Nhãn

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Đôi lời với bạn Ngọc Châu về hiện tượng đạo thơ...


Đôi lời với bạn Ngọc Châu về hiện tượng đạo thơ...

       Đặng Văn Sinh


Đọc bài của bạn Ngọc Châu trên trannhuong.com, tôi càng đau lòng  cho giới văn nghệ hiện nay khi mà tình trạng đạo ( nguyên văn chữ Hán nghĩa là ăn cắp) thơ xảy ra như cơm bữa, nhưng có điều lạ là, mọi người lại coi đó như chuyện thường ngày ở huyện. Cứ vài tuần, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả báo viết lẫn báo mạng lại xuất hiện một vụ scandal, khiến công chúng giật mình bởi, một đất nước anh hùng  "thắng ba đế quốc to", có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như Việt Nam mà lại xảy ra nhiều vụ trộm...văn chương đến thế. Tuy chưa có hân hạnh được đọc tác phẩm của Ngọc Châu, thậm chí cũng không biết Ngọc Châu là ai, nhưng thấy bạn  tự giới thiệu là nhà văn - dịch giả Hải Phòng thì tôi nghĩ chắc bạn là người chính nhân quân tử. Mà đã là chính nhân quân tử thì cách hành xử phải đàng hoàng, nhất là đối với bạn văn chương.
Bức thư Ngọc Châu gửi nhà thơ Trần Nhương rất ngắn, phần đầu mượn lời một ông Trịnh Anh Đạt nào đó nói rằng nhà thơ Phạm Xuân Trường ít vốn nên đôi khi phải ăn cắp thơ người khác, còn phần sau thì phân tích nguyên nhân, cuối cùng, để cho sự khẳng định của mình mềm đi, tác giả cho rằng có khi chỉ vô tình thôi. Nguyên văn như sau:
Có một lần Trịnh Anh Đạt nhận xét với Ngọc Châu  rằng anh Phạm Xuân Trường vốn liếng còn quá ít nên thường từ nọ "ăn thịt" từ kia (với ý nghĩa là các bài thơ thường lặp lại từ cũng như hình ảnh) và dễ bị lạm vào chuyện đạo thơ văn người khác (có khi chỉ vô tình thôi - đọc rồi không nhớ của ai, lúc mình làm thì mượn ý đó.

Về vấn đề này, nếu Ngọc Châu dẫn ra bài thơ của người khác, có những câu dính với thơ Phạm Xuân Trường thì độc giả hoan nghênh bạn đã có công đầu trong việc tìm ra chính danh thủ phạm. Thế nhưng, chuyện đáng nói là, bạn lại dại dột dẫn ra bài thơ của mình làm sau Phạm Xuân Trường 5 năm, khiến người đời nghi ngờ về sự trung thực của kẻ cầm bút. Đã nói đến chuyện đạo thơ  dứt khoát phải làm rõ một điều, ai đạo của ai? Tuy bức thư Ngọc Châu không nói trắng ra nhưng mọi người đều hiểu Phạm Xuân Trường có khi vô tình thôi - đọc rồi không nhớ của ai... nên đã mượn tạm thơ Ngọc Châu đưa vào thơ mình(!?).
Vậy thì ai "đạo" của ai?. Tôi xin có đôi lời bày tỏ. Năm 2004, chúng tôi được phân công phụ trách Trại sáng tác văn học sông Hồng của 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tác giả Phạm Xuân Trường, khi ấy chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Kết thúc trại, khi nghiệm thu tác phẩm , Phạm Xuân Trường nộp gần hai chục bài thơ, trong đó có bài Sẻ chia, Viếng mộ Nam CaoRượu Thuận Vi. Bài Sẻ chia viết về thân phận hai văn nghệ sĩ tật nguyền Thái Bình là Trần Văn Thước và Đỗ Trọng Khơi, trong đó có các câu:
Xin gom ngọn gió ngoài đồng
Cánh cò cõng cả dòng sông mang về
và:
Người ta có ngọn có nguồn
Nỗi đau đau đứng - Nỗi buồn buồn nghiêng.
Bài thơ này sau được đưa vào tập Cỏ cháy, trang 66-67, NXB Hội Nhà văn 2006. Hơn nữa, hiện tại nhà thơ Phạm Xuân Trường vẫn còn giữ được tập bản thảo viết tay từ năm 2004 với những nét bút gạch xóa, chữa nhoe nhoét, nhất là các bài Sẻ chiaRượu Thuận Vi.
Đã nói đến chuyện đạo văn thì phải đưa ra được bằng chứng. Bài Phơi trăng của Ngọc Châu mới  được đăng tải trên mạng năm 2009, sau đó in ở trang 23, tuyển tập Văn thơ Việt- Tập 1, NXB Văn hoá Văn nghệ Thành phố HCM, 2011, vậy trước đó, bản thảo ra sao, in ấn ở đâu, xin bạn cho biết cụ thể để công chúng yêu mến thi ca tâm phục khẩu phục?
Lại nữa, bạn khẳng định câu thơ Nỗi đau đau đứng - Nỗi buồn buồn nghiêng, không phải của Phạm Xuân Trường, vậy xin mời nhà thơ - dịch giả Ngọc Châu hãy chỉ cho chúng tôi biết, đấy là thơ của ai? Đăng tải ở đâu? Việc này rất cần thiết để trả lại bản quyền cho tác giả theo Công ước Berne.
          Bức thư của Ngọc Châu gửi trannhuong.com tuy nhỏ nhưng  vấn đề không nhỏ, bởi nó liên quan đến danh dự một nhà thơ. Nếu Ngọc Châu không trưng ra được bằng chứng thuyết phục thì, có khi chính bạn lại rơi vào cái bẫy gậy ông lại đập lưng ông, bởi không ai dám chắc Ngọc Châu không mượn tạm thơ của Phạm Xuân Trường Xin gom ngọn gió ngoài đồng/ Cánh cò cõng cả dòng sông mang về để làm đẹp cho bài Phơi trăng của mình: Tôi gom những ngọn gió đông/ Gom cánh cò cõng dòng sông mang về nhưng vẫn lớn tiếng la làng rằng mình bị đạo văn...

        25/6/2013
ĐVS

1 nhận xét:

  1. Thật sự hôm nay tôi mới đọc được thông tin này. Chưa biết cụ thể ra sao nhưng bài viết của nhà văn Đặng Văn Sinh là đúng mực và những chi tiết ông đưa ra: "Năm 2004, chúng tôi được phân công phụ trách Trại sáng tác văn học sông Hồng của 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tác giả Phạm Xuân Trường, khi ấy chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Kết thúc trại, khi nghiệm thu tác phẩm , Phạm Xuân Trường nộp gần hai chục bài thơ, trong đó có bài Sẻ chia, Viếng mộ Nam Cao và Rượu Thuận Vi. Bài Sẻ chia viết về thân phận hai văn nghệ sĩ tật nguyền Thái Bình là Trần Văn Thước và Đỗ Trọng Khơi, trong đó có các câu:
    Xin gom ngọn gió ngoài đồng
    Cánh cò cõng cả dòng sông mang về
    và:
    Người ta có ngọn có nguồn
    Nỗi đau đau đứng - Nỗi buồn buồn nghiêng."
    là có thật vì tôi cũng may mắn được dự trại ấy mà nhà văn Đặng Văn Sinh là trại trưởng. Bài thơ của nhà thơ Phạm Xuân Trường đã được nhà thơ Phạm tiến Duật rất khen ngợi trong buổi đọc, nhận xét các tác phẩm viết trong trại chuẩn bị cho tổng kết.
    Tôi cũng nhất trí với nhà văn Đặng Văn Sinh: "vấn đề không nhỏ, bởi nó liên quan đến danh dự một nhà thơ. Nếu Ngọc Châu không trưng ra được bằng chứng thuyết phục thì, có khi chính bạn lại rơi vào cái bẫy gậy ông lại đập lưng ông, bởi không ai dám chắc Ngọc Châu không mượn tạm thơ của Phạm Xuân Trường".


    Chân thành chúc nhà văn Đặng Văn Sinh mạnh khỏe, nhiều niềm vui và sức sáng tạo!

    Trả lờiXóa