Tạp bút
Chuyện kể rằng, ngày ấy, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, trời vẫn còn lạnh, trong màn mưa bụi giăng giăng, dân xóm Đình lại rủ nhau đi hội đền Trầm. Đền Trầm không xa, nếu vòng lên đê sông Vân thì chỉ hơn hai cây số là đến, nhưng chẳng hiểu cơn cớ gì, đám trai gái tuổi nhầng nhầng, sau khi ra khỏi cổng làng lại rủ nhau qua lối miếu Bà. Họ dắt tay nhau dung dăng dung dẻ trên con đường quanh co ven đầm Cổ Hạc, ngắm trời ngắm đất chán rồi mới lững thững lên đường cái quan nhập vào đoàn trẩy hội.
Làng Chè vốn thuộc vùng bồn địa nằm giữa những sườn đồi thoai thoải tạo nên cánh đồng rộng mênh mông nghiêng dần về phía sông Vân. Chếch xuống phía đông nam, cách bờ đê chừng bảy, tám trăm mét là đầm Cổ Hạc rộng vài chục mẫu tây. Người làng truyền ngôn, lòng đầm rất sâu có loài thủy quái to như cái thuyền lưới bén thỉnh thoảng nổi lên vào những ngày trở trời. Nghe các cụ kể, trẻ con sợ lắm, vì thế đầm càng trở nên bí hiểm.
Nhưng ta hãy tạm gác câu chuyện về cánh đồng trù phú thẳng cách cò bay với con đương ngoằn ngoèo như rắn bò lên đê, hay chiếc đầm sâu mấy chục thước nước nhuốm màu cổ tích của làng Chè lại đã. Chuyện muốn nói hôm nay là những bụi tầm xuân mọc rải rác hai bên đường cũng như chung quanh đầm Cổ Hạc. Bởi lẽ, tầm xuân giờ đã thành hoài niệm trong ký ức của những người từng một thời sống với sắc màu và hương thơm của loài hoa hoang dã ấy.
Không thể phủ nhận, tầm xuân là loài hoa dại. Nó tựa như hồng nhưng lại không phải hồng (rose), leo rất giỏi, ngày trước người nhà quê hay trồng làm hàng rào. Hoa tầm xuân, lúc mới nở phơn phớt như cánh đào phai, khi mãn khai chuyển sang trắng bệch, nhụy rữa ra chỉ còn trơ cái đài nhìn chẳng có gì hấp dẫn. Tuy nhiên, đấy là bông hoa tàn trước con mắt dửng dưng của khách vô tình. Mà nghĩ lại, xét đến cùng, loài hoa nào khi tàn mà chẳng có hình hài thảm thương như vậy. Quy luật sinh, trụ, diệt của vạn vật trên thế gian này là bất biến. Điều cần nói ở đây là hãy nhìn vẻ đẹp trong giai đoạn sung mãn nhất của vòng đời trước khi cát bụi lại trở về cát bụi.
Với những kẻ hữu tình, tầm xuân là một loài hoa đẹp. Nó đẹp bởi chính sự hoang dại trong môi trường tự nhiên với sắc màu khiêm nhường mà mùi hương thoang thoảng đâu đây đã quyến rũ biết bao tâm hồn đa cảm. Cái đẹp của tầm xuân còn bởi chúng biết nương tựa vào nhau thành một cộng đồng bền vững có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, rồi đến đúng dịp mưa xuân nảy cành, xanh lá và đơm hoa làm thành bức thảm thiên nhiên rực rỡ sắc màu. Chả thế mà, mỗi sáng tinh sương, trên con đường từ miếu Bà ra cánh đồng chiêm nhặt ốc bươu dưới gốc rạ, ta lại ngất ngây tưởng đến ngộp thở vì thứ mùi vừa lạ vừa quen của hoa tầm xuân quyện với hương lúa chín.
Thuở ấy, trừ những nơi phố thị, làng quê chẳng những không có thói quen trồng hoa hồng mà ngay cả thược dược, đỗ quyên cũng ít khi nhìn thấy. Các cụ đồ già cũng chơi cây cảnh nhưng chỉ thiên về tùng, cúc, trúc, mai, phong lan, địa lan hay thủy tiên như một phong cách thẩm mỹ, tuyệt nhiên không ai chơi hoa hồng. Mà tầm xuân lại chính là một thứ hồng bản địa có từ rất lâu đời. Hiện tượng kỳ thị này có vẻ như còn chi phối đến cả các loại hình văn học dân gian nữa. Nếu như hoa sen, hoa cúc, hoa bưởi, hoa nhài..., là nguồn cảm hứng vô tận của ca dao, tục ngữ dưới hình thức ẩn dụ như cây cầu nối giữa những mối tình nam nữ đậm đà phong vị lãng mạn, thì tầm xuân giống như đứa con ngoài giá thú, bị gạt ra lề cuộc nhân sinh. Cấu trúc tâm lý đám đông, trong bối cảnh lịch sử nhất định, không hiếm trường hợp có khả năng thao túng thái độ thẩm mỹ cộng đồng. Dù đã cố tìm các nguồn tư liệu dân gian về hoa tầm xuân, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có mỗi bài:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân,
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em lấy chồng anh tiếc lắm thay...
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, ta chợt nhận ra, bài ca dao không nói về tầm xuân mà chỉ xem như một trong ba vật thể trung gian (bưởi, cà, tầm xuân) làm điểm tựa để ẩn dụ sự tiếc nuối của người con trai khi người con gái mà anh ta thầm mong trộm nhớ đã lên xe hoa. Nói cách khác, nội hàm bài ca dao không chủ điểm về hoa nên tầm xuân, cho dù nụ nở ra xanh biếc theo cách thậm xưng thì đó chỉ là một điểm nhìn nghệ thuật theo thi pháp ca dao.
Một bụi tầm xuân được những hạt mưa xuân nhuần tưới, cành lá sum suê, nụ hoa hàm tiếu chẳng khác gì cô thôn nữ tuổi hoa niên miệng cười chúm chím tạo nên vẻ đẹp trường cửu của cuộc sống muôn màu. Đó là cuộc sống vừa có sắc vừa có hương khác hẳn thứ hoa cảnh sớm nở tối tàn. Bởi lẽ, trí tuệ dân gian không thể coi thường. Hơn thế nữa, cách ứng xử giữa những thành viên với nhau cũng như với cộng đồng dân cư trong xã hội cũng hết sức tinh tế. Dù rằng chịu sự ràng buộc của phong tục tập quán nhưng họ vẫn tìm ra được cách thỏa mãn niềm khát vọng của riêng mình. Mặc ai đó dè bỉu chê bai, hoa tầm xuân từ bao đời nay đã trở thành mảnh “hồn làng” của tuổi thanh xuân. Tầm xuân nghĩa gốc Hán là “tìm xuân”. Chỉ đơn giản như vậy nhưng nội hàm của nó lại là cả một quan niệm văn hóa.
Vừa xinh, vừa giòn, đẹp đấy nhưng tầm xuân lại có gai, thậm chí nhiều gai. Các chàng Sở Khanh đa tình bay lượn chờn vờn theo kiểu bướm tìm hoa hãy coi chừng. Loài dã hoa ấy chỉ dành cho những tâm hồn thủy chung son sắt. Tầm xuân dường như đã trở thành biểu tượng của tình yêu trai gái một thời.
Ta thương nhớ tầm xuân ven đầm Cổ Hạc vào những ngày mưa xuân phới phới bay. Khi ấy, tâm trạng ta trăm mối tơ vò vui buồn lẫn lộn khi ở đâu đó hiện ra một tà áo nâu, một vành khăn mỏ quạ thấp thoáng trong không gian u tịch làng quê lúc chiều hôm.
Và rồi, như một sự hồi sinh từ kiếp dã hoa lạc loài bị người đời lãng quên, tầm xuân đi vào văn chương với tư cách một sinh thể, tham gia vào quá trình kiến tạo thẩm mỹ, những nhà nghệ sĩ có con mắt tinh đời nhìn ra vẻ đẹp nguyên thủy của nó mà một trong số đó là Bích Khê Ngô Văn Triện:
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,
Ô tiên nương! nàng lại ngự nơi nầy?
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
(Tranh lõa thể)
Còn đây nữa:
Nụ Tầm Xuân rộn hương ngày cũ,
Hoa bưởi thơm trắng tụ vườn xưa.
Để trời đừng nắng đừng mưa,
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương
Ta thương nhớ tầm xuân không hẳn chỉ vì loài hồng hoang dại từng bị coi là tầm thường trong cuộc sống mà bởi nó từng đi vào ký ức tuổi hoa niên như một đặc điểm tâm lý làm nên bản sắc văn hóa làng quê. Tạo hóa sinh ra vạn vật không có thứ nào vô dụng chỉ là con người chưa thấy được vẻ đẹp ẩn tàng dưới lớp vỏ sần sùi hay những chiếc gai nhọn có nguy cơ tay bị chảy máu mà thôi. Nhưng buồn thay, sau mấy chục năm trở lại đầm Cổ Hạc, quanh bờ đã tuyệt giống tầm xuân. Có lẽ chính vì thế mà ta chợt nhói lòng thương nhớ chăng?
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét