(Tham luận về danh nhân Phùng Tá Chu do
UBND huyện Ba Vì, Hội Khoa học Lịch sử
và Ban liên lạc họ Phùng Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 10 tháng 12 năm
2016 tại Đền Cao, Ba Vì, Hà Nội)
Đặng
Văn Sinh
Phùng Tá Chu (馮佐朱)
là nhân vật tên tuổi trong lịch sử trung đại, vừa là nhà chính trị lỗi lạc dưới
hai triều Lý – Trần, đồng thời cũng là một kiến trúc sư tầm cỡ, từng thiết kế
và xây dựng nhiều công trình cung điện nổi tiếng, nhưng lịch sử lại ghi chép về
ông quá sơ lược. Chẳng những thế, một số nhà sử học qua các triều đại phong kiến
còn có những nhận xét thiếu công bằng, thậm chí chê bai khiến cho hậu thế nhận
thức sai lệch về ông.
Các bộ sử từng ghi
chép về Phùng Tá Chu mà chúng tôi tìm được theo thứ tự thời gian có thể kể đến
như sau:
1-
Đại Việt sử lược,
quyển III (khuyết danh)
Năm Tân Mùi (năm 1211- ND) là năm Kiến gia thứ nhất
Mùa xuân, tháng giêng vua lại sai người đi đón người con gái thứ hai
của họTrần về. Nhưng Trần Tự Khánh không cho. Ngày Ký Sửu tuyển chọn các quan
văn để cho làm Đô hộ phủ Sĩ sư. Ngày Quí Dậu lại đi đón người con gái thứ hai họ
Trần. Trần Tự Khánh sai quan túc trực ở nội điện là Phùng Tá Chu cùng với viên tỳ tướng
của y là Phan Lân. Nguyễn Ngạnh đưa người con gái ấy về kinh sư. Gặp lúc Tô
Trung Từ cùng với Đỗ Quảng đánh nhau ở cửa Triêu Đông nên bọn Phùng Tá Chu phải đậu thuyền ở bến
Đại thông.
Năm Bính Tý (năm 1216- ND) là năm Kiến gia thứ 6
Ngày Canh Tuất, Trần Tự Khánh dựng điện cỏ ở Tây Phù Liệt, khuôn mẫu
của điện nhất nhất đều bắt chước theo như ở trong đại nội. Hiển Tín Vương là
Nguyễn Bát đầu hàng. Nhà vua hạ chiếu cho quan Minh tự Phùng Tá Chu làm Chiêu thảo sứ.
(…)
Mùa
đông, tháng chạp tiến phong cho Thái Tổ (Trần Thừa) ta tước Liệt hầu, Phùng Tá Chu và Lại Linh đều được
phong tước Quan nội hầu. Dùng Trần Tự Khánh làm Thái úy, những lúc triều bái
nhà vua thì không phải xưng tên.
Năm Giáp Thân (1224- ND) là năm Kiến Gia thứ 14
Mùa xuân, tháng giêng, ngày Đinh Tỵ an tang Kiến Quốc Vương ở Mỹ Lộc.
Mùa
xuân, năm ấy cho Thái Tổ (Trần Thừa) làm Phụ quốc Thái úy, Phùng Tá Chu làm Nội thị Phán Thủ, cất cử quan Thượng phẩm hầu là
Trần Báo làm tước Vương và thụy hiệu là Hiển Thành.
Năm Ất Dậu (năm 1225- ND) là năm Kiến Gia thứ15
Chiêu Thánh lên ngôi lấy thụy hiệu là Chiêu Vương, tôn vua Huệ Tông
làm Thái Thượng Vương, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.
(…)
Mùa đông, tháng 11, Thái Thượng Vương thấy nữ Vương còn nhỏ, lấy làm
lo âu mới cho mời Phùng Tá Chu đến mà định mưu nói
rằng: "Trẫm vì không có đức, Trẫm mắc tội với trời, cho nên bị tuyệt hậu,
không có con để nối dõi. Nay Trẫm truyền ngôi cho con gái, nhưng thấy một người
đàn bà mà khiến bảo đám đàn ông, như có điều là bọn chúng không giúp cho, tất đến
lúc hối hận lại thì cơ nghiệp đã mất rồi. Chi bằng Trẫm theo cái phép thuở xa
xưa của Đường Nghiêu, cái thể thức gần đây là Nhân Tổ, để kén chọn người hiền
mà trao ngôi cho. Nay có điều Trẫm thấy là mỗ…người con thứ hai của Thái úy (Trần
Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể giúp đời, yên dân.
Cho nên, Trẫm muốn dùng làm con mà làm chủ cơ nghiệp nước nhà. Vả lại, Trẫm thấy
Chiêu Vương cũng xứng đôi với mỗ. Các khanh hãy vì Trẫm mà nói với quan Thái úy
rõ".
(…)
Mùa thu, tháng chạp nhà vua sai quan Nội thị phán thủ Phùng Tá Chu, quan Nội hành khiển
Tả ty Lang trung là Trần Chí Hoành, các tướng văn võ trong ngoài và các viên
quan lại hãy quản lãnh thuyền rồng, chuẩn bị pháp giá đến phủ Cương Tinh mà đón
Thái Tổ ta (Trần Thừa).
2-
Đại Việt sử ký toàn
thư (Bản kỷ, quyển IV)
Kỷ Nhà
Lý
Huệ Tông
Hoàng Đế
Tân Mùi, [Kiến Gia] năm thứ 1 [1211],
(Tống Gia Định năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu.
Tháng 2, vua lại sai Phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần thị. Tự Khánh
bèn sai bọn Phùng Tá Chu đưa Trần thị đi. Gặp
khi Tô Trung Từ và Đỗ Quảng đang đánh nhau ở [bến] Triều Đông, Tá Chu bèn đỗ thuyền ở bến
Đại Thông. Đến khi Đỗ Quang bị thua, vua sai Bố và Trung Từ đón Trần thị vào
cung, lập làm nguyên phi; cho Trung Từ làm Thái uý phụ chính; phong Thuận Lưu
bá Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu.
Giáp Thân, [Kiến Gia] năm thứ 14 [1224],
(Từ tháng 10 về sau là niên hiệu cuả Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ
1; Tống Gia Định năm thứ 17). Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa
Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo
trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm
thứ 1, tôn hiệu là Chiêu [32a] Hoàng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo
trời có khi thường có khi biến. Thánh nhân phối với trời đất, giúp việc hoá dục
thì có đạo xử trí lúc biến mà vẫn không mất phép thường. Như Đan Chu con vua Nghêu là kẻ bất tiếu1,
thì vua Nghêu tiến vua Thuấn với trời, mà thiên hạ thịnh trị. Thương Quân con
vua Thuấn là kẻ bất tiếu không thể truyền ngôi, thì vua Thuấn tiến vua Vũ với
trời, mà xã tắc được yên, đều là xử trí lúc biến mà không mất phép thường cả. Đời
sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và
Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con
mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý
Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để [32b] đến sau
lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan
bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ
hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy
là người có tội với họ Lý.
Quyển V
Kỷ Nhà Trần
Thái Tông Hoàng Đế
Bính Tuất, Kiến Trung năm thứ 2 [ 1226], (Tống Bảo Khánh năm thứ 2) (từ tháng
10 đến tháng 12)
Sai Phụ quốc Thái
phó Phùng Tá Chu quyền Tri phủ Nghệ
An, cho phép ban tước từ tá chức, xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về
triều tâu lên.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Ban
tước cho người là quyễn của thiên tử, không phải là quyền của kẻ làm tôi [4a]. Phùng Tá Chu là bề tôi cũ triều Lý, không có việc cần phải chuyên quyễn như ra
ngoài cương giới, làm lợi cho quốc gia, vỗ yên trăm họ, mà lại cho phép chuyên
quyền thì cả người cho phép đều sai cả.
Bễ tôi nhà Trần mà biết đạo ấy, phải chăng chỉ có Quốc công Hưng Đạo
Đại Vương. Thánh Tông vì thấy ông có công lao to lớn, cho phép được tự tiện
phong tước cho người, nhưng chưa bao giờ ông phong cho một ai cả. Giữa lúc giặc
Hỗ vào cướp, cầm quân chuyên chế, lấy thóc của người giàu để cấp lương quân,
nhưng cũng chỉ cho người đó làm giả Lang tướng mà không dám cho làm Lang tướng
thực.
Quý Tỵ,Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2
[1233], (Tống Thiệu Định năm thứ 6), sai Phùng Tá Chu duyệt định các ấp
lớn phủ Nghệ An.
Giáp Ngọ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ
3 [1234], (Tống Đoan Bình năm thứ 1) Gia phong thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái phó, tước Bảo Trung quan nội hầu.
Ất Mùi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ
4 [1236], (Tống Đoan Bình năm thứ 2). [9b] Gia phong Hưng Nhân vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương; Quan nội hầu Phạm Kính Ân làm Thái úy, ban cho mũ áo đại
vương.
Kỷ Hợi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ
8 [1239], (Tống Gia Hy năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, lại cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội thái phó. Sai [Chu] về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện.
Canh Tý, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ
9 [1240], (Tống Gia Hy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Phùng Tá Chu dựng 5 sở hành cung ở phủ Thanh Hoá.
Tân Sửu, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ
10 [1241], (Tống Thuần Hựu năm thứ 1) Phùng
Tá Chu mất.
Giáp Thìn, [Thiên Ưng Chính Bình] năm thứ 13 [1244], (Tống Thuần Hựu năm thứ
4).
(…)
Tháng 3, cho Phùng Tá Khang, cha Phùng Tá Chu, làm tả nhai đạo lục, tước Tả Lang.
3- Việt sử tiêu án của Ngô Thì
sỹ
Kỷ Nhà Trần
Thái Tông hoàng đế
Vua phong cho Phùng Tá Chu là Hưng Nhân Vương, Phạm Kính Ân làm quan Nội hầu. Hai người này đều
là cựu thần nhà Lý, nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất lũ ấy đều là
thân thuộc họ ngoại nhà Trần, cũng là một phường với Trung Từ, Tự Khánh, cho
nên thủy chung vẫn được tin yêu, ân thưởng hơn người khác. Nhà Lý mất, nhà Trần
lên, vẫn là sở nguyện của những kẻ ấy, đâu còn đem lễ nhượng mà trách kẻ ăn trộm
bao giờ?
4- Khâm định Việt sử thông giám – Quốc sử quán triều Nguyễn
(Chính biên quyển 6)
Quý Tỵ, năm thứ 2 (1233). (Tống, năm
Thiệu Định thứ 6). Sai Phùng Tá Chu xét định các hạng danh sắc ở Nghệ An.
Giáp Ngọ, năm thứ 3 (1234). (Tống, năm Đoan Bình thứ 1). Tháng giêng, mùa
xuân. Thượng hoàng mất.
(…)
Phong cho Phùng Tá Chu tước Hưng Nhân vương và bổ dụng Phạm Kính Ân làm Thái phó, phong tước
là Bảo Trung hầu.
Triều nhà Lý, Tá Chu làm Thái phó, Kính Ân tước Quan nội hầu. Khi nhà vua được Chiêu
hoàng truyền ngôi cho, hai người này có công suy tôn giúp đỡ, nên nay mới được
phong tước. Sau này lại gia phong Tá Chu làm Đại vương, Kính Ân làm Thái uý và ban cho mũ áo Đại vương.
Kỷ Hợi, năm thứ 8 (1239). (Tống, năm
Gia Hy thứ 3). Tháng giêng, mùa xuân. Dựng cung điện ở làng Tức Mặc.
Nhà vua nghĩ Tức Mặc là nơi làng cũ của mình, nên hạ lệnh cho Phùng Tá Chu làm quan Nhập nội thái phó, dựng hành cung ở đấy để thời
thường đến chơi thăm.
Canh Tý, năm thứ 9 (1240). (Tống, năm
Gia Hy thứ 4). Tháng giêng, mùa xuân. Dựng hành cung1 ở Thanh Hóa. Việc này
giao cho Phùng Tá Chu đứng làm. Xây dựng tất cả năm sở.
Về mặt sử liệu, cho
đến nay, ngoài những ghi chép ít ỏi trong chính sử, các nhà nghiên cứu không có
thêm bất cứ tư liệu nào về Phùng Tá Chu, bao gồm cả những ghi chép về ông của
dòng họ Phùng ở ấp Mỹ Xá, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), tỉnh Thái Bình hay
phủ Phụng Thiên (nay là làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Nguyên nhân dẫn đến
hiện tượng này, trước hết phải kể đến chủ trương tận diệt văn hóa Đại Việt của
các triều đại phong kiến phương Bắc qua các cuộc xâm lược nước ta mà điển hình
là Minh Thành tổ Chu Đệ hay còn gọi là Minh Vĩnh Lạc (1360-1424). Cách thức hủy
diệt văn hóa của người Hán là cực kỳ dã man và thâm hiểm. Có thể nói, đối với
chúng, từ những thư tịch quý hiếm trong văn khố triều đình cho đến tàng thư ở
các đạo, thừa tuyên hay trấn, phủ, huyện đều được tận thu mang về chính quốc,
những thứ không vận chuyển được như đình, chùa, đền, miếu, bia đá… thì chúng đập
phá hoặc làm biến dạng. Chính vì thế, cho đến nay, chẳng những lịch sử mà ngay
cả văn hóa người Việt vẫn còn những khoảng trống không gì có thể bù đắp bởi tội
ác của chủ nghĩa Đại Hán.
Nguyên nhân thứ hai
cũng không kém phần quan trọng, đó là sự kỳ thị của các sử gia bị hệ ý thức nho
giáo chi phối, họ không vượt qua được tư tưởng “trung thần bất sự nhị quân” (忠臣不事二君), nghĩa là trung thần
không thờ hai vua, được xem như tiêu chuẩn quan trọng của kẻ sĩ quân tử trước vương
triều phong kiến.
Hệ ý thức phong kiến
cổ hủ, giáo điều, lạc hậu mà các nhà lập thuyết khởi xướng từ mấy ngàn năm trước
như Khổng Tư, Mạnh Tử, Tăng Tử, được các thế hệ nho sĩ tiếp thu một cách thụ động,
coi như “thiên kinh địa nghĩa” nhằm mục đích giáo dục con người, biến con người
thành công cụ máy móc chỉ biết phục tùng mà triệt tiêu khả năng phản biện. Đó
là một xã hội khép kín, lấy đạo Tam
cương, Ngũ thường mà cốt lõi là mối quan hệ quân thần, phụ tử để cai trị
thiên hạ. Trong các mối quan hệ bất bình đẳng ấy, vua được coi là con trời
(thiên tử), tuyệt đối quyền uy (cho dù đó là loại “vua lợn” như Lê Uy Mục, Lê
Tương Dực), được Khổng Khâu cụ thể hóa bằng mệnh đề cực kỳ phản động mà bất cứ
nhà nho nào cũng thuộc nằm lòng: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử
từ vong, tử bất vong bất hiếu” (君處臣死臣不死不忠,父處子亡子不亡不孝), nghĩa là, vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung; cha bắt con
chêt, con không chết là bất hiếu).
Khổng Tử còn đi xa
hơn nữa khi ông đưa ra nguyên tắc bất biến đối với giới nho sĩ trong cách xuất
xử: “Nguy bang bất nhập, loan bang bất cư, thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ
vô đạo tắc ẩn”(危邦不入亂邦不居. 天下有道則見,無道則隱), nghĩa là, nước đang gặp nguy hiểm không nên vào, nước đang có loạn
không nên ở, thiên hạ có đạo thì ra (làm quan), thiên hạ vô đạo thì (về) ở ẩn. Nguyên
tắc này, thậm chí còn chi phối đến cả thiền sư Đinh La Quý, vốn là một vị tổ của
thiền phái Tỳ ni đa lưu chi khi ngài có lời kệ dặn lại đệ tử trước khi viên tịch:
“Trị minh vương tắc xuất, ngộ ám chúa tắc tàng” (值明王則出遇暗主則藏藏), nghĩa là, gặp vua sáng thì ra, thấy chúa tối
thì ở ẩn.
Như vậy, chúng ta có
thể thấy, học thuyết của Khổng Tử, ngoài tính giáo điều, tư biện, ông còn truyền
cảm hứng cho đám hậu sinh thói lười biếng, ích kỷ, cơ hội và cầu toàn. Đây
chính là những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của xã hội với vô vàn khuyết tật
mà hệ lụy của nó còn kéo dài đến tận ngày hôm nay, cho dù chúng ta đang sống dưới
một thể thể chế chính trị được nhìn nhận là tiến bộ hơn hẳn.
Trở lại vấn đề sử liệu ghi chép về Phùng Tá Chu,
trong 4 bộ sử mà chúng tôi trích dẫn thì cả Ngô Sỹ Liên trong “Đại Việt sử ký
toàn thư” và Ngô Thì Sỹ trong “Việt sử tiêu án” đều có lời bình. Cả hai lời
bình đều mang nặng tính hủ nho, thiển cận mà không đánh giá đúng tầm quan trọng
của Phùng Tá Chu và Tô Trung Từ trong cuộc chuyển giao quyền lực một cách êm
thấm từ vương triều Lý suy tàn sang vương triều Trần đang lên với hào khí Đông
A rực rỡ. Rõ ràng mang nặng sự kỳ thị với tư tưởng cấp tiến của Phùng Tá Chu,
nhưng Ngô Sỹ Liên cũng không thể phủ nhận vai trò tham mưu của ông trong việc giúp
nhà Trần đoạt được thiên hạ. Có lẽ là một sử gia, buộc phải đưa các nhân vật
quan trọng vào quốc sử, nên họ Ngô đã ghi chép rất sơ lược, đồng thời lại kèm
theo lời bình thiếu công tâm nhằm hạ thấp vai trò của ngài Thái phó tiền nhiệm
triều Trần chăng? Còn Ngô Thì Sỹ thì hằn học gọi Phùng Tá Chu và Phạm Kính Ân
là “nhất đán đổi chủ, cam làm ưng khuyển, ý tất cả lũ ấy đều là thân thuộc họ
ngoại nhà Trần…” liệu có đúng với sự chân thực lịch sử?
Biên soạn Đại
Việt sử ký toàn thư, Ngô Sỹ Liên đã viết 172 lời bình, trong số đó có những
lời bình xem ra rất phù hợp với chủ thuyết nho giáo nhưng lại vô cùng thiếu đạo
lý, thiếu tình người, thậm chí bất lương như đoạn nói về cái chết của Nguyễn
Trãi và Nguyễn Thị Lộ trong vụ thảm án Lệ Chi Viên. Hơn nữa, sau khi soạn sách
xong, Ngô Sỹ Liên tuy là Triều liệt đại phu, Quốc tử giám Tư nghiệp, kiêm Sử
quan tu soạn, nhưng vẫn phải làm biểu dâng lên để vua Lê Thánh Tông phê duyệt.
Như vậy chính Lê Thánh Tông đã làm trái với quy định là vua đương thời không
được xem quốc sử. Điều này, Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ, quyển XI,
Thánh Tông Thuần hoàng đế, đã chép: “Vua
muốn xem quốc sử, sai nội quan tới Hàn lâm viện dụ riêng sử quan Lê Nghĩa rằng:
‘Trứơc kia, Phòng Huyền Linh làm sử quan, Đường Thái Tông muốn xem Thực lục,
Huyền Linh không cho xem. Nay ngươi với Huyền Linh thì ai hơn?’. Nghĩa trả lời:
‘Sự kiện ở cửa Huyền Vũ, Huyền Linh lại không thẳng thắn ghi lại, Đường Thái
Tông phải bảo ghi rồi sau mới ghi, như thế e rằng cũng chưa phải là hiền thần’.
Nội quan nói: ‘Vua muốn xem ghi chép hằng ngày từ năm Quang Thuận thứ 1 đến năm
thứ 8’. Nghĩa trả lời: ‘Vua mà xem quốc sử, hẳn không phải là việc hay. Những
việc làm của Đường Thái Tông và Phòng Huyền Linh đã bị đời sau chê bai đấy!’.
Nội quan nói: ‘Vua bảo là xem những ghi chép hằng ngày để biết trước có lỗi gì
còn có thể sửa được’. Nghĩa nói: ‘Chỉ cần bệ hạ gắng làm điều hay thôi, việc gì
phải xem quốc sử’. Nội quan dụ bảo nhiều lần, Nghĩa nói: ‘Thánh chúa nếu biết
sửa bỏ lỗi lầm thì đó là phúc lớn vô hạn của xã tắc, [39a] thế dẫu không khuyên
can mà cũng không là khuyên can’. Rồi dâng những ghi chép hằng ngày lên. Vua
xem xong trả lại cho Sử viện”.(Trang 39 b, quyển XI). Đọc câu cuối cùng “Vua xem xong trả lại cho Sử viện”, không
ít người sẽ đặt câu hỏi, Lê Thánh Tông có thái độ như thế nào khi đọc được
những điều sử quan chỉ trích mình? Và liệu Lê Nghĩa có viết đúng sự thật về
việc ông vua vi phạm quy chế?
Từ sự kiện trên, có thể nói, ngoài những chi tiết sao
chép lại từ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu (hiện văn bản gốc đã thất lạc), người
đời sau có quyền hoài nghi về độ tin cậy của những phần Ngô Sỹ Liên viết về nhà
Lê. Hơn thế nữa, tư cách của vị sử quan này đã được chính Lê Thánh Tông nhận
xét xem ra không có gì là tốt đẹp: “Vua
dụ bảo Đô ngự sử đài là bọn Ngô Sĩ
Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng:Ta mới
coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông, nên mới
tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng
theo!. [8b] Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi
theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ
không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó
ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn
lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết
ư? Thực là bọn gian thần bán nước!” (Trang 8b, quyển XI).
(…)
“Mùa thu,
tháng 7, ban cho Anh Vũ, con Nguyễn Đình Mỹ. Vua dụ rằng:
Đồ dùng thì
chuộng thứ mới, dùng người thì nên dùng người cũ. Nho thần tuổi già như bọn các
ngươi còn mấy nguời đâu, mà ngươi phạm tội cũng là sau vụ phạm tội của Ngô Sĩ Liên và Nguyễn
Thiện thôi. Pháp ty giữ công bằng, theo luật, phải giáng bãi, nhưng ta thì tiếc
tài ngươi, sai đổi thành lệnh biếm chức. Pháp luật là phép công của nhà nước,
ta cùng các ngươi đều phải theo, ngươi nên nhớ lấy". (Trang 16b, quyển XI).
Như vậy, xét về mặt lịch sử, cho dù vẫn còn những sử
gia khư khư giữ quan điểm chính thống, phê phán việc “sự nhị quân” của Phùng Tá
Chu, nhưng họ vẫn phải ghi nhận công lao của ông trong chính sử như là một trọng
thần góp phần chuyển giao chính quyền từ tay nhà Lý sang nhà Trần bằng biện
pháp hòa bình, tránh cho bách tính Đại Việt một cuộc nội chiến. Ngoài tài năng
chính trị, Phùng Tá Chu còn là công trình sư tài năng, để lại dấu ấn trong việc
xây dựng nhiều cung điện nhà Lý và nhà Trần. Lúc ra làm quan địa phương, Phùng
Tá Chu biết cách vỗ yên trăm họ, khoan sức dân, thưởng phạt phân minh, khi về
triều, được vua Trần sủng ái, phong tước Đại vương, chức Nhập nội Thái phó.
Chí Linh, 30.8.2016
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét