Thị Mầu là một hình tượng thẩm mỹ trên sân khấu chèo truyền thống, cứ tưởng vai trò lịch sử của cô con gái phú ông chấm hết khi chúng ta đã xóa bỏ hình thái nhà nước chuyên chế phương Đông, xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa “tiến bộ gấp triệu lần tư bản” thì mọi tàn dư độc hại của chế độ phong kiến đế quốc bị quét sạch. Hóa ra không phải như vậy. Nhân gian vẫn nhiều hệ lụy. Sự công bằng và bình đẳng giới có vẻ như chỉ là thứ bánh vẽ lấp lánh ở tít mù xa, nên Mầu chưa thể chết, và trên đời này, kẻ đóng nắp ván thiên cho tiếng cười dân gian còn lâu mới “giáng trần”. Khác với kịch Nō (Noh) nổi tiếng xứ Phù Tang, muốn xem phải mua vé trước nửa năm, chèo sân đình không còn chiếu diễn. Các nhà hát đóng cửa, thảng hoặc, nếu có suất diễn thì khán giả lèo tèo. Vậy Thị Mầu sống thế nào? Xin nói ngay, Mầu khá tinh ranh, sắc sảo nên đã nhanh chân nhập tịch vào… thơ. Đây là mảnh đất vô cùng phì nhiêu khiến tha hồ cho cô nàng thi thố tài năng bằng tiếng cười độc nhất vô nhị của mình.
Có thể nói, từ
xưa đến nay, đã không ít nhà thơ, nhất là nhà thơ phái đẹp viết về Thị Mầu với
những cung bậc tình cảm khác nhau. Thôi thì khen chê đủ kiểu. Người “đồng thanh
tương ứng, đồng khí tương cầu”, kẻ nghiêm khắc chỉ trích xuất phát từ nền tảng
đạo đức, thật có, giả có tạo nên một dàn hợp xướng ngôn từ làm cho không gian
tinh thần xứ sở thi ca sôi động hẳn lên. Âu đó cũng là một cách “mua vui cũng
được một vài trống canh” như Nguyễn Du từng tâm sự cho lời kết “Đoạn trường tân
thanh”.
Nói vậy nhưng
không phải vậy. Thị Mầu là một giá trị nằm trong cơ tầng văn hóa Việt. Viết về
Mầu thì nhiều nhưng không phải ai cũng thành công. Bởi lẽ họ chưa chạm được đến
cái phần cốt lõi của hình tượng nhân vật
trong các mối quan hệ nội sinh như một thao tác quy chiếu vào lịch sử
hay đương đại.
Tình cờ, một lần
vào trang Maria Hoàn Nguyễn, và chợt sững sờ bởi Mầu của chị để lại trong tôi ấn
tượng mạnh đến mức suốt mấy hôm liền đầu óc cứ quay cuồng như là bị ma ám. Thật
ra, tôi không quen Hoàn Nguyễn, chỉ đến khi nhận lời kết bạn FB gần đây, mới đọc
của chị. Hóa ra, Hoàn Nguyễn không chỉ viết một mà có cả chùm bài về cô gái “lẳng
lơ” ở cái thời các chức sắc làng quê Việt Nam coi việc phạt vạ gái chửa hoang
là một cơ hội để ngả mâm đánh chén.
Công bằng mà
nói, trên sân khấu, ở bất cứ hình thức nào, từ thuở khai sinh ra Thị Mầu, trải
qua bao “thế sự thăng trầm”, cái “lõi” của hình tượng không thay đổi. Đó là sự
sáng tạo tuyệt vời của nghệ nhân dân gian như một dấu ấn hằn sâu vào tâm thức
dân tộc từ cả ngàn năm. Tuy nhiên ở mỗi thời đại lại có cách diễn ngôn khác
nhau, tuy chưa phải sự chuyển đổi hệ
hình, nhưng cũng buộc công chúng phải thay đổi cách đọc. Đọc chính là một hình
thức giải mã nghệ thuật. Chẳng có gì khó hiểu nếu ta nhìn nhận hành vi và lời
ăn tiếng nói của Mầu cũng mang tính lịch sử. Lịch sử với Thị Mầu không bất biến
mà luôn vận động, phát triển theo cách tư duy hình tượng của chủ thể sáng tạo lấy
cảm hứng lẳng lơ, phá phách, giễu nhại làm đối tượng “mổ xẻ”.
Như một cây
bút có duyên nợ với Mầu, tiếng cười trên sân khấu truyền thống đã được Hoàn
Nguyễn làm sống lại một cách ngoạn mục thành tiếng cười đầy chất bi hài đến
chao chát, đanh quánh trong “Đấy Mầu”, “Hôm nay Mầu lại lên chùa”, “Lúng liếng
Thị Mầu” và “Lẳng lơ Thị Mầu”. Có thể xem chủ thể trữ tình ở cả bốn bài thơ là
cô gái bị “giời đày” bắt nguồn từ vở
chèo “Quan Âm Thị Kính, lòng đầy những ẩn ức tính dục chi phối, luôn có khát vọng
giải tỏa khỏi sự ràng buộc lễ giáo, nhưng khác với nguyên mẫu, Mầu của Hoàn
Nguyễn lẳng lơ, chao chát và đanh đá hơn nhiều, trước hết là ở sự phá bỏ giới hạn
những quy ước văn hóa mà Mầu truyền thống chưa dám vượt qua, bởi “…kị húy là quy ước văn hóa, tạo nên miền
u tối ước lệ giữa cuộc đời”* như giáo sư Trần Đình Sử đã viết.
Hành vi phá
phách triệt để của Mầu làm tiền đề cho những ý tưởng nghệ thuật mới, trong đó
có thủ pháp ẩn dụ đưa lịch sử trở về thời hiện đại, chỉ mặt đặt tên chính danh
thủ phạm, khiêu khích thiên hạ bằng lớp ngôn từ giàu hình ảnh làm gia tăng giá trị biểu cảm. Vì thế, có thể
nói, thế mạnh lục bát Thị Mầu của Hoàn Nguyễn, trước hết là ở kỹ năng vận dụng
và kết hợp từ loại một cách nhuần nhuyễn làm bùng nổ hiệu ứng thẩm mỹ rồi mới đến cách ngắt câu cũng như vần điệu,
nhạc điệu... "Lục bát Thị Mầu" với cách ngắt nhịp tưởng như là ngẫu hứng
nhưng thật ra đều nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả. Từ, ngữ và sự kết hợp
tối ưu những thủ pháp nghệ thuật đã tạo nên một Thị Mầu của riêng Hoàn Nguyễn.
Vì thế, muốn hiểu được bản chất hình tượng người phụ nữ đầy mâu thuẫn này, bạn
đọc phải hiểu căn tính dân tộc như một
giá trị sống trong dòng lịch sử chảy không ngừng nghỉ của cộng đồng Việt tộc.
Đó là còn chưa nói đến những quy ước văn hóa nghiệt ngã, lỗi thời, rất cần được
định hình lại, chẳng hạn:
“Í a đây chẳng sợ chi
Gì gi
cái gỉ gì gi cũng liều”
(…)
“Này thách các cụ làng xa
Gần
không rúc từ “ấy” ra mới tài”…
(Đấy Mầu)
Nhưng, đến đây
chưa phải đã hết, bài thơ còn ghim vào tâm trí người đọc một “vĩ thanh” mà nếu
không có nó, chân dung Mầu chưa hoàn chỉnh:
“Đừng mà lấp lú che tai
Ăn tàn phá hại đè vai dân lành
Tốc váy Mầu chửi tam bành
Cha sư bố lũ gian manh mặt dày”.
Thị Mầu của
Hoàn Nguyễn là Thị Mầu phồn thực đã loại bỏ tất cả mọi ràng buộc về quy ước văn
hóa, hoàn nguyên tính cách, trở về với khát vọng làm người phụ nữ nguyên trạng
nhưng đâu đây vẫn bị ám ảnh bóng ma “tam cương ngũ thường” nên cô nàng chơi ván
bài sấp ngửa năm ăn năm thua:
“Ơ hay, phạt vạ cái gì
Vén mành các cụ cũng thì gấp năm…
Ai hay chỗ các vị nằm
Chả dơ ngàn vạn… mấy trăm… ấy à”.
Và cũng như
thường lệ, để khép lại bài thơ, Hoàn Nguyễn chẳng ngại cho “cục cưng” của mình
thả lũ châu chấu cào cào vào chiếu rượu giữa đình làng khi ấy hẳn là các bậc “đức
cao vọng trọng” nhảy cẫng lên:
“Che mình các cụ chẳng xong
Yếm đào Mầu hé chắc không chui vào
Ới a châu chấu cào cào
Chiếu làng đã trải cụ nào dám không…?”
(Lúng liếng Thị Mầu)
Thái độ Mầu chỏng
lỏn, diễn ngôn của Mầu xấc xược, ở giữa đình làng, cho dù đang bị xử tội chửa
hoang mà Mầu chả coi các cụ ra gì. Chẳng những thế cô nàng còn chanh chua thách
đố. Đó chính là những hình ảnh thẩm mỹ được tác giả kiến tạo bằng ngôn ngữ, ngỡ
bình thường nhưng không phải ai cũng làm được:
“Tranh nhau gặm lộc bứt chồi
Kéo tơ rút ruột bòn nơi cát lầm”
(…)
“Ra mà khoác lác ba hoa
Í ơi một đám bắc loa đến giời
Ới này cụ, ới quan ơi
Váy chùng em hé lí lơi cụ nhòm
Rằng ngon, trắng nõn nòn non
Khảo tra cái cớ ai còn lạ chi”.
(Lẳng lơ Thị Mầu)
Mầu của Hoàn
Nguyễn là Mầu đã loại bỏ hết mọi ước lệ, Mầu của lịch sử nhưng mang tâm thế thời
đại được khắc họa bằng ngôn ngữ kết hợp giữa cổ điển và hiện đại nên sinh động
và có sức truyền cảm như một tín hiệu thẩm mỹ. Hơn nữa, lục bát Thị Mầu ở đây
ngoài yếu tố nhạc điệu khá uyển chuyển, người đọc còn nhận ra bài thơ có nhịp
điệu “bên trong”, nhịp điệu tâm hồn, chính vì thế nó cuốn hút người đọc như một
mối lương duyên.
Ngày Cá tháng
Tư
Đ.V.S.
* FB Trần Đình
Sử "Thử tìm cái lý bên trong của nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp"
CHÙM BÀI THỊ MẦU
CỦA HOÀN NGUYỄN
ĐẤY MẦU
Lẳng lơ đấy
Có sao không?
Mặt trơ
Ừ, cứ lộn lồng
lên đi
Í a
đây chẳng sợ
chi
Gì gi
cái gỉ gì gi
cũng liều
Yêu
thì nói thẳng
rằng yêu
Thương
cho đủ cả trăm
điều rằng thương
Yếm chùng
ngúng nguẩy
lên hương
Chính chuyên
ba, bảy, dăm
đường...
ới a
Này
thách các cụ
làng xa
gần
không rúc từ
"ấy" ra mới tài?
Đừng mà lấp lú
che tai
Ăn tàn phá hại
đè vai dân
lành
Tốc váy
Mầu chửi tam
bành
Cha sư bố lũ
gian manh
mặt dày...
H.N.
HÔM NAY MẦU
LẠI LÊN CHÙA
Hoàn Nguyễn
hôm nay Mầu
lại lên chùa
tư rằm chả
phải, thèm chua đấy mà
biết rằng
mới có mười ba
khăn hồng bay
múa la đà tìm yêu
gót xinh
bước gió liêu phiêu
sân đình in
dấu chân liều Mầu em
Tiểu ơi nhận
lễ trầu têm
cho môi thắm
đỏ nên duyên một đời
sân chùa Mầu
đứng chơi vơi
nâu sồng tủi
phận lệ rơi ướt tình
áo xiêm cởi
ngọc ra mình
khoác lên
miệng tiếng ai khinh cũng nhờ
trót thương
Tiểu- Mầu làm ngơ
yêu nên Mầu
mới dại khờ, liều thôi
cửa thiền
cài chặt then rồi
thất tình,
tủi phận, rối bời đày vơi
biết mình
phận bạc như vôi
thì đành phó
mặc với đời
ừ xong
có… thì vẫn cứ
hơn không
Mầu tìm Nô
vậy, dối lòng vậy thôi
làng nay bắt
vạ Mầu tôi
ném danh vào
hão chê cười chát chua
mỉa mai thay
kẻ được mùa
nước vừa mới nóng
thân cua đỏ còng
mỉa mai
những kẻ ngồi không
ăn hôi nợ gái
không chồng chửa hoang
vết nhơ đời
hãy còn loang
mà xem lắm kẻ
bẽ bàng tanh ôi
xin đời thấu
nỗi Mầu tôi.
•
LÚNG LIẾNG THỊ
MẦU
Ơ hay
phạt vạ cái gì
Vén mành
các cụ cũng
thì
gấp năm...
Ai hay
chỗ các vị nằm
Chả dơ
ngàn vạn... mấy
trăm...
ấy à
Mặc ai
Mầu cứ la đà
Chính chuyên
chết cũng ra
ma ngoài đồng
Che mình
các cụ chẳng
xong
Yếm đào
Mầu hé
chắc không
chui vào?
Ới a
châu chấu cào
cào
Chiếu làng đã
trải
cụ nào
dám không???
LẲNG LƠ THỊ MẦU
thơ Hoàn Nguyễn
Ra đấy
ăn hôi cỗ Mầu
Chiếu làng đó
giành giật mau
mà ngồi
Tranh nhau
gặm lộc, bứt
chồi
Kéo tơ rút ruột
bòn nơi cát lầm
Quan nha
chốn ấy gian
thần
Vét vơ trên nỗi
nhọc nhằn người ta
Ra mà khoác
lác, ba hoa
Í ới một đám bắc
loa đến giời
Ơi này cụ
ới quan ơi
Váy đào em hé
lí lơi cụ nhòm
Rằng ngon, trắng
nõn nòn non
Khảo tra cái cớ
ai còn lạ chi
Cụ ăn đi
cụ xơi đi
Không tham
danh lợi lấy gì mà no?
Rõ phường một
đám mặt mo
Lẳng lơ Mầu thị
trát tro mặt đời.
HN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét