Đặng Văn Sinh
Khi tro bụi rửa mặt
Đọc tập thơ Kinh Tuyến đen
của Vĩnh Phúc
NXB Hội Nhà Văn 2009
Nhà
giáo, nhà thơ, nhà phê bình văn học, nhà biên kịch điện ảnh, nhạc sĩ Vĩnh Phúc,
tên thật là Đoàn Đình Phúc, tuổi Quý Tỵ (1953) tại Thừa Thiên - Huế, từng sống,
dạy học và sáng tác tại Cam Ranh, Khánh Hòa, vừa qua đời bởi căn bệnh hiểm
nghèo giữa lúc tài hoa đang phát tiết. Anh từng viết nhiều kịch bản phim
truyện, nhiều bài phê bình văn học và ca khúc có giá trị. Cuối năm 2009, anh
xuất bản tập thơ "Kinh tuyến đen" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành
theo khuynh hướng sáng tác Hậu hiện đại. Trước lúc xuất bản hơn một năm, Vĩnh
Phúc có gửi cho tôi tập bản thảo. Đọc qua tôi thấy đây là những sáng tác có
chất lượng nên đã viết bài phê bình Chú
gà trống gáy vỡ mặt trời, sau đó, theo gợi ý của nhà thơ Mai Văn Phấn, tựa
đề được đổi thành Khi tro bụi rửa mặt.
Bài đã đăng tải trên một số trang web văn chương trong và ngoài nước. Để phân
ưu với gia đình nhà thơ Vĩnh Phúc, tác giả xin đăng lại trên blog, xem như nén
hương kính viếng hương hồn một nghệ sĩ đa tài nhưng yếu mệnh đất Cố Đô.
Đ.V.S
Kinh tuyến đen không đơn thuần chỉ là tập thơ mang màu sắc Hậu hiện đại phá vỡ kết
cấu ngôn ngữ truyền thống như một cố gắng tìm tòi theo dòng Tân hình thức, mà
còn ở khả năng biểu đạt khá đa dạng những biến thái của xã hội công nghiệp chưa
hoàn thiện nhưng đã có biểu hiện suy thoái.
Một trong những đặc trưng của chủ nghĩa Hậu hiện đại là tính hoài
nghi cộng đồng với những khái niệm không phải bắt nguồn từ nhận thức lý tính mà
mang tính đột biến, quy chiếu từ những góc nhìn hiện sinh làm biến dạng hiện
thực thành thứ hiện thực hư vô hoặc hiện thực cực thực. Kinh tuyến đen, tuy cũng xuất phát từ nguồn nguyên liệu hiện thực
nhưng cái hiện thực được phơi bày trước mắt chỉ là thứ ảo giác. Hiện thực được
ẩn tàng dưới lớp vỏ phi lý của loại tư duy phi logic, lối suy tưởng ngược. Vì
thế không thể tìm thấy sự dễ dãi trong ngôn ngữ biếu đạt. Trong mỗi câu thơ,
Vĩnh Phúc đều đặt vào đó một ý tưởng, một triết lý nhân sinh. Các chất liệu cấu
thành thơ ở đây vừa mang tính bình dân lại vừa siêu hình, bí hiểm. Nó cũng là
một dạng cấu trúc ngôn ngữ đặc trưng đại diện cho một trường phái thơ ít nhiều
mang tính nổi loạn.
Những hiện tượng đời sống cùng vấn nạn nhân sinh trong một cộng đồng
xã hội thiếu vắng điểm tựa tinh thần, mù mờ về văn hóa, khủng hoảng nhân cách,
được hình tượng hóa bằng ngôn ngữ thơ thông qua những lát cắt bất chợt của một
cây bút từng trải. Yếu tố triết luận, cho dù đôi lúc thái quá vẫn là cái nền
khá vững chắc hỗ trợ cho những ý tưởng đột xuất. Cách tư duy của Vĩnh Phúc
thường là đi từ khái quát rồi đến cụ thể, từ vĩ mô đến vi mô mang tính chiêm
nghiệm. Đặc điểm hiện sinh trong thời Tiền công nghiệp Việt Nam nhưng lại là
Hậu công nghiệp của thế giới văn minh luôn có một khoảng cách. Sự không tương
thích về những định chế dường như đang tạo nên những giá trị khập khiễng, thiếu
bền vững, là nguyên nhân của sự mất ổn định. Công thức đi từ khái quát đến cụ
thể, từ số phận cộng đồng đến thân phận con người luôn được quán xuyến trong
toàn bộ tập thơ. Về mặt logic hình thức, Vĩnh Phúc không diễn đạt theo theo
phong cách cổ điển dựa vào trình tự đoạn mạch mà kết cấu thường bị phá vỡ, câu
văn đảo ngược, ý tưởng thật lồng trong ý tưởng giả, trật tự cú pháp đổi chiều,
gây nên hiệu ứng thẩm mỹ khác nhau trong tư duy đối tượng tiếp nhận.