Đặng Văn
Sinh
Trong bộ
tiểu thuyết lịch sử "Bão táp triều Trần", Trần Thủ Độ được xem như
một người đóng vai trò quan trọng trong việc kiến lập tân vương triều, một ông
vua không ngai nhưng có uy quyền tuyệt đối, thao túng chính sự mấy triều vua.
Với hàng
loạt công tích khuynh đảo thiên hạ, đồng thời cũng gây ra không ít tội ác được
chính sử ghi chép rất tỉ mỉ, cho dù những ghi chép ấy ít nhiều còn chịu ảnh
hưởng của hệ ý thức nho giáo, thiếu trung thực và thiếu khách quan, cho đến
ngày nay, Trần Thủ Độ vẫn là nhân vật gây nhiều tranh cãi.
Hậu thế
nhận định về Trần Thủ Độ không giống nhau. Các nhà nghiên cứu, biên khảo, trong
mấy chục năm qua, hầu hết đều khai thác nguồn tư liệu về ông trong "Đại
Việt sử ký toàn thư" (ĐVSKTT). Tuy nhiên ĐVSKTT, ở kỷ nhà Trần lại do các
sử gia triều Lê, trong đó có Ngô Sĩ Liên chấp bút trên cơ sở "Đại Việt sử
ký" của Lê văn Hưu. Bộ sử gồm 30 tập này đã bị thất lạc. Vì thế, không dám
chắc, những phần biên khảo sau này có đảm bảo độ chính xác hay không, bởi lẽ,
qua những ghi chép về "Vụ án Vườn Vải", người ta có quyền nghi ngờ
ngòi bút của vị Tổng tài Quốc sử quán có những lúc đã bị bẻ cong. Thế nhưng,
cho dù không tránh khỏi thiên kiến, thậm chí còn có khả năng lược bớt một số
chi tiết hay lời bàn của các nhà viết sử tiền nhiệm, thì Ngô Sĩ Liên vẫn giữ
được phần cốt lõi về thân thế và hành trạng của Trần Thủ Độ, bởi sự thật ông là
một nhà chính trị có viễn kiến, một Thống quốc Thái sư có tài an bang, trị nước
không thể phủ nhận.
Đương
nhiên, sử bút khác với văn bút. Chép sử biên niên chỉ cần sàng lọc rồi ghi chép
các sự kiện đã xảy ra, nếu là sự kiện quan trọng thì sử gia có "lời
bàn" với lối viết tối giản theo trình tự thời gian, cuối cùng đóng lại
thành quyển, thế là xong. Văn bút thì khác. Viết về một nhân vật lịch sử hay
một thời kỳ lịch sử, nhà văn phải có cái nhìn bao quát để tái hiện như nó vốn
có trong quá trình vận động lịch sử. Nhiệm vụ của người viết là phải dựng lại
bức tranh xã hội đương thời, khiến người đọc nhận ra diện mạo nó bằng niềm cảm
hứng thẩm mỹ thông qua các sự kiện lịch sử. Làm được như vậy chắc chắn không
thể chỉ căn cứ vào những dòng ghi chép lạnh lùng, vô cảm trong chính sử mà phải
tìm ngoài chính sử qua các tài liệu điền dã, qua ký ức dân gian thậm chí còn
phải khai thác cả những giai thoại, huyền thoại được truyền khẩu từ nhiều thế
hệ đã bị nhòe mờ bởi thời gian.
Thành thật
mà nói, viết tiểu thuyết về triều đại nhà Trần đã khó nhưng viết về Trần Thủ Độ
còn khó hơn nhiều. Bởi đây là một nhân vật lịch sử phức tạp, đầy mâu thuẫn mà
những tư liệu còn lại về ông có khi bị biến dạng bởi quan điểm bảo thủ của các
nhà nho bị hệ tư tưởng Khổng Mạnh chi phối.
Rất khó
nhưng không phải không làm được. Và người dựng lại được chân dung Trần Thủ Độ
bằng xương bằng thịt đem đến cho người đọc một cách nhìn mới về ông chính là
Hoàng Quốc Hải qua bộ sử thi "Bão táp triều Trần".
"Bão
táp triều Trần", cho đến nay, được xem như bộ tiểu thuyết lịch sử khắc họa
đầy đủ nhất, sinh động nhất chân dung nhà chính trị tài ba, xuất chúng thế kỷ
XIII với tư cách Tể tường triều Trần bằng cảm quan lịch sử và cảm hứng thẩm mỹ
xuất phát từ lòng yêu nước, tư cách kẻ sĩ của một công dân.
Căn cứ vào
những kiến giải rất khoa học của PGS.TS La Khắc Hòa trong cuốn "Phê bình ký hiệu học" mới xuất bản
gần đây, chúng tôi nhận thấy nhân vật Trần Thủ Độ trong "Bão táp triều
Trần" được Hoàng Quốc Hải tái hiện trên nền tảng hệ hình thẩm mỹ của
phương pháp sáng tác trung đại, lấy sử thi làm điểm tựa cho toàn bộ thiên
truyện. Vì mang đậm chất sử thi nên "Bão táp triều Trần" không thể
vượt ra khỏi những gì đã được quy định trong "cổ mẫu" vốn là thi pháp
đặc trưng của văn học trung đại. Trong đó, cấu trúc truyện hầu như đã được định
hình một cách tổng quát. Bố cục có thể là chương hồi hoặc theo từng đề mục, sự
kiện. Nhân vật chia làm hai phe thiện, ác, và các nhân vật tương tác với nhau
diễn ra theo trục thời gian. Còn diễn ngôn thì biểu hiện rất rõ thái độ chủ
quan của tác giả tùy vào vị trí và tư cách nhân vật trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên,
viết về Trần Thủ Độ, không phải lúc nào nhà văn cũng tôn trọng "cổ
mẫu". Không hiếm khi tác giả miêu tả vị Thống quốc Thái sư bằng ngôn ngữ
hiện đại, nghĩa là trượt ra ngoài phương pháp sử thi. Và có lẽ cũng bởi đôi lúc
"phạm quy" ấy mà nhân vật của ông có sức sống kỳ lạ.
Luận về
thể loại thì "Bão táp triều Trần" của Hoàng Quốc Hải gần với sử biên
niên bởi hệ thống nhân vật và cách kể theo trình tự thời gian tuyến tính. Đương
nhiên ông phải triệt để sử dụng những lát cắt điển hình hàm chứa trong đó các
sự kiện lịch sử cốt lõi phản ánh được tinh thần thời đại.
Trước hết,
Trần Thủ Độ thuộc lớp cha chủ của vua Trần Thái Tông, cùng thế hệ với Trần Tự
Khánh, Trần Thừa, vốn xuất thân từ nghề chài lưới ở Long Hưng. Trần Thủ Độ ít
chữ, thậm chí còn có tư liệu nói là không biết chữ, và nhất là ông không chịu ảnh hưởng của hệ ý thức
phật giáo. Vì không phải là phật tử nên Trần Thủ Độ thiếu đi lòng khoan
dung, từ bi, hỷ xả của tư tưởng thiền. Có lẽ đây chính là nguyên nhân và cũng
như động lực khiến ông thẳng tay loại bỏ Huệ Tông và hoàng tộc nhà Lý một cách
dứt khoát bằng những thủ đoạn mờ ám khiến cho hậu thế lên án.
Tuy nhiên,
nếu ta nhìn nhận một cách khách quan trên tinh thần lịch sử, vào thời điểm ấy, nếu
Trần Thủ Độ cũng có phật tính như Trần Thái Tông thì chưa chắc đã có vương
triều Đông A với những vị hoàng đế sáng danh như Thái Tông, Thánh Tông, Nhân
Tông và chiến tích hào hùng ba lần đánh tan quân Nguyên giữ yên bờ cõi Đại
Việt. Rõ ràng lịch sử đã trao vận mệnh Đại Việt vào tay Trần Thủ Độ. Ông là một
vị anh hùng đã tạo nên thời thế vào lúc vương triều nhà Lý suy tàn, các thế lực
kình chống chính quyền trung ương cát cứ, nội chiến liên miên và trăm họ lầm
than. Vì thế, con người chính trị Trần Thủ Độ xuất hiện lúc ấy là một tất yếu
lịch sử để cứu giúp muôn dân và trung hưng đất nước đang có nguy cơ bị Bắc
triều thôn tính.
Không phải
đệ tử của thiền môn và nền học vấn thấp nhưng Trần Thủ Độ lại thấm nhuần sâu sắc hệ ý thức nho giáo. Đây là hệ ý
thức chủ đạo làm nên cấu trúc thượng tầng ở những quốc gia chịu ảnh hưởng tư
tưởng Khổng Mạnh, lấy triều đình làm trung tâm, vua ở đỉnh cao quyền lực, chi
phối mọi hoạt động xã hội, còn dân chúng chỉ là một đám đông vô danh. Xã hội
nho giáo là một cộng đồng khép kín, trong đó con người coi "Tam cương, Ngũ
thường" như một triết lý sống, một thiết chế văn hóa. Và cũng từ thứ
"đạo" siêu hình này, xã hội phong kiến hình thành hai tầng lớp: "quân
tử" và "tiểu nhân".
"Bão táp triều Trần" của Hoàng Quốc Hải,
thực chất cũng là bộ tiểu thuyết viết về "quân tử" và "tiểu nhân" cũng như
cách hành xử của hai loại người này ở vào một thời điểm lịch sử đầy biến động. Nếu hiểu khái niệm "quân tử" ở
tầm vĩ mô, thì có thể khẳng định, Trần Thủ Độ là một bậc quân tử đúng với nghĩa
của nó.
Ở vào giai
đoạn mạt kỳ triều Lý, Trần Thủ Độ nổi lên như một thủ lĩnh chính trị lỗi lạc,
quyền biến và gian hùng. Cũng cần phải nói, nho giáo của Mạnh Tử và sau này là
các vị Chu, Trình đời Tống rất khắc bạc với thân phận con người nhưng lại là
mảnh đất màu mỡ cho vương triều phong kiến củng cố thiết chế độc tài. Hệ tư
tưởng Khổng Mạnh nói đến "lòng nhân" nhưng thực tế lại triệt tiêu
"lòng nhân". Đạo này cũng đề cao "thứ dân" (dân vi quý, xã
tắc thứ chi, quân vi khinh) nhưng khi hành xử lại coi khinh người dân như cỏ
rác, thần thánh hóa bậc quân chủ. Vua là tối thượng, bất khả xúc phạm. Về mặt
này, có thể nói, cái "đạo" trong "Luận ngữ", "Trung
dung" hay "Mạnh tử" là nói một đàng làm một nẻo mà hệ lụy của nó
còn di căn cho đến ngày nay, không thể tẩy rửa trong một sớm một chiều.
Trần Thủ
Độ là sản phẩm của cái "đạo" ấy nên đương nhiên ông cũng là một chính
khách độc tài đến mức, một cận thần của Thái Tông đã bộc lộ sự lo ngại chuyện
soán ngôi rất có thể xẩy ra. Về lĩnh vực này, Hoàng Quốc Hải tỏ ra có sở
trường. Ông "vẽ" chân dung Trần Thủ Độ trong vai Tể tướng đầu triều
sinh động đến mức, người đọc có cảm giác nó phải như thế. Nó sinh động, chân
thức những cũng vô cùng khủng khiếp về sự tàn bạo.
Tuy là tiểu
thuyết lịch sử, nhưng không vì thế mà những nhân vật chính của Hoàng Quốc Hải
không được phép hư cấu. Đương nhiên Trần Thủ Độ cũng không ngoại lệ. Có điều sự
"hư cấu" ấy luôn nằm trong giới hạn "cổ mẫu" cho phép.
Ngoài "cổ mẫu" như cái khuôn thi pháp trung đại bắt buộc người sáng
tác tuân theo, tác giả còn phải tái hiện nhân vật làm sao để không mâu thuẫn
với chính sử. Và cuối cùng, điều thứ ba mới là là yếu tố làm nên giá trị cuốn
sách: Nhân vật lịch sử chuyển hóa thành hình tượng văn học một cách tự nhiên,
sinh động, đồng thời phản ánh được tư tưởng thời đại.
So sánh
với những ghi chép và lời bình trong chính sử, ta có thể khẳng định, Nhân vật
Trần Thủ Độ của Hoàng Quốc Hải có những nét cơ bản giống với nhân vật lịch sử
trong "Đại Việt sử ký toàn thư" nhưng hoàn toàn không đồng nhất với
nhau. Hai loại bút pháp khác nhau đương nhiên sẽ dẫn đến kết quả khác nhau. Sử
bút đưa đến cho người đọc sự kiện và bình luận còn văn bút tạo cảm hứng thẩm mỹ
với người đọc bằng hình tượng nghệ thuật.
Tương ứng
với phương pháp sử thi là cấu trúc tác phẩm, hệ thống nhân vật và đặc điểm ngôn
ngữ. Như trên đã nói, cấu trúc tác phẩm theo dạng lát cắt điển hình, nhưng về
cơ bản, "Bão táp triều Trần" vẫn là tiểu thuyết chương hồi cho dù tác
giả không đặt tên cho mỗi đề mục. Ngôn ngữ của loại hình văn học này vừa phản
ánh được tâm lý thời đại, vừa là những câu văn chịu ảnh hưởng của dòng văn học
từ chương của nho giáo cận đại. Đó là loại diễn ngôn có pha trộn một tỷ lệ cao
những từ Hán Việt đã được chuẩn hóa khá êm tai với cung bậc đều đều, ít có đọan
khởi phát rất dễ tạo nên cảm giác đơn điệu.
Cho dù,
phương pháp sử thi trung đại là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình tạo dựng chân
dung văn học Trần Thủ Độ nhưng không có nghĩa Hoàng Quốc hải hoàn toàn lệ thuộc
vào nó. Trong cuốn "Bão táp cung đình" (tập 1) và "Thăng Long
nổi giận"(tập 2) đã không ít lần ông cố tình trượt ra khỏi quy ước trên
bằng những cú đột phá ngoạn mục.
Hoàng Quốc
Hải có thế mạnh về sáng tạo chi tiết, tạo ra những tình huống kịch tính và
những trang miêu tả cơ mưu của Trần Thủ độ qua kỹ năng độc thoại có nghề. Như
chúng ta đã biết, Văn học trung đại rất ít độc thoai, nhân vật rất ít suy nghĩ
mà nghiêng về hành động. Ngược lại, Trần
Thủ Độ, trong sự nghiệp chính trị của mình, ông luôn đối thoại tư tưởng, không
làm gì, không nói gì mà chỉ suy nghĩ. Chỉ sau khi cân nhắc mọi lẽ thuận nghịch,
lợi hại ông mới hành động. Và đã hành động là thành công. Việc Trần Thủ Độ
cân nhắc kỹ trước khi dàn dựng vở kịch "nhường ngôi" hay màn độc
thoại của ông trong âm mưu trừ khử Lý Huệ Tông và sau này là thanh toán triệt
để hoàng tộc nhà Lý ở Hoa Lâm là những dẫn chứng thuyết phục về khả năng tư duy
của người lãnh đạo quốc gia kiệt xuất. Như vậy, đối thoại tư tưởng không phải
của thi pháp văn học sử thi và thuộc phạm trù văn học hiện đại.
Tuy nhiên,
đến Hoàng tiên sinh, một nhân vật hoàn toàn hư cấu thì Hoàng Quốc Hải lại rơi
vào một tình huống quá cầu toàn. Trong loại hình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam,
từ đầu thế kỷ XX đến nay, nhân vật hư cấu xuất hiện bên cạnh nhân vật lịch sử
gần như trở thành thông lệ. Những nhân vật này là bậc đạo cao đức trọng, học
vấn uyên thâm, coi khinh công danh. Họ luôn tránh xuất hiện nơi đô hội thường
tìm nơi rừng núi vắng vẻ ẩn cư, rất khó mời ra làm quan, nhưng khi đã nhận lời
ủy thác thì đem hết tài kinh bang tế thế của mình ra giúp vua, giúp nước. Tuy
nhiên, vào lúc công thành danh toại lại treo ấn từ quan để tỏ rõ khí tiết của
mình.
Hoàng tiên
sinh của Hoàng Quốc Hải thuộc tầng lớp sĩ quân tử, tài ngang Quản, Cát, Trần
Thủ Độ phải năm lần bảy lượt mới mời được về tư dinh. Qua những trang miêu tả
mối quan hệ giữa Trần Thủ Độ với Hoàng tiên sinh, tuy rất tốt đẹp nhưng người
ta thấy vẫn còn một cái gì đấy chưa thoả đáng. Chưa thoả đáng là ở chỗ Trần Thủ
Độ thô thiển, cương cường quá, còn Hoàng tiên sinh lại có kiến văn sâu rộng và
tư cách kẻ sĩ cao khiết quá. Vị quân sư này từ chối tất cả mọi chức tước bổng
lộc được ban tặng trong khi ông Thống quốc Thái sư nhũn nhặn đến mức như một
người học trò mà vẫn không giữ được môn khách của mình. Vậy thì, nhà văn sử
dụng Hoàng tiên sinh với mục đích gì? Làm thầy hay chỉ để ngăn chặn trăm họ đàm
tiếu về nền học vấn và kiến văn hạn hẹp của một ngư phủ chỉ quen nghề sông
nước?
Sự thật thì hầu hết những mưu lược mà Hoàng tiên sinh
bày đặt, Trần Thủ Độ đã có sẵn trong đối thoại tư tưởng của mình. Ông chỉ
nhân đó mà có quyết định cuối cùng thôi. Vì thế, không có Hoàng tiên sinh, Trần
Thủ Độ vẫn có những quyết sách đúng đắn vào những thời điểm trọng đại liên quan
đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Chính những trang văn của Hoàng Quốc Hải
đã khẳng định điều này qua cách điều hành đất nước của Trần Thủ Độ với tư cách Tể
tướng.
Hình tượng
nhân vật Trần Thủ Độ, lần đầu tiên, được nhà văn Hoàng Quốc Hải tái hiện gắn
liền với những sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt ở thời kỳ đầu của vương triều
nhà Trần bao hàm cả mặt sáng lẫn mặt khuất lấp của nhân cách. Nếu không có khả
năng quyết đoán, vị Điện tiền Chỉ huy sứ khó có thể sắp đặt một cuộc chuyển
giao chính quyền êm thấm mà không phải đổ máu. Mặt khác, bằng vào tài năng
chính trị bẩm sinh, ông cũng vô hiệu hóa được sức mạnh của mấy tập đoàn cát cứ,
tránh cho đất nước một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.
Hoàng Quốc Hải
là nhà văn am hiểu lịch sử dân tộc sâu sắc, đồng thời lại luôn có xu hướng đối
thoại với lịch sử nên đã sáng tạo ra một hình tượng nhân vật Trần Thủ
Độ đạt đến sự chân thực lịch sử. Đó là một nhà chính trị lão luyện, quyền biến
và lắm cơ mưu. Bằng nhiều thủ đoạn cao
tay, Trần Thủ Độ từng bước đưa người họ Trần cài cắm vào các vị trí trọng yếu
tại triều đình nhà Lý, kể cả việc chấp nhận để người tình của mình là Trần Thị
Dung theo thái tử Sảm về Thăng Long. Mọi toan tính và sự hy sinh ấy cũng chỉ
nhằm đạt đến mục đích cuối cùng: Lấy thiên hạ của họ Lý về tay họ Trần. Vào
thời điểm nhạy cảm ấy, Trần Thủ Độ buộc phải làm những việc có lợi cho đất nước
và dân tộc, kể cả việc giết người.
Cách hành
xử của Trần Thủ Độ vượt khỏi sự suy nghĩ tầm thường của những kẻ sĩ thuộc loại
hủ nho suốt đời chỉ biết tầm chương trích cú. Là một anh hùng thời loạn, Trần
Thủ Độ buộc phải chấp nhận đạo lý, giết một vài người, thậm chí hàng trăm người
để cứu một dân tộc chính là điều cốt lõi của chữ "nhân".
Phải đặt
Trần Thủ Độ vào hoàn cảnh lịch sử Đại Việt vào thời điểm mà chính sự nhà Lý rối
ren, thế lực ngoại thích của Đàm thái hậu chuyên quyền khuynh đảo triều cương,
các thế lực chống đối nổi lên khắp nơi mà tiêu biểu là Quách Bốc, Đoàn Thượng
và Nguyễn Nộn, chia nhau lấn chiếm vương thổ gây ra nạn binh đao, cướp bóc và
nạn đói khiến lòng người oán hận, mới thấy vai trò của ông là vô cùng cần
thiết.
Về Trần
Thủ Độ, sử gia Ngô Sĩ Liên đã ghi chép kèm theo lời bàn trong "Đại Việt sử
ký toàn thư", phần "Bản kỷ", quyển V , Kỷ nhà Trần như sau:
- "Tam Đại xưa lấy được thiên hạ là vì
lòng nhân. Cho nên những vua có đức lớn mà không làm nhiều việc ác quá lắm thì
trời chưa bao giờ vội dứt bỏ họ. Nhà Hạ nếu không có Kiệt, nhà Thương có Trụ,
thì việc truyền ngôi hẳn cũng chưa hết. Xem như cuối đời nhà Chu, các nước chư
hầu cưỡng bức, tiếm lấn mà ngôi chính thống vẫn truyền nối mãi mãi không dứt.
Đó là do nhân sâu ơn dày của tổ tông để lại mãi đến đời sau vậy.
Họ Lý được
nước không kém gì Tam Đại, truyền nối nhiều đời, đến Huệ Tông không có con
trai, lại mắc bệnh tật, chắc là ơn trạch của tiên vương đến đây là hết rồi, cho
nên họ Trần mới có thể lấy được nước. Đã lấy nước của người ta, lại giết vua
của người ta thì thực bất nhân quá lắm.
Sau này,
Phế Đế phải thắt cổ chết, Nguyên Quân bị giết, mình làm thế nào thì phải chịu
thế ấy, đạo trời là như vậy đó. Dù không có lời nguyền của Huệ Tông, cũng tin
là phải thế. Thủ Độ coi việc đó là hết
lòng trung, lo việc nước, nhưng có biết đâu thiên hạ đời sau chỉ mặt gọi là
giặc giết vua, huống chi lại còn làm thói cho lợn (Chỉ việc Trần Thủ Độ đã
giết Huệ Tông lại lấy hoàng hậu của nhà vua).
- "Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì
không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc
mất. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông.
Thế nhưng cái tội giết vua và thông dâm với hoàng hậu thì khó lẩn tránh với đời
sau vậy".
Có thể
nói, Ngô Sĩ Liên nhận xét về công lao Trần Thủ Độ là đúng với hiện thực lịch
sử, và những luận điểm phê phán cách hành xử tàn nhẫn của ông đối với triều
đình nhà Lý cũng không sai nếu xét dưới quan điểm nho giáo. Ngô Sĩ Liên là một
sử gia, tiến sĩ triều Lê, được đào tạo bởi hệ ý thức nho giáo, không thể có tầm
nhìn vượt khỏi thời đại mình. Tuy phê phán nhưng vị Tổng tài Quốc sử quán vẫn
phải thừa nhận Trần Thủ Độ "đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt
cho đến lúc mất".
Như vậy,
với bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần", Hoàng Quốc Hải đã làm nhân
vật Trần Thủ Độ sống lại với đầy đủ diện mạo như một chính khách kiệt xuất của
Đại Việt thế kỷ XIII. Trần Thủ Độ là vị anh hùng cái thế, có công lao lớn dựng
nên công nghiệp nhà Trần nhưng đồng thời cũng là một kẻ gian hùng, đa nghi và
hiếu sát, là kẻ khơi mào mầm mống loạn luân trong dòng họ khiến cho hậu thế chê
cười.
Đó chính
là bài học lịch sử rút ra từ nhân vật này.
Chí Linh,
13.11. 2018
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét