Đặng Văn Sinh
"Mai Văn Phấn rất có sở trường tạo ra những "mê cung"dẫn dụ người đọc vào trường liên tưởng như một thứ ma trận. Ở trung tâm "bát trận đồ", tác giả lặng lẽ điều khiển "âm binh", phát các tín hiệu khởi động hệ thống, kéo độc giả vào trò chơi chữ nghĩa, tạo ra hiệu ứng dây chuyền chẳng khác gì những con bài domino".
Khác với phong cách hàn lâm của mỹ học cổ điển, tác giả tập thơ "Hôm sau" xem thơ như một thứ phương tiện thông tấn chuyển tải thông điệp đời thường bằng chính ngôn ngữ đời thường. Đây là thứ ngôn ngữ sống động, cập nhật, giàu sắc thái biểu cảm, dễ tiếp nhận, bao hàm cả chức năng thư giãn nhằm giải tỏa những căng thẳng trong thời đại được coi là Hậu - hiện - đại.
Viết theo lối Tân - cổ - điển kết hợp với Hậu - hiện - đại không dễ, nếu non tay, thơ rất dễ thành loại vè chợ búa nhảm nhí. Vấn đề cốt tử là phải tìm ra ý tưởng, tiếp theo mới đến thao tác triển khai chi tiết. Ở lĩnh vực này, Mai Văn Phấn được xem như vị tông đồ mang sứ mệnh "vác thánh giá". Đọc "Hôm sau", ta có thể thấy, phần lớn các bài đều đặc sắc và gây ấn tượng mạnh bởi những phát hiện bất ngờ hiện diện ngay trong từng chuyển động đến tế vi đời sống, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Điều thú vị là, mỗi câu chuyện đời thường như thế đều hàm chứa yếu tố triết lý, nhưng đó là kiểu triết lý hồn nhiên trong mối tương quan liên đới chứ không phải là áp đặt máy móc. Tuy nhiên, Mai Văn Phấn không dừng lại ở việc đưa ngôn ngữ đời sống bình dân vào thơ. Đọc "Hôm sau", người ta dễ dàng nhận ra, sáng tác của anh là sự kết hợp uyển chuyển của ít nhất ba phong cách, trong đó, tân cổ điển luôn xuất hiện với tần số cao. Tân cổ điển, hậu hiện đại, thậm chí cả siêu thực không loại trừ nhau mà luôn bổ sung cho nhau, hòa quyện vào nhau, chuyển hóa thành phẩm chất mới cả định tính lẫn định lượng.