Nhãn

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt



Tổng thuật thói hư tật xấu người Việt

Trần Văn Chánh

Bài viết của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển của sở Công nghệ và Khoa học Thừa Thiên Huế – Trích tạp chí số 3/4-2014
 (Phần 1/3)
Mở đầu
Thời gian gần đây, nhiều người được biết đến câu chuyện một nữ tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật do nghi ngờ xách lậu hàng ăn cắp về Việt Nam. Văn phòng của Vietnam Airlines tại Tokyo bị lục soát, tổ bay bị điều tra, cảnh sát Nhật nói họ nghi ngờ có khoảng 20 nhân viên của hãng hàng không này liên quan đến vụ xách lậu (xem báo Tuổi trẻ, số ra ngày 27/3/2014). Chuyện tưởng nhỏ nhưng liền sau đó trở nên lùm xùm, nhưng không phải đối với người Nhật, mà lại đối với người Việt Nam. Báo chí trong nước lên tiếng. Người ta cho đây là hành động gây tiếng xấu chung cho uy tín người Việt.
Thật ra, chuyện người Việt khá thường ăn cắp đồ tại các siêu thị ở Nhật hay ở một số nước khác không mới lạ. Ông Tai Odaka, một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam hiện đại, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ (31/3/2014), cho biết người Việt (gồm cả người lao động xuất khẩu và người định cư) hay ăn cắp một số đồ vật như xe máy, máy ảnh, máy quay phim, mỹ phẩm…, và khi bị cảnh sát bắt thường chối tội không chịu khai thật (khác với người Nhật quen khai thật). Người ta hỏi ông Odaka nghĩ gì khi ngày càng nhiều người nói đến cụm từ “người Việt xấu xí” thì ông tế nhị không trả lời thẳng, mà nói quanh co bằng cách so sánh một vài tính cách khác biệt giữa người Việt Nam với người Nhật (như người Nhật có thói quen giữ vệ sinh trong ăn uống hơn, tôn trọng giờ giấc hơn, trong giao tiếp nói nhiều câu “cám ơn” hơn…).
Nói “không mới lạ” vì chuyện người Việt có thói quen ăn cắp vặt từ lâu đã “nổi tiếng” ở nước ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Hà, một độc giả tham gia diễn đàn “tính xấu người Việt” trên báo Tuổi trẻ, kể lại: “Năm tôi học tiểu học, tức đã 50 năm trôi qua, tròn nửa thế kỷ. Thầy tôi, thầy Huỳnh Quốc Tuấn, dạy Pháp văn nổi tiếng thời đó, đi Pháp về và ông đã chia sẻ: ‘Đi sang Pháp thầy thấy nhục nhã quá. Ngay trên bãi biển… (thầy có nói tên nhưng tôi quên rồi) có hàng chữ “Coi chừng người ăn cắp vặt Việt Nam” (Attention aux voleurs Vietnamiens). Thầy cho biết người Việt nổi tiếng ở Pháp về thói ăn cắp vặt. Câu chuyện đó tôi nghe và quên đi… Giờ đây, qua báo chí tôi đã biết trên thế giới ngoài nước Pháp còn có những cảnh báo về thói xấu này. Tại sao nhiều người có tính “táy máy” đến vậy?” (Tuổi trẻ, số ra ngày 13/4/2014).

Câu chuyện xấu hổ liên quan cô nữ tiếp viên hàng không trên kia còn làm nhắc nhớ một câu nói nổi tiếng cách nay mấy năm, hồi năm 2008. Trong một bài phát biểu của ông Ngô Quang Kiệt (Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội) khi họp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông đã tình thật phát lên câu nói dẫn đến việc chính quyền và các cơ quan truyền thông tại Việt Nam bắt bẻ, đặt vấn đề về lòng yêu nước của ông, cũng là thêm một lý do phụ để người ta thu xếp cho ông được nghỉ ngơi sớm hơn so với kế hoạch: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ!”.
Ông Ngô Quang Kiệt hẳn có suy nghĩ tốt, nhưng chắc do cách diễn đạt mà bị hiểu nhầm (?). Ý ông chỉ buồn rằng người Việt ở nước ngoài đã làm không ít việc tai tiếng ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong con mắt người nước ngoài, nên Việt Nam cần phải phấn đấu nhiều nữa để khắc phục những tính cách, lối ứng xử chưa phù hợp với tập quán của nền văn minh hiện đại trong một thế giới đã toàn cầu hóa.
Nói về tính cách xấu, thì có lẽ một trong những tính cách xấu gần gũi nhất của người Việt Nam nói chung và của các nhà chức trách Việt Nam nói riêng là tính “tốt khoe xấu che”: không chịu nhận những sự thật phũ phàng, đi liền với việc phô trương và thường phóng đại quá lẽ những mặt được/ tự coi là tốt, mà sự kiện bị bắt bẻ của ông Tổng Giám mục nêu trên cũng là một trong những thí dụ rất sinh động, cụ thể.
Từ gần thế kỷ trước, ngay trong quyển Việt Nam sử lược (in lần đầu năm 1919), phần đầu sách viết về “Người Việt Nam”, cụ Trần Trọng Kim đã đưa ra những nhận xét về tính cách tốt, xấu của người Việt theo kiểu chân thật thấy sao viết vậy, nhưng trong một bản in tái bản vào năm 1999, một nhà xuất bản nọ đã biên tập cắt bỏ hết những đoạn “nói xấu” về người Việt, chỉ giữ lại phần “hơi xấu” hoặc “tốt”. Đối chiếu lại nguyên văn thì thấy ngay phần nhận xét “xấu” đã bị cắt bỏ: “Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác…” (xem Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa-Thông tin, 1999).
Nhận xét khá đúng, nhưng vì tâm lý vẫn muốn che tránh những sự thật “bất lợi” nên người ta phải biên tập bỏ bớt. Nên nhớ rằng, các cán bộ biên tập nhà xuất bản tùy tiện làm như thế chẳng phải không lý do, mà do họ đã được đào tạo kỹ nên lúc nào cũng sợ bị quy kết sai quan điểm lập trường dân tộc hay lập trường giai cấp này khác, với hậu quả tai hại là nếu làm sai ý cấp trên, nhiều khả năng họ có thể bị phê bình, thậm chí cách chức. Ở đây, còn lộ ra thêm khuyết tật người công chức Việt Nam luôn nơm nớp lo sợ, thiếu trung thực, và thường phải giữ kỹ ý tứ để bảo vệ nồi cơm thay vì hành động, quyết định theo đúng lương tâm chức nghiệp của mình.
Những thái độ “dè dặt” trong mấy câu chuyện kể trên, thật rất khớp với câu nói khá nổi tiếng của nhà văn-nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”.
Ngày nay, đọc khắp các sách biên khảo và giáo khoa của Việt Nam được biên soạn trong suốt hơn nửa thế kỷ (chủ yếu từ sau 1954), đặc biệt về các môn chính trị, sử địa, văn học…, không đâu thấy có một chữ nào nêu lên tính cách xấu của người Việt, nước Việt, trái lại đọc tới đâu cũng thấy toàn “con Rồng cháu Tiên”, “bốn ngàn năm văn hiến”, “rừng vàng biển bạc”, “nhân dân ta rất anh hùng”, (đều là những tiểu mục ở đầu sách Sổ tay văn hóa Việt Nam của Trương Chính, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1978), “yêu nước, yêu lao động, hy sinh, dũng cảm, bất khuất…”… Đây là cách chỉ muốn dạy cho học sinh thấy toàn một chiều về mặt tốt của đất nước, con người mình, mà che bớt đi các mặt khuyết điểm. Kết quả là các thế hệ trẻ đã nhận thức sai lệch, từ đó sinh ra ảo tưởng về đất nước, con người Việt Nam, nên cứ thế người trong cả nước an nhiên sống bay bổng, tưởng dân tộc mình là thần thánh trăm trận trăm thắng, như đã từng đánh bại oanh liệt hai, ba đế quốc hùng mạnh hàng đầu thế giới vậy.
Ở đây, trước hết đã có một nhận thức phiến diện về lòng yêu nước và cách yêu nước. Vì yêu nước đã thường được dạy, được hiểu chủ yếu gắn với tinh thần bất khuất, hy sinh dũng cảm chiến đấu thắng lợi vẻ vang, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…, thay vì lẽ ra nên nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh yêu nước ở lòng tự trọng, ước muốn hoàn thiện bản thân-rèn luyện nhân cách, ý thức chấp hành bổn phận và kỷ luật…, thể hiện qua những hành vi bình thường hằng ngày của công dân.
Tính ra như vậy, trong khoảng 60 năm nay, những người đương thời và đương cuộc đã chẳng chịu học hỏi gì nhiều ở các cụ tiền bối cách mạng đi trước, từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục (1908), với phương châm “khai dân trí, chấn dân khí” như của cụ Phan Châu Trinh, trên cơ sở phản tỉnh (tự xét lại), phản tư (suy nghĩ lại), trước hết tự xét lại mình về các mặt khuyết điểm để từ đó sửa chữa tiến bộ, thoát khỏi tình trạng lạc hậu, nỗ lực phấn đấu theo kịp đà phát triển chung của văn minh thế giới.
Tuy nhiên, để rạch ròi chuyện tốt, xấu, cũng cần xét lại một số định nghĩa và khái niệm. Đại khái, cần phân biệt giữa tính cách xấu hay thói xấu với những tính cách/ tập quán tuy mang ý nghĩa tiêu cực có vẻ chống lại sự tiến bộ nhưng không hẳn đã xấu. Các cụ trí thức thời trước, chủ yếu vào khoảng đầu thế kỷ XX, sau khi tiêm nhiễm Tây học hoặc được đọc qua các “tân thư” dịch từ sách Tàu, thường có thái độ mặc cảm nhìn lại người Việt Nam thấy cái gì cũng xấu, hoặc hễ trái với kiểu sinh hoạt tiến bộ của phương Tây là xấu. Tuy thái độ tự phê phán trung thực này về cơ bản là tốt, cần thiết, nhưng cũng có chỗ hơi quá đà, chưa thấy hết tính cách/ đặc điểm riêng biệt đương nhiên giữa các dân tộc, do những điều kiện khác nhau về phong thổ, khí hậu, địa lý, dân số, hoàn cảnh sống và mức phát triển kinh tế, khoa học-kỹ thuật quy định.
Chẳng hạn, từ năm 1913, trên Đông Dương tạp chí, cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) có loạt bài viết “Xét tật mình”, trong có nội dung chê người Việt Nam có tật “gì cũng cười”, thì cái “tật” này tuy có khác với phong cách dân một số nước châu Âu nhưng chưa chắc đã là tật xấu thật. Hoặc như vài cụ khác đồng thời với cụ Vĩnh, chê người Việt Nam mê làm thơ, thích uống rượu, có óc tri túc hiếu cổ, coi thường nghề mua bán…, thì những tính cách này cũng không hẳn xấu đâu. Chúng chỉ có thể ngăn cản phần nào óc phấn đấu tiến bộ như kiểu Tây phương thôi, trong khi sự tiến bộ một chiều theo mô thức Tây phương chưa chắc đã đem lại những hệ quả hoàn toàn tốt đẹp về hạnh phúc và sự an toàn cho loài người, như chiến tranh thế giới, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi sinh, biến đổi khí hậu, tai nạn tàu-xe-máy bay…, phần lớn đều là hậu quả khốc hại ngày càng tăng và vô phương cứu chữa của nền khoa học-kỹ thuật, kinh tế và sản xuất do các nước Âu Mỹ dẫn đầu. Giả định ngược lại, một xứ sở đa số gồm những người thích uống rượu ngâm thơ và tri túc hiếu cổ thì lại khác… Cho nên, trong một số trường hợp (phần nhiều có tính lý thuyết và do giả định), vài thứ tính cách bị coi “khuyết điểm” có khi lại cần thiết cho đời sống con người để lập thế thăng bằng với những trạng thái vượt tiến quá đà khác.
Ngoài ra, còn một số tính cách khác, khó phân định tốt xấu, như tính phung phí không biết cần kiệm kiểu công tử Bạc Liêu của người Việt Nam Bộ. Nếu chơi với bạn, chắc ai cũng thích bạn sẵn sàng phung phí với mình, thay vì dè sẻn, nên không cần kiệm về một mặt khác/ ý nghĩa khác cũng là đức tốt của người hào sảng rộng lượng. Trái lại, tùy theo thái độ phung phí, tính này cũng có thể bị coi là khoe mẽ, ngông cuồng, có hại cho sự nghiệp làm ăn lâu dài. Tương tự như vậy, một người không có ý chí phấn đấu vì cho trần gian chỉ là cõi tạm phù du, thì thái độ “vô vi” này của anh ta chưa chắc đã xấu, nếu không muốn nói có khi còn tỉnh táo, minh triết nữa là khác! Cho nên, cái gọi thói xấu người Việt hay “người Việt xấu xí” trong vài trường hợp bị nêu ra chỉ có ý nghĩa tương đối, vì thật ra đó chỉ là những tính cách hạn chế bị coi tiêu cực, gây trở ngại chung cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế trong thời hiện đại. Còn những tính cách thật xấu xí, phải kiên quyết khắc phục, chỉ nên hiểu bao gồm những thói tật không chỉ gây trở ngại cho sự tiến bộ xã hội mà còn vi phạm khế ước xã hội cũng như xúc phạm đến những mối tương quan thuộc về con người.
Một điều khác nữa có lẽ không nên quên là tập quán và nền văn minh, hay nói chung văn hóa, vốn không có một tiêu chuẩn chung nhất định cho mọi dân tộc. Theo Claude Lévi-Strauss (1908-2009), nhà nhân chủng học-dân tộc học-triết gia Pháp đặt nền móng cho Cơ cấu luận (Structuralism) từ những năm 50 của thế kỷ trước, thì “các nền văn hóa khác biệt chỉ là những biến tấu trên cùng một chủ đề, và đều đáng kính trọng như nhau, bởi vì không có một tiêu chuẩn hợp nhất nào cho phép ta kết luận rằng cái này là cao hơn cái kia về mọi mặt, để biện minh cho việc sắp xếp chúng trên một bậc thang tiến bộ duy nhất cả” (xem Phạm Trọng Luật, “Từ ‘Sự đụng độ giữa các nền văn minh’ và nhân chủng học nhìn lại chủ nghĩa tương đối văn hóa”, Đại học Văn hóa Hà Nội, huc.edu.vn).
Ngay trong nội bộ một quốc gia, một dân tộc, nói về tính cách tốt, xấu, cũng không có sự đồng nhất giữa các vùng miền. Ở những nơi đất rộng người thưa tài nguyên phong phú thì người dân thường có tính rộng rãi, hơi lười, ít chú ý tiết kiệm… và ngược lại. Theo Sơn Nam, “So với Bắc và Trung phần thì Nam phần là nơi dễ sinh sống. Người dân thảnh thơi ‘vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn’” (Cá tính miền Nam, Nxb Trẻ, 1997, tr. 7). Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa-phong tục Toan Ánh (1916-2009), vì là người gốc Bắc vào Nam sinh sống và làm việc rất sớm, nên ông đã có những nhận xét khá chính xác về đặc điểm đất nước, con người Nam Bộ: “Có thể nói rằng ở đây thò tay ra chỗ nào cũng có tiền. Vườn dừa bát ngát, vườn chuối mênh mông… Dừa, chuối hái xuống, chất đống bên đường, không người coi cũng không sợ mất… Miền quê ở đây, ít có trộm đạo… Ấy là vì đời sống ở đây dễ dàng nên người dân không phải vật lộn tranh đấu, không cần lo đến ngày mai, không biết phòng xa, không có cái lối ‘chín xu đổi lấy một hào’” (Người Việt đất Việt, Nxb Trẻ, 2003, tr. 462).
Có người đem những câu tục ngữ của người Việt để kể tật xấu người Việt, cho rằng “tục ngữ cũng là tấm gương phản chiếu những tật xấu, nhân sinh quan của một bộ phận người Việt” (xem Nguyễn Đức Dân, “Làm trai cứ nước hai mà nói”, báo Tuổi trẻ, 9/4/2014). Cách làm này hay nhưng xem ra cũng chưa mấy được công bằng, vì một câu nêu lên tính xấu luôn có hai mặt, trong đó có mặt để phê bình chính tính xấu đã nêu ra, hoặc thậm chí dùng để khen. Như nói “Của người Bồ tát, của mình lạt buộc” là một thói xấu, nhưng cũng dùng để phê phán thói xấu đó của những kẻ có tính ích kỷ, bủn xỉn. Câu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tùy theo ngữ cảnh sử dụng, khi thì để chê kẻ ngu chuyên ôm những việc bao đồng thiên hạ vào mình, khi thì để khen người có tính vị tha, biết quan tâm tới cộng đồng và công việc, nỗi lo toan của người khác. Những câu khác như “Đánh chó phải ngó chủ”, “Gió chiều nào che chiều ấy” (cốt sao được an toàn), thường chỉ có ý nghĩa dạy khôn, trung tính, mà dùng để chê bai như một tính xấu, vẫn được.
Một số tác giả viết về phong tục, tính cách người Việt cũng thường chủ quan, qua việc quy nạp chưa đủ căn cứ, khi họ khảo sát tập quán xấu hay tốt của một cộng đồng vùng miền nào đó rồi quy chung cho cả người Việt. Tình trạng này thường thấy xảy ra ở những tác giả gốc Bắc, như Phan Kế Bính (với Việt Nam phong tục), Nhất Thanh (với Đất lề quê thói)… trong khi tính cách, phong cách sống của người Việt miền Bắc có một số đặc điểm không giống với người Việt miền Trung và Nam Bộ. Như vậy, trong cái chung vẫn có cái riêng. Tác giả Sơn Nam viết Cá tính miền Nam (Nxb Trẻ, 1997) cũng là “nhằm khẳng định cái riêng, sự đa dạng phong phú được bắt nguồn từ cái chung cội nguồn của tính cách con người Việt Nam…” (trích “Lời nói đầu”). Ngoài ra, trong cộng đồng dân tộc Việt Nam cũng cần phân biệt dân tộc Kinh (3 miền) với 53 dân tộc ít người khác (gồm cả người Hoa, người Khmer) với đặc điểm khác nhau của từng dân tộc mà một số thói hư tật xấu của người dân tộc Kinh lại có thể và thường không có ở những dân tộc khác (như ăn cắp vặt, cờ bạc…). Nói chung, chỉ ở những nơi đất chật người đông, người khôn của khó thì thói hư tật xấu mới có xu hướng và nhiều cơ hội để phát triển.
Một câu nói vui nhưng rất hay, “Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”, cho thấy ngay trong một khu vực địa lý như nhau vẫn có những tính cách con người hoàn toàn khác nhau, nên việc xác định tính cách chung của vùng miền cũng chỉ có tính tương đối. Phần nhiều phải nói, “đa số”, “phần lớn”… chứ không thể vơ đũa cả nắm hết được.
Nhìn chung, để xác định cái nào là căn tính cố hữu của người Việt là không dễ, vì tính cách con người có thể thay đổi theo thời gian, không gian (vùng miền), điều kiện chính trị (chế độ phong kiến, dân chủ cộng hòa, dân chủ xã hội chủ nghĩa…, chính sách cai trị tốt hay xấu của từng chế độ), điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, điều kiện giáo dục (trình độ học vấn)… Có những tính cách khoảng một trăm năm trước là phổ biến nhưng nay đã không còn, hoặc thậm chí thay đổi ngược lại, như óc thương mại… Nhưng vài tính cách khác, như óc mê tín dị đoan, ưa cờ bạc, thích học giỏi để thi đậu làm quan… thì người Việt bây giờ nói chung vẫn chưa khác xưa là mấy. Vì thế, có lẽ chỉ những tính cách hoặc thói xấu có tính lâu bền, vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến đến ngày hôm nay mới đáng gọi là căn tính của người Việt, mà những căn tính này hay thói xấu này thì cũng không bất di bất dịch. Chúng vẫn có thể thay đổi trong tương lai vài chục hay vài trăm năm tùy theo những điều kiện lịch sử cụ thể và ý thức phản tỉnh của dân tộc.
Sau hết, trước khi liệt kê, khảo sát thói xấu/ tính xấu của người Việt, tưởng cũng cần phân biệt ý nghĩa khác nhau của một số danh từ có ý nghĩa gần giống nhau và dễ lẫn lộn: tính, tính cách, tính khí, tính tình, cá tính, tập tính, dân tộc tính, đức tính, lối sống, nếp sống, nhân cách, phong cách, bản sắc, nét đặc trưng, phong tục, tập quán, thói, tật, bệnh, khuyết tật, khuyết điểm, nhược điểm, mặt hạn chế…
Thời trước, các nhà viết sử Việt Nam thường không phân biệt tính cách với phong tục tập quán, nên trong bộ Đại Nam nhất thống chí chẳng hạn, họ luôn mô tả tính cách và phong tục tập quán của từng vùng miền gộp chung vào mục “phong tục”. Phong tục xấu cũng có nghĩa là các tính cách xấu hay thói xấu, và ngược lại. Riêng những phong tục tập quán đúng nghĩa thì cần hiểu theo quan điểm lịch sử cụ thể để chỉ coi chúng là phong tục tập quán truyền thống của dân tộc được hình thành trong sinh hoạt xã hội gắn với hoàn cảnh lịch sử của thời đại, nên dù có một số phong tục nay đã lỗi thời, chúng ta cũng không thể đồng hóa chúng với thói hư tật xấu.
Các chữ “thói”, “tật”, “bệnh” thường dùng theo nghĩa “xấu” nhiều hơn. Theo cách hiểu Việt Nam, chữ “tính” với “tính cách” nghĩa gần giống nhau, nên tính cách xấu đồng nghĩa với tính xấu, thói xấu, tật xấu, hay nói gộp chung: thói hư tật xấu. Thói hư tật xấu thuộc nề nếp, lối sống, quy củ sinh hoạt không tốt trong xã hội, chứ chưa hẳn là tệ nạn xã hội (ma túy, đĩ điếm…), mặc dù về mặt logic thì giữa chúng vẫn có mối tương quan nhân quả với nhau. Có những tính cách không hẳn thói hư tật xấu, mà chỉ là nhược điểm, như người Việt trước đây có nhược điểm không coi trọng thực nghiệp…
Cần phân biệt thói xấu liên quan đạo đức cá nhân riêng của từng người với thói xấu chung của một bộ phận dân tộc, như tính tham lam, tật tham ăn, tật nói láo, thói giả dối, thói bủn xỉn…, vốn thuộc phạm trù đạo đức chung của loài người mà người dân của xứ nào cũng có thể mắc phải.
Ngoài ra, cũng rất cần phân biệt giữa thói xấu với tội phạm. Tham nhũng hối lộ, lừa đảo, đâm chém, cướp của giết người… đang phổ biến tràn lan thành quốc nạn vô phương cứu chữa ở Việt Nam hiện nay là những tội phạm, chủ yếu phát sinh do tình hình chính trị-xã hội và sự quản lý chưa tốt gây ra, nên không thể nói người Việt có thói tham nhũng hối lộ, thói lừa đảo, thói đâm chém, thói buôn bán ma túy, thói cướp của giết người…, vì trước đây thì vẫn có nhưng không nhiều đến như thế. Về thành phần thì tội tham nhũng hối lộ chỉ liên quan đến những kẻ có chức có quyền trong một cơ chế quản lý công quyền và kinh tế vừa mập mờ vừa thiếu dân chủ; các tội phạm hoặc tệ nạn xã hội ma túy, đĩ điếm, trộm cắp, cướp của giết người… chủ yếu liên quan đến thành phần nghèo thất học và thất nghiệp trong điều kiện suy thoái chung về văn hóa đạo đức của toàn xã hội. Riêng tội tham nhũng vặt và ăn cắp vặt thì có phần hơi giống với thói hư tật xấu, nhưng tùy theo mức độ nặng nhẹ và hậu quả gây ra mà có thể xếp chúng vào loại tội phạm hình sự hay chỉ là thói xấu thiên về đạo đức (như trường hợp học sinh ăn cắp một hai cuốn sách trong hiệu sách, chị hộ lý hay bác sĩ bệnh viện nhận phong bì của bệnh nhân…). Vì thế, trong điều kiện cụ thể Việt Nam hiện nay, khi khảo sát về thói hư tật xấu, cần có sự tách biệt giữa người dân bình thường với thành phần cán bộ viên chức nhà nước, chứ không thể gộp chung thành một đống được, mặc dù thói hư tật xấu của cả hai hạng người này vẫn có sự liên quan khá chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ chung-riêng.
Thói xấu người Việt ghi nhận trong lịch sử
Để khảo cứu thói xấu người Việt từ khoảng 400 năm trở về trước là một việc rất khó, vì không đủ tài liệu. Các sử gia truyền thống (như Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn…) dường như rất ít chú ý đến khía cạnh này. Chỉ đến khoảng giữa thế kỷ thứ 17 trở đi, khi bắt đầu có nhiều giáo sĩ, thương nhân, quân nhân người Âu sang Việt Nam vì những mục đích khác nhau, họ mới bắt đầu ghi nhận về đời sống, lối sống của dân tộc bản xứ, qua đó chúng ta có thể biết được đôi chút về tính cách người Việt, tốt cũng như xấu.
Vả chăng, trong thời kỳ này (giữa thế kỷ 17), dân số Việt Nam, chủ yếu ở Đàng Ngoài, chỉ vào khoảng gần 5 triệu người (xem Li Tana, Xứ Đàng Trong, bản tiếng Việt của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, 2014, tr. 53), mức độ đấu tranh xã hội còn thấp trong một môi trường đất rộng người thưa, nên tính cách con người có lẽ vẫn còn ở trong trạng thái tự nhiên, chưa bộc lộ rõ các thói xấu.
Theo ghi nhận khá rời rạc của một số nhà truyền giáo tiên phong tiếp xúc với xã hội Việt Nam, như Christoforo Borri (1583-1632), Alexandre De Rhodes (1591-1660)… thì đặc điểm xấu chung phổ biến của người Việt thời kỳ này là thói mê tín dị đoan, ưa tin vào phép thuật của các thầy phù thủy… (xem Alexandre De Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, bản tiếng Việt của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại kết, 1994, tr. 49). Theo Jean-Baptiste Tavernier, một thương nhân lữ hành người Pháp, ghi lại trong cuốn Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài xuất bản ở Paris năm 1681, thì “Những mê tín dị đoan của dân tộc này nhiều lắm, có thể viết thành một cuốn sách” (xem bản tiếng Việt của Lê Tư Lành, Nxb Thế giới, 2011, tr. 103).
Về tính tốt, Borri ghi nhận lòng quảng đại của người Việt di dân ở xứ Đàng Trong (miền Nam bây giờ). Họ rất dễ động lòng trắc ẩn và sẵn sàng chia sẻ của cải với những người khác có hoàn cảnh sống khó khăn hơn (xem Li Tana, sđd, tr. 227-228). Theo Tavernier, “Bản tính của người xứ Đàng Ngoài hòa dịu, rất biết phục tùng, lễ phép và rất ghét những sự nổi giận…” (sđd, tr. 47).
Baldinotti ghi nhận vắn tắt về con người Việt Nam khi ông tới Đàng Ngoài năm 1626 như sau: “Về diện mạo thì họ khá cao ráo, vạm vỡ và can đảm… Binh sĩ thì đeo gươm mang kiếm, đó là những người bệ vệ dễ giao thiệp, trung thành, vui vẻ; họ không có những tật xấu như người Trung Hoa và Nhật Bản (TVC nhấn mạnh). Dân thường thì hay trộm cắp, vì thế người ta phạt kẻ ăn trộm ăn cắp cũng như ngoại tình bằng án tử hình” (Theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, bản thảo chưa đặt tên, chưa xuất bản, viết về đất nước và con người Việt Nam thế kỷ XVII, hoàn thành tháng 6/1991, tài liệu đánh máy do Nguyễn Nghị cung cấp).
Phải đợi đến giữa thế kỷ XVIII trở đi, tài liệu ghi chép về Việt Nam nói chung và về người Việt nói riêng mới được phong phú hơn. Về tính cách/ lối sống cá nhân thì mê tín dị đoan, nát rượu và cờ bạc là ba thói xấu thường thấy. Trong quan hệ với công quyền và xã hội, người Việt có thói ganh tị với người giàu, ham thích quan tước, tham nhũng hối lộ, vu cáo nói xấu người khác, ưa kiện tụng, và không biết tôn trọng luật pháp.
Có thể dẫn chứng vài đoạn trong một bức thư dài sinh động và có lẽ khá xác thực của Giám mục Reydellet viết tại Đông Kinh (tức Đàng Ngoài) năm 1766. Nói xác thực vì đây là bức thư Giám mục Reydellet viết cho người em trai ruột của mình ở Pháp để phản ảnh cho người nhà những gì ông đã từng mắt thấy tai nghe khi vào Việt Nam để truyền giáo. Về tệ nát rượu và cờ bạc, tác giả nêu nhận xét: “Ở Đông Kinh cũng như ở Âu Châu, cũng có những kẻ nát rượu và những con bạc nhà nghề. Những kẻ ấy, thông thường đến khi chết mới thay đổi được tính nết và đều nghèo xơ nghèo xác. Họ phung phá tất cả mọi thứ và thường làm cho cha mẹ, họ hàng phải nghèo lây” (xem Thư của các giáo sĩ thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, Nxb Văn học, tr. 76).
Người Việt di dân vào Nam thời trước cũng rất mê cờ bạc. Léopold Pallu, một sĩ quan từng đi theo đoàn quân của Phó thủy sư Đề đốc Charner đánh chiếm Nam Kỳ đầu tiên, đã viết trong cuốn Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861 (Histoire de l’Expédition de Cochinchine en 1861, Hachettte xuất bản năm 1864, bản tiếng Việt của Hoang Phong, Nxb Phương Đông, tr. 203): “Người An Nam có thói ham mê cờ bạc cao độ. Những phu khuân vác do công binh ta mướn ở các công trường xây cất vừa lãnh lương xong được vài đồng kẽm là tụm nhau mà đánh bạc… Thoáng là đã thua sạch, chỉ có một người ăn duy nhất. Họ lại mượn trước tiền lương của ngày hôm sau và tiếp tục chơi… Những người An Nam ta thấy lúc nào cũng hối hả đem những gì họ kiếm ra để chơi cờ bạc và hình như họ không tìm thấy sự thích thú khi tom góp của cải để làm giàu; họ có những rung cảm cao độ về cảnh nghèo khó…”.
Về những tệ nạn xã hội liên quan tính xấu người Việt, bức thư đã dẫn trên của Giám mục Reydellet kể tiếp: “Miền xuôi, miền đồng bằng gồm cả xứ Đông Kinh là một miền rất đông đúc dân cư có đời sống nghèo nàn cơ cực vì đất không nuôi đủ được người. Ngoài ra còn có rất nhiều kẻ ăn hại chỉ có độc một nghề là đi cướp phá mùa màng, dùng vũ lực hay dùng mưu mẹo để trộm cắp ở các nhà, vu cáo để gây ra chuyện kiện tụng và làm cho người khác phải tán gia bại sản. Ở xứ này, giàu có nhiều tiền lắm bạc là một tội to. Ai cũng sinh sự và hãm hại người giàu mãi cho đến lúc họ bị rơi vào cảnh nghèo nàn quẫn bách thì mới chịu thôi. Ban đêm, những người giàu không ngủ được vì còn phải thức để canh giữ trong nhà. Người Đông Kinh nào cũng ham thích quan tước và tiền của nên đều thích làm quan và làm giàu. Những kẻ có ít chữ nghĩa và khôn khéo trong việc vu cáo và nói xấu người khác thì rốt cục có thể trèo lên tới chức quan. Do trong nước không thiếu những hạng người như vậy nên bọn quan lại và bọn tai to mặt lớn sinh sôi nảy nở vô số ở khắp nơi. Những kẻ nghèo khổ trong phút chốc được trở thành quan lớn ấy, để giữ vững địa vị đã làm tình làm tội đám dân đen, bắt họ phải bò rạp dưới chân mình, cướp bóc đàn bà góa bụa và trẻ con mồ côi, làm người hàng xóm phải lo âu e ngại, và quấy rối kẻ nghèo…” (sđd, tr. 71-72).
Ở đoạn tiếp sau, tác giả nhận xét về tình trạng tiêu cực trong xử lý luật pháp của đám quan lại Việt Nam thời phong kiến: “… Nhìn tổng quát thì luật lệ ở đây rất đúng đắn, rất hợp lý và được quy định rõ ràng. Chỉ tệ một nỗi là chẳng được kẻ nào tôn trọng cả. Chính những người có phận sự thi hành luật pháp lại là những người phạm luật trước hơn ai hết. Tiền bạc và những tặng vật đút lót xóa sạch những tội ác. Dù có là đại gian hùng nhưng nếu biết cách che giấu những hành động bất chính của mình thì vẫn là người lương thiện. Chỉ những kẻ vụng về, những kẻ ngờ nghệch, ngây ngô, những kẻ nghèo hèn là bị trừng phạt thôi…” (sđd, tr. 74).
Những tác phẩm mô tả người Việt trong giai đoạn tiếp xúc đầu tiên của người Pháp khi mới đến xứ ta đã được Malleret tập hợp giới thiệu khá đầy đủ trong quyển Exotisme Indochinois dans la littérature Français depuis 1860 (ấn bản của Société des Etudes Indochinoises, Paris, 1934), qua đó chúng ta ngày nay còn đọc được một vài nhận xét của họ về tính cách người Việt cách nay trên dưới 150 năm.
Đây là nhận xét của một người lính Pháp về thói ở dơ của người Việt giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX: “Năm 1883, ngược dòng sông Hồng Hà, Thiếu tá Peroz đã mô tả những người bản xứ rách rưới, bẩn thỉu cũng lên thuyền với ông ta. Bằng một giọng khinh bỉ, ông phàn nàn vì phải ngửi những mùi hôi thối của nước mắm và mùi buồn nôn của thuốc phiện: Phải cố mà chịu đựng sự tiếp xúc xấu xa đó” (Malleret, tr. 50, dẫn lại của Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam-Thực chất và huyền thoại, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1970, tr. 64).
Một quan tòa Pháp viết: “Người An Nam ở bẩn kinh khủng; người họ đầy rận chấy và bị các bệnh ngoài da tàn phá, làm mụn nhọt mủ, khắp mình; lúc nào cũng gần gũi với súc vật ở ngay trong nhà họ…” (Malleret, tr. 265, Nguyễn Văn Trung, tr. 65).
Một cố đạo nghĩ về tính nhẹ dạ, hời hợt của người Việt: “Tính nết họ hay thay đổi, nhẹ dạ lạ lùng. Tôi tin rằng họ không thể theo dõi một cách chăm chỉ một ý tưởng gì. Chính vì thế mà họ kém cỏi về mặt buôn bán, kỹ nghệ, văn nghệ khi so sánh với người Tàu mà họ đã vay mượn tất cả những gì là văn minh bề ngoài… Thực ra, mặc dầu có cái vỏ bề ngoài lễ nghi nghiêm trang, họ vẫn còn là một dân tộc ấu trĩ, hay thay đổi trái chứng như trẻ con…” (Malleret, tr. 52, Nguyễn Văn Trung, tr. 64).
Một người khác phê phán nặng nề nền văn minh Việt Nam: “Trong các nước tự xưng là văn minh, tôi không thấy có nước nào phong tục thả lỏng như thế… Xứ An Nam là một xứ có tổ chức, không phải có văn minh. Tính cách văn minh bề ngoài của nó là một sự phủ nhận tuyệt đối mọi văn minh vì văn minh của nó chỉ là sự bóc lột dã man đa số, do một thiểu số thối nát và thiếu mọi tư cách” (Malleret, tr. 66, Nguyễn Văn Trung, tr. 64).
Lẽ tất nhiên, trong cuốn sách sưu tập của Malleret, cũng như ở nhiều sách khác, lối diễn đạt của một số tác giả nước ngoài về người Việt trong bước đầu tiếp xúc đôi khi có phần quá đáng, thiếu chính xác, thiếu tế nhị, thậm chí miệt thị và trịch thượng, vì họ phát biểu từ góc độ của kẻ thực dân xâm lược, kẻ “bề trên”. Nhưng thôi, chúng ta cũng hãy tạm ráng “nuốt” trong sự thông cảm với đồng bào ta thời đó, để khách quan xét lại tật mình mà cầu lấy sự tiến bộ.
Phong trào “Xét tật mình” ở Việt Nam đầu thế kỷ XX
Từ những năm đầu của thế kỷ XX, sau sự thất bại của phong trào Cần vương chống Pháp, giới sĩ phu/ trí thức Việt Nam, kể cả cựu học lẫn tân học, bắt đầu bừng tỉnh. Phần lớn đều nhận ra rằng, muốn thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu do cái ách thực dân phong kiến gây nên, nhằm thực hiện cải cách xã hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam cần đấu tranh giải phóng giành lấy quyền tự chủ nhưng không chỉ duy nhất thông qua con đường bạo động, mà cần phải phản tỉnh soát xét lại và gột rửa hết thảy những khuyết tật lạc hậu của mình về mặt tri thức, nhận thức, tư tưởng, để đủ khả năng tự cường và tự chủ, bằng một cuộc vận động giáo dục quần chúng theo tinh thần duy tân/ đổi mới. Phong trào Duy tân, đứng đầu là các cụ Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…, vì thế ra đời, thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dục của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (tháng 3/1907) và một số loại hình hoạt động phong phú khác, nhưng trước hết tập trung tự phê phán thói xấu, đả phá hủ tục, song song với việc phổ biến tri thức mới, du nhập những tư tưởng tiến bộ và cổ vũ cho công cuộc mở mang công thương nghiệp.
Trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, các sĩ phu yêu nước đã tổ chức sáng tác, biên soạn rất nhiều thơ văn, tài liệu, sách giáo khoa cả bằng chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ để phục vụ cho công cuộc vận động, truyên truyền, giảng dạy. Những tài liệu, sách vở này về sau đã lần lượt được công bố, với một phần cốt lõi được sưu tầm, dịch, giới thiệu, in gộp chung trong tập sách Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục (do Nxb Văn hóa phối hợp với Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp xuất bản năm 1997). Gồm 3 quyển: Tân đính luân lý giáo khoa (chữ Hán), Tân đính quốc dân độc bản (chữ Hán), và Tối tân quốc văn tập độc (chữ Quốc ngữ, 1907), nội dung chứa đựng toàn những tri thức mới, hoặc cũng những chủ đề luân lý cũ nào đó nhưng lại được giảng giải theo quan điểm tiến bộ, hoàn toàn mới mẻ so với trước. Riêng quyển Quốc văn tập độc tập hợp 19 bài thơ dài ngắn khác nhau viết bằng chữ Quốc ngữ là bộ sách có nội dung rõ rệt vừa tuyên truyền khích lệ quốc dân theo mới, lại vừa phê phán những thói hư tật xấu cũ.
Như một cách riêng đóng góp tích cực cho phong trào cổ vũ đổi mới, nhà văn-nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), từng tham gia dạy Pháp văn ở Đông Kinh Nghĩa Thục, ngoài một số bài viết trên Đăng cổ tùng báo, từ năm 1913 đã sớm có sáng kiến triển khai một loạt bài chuyên đề gọi là “Xét tật mình” trên tờ Đông Dương tạp chí (1913-1919) do ông làm chủ bút, với một số bài do chính ông viết, như “Học để làm quan”, “Gì cũng cười”… Ông chủ trương nói huỵch toẹt, công khai làm cho mọi người thấy rõ những nhược điểm của xã hội, con người Việt Nam, từ đó loại bỏ được những thói tệ, để học theo văn minh phương Tây. Trong bài báo mang tên theo một phương châm của người Pháp “Tout dire, pour tout connaýtre, pour tout guérir” (Nói hết, để biết hết, để chữa hết), đăng trên Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913, ông đã lý giải vì sao phải xét lại những thói xấu của người Việt: “Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu diếm, ai cũng biết thì mới sửa được (…). Trong xã hội có nhiều hủ tục, đã thành thói quen của cộng đồng, một người hay một thiểu số không đủ sức đấu tranh để sửa mà nên phô bày ra, rõ ràng cái xấu, căn nguyên cái hại để nhà nước biết, để đa số nhân dân biết, khi đó lệnh của nhà nước hợp với ý dân thì mới sửa được”.
Nguyễn Văn Vĩnh còn cho rằng, đó không phải là sự bêu xấu dân tộc, mà là một cách xây dựng hiệu quả nhất, mở lối cho những điều tốt đẹp. Từ năm 1906, khi sang Pháp dự cuộc đấu xảo Marseilles, trong lá thư gởi người bạn Phạm Duy Tốn, ông đã bộc lộ suy nghĩ này: “Nhận thấy sự còn kém của mình, có phải là xấu xa gì đâu? Trên đời này người nào thấy được chỗ kém của mình, người ấy đã gần đi đến chỗ tiến bộ”. Do vậy trên loạt bài “Xét tật mình”, ông đã tập trung vào hai loại chủ đề chính: phê phán những hủ tục và phê phán những thói xấu của người Việt.
Người xưa nói, “Trí mưu chi sĩ, sở kiến lược đồng”, với những kẻ sĩ trí mưu thì ý kiến của họ đều gần gần giống nhau, vì vậy trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, cùng lúc và tiếp sau Nguyễn Văn Vĩnh, hầu hết những nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động cách mạng trong giới trí thức Việt Nam đều có phát biểu ý kiến xây dựng đất nước, dân tộc, trên cơ sở phê phán các hủ tục và thói hư tật xấu của người Việt, hoặc bất kỳ những tính cách tiêu cực nào khác gây cản ngại cho Việt Nam trên con đường đấu tranh cho văn minh tiến bộ và độc lập tự chủ. Không kể Nguyễn Trường Tộ thuộc lớp người đi trước khá xa, thì ngoài Nguyễn Văn Vĩnh và những nhà giáo tham gia biên soạn tài liệu học tập cho Đông Kinh Nghĩa Thục, còn có thể kể hàng loạt những nhân vật tên tuổi khác như: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Bân, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quang Sán, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học, Ngô Đức Kế, Hoa Bằng (Hoàng Thúc Trâm), Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc, Đào Duy Anh, Trần Huy Liệu, Hoàng Đạo, Thảo Am (Nghiêm Xuân Yêm), Phạm Quỳnh, Hoài Thanh, Nguyễn Văn Huyên, Lương Đức Thiệp, Lương Dũ Thúc, Trần Chánh Chiếu, Lê Đức Mậu, Trần Trọng Kim, Vũ Văn Hiền, Đặng Vũ Kính, Võ Liêm Sơn, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Thạch Lam, Thái Phỉ, Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân Dương, Lan Khai…
Về những ý kiến phê phán của các cụ tiền bối vừa nêu trên, nhà văn-nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã có tâm đắc và tâm huyết tổng hợp, hệ thống lại trong chuyên mục “Người xưa cảnh tỉnh”, bằng cách sưu tầm, trích dẫn từ đống sách báo cũ, có thêm phần chú giải những từ ngữ khó. Ban đầu in trên báo Thể thao và Văn hóa năm 2005-2007, sau công bố lại trên blog Vương Trí Nhàn. Có thể coi đây là một việc làm công phu, độc đáo, góp phần rất lớn vào việc “xét tật mình” của người Việt thời nay. Căn cứ vào hệ thống sắp xếp, trình bày của công trình này, chúng tôi xin phép được tóm tắt lại như dưới đây để tiện việc tham khảo, qua đó hiểu được tâm huyết đóng góp cho sự nghiệp duy tân cải cách của giới trí thức Việt Nam thế hệ trước, đồng thời cũng có một cái nhìn khái quát về những thói hư tật xấu hoặc tính cách phản tiến bộ của người Việt mà người xưa đã từng cảnh giác, nhắc nhở:
1. Người Việt và ý thức công dân ý thức xã hội (Phần 1): Bảo thủ, dựa dẫm, cầu an; Tri túc và hiếu cổ; Cái gì cũng đổ tại trời; Ma quỷ sống lẫn với người hèn yếu; Ý thức quốc gia thức tỉnh quá chậm; Khi bàn chuyện quốc gia chỉ ham hư danh; Làm ra vẻ yêu nước để mưu lợi riêng; Lo việc nước theo lối tự tư tự lợi; Tư tưởng gia nô; Kém óc hợp quần; Một vài thói tục đã thành di truyền (một là học để làm quan, hai là làm quan ăn lót, ba là a dua người quyền quý, bốn là trọng xác thịt…); Sợ tự do, cam chịu làm nô lệ; Chưa trưởng thành trên phương diện công dân; Các hội nghề nghiệp yếu ớt ọp ẹp; Sinh hoạt hội đoàn dễ bị làm hỏng; Theo sự chi phối của quan niệm hư vô.
2. Người Việt và ý thức công dân ý thức xã hội (Phần 2): Có độc lập cũng cướp đoạt của cải và chém giết nhau đến chết; Dân trí thấp kém… (hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả…); Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm; Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần; Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung; Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước; Dễ ỷ lại; Trong việc nước cũng ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ; Rên rỉ than vãn mỗi khi gặp khó; Không có chí viễn du; Xa lạ với chuyện phiêu lưu; Căn tính nô lệ, run sợ trước cái mới; Không thiết việc đời; Chống đối tự phát (như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi, nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quăng búa rìu, đòi tôm cá thì dân xé lưới…); Đi đâu cũng lo quay về  làng; Ngoài  làng xã không biết gì đến nước nhà đến thế giới; Tình yêu làng nước cản trở tiến bộ; Ương ngạnh, hoài nghi, khó dìu dắt.
3. Người Việt qua cách nói năng cười cợt: Không còn lễ nghĩa liêm sỉ; Những câu chửi rủa quá quắt; Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, ta không ra ta; Thiên về những cái tầm thường thô bỉ; Tật huyền hồ sáo hủ (chỉ sự ăn nói lời nói linh tinh, trống rỗng, giả tạo…); Gì cũng cười (trong tiếng cười ẩn chứa nhiều  ý xấu…); Tiếng cười vô duyên; Nói bừa nói bãi, tủi nhục cho cả nòi giống; Hay cãi nhau, thích kiện tụng; Chỉ trích và châm chọc.
4. Thói hư tật xấu người Việt trong làm ăn buôn bán: Thiếu cái gan làm giàu; Không lo xa, dễ thỏa mãn; Ăn xổi ở thì, chưa lo làm đã lo phá; Không biết chấn hưng thực nghiệp; Đồng tiền không dùng để sinh lợi; Những người thợ bất đắc dĩ; Buôn bán lòng vòng trong phạm vi hẹp; Không có nghề nào đạt tới trình độ chuyên nghiệp; Không chịu học buôn học bán; Khéo tay mà trí không khôn; Không ai chuyên nhất việc gì; Làm hàng bán hàng đều kém; Tài trí thua kém; Thời gian phí phạm cách sống làm điệu làm dáng;  Quan niệm về kinh tế quá cổ lỗ; Giữa chủ và thợ không tìm được hình thức cộng tác thích hợp; Những cái gia truyền dần dần mất đi; Ngủ yên trên danh vọng; Bôi bác, giả dối, chỉ cầu rẻ; Người làm nghề không ngóc đầu lên được; Không biết thích ứng với xã hội hiện đại.
5. Việc tìm tòi học hỏi và nền giáo dục của người Việt (1): Nhắm mắt bắt chước điều không hay của cổ nhân và ngại thay đổi; Dễ học cái dở; Học thuật hủ bại; Học để kiếm gạo; Học để làm quan; Học đòi vặt vãnh bỏ qua chuyện lớn; Nặng tính hiếu kỳ; Thần trí bạc nhược, thiếu óc tự lập; Như cái cây bị “cớm”; Con ma cử nghiệp giết chết sự học; Có khoa cử mà không có sự nghiệp; Giáo dục hiện đại bị thương mại hóa; Thiếu niên hư hỏng; Đỗ đạt là xong, không còn cầu học; Một nền giáo dục giết chết nhân cách; Không có một nhà tư tưởng, không có người khao khát tìm đạo lý mới.
6. Việc tìm tòi học hỏi và nền giáo dục của người Việt (2): Khi học thuật kém cỏi lòng người sinh ra phù phiếm,  phong tục trở nên bại hoại; Nói láo nói linh; Không học nên thiếu tư cách làm người; Cái hay của người đến mình trở thành cái dở; Học không biết cách, luật pháp hồ đồ, cương thường giả dối; Không học được cách tư duy hợp lý; Không có học thuyết của mình (xưa nay ta chỉ có mấy lối học của Tàu truyền sang…); Việc bắt chước dễ dãi thường gây nhiễu loạn; Mô phỏng lâu ngày quên cả sáng tạo; Mình lại rẻ mình, bản thân tự làm hỏng; Tình nghĩa thầy trò bị hiểu sai lệch và bị lợi dụng; Chỉ lo nuôi không lo dạy; Sẽ có lúc mất hết đạo lý? (song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục…); Không chú trọng học thuật sẽ thành dân tộc bỏ đi.
7. Thị hiếu nhỏ mọn và chất bi thương sầu cảm trong văn chương: Thị hiếu tầm thường; Văn chương phù phiếm, toàn giọng bi thương; Đằng sau thói quen đẽo gọt là sự nhu nhược; Chỉ giỏi về văn thù ứng; Tưởng thật mà hóa dối; Khinh miệt cá nhân; Không tìm thấy bản sắc; Phê bình nghĩa là nịnh nọt; Nhắm  mắt bắt chước cốt kiếm lợi; “Tiểu thuyết của phường coi cổng” (những cuốn tiểu thuyết hay nhất của ta bây giờ, già lắm chỉ bằng những cuốn tiểu thuyết của phường coi cổng bên Pháp mà thôi!…); Nhiều trò quảng cáo bỉ ổi; Những nhạc điệu rời rạc, ẻo lả; Nặng tính trang sức mà thiếu sức sống (nghệ thuật Việt Nam thường bị bó buộc trong lề lối cổ…); Kiếp người bấp bênh  văn chương sầu não.
8. Quan hệ giữa người với người: tham lam ích kỷ cạnh tranh nhỏ nhặt: Không ai hết lòng với ai; Tham lợi dẫn đến vô cảm; Không biết hợp quần; Ích kỷ và khôn vặt; Chỉ biết cạnh tranh trong những việc tầm thường, lặt vặt; Vừa không thiết chuyện gì, vừa xét nét nhỏ nhặt; Lợi dụng đạo nghĩa kiếm lợi; Danh dự bị hiểu sai lạc và mang ra mua bán; Trông nhau để …yên tâm trục  lợi; Cách sống của kẻ cùng đường; Mưu danh bằng cách  hạ nhục kẻ  khác; Chỉ biết lo thân.
9. Bẻ quẹo những chuẩn mực đạo lý nhân bản: Lêu lổng qua ngày, mất hết tự trọng; Trông đợi quá nhiều ở sự may rủi; Thiếu tận tâm, tránh khó tìm dễ; Xấu làm tốt dốt làm thông; Không  biết tôn trọng cả lợi ích công cộng lẫn lợi ích cá nhân; Những ham muốn tầm thường; Giả dối thịnh hành, không biết nhìn ra sự thật; Giải thích sai các giá trị (hỏi trọng gì, ắt là võng lọng cân đai; hỏi quý ai, tất là ông cả bà lớn; hỏi cái gì là sang, tất là xe ngựa lâu đài ngọc ngà gấm vóc…); Đạo lý ngược đời; Trung dung theo nghĩa nửa vời, trung dung cốt để ngu dân (“Trung dung thật là một cái thuyết lôi thôi, mà xã hội ta chịu lấy cái ảnh hưởng trung dung ấy mà hóa ra một cái xã hội ương ương dở dở, trắng không ra trắng đen không ra đen…”); An nhẫn lẫn với đê hèn nhục nhã; Lười biếng và hay nói hão…
10. Giả dối, lừa lọc, kiêu ngạo, hiếu danh: Không biết giữ chữ tín; Hiếu danh đến mất tự trọng; Bệnh giả dối quá nặng; Sợ mang tiếng chứ không phải sợ cái xấu; Chỉ giỏi diễn trò trước mặt mọi người; Kiêu ngạo, hợm hĩnh, theo đuổi những cái hão huyền; Khiêm nhường giả, kiêu căng thật; Hay tự ái và thích chơi trội; Tinh thần voi nan (những con voi to lớn lắm, có đủ chân đủ vòi, nhưng nó ở trong bằng nan ở ngoài bằng giấy…); Học đòi, làm dáng.
11. Nếp tư duy đơn sơ tùy tiện: Kém óc khoa học; Óc tồn cổ; Quá vụ thực trong tư duy; Điều hòa với nghĩa… chắp vá bừa bãi; Áp đặt chuyên chế mọi nơi mọi chỗ; Gọt chân cho vừa giày; Chỉ suy nghĩ bằng khuôn sáo; Không chịu được những tìm tòi phá cách; Bỏ cũ theo mới một cách nông nổi; Thói quen cam chịu; Dễ dãi thô thiển thế nào cũng xong; Tùy tiện thay đổi, chỉ cốt có lợi.
Trong một bài viết vào tháng 8/2008, nhan đề “Tìm hiểu người Việt: Thói hư tật xấu người Việt”, Vương Trí Nhàn đã sơ bộ bắt tay vào việc tổng hợp nghiên cứu trên cơ sở những ý kiến nhận xét của người xưa mà ông đã sưu tầm và hệ thống lại được, có tham khảo, dẫn chứng rộng thêm từ nhiều sách báo và sử liệu khác. Bài viết nêu lên được mấy điểm:
 (1) Hèn vì miếng ăn! Hại nhau vì miếng ăn
Nêu nhận xét của Phan Bội Châu về không khí xô bồ nhếch nhác thường thấy phổ biến ở lễ hội của người Việt – miếng ăn quá to, người ta chỉ nghĩ đến ăn, tranh giành ngôi thứ cũng chỉ vì ăn…
 (2) Suy nghĩ nông nổi tính khí thất thường
Nêu nhận xét của một sĩ quan người Pháp: “Họ hiền lành vô tư lự, nhút nhát thích khoe khoang dễ bốc mà xìu cũng nhanh, thường có tâm lý ăn may của người chơi bạc”. Hoặc của nhà văn Jean Hougron cho rằng người Việt “nhu nhược không có cá tính, biển lận, thích tố giác”. Hoặc của Palazzoli, cho người Việt là “nửa kín nửa hở, dè dặt, dò xét…, một thiên hướng đa nghi, mưu mẹo, một thói quen lúc nào cũng thích chống đối, rồi lại nhanh chóng buông trôi chấp nhận”. Dẫn ý kiến của Nguyễn Tất Thịnh đăng trên báo Tiền phong (1/2006): Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng – vừa đe hàng tổng đã sợ thằng mõ; Chưa biết nghề đã dạy thợ, vừa dạy thợ đã chán nghề; Chưa làm đã mệt vừa mệt đã kêu; Chưa vui đã cười vừa cười đã khóc; Chưa đói đã ăn, vừa ăn đã bỏ dở; Chưa tỉnh đã say, vừa say đã làm càn; Chưa có tài đã đánh mất tâm, vừa có chút tâm đã bài xích tài…
 (3) Một quan niệm đơn sơ về thế giới
Thời nay, khi làm hàng xuất khẩu, người mua các nước cũng thường chê hàng Việt mẫu mã đơn giản, có học lỏm được cái gì của người khác thì cũng chỉ loay hoay ở vài cái lặt vặt mà không biết khai thác hết những khả năng đa dạng có thể có… Câu thơ của Chế Lan Viên “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” không chỉ đúng với con người thời tiền chiến mà đúng với người Việt gần như suốt thời quá khứ, không chỉ con người bình dân mà cả những tầng lớp tinh hoa…
 (4) Bột phát hồn nhiên
Dẫn mấy ý kiến của Hoài Thanh trong bài “Có một nền văn hóa Việt Nam” (1946): “Người Việt chúng ta sống ở trong nhịp điệu trong thanh âm nhiều hơn trong tư tưởng. Tâm lý ấy có giống với tâm lý trẻ con. Trẻ con thường vẫn ca hát luôn miệng mà chẳng mấy khi quan tâm đến ý nghĩa lời ca”. “ Văn hóa Việt Nam quý ở phần tình cảm hơn phần tư tưởng, ở phần tiềm thức hơn ở phần hữu thức”…
Về điểm (4) này, Vương Trí Nhàn kết luận: “Sự vô tâm – đúng hơn sự hạn hẹp của tầm nhìn, sự dễ dãi trong thích ứng, sự ngại ngùng biếng nhác trong suy nghĩ – tất cả những biểu hiện đó làm hại tới sự phát triển. Dù rất thiện chí thì cũng phải nhận như vậy. Thế nhưng đáng lẽ phải xót xa lo lắng thì đằng này vẫn xảy ra một tình trạng ngược lại. Nhiều người thích lý tưởng hóa cái thói quen trẻ con đó”.
 (Còn tiếp phần 2 và phần 3)
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, số 3-4/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét