Nhãn

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

TẢN VĂN LÊ PHƯỢNG, NHỮNG MẢNH HỒI ỨC

 

Tản văn là loại hình khá đa dạng với nhiều biến thể khác nhau, và mỗi biến thể ấy tương thích với “tạng” của từng cây bút. Có loại tản văn thiên về triết lý xã hội, nhân sinh, có loại khai thác trạng thái tâm lý, tình cảm, lại có loại được diễn đạt dưới dạng hồi ức từ những trang nhật ký kết hợp bới thao tác bình luận ngoại đề. Nói như vậy để thấy rằng, tản văn không có khuôn mẫu nhất định. Nó là một thể loại văn chương mở. Không chỉ riêng các nhà văn nhà thơ, mà bất cứ ai trong giới cầm bút đều có thể viết.

Có thể nói, “thị trường” tản văn mấy năm gần đây vô tiền khoáng hậu, số lượng in sách, báo, tạp chí giấy cũng như các trang mạng xã hội xuất hiện dày đặc, tuy chưa thể thống kê nhưng chắc chắn vượt xa hai thập niên đầu của thế kỷ XXI cộng lại. Tuy nhiên, phải nói thật, tản văn nhiều nhưng số lượng thường không đi đôi với phẩm chất mà phổ biến nhất là hiện tượng cóp nhặt mỗi nơi một tí rồi xào xáo, tán rông dài, thiếu vắng tư tưởng và hoàn toàn không có cảm xúc.

Thật ra, suy nghĩ của tôi có phần cực đoan. Công bằng mà nói, bên cạnh loại tản văn chỉ ở tầm câu lạc bộ, nếu chịu khó tìm, vẫn có thể được đọc những cuốn sách nghiêm túc, mà ở đó, giọng điệu tản văn khiến ta như lạc vào thế giới huyền ảo, mông lung, khiến trái tim ta rung động tiếc nuối. “Đường xưa thương nhớ” của nữ sĩ Lê Phượng là như thế.

Với cảm nhận của riêng tôi, “Đường xưa thương nhớ” giống như những mảnh hồi ức được một cựu học sinh trường Đồng Khánh, tái hiện dưới dạng tản văn nhưng âm hưởng lại phảng phất thơ trữ tình bởi lớp từ ngữ uyển chuyển, tinh tế, vốn là phong cách riêng của người cố đô.

Cuốn sách gồm 32 bài, trong đó hầu hết là những hồi ức tuổi ấu thơ, tản văn của Lê Phượng lấy không gian làng quê ven sông Bồ làm bối cảnh và tâm thức của người con xa xứ Huế làm điểm nhìn nghệ thuật. Từ xứ sở của những bản trường ca Tây Nguyên xa xôi, sau mấy chục năm “lưu lạc giang hồ”, Lê Phượng nhìn về mảnh đất quê hương bằng con mắt của người từng trải nghiệm sự đời, nhưng tình cảm của chị vẫn nguyên vẹn như những ngày gian nan, vất vả sống đầm ấm bên cha mẹ, chị em. Đó là cái nhìn nhân ái, nhân văn của một tâm hồn đa cảm và cả một chút đa đoan nữa.

Cũng bởi là những mảnh ký ức nên tản văn Lê Phượng không có tham vọng lớn lao thuộc tầm vĩ mô. Chị cứ lặng lẽ âm thầm viết về những cái bình thường thậm chí vụn vặt trong cuộc sống thường nhật nhưng chính chúng lại làm nên bản sắc văn hóa con người miền Trung trong cái đa dạng của văn hóa Việt. Đọc tản văn Lê Phượng, ta có thể nhận ra, bài nào của chị cũng được hình thành từ cảm xúc, thứ cảm xúc chân thực bắt nguồn từ tình yêu sâu nặng với quê hương, gia đình khiến cho mỗi câu văn đều tiềm tàng năng lượng có sức mạnh chinh phục tâm hồn người đọc. Phải nói rằng, viết được những tản văn như “Hình bóng quê nhà”, “Thương nhớ ngày thu”, Nhớ mùa đông cũ”, “Giá mà con đổi được thời gian” hay“Một vầng sáng trong tôi”..., phải là người có tâm hồn nhạy cảm, một tư duy sắc sảo, và hơn thế nữa, một ngọn bút tài hoa...

Cái giỏi trong nghệ thuật tản văn Lê Phượng là cùng một phong cách diễn ngôn nhưng mỗi bài lại có sắc thái biểu cảm  khác nhau khiến người đọc luôn bị cuốn hút bởi chị biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực hành “kể” với bình luận ngoại đề, từ đó hình thành tổng thể nghệ thuật qua sự tương tác giữa ý tưởng, ngôn ngữ và nhịp điệu. Nói cách khác, thao tác bình luận ngoại đề chính là một dạng ngôn ngữ đặc biệt vừa tự sự vừa trữ tình, hai thao tác này chuyển hóa vào nhau. Đây cũng là một trong những cách tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ. Và cũng bởi thủ pháp này, tản văn của Lê Phượng luôn ngắn gọn, mỗi bài không vượt quá 1200 chữ, có bài chỉ 800 chữ nhưng bố cục mạch lạc, câu văn luôn mở rộng thành phần, nhịp nhàng cân đối, đồng thời lại giàu tính nhạc.

Có một hiện tượng phổ biến của loại hình tản văn. Đọc riêng từng bài thì có vẻ hay, nhưng khi in thành tập lại nhạt. Đó là bởi người viết không giữ được phong độ, nhất là trong một thời gian ngắn viết quá nhiều. Hiện tượng cảm xúc bão hòa chi phối rất nhiều đến chất lượng tác phẩm. Biện pháp gián cách thời gian cũng chỉ có tác dụng hạn chế. Cái chính vẫn là ở năng lực tư duy nghệ thuật và cách tổ chức văn bản của người cầm bút. Không thiếu những bài được đặt title rất ấn tượng nhưng nội dung lại con cà con kê, lằng nhằng chẳng khác gì bè rau muống, đọc xong rồi mà chẳng hiểu tác giả muốn nói gì...

Riêng “Đường xưa thương nhớ”, Lê Phượng gần như duy trì phong độ được từ đầu đến cuối. Điều này không phải ai cũng làm được nếu người viết thiếu đi một chút tài năng và nhất là cảm xúc hời hợt, coi văn chương chỉ là trò chơi chữ nghĩa. Sở dĩ tản văn Lê Phượng định hình được phong cách là bởi kỹ năng bình luận trữ tình ngoại đề lúc ẩn lúc hiện qua những dòng hồi ức đứt nối. Mặt khác, kỹ năng tả cảnh, tả người và đặc biệt là tả tâm trạng của tác giả đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuốn sách. Tản văn của Lê Phượng hầu như bài nào cũng có một vài đoạn tả cảnh, tả tình, tả diễn biến tâm lý xen kẽ với những hồi ức về một con đường quen thuộc, một bến đò vắng, một mùa thu đã xa hay một trò chơi dân gian thời niên thiếu. Rất có thể, những mảnh hồn quê ấy đã từng nâng đỡ bước chân cô giáo trẻ trên hành trình vào Tây Nguyên lập nghiệp, bỏ lại ngôi làng nhỏ bên sông Bồ bao sợi nhớ sợi thương mà hình ảnh mẹ già tần tảo vẫn thường ngày hiện lên trong tâm trí.

Trong đời sống thường nhật, xôi bắp, khoai tía khoai từ, bánh cộ bánh in, cũng như me đất, củ mì..., vốn chỉ chỉ là những món ăn dân dã hay hoa quả rất đỗi bình thường của mảnh đất nghèo miền Trung gió Lào cát trắng, nhưng một khi đi vào tản văn Lê Phượng nó trở thành nỗi niềm day dứt trong tâm khảm với câu hỏi ngược đời “bao giờ cho đến ngày xưa?”. Bởi đó là miền ký ức, là hoài niệm của người con xa cố quận quặn lòng nhớ về một trầm tích văn hóa làng, cho dù đó là những ngày khốn khó, con người rơi vào cảnh thiếu đói triền miên. Có đọc “Nhớ chợ Cống xưa” mới biết cái tình quê hương của tác giả sâu nặng biết chừng nào. Thé gian vật đổi sao rời, chợ ấy giờ chỉ còn cái tên trong tâm thức: “Vì vậy, trong tôi xóm chợ Cống vẫn là xóm mang những gì rất xưa cũ mà tôi luôn nhớ thương. Có lẽ, sau này tôi về Huế, biết đâu tôi sẽ đứng trên đường chợ Cống xưa mà nhớ chợ Cống xưa” (tr. 134).

“Đường xưa thương nhớ” là tập tản văn đẹp, đẹp về cấu trúc văn bản cũng như ngôn ngữ nghệ thuật khiến ta đọc một mạch từ đầu đến cuối, gấp sách rồi tâm trạng vẫn còn bâng khuâng như thương như nhớ một cái gì đó tuy không rõ hình hài. Ngẫm nghĩ mãi rồi cũng chợt hiểu ra, rất có thể đó là “Hình bóng quê nhà” với “Mùi hương chiều”, “Tháng Ba quê nhà” hay “Cây sầu đâu cô lẻ”, những hình ảnh quen thuộc trở thành mẫu số chung cho người Việt xa xứ dù họ sinh sống ở ở bất cứ vùng miền nào.

Sự hấp dẫn của tản văn trước hết là ở điểm nhìn nghệ thuật qua dòng cảm xúc mãnh liệt, nhất là cảm xúc về làng quê một thời đã qua. Nhưng để hiện thực hóa dòng cảm xúc ấy phải cần đến ngôn ngữ, thữ ngôn ngữ “chuyên dụng” chỉ có ở loại hình tản văn. Như trên đã nói, Lê Phượng có cách viết tản văn khác người, trước hết là ở thao tác miêu tả kết hợp với bình luận ngoại đề. Thì đây, ta hãy nghe tác giả viết về mùa thu xứ Huế qua “Thương ngày thu xa”: “Ta từng ra ngọn đồi sau nhà, đồi cây mùa thu xao xác lá, lá rơi rơi bay theo gió, lá trải thảm dưới chân, nhìn những chiếc là mong manh, nhuốm màu vàng úa, cây chơ vơ cành, có con chim gì về hót, điệu buồn như tiếc lá rơi” (tr. 71). Còn đây là nỗi niềm “Nhớ mùa đông cũ” vã với giọng điệu buồn man mác: “Huế lạnh kéo theo mưa, mưa khi ầm ào, khi rả rích, khi lây phây, mưa triền miên không dứt. Đêm nghe mưa rơi trên mái nhà như đang gõ bản tình sầu muôn thuở, gió thổi tạt mưa, tiếng mưa khi đậm khi nhạt nghe như tiếng người phụ nữ buồn than thở suốt canh thâu” (tr. 86). Và đây nữa, trong “Tháng Chạp về”, tác giả gửi cho ta đoạn một đoạn bình luận trữ tình, mỗi khi đọc lại vẫn thấy mang mang nỗi buồn chẳng rõ căn nguyên: “Tháng chạp là tháng cho người đi xa trở về quê nhà, tháng cho những người tha phương, những kẻ còn trong giấc mộng ‘tang bồng hồ thỉ’ nhớ về nguồn cội, nhớ ngày giỗ chạp, nhớ mồ mả ông cha và nhớ mình có một cái họ đứng trước một cái tên...” (tr. 92). Cũng vẫn với giọng điệu kể ngắn gọn nhưng phong cách biểu đạt lại gần với âm hưởng của những bản trường ca Tây Nguyên, Lê Phượng viết về dã quỳ, từ lâu đã trở thành một đặc trưng văn hóa: “Có thể nói dã quỳ là hoa của mùa đông. Hoa nở ra như giữ lại màu vàng của nắng và giữa bạt ngàn gió cũng không rụng rời tơi tả mà chấp chới như đùa giỡn, như vẫy chào. Ít có loại hoa nào mạnh mẽ và giàu sức chịu đựng đến vậy” (tr. 125).

Ở vùng đất của những bản trường ca Đam San, Xinh Nhã, từng thưởng thức hương vị cà phe Ban Mê trong âm thanh dìu dặt của những bản nhạc trữ tình mà Lê Phượng lại nhớ da diết hương chiều bên sông Bồ. Mùi hương bảng lảng như thực như mơ ấy chắc phải ám ảnh lắm, tác giả mới khái quát như một triết lý sống: “Chiều là khi bóng nắng đã lụi dần, ngày sắp khép lại, là lúc ta trở về với chính ta, với bản ngã mặc định kiếp người, ta ý thức được sự tồn tại của bản thân trước sự dịch chuyển thường hằng của vũ trụ. Và chính lúc ấy, ta mới cảm nhận được cái vi diệu của thiên nhiên đất trời, ta cảm nhận được hương chiều” (tr. 18). Và rồi, cũng với mạch hồi tưởng về cảnh sắc hoàng hôn Xứ Huế, bất chợt tác giả sử dụng hình ảnh làn khói như một phép ẩn dụ: “Rồi ta nhận ra, lòng mỗi người được buộc lại nơi quê hương không phải bằng sợ dây to lớn nào đó mà chỉ là làn khói mỏng manh mà bền chặt muôn đời” (tr. 20).

Tản văn Lê Phượng là vậy, chúng ta cùng đọc và suy ngẫm.

Bến Tắm, tháng tư đầu hạ, ngày lành

Đ.V.S.    

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét