Nhãn

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

ĐINH TẤN PHƯỚC - BÓNG THỨC - NHỮNG HẠT BỤI BAY...

 

Đặng Văn Sinh

 Với 16 bài thơ song ngữ (tiếng Việt & tiếng Anh), 33 bản nhạc cùng những lời bình của các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, “Bóng thức” là tập ca khúc phổ thơ của Đinh Tấn Phước khiến cho tôi có ấn tượng mạnh về anh. Chưa nói đến chất lượng âm nhạc, chỉ riêng phần ca từ, Đinh Tấn Phước đã tạo cho mình một phong cách riêng, mà ở đó, theo anh “thơ như là mỹ học của cái khác”(*) qua hệ thống hình tượng, trạng thái cảm xúc, cấu trúc ngôn ngữ và tính đa nghĩa của văn bản.

Không thể phủ nhận, ở “Bóng thức” có khá nhiều bài mang dáng dấp “tân hình thức” hay “siêu thực” nhưng vẫn chưa thoát ly hẳn hệ hình thẩm mỹ cổ điển. Điều nãy dễ nhận ra bởi thơ Đinh Tấn Phước luôn tìm được “tứ” chắc, khỏe làm điểm tựa cho quá trình hiện thực hóa trạng thái cảm xúc. Tuy rằng “tứ” được xem như tư tưởng chủ đạo, nhưng yếu tố quyết định sự thành bại của bài thơ lại là thực hành diễn ngôn. Đọc Đinh Tấn Phước, không chỉ có tập thơ mini “n Bài thơ ngắn” mà ngay cả “Gió mùa”, “Chạm bóng” cũng có dạng cấu trúc ngắn gọn. Ở đó, từ ngữ được tinh giản đến mức tối đa, thậm chí có những câu như một định đề toán học: “những hạt bụi/ bay theo đường conic/ màu cầu vồng tình yêu”.

Từ phong cách diễn ngôn khác lạ, Đinh Tấn Phước  thỏa mãn được cả yếu tố tự sự và trữ tình trong cùng một bài thơ với số lượng từ tối thiểu mà hiệu quả thẩm mỹ lại cao là điều không dễ chút nào. Bởi lẽ, hiện nay trên văn đàn Việt, hiện tượng chối bỏ các hình thức thơ truyền thống dân tộc, bắt chước thơ duy lý phương Tây đã trở thành hội chứng thời đại. Thực chất đó chỉ là những bài văn xuôi xuống dòng, triết lý vụn vặt, vắng bóng tư tưởng và thiếu cảm xúc, hàng ngày, hàng giờ xuất hiện trên báo giấy, báo mạng. Họ nhân danh đổi mới mà không hiểu rằng mình đang làm nghèo tiếng Việt và ngày càng đẩy người đọc xa rời văn chương.

Trong cái mớ hỗn độn ấy, Đinh Tấn Phước chọn hướng đi riêng bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, nghĩa là, anh dùng thơ tân hình thức phương Tây chuyển tải tư tưởng nghệ thuật theo lối tư duy phương Đông qua hệ thống ngôn từ mang sắc thái duy lý. Có lẽ vậy nên thơ Đinh Tấn Phước, dù là tự sự hay trữ tình, đọc lên ta vẫn thấy hiện lên những triết lý nhân sinh, vũ trụ mà đậm đặc hơn hết vẫn là triết lý về tình yêu, tình thương và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng xã hội.

Cấu trúc diễn ngôn của Đinh Tấn Phước luôn là sự hài hòa giữa hình ảnh và cảm xúc tạo nên một miền trầm tích hàm chưa tinh thần nhân văn, nhân ái. Có nghĩa là, phía sau bề nổi những con chữ được chọn lựa rất kỹ càng là tầng chìm ẩn giấu tư tưởng thẩm mỹ bởi sự chuyển hóa nội hàm các khái niệm. Đương nhiên, chẳng dễ để làm điều này một khi chủ thể sáng tạo thiếu đi một hồn thơ. Hơn thế nữa, Đinh Tấn Phước lại là tiến sĩ nghiên cứu, giảng dạy bộ môn hình học giải tích trong mặt phẳng và không gian với thói quen tư duy trừu tượng. Cho nên, thơ là một cái gì đó rất đặc biệt. Nó nằm ngoài cái hữu thức. Nó không chấp nhận sự hợp lý. Nó “là mỹ học của cái khác” mà học giả Đỗ Lai Thúy đã từng dành hẳn một cuốn sách cho chuyên khảo của ông. Hiện tượng Đinh Tấn Phước cũng giải thích vì sao một nhà khoa học chẳng liên quan gì đến thơ mà lại trở thành nhà thơ đúng với danh xưng của nó. Điều này có lẽ phải lý giải bằng lý thuyết của Sigmund Freud về hiện tượng vô thức trong phân tâm học chăng?

Cũng bởi sự tương tác giữa phương pháp hậu hiện đại và cổ điển như kiểu hôn phối bởi sự đồng điệu giữa hai trái tim, vì vậy, mỗi bài thơ của Đinh Tấn Phước đều được định dạng theo trình tự tuyến tính cả về không gian lẫn thời gian. Trong số đó, không hiếm bài được bố cục như một câu chuyện xen vào những đoạn cảm thán, bình luận ngoại đề hoặc triết lý sống tạo ra hiệu ứng bất ngờ. “Chim dồng dộc” là một trong số đó. Bài thơ xuất phát từ câu chuyện có thật được tác giả giới thiệu bằng một đoạn văn xuôi khoảng 150 chữ, nhưng đến phần chính “kể chuyện bằng thơ” gói trọn 85 dòng trong đó có 10 dòng chỉ 2 chữ. Rõ ràng đây là bài tự sự nhưng Đinh Tấn Phước đã khéo léo chuyển đổi sang thể loại trữ tình xen lẫn lời kể và lời bình với tư cách bạn của liệt sĩ Trần Hải. Nhìn vào bố cục 12 khổ, ta chợt nhận ra, toàn bộ diễn ngôn đều là hồi ức qua lăng kính thời gian làm sống lại tuổi ấu thơ của một thời chưa xa qua hình ảnh những chiếc tổ của bầy chim dồng dộc bằng hình tượng thẩm mỹ:

 “Vít trên ngọn cong những ước mơ

bờ tre kẽo kẹt

bồng bềnh hoa trắng

gửi vào cánh chim bay – bầy dồng dộc

gửi vào tổ chim treo

lắc lư

đánh võng

đọt tre già,”

Trường hợp Trần Hải, vào du kích từ năm 13 tuổi, hy sinh không bia mộ, chính là bi kịch thân phận con người trong cuộc chiến hai miền Nam Bắc. Chim dồng dộc trở thành nỗi khắc khoải trong tâm khảm bạn bè. Và đây là những dòng cảm thán như một bình luận trữ tình ngoại đề của chính người trong cuộc:

“trở lại bờ tre thưa

lòng thấy buồn như đất

tưởng một bóng ma trưa

mà bầu bạn

những đọt tre

cứ quất vào gió

quất vào ước mơ và hoài bão

những tổ chim cứ treo ngược lên trời

ơi tổ chim dồng dộc trên cao...”

Sự liền mạch trong tư duy tạo hình cũng là một đặc trưng thơ Đinh Tấn Phước. Theo đó, mỗi bài là một đơn vị tác phẩm hoàn chỉnh giống như thi pháp thơ cổ điển. Nó là một đại tự sự không phụ thuộc vào số lượng câu nhiều hay ít. Nó là một thể thống nhất về nội hàm cho dù hình thức bên ngoài khác nhau ở kỹ thuật bẻ dòng, có vần hoặc không vần. Khảo sát cụ thể, hầu hết trong “Bóng thức” là những bài thơ không vần như “Bến đợi”, “Hà Nội cũ”, “Ngày đông”, “Sóng”, “Chim dồng dộc”..., nhưng đây là “không vần có chủ đích của tác giả. Thay vì vần phụ thuộc vào sáu thanh, mỗi bài thơ đều có cấu trúc nhịp điệu riêng nằm sẵn trong văn bản, chỉ cần “khởi động” bằng cách đọc văn bản ấy, nhịp điệu lập tức xuất hiện. Nói cách khác, ở đây, người đọc tham gia một cách tích cực vào quá trình tìm ra “nhịp điệu tâm hồn” bằng cách tương tác với chủ thể. Và đây là một minh chứng:

“tiếng đò khuya ai gọi

đêm tinh khiết

mơ hồ

 

nhánh sông xưa

neo vào lòng anh

chỗ đợi”.

Một trong những bài thơ hay nhất cùng với “Chim dồng dộc” của tập thơ nhạc này, theo cảm nghĩ của riêng tôi là “Điệu Chăm”. Chỉ riêng Thánh địa Mỹ Sơn với cụm kiến trúc Tháp Chàm nổi tiếng đã là nguồn cảm hứng vô tận cho những ai muốn tìm về quá khứ của một dân tộc từng sở hữu đội chiến thuyền mạnh đã mấy lần vượt cả ngàn dặm biển cướp phá kinh thành Thăng Long. Những phế tích còn lại đến giờ khiến không ít người nuối tiếc về một cộng đồng mai một trong cuộc dâu bể tang thương. Chỉ riêng những bài dân ca, những điệu múa tạo hình uyển chuyển của vũ nữ và bàn tay tuyệt vời của các nghệ nhân tạo tác những ngôi tháp cổ cũng đã làm nên diện mạo của nền văn hóa có một không hai trong khu vực Đông Nam Á. Với Đinh Tấn Phước, “Điệu Chăm” dường như anh không tìm vào quá vãng mà chỉ dùng quá vãng như một điểm tựa tinh thần suy nghiệm về cái còn, cái mất và dự kiến cho một tương lai. Dùng danh xưng ngôi thứ nhất “tôi” cùng những dòng độc thoại ngắn gọn hàm chứa yếu tố triết lý, nhịp điệu bài thơ được cấu trúc theo kiểu bậc thang nhưng lại mềm mại, nhẹ nhàng như bàn tay cô gái Chăm chuốt gốm:

“Rớt giọt đu hiu

thung lũng buồn

tháng chạp

mưa muội lâm râm

xô chiều Mỹ Sơn

vào góc núi

tôi độc hành

khập khềnh gió bụi

thả hồn

theo điệu mềm vũ nữ”

Trực cảm mà lại thấp thoáng hơi hướng trừu tượng, những vần thơ tưởng như duy lý nhưng lại thấm đẫm tinh thần duy cảm, sự song hành của hai phong cách tiếp cận đối tượng đã làm nên một cấu trúc văn bản đa thanh:

Ở đây tường đổ liêu xiêu

thấp thoáng chiều nghiêng ngả

giữa đất trời

 tất tả

shiva

Chiều cuối năm

phía xa xăm

lúc ngày tàn

một cánh dơi đói muỗi

đứng lặng câm những tháp đền

rã rượi”

        Ở “Bóng thức”, những bài thơ hay của Đinh Tấn Phước thường đi liền với kỹ năng diễn đạt bằng cách hoán đổi trật tự lớp từ ngữ trung tính biến chúng thành loại cấu trúc phản logic khiến người đọc luôn bị ám ảnh. Đó là những câu “thơ phi thơ” thậm chí vô lý nhưng có giá trị tạo hình. Chỉ cần lướt qua một vài khổ trong các bài “Ngày đông”, “Mùa hoang” và “Mùa cỏ” là chúng ta hiểu rõ điều này:

“chở nặng nỗi

trái tim lăn

chầm chậm

ngày đông”

(Ngày đông)

        ai làm rớt

tiếng rao ngoài ngõ

tôi ngùi say

thu xếp

mùa hoang”

        (Mùa hoang)

gõ sương lách

ngút ngàn cỏ lú

tâm mây

bóng cỏ

soi mình”

(Mùa cỏ)

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, tính chất duy lý của loại hình thơ hậu hiện đại thâm nhập vào “Bóng thức” không nhiều. Nói cách khác, nó có vẻ như chỉ hiển thị ở hình thức biểu đạt mà khá mờ nhạt ở nội hàm. Hồn vía của tập thơ được người đọc nhận diện là ở yếu tố trữ tình với nhiều cung bậc khác nhau được xem là tinh thần chủ đạo. Cho nên, ở “Bến đợi”, hình ảnh “dập dềnh ngấn nước” trong tâm tưởng chính là nhịp tâm hồn của chủ thể trữ tình khi anh ta bâng khuâng hồi tưởng về một bến nước vừa cụ thể vừa mơ hồ:

“trong hành trang của anh

có một bến sông

miên man

dập dềnh ngấn nước

 

tiếng đò khuya ai gọi

đêm tinh khiết

mơ hồ”

Cùng với nhịp vũ trụ hòa quyện với không gian sử thi người đọc còn nhận ra nhịp điệu tâm hồn trẻ thơ trong “Chim dồng dộc”:

“ơi những con dồng dộc

mùa xuân

vàng cánh vàng chân vàng tiếng hót

ước mơ cũng màu vàng...

tháng giêng tháng hai

tuổi thơ vàng

hoa cúc cải...”

Cảm hứng trữ tình được xem như phong cách riêng của Đinh Tấn Phước. Anh có cái nhìn thấu thị phát hiện ra những điều tế vi trong cuộc sống mà hầu hết chúng ta đều không để ý. Hiện tượng cô thiếu nữ “vùng xa” khóc vào ngày cưới cho dù hai nhà chỉ cách nhau cái “giậu mồng tơi” là một “tứ thơ” độc đáo của người nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm:

Ôi! Những giọt nước mắt!

giọt nước mắt vùng chợ phiên heo hút

còn rơi được đến bao giơ?

khi những người con gái về sau

vào ngày cưới

        Đinh Tấn Phước là nghệ sĩ đa tài. Thơ anh luôn được xem như một hiện tượng văn hóa bởi sự hòa quyện giữa yếu tố duy lý và yếu tố duy cảm được diễn đạt bởi kỹ năng sử dụng Tiếng Việt một cách điêu luyện. Ngôn ngữ thơ Đinh Tấn Phước là ngôn ngữ nghệ thuật hàm chứa tư tưởng thẩm mỹ. Cũng như “Gió mùa” hay “Chạm bóng”, “Bóng thức” là tập thơ rất đáng đọc.

 

Bến Tắm, 25.4.2024

Đ.V.S.

 

          (*) Đỗ Lai Thúy: “Thơ như là mỹ học của cái khác”, nxb Hội Nhà văn 2012

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét