Nhãn

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Trung Quốc trong thơ Tố Hữu

Trung Quốc trong thơ Tố Hữu (Phần I)

          Lê Mai


N
gày ấy, các nước “XHCN anh em” đi vào thơ Tố Hữu khá là đậm nét và đầy thi vị. Trước tiên, có lẽ chúng ta phải nói đến Ba Lan. Mấy câu thơ của Tố Hữu trong Em ơi…Ba Lan thật khó mà hay hơn được, dù người ta có “chê” thơ ông ta đi chăng nữa, cũng phải công nhận, nó quá hay:
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn
Nếu tôi không nhầm, bài thơ này Tố Hữu viết trong chuyến đi dự Đại hội đảng công nhân thống nhất Ba Lan, ông ta là Phó trưởng đoàn, còn Trưởng đoàn là Võ Nguyên Giáp. Cả hai ông lúc bấy giờ đều rất nổi tiếng. Tên tuổi tướng Giáp, sau trận Điện Biên, vang dội trên toàn thế giới và lần ấy, ông được hoan hô nhiệt liệt tại Ba Lan. Nghe Tố Hữu kể lại, trong chuyến đi ấy, hầu như việc gì ông Giáp cũng bàn bạc, trao đổi với ông ta.
Để tránh lạc đề, chúng ta quay lại với Trung Quốc. Người láng giềng khổng lồ phương Bắc – tất nhiên, được Tố Hữu ca ngợi hết lời. Đây, hai câu thơ cực kỳ quen thuộc về mối quan hệ Việt – Trung:
Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương…
Thật là thắm thiết, như anh em một nhà, bên ni hay bên kia thì cũng là quê hương mình cả! Vậy sao? Chúng ta đừng quên hai câu thơ trước đó:
Đồng Đăng đây, nọ Bằng Tường
Song song đôi mặt như gương với hình

Nhưng tháng 2 năm 1979, Tố Hữu là một nhà lãnh đạo cao cấp, đã chứng kiến cuộc xâm lược của những người anh em “bên kia biên giới”. Hai câu thơ ấy bỗng nhiên sụp đổ, cũng như mối quan hệ Việt – Trung vậy. Ông ta nhắc đến Đồng Đăng, lập tức ký ức đưa tôi về những trận đánh ác liệt ngày ấy còn lưu lại trong sử sách, dù bây giờ người ta muốn xóa nó đi. Nhưng điều đó là không thể được, tuyệt đối không thể được!
Đồng Đăng – thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung – Việt, là một trong những nơi chiến sự diễn ra ác liệt nhất. Quân VN bảo vệ Đồng Đăng chỉ có khoảng 200 người, trong khi đó quân TQ tấn công vào Đồng Đăng có tới 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, 6 trung đoàn pháo binh. Lực lượng phòng thủ VN chiến đấu hết sức ngoan cường dù không được chi viện. Họ hy sinh gần hết nhưng đã giữ vững trận địa cho đến ngày 22.2. 1979, góp phần ngăn chặn bước tiến của quân TQ. Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân TQ chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi giết hết tất cả. Quân TQ tàn ác hơn cả thời Trung cổ, đó là lời lên án của cả thế giới văn minh.
Thập kỷ sáu mươi, có lẽ nhà thơ không còn bất ngờ ở “lòng tốt” của người anh em nữa:
Thù bạn ngày nay có khác xưa,
Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa?
Chợ trời thật giả đâu chân lý,
Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa?
Tố Hữu đã nhận thấy sự đối xử giữa người và người với nhau qua cái gọi là “cách mạng văn hóa” TQ:
Trung Hoa ơi Trung Hoa!
Người đi đâu? chiều tà
Nghe Lỗ Tấn gào thét
Ăn thịt người, còn a?
Cách mạng văn hoá TQ mà Mao gọi là “Một trận gió mưa kinh thế giới” – thật khủng khiếp. Họ đối xử như thế với người dân nước họ, ngay trong hàng ngũ lãnh tụ của họ có thể hôm nay “lên voi” thế này, ngày mai đã “xuống chó”. Thế thì, họ đối xử với VN ta ra sao, có lạ gì? Nghe nói khi Lê Duẩn thăm TQ, có người khuyên nên đến chào Lâm Bưu, song ông từ chối. Lê Duẩn nói, hôm nay ông ta (Lâm Bưu) đang lên, nhưng biết đâu ngày mai lại thất sủng. Nếu tôi đến chào, sau này sẽ khó xử. Quả nhiên, sau đó, “người bạn chiến đấu thân thiết” của Mao Chủ tịch bất ngờ lên máy bay chạy trốn bị rơi để đến nỗi phải tan thây trên sa mạc Mông Cổ!
Trở lại với Đường sang nước bạn của Tố Hữu. Một bài thơ đầy sảng khoái, ca ngợi đất nước TQ và Mao Trạch Đông, ca ngợi mối quan hệ anh em hai nước Trung – Việt. Như thường lệ, bao giờ lời thơ Tố Hữu cũng bắt đầu nói về những ngày cơ cực, lầm than, đói khổ khi chưa có đảng, chưa có cách mạng, chưa có lãnh tụ. Rồi bỗng nhiên ta vươn vai đứng dậy, cuộc đời từ đây thay đổi khi đảng đưa ánh sáng về. Có lẽ lời thơ ấy khó có thể gây cho chúng ta cảm xúc gì đặc biệt cả.
Nhưng phải nói hình ảnh một nước TQ mới đẹp lạ thường:
Ôi, buổi bình minh dậy dọc đường
Mướt xanh bờ liễu, vút hàng dương
Trắng phau nội cỏ cừu phơi tuyết
Ngào ngạt đồng xuân mịn phấn hường
Vui nhỉ tiếng cười quanh giếng máy
Hoa đào đôi bím nở trong sương
Làng hay phố đó, tường vôi mới
Băng đã tan trên dòng Trường Giang…
Những câu thơ đầy màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Chúng ta hãy ngắm “Hoa đào đôi bím nở trong sương” – một hình ảnh đẹp, rất TQ mà cũng có thể rất VN! Thế thì, ai có thể xoá được hình ảnh ấy, quan hệ ấy, tình cảm ấy?

L.M.

Nguồn: Lê Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét