Nhãn

Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Dư luận chung quanh bài trả lời phỏng vấn của PGS Nguyễn Huy Quý trên tạp chí Hoàn cầu


Tâm sự với Thầy – GS Nguyễn Huy Quý – một nỗi buồn…
Hà Văn ThịnhĐại học Khoa học Huế

"Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng.
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”
(Chiếu xuất quân - Quang Trung Nguyễn Huệ)
                          
Thưa Thầy! Em xin tự giới thiệu em là là Hà Văn Thịnh, cựu sinh viên G18, chuyên ngành Lịch sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1973 -1977). Nói như thế để Thầy thấy rằng em là học trò đích thực do chính các thầy đào tạo ra. Em không phải là người giỏi nhưng chắc chắn là người có hiểu biết ít nhiều về Trung Quốc – nhất là từ khi em được Thầy giáo hướng dẫn Nguyễn Văn Hồng tận tình cưu mang, chỉ bảo…
Em vô cùng buồn và xót xa khi đọc bài viết của tác giả Đinh Kim Phúc (BVN, 30.12.2010). Em không biết ông Đinh Kim Phúc là ai nhưng em nghĩ (và rất tin) đó là một người có trình độ hiểu sâu, hiểu đúng các vấn đề về lịch sử Trung - Việt. Do vậy, lẽ ra em phải đọc bài viết của Thầy để kiểm chứng nhưng nói thật rằng em không đủ can đảm để đọc nó vì nghĩ rằng sẽ đớn đau nhiều lắm…
Chúng em ai cũng biết Thầy đi học ở Trung Quốc về và dĩ nhiên là biết thế nào cái ngon, cái tuyệt của bánh bao, vịt quay Bắc Kinh, sủi cảo Hàng Châu… Thế nhưng, giữa những điều vĩ tuyệt của nền văn minh Trung Hoa và chủ nghĩa bành trướng, bá quyền độc tàn của họ là cả một khoảng cách thật xa vời. Em còn nhớ Thầy đã dạy chúng em (chuyên đề Trung Quốc học) rất rõ rằng bản chất của tư tưởng Đại Hán là điều không thể thay đổi được, rằng mối thâm thù – mâu thuẫn hàng ngàn năm không giải quyết được thì cũng sẽ không thể nào giải quyết được trong vài năm, rằng chừng nào họ còn có ý định thôn tính một phần hay toàn bộ đất nước ta thì chừng đó phải luôn cẩn trọng, giữ gìn… Những cái “rằng” bát ngát của tư duy và hiểu biết đó cho chúng em đi đúng con đường mà những người Thầy đáng kính như Thầy đã chỉ ra. Thế mà, tại sao bỗng dưng những điều Thầy đã dạy ngày nào so với hôm nay lại khác nhau như đêm và ngày? Em không hiểu vì quả thật, trong muôn nỗi phức tạp của đời thường, sự nhố nhăng của cái gọi là “khoa học lịch sử” thời nay; em đau xót thật sự vì không biết đặt niềm tin vào đâu, ai đúng, ai sai, như thế nào là khoa học…?
Thầy kính mến! Làm sao Thầy có thể khẳng định mâu thuẫn giữa Việt nam với Trung Quốc chỉ mới bắt đầu từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX? Xác tín như thế chẳng khác nào xổ toẹt toàn bộ lịch sử 1.117 năm bị Bắc thuộc dập vùi và hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược tàn phá. Thầy đã đọc bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung hay chưa? Ông mất tháng 12.1413, nghe đâu bị Trương Phụ mổ bụng moi gan để uống rượu (hoặc là nhảy xuống sông Trường Giang tự vẫn vì không chịu nhục). Nếu em nhớ không nhầm thì Đặng Dung quê ở Can Lộc – tức là đồng hương chính cống Nghệ Tĩnh với Thầy đó. Đặng Dung cảm khái rằng Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma. Đầu bạc trắng rồi mà thù nhà chưa trả, nợ nước chưa đền/ Tuy nhiên, cũng không biết đã bao đêm rồi, ta vẫn mài thanh gươm báu dưới ánh trăng để chờ một lúc nào đó rửa sạch oán thù. Em nghĩ rằng khi Thầy phủ nhận toàn bộ lịch sử trước năm 1979 có nghĩa là Thầy đã xúc phạm đến bậc Tiên Tổ như Đặng Dung, như những hiền nhân khác…
Làm sao có thể kết nối ân tình theo 16 chữ vàng khi chũng nó bắt bớ, hành hạ vợ con (ngư dân) ta? Làm sao có thể yên khi nó chiếm đất nhà mình, ao nhà mình (Biển Đông) hết đợt này sang đợt khác? Làm sao có thể hữu hảo khi chúng cấm ta đánh bắt cá để cho cá lớn cá bé đến mùa di cư rủ nhau chui hết vào nồi Đại Hán?... Nhiều và nhiều lắm những nỗi đau. Vậy, tại sao Thầy lại có thể cho rằng những sự “chia rẽ” quan hệ Việt – Trung là do các thế lực thù địch nào đó? Nói thực, em chẳng dính líu đến thế lực nào nhưng em muốn nói thẳng, nói rõ những điều em tin là đúng. Nếu có một người hàng xóm của Thầy làm như Trung Quốc đã làm với nước ta thì Thầy có để yên không?
Thầy kính mến! Em rất, rất đau lòng khi phải viết những dòng này nhưng em cũng nói luôn rằng Thầy và không ít những người Thầy khác đã làm chúng em thất vọng rất nhiều. Thầy cứ nghĩ xem: bao nhiêu TS dởm, PGS ma là do ai dựng lên? Những người đó sẵn sàng hót như chim khi được nuôi trong lồng son, ăn gạo tía. Em nghĩ rằng đây là một trong những điều cay đắng nhất của đất nước ngày nay. Một bậc hiền triết phương Tây có nói rằng một khi trí thức tham tiền, quân nhân sợ chết thì vận nước lâm nguy. Vế thứ nhất là điều nguy nan nhất hiện nay còn vế thứ hai em không dám bàn vì không biết. Thầy kính mến! Em tha thiết đề nghị Thầy giải tỏa những thắc mắc của em và công khai chỉ ra cái đúng, điều sai. Nếu Thầy chứng minh được ông ĐKP sai những gì thì thật tuyệt vời… Em sẽ vui mừng nhiều hơn cả niềm vui nữa.
Kính chúc Thầy và gia đình đón Năm Mới với hạnh phúc, an khang!

H. V. T.

Giáo sư Nguyễn Huy Quý có phải là nhà Trung Quốc học?
Đinh Kim Phúc
Đọc bài trả lời của Giáo sư Nguyễn Huy Quý với tựa đề “Trung Quốc – Việt Nam: Hợp lực tốt hơn bất hoà” trên tờ Hoàn cầu Thời báo, tôi xin được thưa chuyện cùng Giáo sư.
Trước nhất, không phải “Hai láng giềng gần gũi Trung Quốc và Việt Nam từng có những quá khứ không tốt đẹp từ những năm cuối 1970s và đầu 1980s” như lời thiệu của tờ Hoàn cầu Thời báo đâu, thưa Giáo sư.
Theo dõi việc đưa tin về Hội nghị Giơ-ne-vơ từ ngày đầu đến ngày cuối, Wilfred G. Burchett – và các nhà báo khác có quan hệ chặt chẽ với các đoàn xã hội chủ nghĩa – đã cho biết: “ không nghi ngờ gì về việc đoàn Trung Quốc không ủng hộ mạnh mẽ đoàn Việt Nam. Nhiều năm sau Hội nghị, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn nói một cách trung thành: các kết quả đã đạt được qua thảo luận và thỏa thuận chung. Điều đó đúng sự thật theo nghĩa đen, nhưng không đúng sự thật thực sự, dù chỉ là một nửa”. (1)
Chu Ân Lai nói rõ với người Pháp rằng Trung Quốc đến Giơ-ne-vơ trước hết là để bảo vệ lợi ích của chính mình chứ không phải lợi ích của các lực lượng cách mạng Đông Dương. Điều này trở nên sáng tỏ một cách tàn nhẫn trong một cuốn sách về Hội nghị Giơ-ne-vơ, dựa trên những tài liệu về Hội nghị chưa hề được công bố, của nhà viết sử và chuyên gia về Châu Á người Pháp Phrăng-xoa Gioay-ô – Tác giả kể lại một cuộc họp giữa Chu Ân Lai và An-tô-ni I-đơn tại Giơ-ne-vơ một ngày trước khi Bộ Ngoại giao Anh công bố quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ được nâng lên hàng đại sứ.
“Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã nói riêng với I-đơn là ông ta nghĩ rằng có thể ‘thuyết phục được Việt Minh rút khỏi Lào và Cam-pu-chia’. Qua đó, Trung Quốc đã đi một bước rất dài theo luận điểm của người Cam-pu-chia, người Lào, người Anh và người Pháp. Điều đó bao hàm việc thừa nhận rằng Việt Minh đúng là kẻ xâm lược ở hai nước đó, ngược lại với luận điểm lâu nay của Việt Minh – đó cũng là coi các vấn đề Lào và Cam-pu-chia không giống như vấn đề Việt Nam. Ngoài ra, Chu Ân Lai còn nói sẵn sàng công nhận tính chất hợp pháp của các Chính Phủ Vương quốc Lào và Cam-pu-chia ngay khi nào ông ta được bảo đảm rằng không một căn cứ quân sự nào của Mỹ được xây dựng ở hai nước này”.(2)
Tối ngày 22 tháng 7, ông Phạm Văn Đồng và các thành viên khác của đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự một cuộc chiêu đãi của Chu Ân Lai để “chúc mừng thắng lợi của Hội nghị”. Họ chờ đợi một cuộc “chúc mừng giữa những người đồng chí”. Họ rất ngạc nhiên khi thấy đoàn đại biểu Liên Xô đã không được mời, trong khi các đoàn đại biểu của “Hoàng đế” Bảo Đại, Vương quốc Lào và Cam-pu-chia lại có mặt. Chu Ân Lai trước hết nâng cốc chúc mừng Hoàng đế Bảo Đại rồi đến Vua lào và Vua Cam-pu-chia. Người phụ tá cao cấp của ông Phạm Văn Đồng nói với tôi :
“Chúng tôi hầu như không thể tin ở mắt và tai mình nữa. Về sau, chúng tôi thấy vấn đề rõ hơn. Trung Quốc muốn các nước Đông Dương nằm trong túi mình, và hy vọng rằng ba Vương quốc ở đây sẽ được duy trì như những nước triều cống như kiểu Thiên hoàng trị vì đế quốc Trung Hoa với những quốc gia phiên thuộc! Trung Quốc không thể coi thường hơn nữa nội dung xã hội của các quốc gia ấy cũng như số phận của các lực lượng cách mạng ở đó – Nhìn lại những gì xảy ra sau này với Khơ-me đỏ ở Cam-pu-chia và việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam rõ ràng đã được khởi động bởi thái độ của Trung Quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ và đặc biệt là cuộc chiêu đãi cuối cùng này”.
Chu Ân Lai đã bố trí để tại cuộc chiêu đãi các trưởng đoàn Cam-pu-chia và Lào, Tép Phan và Phủi Xa-na-ni-côn, ngồi cùng một bàn với vài phụ tá cao cấp của Chu Ân Lai. Tại bàn do Chu Ân Lai chủ trì, Ngô Đình Luyện (em Ngô Đình Diệm, người mới được CIA đưa lên cầm quyền ở Sài Gòn) được xếp ngồi giữa Phạm Văn Đồng và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngô Đình Luyện và Tạ Quang Bửu đã từng cùng học tại Pháp và Chu Ân Lai tìm hết cách làm cho hai người gợi lại những kỷ niệm thời thanh niên. Có lúc, Chu gợi ý Ngô Đình Luyện sang thăm Bắc Kinh. Khi Luyện hỏi sang đó dưới danh nghĩa nào, Chu Ân Lai trả lời: “Tại sao các ngài không đặt một công sứ quán ở Bắc Kinh?”. Nhận thấy ông Phạm Văn Đồng giật nẩy người phản ứng, Chu Ân Lai lạnh lùng nói rằng việc ông Phạm Văn Đồng gần gũi với Trung Quốc hơn về tư tưởng không loại trừ việc Sài Gòn có đại diện ngoại giao tại Bắc Kinh. “Dù sao, hai ngài đều chẳng phải là người Việt Nam cả sao, và tất cả chúng ta đây chẳng phải là người Châu Á cả đó sao?”. Đây nữa lại là một viên thuốc đắng mà ông Phạm Văn Đồng phải nuốt tại Giơ-ne-vơ. Lý do khiến Chu Ân Lai ủng hộ việc đẩy lùi càng lâu càng tốt cuộc tổng tuyển cử để tái thống nhất đất nước đã trở nên quá rõ ràng. Trung Quốc quan tâm tới việc mở rộng ảnh hưởng của chính mình ở Sài Gòn hơn là giúp Việt Minh giành thắng lợi chính trị và tái thống nhất đất nước.(3)
Giáo sư Nguyễn Huy Quý hãy nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói:
“Chúng tôi lẽ ra đã có thể giành được hơn nhiều, nhiều lắm. Chúng tôi đã thỏa thuận trước với người Trung Quốc về mọi vấn đề - nhưng Chu Ân Lai đã họp kín với Măng-đét Phrăng, và tất cả đều bị thay đổi. Nếu lúc đó chúng tôi cứ tiếp tục chiến tranh, thì có lẽ chúng tôi đã thắng và được tất cả. Phải nói rằng người Trung Quốc đóng một vai trò cực kỳ nguy hiểm trong suốt cuộc thương lượng, và đã phản bội chúng tôi một cách đê tiện nhất”.
“Chúng tôi đã học được một bài học lớn qua những mưu đồ của Trung Quốc – trong những cuộc thương lượng ngoại giao, điều quyết định là phải nắm chắc mọi việc trong tay mình. Đừng để cho người khác can thiệp vào! Chỉ thương lượng vì lợi ích của chính mình – Chính vì vậy mà tại Hội nghị Pa-ri chúng tôi đã giữ vững quyền kiểm soát – điều này làm cho người Trung Quốc hết sức bất bình. Chúng tôi đã tiến hành chiến tranh và có đủ khả năng lập lại hòa bình, hoặc ít ra là bảo đảm cho mình một thế thắng trong trường hợp phải cần đến một vòng nữa trên trường đấu.
Một điều mà Trung Quốc và Ních-xơn, Kít-xinh-giơ đã thỏa thuận trong các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh đều nhằm áp đặt các điều kiện, để lợi dụng các chiến thắng của chúng tôi trên chiến trường. Nhân dân Trung Quốc là bạn của chúng tôi, và mãi mãi sẽ là bạn của chúng tôi. Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc lúc đó đã lợi dụng xương máu của chúng tôi vì lợi ích của chính họ; dùng hình hữu nghị Việt – Trung vào những mục đích bành trướng của chính họ.
Vì những sự phản bội ở Giơ-ne-vơ, cuộc đấu tranh của chúng tôi đã phải kéo dài thêm 20 năm; những kinh nghiệm của chúng tôi về quân sự, chính trị và ngoại giao đã chứng minh một điều: phải tuyệt đối độc lập. Đây là một thực tế sống đụng đến xương máu của chính mình”.(4)
“Trung Quốc và Việt Nam có nhiều yếu tố giống nhau: cùng một văn hoá, cùng nguồn gốc [?] và từng là đồng chí của nhau. Đây là nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước.
Việt Nam và Trung Quốc cùng nguồn gốc? Thưa Giáo sư, ai nghiên cứu? Sách nào nói vậy? Ở điểm này tôi xin không tranh luận cùng ông, vì ông không đáng để tôi tranh luận.
“Một số người Việt lưu vong ở nước ngoài đang chống đối chính quyền hiện thời đã dùng tinh thần dân tộc Việt Nam để cố tình khiêu khích những bất hoà giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những kẻ này vui mừng khi mối quan hệ song phương xấu đi. Ngành truyền thông của hai nước để tránh sự hiểu lầm bị tăng thêm trong những mâu thuẫn đôi khi xảy ra”.
Trong câu trả lời trên của Giáo sư, tôi xin hỏi ông: “những bất hoà giữa Việt Nam và Trung Quốc” là những bất hòa gì?
Thưa Giáo sư, lãnh thổ của ta, đảo của ta, biển của ta nhưng hàng trăm ngư dân Việt Việt Nam đang bị Trung Quốc cầm tù khi họ đang kiếm sống ngay chính trên quê hương của của họ thì xin ông ông hãy thử gọi tên nó là gì, thưa ông?
Giáo sư càng trả lời lại càng trịch thượng: “Trên quan điểm của một học giả, những thông báo và tuyên bố từ cả hai phía thì hơi “quá đáng” và “quá cứng rắn.” Cả hai phía không nên đối phó với vấn đề phức tạp này bằng cách khêu gợi tinh thần dân tộc và không nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên một phần vùng biển Đông như thế nào là “quá đáng” và “quá cứng rắn”. Ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng như thế nào xin trình bày cho chúng tôi được biết?
Cũng trên mạng Hoàn cầu, họ chửi tôi, chửi Giáo sư, chửi hơn 3 triệu đảng viên cộng sản Việt Nam, chửi cả dân tộc Việt Nam là đồ ch.ó, Giáo sư không thấy nhục sao?
Là một Giáo sư nhưng ông đã quá non kém trước một phóng viên báo chí, bẫy được giăng ra, người trả lời có học vị cao ngất lại dính bẫy. Xin thưa với ông rằng, những phát biểu gần đây của chính phủ Hoa Kỳ, ông chỉ ra xem phát biểu nào, văn kiện nào của chính phủ Hoa Kỳ nhằm “sẵn sàng can thiệp vào vấn đề Nam Hải”?
Sau cùng, tôi không biết có phải Giáo sư thay mặt chính phủ Việt Nam khẳng định chân lý này hay không: “Tôi chắc chắn rằng ngay cả khi trở nên mạnh hơn nữa, Trung Quốc cũng sẽ không đánh chiếm bất cứ quốc gia nào mà họ đã thừa nhận chủ quyền. Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cần hiểu rằng nếu xung đột xảy ra, Trung Quốc sẽ nhắm vào việc lấy lại chủ quyền hơn là xâm lược”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Giáo sư về câu trả lời trên. Với phương pháp luận của một giáo sư, tôi tin rằng: Tân Cương, Tây Tạng sẽ là một hình ảnh không xa đối với dân tộc Việt Nam.
Lời cuối cùng gửi đến Giáo sư Nguyễn Huy Quý,
Đọc toàn bộ bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư, tôi không ở ông trình độ của một giáo sư Trung Quốc học, mà chỉ là những lý sự cùn của một thằng Việt gian gốc Hán.


 GS Nguyễn Huy Quý: Trung Quốc – Việt Nam – Hợp lực tốt hơn bất hoà

Hoàn Cầu Thời Báo phỏng vấn GS Nguyễn Huy Quý: Trung Quốc – Việt Nam: Hợp lực tốt hơn bất hoà
Lời người dịch: Dù biết rằng những ý kiến dưới đây của Giáo sư Nguyễn Huy Quý là những nhận xét cá nhân, nhưng nhận định rằng Việt Nam và Trung Quốc có chung một nguồn gốc và văn hoá; và rằng thái độ thiếu thân thiện gần đây của Việt Nam đối với Trung Quốc khiến cho quan hệ hai nước xấu đi là bởi những người Việt lưu vong hải ngoại cố tình khiêu khích là những nhận định tuỳ tiện, thiếu cơ sở – đặc biệt là từ một giáo sư từng nghiên cứu giảng dạy tại một học viện uy tín của Việt Nam.
Lời toà soạn: Hai láng giềng gần gũi Trung Quốc và Việt Nam từng có những quá khứ không tốt đẹp từ những năm cuối 1970s và đầu 1980s. Hai quốc gia đã bình thường hoá quan hệ vào năm 1991. Giáo sư Nguyễn Huy Quý (Nguyễn), cựu giám đốc phân viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã trò chuyện với phóng viên Gu Di của tờ Hoàn cầu Thời báo (HCTB) tại Hà Nội. Ông không đồng ý với việc can thiệp của lực lượng ngoại bang trong vùng Biển Nam Hải, cho rằng Trung Quốc không nên để mình bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp.
              
HCTB: Là một học giả về Trung Quốc ở Việt Nam, quan điểm của ông như thế nào về quan hệ giữa hai quốc gia trong quá khứ?
Nguyễn: Trung Quốc và Việt Nam có nhiều yếu tố giống nhau: cùng một văn hoá, cùng nguồn gốc (???) và từng là đồng chí của nhau. Đây là nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước.
Không như những quốc gia ASEAN khác, Việt Nam và Trung Quốc có cùng một nguồn gốc văn hoá . Trung Quốc có 56 nhóm dân tộc ít người, Việt Nam có 54 nhóm. Và có 10 đến 20 nhóm dân tộc ít người xuyên quốc gia dọc theo đường biên giới. Hơn nữa, cả hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Những yếu tố tương đồng này rất quan trọng. Nó giống như mối quan hệ đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc, khác biệt với những quốc gia châu Âu khác. Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ gần gũi về chính trị, họ còn có chung nguồn gốc chủng tộc.
Tương tự, Việt Nam và Trung Quốc cũng có một mối quan hệ đặc biệt. Trong lịch sử, đã có những bất đồng, nhưng chúng không làm giảm đi giá trị của mối quan hệ đặc biệt này.
HCTB: Một số học giả Trung Quốc cho rằng giới truyền thông Việt Nam đôi lúc tỏ ra không thân thiện với Trung Quốc. Quan điểm của ông như thế nào về cách thức giới truyền thông của hai nước tường thuật về quan hệ Trung-Việt?
Nguyễn: Tư tưởng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam thì có lợi cho Trung Quốc. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là giữ vững mối quan hệ song phương, kể cả việc ngành truyền thông tường thuật những vấn đề nhạy cảm.
Một số người Việt lưu vong ở nước ngoài đang chống đối chính quyền hiện thời đã dùng tinh thần dân tộc Việt Nam để cố tình khiêu khích những bất hoà giữa Việt Nam và Trung Quốc. Những kẻ này vui mừng khi mối quan hệ song phương xấu đi. Ngành truyền thông của hai nước để tránh sự hiểu lầm bị tăng thêm trong những mâu thuẫn đôi khi xảy ra.
HCTB: Là một học giả người Việt, ông nghĩ gì về mối tranh chấp giữa hai nước trong vấn đề biển Nam Hải?
Nguyễn: Có ba tranh chấp lãnh thổ quan trọng trong quá khứ: vấn đề đường biên giới trên đất liền, vấn đề phân chia ranh giới Vịnh Bắc Bộ và vấn đề biển Nam Hải. Hiện nay chỉ có vấn đề biển Nam Hải còn tồn đọng, nhưng nó đang ảnh hưởng đến quan hệ hai bên. Vấn đề này thì quan trọng đối với cả hai quốc gia.



Trên quan điểm của một học giả, những thông báo và tuyên bố từ cả hai phía thì hơi “quá đáng” và “quá cứng rắn.” Cả hai phía không nên đối phó với vấn đề phức tạp này bằng cách khêu gợi tinh thần dân tộc và không nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vấn đề này không thể giải quyết được trong thời gian ngắn, nó cần có một môi trường tích cực từ cả hai quốc gia.
HCTB: Trong năm nay, Hoa Kỳ đã bày tỏ ý định sẵn sàng can thiệp vào vấn đề Nam Hải. Ông nghĩ sao về việc này?
Nguyễn: Vấn đề Nam Hải không liên quan gì đến thế lực bên ngoài. Sự can thiệp của họ chắc chắn sẽ tạo ra thêm xung đột giữa hai nước.
HCTB: Người ta nói rằng để đối trọng với Trung Quốc, Việt Nam đang tìm cách gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Điều này có đúng không?
Nguyễn: Người ta nói rằng khi quan hệ Trung-Việt đang tốt đẹp, Việt Nam tránh xa Hoa Kỳ; nhưng khi Việt Nam cảm thấy áp lực nhiều hơn từ Trung Quốc, họ lại hướng đến gần Hoa Kỳ hơn. Thực tế là tất cả các quốc gia ASEAN đều muốn cân bằng mối quan hệ đối ngoại của mình.
Vấn đề của Việt Nam là Hoa Kỳ đang gây áp lực vào hệ thống chính trị của Việt Nam. Trên quan điểm ngoại giao, Việt Nam sẽ tìm một thế cân bằng giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây về các vấn đề quốc tế. Nhưng Việt Nam luôn cảnh giác trong thái độ của mình đối với Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ hi vọng “dùng Việt Nam để bao vây Trung Quốc.” Nếu Trung Quốc biến “sự tiến triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” thành một vấn đề nghiêm trọng thì người Mỹ đã đạt được ý đồ của họ.
Có hơn 1 triệu người Việt lưu vong tại Hoa Kỳ, đa số trong họ đến đấy trong thời kỳ chính quyền bù nhìn. Một số trong họ vẫn muốn lật đổ chính quyền Việt Nam hiện tại. Chúng tôi đặc biệt cảnh giác với những người này.
HCTB: Phương Tây thường nói đến “mối đe doạ Trung Quốc.” Giờ đây họ lại nói đến “Chủ thuyết cứng rắn của Trung Quốc.” Ông nghĩ gì về quan điểm này?
Nguyễn: Tôi chắc chắn rằng ngay cả khi trở nên mạnh hơn nữa, Trung Quốc cũng sẽ không đánh chiếm bất cứ quốc gia nào mà họ đã thừa nhận chủ quyền. Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cần hiểu rằng nếu xung đột xảy ra, Trung Quốc sẽ nhắm vào việc lấy lại chủ quyền hơn là xâm lược.
Ví dụ như Trung Quốc sẽ không tấn công Nhật vì vấn đề Quần đảo Điếu Ngư. Nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt, các đụng độ vũ trang sẽ xảy ra gần Quần đảo Điếu Ngư.
Tôi cho rằng quyền lực cứng của Trung Quốc đã thành hiện thực. Giờ đây họ nên tăng cường quyền lực mềm để có thể trở thành một cường quốc thực sự trong tương lai. Kết hợp nền văn hoá Đông phương và chủ nghĩa xã hội là một lựa chọn an toàn đối với Trung Quốc.
Trong trái tim người Việt, đặc biệt là cấp lãnh đạo, mọi người luôn mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ tốt đẹp hơn không những giúp đẩy mạnh việc phát triển kinh tế ở Việt Nam mà còn giúp Việt Nam giữ vững hệ thống của mình. Vì thế, tôi rất lạc quan về mối quan hệ Trung-Việt.
HCTB: Vào tháng Sáu 2010, Quốc Hội Việt Nam đã không chấp thuận dự án tàu cao tốc bắc nam trị giá 56 tỉ đô la. Một số báo chí nói rằng Việt Nam không muốn hợp tác với Trung Quốc trong việc xây dựng đường sắt cao tốc. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nguyễn: Trên quan điểm của tôi, dự án này bị bác bỏ không phải vì Việt Nam không tin Trung Quốc. Đây là một dự án xây dựng quan trọng cần phải phù hợp với kế hoạch kinh tế chung của Việt Nam mà không làm gián đoạn mối cân bằng giữa việc phát triển đô thị và nông thôn của quốc gia. Việt Nam có thể sẽ cân nhắc đến một dự án đường cao tốc bắc nam trong vài thập niên tới.
HCTB: Theo ông, khía cạnh cụ thể nào trong quá trình phát triển của Việt Nam mà Trung Quốc có thể lưu ý hoặc học hỏi?
Nguyễn: Trung Quốc nói về “thời kỳ khởi đầu của chủ nghĩa xã hội,” và Việt Nam nói về “giai đoạn chuyển tiếp của chủ nghĩa xã hội,” đó là hai cách để nói về một thứ.
Trong quan điểm của tôi, Việt Nam cần học hỏi thêm từ Trung Quốc. Dư luận phương Tây cho rằng cải cách dân chủ đang tiến triển nhanh hơn tại Việt Nam so với Trung Quốc và Việt Nam đang có nhiều dân chủ hơn Trung Quốc. Nhưng điều này có thể bàn cãi. Tôi nghĩ rằng không có câu trả lời rõ ràng về việc quốc gia nào đang làm việc này tốt hơn.
HCTB: Trong bảng xếp hạng quốc tế về “chỉ số hạnh phúc” do một học viện Anh Quốc thực hiện, Việt Nam đứng hàng thứ 5. Vì sao người Việt cảm thấy quá hạnh phúc như thế?
Nguyễn: Bản chất của người Việt là lạc quan. Điều kiện sống của họ có thể còn khó khăn, nhưng họ vẫn nở nụ cười với cuộc sống.
Lấy ví dụ. Một công ty ở Hà Nội vừa đóng cửa, khiến 2.000 người bị thất nghiệp. Hai ngày sau, một số những người này đã về nhà và những người khác đã có công việc ở những công ty khác.
Một số học giả Trung Quốc hỏi tôi tại sao Việt Nam có thể giải quyết khó khăn này một cách mau chóng. Trên quan điểm của tôi thì bởi vì Việt Nam không lớn như Trung Quốc.
Vẫn có hai vấn đề quan trọng tại Trung Quốc: Trước hết, không dễ để giải quyết các khó khăn tại những thành phố lớn; thứ hai, việc phát triển tại những vùng sâu vùng xa thì vẫn tương đối thấp.


Nguồn các bài trên : BVN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét