảy xuống vực Tiêu Diêu tự tử. Mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, quan Tri châu lại thấy sởn gai ốc, nhưng chính mắt lão chưa bao giờ thực sự nhìn thấy loài ma chuyên gieo rắc tai hoạ cho người khác kia. Tuy nhiên vẫn phải đề phòng, bởi vì mụ vợ già Quàng Thị Lả của lão còn thính mũi hơn cả ma xó.
  Chưa đầy một tuần, dưới danh nghĩa công cán, Vi Văn Sầm cùng gã tham biện và mấy tên lính khố xanh khoác súng cưỡi ngựa xuống núi.Gần trưa cả bọn đến bản Chiềng Đôi. Vi Văn Sầm bước lên chín bậc cầu thang, vừa nhìn thấy Mạc Thị Lánh đã bủn rủn chân tay, hai mắt đờ ra như bị điểm huyệt. Lò Văn Hếnh đưa cho bà Ba bộ váy áo Thái với hàng cúc bướm bằng bạc và chiếc khăn piêu mà Vi Văn Sầm đã cho làm ở nhà cô em gái. Lánh vào buồng đến khi bước ra thì viên Tri châu không còn tin ở mắt mình nữa. Một noọng Thái trắng đẹp mê hồn như từ chốn bồng lai bỗng chốc giáng trần với đầy đủ cả xiêm y lộng lẫy làm căn nhà sàn của thầy mo Quàng Văn Lủ như toả ánh hào quang. Quan Tri châu bảo :
  - Nàng có bằng lòng theo ta về châu lỵ không?
  Bà Ba cúi đầu e thẹn đúng với điệu bộ của những cô gái chính chuyên sắp về nhà chồng. Thực ra, trong đầu bà Ba đang dự kiến một kế hoạch. Hãy cứ thoát khỏi bản Chiềng Đôi, tạm thời làm vợ bé lão già dại gái này đã, sau đó sẽ tính chuyện về quê. Vi Văn Sầm để Mạc Thị Lánh ở ngôi nhà sàn trong ngõ hẻm cuối châu lỵ gần đường đi Đà Bắc. Mỗi tuần lão đến với bà Ba vài lần nhưng ít khi dám ngủ qua đêm. Mọi cuộc truy hoan đều diễn ra ban ngày trong gian buồng che rèm thổ cẩm và sàn lát bằng tre bương đập dập lên nước nhẵn bóng. Vi Văn Sầm đã quá lục tuần nhưng chuyện phòng the thì không già chút nào. Có sâm nhung hổ cốt trợ lực, lão khoẻ như trâu, vừa leo khỏi cầu thang đã vồ lấy bà Ba đè xuống, tốc ngựơc váy lên bổ hùng hục làm sàn nhà run bần bật . Bà Ba là phụ nữ có thừa kinh nghiệm trong lúc chăn gối, tìm mọi cách chiều chuộng lão Tri châu khiến lão chẳng tiếc gì bạc trắng cũng như những lời hứa hẹn. Lão dặn bọn thuộc hạ tuyệt đối giữ bí mật. Đứa nào để lộ ra là mất đầu. Thành thử một thời gian khá dài, viên Tri châu dan díu với cô gái người Kinh mà cả ba bà vợ đều không biết.
  Vào một đêm tháng chạp mưa dầm gió bấc, bà Ba không ngủ được, chẳng phải vì lạnh mà bởi phải nằm một mình trong ngôi nhà vắng. Hơn tuần nay không thấy Vi Văn Sầm đến. Cô ta sợ mấy mụ sư tử Hà Đông đã ngửi thấy mùi mèo mỡ nên lúc nào cũng nơm nớp đề phòng. Có tiếng động nhẹ dưới gầm sàn. Con chó vện nằm trong cũi sủa dữ dội. Chẳng lẽ lại là trộm? Lánh thầm nghĩ. Chúng không biết rằng đây là nhà vợ bé quan Tri châu hay sao mà dám vuốt râu cọp? Cô ta nhẹ nhàng trườn khỏi chăn đệm, đánh lửa châm vào chiếc đèn soi rồi cầm khẩu súng lục Vi Văn Sầm đưa cho để phòng bất trắc, rón rén xuống cầu thang . Trong bóng đêm nhập nhoạng bà Ba nhìn thấy một hình người ngồi dựa chân cột như là đang ngủ gật liền chĩa khẩu súng ổ quay vào hắn quát khẽ:
  - Ai?
  Từ chân cột có tiếng thì thào:
  - Nước!
  Hắn bị thương. Bà Ba thoáng nghĩ và thận trọng lại gần sờ vào vai kẻ lạ mặt. Người hắn nóng hầm hập. Đúng là đang sốt. Nghĩ vậy cô ta cúi xuống xốc nách dìu hắn lên cầu thang. Bếp lửa được chất thêm củi. Khi ánh sáng bùng lên thì bà Ba bất giác rùng mình với khuôn mặt gớm guốc của gã đàn ông. Đó là một hình nhân thì đúng hơn bởi vì cái đầu hắn trụi sạch tóc, nhẵn thín như quả dưa hấu, thậm chí cặp lông mày cũng biến mất nhưng bộ râu dê thì lại dài một cách đáng ngờ. Nhìn bộ dạng người đàn ông, Lánh thầm đoán, chắc là tù vượt ngục. Sau khi ăn xong bát cháo, khuôn mặt anh ta đã có chút sinh khí. Bà Ba rót cho chén nước nóng, đợi người đàn ông uống xong mới hỏi:
- Bác mới vượt ngục phải không ?
- Vâng, đã ba ngày hôm nay không có gì ăn, cảm ơn cô.
- Ai bảo bác vào nhà tôi?
- Đói quá đâm liều cô ạ! - Người đàn ông nói. - Với lại từ chập tối, tôi nấp ngoài góc vườn thấy nhà chỉ có mình cô nên mới dám vào.
- Bác liều quá. Ở châu lỵ này đầy mật thám, nhìn thấy cách ăn mặc với đầu tóc của bác là chúng bắt ngay.
- Hình như cô không phải là người Thái?
- Sao bác nghĩ thế?
- Nghe giọng thì biết, người Thái trên này nói tiếng Kinh không sõi lắm.
- Bác tinh thật. Tên bác là gì?
- Cứ gọi tôi là Quảng. Cảm ơn cô, giờ tôi phải đi.
- Bác chưa đi được, trời đang mưa.
Quảng ngập ngừng:
- Ở đây lâu sợ liên luỵ đến cô.
Bà Ba bảo:
- Chuyện đâu để mai sẽ tính. Đêm nay bác cứ nghỉ ở đây.
- Thế sao được. Tôi là đàn ông…
- Không sao. Tôi cũng có ngủ được đâu. Năm nay rét quá.
Bà Ba giữ người tù ở lại mấy hôm. Rất may những ngày này lão Tri châu có công vụ phải xuống các bản Thái vùng Chiềng Om nên anh ta tạm thời được an toàn. Đêm thứ ba, thấy Mạc Thị Lánh chỉ trải một đệm một chăn, người tù có vẻ lúng túng hỏi:
- Sao cô …?
- Hôm nay rét lắm tôi muốn nằm chung.
Người tù không thể từ chối lòng tốt của bà chủ nhưng cũng không có đủ can đảm chạm vào người cô ta. Gần sáng bà Ba vòng tay ghì chặt Trần Quảng vừa khóc vừa kể:
- Vì hoàn cảnh bắt buộc tôi mới phải nấn ná ở đây sống kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với lão Tri châu, thế nào rồi cũng có lúc bị mấy con mụ người Thái phát hiện ra. Anh có thể cho tôi đi theo được không ?
Trần Quảng ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu:
- Được, nhưng bây giờ đang giai đoạn giặc khủng bố mạnh, một số cơ sở cách mạng bị vỡ, nguy hiểm lắm.
Lánh bảo:
- Chết tôi cũng không sợ, chỉ sợ bị cột chặt ở vùng người Thái này đến già.
- Vậy thì tối nay ta sẽ đi.
- Đi như thế rất nguy hiểm, lính khố xanh hoặc mật thám phát hiện ra thì gay. Tôi có cách này anh xem có được không? - Bà Ba lục trong hòm gỗ sơn then ra mấy tờ giấy đưa cho Quảng - Đây là loại giấy thông hành đặc biệt chỉ cấp riêng cho một số người trong dinh quan châu mà tôi đã lấy trộm trong cái tráp của Vi Văn Sầm. Ta phải sử dụng nó thì mới thoát.
Trần Quảng xem qua một lượt, mừng lắm hỏi:
- Cô cũng biết chữ à ?
- Cũng đọc được chút ít.
- Thế thì tốt lắm. Nếu đi trót lọt, về đến cơ sở tôi sẽ giới thiệu cô vào hoạt động trong ban phụ vận.
Sáng hôm sau, hai người đóng giả làm một cặp vợ chồng người Thái đi chợ Bản Tang Tả. Quảng đội mũ nồi che cái đầu trọc, nói tiếng Thái khá sõi vì anh ta hoạt động ở vùng cao mấy năm nên bọn lính dõng không mảy may nghi ngờ. Nhưng đến dốc Ban thì có chuyện. Hai tên mật thám chặn những người lạ mặt trình thẻ căn cước và lục soát đồ đạc. Trong chiếc túi thổ cẩm của bà Ba có khẩu súng ổ quay. Chúng mà phát hiện ra thì chỉ có Vi Văn Sầm mới cứu được. Nhìn thấy Trần Quảng, một trong hai gã lính bảo:
- Cho xem thẻ.
Người tù lừ mắt:
- Chúng mày là ai ?
- Thằng này muốn ăn đạn à? - Tên mật thám nheo mắt cười gằn. - Tao hỏi mày, mày lại hỏi tao, thế là thế nào?
Bà Ba móc túi lôi ra mảnh giấy bảo:
- Nhìn kỹ xem loại thẻ này cấp cho ai?
Tên mật thám vừa liếc qua đã vội rập gót chân đưa tay lên vành tai chào.
- Xin lỗi ông bà, chúng tôi làm phận sự không biết các vị là người của quan Tri châu.
Trần Quảng cười nhạt:
- Bọn cộng sản trốn tù nhan nhản thì không bắt được, chỉ giỏi hạch sách người mình.
Hai người vào chợ lẫn trong đám thanh niên Thái trắng, quẩn quanh mấy dãy hàng tạp hoá, thấy hai tên mật thám đã đi về phía cuối dốc họ mới lẻn vào rừng. Chuyến ấy Trần Quảng và bà Ba xuống núi an toàn. Đến Hạ Lôi, hai người vào một nhà cơ sở mà Quảng đã vận động tham gia tổ chức từ bốn năm trước. Chủ nhà tiếp đón khá niềm nở. Tối hôm ấy Quảng hơi quá chén, Mạc Thị Lánh phải dìu vào ổ rơm trải ở góc nhà. Món rượu ngâm tắc kè mật ong làm anh ta bị kích động như con thú đói mồi, vồ ngay lấy bà Ba. Vào đúng lúc ấy, con chó Đốm đang nằm ở chái bếp khẽ hực lên một tiếng. Linh tính cho biết có chuyện chẳng lành, bà Ba bấm tay Quảng thì thầm:
- Hình như có người rình ở ngoài.
- Đi thôi!
Quảng khe khẽ mở cánh cửa liếp phía sau. Hai người lẻn ra vườn. Trong bóng đêm lờ mờ, Lánh thấy lão chủ nhà ngoắc tay ra hiệu cho hai bóng đen ra ngoài hàng rào. Bà Ba đưa khẩu súng lục cho Quảng. Họ chạy thục mạng lên sườn đồi chẳng kịp xác định phương hướng, ước chừng năm bẩy chục thước thì gặp hàng rào gỗ. Quảng đỡ bà Ba trèo qua hàng rào. Phía sau một chớp lửa loé lên. Tiếng nổ làm Mạc Thị Lánh giật nảy người:
- Đứng lại! Chúng mày chạy không thoát đâu.
Bọn truy đuổi hô hét ầm ĩ, thỉnh thoảng lại nổ một phát súng kíp hoặc trường mas. Quảng đẩy bà Ba đi trước, nép vào gốc cây cầm súng bằng cả hai tay nổ một phát về phía sau. Không ngờ viên đạn trúng mục tiêu. Chỉ nghe đến ối một tiếng, một trong hai tên cầm súng kíp khựng lại. Hình như đấy là lão chủ nhà. Cuộc tháo chạy đến gần sáng thì hoàn toàn mất phương hướng. Trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái đều là rừng. Trời âm u lạnh lẽo như địa phủ. Lũ vượn bạc má ngồi ôm nhau dưới tán lá tùm hum của một cây sừng trâu, mắt mở thao láo nhìn hai vị khách lạ nhưng chẳng tỏ thái độ gì. Có lẽ chúng đang đói mà thời tiết vừa mưa vừa lạnh nên không đi kiếm ăn được. Chiều hôm ấy họ gặp nhánh đường mòn dẫn đến con suối lớn. Bờ bên kia, những người thợ sơn tràng đang cốn bè.
- Sống rồi.  - Quảng khẽ reo lên.
- Anh định theo đám sơn tràng sao? - Lánh rùng mình khi nghĩ đến mấy thằng đầu trâu mặt ngựa ở phường Bồ Nông.
- Không, mình chỉ xin họ ít gạo nấu cơm ăn rồi tiếp tục về thôi.
Sau gần một tháng luồn rừng, Trần Quảng và Mạc Thị Lánh mới về đến Đan Thành. Tại đây anh ta móc nối với tổ chức cũ, nhận công tác mới và đưa bà Ba vào hoạt động ở ban phụ vận với bí danh là Dương Thị Xuân.
Cuối tháng tám năm bốn nhăm, sau khi tham gia cướp chính quyền tỉnh, bà Ba được cử làm uỷ viên ban phụ vận, Quảng phụ trách ngành công an. Năm bốn bảy, quân đội Pháp từ Hải Phòng lên đánh chiếm thị xã, ủy ban hành chính phải rút về vùng rừng Lạc Lâm để chỉ đạo kháng chiến. Cũng thời kỳ này Quảng bỏ bà vợ hơn mình bốn tuổi ở quê do bố mẹ ép cưới từ năm anh ta mới mười hai, chính thức lấy Mạc Thị Lánh. Bà Ba lúc ấy đã ba tư không ngờ lại có ngày hạnh phúc như thế. Đêm tân hôn, hai người ở trong chiếc lán lợp cỏ tranh, vách ken phên nứa, giữa tiết Tiểu hàn buốt thon thót, cô ta gục vào ngực chồng khóc tức tuởi. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc bị đánh mất từ mười mấy năm trước giờ mới tìm lại được. Trong lúc ân ái với Quảng, Lánh lại hình dung ra cuộc mây mưa làm cho đất trời nghiêng ngả trong con thuyền chài trên sông Lăng với Lê Văn Vận. Nhớ tới thằng Côi chăn vịt lần đầu tiên được phá trinh con gái mà không biết cách bị mắng là đồ vô tích sự, nhớ đến lão Chánh tổng hách dịch nhưng lực bất tòng tâm…Dù sao tất cả những cái đó chỉ là ký ức của một thời vụng dại. Anh Quảng của bà Ba bây giờ mới là hiện thực. Lánh hết lòng chiều chuộng làm anh ta sướng mê tơi, đêm nào cũng vầy vò cô vợ trẻ cho đến gần sáng mới ngủ thiếp đi.
 Bẩy năm sau, khi đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản thị xã, Quảng được phân công giữ chức Phó chủ tịch phụ trách nội chính. Bà Ba, tức nữ đồng chí Dương Thị Xuân, làm Phó bí thư tỉnh hội phụ nữ. Thật may, thời kỳ Cải cách cả hai vợ chồng đều vô sự. Đây là điều đại phúc. Vì chỉ riêng các cơ quan cấp tỉnh trong  cuộc đấu tranh giai cấp này đã có hăm chín người bị coi là có dính líu đến các tổ chức đảng phái phản động trong đó năm bị tử hình, số còn lại phải lãnh án tù từ bẩy năm đến chung thân.
Có sự can thiệp của ông Phó chủ tịch nhưng cũng phải ba ngày sau Lê Văn Nghiên mới được thả. Ra khỏi trại tạm giam, người anh ta chếnh choáng như bước trên mây vì đói và tinh thần hoảng loạn. Kinh nhất là mỗi khi nhớ lại những khuôn mặt đầy sát khí hoặc lạnh như băng và hoàn toàn vô cảm của các ông cán bộ thẩm vấn. Họ là thứ công cụ vô cùng mẫn cán với chế độ không thể dùng tình cảm tác động được. Những người ấy muốn cho ai sống thì sống và nếu cần, chỉ một cái nhếch môi là tính mạng anh đi tong. Chàng trai họ Lê lếch thếch cuốc bộ về quê trong một buổi chiều nắng hanh rất đẹp. Hai bên đường những trà lúa sớm sắp được gặt. Lúa chín vàng đang uốn câu. Lũ sẻ đồng chấp chới, lúc tản ra, lúc tụ lại thành đàn bay ràn rạt, nghe rõ cả tiếng đập cánh.

Chú thích:

[1] Một loại súng trường cổ của Pháp, nòng dài hơn mousqueton

(Xem tiếp kỳ sau)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét