Nhãn

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Ký ức làng Cùa




                                       Ký ức làng Cùa

                                   Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

                                                           (Tiếp theo)
 


                             Chương sáu


                                                                  1


            Hơn một năm sau Khúc Thị Nhân mới từ Đậu Khê về làng Cùa. Đậu Khê là quê ngoại Khúc Kiệt. ở đấy ông ta còn một bà chị họ góa chồng. Nhìn thấy cô em, Khúc Luận lúc ấy chưa đầy mười ba tuổi nhưng đã thấy xốn xang trong lòng. Những biểu hiện giới tính của cậu ta phát triển quá sớm mà con gái ông chú thì lại đẹp rực rỡ như một bông hoa đồng nội còn hàm tiếu dưới nắng ban mai. Khúc Luận học trường huyện trông đã ra dáng một gã trống choai. Dạo này cậu ta đang được nghỉ hè, ngày nào cũng sang nhà Nhân giúp cô dọn dẹp.
Việc dựng túp lều đối với Nhân phức tạp hơn cô nghĩ vì không những thiếu vật liệu cần thiết mà bản thân cũng chưa từng làm quen với loại công việc này. Khúc Luận là chàng công tử bắt cào cào châu chấu, nghịch ngợm thành thần, nhưng để trở thành thợ mộc, thợ đấu hoặc lợp nhà thì xem ra còn tốn nhiều thời gian và cơm gạo. Lúc đầu Nhân nghĩ Khúc Luận có lòng tốt, thương cô em họ gặp hoạn nạn, nhưng dần dần thấy cậu ta có những biểu hiện của một kẻ si mê mình thì bảo:
- Từ mai anh phải ở nhà học, cứ lêu lổng là bác Cả đánh đòn.
Khúc Luận cười lấy lòng:
- Bây giờ đang nghỉ hè bài vở có gì đâu.
- Nhưng anh cứ sang bên này làm quẩn chân tôi.
- Nhân đuổi đấy à?
- Không dám. 
          Vào lúc ấy Lý Quỳnh sang. Nhà Lý Quỳnh với nhà Khúc Kiệt cách nhau không xa. Từ hồi mất cả vợ lẫn con, ông ta hay uống rượu rồi la cà khắp nơi trong làng. Nhìn thấy Ngô Quỳnh, Khúc Luận tức lắm, cậu ta hứ một tiếng rồi về, chẳng thèm chào một lời. Sáng hôm ấy, Nhân tắm sớm, chưa kịp mặc yếm thì Khúc Luận đã sang, đành phải khoác tạm chiếc áo cánh nâu, thành thử mỗi cử động, cặp vú tròn căng như hai trái dừa xiêm đánh đu trước ngực vô cùng khêu gợi. Thoáng nhìn cặp vú trinh nữ, người Ngô Quỳnh phút chốc như nổi gai. Ông ta cảm thấy phía trước như có dải sương mù chắn mất tầm nhìn. Trong cái khối bùng nhùng màu trắng đục như khói ấy hình như có mùi mồ hôi ngai ngái cùng với hương bồ kết nồng nồng từ mái tóc óng như mây chiều và chút sữa hoi hoi thấm qua lần áo mỏng. Ngô Quỳnh hít một hơi dài giấu vẻ lúng túng bởi những liên tưởng hoàn toàn không tương xứng với tư cách của một ông Lý trưởng xấp xỉ ngũ tuần, rồi mới ngập ngừng bảo:
- Tôi sang giúp cô làm lại gian nhà.

Thời nay không đọc là chết



          Thời nay không đọc là chết

    Truyện ngắn Từ Sâm

Tôi có thằng bạn, lâu không gặp nhau thì nhớ, mà gặp thì chào hỏi, bắt tay, bai bai không sao chứ năm mười phút tâm sự là bắt đầu sinh chuyện.
Y như vợ chồng thường cãi nhau thì sống với nhau cả đời, còn vợ chồng nào không cãi nhau một tiếng, mà đã cãi nhau rồi là to chuyện, có khi cãi nhau trước tòa không chừng. Tôi không bỏ nó, và nó cũng chẳng bỏ tôi. Nó làm ở Ban Tuyên giáo tỉnh. Đúng là trời sinh voi sinh cỏ. Nó học khoa Nuôi, tôi học Hàng hải cùng trường Đại học. Những năm tám mươi học nuôi trồng ra trường là thua vì người ta nuôi heo nuôi gà chứ làm gì nuôi tôm nuôi ốc như bây giờ.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt (Phần cuối)



Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt (Phần cuối)
Trần Văn Chánh

Xét tật người Việt hiện đại
Về việc xét tật mình để cầu tiến bộ cho dân tộc thì giới trí thức Việt Nam ta cũng đã có làm, coi như song song và cùng thời với Trung Quốc, chủ yếu từ đầu thế kỷ XX. Như ở một phần trên, chúng tôi đã tóm tắt lại những ý kiến nhận xét của các bậc tiền bối liên quan thói hư tật xấu của người Việt từ công trình sưu tập của nhà văn Vương Trí Nhàn, và cũng từ công trình có thể gọi đầu tiên và độc đáo này trong thời hiện đại, mặc dù chưa xuất bản chính thức chúng ta thấy giới trí thức Việt Nam hiện nay đã bắt đầu có không ít người chú ý đặt lại vấn đề đổi mới đất nước nhằm thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu theo hướng tiếp cận cội nguồn văn hóa, lịch sử vốn là nguyên nhân gây nên những thói hư tật xấu như là căn tính của người Việt để tìm cách sửa chữa từ căn bản, thay vì cứ tiếp tục công kích vào những hiện tượng tiêu cực xã hội lẻ tẻ cứ ngày một phát sinh, gia tăng, kéo dài, và hầu như vô phương cứu chữa.
Vũ Kiều Trinh, con gái nguyên Tổng Giám đốc Vũ Văn Hiến,  có "thành tích" 3 lần ăn cắp đồ ở siêu thị nước ngoài, nhưng vẫn được bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng biên tập Đài THVN

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

TỰ DO HAY LÀ CHẾT MỖI NGÀY !



TỰ DO HAY LÀ CHẾT MỖI NGÀY !

Trần Mạnh Hảo

 ( Viếng em trai con bà cô và đồng đội trong nghĩa trang quân đội Việt Nam cộng hòa Biên Hòa)
Hình như anh đã nhìn rõ em qua đầu ruồi súng AK bang gấp
Bóp cò nhanh
Viên đạn xuyên tim bà cô anh
Em chết !
Trận đánh Bù Đăng năm 1969 ác liệt
Anh em mình chĩa súng vào nhau
Hôm nay mẹ em dắt cháu trai đi viếng mộ con mình
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa 16 nghìn ngôi mộ
Tôi làm sao có đủ nhang
Thắp cho các anh một đời chưa đủ
Anh quỳ trước mộ em đẫm cỏ
Chưa dám nói thật với cô
Anh em mình bắn vào nhau đêm đó
Quân mình bắn giết quân ta
Núi xương sông máu mới là quê hương
Đưa dân tộc tới chân tường
Vào địa ngục ngỡ thiên đường quắt quay
Em nằm đây hóa đất này
Chết cho điều có thật
Là đất nước đắng cay
Anh cầm súng cho điều hoang tưởng
Cỏ như chợt khóc sương dày
Tàn tro nhang bật máu
Những nấm mồ trùng trùng đồi núi
Từng bia mộ
Nhú một bàn tay
Một vạn sáu trăm nghìn bàn tay
Giơ lên mặt đất này xin nói :
Tự do hay là chết mỗi ngày !
( Bài thơ rút trong sổ tay, viết tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa ngày 19-6-1990)
T.M.H.
Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp từ Sài Gòn

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt (Phần 2)



Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt (Phần 2)

Trần Văn Chánh

Nhìn sang nước “đồng văn”: người Trung Quốc xét tật mình
Các cụ ngày xưa thường gọi lân bang Trung Quốc là nước “đồng văn”, không chỉ vì Trung Quốc với Việt Nam đều cùng nằm trong khu vực Đông Á, mà còn có một số điểm tương đồng về mặt chủng tộc, văn hóa và tâm lý nữa.
Trong thời hiện đại, cả hai nước lại tiếp tục tương tự nhau về thể chế chính trị, nên thực tế mà nói, trong việc “xét tật mình”, Việt Nam cũng nên chịu khó tìm hiểu cách làm của Trung Quốc, để từ đó tham khảo, soi rọi lại mình.
Tương tự tình hình ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, các nhà Nho tiến bộ và trí thức tân học của Trung Quốc (như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Hồ Thích, Lỗ Tấn…) cũng đã từng làm cái việc cấp thiết ấy rồi, nhưng trong thời hiện đại thì chúng tôi chỉ muốn nhắc đến cuốn sách tiêu biểu Người Trung Quốc xấu xí (Xú lậu đích Trung Quốc nhân) của Bá Dương một thời gây xôn xao dư luận, đã có bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Hồi Thủ ở Paris năm 1998. Bản dịch ra tiếng Nhật cũng rất được người Nhật quan tâm theo dõi. Sách gồm 3 phần: 1) Những bài nói chuyện; 2) Những bài viết; 3) Những bài phê bình (của người khác) về hai phần đầu. Tác giả sinh năm 1920 ở Trung Quốc, sang định cư Đài Loan từ năm 1949, từng bị Đài Loan cho ngồi tù 10 năm vì tội “phạm thượng”. Ông được nhiều người biết đến như một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, và nhất là nhà viết lịch sử thông tục. Quyển sách nêu trên của Bá Dương là tập hợp bản thảo những bài diễn giảng trong một số trường hợp công khai khác nhau, từ năm 1977, nhưng những bài viết và diễn giảng của ông phát biểu ở hải ngoại thì đều chú trọng nói huỵch toẹt ra những mặt xấu xí cũng như căn tính kém cỏi của người Trung Quốc.

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Em bé gái trên Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972

Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.



Em bé ngày xưa, nay là Trung Tá Kimberly M. Mitchell
Em bé ngày xưa, nay là Trung Tá Kimberly M. Mitchell

Vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, một em bé 4 tháng tuổi nằm trên xác mẹ trên Đại Lộ Kinh Hoàng; em đang trườn người trên bụng mẹ tìm vú để bú nhưng mẹ đã chết từ bao giờ. Một người lính Quân Cụ chạy ngang, bồng em bé bỏ vào chiếc nón lá rồi chạy qua cầu Mỹ Chánh, trao lại cho một Thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến đang hành quân.

Bao năm trôi qua, em bé mồ côi mẹ nay trở thành Trung Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ còn người Thiếu úy TQLC sang Hoa Kỳ theo diện HO nay đang định cư tại tiểu bang New Mexico. Hai người vừa gặp nhau sau 41 năm bặt vô âm tín. Ngày Thứ Ba 2 tháng 4, 2013 vừa qua, nhân dịp sang California dự lễ cưới, người Thiếu Úy TQLC này đã kể cho phóng viên Viễn Đông câu chuyện cảm động và ly kỳ ngay tại khách sạn nơi ông đang tạm cư ngụ.

Người Thiếu Úy TQLC tên là Trần Khắc Báo. Vào thời điểm 1972 ông còn độc thân và phục vụ tại Đại Đội Vận Tải Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, được biệt phái sang Phòng 4 của Sư Đoàn làm sĩ quan phụ trách chuyển vận. Vào sáng 1 tháng 5 năm 1972, Thiếu Úy Báo được lệnh cấp trên, cùng một số đồng đội mở cuộc hành quân để giúp di chuyển Tiểu Đoàn 7 TQLC ra khỏi vùng vừa bị thất thủ thuộc tỉnh Quảng Trị vì một số đông quân nhân bị thất lạc không tìm thấy vị chỉ huy của họ. Ngoài ra, ông cũng xin lệnh giúp di tản các Quân, Dân, Cán, Chính khác đang tìm đường chạy về phía nam sông Mỹ Chánh là nơi quân đội VNCH còn đang trấn giữ; ông được cấp trên chấp thuận.

Trăng nghẹn



Trăng nghẹn
(Tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi thơ Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2009)

         

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Thơ Trần Mạnh Hảo



Làm dâu
Thơ Trần Mạnh Hảo

Lời tác giả : Từ năm 1945 đến nay, có 5 cuộc chiến tranh đã đi qua trên đất nước khổ đau của chúng ta. Một số người phương Tây tưởng nhầm Việt Nam chỉ là các cuộc chiến tranh, không phải là một đất nước. Hàng mấy chục triệu đàn ông, thanh niên Việt ngã xuống cho những điều giờ này vẫn chưa có : độc lập, tự do, dân chủ, công bằng hạnh phúc…Những tử sĩ đã chết tại chiến trường nhưng những người mẹ, người vợ, người yêu của họ sẽ mãi gánh chịu nỗi đau thương vô bờ ấy. Bài thơ này tác giả xin kính tặng những người đàn bà Việt Nam bao thế hệ đã làm dâu cuộc chiến tranh, lấy chiến tranh làm chồng.
Chị làm dâu cuộc chiến tranh
Hòa bình khóc kẻ chưa thành lứa đôi
Hứa hôn với lính lâu rồi
Nghĩa trang chị bạc tóc ngồi làm dâu
Giá ngày xưa kịp lấy nhau
Giờ này chắc đã con đầu bằng anh
Đất sâu đợi rỗng tiểu sành
Mộ chưa có cốt rừng xanh gửi hồn
Mỗi khi chim lợn kêu dồn
Khói hương khấn gió Trường Sơn tìm mồ
Đêm về đội lén khăn xô
Thương người nằm khoác ba lô mối đùn
Tay sờ ảnh mộ còn run
Xin thương rế rách chổi cùn chiến tranh
Gọi thầm nấm đất bằng anh
Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm chồng
T.M.H.
Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp từ Sài gòn

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Yêu Pu quá cơ!




                      Yêu Pu quá cơ!



 Nguồn: trannhuong.com



Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt



Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt

Trần Văn Chánh

Bài viết của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của sở Công nghệ và Khoa học Thừa Thiên Huế – Trích tạp chí số 3/4-2014
 (Phần 1/3)
Mở đầu
Thời gian gần đây, nhiều người được biết đến câu chuyện một nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật do nghi ngờ xách lậu hàng ăn cắp về Việt Nam. Văn phòng của Vietnam Airlines tại Tokyo bị lục soát, tổ bay bị điều tra, cảnh sát Nhật nói họ nghi ngờ có khoảng 20 nhân viên của hãng hàng không này liên quan đến vụ xách lậu (xem báo Tuổi trẻ, số ra ngày 27/3/2014). Chuyện tưởng nhỏ nhưng liền sau đó trở nên lùm xùm, nhưng không phải đối với người Nhật, mà lại đối với người Việt Nam. Báo chí trong nước lên tiếng. Người ta cho đây là hành động gây tiếng xấu chung cho uy tín người Việt.
Thật ra, chuyện người Việt khá thường ăn cắp đồ tại các siêu thị ở Nhật hay ở một số nước khác không mới lạ. Ông Tai Odaka, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ (31/3/2014), cho biết người Việt (gồm cả người lao động xuất khẩu và người định cư) hay ăn cắp một số đồ vật như xe máy, máy ảnh, máy quay phim, mỹ phẩm…, và khi bị cảnh sát bắt thường chối tội không chịu khai thật (khác với người Nhật quen khai thật). Người ta hỏi ông Odaka nghĩ gì khi ngày càng nhiều người nói đến cụm từ “người Việt xấu xí” thì ông tế nhị không trả lời thẳng, mà nói quanh co bằng cách so sánh một vài tính cách khác biệt giữa người Việt Nam với người Nhật (như người Nhật có thói quen giữ vệ sinh trong ăn uống hơn, tôn trọng giờ giấc hơn, trong giao tiếp nói nhiều câu “cám ơn” hơn…).
Nói “không mới lạ” vì chuyện người Việt có thói quen ăn cắp vặt từ lâu đã “nổi tiếng” ở nước ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Hà, một độc giả tham gia diễn đàn “tính xấu người Việt” trên báo Tuổi trẻ, kể lại: “Năm tôi học tiểu học, tức đã 50 năm trôi qua, tròn nửa thế kỷ. Thầy tôi, thầy Huỳnh Quốc Tuấn, dạy Pháp văn nổi tiếng thời đó, đi Pháp về và ông đã chia sẻ: ‘Đi sang Pháp thầy thấy nhục nhã quá. Ngay trên bãi biển… (thầy có nói tên nhưng tôi quên rồi) có hàng chữ “Coi chừng người ăn cắp vặt Việt Nam” (Attention aux voleurs Vietnamiens). Thầy cho biết người Việt nổi tiếng ở Pháp về thói ăn cắp vặt. Câu chuyện đó tôi nghe và quên đi… Giờ đây, qua báo chí tôi đã biết trên thế giới ngoài nước Pháp còn có những cảnh báo về thói xấu này. Tại sao nhiều người có tính “táy máy” đến vậy?” (Tuổi trẻ, số ra ngày 13/4/2014).

Ký ức làng Cùa (tiếp theo kỳ trước)



                                  Ký ức làng Cùa

                             Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

                                           Chương năm
                                                           (Tiếp theo)
 
Quân Nhật rút đi, Lý trưởng Ngô Quỳnh tập hợp đám Trương tuần cùng cánh tá điền bắt đầu tìm kiếm, thu lượm các xác chết. Đã cuối tháng chín nhưng trời vẫn còn nắng gắt. Khắp nơi đâu đâu cũng bốc mùi lợm giọng bởi làng Cùa hầu như đã thành một bãi tha ma. Phó tổng Lê Bang, sau hôm trốn sang Mạc Điền giờ mới dám về. Ông ta điều từ làng Đậu, làng Bối Khê gần sáu chục dân phu sang giúp Lý Quỳnh. Luỹ tre dày quanh làng vẫn còn nguyên vẹn nhưng toàn cảnh bên trong thực sự là một bãi chiến trường. Không ai có thể đếm chính xác được thi thể các đội viên Áo đen cũng như dân làng Cùa trừ bọn lính Nhật tử thương đã được tên quan Hai[1] ra lệnh mang đi. Bà con chết cháy hoặc bị đạn lạc nhiều vô kể. Những người bị cháy thân hình biến dạng đến mức khó có thể nhận ra. Cánh phu đòn, cứ hai người một, khênh họ ra nghĩa địa trên những chiếc võng đay. Trời bỗng chuyển gió tây nam, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Nhiều người cởi áo làm khăn quấn ngang miệng để đỡ nôn oẹ. Các nạn nhân bị đạn hoặc kiếm Nhật chém phải, qua một ngày một đêm đã trương phềnh, nằm thẳng đuỗn trên võng. Theo nhịp bước người khênh, một thứ nước vàng rất khó ngửi, cứ nhỏ giọt đều đều trên đường từ làng ra bãi tha ma. Sau cơn hoả hoạn, người ta không thể kiếm được áo quan cho những người xấu số. Ngay cả chiếu cói cũng chỉ còn hơn chục chiếc. Những ngôi mộ phần lớn nông choèn được lấp một cách vội vàng, không bát cơm quả trứng và không một nén nhang. Anh em dân phu làm thật nhanh để còn về làng đi chuyến khác. Đêm hôm ấy làng Cùa hoàn toàn yên ắng thậm chí không có cả tiếng gà gáy nhưng ngoài bãi tha ma thì lại vô cùng nhộn nhịp bởi những tiếng gầm gừ của lũ chó hoang. Vùng Ba Tổng xưa nay nổi tiếng lắm chó hoang. Chúng cư ngụ ở miễu[2] cò Đài Sơn bên Mạc Điền, số khác tụ tập hàng đàn hàng lũ trong rừng Hóp, đánh hơi thấy mùi tử khí liền kéo nhau đến làm cuộc đào bới trên quy mô lớn ở nghĩa địa đồng Chó Đá. Những ngôi mộ mới chôn san sát chẳng theo hàng lối nào nổi lên thành một vùng trắng bệch dưới ánh trăng hạ tuần. Những con chó hoang chân dài, mõm nhọn như mõm cầy xạ, không khó khăn gì trong việc lôi xác chết ra khỏi các ngôi mộ chôn cất sơ sài. Một con chó già rụng sạch lông đầu, hai tai dỏng cao như tai thỏ vớ được chiếc cẳng chân của một đứa trẻ văng ra sau cuộc ẩu đả của hai con đốm choai choai. Nó cố sức kéo lê miếng mồi ra xa để tránh bị cướp giật rồi nằm xuống bắt đầu gặm. Ngôi mộ Chánh tổng Cao Lộng bị cả một bầy vằn vện khai quật bằng cách dùng hai chân trước ra sức bới đất. Chỉ sau vài phút, cái xác đã lộ ra. Chúng chẳng khách sáo gì, nhất loạt lao vào cắn xé bằng những hàm răng trắng nhởn, nhọn hoắt sắc như dao cạo. Một con nhay đứt gân cánh tay, tha được đến chỗ lão chó già lập tức bị gã lông xám mõm ngắn nhưng rất dữ tợn nhe nanh ra cướp mất. Thế là một cuộc ẩu đả đẫm  máu hoàn toàn mang phong cách của loài khuyển bắt đầu. Chúng tạm thời bỏ xác chết, lao vào nhau trong cơn kích động cuồng loạn của những kẻ khát máu. Bãi Chó Đá rộ lên những âm thanh gầm gừ phát ra từ cổ họng của loài thú hoang hiếu chiến, tiếp theo là hàng loạt tiếng sủa chói tai, nghe âm âm như tiếng vọng của lũ chó ngao gầm thét dưới cầu Nại Hà hau háu chờ những tội nhân bị ngã xuống dòng sông Âm Phủ. Gã chó xám đã rút khỏi cuộc ẩu đả, tha khúc ruột dài lòng thòng moi được từ ngôi mộ chung nhà Trương Dật, chợt nhìn thấy vành trăng khuyết, đỏ như máu, vội bỏ mồi nghếch mõm tru lên mấy tiếng nghe như tiếng loài sói gọi đàn rồi mới tiếp tục thưởng thức món ăn vừa kiếm được.
Lũ quạ đánh hơi người chết rất sớm nhưng chúng chỉ dám chờn vờn bên ngoài vì sợ bọn chó hoang. Nhưng cũng có con đói quá, liều mạng nhảy vào mổ những miếng thịt rơi vãi trên mặt đất sau những trận hỗn chiến của lũ bốn chân. Cũng như bầy chó hoang dưới đất, loài chim chuyên ăn xác chết từ khắp nơi kéo về, bay loạn xạ trên trời, nháo nhác gọi nhau chuẩn bị cho một đêm dạ tiệc. Những con quạ đen thui vô cùng tinh ranh đập cánh loang loáng dưới ánh trăng đã bắt đầu bợt bạt vì trời sắp sáng. Chúng lượn lờ vài đường rồi bất ngờ cụp cánh rơi xuống như viên đạn đại bác, quắp vội được miếng gì đó rồi lại lao vút lên theo hình vòng cung. Con chó xám mõm ngắn vừa nhai khúc lòng vừa gầm gừ xua đuổi đồng bọn, nhưng không ngờ kẻ trộm lại là lũ quạ lắm điều trên cao. Nó vừa nhả mồi sủa mấy tiếng cảnh cáo hai con chó gié có cái đầu tròn ung ủng như chiếc gáo dừa thì một con quạ khoang to đùng, cái mỏ bè ra như hai gọng kìm sà xuống nẫng gọn phần còn lại của bộ lòng bay lên. Con chó xám tức lắm, tung hai chân trước làm một cú nhảy khá cao, sủa váng lên. Nhưng con quạ đã thoát hiểm, bóng của nó cùng với miếng mồi vẽ thành một vệt loằng ngoằng ngay chỗ con chó ngồi. Lúc này hẳn đã no nê, lũ chó tha những khúc xương ống chân ống tay vứt lung tung khắp nơi trên bãi tha ma, nô giỡn một lúc rồi mới tản mát về sào huyệt. Bây giờ mới thực sự là dạ yến của bọn quạ. Hầu như không còn con nào ngó nghiêng trên trời. Tất cả lũ chúng, cả quạ đen lẫn quạ khoang đều đủ mặt. Chúng nhảy lò cò, túm năm tụm ba háo hức tận hưởng thứ thịt người vung vãi khắp nơi mà lũ chó hoang bỏ lại. Đàn quạ đông đến mức gần như thứ màu đen xỉn bẩn thỉu của chúng phủ kín toàn bộ khu mả mới. Quạ là loài chim vốn lắm điều nhưng lúc này nghĩa địa lại hoàn toàn yên lặng. Nguồn thức ăn khá dồi dào. Trời vẫn còn mờ tối, con người vẫn chưa thể phát hiện ra lũ ăn cắp xác chết. Trăng lạnh và sương đang thấm ướt cỏ cây. Một đêm hiếm hoi ngàn năm có một như thế, việc gì phải bắt chước lũ chó cãi nhau giành mồi.

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Thơ Phạm Lam Hà



Phạm Lam Hà, quê Thanh Miện,  Hải Dương, là bạn cũ của ĐVS từ khi còn làm việc ở Công trường Cầu đường Cao Bằng, Sơn La những năm 1965, 1968 của thế kỷ trước. Lam Hà vốn là kỹ sư giao thông, từng rong ruổi khắp mọi nẻo đường đất nước nhưng lại có niềm đam mê văn chương cháy bỏng. Thơ anh chứa đầy tâm sự cũng những trăn trở về nhân tình thế thái.
ĐVS xin trân trọng giới thiệu chùm thơ Phạm Lam Hà viết như là một trải nghiệm với bao nỗi buồn vui  trên cõi đời gió bụi này…
            
                                                              ĐVS


  Chợ tình

  Lán lá chông chênh sườn dốc
                          Lũ ngựa thả rông
                          Nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng
                          Chợ Khau Vai
                          Năm một lần mới họp
                          Chợ đông, rất đông
                          Người bán người mua lại ít
                          Xênh xang áo váy đủ màu
                          Chảo Thắng cố sôi – vòng ngồi nêm chặt
                          Ngả nghiêng chóe rượu khèn bè!
                          Chợ đông, rất đông
                          Người bán người mua lại ít
                          Ngực Thổ cẩm căng tròn
                          Ô xòe che nghiêng – Góc riêng giữa trời giữa đất
                          Trời cứ xanh cao
                          Núi cứ xanh cao!
                          Mẹ xuống chợ gặp người yêu cũ
                          Cha về hẹn bạn tình xưa
                          Chẳng ghen tuông rình rập bao giờ
                          Bóng núi lan chùm
                          Bầu trời rất lạ
                          Chợ Khau Vai năm một lần mới họp
                          Chợ một phiên – Tình nặng một đời!
                                                           Hà Giang, 3 - 1966


Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Cuộc chiến ngôn ngữ

 Cuộc chiến ngôn ngữ

Nguyễn Vũ
Thứ Năm,  22/5/2014, 17:28 (GMT+7)
Phóng to
Thu nhỏ
Add to Favorites
In bài
Gửi cho bạn bè

(TBKTSG Online) - Sáng sớm đã nhận những thư không vui. Thư của một nhà khoa học từ miền Tây (vì chưa xin phép nên chưa tiện nêu tên):
“Tôi mới ở Úc về, bên đó thấy mấy đài CNN, BBC đều chiếu cảnh công nhân Trung Quốc nằm trên băng ca được đưa từ máy bay xuống… mà không thấy cảnh tàu Trung Quốc hung hãn xịt vòi rồng vào các con tàu nhỏ của mình ngoài biển Việt Nam. Anh coi làm thế nào để các đài CNN, BBC có băng hình để họ đưa tin khách quan hơn. Công tác tuyên truyền của ta yếu quá!”.

Có chính nghĩa, nhưng đơn độc thì chỉ... thiệt thân



Có chính nghĩa, nhưng đơn độc thì chỉ... thiệt thân

Trần Nghĩa Sơn

 (GDVN) - Thời thế thay đổi thì tư duy mỗi con người cũng phải thay đổi. Ở tầm mức quốc gia cũng vậy...
Sự kiện Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ngày 1/5/2014, đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân cả nước, của người Việt khắp năm châu và dư luận quốc tế.
Ngày 7 tháng 5 năm 2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tuyên bố: "Quyết định của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan dầu cùng với nhiều tàu của chính phủ lần đầu đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam là hành động khiêu khích và gây ra căng thẳng". Phía Hoa Kỳ gọi đây là "hành động đơn phương" của Trung Quốc theo cách "làm giảm hòa bình và ổn định trong khu vực".
Ngày 9 tháng 5, sáu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gọi hành động của Trung Quốc là "gây hấn", "gây rắc rối" và "đe dọa tự do thương mại toàn cầu".

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Cần xem xét lại việc điều chuyển một giáo viên già có nhiều đóng góp cho nhà trường



Cần xem xét lại việc điều chuyển một giáo viên già có nhiều đóng góp cho nhà trường

Vừa qua báo Kinh doanh & Pháp luật nhận được đơn kêu cứu của ông Đõ Huy Tấn, nguyên là giáo viên dạy Toán của trường THCS nguyễn Trãi ở phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tố cáo những việc làm sai trái của ông Đỗ Văn Hoà - Hiệu trưởng, nên ông đã bị điều chuyển về dạy tại trường THCS Lê Lợi. Bất bình với cách giải quyết đó ông Tấn đã làm đơn kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ba lần gửi đơn đến chủ tịch tỉnh và rất nhiều lần gửi đơn đến các phòng, ban của thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương để giải quyết sự việc.
Sai phạm của Hiệu trưởng dẫn đến khiếu kiện kéo dài
Khi sát nhập hai trường THCS Bến Tắm và trường THCS Bắc An thành trường THCS Nguyễn Trãi, do ông Đỗ Văn Hòa làm Hiệu trưởng. Năm 2012, ông Đỗ Huy Tấn là giáo viên dậy bộ môn Toán của trường, đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý giáo dục của Ban giám hiệu nhà trường như: Sai phạm về quy chế bộ môn, vi phạm nguyên tắc thu chi tài chính… Ông Tấn đã làm đơn tố cáo việc làm sai của ông Hòa đến các cơ quan.
Theo tìm hiểu của PV, năm học 2013 - 2014, trường THCS Nguyễn Trãi được giao kế hoạch là 18 lớp với 644 học sinh, mà hiện tại trường có 45 giáo viên biên chế nên thừa 4 biên chế, 02 biên chế sẽ về hưu vào tháng 10/2013 và tháng 01/2014, còn lại thừa 01 biên chế là giáo viên dạy môn toán và 01 giáo viên dạy môn ngoại ngữ. Nhà trường đã nhiều lần họp bàn về công tác điều chuyển giáo viên sang trường khác để đảm bảo quy chế. Chủ trương thì rất đúng theo văn bản chỉ đạo của Phòng giáo dục thị xã Chí Linh đưa ra, nhưng Ban giám hiệu Nhà trường đứng đầu là Hiệu trưởng Đỗ Văn Hoà lại đưa ra các tiêu chí để xét điều chuyển không khách quan nhằm đẩy ông Tấn vào diện cần điều chuyển. Theo tiêu chí xét thuyên chuyển của giáo viên dôi dư trường Nguyễn Trãi thì diện ưu tiên không thuyên chuyển là: bản thân là thương, bệnh binh, con liệt sĩ, gia đình quân nhân, 55 tuổi với nam, 50 tuổi với nữ, đã công tác vùng sâu vùng xa theo quy định của nhà nước từ 5 năm trở lên, giáo viên có bệnh hiểm nghèo theo quy định của bộ y tế.
                      Cổng trường THCS Nguyễn Trãi, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh
Tại các buổi họp, ông Tấn đã trình bày các lý do khó khăn về bản thân, nhưng ngày 31/10/2013, chủ tịch UBND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, ký quyêt định số 545/QĐ - UBND điều chuyển ông Tấn về dậy tại trường THCS Lê Lợi. Ông Tấn nhận quyết định điều động công tác tại Trường THCS Lê Lợi, cách nhà 10km. Trong khi ông Tấn có hoàn cảnh rất khó khăn, thể trạng yếu, đang mang trên mình bệnh thần kinh toạ, rất bất lợi khi đi lại, di chuyển nhiều. Về mặt chuyên môn, ông Tấn là người duy nhất trong nhóm tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán hệ chính quy, ông là đảng viên, có 28 năm đứng trên bục giảng, vinh dự được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, không vi phạm quy chế, hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ, về thời gian, ông Tấn chỉ còn 6 tháng nữa là đủ 55 tuổi, thuộc độ tuổi miễn điều chuyển công tác.
Sau khi tiếp nhận đơn thư của ông Tấn, phòng Giáo dục thị xã Chí Linh đã tiến hành xác minh các nội dung tố cáo của ông Tấn, đồng thời chỉ ra nhiều sai phạm của trường như; chưa thực hiện công khai đầy đủ, kịp thời các nội dung quy chế đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà trường tổ chức thu nhiều khoản tiền thoả thuận với cha mẹ học sinh, như tiền hỗ trợ bảo vệ, tiền quỹ khuyến học, tiền trông xe đạp... không sát với thực tế, dẫn đến thu thừa nhiều (tiền trông xe đạp dư trên 50%). Thậm chí, khoản tiền chi trả cho bảo vệ đã được cấp từ ngân sách địa phương, nhưng nhà trường vẫn tổ chức thu. Việc nhà trường tăng thu nhập đã phần nào tạo gánh nặng cho học sinh và phụ huynh lo trang trải kinh tế, áp lực học tập. Cũng theo đơn tố cáo của ông Tấn, đoàn thanh tra Phòng GD& ĐT thị xã Chí Linh, đã làm rõ sai phạm của ông Hoà, chỉ đạo sử dụng quỹ của phụ huynh học sinh đóng góp chi khen thưởng cho cán bộ, giáo viên là trái quy định. Nhà trường trả hơn 5 triệu đồng trợ cấp thôi việc cho giáo viên Nguyễn Thị Thu Hiên, không đúng quy định, sai phạm về bố trí cho 2 giáo viên phụ trách đồ dùng, dạy ít tiết hơn so với quy định... Ông Hoà còn bị tố, khi tổ trưởng chuyên môn đã xếp loại ông Tấn là khá, nhưng ông Hoà đã tự tay gạch "khá" mà ghi vào đó là "trung bình"...
Trách nhiệm của các cấp quản lý
Sau khi tiếp nhận đơn thư của ông Tấn, nhiều cơ quan báo chí đã cử PV về tìm hiểu sự việc trên. Trao đổi với PV, trước việc làm sai trái của ông Đỗ Văn Hòa - Hiệu trưởng, trường THCS Nguyễn Trãi, bà Nguyễn Thị Phượng – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cho biết; khi biết sự việc trên Phòng GD&ĐT thị xã Chí Linh đã cử đoàn thanh tra để làm rõ những vấn đề mà ông Tấn đã tố cáo ông Hòa. Đoàn đã có biên bản kết luận những việc làm sai của ông Hòa và đã có hình thức khiển trách… Bà Phượng còn cho biết thêm: Sức khỏe và những cống hiến cho trường của ông Tấn mà điều chuyển ông Tấn đi xa là không nhân văn và khách quan. Trước khi điều chuyển ông Tấn; bà Phương đã tham mưu cho Chủ tịch thị xã Chí Linh cần xem xét lại trường của ông Tấn…
Báo Kinh doanh & Pháp luật xin chuyển những thông tin trên và đề nghị lãnh đạo UBND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Phòng nội vụ, phòng GD&ĐT xem xét và giải quyết dứt điểm sao cho vừa hợp lý vừa hợp tình nhằm tránh khiếu kiện kéo dài đảm bảo sự trong lành của môi trường giáo dục và quyền lợi chính đáng của ông Tấn - Người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người ở nơi đây.
P.V

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Đổi mới toàn diện Giáo dục – Một việc chưa thể thực hiện



Đổi mới toàn diện Giáo dục – Một việc chưa thể thực hiện

                                                                            Nguyễn Đình Cống

Gần đây chúng ta nói nhiều đến đổi mới toàn diện nền giáo dục. Thực ra gọi là sửa chữa sai lầm thì đúng hơn. Tuy vậy, dù là sửa sai hoặc đổi mới thì cũng chưa thể làm thành công được vì rằng những điều kiện thật sự cần thiết cho việc đó chưa có. Chúng ta có thể có nghị quyết, có kinh phí, có đường lối, có chương trình nhưng những cái ấy chỉ là phụ. Cái cốt lõi nhất, quan trọng nhất, cần thiết nhất hiện thời chưa có được.
Một “thắng lợi lớn” của Giáo dục VN là nghị quyết “ Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tưởng rằng với nghị quyết đó giáo dục sẽ phát triển tốt đẹp, không ngờ càng ngày nó càng phạm nhiều sai lầm. Tại sao vậy? Tại vì trong lúc những mặt tiêu cực, mặt hạn chế của giáo dục chẳng những vẫn còn nguyên mà còn phát triển thêm thì nghị quyết đó chẳng qua chỉ là sự thỏa hiệp tạm thời của 2 lực lượng. Một bên là một số nhà khoa học, thấy rõ sự quan trọng của giáo dục nhưng không có quyền hành, họ chỉ có khả năng yêu cầu cấp trên ra nghị quyết.

Đọc tập Thơ Việt ở Đức



     Đọc tập Thơ Việt ở Đức
 (NXB Vipen-CHLB Đức)

                                                     Phương An Nguyễn Thụy Kha

Nhân về nước đón tết Giáp Ngọ 2014, nhà thơ Thế Dũng hiện sống ở Đức đã tặng tôi tập “Thơ Việt ở Đức” khá dày dạn gần 500 trang. Cầm tập thơ, tôi nóng lòng muốn đọc ngay xem tâm sự của những tác giả xa xứ xem sao. Đọc một mạch, nhận thấy chảy mạnh mẽ trong toàn tập thơ là những vần thơ ngăn ngắt nỗi ly hương.
Hơn 70 tác giả, hơn 70 giọng thơ khác nhau, nhưng vẫn chung nhau một nỗi nức nở thương nhớ quê hương. Có người chân chất dãi bày, có người điêu luyện bút pháp, song tựu chung, len lỏi giữa những chữ nghĩa vẫn róc rách một ẩm ướt đầy vơi. Đó là một đêm chia tay ở Hòn Gai: “Đêm chia tay mưa bay/ Nước mắt từ mái nhà rơi xuống” (“Chưa trở về phố xưa nơi dốc đứng” của Đặng Ngọc Thanh). Đó là một “Ký ức xuân quê” của Đặng Khắc Thìn: “Trái tim nhảy nhót rộn ràng/ Gõ vào ký ức lòng càng đê mê”. Đó là một âm hưởng kiểu “Thượng thanh khí” của Hàn Mặc Tử: “Linh cảm trời Nam hồn theo mây gió/ Cứ đêm đêm lại mải miết quay về” (“Mộng du” của Đặng Thị Hương). Đó là “Tình phụ tử” của Đào Hùng Vương: “Mẹ im lặng ngước nhìn con không nói/ Nước mắt rơi chảy ngược ở trong lòng”. Đó là niềm ân hận không nguôi: “Con trót thành người xa xứ/ Quay về đò đã sang sông” (“Con trót thành người xa xứ” của Đinh Vũ Long). Và nỗi day dứt chiến tranh cũng của tác giả này: “Hôm nay chẳng thấy bạn đâu/ Chỉ một trận đánh ngàn sau không còn” (“Nhiều khi ta tự hỏi”). Vẫn ký ức rồi lại ký ức của Hoàng Khoa Toán: “Không phải như mơ mà như đang thức/ Ký ức xưa mãi mãi trong hồn” (“Ký ức xưa mãi mãi trong hồn”). Rồi thổn thức một nỗi nhớ Hà Nội: “Hà Nội của tôi những đêm cuối tuần hò hẹn/ Người yêu thương xa như con thuyền rời bến/ Chỉ khát khao mong ước trở về” (“Hà Nội ơi ta mãi mến yêu người” của Hoàng Long). Hay cách vân vi về nỗi buồn kiểu Thi Hoàng “có những buổi chiều chẳng biết cất vào đâu”: “Có những nỗi buồn chẳng biết bỏ vào đâu/ Nên cứ chạy bên em suốt chiều dài năm tháng” (“Có những nỗi buồn chẳng biết bỏ vào đâu” của Hoàng Yến Anh).
Đọc “Thơ Việt ở Đức”, thấy thêm nhiều chia sẻ với những tâm hồn góc bể, chân trời. Vừa đồng cảm với Lê Hoài Phương trong “Ước nguyện ngày đông”: “Co ro từng bước trong đời tuyết/ Bỗng thấy lòng mình sao chơi vơi”, lại thoắt rung động cùng Lê Lương Cẩn trong “Giao thừa”: “Phòng yên lặng nhưng ngoài trời nổi gió/ Phòng ấm hơi nhưng lạnh lẽo ghê người”. Những câu thơ như thế này ở 70 tác giả, tác giả nào cũng có. Nhưng giữa đội ngũ đông đảo ấy, vẫn nhận ra những tác giả có giọng thơ đáng chú ý. Rất đáng trân trọng những thi ảnh của Huy Thắng:
    Tôi về muộn quá rồi ư?
Trời xanh trong vắt cứ như không trời
 (“Lỗi hẹn mùa thu”)

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

SỰ HÓA GIẢI TẠM THỜI CỦA TRÍ TUỆ ĐỨC ĐỐI VỚI CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ.



SỰ HÓA GIẢI TẠM THỜI CỦA TRÍ TUỆ ĐỨC ĐỐI VỚI CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ.
 (Tùy bút nhân đọc Những ngày cuối tuần Tiểu thuyết của Bernhard Schlink –Edition VIPEN xuất bản năm 2014 )
                   Thế Dũng
1.Khi sử liệu trở thành nhân vật tiểu thuyết.


Năm 2008, tiểu thuyết về số phận của những kẻ khủng bố bí mật  của Bernhard Schlink, một tiểu thuyết gia  ăn  khách lại đã gây ra nhiều tranh  luận. Bản chất những  xung đột nội tâm chất chứa trong thiên tiểu thuyết này là cuộc tranh cãi căng thẳng tại Đức về việc ân xá cho các tên khủng bố của nhóm tội phạm RAF vốn đã  đạt tới đỉnh điểm vào năm 2007. Trong khi Brigitte Mohnhaupt*được trả tự do hưởng án treo vào tháng Ba thì đến tháng Sáu năm 2007, Tổng thống CHLB Đức đã bác đơn xin ân xá của Chritian Klar*.
Theo Bách khoa toàn thư mở thì RAF là một tổ chức khủng bố bí mật thuộc phe cực tả được thành lập vào ngày 14 tháng 05 năm 1970. Trong Tuyên ngôn của mình, nhóm RAF đã tự nhận họ là một lực lượng du kích cộng sản. RAF muốn theo gương của những người kháng chiến Nam Mỹ, đặc biệt là của Tupamaros tại Uruguay. Họ ( RAF) muốn lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang bí mật như là”du kích trong thành phố” để chống lại “chế độ” nhà nước tư bản đang cai trị và Chủ nghĩa Đế quốc Mỹ, qua đó tăng thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng trên thế giới. Đến tháng 4 năm 1998, năm mà các cơ quan điều tra của CHLB Đức đã thừa nhận quả thật RAF đã tự tuyên bố giải thể thì nó đã phát triển tới thế hệ thứ Ba. Ngày 20 tháng 04 năm 1998,  RAF đã  công bố việc tự giải thể trong một tuyên bố 8 trang. Trong đó có đoạn:” Trước đây gần 28 năm, vào ngày 14 tháng 05 năm 1970, RAF thành hình từ một vụ giải phóng. Chúng tôi chấm dứt dự án này ngày hôm nay. Du kích thành phố dưới hình thức RAF giờ đây đã trở thành lịch sử”.  
Nhà văn Bernhard Schlink
Kết cuộc những vụ khủng bố và bắt con tin của RAF đã làm cho 34 yếu nhân bị giết và nhiều người bị thương. Hai mươi thành viên của RAF cũng đã bỏ mạng như là một sự trả giá. (vi.wikipedia.org/wiki/phaihongquan)

Thế rồi một trong số những kẻ sát nhân và bè bạn của hắn đã đã trở thành những nhân vật tiểu thuyết. Thật hiếm ai theo sát thời cuộc được như Luật sư kiêm tiểu thuyết gia Bernhard Schlink; nhất là trong khi ông vẫn không ngừng nhận diện quá khứ RAF và lịch sử trí tuệ Đức với kỳ vọng thấu suốt cả những biến cố đương thời lẫn những thân phận xưa cũ. Khi sử liệu đã trở thành các nhân vật tiểu thuyết có nghĩa là người đọc nên cảm nhận Những ngày cuối tuần bằng một cảm quan lịch sử.
2. Sự toan tính thực dụng của người chị ruột.
Tiểu thuyết bắt đầu bằng cuộc hội ngộ trong ngày Thứ Sáu, ngày tự do đầu tiên của cựu tù nhân thuộc thế hệ đầu tiên của RAF và ngưng lại vào buổi chiều  Chủ nhật.
Sau 24 năm tù, Jörg – một kẻ thuộc tổ chức khủng bố bí mật thuộc phe cực tả (RAF- tiếng Đức:Rote Armee Fraktion-tiếng Việt: Phái Hồng quân) từ những năm 70 của thế kỷ trước được thả trước hạn nhờ lệnh ân xá của Tổng thống CHLB Đức.

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Một nguyên thủ mạnh & một quốc gia mạnh



Một nguyên thủ mạnh & một quốc gia mạnh

Huy Đức

Ngày 3-4-2014, trong "lễ thượng kỳ", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến khái niệm một "quốc gia mạnh" và, cái cách ông đứng trên nóc tàu, một tay chống nạnh, một tay vẫy đám đông, bên cạnh một cựu nguyên thủ phải ôm cột giữ thăng bằng, gợi ý hình ảnh một quốc gia mạnh cũng tương đồng với một nguyên thủ mạnh.
Một nguyên thủ mạnh
Tàu ngầm chỉ phát huy tác dụng khi nó lặn sâu chứ không phải khi nó nổi lên. Chính trị Việt Nam cũng như biển khơi. Một nguyên thủ mạnh không chỉ là người biết xây dựng hình ảnh trước công chúng mà còn phải là một người biết kiến tạo tương lai cho mình và cho chính công chúng ấy.
Một nguyên thủ đưa được nhiều người thân, nhiều "em út" vào các vị trí trọng yếu, thâu tóm được nhiều quyền lực và tiền bạc chỉ được coi là một nhà độc tài. Một nguyên thủ coi mọi người dân đều là người của mình, thiết kế được một nhà nước mà ai ngồi vào cũng rất khó tham nhũng, khó lạm quyền; kiến tạo được những nền tảng dân chủ để quốc gia vẫn phát triển ngay cả khi không có mình, nguyên thủ ấy mới đáng được coi là nguyên thủ mạnh.
Một nguyên thủ mà đất nước cần vào lúc này phải là một nhà cải cách. Muốn trở thành một nhà cải cách phải có đủ khát vọng và trí tuệ. Chỉ những người có khát vọng dân chủ mới có đủ dũng cảm để từ bỏ đặc lợi, đặc quyền. Chỉ những người có đủ trí tuệ mới có thể tập hợp lực lượng và chuẩn bị một lộ trình vững chắc. Chưa có ý chí chính trị (cải cách), chưa thiết kế lộ trình chính trị thì chưa thể nào "thông điệp".
Độc tài & Dân chủ
Những cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok hay được những người ngại thay đổi nói đến như những con ngoáo ộp dân chủ. Trong khi, Singapore lại thỉnh thoảng được đưa ra như một ví dụ êm ái khi bào chữa cho sự độc tài.
Nhưng, Singapore chỉ là một "citi-state" và Thái Lan mới chỉ là một quốc gia đang ở trên đường đi đến dân chủ. Quyền lực nhà nước Thái vẫn đang khi nặng về vương quyền, khi nghiêng về pháp quyền. Trong những xung đột chính trị, quyền đưa ra "phán quyết" cuối cùng thường là quân đội chứ không phải là tối cao pháp viện.

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Luận văn Nhã Thuyên: tiếng nói của một số người trong cuộc



Luận văn Nhã Thuyên: tiếng nói của một số người trong cuộc
Nguyễn  Hiếu Quân thực hiện


           Luận văn Thạc sĩ “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan (dưới đây gọi tắt theo tên phổ biến hơn là Luận văn Nhã Thuyên – LVNT) đang được dư luận quan tâm đặc biệt, nhất là khi Luận văn này được một Hội đồng thẩm định lại và sau đó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP HN) ra quyết định số 667/QĐ-ĐH SP HN không công nhận Luận văn này. Nhận thấy sự kiện LVNT có nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với một số người trong cuộc, bao gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Bình (Khoa Ngữ Văn, ĐHSP HN) – giáo viên hướng dẫn khoa học luận văn; và hai thành viên trong vai trò phản biện thuộc Hội đồng chấm LVNT: PGS.TS Ngô Văn Giá (Đại học Văn hóa HN), TS. Chu Văn Sơn (Khoa Ngữ Văn, ĐHSP HN). Cuộc phỏng vấn này, như độc giả thấy, có thể coi là sự lên tiếng chính thức đầu tiên trước công luận, điều vốn rất được nhiều người chờ đợi, của những người không chỉ liên quan, hiểu rõ LVNT mà còn có tri kiến nhất định về đời sống văn học, văn hóa, giáo dục Việt Nam hiện nay. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự hợp tác chân thành, nghiêm túc của các ông/bà có tên trên và đồng thời, hi vọng độc giả đón nhận bài phỏng vấn này trong tinh thần đối thoại thấu đáo, đẹp đẽ.

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Sư phạm Đại học, Ngữ Văn Khoa tạp phú



 Sư phạm Đại học, Ngữ Văn Khoa tạp phú



Hà Nhân

Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió văn chương
Lướt bể chơi trăng thi phú
Sớm tìm hiểu chừ tích truyện người xưa
Chiều lần thăm chừ thơ ca hiện đại
Thơ loạn, thơ Điên, cùng là Sáng tạo
Xuân thu, Dạ đài, sánh với cách tân
Nơi có người đi
Đâu mà chẳng biết.


Thế mà
Nhân bọn lý luận quốc doanh gây nỗi phiền hà
Để trong nước lòng khách thơ oán giận
Chuyện Nhã Thuyên li kì đại học nhà ta
Nhóm Mở Miệng xôn xao làng văn chính thống
Giấc mộng tự do học thuật chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều
mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết
bèn giữa dòng chừ ngồi suy nghĩ
học Đỗ Phủ chừ bày đặt đau đời

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Tái cơ cấu thiết chế văn nghệ: nhiệm vụ khả thi



Tái cơ cấu thiết chế văn nghệ: nhiệm vụ khả thi

       Lại Nguyên Ân
 
Nhà phê bình Lại Nguyên Ân


Ít năm gần đây người ta hay nói tới “tái cơ cấu”, song chỉ mới nói tới lĩnh vực kinh tế. Tuy vậy, nếu bàn đến những lĩnh vực như văn hóa văn nghệ, nhất là về mặt thiết chế, tôi nghĩ thiết chế văn hóa văn nghệ, văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện tại cũng cần được tái cơ cấu, tương tự nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước hiện tại.
Sở dĩ ở đây nhắc đến khu vực kinh tế, ít ra là vì, thiết chế văn hóa văn nghệ dưới thể chế VNDCCH và CHXHCNVN vốn có sự tương đồng khá mật thiết với sự xác lập nền kinh tế quốc doanh hóa, tập thể hóa diễn ra suốt từ những năm 1950 ở miền Bắc rồi từ 1975 trong toàn quốc, và chỉ đến giữa những năm 1980 đầu 1990 mới ngừng lại rồi chuyển sang đổi mới, mở cửa, áp dụng kinh tế thị trường. Nói ngắn gọn về thời kỳ dài ấy, chúng ta gói nó vào thuật ngữ “thời bao cấp”, dù đó chỉ là cách gọi ước lệ.