ĐẶNG VĂN SINH
Lang thang trong rừng thông, một mình
suy ngẫm. Lá thông rì rào, phảng phất mùi nhựa hăng hắc lan tỏa, dễ gợi tâm thức
kẻ hành hương chạnh lòng nhớ về thời quá vãng.
Con đường quanh co, uốn lượn, luồn lách
dưới tán rừng già, không ít đoạn dốc cheo leo, mệt đến đứt hơi nhưng đẹp như cổ
tích. Tôi không thích con đường mới mở dù nó thẳng hơn, ngắn hơn, ít dốc và tiện
lợi hơn cho khách thập phương. Đoạn đường mới này, nhìn từ xa, bệch bạc như một
lát cắt vụng về, làm mất đi vẻ tự nhiên của dải rừng đầu nguồn, đã từ lâu, vốn
rất hài hòa với cảnh quan ngôi chùa cổ. Ở đây là cả một vấn đề triết lý. Những
danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, nhất là lịch sử tôn giáo mang tầm
quốc gia, muốn lưu giữ được vẻ đẹp nguyên thủy truyền lại cho các thế hệ mai
sau phải có cái nhìn của những kiến trúc sư, những họa gia bậc thầy để nối dài,
mở rộng, tạo chiều sâu không gian trong một tổng thể thẩm mỹ.
Chẳng biết người đặt nền móng đầu tiên
cho công cuộc kiến tạo Thanh Mai thiền tự có phải là vị tổ thứ hai của thiền
phái Trúc lâm hay không? Nếu đúng như thế thì quả Pháp Loa có "con mắt đạo"
như Điều Ngự thiền sư đã nhận xét khi lần đầu gặp ngài ở hương Cửu La, lộ Nam
Sách Giang. Dấu tích còn lại của ngôi cổ
tự được khởi công từ đầu thế kỷ XIV vẫn như còn ngổn ngang đâu đây, khiến cho
những khách thập phương đa cảm, đa tình bùi ngùi nhớ đến một thuở huy hoàng của
đạo Thích Ca thời Trần với hàng ngàn ngôi chùa, hàng vạn tăng đồ cùng các bậc
thiền sư khuông quốc đạo cao đức trọng.
Con mắt thiền sư định vị ngôi chùa cũng
là con mắt của một nhà phong thủy. Theo truyền thống, tất cả các ngôi chùa, dù
là Tỳ ni đa lưu chi, Vô ngôn hay phái Thảo Đường đều tọa lạc trên đỉnh cao, và
nhất thiết mặt tiền tọa hướng chính tây, nơi khởi nguồn của đạo Phật. Riêng
chùa của Trúc Lâm thiền tông, một chi phái thuần túy Đại Việt do Thái thượng
hoàng Trần Nhân Tông sáng lập lại quay về hướng chính nam. Và độc đáo hơn nữa,
Thanh Mai thiền tự còn tọa lạc ở lưng chừng dãy Tam Ban, chính giữa vòng cung,
ôm lấy long mạch, khiến cho vận số hanh thông, có thể truyền đạo pháp đến muôn
đời sau.
Lệch về tây bắc một chút là dãy Báo Đức,
thấp hơn ngọn Tam Ban nhưng choãi rộng ra thành tấm bình phong thiên nhiên bền
vững như bức trường thành. Trên núi Báo Đức vẫn còn di tích ngôi mộ cụ Nguyễn
Phi khanh, thân sinh vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Thiên nhiên chẳng phải vô tình đã dành
cho cư dân vùng Đông Bắc này một nơi tịnh địa tích tụ khí thiêng sông núi để
các vị cao tăng chọn làm chốn tu hành. Thế đất lành và ý nguyện chúng sinh do
Trời Phật run rủi, từ khoảnh khắc hạnh ngộ, đã khuyến chư tăng cùng thiện nam
tín nữ, phát tâm bồ đề, rộng lòng công đức góp phần vào sự nghiệp kiến tạo Phật
đường. Đó là một quần thể kiến trúc tòa ngang dãy dọc bề thế mang những nét đặc
thù của Phật giáo Đại Việt ở vào thời kỳ lịch sử hưng thịnh nhất Đông Nam Á.
Khởi thủy, chùa đã có quy mô khá lớn thuộc
dạng kiến trúc nội công ngoại quốc(2) gồm tòa Tam Quan sừng sững với những cột lim cỡ hai
người ôm kê trên các phiến đá xanh chạm trổ hoa văn đỡ gác chuông sơn son chạm
nổi long ly quy phượng, lợp ngói mũi hài. Tiếp đến là tòa Tam Bảo lộng lẫy vàng son, Như Lai cùng chư
phật ngự trên tòa sen thiếp vàng lấp lánh giữa Đại Hùng bảo điện. Nhà Tổ thuộc
lớp thứ ba cấu trúc như một cung điện nguy nga, hai bên tả hữu là các gian giải
vũ thờ mười tám vị La Hán mình vàng. Những phế tích còn lại của một thời đã qua
bất giác gợi lên trong tôi nỗi nhớ bâng khuâng, buồn man mác, nhất là khi lần
mò đọc được những dòng chữ Hán đã khá mờ do thời gian và mưa nắng bào mòn trên
tấm bia "Tam Tổ thực lục" dựng vào năm Đại Trị thứ năm (1358) đời Trần
Dụ Tông ghi công tích vô lượng của ba vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm.
Sinh thời, Pháp Loa thiền sư, tục danh
là Đồng Kiên Cương, quán tại hương Cửu La, lộ Nam Sách Giang (nay thuộc làng Cổ
Pháp, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Tương truyền vào năm Giáp Thân (1284),
lúc ngài ra đời có mùi hương lạ lan tỏa khắp nhà. Thứ hương trời ấy cứ phảng phất
mãi bảy ngày sau mới tan đi. Là người mộ đạo từ bé, trong tâm đã có sẵn chân
như, lục độ. Như
một cơ duyên, nhân chuyến Điều Ngự thiền sư đi thuyết pháp qua hạt Nam Sách, Đồng
Kiên Cương đến yết kiến xin được xuất gia đầu Phật. Thượng hoàng Trần Nhân Tông
thoáng nhìn đã nói : "Người này có con mắt đạo, sau này ắt có pháp
khí", bèn nhận làm đệ tử và đặt tên cho là Thiện Lai. Thiện Lai tu hành
chăm chỉ, hiểu thấu giáo lý nhà Phật, đặc biệt là học thuyết của phái Trúc Lâm
nên được Thái thượng hoàng yêu mến thường cho ngồi hầu bên cạnh mỗi khi lên đàn
giảng kinh. Năm Bính Ngọ đời Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ mười ba
(1306), tại tăng viện Kỳ Lân Côn Sơn, Điều Ngự thiền sư truyền cho ngài Giới
Thanh văn và Bồ tát, lại ban pháp hiệu là Pháp Loa. Có người bàn rằng,
"Loa"(螺), chữ Hán nghĩa là con ốc. Thượng hoàng Nhân Tông ngụ ý xem thiền sư như một chiếc tù và dùng để khuếch
trương sự nghiệp hướng thiện, diệt ác, cứu khổ cứu nạn, hoằng dương đạo pháp đối
với trăm họ của Thiền phái Trúc Lâm. Năm Hưng Long thứ mười lăm (1308), tại
chùa Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), Điều Ngự Trần Nhân
Tông làm lễ trao quyền nối dòng thừa kế cho Pháp Loa có sự chứng kiến của hoàng
đế Trần Anh tông. Như vậy, Pháp Loa trở thành vị tổ thứ hai của Trúc Lâm Phật
phái lúc ngài mới hai mươi lăm tuổi.
Đọc "Tam tổ thực lục", xem tấm bia khắc năm Vĩnh Thịnh thứ 10
(1714) đời vua Lê Hy Tông gắn trên Viên Thông bảo tháp (圓通寶塔),
mới thấy công nghiệp của Pháp Loa thật lớn lao. Trước hết, Thiền sư là một vị
chân tu hiểu thấu lẽ biến dịch của trời đất bằng một nhân sinh quan nhập thế tiến
bộ. Ngài đã hòa đồng một cách nhuần nhuyễn giữa đạo pháp và nhân sinh, kiến tạo
một mô hình Phật giáo mang đậm màu sắc Đại Việt. Trong hơn hai mươi năm, với tư
cách là người đứng đầu Thiền phái Trúc Lâm, Pháp Loa đã xây được trên tám trăm
chùa, trong đó, chùa Quỳnh Lâm (nay thuộc huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh) là
một tăng viện lớn vào bậc nhất của trung tâm Phật giáo thời ấy. Bằng vào pháp
giới vô biên và tấm lòng từ bi vô lượng của mình, tuy viên tịch ở tuổi bảy
mươi, nhưng ngài đã độ được hàng vạn tăng ni, riêng chùa Thanh Mai có hai Quốc
sư và một Pháp tổ. Với kiến thức uyên bác, tâm đạo huyền diệu, Pháp Loa còn chủ
trì dịch và cho khắc ván in bộ kinh Đại Tạng từ chữ Phạn...
Phía sau Tháp Viên Thông, trên một khoảnh
đồi khá rộng, nối với bìa rừng là một sườn dốc, xưa kia trồng toàn thanh mai
hoa trắng tinh khiết, tượng trưng cho cốt cách của các bậc chân tu. Loài hoa
cao quý ấy giờ chỉ còn sót lại vài cây gầy guộc, lẻ loi giữa đại ngàn nhưng
cũng đủ cho lòng du khách bâng khuâng.
Vãn cảnh Thanh Mai, Khách thập
phương chẳng thể ngờ, xung quanh chùa vẫn còn đó một "rừng phong thu đã nhuốm màu quan san".
Không thể biết cây phong Thanh Mai mọc tự nhiên hay do bàn tay con người trồng
nên nhưng quả thật đó là chuyện hy hữu đã vô tình tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời giữa
cánh rừng nhiệt đới. Số lượng phong không nhiều, lại mọc rải rác trên sườn núi
nhưng trong một buổi chiều hơi sương lãng đãng, bất giác làm ta mơ màng liên tưởng
về chốn bồng lai mỗi khi có ngọn gió thu lướt nhẹ, rừng phong xào xạc thả dần
xuống thảm cỏ những phiến lá đỏ ối nhuốm màu hoàng hôn.
Chiều dần buông. Bóng tòa cổ tháp đổ
nghiêng vào sườn núi. Những cây quéo cổ thụ vẫn vô tình trước thế gian biến cải,
vươn tán lên trời cao đón ánh hoàng hôn tím nhạt. Cây đại già trơ cành khẳng
khiu khoác lớp vỏ sần sùi
nhuốm bụi thời gian như đang trầm mặc hồi tưởng về một thuở huy hoàng của đạo
Thích Già. Chúng chẳng những là nhân chứng của tạo hóa hiện diện suốt chiều dài
lịch sử bảy trăm năm mà dường như còn là nơi lưu giữ hồn thiêng cha ông thuở
nào đang âm thầm nhìn xuống cõi trần bụi bặm từ chín tầng trời. Nhìn cảnh chùa,
như một sự liên tưởng bất chợt, tôi nhớ đến hai câu thơ của Bà huyện Thanh
Quan:
Dấu
xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền
cũ lâu đài bóng tịch dương
(Thăng Long thành hoài cổ)
Cho đến trước năm 2003, trên nền tòa cổ
tự bề thế vào hàng nhất nhì của quần thể kiến trúc Phật giáo Trúc Lâm ngày nào,
được nhân dân thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh cùng với một số
nhà hảo tâm xây cất tạm thời một ngôi nhà cấp bốn để các già làng có chỗ cầu
kinh niệm Phật. Ngày ấy, ngắm những pho tượng Phật mới tô, tôi cứ thấy có cái
gì dài dại, thiếu trang nghiêm nếu không nói là bôi bác tùy tiện. Ấy vậy mà
chùa đã được nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày
21 tháng giêng năm 1992. Đành rằng, qua bao cơn binh lửa, chùa đã mấy phen
hoang phế rồi lại được trùng tu, tôn tạo hẳn là không thể giữ nguyên lối kiến
trúc cổ thời Trần, nhưng dù vật đổi sao dời, cho đến đầu những năm năm mươi của
thế kỷ XX, hầu hết tượng Phật cùng những đồ tế tự gần như còn nguyên vẹn. Vậy
mà, sau khi hòa bình lập lại, những nhà quản lý đất nước, thông qua chủ trương
"chống mê tín dị đoan", coi "tôn giáo là thứ thuốc phiện ru ngủ
nhân dân" đã ra lệnh phá hủy Thanh Mai thiền tự. Đội quân phá chùa, hầu hết
xuất thân từ thành phần cố nông, không viết nổi tên mình, vốn là các "ông,
bà" cốt cán, trên không sợ trời, dưới không sợ đất, chỉ sợ mỗi "anh Đội". Bản thân người viết bài này, những năm ấy còn là học sinh
tiểu học, cũng bị nhà trường bắt đi phá
đình chùa dưới sự chỉ đạo của ông xã đội trưởng. Người lớn thì tháo ngói, dỡ
nhà lấy gỗ làm trụ sở ủy ban và đóng bàn ghế, trẻ con thì khênh tượng Phật gom
thành một đống đốt hoặc vứt xuống ao nổi lềnh phềnh. Sau cuộc triệt hạ có một
không hai trong lịch sử Phật
giáo, nhân danh "tư tưởng vô thần", pho tượng Pháp Loa bằng vàng ròng
tay cầm bông hoa sen bỗng nhiên biến mất. Tượng Phật Thích Ca, chất liệu đồng hun, vốn là biểu tượng linh thiêng bất khả
xâm phạm cũng không cánh mà bay. Chưa hết, những đồ tế khí may mắn thoát khỏi
cơn cuồng nộ của chủ nghĩa cực đoan ngày ấy, thì những năm sau này, lại rơi vào
tầm ngắm của bọn đạo chích. Tòa cửu long đồng điếu, được chạm trổ rất tinh xảo,
nặng đến 87 kg "thăng thiên" vào một ngày đẹp trời nào đó làm dư luận
xôn xao là những ví dụ sinh động.
Từ nhiều năm qua, trùng tu chùa Thanh Mai không chỉ là ước
vọng của riêng nhân dân Hoàng Hoa Thám. Với một đơn vị hành chính vài ngàn dân,
phương thức sản xuất chủ yếu là nông nghiệp ở một vùng bán sơn địa, ngân sách
eo hẹp thì đây là việc làm quá sức của địa phương tuy rằng đã có không ít cuộc
vận động quyên góp từ khắp trong Nam ngoài Bắc đến cả những tấm lòng thơm thảo
của đồng bào Việt Nam xa Tổ quốc. Nhưng lực bất tòng tâm, công trình quá lớn mà
khả năng tài chính lại có hạn.
Hết ngày dài rồi lại đêm thâu, những tưởng
tấm bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa phủ dầy bụi đã rơi vào quên lãng thì
bất ngờ, năm 2005 bộ Văn hóa -Thông tin duyệt kế hoạch trùng tu Thanh Mai thiền
tự với khoản ngân sách đáng kể. Có điều số tiền ấy về được đến địa phương cũng
thật lắm nỗi gian truân, bởi nó phải vòng vo qua nhiều cửa ải, mà mỗi cửa ải ấy,
muốn "thông đồng bén giọt", khổ chủ nhất nhất phải tuân theo thứ luật
bất thành văn, trích vài chục phần trăm "phết phẩy" nằm ngoài sổ sách
để "bôi trơn cơ chế"...Thứ nữa, cũng còn phải tính đến một vài quan
chức địa phương, sau khi được vinh thăng đảm nhận trọng trách quốc gia, chợt giật
mình nhớ đến luật nhân quả, sợ con cháu sau này khát nước vì các vị đã chót ăn
mặn, bèn bỏ ra vài trăm triệu, xây ngôi nhà Tổ rồi trang trí nội thất nhằm mua
trước tấm vé qua cửa thiên đường. Cho đến nay, tất cả các hạng mục công trình đều
đã hoàn thành trong đó quan trọng nhất là nhà tiền tế, Tam Bảo và tháp Viên
Thông.
Điều
đáng lưu tâm là, phần lớn kết cấu công trình trùng tu đều được làm bằng
gỗ quý, đặc biệt là lim xanh, một loại thiết mộc trường cửu cùng thời gian được các hiệp thợ
lành nghề gia công theo công nghệ cổ truyền. Nhìn những cây cột tam quan khoát
năm, khoát bảy, được bào gọt mịn màng cùng với hệ thống xà ngang, xà dọc, câu đầu,
con kê, chồng diềm, hàng kẻ... đỏ tươi ánh màu hoa văn tự nhiên do vân gỗ tạo
nên, bất giác tôi hình dung đến sự hữu hạn của đời người với sự trường tồn của
một tôn giáo có số tín đồ đông đảo nhất ở Việt Nam, chí ít là về mặt tâm linh.
Trong cái không gian vàng son lộng lẫy của
Phật đường, dạo qua dạo lại vài vòng, tôi chợt thấy hơi buồn khi đọc được những
dòng chữ Hán trên các tấm hoành phi, câu đối treo la liệt trên xà ngang, cột dọc.
Đó phần lớn là loại chữ viết trái cựa, mất nét, nguệch ngoạc như gà bới hoặc uốn
éo, vẽ vời vô lối chẳng cần biết thư pháp là gì. Đã thế, các nhà hảo tâm cung
tiến chỉ biết bỏ tiền ra thuê thợ "vẽ" mà chẳng mấy quan tâm về nội
dung, dẫn đến tình trạng có những câu viết
sai, thiếu chữ hoặc đối không chỉnh. Hiện tượng này khá phổ biến ở các
chùa mới trùng tu, cho dù trùng tu bằng tiền chục tỷ. Hoa Yên thiền tự trên núi
Yên Tử có thể xem là ngôi chùa đạt kỷ lục về sự tùy tiện chữ nghĩa...
Các vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, ở nơi
Niết Bàn, giờ này, có lẽ đang hướng tuệ nhãn qua lớp lớp bụi thời gian về nơi cố
tự mà gật đầu hài lòng với lớp chúng sinh hậu thế. Hoa Yên thiền tự, Côn Sơn
thiền tự, rồi giờ đây là Thanh Mai thiền tự, lần lượt được con cháu kính cẩn
trùng tu, tôn tạo, tuy quy mô vẫn còn khiêm tốn chưa thể sánh được với công
nghiệp vô lượng của các ngài, nhưng cái quý là ở tấm lòng biết ơn đối với tiền
nhân...
Cảnh chùa lúc tà dương tịch mịch trong tiếng mõ nhặt khoan giục lòng
du khách hướng về cõi vô thường. Leo hết ba chặng núi, vượt dòng suối mát nước
trong vắt đến chốn thiền môn bỗng thấy tâm hồn như được thanh lọc. Những gì là
bụi bặm của cõi trần ai dường như không theo nổi bước chân bền bỉ của con người.
Bước vào đất chùa là bước vào thế giới của cõi thiện. Hỡi những khách hành
hương, dù cho tâm trạng ai đó lúc này vẫn còn phiền muộn bởi những suy tư về cuộc
sống hiện hữu đang dung dưỡng cái ác vì thiếu lòng nhân ái, đang nuôi béo lũ
tham nhũng sống phè phỡn trên tấm lưng còm cõi của người nông dân chân lấm tay
bùn cũng đừng vội mất niềm tin. Xin hãy cứ thành tâm làm việc thiện, Pháp Loa
tôn giả sẽ phù hộ độ trì cho bạn lấy lại lẽ công bằng. Trong cuộc đời, thi thoảng
hãy dành ít phút giây trong số ba vạn sáu ngàn ngày dài đằng đẵng cho cuộc sống
tâm linh. Khoảnh khắc đến với Thanh mai thiền tự chính là để di dưỡng tinh thần,
để ngồi một mình bên tháp cổ thả hồn vào cõi hư vô suy ngẫm về thân phận con
người.
Pháp Loa thiền sư, bây giờ Người ở đâu
sau bảy trăm năm dâu bể?
Chùa Thanh Mai, 22
tháng 9 năm 2007
Đ.V.S.
(1) Nguyên
văn chữ Hán 幾度蒼海變為桑田
(2) Nguyên văn chữ Hán 內工外國
Bài đã
đăng tải trên “Tạp chí Nghiên cứu Phật học” số 3 năm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét