Nhãn

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Hậu Chuyện kể năm 2000 (kỳ 6)


HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000

(Thời biến đổi gien)

Kỳ 6



Bùi Ngọc Tấn   



       Thế mà bây giờ tôi đang viết. Đang viết chuyện tù. Đang viết và đang viết về một đề tài cấm kỵ nhất, độc đáo nhất, chưa ai từng viết. Đành rằng đã có nhiều người viết và gọi người đến nhà nghe mình kể để viết chuyện tù của mình. Nhưng đấy là chuyện trong nhà tù đế quốc, chuyện những nhà cách mạng dứt bỏ gia đình hy sinh xương máu, lật đổ chế độ áp bức bất công tàn bạo để đất nước, nhân dân bước vào cuộc sống mới. Dòng văn học tù đầy dường như đã kết thúc với những hồi ký trong nhà tù đế quốc với những nhân vật được thần thánh hoá, lung linh huyền ảo, những cứu tinh đã sang trang cuộc sống cho đất nước, cho nhân dân.

Và tôi, chính tôi là người viết tiếp dòng văn học tù đầy tưởng đã chấm hết ấy. Tôi viết về nhà tù trong chính cuộc sống mà người ta nghĩ rằng, nói rằng, tưởng rằng đã bị tiêu diệt trong cuộc sống mới và không bao giờ còn trở lại. Tôi viết về những khổ đau oan khuất vẫn tiếp diễn, sinh sôi và phát triển, những điều là khẩu hiệu, là mục tiêu để cách mạng giương cao ngọn cờ, tập hợp vận động lôi kéo nhân dân tiêu diệt, và tưởng đã tiêu diệt hoàn toàn, nhưng hoá ra vẫn còn nguyên như cũ — và cho đến bây giờ đã hơn cũ, vượt cũ rất xa — chỉ thay đổi diện mạo, thay đổi ngôn ngữ, thay đổi y phục mà thôi. Le roi est mort, vive le roi. Đức Vua băng hà, Đức Vua vạn tuế. Trong xà lim tôi đọc đi đọc lại câu ấy trong tập Anna Karenina, tập sách Dương Tường dịch và tặng tôi mà buổi sáng 8-11-1968 đến bắt tôi, thấy bộ sách để ở đầu giường, người cảnh sát đã bảo tôi “mang vào trong ấy mà đọc.” Nó mãi mãi là chân lý. Những thông tin tôi đưa ra sẽ hoàn toàn mới, chưa từng có trong văn học cách mạng. Tôi đang phơi ra ánh sáng một mảng hiện thực đã tồn tại, đang tồn tại và sẽ tồn tại lâu dài. Còn tồn tại lâu dài. Tồn tại và phát triển. Chúng xây nhà tù nhiều hơn trường học. Bây giờ trường học nhiều hơn nhưng nhà tù cũng nhiều hơn. Tôi đang viết về một sự phát triển xoáy trôn ốc của lịch sử, của tự do đây.

Tôi sẽ trình ra trước văn học thế giới nhân vật của tôi. Một thế giới dưới đáy bị giầy xéo, quằn quại, âm thầm sống và âm thầm chết tưởng chỉ có trong các tác phẩm hiện thực phê phán của các nhà văn lớp trước nhưng hoá ra vẫn còn đó, còn nhiều đó trong xã hội mới. Sự lừa đảo lớn nhất. Một cú lừa ngoạn mục như cách nói của Thi Hoàng. Hay như Nguyễn M.H., giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, khi sách đã in, anh đã đọc, về Hải Phòng, tìm tới nhà tôi và nói cùng tôi: “Họ lừa đảo dân tộc và lừa đảo cả chính họ. Một sự lừa đảo lúc đầu là không tự giác nhưng rồi trở thành sự lừa đảo có ý thức.” Mới gặp lần đầu, anh đã nói những điều nguy hiểm đến tính mạng như vậy đủ biết anh tin tôi như thế nào khi đọc sách của tôi. Anh khen tôi viết về lớp thanh niên những năm 60 rất chính xác và thở dài: “Chẳng bao giờ có một lớp thanh niên như thế nữa.”

Tôi cũng đã viết một câu đúng như anh nói, nhưng nhà xuất bản chữa lại thành “Đến bao giờ lại có một lớp thanh niên như thế?” Cũng được thôi. Còn chúng tôi, lớp thanh niên lớn lên với cách mạng thì khẳng định: Không bao giờ còn có lại một lớp thanh niên như thế. Một lớp thanh niên có thể làm được mọi chuyện nhưng đã được xử dụng phí phạm cho một mục tiêu không có thực. Tuổi trẻ, nhiệt huyết đã bị lãng phí, một sự lãng phí vàng ròng.

Tôi sẽ phơi bầy ra ánh sáng một thế giới còn nằm trong bóng tối. Tôi sẽ cày lên những luống đầu tiên của một vùng đất còn hoang sơ trên cánh đồng gieo gặt của cách mạng, một cánh đồng gieo hạt giống tự do, bón bằng xương máu nhưng lại trổ toàn quả đắng: Đàn áp, bất công, gian dối, oan khuất...

Tôi viết và nghĩ rằng mỗi con người, mỗi cuộc đời là một cái gì rất riêng biệt, không lặp lại, một bí mật, không chỉ là bí mật cá nhân, nó còn mang bí mật của thời đại, của lịch sử muôn hình muôn vẻ. Tôi viết với quyết tâm sẽ kể lại trung thực câu chuyện của tôi, bố mẹ vợ con, anh em bè bạn tôi, không chịu để nó biến mất tăm.

Cuộc đời tôi không chỉ có ánh nắng mặt trời, có những ngày thần tiên thời thơ ấu, có nỗi buồn của kiếp phù sinh mong manh ngắn ngủi mà còn có hơi diêm sinh của lửa địa ngục, vị đắng của dối trá tráo trở ngấm đượm cùng nỗi đau của kiếp giun dế nhỏ mọn bị giầy xéo, bị tước đoạt cuộc sống trong khi lúc nào cũng khao khát sống, khao khát được sống như một người cần phải sống trên cuộc đời này, trước khi chìm vào mất tăm, quên lãng. Như Phan Cẩm Thượng sau này đã viết về tôi: “Bùi Ngọc Tấn đắm đuối cuộc sống.”

Vâng. Tôi. Một kẻ đắm đuối cuộc sống.

Lòng tôi trào lên quyết tâm hoàn thành quyển tiểu thuyết của đời mình, một quyển tiểu thuyết không giống một ai, các nhà văn không ai viết được, trừ tôi. Một quyển tiểu thuyết viết về những người dưới đáy trong chế độ mới, sản phẩm của một chế độ chính tôi và gia đình tôi cùng bao người khác đã đem tài sản, tính mạng, xương máu góp phần tạo dựng.

Tôi nhớ đến những quyển tiểu thuyết của các bậc đàn anh mà tôi đã đọc. Những quyển tiểu thuyết một thời từng là thành tựu đáng tự hào của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tôi điểm lại một lượt những sáng tác trước tôi. Tôi tìm đọc vài quyển trong trào lưu đổi mới. Và rút ra kinh nghiệm cũ mèm: Bên cạnh những bậc thầy, nên đọc cả những sáng tác dở nữa. Để mình thêm tự tin. Để mình thêm quyết tâm. Dù tác giả những quyển sách dở ấy là thầy mình về kiến thức, thầy mình về nghề nghiệp. Họ loay hoay với nghiệp công chức. Họ nâng niu cái ghế của họ. Họ bị cầm tù bởi giáo lý, bởi đồng lương, bởi sự sợ hãi. Họ không đi tới đâu cả trong suy nghĩ. Họ bịa đặt. Họ né tránh. Họ làm ra gay cấn, làm ra vẻ mới trong những trang sách của họ. Những thợ viết chính hiệu. Và cũng nhiều cấp độ thợ. Thợ đồ gốm thủ công. Thợ đồ nhựa xanh đỏ, bóng loáng hoa mắt. Thợ điện tử vi mạch. Và có một điều buồn cười: Tất cả những người thợ ấy đều bảo người khác là thợ, còn mình thì không. Đấy là chưa kể những kẻ cơ hội, buôn bán văn chương, một thứ hàng khô và buôn bán những người làm ra thứ hàng khô ấy, nghĩa là buôn bán chính các nhà văn, một mặt hàng tươi sống...

Tôi viết và nhiều lúc chùn tay với những dòng chữ của mình. Hơi run. Thế mới biết cái “chất độc mầu da cam” ngấm sâu đến thế. Nhưng rồi lại trấn tĩnh: Hãy trung thực. Hết sức trung thực với tấm lòng mình. Thật khách quan. Và dũng cảm. Phải bao dung nữa. Hãy ghi lại thật chính xác. Không ăn bớt. Cũng không vu cáo. Đừng để những điều mình sống, mình thấy rơi vào quên lãng. Hãy đi đến cốt lõi ngọn nguồn. Hãy là người thư ký trung thực của thời đại.

Trong quyển tiểu thuyết của tôi tất nhiên có nhiều cái mới cái lạ. Lạ từ đề tài, từ con người, từ cảnh ngộ, từ chi tiết, từ điều kiện sinh tồn. Nhưng tôi không chủ tâm săn lùng cái mới cũng không lấy cái lạ làm loá mắt người đọc. Cái mới cái lạ trong tác phẩm của tôi được trình bầy như cuộc sống tự nó vốn thế, đầy rẫy những chuyện như thế, chẳng qua chúng ta không nhìn thấy hoặc không được nhìn, không muốn thấy mà thôi. Tôi luôn nghĩ chiếc neo để tác phẩm neo đậu vào cuộc đời, neo đậu vào thời gian là trái tim, là tấm lòng người viết, là không giả dối, không uốn éo làm duyên, không khoe vốn sống, khoe kiến thức. Là sự giản dị. Là sự chân thành. Là hơi thở cuộc sống phả vào trang giấy. Là góp phần làm cho tâm hồn người đọc phong phú hơn, từng trải hơn, trái tim người đọc nhân ái hơn.

Trang giấy mỏng manh nhưng sống lâu hơn mọi đời người. Ít nhất phải lưu giữ được những cảnh ngộ, những cuộc đời đã chết, đang chết, đang biến mất, rồi đây sẽ không còn ai biết và nhắc đến. Trách nhiệm.

Lê Bầu luôn nhắc tôi về trách nhiệm:

– Tôi nói cho ông biết, chuyện tù là chỉ có hai người viết được thôi đấy. Ông và ông Hiên. Ông Hiên đi rồi. Còn mình ông thôi đấy.

Bầu nhắc đến tên mấy ông nhà văn nhà báo đi tù và lắc đầu:

– Mấy ông ấy không viết được nữa rồi. Chỉ còn ông thôi.

Nói theo cách của Châu Diên, còn nhõn tôi.

Nhiệm vụ của tôi thật nặng.

Khi tôi viết đến đoạn hút thuốc lào đêm, quy trình hút thuốc lào, về cái động tác xì tàn thuốc theo hình vòng cầu trúng đích cách xa hai mét và tiếp đó là câu “hắn đã đạt được trình độ xạ thủ ấy”, tôi đạp xe đến Hội Văn Nghệ gặp Nguyễn Quang Thân, hớn hở:

– Tao viết được rồi.

Tôi viết được rồi. Tôi tự tin vì đã hài hước được.

Tôi đã tách khỏi lực hút của người trong cuộc, và bình tĩnh khách quan kể lại chuyện oan ức của chính tôi như kể lại chuyện của ai đó, có vui có buồn, và bao giờ chả vậy, khi sự việc đã qua, được nhắc lại với những nét buồn cười. Sau này khi bản thảo hoàn chỉnh, đưa Dương Tường đọc, Dương Tường bảo tôi một câu mà tôi biết rằng mình đã đi đúng hướng:

– Phải tăng tối đa tính hài hước. Hài hước khác với chua chát. Những nhà văn lớn bao giờ cũng là những nhà hài hước.

Giống như Ý Nhi viết về sự hài hước sau khi đọc tôi: “… hài hước là một phần không thể thiếu cho một tính cách hoàn thiện.”  Nhưng tôi chẳng thể nào biến câu chuyện tôi kể thành một thứ chuyện hài, dù biết rằng kể những điều đau đớn dưới dạng hài thì tuyệt biết bao. Dương Tường còn bảo:

– Thiếu cảnh đánh bạc. Ông phải thêm vào cảnh đánh bạc trong tù.

Đó là một ý kiến thuyết phục. Tôi viết thêm đoạn đánh bạc, một đoạn mà sau này khi in ra, Nguyễn Trọng Tạo rất thích. Anh bảo:

– Nghiêng ngửa với cảnh đánh bạc của Stefan Zweig.

Những chi tiết đánh bạc là lấy từ người anh họ tôi. Anh Bùi Xuân Ngạc nguyên phóng viên đài truyền thanh Hải Phòng. Do đánh bạc nhiều, bài vở không hoàn thành, anh bị đình chỉ công tác. Một nhà máy đóng tầu nơi anh vẫn tới lấy tin viết bài, đã cứu anh, nhận anh về làm thi đua. Đọc Chuyện Kể Năm 2000, thấy mình trong đó, anh chẳng giận mà còn cười sảng khoái: “Chú viết về anh còn thiếu. Khi anh làm thi đua ở xưởng đóng tầu, giám đốc giao cho anh tiền tổ chức hội nghị thi đua, anh được nghỉ mấy ngày viết báo cáo và lo vật chất cho hội nghị. Đúng ngày dự định, đại biểu các nơi về, bộ tứ xí nghiệp không thấy thi đua chuyên trách với báo cáo đâu. Thế là hội nghị phải hoãn. Hỏi ra mới biết thi đua đánh bạc thua hết tiền tổ chức hội nghị rồi. Chưa hết. Sau kỳ ấy anh phải về hưu non. Chị Trinh — vợ anh Ngạc — làm ở Sở Văn Hoá, chạy vạy mãi mới xin cho anh được chân bán vé cho đoàn kịch nói Trung Ương về diễn ở Hải Phòng. Ngày ấy đoàn kịch nói về diễn là cả một sự kiện văn hoá. Bán được mấy tập vé thấy tiền nặng nặng, anh sập cửa ghi sê không bán nữa. Đi đánh bạc. Buổi biểu diễn phải huỷ. Họ kiện. Chị Trinh gần chết.”

Anh cười tiếp tục: “Vẫn chưa hết! Còn thế này nữa chứ. Sau đó chú Thành xin cho anh đi trông xe đạp. Thấy tiền thu được kha khá, anh bảo người trông xe cùng với anh là đi vệ sinh, nhưng hoá ra cầm tiền đi đánh bạc, đánh hết tiền mới về...”

Anh cười như cười trước một trò rồ dại của ai đó, chứ không phải của anh. Chuyện qua lâu lắm rồi. Anh đã ngoài tám mươi. Cười cho một thời trai trẻ. Chuyện này tôi cũng biết. Thế mà tôi quên mất. Thật tiếc.

Tôi viết. Những năm tháng đã qua lãng đãng sương giăng. Một cái gì thăm thẳm ẩn hiện gọi là quá khứ. Và trong màn giăng hun hút mờ ảo ấy, những chi tiết ló dạng, định hình. Tôi dần dần sống lại, đắm mình trở lại với những ngày tưởng đã đoạn tuyệt hẳn, tưởng mãi mãi nằm trong kỷ niệm và chết dần, biến mất dần trong quên lãng. Giờ đây chúng về với tôi, ập tới bao lấy tôi, ngấm vào máu thịt tôi, biến tôi thành một anh tù giam cứu, thành một người tù khổ sai không án. Cha mẹ tôi đều đã khuất. Tuổi trẻ của tôi, những gì tốt đẹp nhất của đời tôi không còn nữa. Bỗng thấy cuộc đời mình sao toàn những đắng cay. Nguyễn Kiên lúc còn làm giám đốc nhà xuất bản Hội Nhà Văn định in tập tiểu thuyết của tôi, nói với tôi khi hai chúng tôi thả bộ trên đường phố Nguyễn Du:

– Chỉ nguyên chuyện ông phải nhớ lại thôi cũng đã kinh khủng rồi. Cũng như đi tù một lần nữa rồi.

Đúng như Kiên nói. Khi ngồi viết tôi sống lại tất cả những khủng khiếp kinh hoàng đầu đớn và uất ức. Nhưng không chỉ có vậy. Còn hạnh phúc nữa. Hạnh phúc vì được viết về những gì mình đã trải, trung thực như vốn có, không uốn cong ngòi bút. Vì được viết về những người dưới đáy, những người cùng cảnh ngộ như tôi, cùng cuộc sống như tôi, những người mà nhà nước cũng như văn chương tảng lờ làm như không có, những người xứng đáng đứng ở vị trí trang trọng trên tượng đài những nhân vật văn học. Hạnh phúc khi nghĩ: Mình là nhà văn của những người như họ. Đã có hàng vạn người và sẽ có hàng vạn người như họ. Hạnh phúc vì được vén lên bức màn che phủ, hơn thế còn là người đầu tiên đưa một mảng hiện thực mới tinh khôi, tươi rói từ trong bóng tối ra ánh sáng. Hạnh phúc vì được viết về những tháng năm tuổi trẻ tươi đẹp nhất đời tôi, cái thời gió thổi cũng khác, mây bay và trời xanh cũng khác, cặp mắt mình ôm gọn cả vũ trụ. Hạnh phúc vì được viết về tình yêu tuyệt vời của tôi, về những người thân yêu của tôi: Cha mẹ vợ con anh em bè bạn. Hạnh phúc vì mong ước tưởng như hão huyền của tôi đang được thực hiện.

Cái hội chứng sống ba kiếp sống thời gian mới ra tù lại trở về. Không chỉ những ngày trong tù, tôi sống lại cả những ngày trước đó, những ngày chưa bị bắt. Những ngày đầu xanh tuổi trẻ, những ngày đi học ở Thái Nguyên, những ngày đi thanh niên xung phong tiếp quản thủ đô, mới bước vào đời biết bao hăm hở quyết tâm, tràn ngập lòng tin ở đảng, tràn ngập tình yêu cuộc sống. Và hạnh phúc với ý nghĩ thật may mắn được sống trong một thời đại như số phận sắp xếp cho mình. Và những người bạn tuyệt vời ở cơ quan báo cùng lứa tuổi, cùng ăn cùng ở, cùng lý tưởng, cùng khát vọng. Đó là chưa kể còn một người con gái như một em bé để mình yêu quý, để mình chiều chuộng ...Trong quá trình biến những ý nghĩ thành ngôn từ, tôi tự nhủ: Hãy hoàn toàn tự do. Thế mà nhiều lúc người vô hình vẫn ám ảnh trong tiềm thức. Khi thấy ông ta xuất hiện, tôi kiên quyết gạt ông ta đi ngay. Bình tĩnh. Cứ viết. Viết không nhằm mục đích in. Không làm văn chương chữ nghĩa. Hãy viết thật chân thực, giản dị. Và cẩn thận. Đừng để bị đi tù một lần nữa. Bởi vậy hãy viết sao cho không ai cãi được. Để khi đọc người ta thấy ngay đây là sự thật, một sự thật không thể bác bỏ hay bắt bẻ. Để chính ngay quan toà cũng không thể buộc tội được mình.([1])

Cho nên tôi không quan tâm đến hình thức mà người ta vẫn gọi là thi pháp của quyển tiểu thuyết và quên luôn những thứ trào lưu như hiện đại, hậu hiện đại, hiện sinh, hiện thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa... và cả chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đang rất được các nhà văn Việt Nam ngưỡng mộ. Với tôi, số một không phải là văn chương mà là một sự thật chuẩn xác, không bôi đen mà cũng chẳng tô hồng. Để những người hôm nay đọc, thấy mình trong đó. Để lớp con cháu sau này đọc, biết rằng đã có một thời như thế. Còn hình thức của quyển truyện, vẫn gọi là phần nghệ thuật, nó phụ thuộc vào nội dung. Nó phải chuyển tải được những điều tôi muốn nói với người đọc. Tôi nghĩ trong khi ở nhiều nước người ta chỉ nghĩ viết như thế nào thì chúng ta còn đang ở những bậc thang tít cùng bên dưới. Điều quan trọng nhất lại là viết về cái gì. Tôi không thể trông đợi trên cho phép tôi viết về cái gì mà tự mình giải quyết điều sơ đẳng ấy, bởi tôi nghĩ tự do là do mình giành lấy, chứ không phải ngồi chờ ban phát. Còn về mặt cấu trúc, văn chương, chữ nghĩa... nó phụ thuộc vào chuyện viết về cái gì. Viết như thế nào luôn phụ thuộc vào viết về cái gì. Về nghệ thuật, tôi sẽ cố gắng hết mình, đạt tới cái trần của mình như một nhà thể thao chuyên nghiệp khi thi đấu.

Tôi đã quên. Khi cầm bút viết, tôi mới biết mình đã quên rất nhiều. Thì tôi vào đầu bằng câu: Có những việc tưởng không bao giờ quên. Thế rồi hắn quên...

Có sao viết vậy. Thế thôi. Ngay khi viết xong mấy câu đầu tiên, tôi cảm thấy mình có thể tiếp tục quyển tiểu thuyết với giọng điệu này và sẽ thành công.

Với tôi, câu mở đầu rất quan trọng. Nó quyết định toàn bộ cách kể, giọng điệu kể sau đó cho tới hết quyển truyện. Không những thế, nó còn định vị thời điểm kể, định vị bố cục câu chuyện, định vị thái độ, tình cảm người kể. Câu đầu tiên của tôi đã xuôi, những câu sau cứ theo cùng một giọng, giọng kể rủ rỉ tâm tình về một câu chuyện đã qua. Nó hợp với tính cách tôi, hợp với nội dung câu chuyện của tôi. Tôi đã mở được cánh cửa để những chi tiết theo nhau vào trang giấy.

Và Kiên ơi! Hẳn Kiên chẳng thể ngờ rằng trong khi viết, rất nhiều lần mình nhớ về nhà tù một cách tuyệt vọng. Mình khao khát làm sao, một khát khao được sống lại những ngày ấy, được lê bước từ Vườn – Ngoài trại QN ra suối tắm. Được sột sệt lá sắn non. Được nghe anh tù người Nghệ An hát ví dặm trong đêm sơ tán B.52 ngoài lán trại VQ. Được nhìn thấy Sơn đứng như trời trồng trước cửa nhà mét, mắt mở to thôi miên ngọn đèn dầu đặt trên bậu cửa, khói tỏa ám vào tường như một bó hoa đen mà nhớ đến một câu của Marx: “Vả lại không có hoa mầu đen trong các loài hoa” và lẩm bẩm một mình: “Marx hãy vào đây với tôi. Có hoa mầu đen đấy, Marx ạ. Đó là thứ hoa dành cho những người khốn nạn nhất trên thế gian này

Hoặc chỉ một lần nhìn thấy đồi sắn lá héo nẫu, tôi bên này luống, Nguyễn Văn Phổ bên kia luống sắn xới xới băm băm. Nhìn thấy con đường vào trại QN, sát toán lò vôi, nơi ấy rẽ vào một chút, qua con suối là tới nghĩa địa tù, những chiều Thứ Bẩy người đi tiếp tế nườm nượp. Biết làm sao. Tôi đã là một ông già. Người già thường hay nhớ về tuổi trẻ của mình. Mà tôi chỉ có một tuổi trẻ ấy thôi. 

Cũng phải nói thêm về cái nhân xưng ngôi thứ ba Hắn mà tôi viết. Nó đã có trong Người ở Cực Bên Kia in trên Văn Nghệ. Hình như trong văn học sau cách mạng, tôi và Nguyễn Minh Dậu là những người đầu tiên dùng từ Hắn và từ Thị không với ý khinh miệt, lên án, mà để nói về những người đáng thương kể cả đáng kính trọng, một nhân vật chính diện chứ không phải phản diện, không phải một kẻ thủ ác mà một nạn nhân. Có thể ai đó đã viết về Hắn trước tôi nhưng chắc chắn tôi là người triển khai Hắn một cách toàn diện nhất, Hắn với những người bạn của Hắn, những Hắn khác trên nhiều mặt bằng, khẳng định sự tồn tại của rất nhiều Hắn hình thành cả một tầng lớp Hắn trong xã hội vẫn được coi là không có bi kịch, ưu việt tốt đẹp nhất này. Sau này trong quyển tiểu thuyết tự sự Thượng Đế Thì Cười, Nguyễn Khải cũng dùng từ Hắn để nói về mình, tôi cứ nghĩ vơ vào rằng ông Khải đã bắt chước tôi.

Trí nhớ tiếp tục làm việc. Người, việc, ngày, tháng, năm tiếp tục kéo về. Cả những câu nói rất đặc trưng như một thành ngữ: Tù nói tội nghe. Cá nhân tác chiến cá nhân bành… Những câu này mang đến bàn viết của tôi cả một thế giới, kéo về cả một quãng đời, một không gian sống làm tôi vừa sung sướng vừa nổi da gà như đang trong cơn sốt rét. Và tiếng thở dài của rừng sâu. Tiếng thở dài ấy tôi nghe rõ lắm. Trong một buổi đi lấy lá làm phân xanh, tôi đứng núp sau một lùm cây ngoài bìa rừng, nhìn ra nghĩa địa tù. Đó là một gò nhỏ ven suối, trơ sỏi, mọc cằn cỗi mấy gốc mua. Những nấm đất con con — dấu vết còn lại của những mộ tù. Đi làm đồi, làm nương, chúng tôi vẫn đi qua, chẳng có gì đáng để ý. Nhưng hôm ấy đấy là nơi đặc biệt. Xìn Cắm ([2]) có bộ râu và nụ cười trẻ thơ giống hệt Hemingway trong bức tranh Thọ Vân vẽ tặng tôi trước khi tôi đi tù — người thợ lò bát Móng Cái, người Hoa mãi võ từng thí võ ở Hà Nội không chỉ tặng tôi cái nắp ca mà còn cho tôi một miếng cao đòn khi tập võ mầu xanh thẫm, óng ánh như có rắn rết bên trong để tôi dán vào ống chân bị đau khi khiêng đá đắp đập ngăn suối. Xìn Cắm “một người đôn hậu và tuyệt diệu” chết đã được mấy ngày.

Vợ con Xìn Cắm đã vào trại từ tối hôm trước, ngủ ở nhà gặp mặt của trại. Khu nghĩa địa tù có một cái mả mới đắp vuông vức to lớn, đất núi đỏ au. Mộ của Xìn Cắm. Và bây giờ trước mắt tôi, vợ, con, cháu Xìn Cắm chít khăn tang đang bầy những mâm, những xôi, những thịt, những hoa quả lên mộ rồi thắp hương cắm lên mộ Xìn Cắm và cắm lên những mô đất xung quanh, những ngôi mộ hàng chục năm rồi không được một nhát cuốc sửa sang, đắp điếm, những mô đất như đang từ chối không chịu nhận mình là mộ. Rồi tất cả trở về ngồi quanh mộ Xìn Cắm, gục đầu yên lặng. Không một tiếng khóc. Chắc họ tuân theo những điều ông quản giáo đã dặn dò: Ra thăm mộ nhưng không được khóc!

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhìn rõ cảnh ấy.

Cảnh một đám người bụi bậm, tơi tả, chít khăn tang gục đầu quanh ngôi mộ đỏ au, kể cả một cháu gái chừng sáu, bẩy tuổi mặc áo hoa đỏ cũng gục đầu im lặng rất lâu như người lớn. Ông quản giáo đi theo dường như không muốn nhìn cảnh ấy, bước tới ruộng lạc gần đấy, ngắm đất, ngắm trời vơ vẩn.     

Tôi lắng nghe. Đúng là không một tiếng khóc nào phía trước mặt. Nhưng sau lưng tôi bỗng có tiếng thở dài. Tôi giật mình quay lại. Không có ai. Chỉ con suối hun hút trôi trong rừng rậm. Nhưng tiếng thở dài nghe thật rõ. Trầm. Là là mặt đất. Hun hút vào rừng. Tôi còn được nghe một lần nữa tiếng thở dài ấy của rừng. Trong buổi chiều một mình ở Vườn — khi nghe tiếng chim còn khổ mà Hắn đã nghe.

Những chi tiết ấy đột ngột đến, không hề nghĩ tới, bất chợt loé sáng, vút tới từ cõi mù mờ thẳm sâu của ký ức làm tôi sung sướng lạ lùng.— Đau khổ khi nó trở về với người tù, sung sướng khi nó trở về với người viết, và bây giờ tôi đang là người viết. Nó tiếp thêm niềm tin cho tôi, tiếp thêm quyết tâm cho tôi để tôi thức đêm, để tôi có thêm sức khoẻ ngồi bệt xuống sàn, còng lưng trên chiếc ghế xa lông gỗ gõ tới hai, ba giờ đêm rồi sáng ra trở dậy, ăn vội mấy gắp mì gia công chua lòm hay lưng bát ngô xay rồi nghiêng người xách xe xuống thang, đạp tới xí nghiệp. Hơn thế, nó còn gọi theo những câu chuyện khác những chi tiết khác về với cái đầu tham lam của tôi.

Tôi viết rất nhanh. Năm 1990 tôi còn đang đi làm. Công việc thi đua năm ấy khá nhàn. Nó có vẻ hơi khuya. Người ta không thiết thi đua nữa. Người ta gọi tôi là Nhà Thua Đi. Vả lại viết tin bảng đen và phát thanh tin tức trong xí nghiệp với tôi không phải là khó khăn. Tôi hay đọc thầm câu thơ Vladimir Mayakovsky mỗi khi ngồi bàn, lụi cụi viết tin thi đua: Những việc này con rận cũng làm xong. Rỗi là tôi viết tiểu thuyết. Tôi có thể viết bất kỳ ở đâu. Ngay tại bàn làm việc của tôi mỗi khi vắng sếp. Lên phòng công đoàn. Phòng công đoàn bao giờ cũng có người đi cơ sở hay lên Liên Đoàn Lao Động thành phố. Nghĩa là bao giờ cũng có một cái bàn, một cái ghế trống và tôi có thể ngồi vào đó. Ai cũng tưởng tôi viết báo cáo thi đua, viết tin phát thanh hay đang chuẩn bị thay tin mới trên bảng đen. Chẳng ai nhòm vào xếp giấy trước mặt tôi xem tôi viết cái gì. Mọi người vốn ngại đọc. Cùng làm nghề phong trào, anh em công đoàn rất thông cảm với tôi. Lê Xuân Thuỷ, phó chủ tịch công đoàn biết tôi trốn lên viết văn, càng tỏ vẻ chăm sóc tôi hơn: Khi chén trà, khi điếu thuốc...Ở nhà, tôi viết về đêm, viết trong những ngày lễ, ngày chủ nhật. Như thời còn làm báo trước đây.

Mùa hè năm 1990 ấy thời tiết rất nóng. Một mùa hè nóng bỏng. Tôi phải lấy nước mát trong tủ lạnh — cái tủ lạnh của vợ chồng Hải Yến chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn chưa mang đi được — hoặc hoà những viên đá với nước lã trong xô rẩy lên sàn nhà, rẩy lên bàn ghế một lúc rồi mới lau. Không làm như vậy, chẳng thể chạm vào thứ đồ gỗ nào trong buồng. Chạm vào là rụt tay lại.

B.N.T.



([1]) Tôi nghĩ đến toà án và cho rằng bây giờ nếu có bị bắt lần nữa chắc là được xử, và tôi sẽ đấu tranh để được ra toà chứ không phải nhận một tội nhẹ chưa đến mức xử mà chỉ ưu tiên tập trung cải tạo.

(2) Tôi giữ nguyên tên Xìn Cắm trong Chuyện Kể Năm 2000.

(Xem tiếp kỳ sau)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét