Nhãn

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

Ai mua hai triệu câu Kiều!


Ai mua hai triệu câu Kiều!

 


Yêu mến Nguyễn Du – Truyện Kiều thì dễ chớ nghiên cứu như một khoa học thì đâu có dễ. Phải rành chữ Nôm mới đọc được bổn Kiều gốc. Muốn rành chữ Nôm lại phải rành chữ Hán. Lại phải có đầu óc khoa học nhứt là các môn Lịch sử và Chánh trị mới đặng. Mà quan hệ Pháp – Việt từ hồi người Pháp vác cờ Tam tài đến xứ ta đến hồi họ cuốn cờ lên tàu há mồm ra biển… nó phức tạp lắm. Chừng như quá sức lạc sân ông Chủ tịch Hội Kiều học – Giáo sư Phong Lê – mới qua mấy màn múa bút đã thấy quờ quạng rồi.


Việc soạn in một bổn Kiều để kỉ niệm 250 năm sanh Nguyễn Du ý nghĩa trọng làm vậy mà việc làm của các ông sao dở quá chừng. Phải hủy bổn đó đi vội vàng in lại rồi tổ chức giới thiệu ra mắt ầm ào lắm. Cứ tưởng đọc được cổ thư là Kiều học lắm, rồi giải nghĩa làm sao mà Đạm Tiên thủa ấy là chàng ca nhi! Ông Chủ tịch Hội Kiều chưa hiểu đến nơi đến chốn hay ung dung ngồi ghế Chủ tịch nhắm mắt làm liều. Sai thì phải sửa nhưng ai mà tin được các bổn in sau của Hội Kiều này chớ!

Đến cái quan niệm rộng rãi hay chật hẹp trong việc đánh giá các nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh… mới thấy cái chánh kiến của ông Phong Lê nó bất chánh lắm. Thời nào ông cũng tiên phong. Thời nào ông cũng đúng cả. Ông giỏi thật đấy. Nhưng ông liều lắm. Theo thời mà nói chứ đâu có nghiên cứu thật sự khoa học. Tài liệu tư liệu về các nhân vật trên, gần trăm năm qua, kể từ bài Luận về chánh học cùng tà thuyết của cụ Nghè Ngô Đức Kế năm 1924, cả trong và ngoài nước nhiều lắm.

Nếu tham khảo tài liệu, ngẫm suy cho nó biện chứng thì chắc chắn ông không thể hùng hổ hung hăng nói năng liều mạng bất tử như vầy. Chuyện này dài và hay lắm, nhưng xem bài của Cao Đức Trường trên Văn Nghệ TP.HCM số 377 ngày 25/10/2015 thì ông Phong Lê có dám đáp lời lại với ông Cao Đức Trường không? Chúng tôi mong ông đừng bắt chước “nhà học phiệt” nọ hồi năm 1930. Chúng tôi chờ ông đấy.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi nói về cái khoa học liều mạng bất tử của ông Chánh Hội Kiều học trả lời phỏng vấn trên Nhân dân hàng tháng số 223 tháng 11/2015.

Mới vào bài, ông đã tung ra một đoạn văn trên rau má dưới canh hẹ thế này:

“… Một khối lượng trang viết về ông lên tới hàng trăm pho sách, hàng vạn trang… Một số lượng người đọc không thể tính đếm, bởi sự cuốn hút trong mọi tầng lớp dân cư, bất kể địa vị xã hội, bất kể mọi thành phần sang hèn, kể từ một ông vua tự nhận hay chữ đến tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ…” (Người viết nhấn mạnh các ý trên).

Kể khối lượng trang viết thì hàng vạn hàng triệu cũng chẳng sao. Nhưng đã là pho sách thì cao trọng lắm. Đến hàng trăm pho thì kỳ lạ lắm. Xin ông Chánh Hội dẫn cho dăm mười pho gì đó. Hay là… hễ cứ viết sách về Nguyễn Du – Truyện Kiều là thành pho cả!

Hùng hồn quá! Vĩ đại quá!

Bất kể mọi thành phần sang hèn. Ngoài hai thành phần này xã hội còn thành phần gì nữa. Ông Chủ tịch ơi, người sang người hèn người quý kẻ tiện… người ta chỉ nói loại người lớp người thôi, ai đi nói thành phần ở chỗ này.

Còn một ông vua tự nhận là hay chữ… là ai thế?

Trong các ông vua nhà Nguyễn hay chữ mê Kiều thì chỉ có Tự Đức có câu này: Mê gì mê đánh tổ tôm/ Mê ngựa Hậu Bổ mê Nôm Thúy Kiều. Có thấy ông vua nào tự nhận hay chữ đâu!

Tóm lại là, tôi hiểu ý ông Chánh Hội muốn nói sự đón nhận thưởng thức Truyện Kiều rất phong phú trong mọi tầng lớp dân cư, từ ông vua hay chữ “Mê Nôm Thúy Kiều” đến người không biết chữ vẫn thuộc Truyện Kiều. Có như vầy thôi mà ông Chánh Hội lằng nhằng quá. Cái sự này, mấy anh mới tập sự học việc thì có thể cho qua, chớ ông Chủ tịch Hội Khoa học Kiều – Hội Kiều học – không cho qua được. Cảm phiền ông Chánh Hội đừng mếch lòng với những người đọc như “thành phần Hai Lúa” tụi tôi!

Ông Chánh Hội lại nói: Cả nhân loại nhận ngay ra sự tương đồng giữa Nguyễn Du và nhiều danh nhân khác trên thế giới như Dante với Thần Khúc của Ý, như Goethe với Faust của Đức, như Puskin của Nga…

Cụ Puskin bực lắm. Sao có cái người An Nam không biết tiếng Nga lại cứ dẫn cụ ra để làm sang. Phải là Puskin với cái gì của Nga chớ! “Toàn bộ hàng nghìn văn gia sau Truyện Kiều đều tôn ông là bậc thầy, bậc thánh của tiếng Việt. 3.200 vạn chữ mà tất cả vẫn sống trong đời sống hiện đại…”.

Toàn bộ hàng nghìn… thì chính ông Phong Lê mới là người được các Khoa học Kế toán, Kiểm toán, Thuế, Tin học hiện đại… tôn làm bậc thầy bậc thánh. Toàn bộ hàng nghìn thì từ bàn tính cổ xưa của Tàu cho đến máy tính siêu hiện đại cũng bó tay! Người đời sau phải lập ra khoa Phong Lê học về siêu tính toán!

Mà ông ở đây là ông Nguyễn Du hay ông Truyện Kiều?

Thế thì phải đến nghìn nghìn thi gia tôn vinh “ông” Truyện Kiều.

Cái này mới hay: 3.200 vạn chữ… Nghĩa là 3.200 x 10.000 chữ = 32.000.000 chữ. Nếu tính mỗi câu sáu tám là 14 chữ thì Truyện Kiều dài hơn hai triệu câu (32.000.000/ 14 bằng khoảng 2.200.000 câu). Có lẽ cái phép tính Toàn bộ hàng nghìn sẽ cho kết quả này!

Nếu tính ra trang in thì trong Hợp đồng in, bên A (nơi có tài liệu in) là Hội Kiều học phải đổi là Hội Đại Khống Kiều học, mà nói cho gọn hơn là Hội Kiều Khống, tuy chưa đúng người đúng việc nhưng ngắn gọn.

Ông Chánh Hội Kiều nói: Trong nhà trường một thời có chọn Truyện Kiều nhưng không phải những câu hay như : “Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/ Người nách thước kẻ tay đao”, đó là những câu mang tính “đấu tranh giai cấp”.

Thế này thì học trò nó chán học văn là phải. Đơn vị chọn của Giáo sư qua lại hay quá: Truyện Kiều ngang với những câu (Kiều). Phải nói thế này ông ạ: Có thời trích giảng Truyện Kiều nhưng những câu được chọn không phải là hay như…

Còn hai câu trên mà mang tính đấu tranh giai cấp thì đúng là lập trường quan điểm giai cấp của ông Chánh hội rất sắc sảo nhạy bén y như Bí thư Chi đoàn “Hồng Vệ Tướng” đập thẳng cánh lập trường giai cấp tư sản của tác giả Vỡ bờ, lại cho nhân vật Phượng con nhà tư sản may cờ Việt Minh. Phải là những Anh Pha Chị Dậu Chí Phèo Thị Nở. Không thể mơ hồ lập trường giai cấp. Phải thẳng tay lên án những tội ác áp bức đè nén con người ngay từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ. Đả đảo! Đả Ađảo! Đả đảo…!

Còn câu này của ông Chánh Hội, cũng kỳ: “… nhiều nhà văn hiện đại như Tố Hữu, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh… cả đời nghiên cứu Truyện Kiều mà lắm lúc vẫn tranh luận nhau một chữ bởi mỗi người hiểu một cách…”.

Tố Hữu, Xuân Diệu là nhà văn hiện đại ư?

Cố Giáo sư Đặng Thai Mai nguyên Viện trưởng Viện Văn học và cố nhà văn Hoài Thanh nguyên Viện phó Viện Văn học, thủ trưởng trực tiếp của Giáo sư Phong Lê trong thời gian dài… có phải các vị trên cả đời nghiên cứu Truyện Kiều không? Họ tranh luận với nhau về một chữ gì thế?

Ông Chủ tịch Hội Kiều học có bị thần kinh phân liệt mất trí nhớ không đây? Ông trực tiếp được làm việc với các cụ Đặng Thai Mai, cụ Hoài Thanh… mà ông còn nói còn viết như thế, thì nghiên cứu Nguyễn Du – Truyện Kiều sao được, bởi cách nay đã mấy trăm năm, lại phải qua chữ Nôm, chữ Hán! Giới Kiều học thiếu trâu hay sao mà bắt bò như thế!

Còn nhiều lắm, chỉ xin nhấn mạnh câu ông Phong Lê chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh: Không có nhận định nào khái quát, tổng kết giá trị vĩ đại của Truyện Kiều với Tiếng Việt hay hơn thế. (Câu: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn).

Về câu nói của Phạm Quỳnh ngay đương thời (1924) đã bị phê phán quyết liệt, bắt đầu từ cụ Nghè Ngô Đức Kế, rồi các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải… cho đến sau đó và hiện nay, rất gần đây, trên tạp chí Xưa&Nay (9/2006), được in lại trong Luận chiến văn chương quyển Ba của ông Chu Giang – NXB Văn học, H.2014, bạn đọc có thể tham chiếu. Nay chỉ xin mượn lời cụ Đặng Thai Mai người đương thời với Phạm Quỳnh và là Thủ trưởng trực tiếp của Giáo sư Phong Lê ở Viện Văn học:

Trích Đặng Thai Mai – Tuyển tập, T.2, tr.90-91, NXB Văn học 1984:

Sau đó sự tiến bộ của Tiếng Việt trong thời gian 1920 – 1940 thì cũng là thành tích của nhiều nhóm nhà văn mà phần đông có tinh thần yêu nước và vẫn chống đối với tư tưởng văn chương của Phạm Quỳnh. Nhưng trong vấn đề bồi dưỡng văn học tiếng Việt này, Phạm Quỳnh đã có đóng góp được công lao gì? Phạm Quỳnh đã làm báo, nhưng chương trình “phục hưng” tiếng Việt của tay chủ bút tờ Nam Phong là thế nào? Trong văn chương của Phạm Quỳnh có gì có thể gọi là chủ trương đúng đắn, là lý luận vững chắc? Phạm Quỳnh đã làm Thượng thư bộ Học; nhưng trong thực tiễn “cụ thượng Học” đã làm được gì? Trước sau mười mấy năm, Phạm Quỳnh chỉ khai sinh cho cái bằng sơ học yếu lược. Cái cấp học quốc ngữ ba năm ấy đâu phải là đạo bùa cải tử hoàn sinh cho tiếng Việt! Ấy là chưa nói đến nội dung của cái chương trình sơ học yếu lược của y. Ngay từ hồi đó, có người đã phê phán chủ trương của Phạm Quỳnh và cho rằng: nó chỉ làm chậm bước tiến của học sinh. Ý kiến trên đây có phần đúng là ở chỗ Phạm Quỳnh thực tế chỉ nối giáo cho bọn thực dân kìm hãm học tiếng Việt vào cấp sơ học mà thôi. Cuối cùng còn lại một câu nói của Phạm Quỳnh mà ngày nay vẫn còn có người khoái trá ngâm nga: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Một câu lập dị, mới nghe ra tưởng chừng sâu sắc lắm! Nhưng lập dị muốn cảm động, muốn thuyết phục thì ít ra cũng phải có một chút sự thật! Đằng này không! Mọi người có chút lương tri đều biết rằng: nước ta có còn thì tiếng ta mới còn và tiếng ta có còn thì Truyện Kiều mới còn! Phạm Quỳnh sợ nói như thế vì y chỉ là người phát ngôn của phòng nhì phủ Toàn quyền. Phạm Quỳnh đã ngụy biện, đã nói dối để che đậy một lập trường chính trị bán nước hại dân. Chân lý giản dị hơn, chân thật hơn, nhưng y không dám nói, vì hoạt động của y sẽ vả vào miệng của y ngay lập tức!

Cụ Đặng Thai Mai nói rất đúng.

Xin cụ thể thêm nhận định của cụ:

- Thời kỳ Bắc thuộc, trước năm 938, tiếng ta còn nhưng nước ta mất, phải chăng chưa có Truyện Kiều?

- Thời kỳ độc lập tự chủ (sau 938) cho đến khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều, nước ta còn và chưa có Truyện Kiều. Vậy thì nền độc lập tự chủ, đất nước ta còn hay mất có nhất thiết là do có Truyện Kiều, còn Truyện Kiều hay không?

- Khi đã có Truyện Kiều, Truyện Kiều còn tiếng ta còn mà nước ta mất vào tay người Pháp (Hiệp ước 1884) là vì sao, do đâu?

- Giáo sư hãy đến các nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, Trường Sơn (Quảng Trị), Bến Dược (TP.HCM), Côn Đảo, Phú Quốc… xem dưới đất đó là Truyện Kiều hay hài cốt các bậc nghĩa liệt.

- Năm 1924, nước ta đã mất rõ ràng mà vẫn nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn… nước ta còn” có phải là xảo ngôn trâng tráo trắng trợn không? Xét thời điểm của câu nói (1924) và nhân thân người nói – Phạm Quỳnh đang là chủ bút Nam Phong, Sở Mật thám trả lương tháng cao gấp đôi lương Thượng thư Nam Triều – 600 đồng Đông Dương khoảng 20 lượng vàng – thì câu nói đó có hại cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nay ông Phong Lê thấy thời thế thay đổi nên chạy tội chiêu tuyết cho Phạm Quỳnh và phỉ báng cả bậc thầy của mình là cụ Đặng Thai Mai. Đó là tinh hoa Kiều học chăng? Ông lại muốn Nhà nước lập thêm cái Viện nghiên cứu Nguyễn Du – Truyện Kiều. Nhưng nghiên cứu như ông Phong Lê thì thà không có còn hơn! Cụ Phạm ngụy biện nhưng còn đúng phép tam đoạn luận (logic hình thức): Truyện Kiều suy ra tiếng ta. Tiếng ta suy ra Nước ta. Ông Phong Lê lại ăn gian, chỉ nói Truyện Kiều với tiếng Việt để tôn vinh cụ Phạm, lờ đi quan hệ Tiếng ta với Nước ta… là cái xương sống của vấn đề mà công luận phải lên tiếng từ năm 1924 đến nay. Chỗ này ông Phong Lê ngụy biện hơn cả cụ Phạm!

- Nếu quả là nhờ Truyện Kiều còn tiếng ta còn nước ta còn… thì trước khi phủ nhận giá trị của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, ông Phong Lê hãy công khai tuyên bố đoạn tuyệt với mọi quan hệ mà ông đã “trót” có với công cuộc đó gồm tất cả chức danh (Giáo sư, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), tất cả chức vị (Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Kiều học…) và các danh dự (các giải thưởng Nhà nước và hội hè…) và gì nữa… Có gan lên núi Thú phải có gan ăn rau vi ông ạ! Đến đây thì Giáo sư Phong Lê nên học tấm gương các con cái cụ Phạm. Họ đã nén tình riêng lo việc nước, bằng việc làm cụ thể mà sửa chữa lại cái sai lầm của người Cha. Với Chiếc gậy Trường Sơn cùng với Nhân dân ra trận cứu nước chứ không ôm đàn mà tụng Kiều rồi tự dối mình dối người rằng Nước ta vẫn còn. Sự nghiệp của các Giáo sư Phạm Khuê, Đặng Vũ Hỉ (con rể), nhạc sĩ Phạm Tuyên được đất nước tôn vinh quý trọng. Việc nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh không làm ông Chánh Hội Kiều sáng mắt ra ư!

Miệt vườn miền Tây
Ngày lành tháng tốt năm Ất Mùi – Nhằm ngày 3 tháng 12 Tây lịch 2015

Năm Châu Đốc
(Kính gởi: Ông Phong Lê – Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 385





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét