Nhãn

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Nguyên khí





           NGUYÊN KHÍ



        Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường




              19. NGUYÊN PHONG


                       Nguyệt xuyên há dễ thâu lòng trúc
                       Nước chảy âu khôn xiết bóng non.

                     (Thuật hứng . 4 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)




Lại nói về Nguyên Phong.
Kể từ hôm Tiểu Mai theo thuyền của vợ  chồng tượng nhân Bùi Thị Hý về Côn Sơn, Nguyên Phong đã đắm đuối vì nàng, không muốn dời nàng nửa bước.Mãi mãi, chàng sẽ không thể  quên cái giây phút nàng lao từ trên mũi thuyền xuống, như trận gió thơm, ào vào lòng chàng. Giữa bao nhiêu cặp mắt đổ dồn, tấm thân thiếu nữ trinh nguyên trong bộ áo nâu sồng nằm gọn trong vòng tay chàng. “Nguyên Phong, chàng không nhận ra em ư? Còn em, chưa bao giờ em nhớ chàng như bây giờ”.Chỉ một câu nói ấy, nàng đã bước vào cuộc đời chàng.
Đêm ấy, đợi quá khuya ,mọi người đã ngủ say, Tiểu Mai rón rén mở cửa, lên thắp hương ở chính điện Thiên Phúc tự. Nàng quỳ lạy,chắp hai tay thành kính cầu xin Đức Phật mở lòng từ bi tha tội cho nàng đã không thể tiếp tục con đường giáo huấn của nhà Phật để đi đến tận cùng miền Tây trúc. Nàng mắc tội yêu. Nàng đáng gọt đầu bôi vôi. Nàng cầu xin đức Phật phù hộ độ trì cho Nguyên Phong, cho tình yêu của chàng và nàng. Nàng sẽ đi theo chàng đến tận cùng, đến tóc bạc da mồi, đến thịt nát xương tan…

Tuần hương đã tàn, mà Tiểu Mai vẫn ngồi quỳ  như hoá đá.Cho đến khi một bàn tay mềm mát đặt nhẹ trên vai thì nàng bỗng giật mình quay lại. Giọng sư thầy Pháp Huệ thoảng như tiếng gió:
- Phật đã hiểu lòng con rồi đó.Căn tu của con có vậy. Mười bẩy năm qua, con đã từ bóng đêm vô minh để đạt đến tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Phật, chính là Tỉnh Thức. Con đã có duyên gặp được chính pháp, hiểu được lời dạy của Đức Phật để tìm thấy tâm đạo của mình. Con hãy đi với người ấy. Đó mới là đường chính quả của con…
Tiểu Mai giàn giụa nước mắt vái lạy sư thầy, rồi từ biệt đi ra.
Ngoài sân, Nguyên Phong đã đợi nàng từ khi nào. Tóc chàng đẫm sương đêm. Chàng khoác lên người Tiểu Mai chiếc áo bằng tơ tằm màu trắng ngà, may rất khéo,như áo cưới.
- Chúng mình đến Lệ Chi Viên ngay đêm nay. Ta thấy nóng ruột quá. Chập tối, Ức Trai ngồi trầm ngâm bên án thư, Người bấm độn rồi bảo ta rằng: Hình như quan Lễ nghi Học sĩ đang gặp chuyện chẳng lành…
Cặp tình nhân chèo thuyền đến Đại Lại thì được tin Hoàng đế Nguyên Long vừa băng, và quan Lễ nghi Học sĩ đã bị bắt về tội giết vua.
- Hoàng hậu đã ra tay rồi - Nguyên Phong lặng người ôm xiết lấy Tiểu Mai, như muốn che chở cho nàng.
Tiểu Mai nép vào ngực chàng khóc thút thít.
- Nạn nhân tiếp theo sẽ là Ức Trai và mẹ con Tiệp dư Ngọc Dao…Chàng ơi, chúng mình phải về  Côn Sơn ngay. Phải bằng mọi giá cứu Tướng công và  bà Mẫn.
Khi hai người về đến Côn Sơn thì trời sắp tảng.
Họ rón rén đến phòng Nguyễn Trãi, để không đánh động giấc ngủ của Người. Nhưng kìa, Ức Trai đang ngồi tựa gối, trước mặt là một tách mai trà  đang bốc khói. Dường như Người chưa hề ngủ, suốt từ đêm qua. Chỉ mái tóc là bạc xoá, bạc đến không lẫn sợi nào.
- Dạ, thưa…- Nguyên Phong khoanh tay rụt rè.
- Hai con vào đây…Ta biết cả rồi… Các con vừa ở Lệ Chi Viên về phải không?
- Dạ…Thưa Tướng công. Đã đến lúc Hoàng hậu trả thù…Việc gấp lắm rồi – Nguyên Phong nói - Chỉ nay mai quan quân triều đình sẽ đến…  Nếu chúng ta không lo trước, sẽ trở tay không kịp.
Ức Trai với lấy hai chiếc chén sứ Chu Đậu. Tiểu Mai vội đỡ lấy bình, rót trà.
- Các con uống trà cho ấm bụng. Chiều qua, trước khi về Nhị Khê, Cả Khuê cứ nhắc các con mãi. Cả Khuê cũng như các con, quá  lo cho ta… À,vẫn còn xôi phần các con ở dưới nhà. Ta sẽ nói nàng Mẫn dọn cho các con ăn…
Ức Trai vừa dứt lời, nàng Mẫn đã xuất hiện ở bậc cửa. Nàng mang xôi nếp và khoai sọ luộc chấm với mật mía. Đã có mang được ba tháng, dáng nàng Mẫn đẫy ra nhiều nhưng bước đi vẫn nhanh nhẹn, uyển chuyển. Tiểu Mai từng nghe kể rằng, khi quan Thừa chỉ quyết định cáo quan về Côn Sơn, quan Lễ nghi Học sỹ đã vào tận Canh Hoạch nhờ cụ Đồ Thư bấm độn, rồi lại được cụ dẫn xuống Thuỵ Phú, Phú Xuyên gặp ông bà Cử Nhuần, xin nàng Mẫn về làm thiếp, kết hợp chăm sóc Tướng công. Khen cho con mắt tinh đời. Người đàn bà tuổi Nhâm thìn rất hợp với tuổi Canh thân. Nàng Mẫn không chỉ có dáng vượng phu ích tử mà giờ đây còn đang mang trong mình dòng máu của Ức Trai, là niềm hy vọng của cả một dòng họ…
Ức Trai kéo ghế bảo nàng Mẫn ngồi xuống, nháy mắt ra hiệu với Nguyên Phong và Tiểu Mai, rồi nói:
- Sắp tới ta có việc phải về triều ít ngày. Nhân tiện hai cháu Tiểu Mai và Nguyên Phong có  việc ra An Bang, ta muốn nàng đi cùng sang Nam Sách. Ở đó có ông lang Phùng, bạn ta. Ta muốn nhờ ông xem mạch và cắt cho nàng vài thang thuốc.
Nàng Mẫn nói:
- Tướng công cho thiếp về Đông Kinh để tiện việc hầu hạ người. Hồi này thiếp thấy người thường ho buổi sáng…Quan Bà trước khi về triều cũng bảo thiếp nên đi cùng Tướng công. Nhân tiện cho thiếp về thăm thầy u ở Thuỵ Phú. Quê mình cũng có ông Lang Cần bốc thuốc giỏi lắm.
Ức Trai nheo mắt nhìn nàng Mẫn đầy thương cảm. Nàng vẫn chưa hề biết chuyện gì vừa xảy ra với nhà vua và bà Lộ…
- Ta sẽ đợi nàng cùng về triều…- Ức Trai nói - Nhưng hôm nay nàng phải cùng Tiểu Mai và Nguyên Phong đi Nam Sách, và ở lại dưỡng thai ít ngày… Nàng hãy nghe lời ta lo chuẩn bị hành lý đi…
Đợi nàng Mẫn đi xuống nhà, Tiểu Mai bỗng dấm dứt khóc:
- Con thương quan Lễ nghi Học sĩ quá…Người ta bảo bà bị đóng cũi giải về triều…  Chúng sẽ giết bà mất…Tướng công ơi, con nghe tin, tội giết vua sẽ phải tru di tam tộc…Tướng công trốn đi… Chúng con sẽ đưa bà Mận trốn  đi. Giọt máu cuối cùng của Tướng công phải được bảo vệ…
Ức Trai ngồi lặng rất lâu. Người đang mường tượng ra hình ảnh người vợ yêu của mình trước nanh vuốt lang sói. Một giọt nước mắt rỉ ra bên khoé. Nhưng rồi Ức Trai gượng cười:
- Cám ơn các con đã an ủi ta. Việc gì đến ắt sẽ đến, các con ạ. Ta từng viết: “Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết/ Riêng một lòng người cực hiểm thay”. Nếu đây là âm mưu của Hoàng hậu, thì âu cũng là số Trời, chúng ta không chống được. Ta chỉ tiếc và thương cho Hoàng thượng. Cho đến hôm qua ta mới thực yên tâm và tin tưởng ở Hoàng thượng. Đường đường là một bậc thiên tử mà thân hành đưa cả quần thần văn võ bá quan đến tận Côn Sơn để gặp lão già này, tự tay đón lấy bộ “Quôc triều Hình luật” do ta soạn thảo để về chấn hưng đại nghiệp. Nhà vua đã thực sự trưởng thành, đã tỏ rõ là một đấng quân vương anh minh trí dũng...Vua như thế, ít thời nào có được…
Tiểu Mai nói:
- Thưa Tướng công, tiếc rằng những người tài giỏi, vừa mới xuất hiện thì đã gặp loài quỷ dữ. Không ai tin một nhà vua trẻ tuổi tài cao như thế lại bị đột tử.
Nguyễn Trãi nói:
- Chiều qua nghe tin thuyền ngự bị mắc cạn khi qua mộ Bạch Sư ở Cầu Bông, ta đã biết ngay điềm gở. Giá như lúc ấy ta có trong đoàn hộ giá, ta sẽ tâu với Hoàng thượng trở lại thành Chí Linh…Nhưng đó là số mệnh, cưỡng sao nổi.
Nguyên Phong đưa mắt cho Tiểu Mai. Nàng hiểu ngay rằng chàng đang nghĩ tới ông nội Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, mà chàng mới kể cho nàng nghe. Đúng rồi. Chỉ cần vào trấn Nghệ An, nơi ông già Đào công đang ẩn dật là an toàn.
Nguyên Phong nói:
-  Thưa Tướng công. Đây là một âm mưu  đã được bày đặt sẵn. Giống như độc mưu với ông nội con chín năm trước. Đích của mũi tên tiếp theo sẽ nhằm vào Tướng công…Chúng con không để Tướng công hệ luỵ…Ngay hôm nay, con và Tiểu Mai sẽ đưa Tướng công vào Nghệ An. Tướng công hãy lánh đi một thời gian xem sự thể ra sao…
- Lánh đi ư? - Nguyễn Trãi cả cười- Ta đã nghe thấy tiếng vó ngựa, tiếng gươm khua đang đến gần…Cưỡng mà làm chi. “Thế sự dầu ai buộc bện/ Sen nào có bén trong lầm…”(*)
Dưới nhà chợt có tiếng xôn xao. Rồi hai gia nhân hốt hoảng chạy vào, nói không ra hơi:
- Bẩm Tướng công. Người đi chợ ngoài bãi Tranh đang bàn tán xôn xao là Đức Bà giết vua. Quan quân triều đình sắp kéo về đây…
- Ta biết rồi - Nguyễn Trãi khoát tay cho hai gia nhân  – Các con xuống nhà giúp bà Mận chuẩn bị  hành lý. Bảo bà chỉ mang những thứ thật cần dùng…
Rồi Ức Trai quay lại nói với Nguyên Phong và  Tiểu Mai:
- Ta muốn nhờ các con hai việc. Một là đưa nàng Mẫn đến Chu Đậu, chỗ tượng nhân Bùi Thị Hý và Đặng công. Ta sẽ viết thư cho hai người đó. Hai là, khi ta đi rồi, các con hãy về chỗ Tiệp dư Ngọc Dao để phò giá Hoàng tử Lê Tư Thành. Để thật an toàn, có thể phải chuyển Tiệp dư  về vùng Hải Khẩu… Bằng mọi giá phải bảo vệ mẹ con Hoàng tử…
Cả Nguyên Phong và Tiểu Mai cùng rạp người, lạy sống Ức Trai:
- Chúng con cầu lạy Tướng công.Chúng con sẽ thực hiện lời dạy của Người. Nhưng việc gấp lắm rồi, Người hãy lánh khỏi Côn Sơn… Vua đã chết rồi thì  Tướng công là cái gai mà Hoàng hậu phải nhổ.  Đừng để cho mụ ta đắc chí. Người là rường cột của Đất nước, là nguyên khí Quốc gia. Chỉ cần Tướng công sống mạnh khoẻ là xã tắc sẽ được nhờ. Lũ vô danh tiểu tốt chúng con có thể chết, nhưng Tướng công và Đức bà phải sống…
- Ta phải về triều. Đức vua băng hà ta không thể vắng mặt…Ngày mai ta sẽ thượng kinh. Còn hôm nay ta ở đây để đợi lệnh triều đình - Nguyễn Trãi khẽ nhắm mắt, như nói với chính mình - Ta không phải trốn đi đâu cả... Ta sẽ chứng minh với Hoàng Thái hậu là bà Lộ vợ ta vô tội. Một người phụ nữ tài đức, đáng kính nhường ấy làm sao có thể phạm vào luân thường đạo lý, có thể can tội giết vua? Các con yên tâm. Nếu có chết, âu cũng là số phận. Ta với nàng Nguyễn Thị Lộ sẽ cùng chết… Thời thế này, sống thế là quá đủ rồi…


                                            ***

 
Ngay trong đêm mồng 6 tháng 8, đêm phát tang Hoàng đế Lê Thái Tông, một sắc chỉ được bí mật truyền từ tẩm cung của Hoàng Thái hậu đến các đạo Hải Đông, Hải Tây, Hải Nam, đặc biệt là các trấn Nam Sách, Sơn Nam, các hương Côn Sơn, Chi Ngải, Nhị Khê, Hải Triều…sức cho quan sở tại phải phối hợp với các quan quân triều đình phái tới, bắt bằng hết già trẻ gái trai ba họ của Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi đóng gông giải về kinh đô.
Trước khi quân triều đình đến Côn Sơn nửa ngày, có hai kỵ sĩ phóng ngựa như bay dọc bờ sông Thiên Đức. Đó là công tử Đinh Lân và gia nô nhà quan Thái phó Đinh Liệt. Nhận được mật báo của chồng: “Có mấy cặp bánh dày Quán Gánh, cất kỹ cho ta kẻo chó mèo ăn mất…”, Ngọc Kiều phu nhân ngẫm nghĩ một lúc rồi rụng rời chân tay. Nàng gọi con trai Đinh Lân và hai gia nô tin cẩn vào phòng, rỉ tai dặn dò. Ba con ngựa thắng yên cương sẵn được dắt ra khỏi tàu. Một gia nô phóng về Nhị Khê, Đinh Lân và một gia nô khác phi như bay về Côn Sơn.
Đinh Lân và gia nô vừa đến dốc, cả người và vật đẫm ướt mồ hôi, chưa kịp xuống yên, Nguyên Phong và Tiểu Mai đã rút đoản côn xông ra. Nhận ra công tử Đinh Lân, cả ba người trẻ tuổi nắm tay nhau thân thiết, rồi Nguyên Phong đưa Đinh công tử vào gặp Ức Trai.
Đinh Lân quỳ sụp:
- Thưa Tướng công. Cha mẹ con cho tiểu tử đến cấp báo. Tướng công và lệnh bà phải đi trốn ngay. Quan quân triều đình đang kéo về. Sẽ có chuyện như với Tả tướng quốc năm nào…
Ức Trai đỡ Đinh Lân dậy.
- Cho ta cám ơn Lân Quốc công cùng lệnh bà và con. Ta đang chuẩn bị về triều…
- Lạy Tướng công… Xin người đừng về. Cha con dặn, bằng bất cứ giá nào, Tướng công cũng phải lánh đi.
- Ta hiểu rồi…Con về ngay đi, kẻo liên luỵ. Kìa, ta nghe như tiếng quan quân triều đình đang tới…
Đoàn quan quân triều đình đến Côn Sơn theo hai đường, đường sông và đường bộ, với ba thuyền chiến và một vệ quân kỵ mã, gươm giáo sáng loà, xiềng gông lỉnh kỉnh.
Cả vùng Côn Sơn xao xác. Như ngày giỗ trận. Như thời giặc Minh tràn đến. Già trẻ  gái trai ai cũng sụt sùi nước mắt, thương cho hai vị  quan nhất phẩm và tứ phẩm, tài danh đức độ vào bậc nhất triều đình.
Khi ba chiếc thuyền do đích thân Tư mã Lê  Ê và Đô giám Lương Đăng chỉ huy từ  sông Thiên Đức chuẩn bị vào cửa Lục Đầu, thì Nguyên Phong vừa thảo xong lá thư gửi  ông nội. Chàng ngửa mặt lên trời, vỗ tay ba tiếng. Thư điểu sà xuống tay chàng, nhận lạp thư  bay đi.
Cũng vừa hay một chiếc thuyền chở gốm sứ  cập bến Đá. Nhìn thấy thuyền, Tiểu Mai vai quàng tay nải, tay kia dắt nàng Mẫn áo tứ thân, váy thâm, vội  xuống bến. Nguyên Phong vác hòm xiểng cùng gia nhân chạy xuống theo.
Trong khi người lái thuyền bắc cầu bằng một tấm ván dài, thì từ dưới khoang thuyền một người đàn bà vận đồ đen, áo ngắn, quần chẽn, mặt chùm kín khăn đen, nhảy vọt lên mui, rồi nhẹ nhàng chuyền lên bờ. Tiểu Mai và Nguyên Phong cùng  reo lên:
- Bùi Tượng nhân!
Đúng là nàng Vọng Nguyệt, “chàng” thư sinh giả trang đi thi ngày nào.Vọng Nguyệt chắp tay thi lễ:
- Tiểu nữ kính chào Tướng công phu nhân. Tiểu Mai ơi, gấp lắm rồi. Em đưa phu nhân lên thuyền đi.
Nàng Mẫn cúi đầu chàoVọng Nguyệt rồi ôm bụng đưa tay cho Tiểu Mai đỡ lên thuyền.
Nàng Vọng Nguyệt nhìn quanh, giọng thảng thốt:
- Còn Tướng công? Nguyên Phong ơi,Tướng công đâu hả  em?
Nguyên Phong lắc đầu bất lực:
- Dạ, Tướng công nhất định không chịu đi, chị ạ.
Vọng Nguyệt khoát tay:
- Không được. Bọn chúng sẽ giết Tướng công mất.
Tiểu Mai lại bật khóc:
- Chúng em đã cầu xin hết nước. Nhưng Người quyết  ở lại. Chị gặp bây giờ cũng không thuyết phục được đâu.
Nguyên Phong lấy thư đưa cho Vọng Nguyệt:
- Em sẽ quay lại thuyết phục Tướng công một lần nữa. Đây là thư của Tướng công gửi  Đặng Công và phu nhân. Quan quân triều đình sắp đến rồi, xin nữ tượng nhân đưa lệnh bà đi kẻo lỡ…
- Thế này nhé - Vọng Nguyệt nhíu mày suy nghĩ, rồi quả quyết - Tiểu Mai đi cùng phu nhân vòng thuyền ra bến Rừng Thông đợi chị. Chị và Nguyên Phong phải quay lại thuyết phục Tướng công một lần nữa. Đã đến nước này thì không còn trung quân gì nữa. Còn vua đâu mà trung?Tấm gương các bậc công thần Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn còn đó. Đến khi giải được oan thì đã thành cát bụi. Nguyên Phong ơi, nếu không đón được Người thì chị em mình  cũng lạy chào bái biệt. Chị có tội lớn với Ức Trai và Lễ nghi Học sĩ là chưa kịp hoàn thành bức hoạ hình hai người trên bình gốm Chu Đậu… Chị linh cảm hôm nay có thể là cuộc vĩnh biệt…
Tiểu Mai lĩnh ý, rồi chạy lại, nắm tay Nguyên Phong, nói nhỏ với chàng:
- Chàng hãy cùng chị Vọng Nguyệt trở lại thỉnh cầu Tướng công một lần nữa. Có thế nào cũng ra thuyền với em nhé…Chúng mình sẽ cùng đưa phu nhân đến Chu Đậu rồi  nhanh chóng  trở về với  Tướng  công…
Nói rồi Tiểu Mai nhún mình, nhẹ nhàng đáp lên mui thuyền.
Thuyền quay mũi và từ từ dời bến.
Vọng Nguyệt cùng Nguyên Phong trở lại thư phòng Ức Trai.
Họ đứng lặng trước hiên khi thấy Ức Trai đang tần ngần lấy từng pho sách trên giá xuống, xếp vào bồ. Đó là những tạp bút, ghi chép, thư  từ, khế ước, biểu chương, thơ văn, điển nhạc, khảo cứu… mà Người đã trước tác mấy chục năm qua. Đó là bản thảo gốc hai công trình “Bình Ngô sách” phần một và “Bình Ngô sách” phần hai, tức bộ “Quốc triều Hình luật”. Đó là những di sản văn hoá cha ông từ thời Hùng Vương, thời Bắc thuộc, đến thời Lý, Trần mà giặc Minh mặc dù đã thu đốt và mang về Bắc quốc, nhưng vẫn không thể cướp hết. Đó là những trước tác của ông ngoại, quan Tư đồ Trần Nguyên Hãn và của cha Nguyễn Phi Khanh. Đó là thư từ, thơ văn thù tạc của văn hữu, bạn bè…Trải hai mươi năm Minh thuộc, rồi chuyển dời vì mưu sinh, vì thời cuộc, đã thất lạc đi nhiều, nhưng những gì còn lại vẫn là tài sản vô giá của Ức Trai, một tài sản mà chính Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân, người bạn gần gũi của ngài , khi đến thăm, đã phải thốt lên “Nhất điều thuỷ lãnh Tri tam quán/ Tứ bích gia bần phú lục kinh”( Lạnh lẽo một dòng quan cực phẩm. Xác xơ bốn vách sách nghìn pho.)
- Thưa Tướng công…
Ức Trai giật mình, suýt đánh rơi pho sách khi nghe tiếng Vọng Nguyệt.
- Dạ, con đến để đón Người… Người phải  đi lánh ngay. Ông nội con vừa cho người xuống mật báo, Triều đình…
Nguyễn Trãi lặng im giây lát, rồi khoát tay:
- Cám ơn nữ tượng nhân đã lo cho ta. Cám  ơn quan Thái bảo Bùi Quốc Hưng đã nghĩ đến ta…  Nhưng ta phải về triều... Con và cả Nguyên Phong cùng Tiểu Mai, ba chị em hãy đưa nàng Mẫn đi ngay  mới kịp… Quan quân triều đình đang đến…Ta ở đây để đợi lệnh của Hoàng Thái hậu…
Nhìn những kệ sách tầng tầng, Vọng Nguyệt bỗng kêu lên:
- Tướng công cho phép vợ chồng con được lưu giữ  những trước tác của người và quan Lễ nghi Học sĩ. Đó là tài sản vô giá. Không thể  để rơi vào tay lũ người vô học. Chúng sẽ  đốt hết như lũ giặc Minh ngày trước…
- Ta đang soạn đây - Ức Trai nói – Nàng Lộ và ta có thể chết, nhưng chữ  Thánh hiền là di sản của muôn đời…
Vọng Nguyệt quỳ xuống, bật khóc, lạy Ức Trai ba lạy:
- Con sẽ cho người mang cất giấu cả thư  khố này trong những chum vại Chu Trang…Xin Tướng công cho con lễ sống người để bái biệt. Suốt đời con và Đặng công cùng dân chúng Chu Trang sẽ ân hận và có tội với Người cùng quan Lễ nghi Học sỹ là đã không kịp hoạ hình hai người để lại cho hậu thế… Không ngờ sự đời lại quay quắt đến thế…
Ức Trai tiễn nàng Vọng Nguyệt và giục Nguyên Phong đi ngay ra bến đò.
Dù rằng đã linh cảm thấy, nhưng nàng Vọng Nguyệt Bùi Thị Hý, không thể ngờ rằng đó là  lần chia tay cuối cùng với Ức Trai, vĩ nhân mọi thời của nước Việt mà nàng mơ ước được tạc hình vĩnh viễn vào gốm sứ Chu Đậu, nhưng giờ  thì đã muộn…
Chỉ trong vài khắc, Vọng Nguyệt và Nguyên Phong đã ra đến bến Rừng Thông, đón kịp thuyền.
Họ không thể ngờ rằng, con thuyền chở  nàng Phạm Thị Mẫn đi trốn ấy, là con thuyền duy nhất thoát khỏi cuộc thảm sát của Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Đó là một con thuyền cứu mệnh.
Cả dòng họ của quan đại thần Thừa chỉ  Hành khiển Nguyễn Trãi, mấy ngày sau, tức ngày 16 tháng tám năm Nhâm Thìn 1442, chỉ còn sót lại giọt máu trong bụng bà Phạm Thị Mẫn, người được bí  mật mang đi trốn trên con thuyền chở gốm sứ  kia.
Giọt máu ấy,hai mươi hai năm sau, vào mùa Thu, tháng bẩy, năm Giáp thân, 1464, được vua Lê Thánh Tông cho người đi tìm, rồi ban cho chức quan huyện, như để bày tỏ lòng thương xót và biết ơn người cha oan khuất.
 Ông quan huyện được chiếu cố ấy, là Nguyễn Anh Vũ.



                                           ***


Bây giờ lại nói về Nguyên Phong.
Chàng và Tiểu Mai không dám dừng ở Chu Trang lâu. Nơi đó không phải là chốn tin cẩn. Vợ chồng tượng nhân Bùi Thị Hý quyết định đưa nàng Phạm Thị Mẫn lánh xuống vùng cửa biến An Bang để nghe ngóng động tĩnh. Nếu thấy bất lợi, có thể đưa tiếp xuống vùng An Lão, Hải Khẩu.
Khi cặp tình nhân về đến Côn Sơn, thì cảnh vật đã tan hoang như vừa qua một trận bão lớn. Tư dinh của Ức Trai vốn thanh đạm, giản dị, giờ đã bị đập phá, quăng quật, mấy nghìn pho sách ở thư trai cháy âm ỉ suốt hai ngày. Cả hai chỉ nhìn nhau khóc. Nguyên Phong nắm tay đấm ngực bồm bộp, hận không xé xác được bọn ưng khuyển lúc chúng đến bắt Tướng công.
Mối tình chớm nở của họ, bị vò nát  trong những ngày đầu tháng tám nóng bức kinh người và nhức buốt tiếng lương dân than khóc.
Hằng giờ, Nguyên Phong dõi lên bầu trời, trông ngóng. Rồi cái chấm nhỏ thân yêu chờ đợi ấy cũng lượn vòng trên tít tầng xanh. Vậy là điểu thư  đã mang tin của ông nội từ Nghệ An ra.
Con chim câu sà xuống hai bàn tay chàng. Lá thư  của Đào công chỉ vỏn vẹn mấy chữ:
“Tính mạng Trần Văn chỉ còn đếm từng ngày. Phải bằng mọi cách giải cứu. Ta sẽ ra ngay.”
Mệnh lệnh của ông nội cũng là quyết tâm sắt  đá của cặp tình nhân.Nguyên Phong và Tiểu Mai định trở về chùa Huy Văn nhờ cậy sư thầy Thích Chân Như, nhưng ngôi chùa giờ đã tan hoang, sư  thầy phải lánh sang chùa làng Văn Chương.Đành quay sang tá túc ở chùa Long Đọi, làng Bắc Cầu, nơi từng lưu giấu Tiệp dư Ngọc Dao và Hoàng tử Lê Tư Thành hơn nửa tháng trước.
Họ đóng giả một cặp vợ chồng bán rượu nếp cái hoa vàng. Anh chồng khoèo một chân, đi cà nhắc, chị vợ mặt mũi nhem nhuốc, đội sùm sụp chiếc nón mê. Sáng sớm họ đi đò qua sông Cái, lân la dò hỏi trong dân chúng, đặc biệt là tin tức quanh toà đại hình và ngục Hoả Lò, nơi giam giữ hai tử tù Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Buổi chiều ngày thứ hai, gần quán gốc muỗm cạnh đề lao, Nguyên Phong và Tiểu Mai bán rượu cho hai người lính cai ngục, một gầy như que củi, một to cao, có bộ râu dê ngộ nghĩnh. Tiểu Mai hào phóng đãi họ hẳn một bầu rượu để được nghe lỏm câu chuyện của hai đệ tử Lưu Ly.
Râu dê:
- Ban đầu tao cứ ngờ ngợ. Chẳng lẽ lão già cao gầy, râu tóc bạc trắng mới bị tống ngục tối hôm kia, lại là quan Thừa chỉ Hành khiển? Đến khi Hoàng hậu đi cùng mấy đại quan trong nội điện, bắt tao mở ngục giải tù nhân ra, tao mới tá hoả.
Que củi:
- Thế là kẻ cắp bà già đã gặp nhau.Từ hôm nay bọn ta phải gọi là Hoàng Thái hậu chứ gọi Hoàng hậu là khi quân,bị chém đầu tắp lự…
Râu dê:
- Lúc ấy tao cũng mới biết Hoàng…à Thái hậu. Đẹp thật. Nhưng tao không dám nhìn lâu. Đôi mắt như hai lưỡi dao. Vừa lướt qua mặt, đã thấy hơi tử khí  ớn lạnh sau gáy.
Que củi:
- Kể nhanh lên. Họ nói với nhau thế nào?
Râu dê:
- Thái hậu bảo: “Ông Trãi, ả Thị Lộ  đã khai hết rồi. Mấy ngày về Côn Sơn hai người đã bày mưu tính kế thế nào, hai quan ở toà Đại hình, Thái phó Lê Liệt và Thái uý Lê Thụ đã cho ghi chép hết cả rồi…Bà vợ yêu của ông, coi ông là nhất trên đời,chỉ cần ta doạ giết ông là ả phun ra hết…Ả nói rằng, ông đã âm mưu cài cắm mụ vào nội cung từ hai năm trước, rồi lại gợi ý cho vua phong chức Lễ nghi Học sỹ cho ả để dễ bề lung lạc vua. Ả khai cả việc vợ chồng ông đã ăn của đút của quan Thái bảo Ngô Từ để che giấu tội cho Ngô Thị Ngọc Dao, rồi đưa mẹ con Ngọc Dao đi trốn. Thị Lộ bảo, ông thuyết phục vua phế Bang Cơ để lập Tư Thành lên ngôi Đông cung Thái tử, nhưng vua không nghe, ông liền bày kế cho ả ta giết vua…Chao ôi, ta không ngờ mang danh kẻ sĩ như ông, tự vỗ ngực mình là Nguyên khí quốc gia như ông mà lòng lang dạ thú…He he…Hủ nho các ông chỉ là cục phân…Các ông chỉ đánh lừa được đức Tiên đế chứ làm sao lừa nổi ta.”
Que củi:
- Chà chà…Nói như vậy mà cụ Nguyễn Trãi chịu im à?
Râu dê:
- Sao lại im? Cụ Nguyễn cả cười, nói với Thái hậu rằng:“Lệnh Bà mới nắm quyền lực một ngày mà miệng lưỡi đã toàn đao búa gươm giáo.Quan Lễ nghi Học sĩ không bao giờ nói những điều xằng bậy như vừa rồi. Ta tin ở sự chính trực và liêm sỉ vốn là máu huyết trong con người nàng.Muốn giết thì hãy ra tay đi. Ta chỉ  tiếc đã không sớm tin lời Đinh Thắng, Đinh Phúc. Ta không nghĩ rằng Lệnh Bà có thể dám cả gan lừa dối cả Hoàng thượng?Bang Cơ không phải con ngài. Lệnh Bà biết quá rõ điều  đó…”
Que củi:
- Ức Trai dám nói cả những điều bọn trẻ con Kẻ Bưởi, Kẻ Mui giễu nhại à?
Râu dê:
- Cụ Nguyễn vừa nói đến đó thì ba đại quan đi cùng gầm lên: “Khi quân. Thằng giặc già này phải chém”.
Que củi:
- Đại quan nào? Chắc là ba vị đầu trò  Tạ Thanh, Nguyễn Phù Lỗ và Lương Đăng?
Râu dê:
- Ông làm tôi mất hứng quá. Thì ba vị ấy chứ  ai?Chuyện Lương Đăng bị cụ Nguyễn mắng vỗ mặt giữa triều, ầm cả kinh thành, bây giờ mới đến lúc ông quan hoạn ấy trả thù. Nhưng lúc này cụ Nguyễn vẫn bình thản, chỉ mặt hai người và nói: “Đô giám Lương Đăng, tên Hán khuyển, chó săn nhà Minh kia, bây giờ thì mọi ý đồ của ngươi đã đạt được rồi. Mục đích của ngươi đâu chỉ là điển nhạc, lễ phục, triều nghi? Cái ngươi muốn đến là vâng theo lệnh Thiên triều từng bước Hán hoá Đại Việt, biến nước Nam này thành thuộc quốc của chúng. Bây giờ thì triều đình đã về tay các ngươi cả rồi. Ngươi và bọn Trần  Phong, Lương Nhữ Hốt …hãy sang Kim Lăng mà bẩm báo với chủ, rằng nước Việt này sắp thành quận huyện của Đại Minh rồi… Còn Nội quan Tạ Thanh, ông tưởng ta không biết gì về những ngày ông được đức Tiên đế sai coi giữ Nam vương Trần Cảo sao? Trần Cảo đã chết, nhưng nàng Quyên vẫn sống và sinh con cho ông đó. Hay ông đã có Lệnh Bà đây và đã quên nàng Quyên rồi…”
Que củi:
- Trời ơi, nói như thế thì sao tránh khỏi bị chém… Tôi thương ông cụ quá, mà cũng phục cụ quá.
Râu dê:
- Tiếng Ức Trai sang sảng, vang khắp đại lao. Bọn lính chúng tớ sợ rúm tứ túc. Thái hậu và Lương Đăng, Tạ Thanh, Nguyễn Phù Lỗ… mặt tím như tiết trâu, vội hầm hầm bỏ đi…
Que củi tấm tắc:
- Trời ơi. Đúng là khí phách kẻ sĩ.
Râu dê thầm thì:
- Chính vì khí phách như thế    phiên toà có nguy cơ đảo chiều…
Que củi:
- Tức là sao?
Râu dê:
- Là Hoàng Thái hậu có nguy cơ bị kết tội khi quân, dối chúa lừa chồng. Và lẽ dĩ nhiên Bang Cơ không thể nối ngôi. Ngôi báu phải được trao cho Nghi Dân, hoặc Khắc Xương, hoặc Lê Tư Thành…
Que củi:
- Đời nào có chuyện đó?
Râu dê:
- Vậy nên phải giết ngay Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ. Đã từng có bao cuộc giết ngýời diệt khẩu. Ðến nhý Lê Nguyên Sõn còn bị hạ thủ gấp nữa là…Để Nguyễn Trãi sống ngày nào ngôi vua của Bang Cơ còn bị đe doạ ngày đó. Vì thế mà Thái hậu đã quyết xử gấp, không cần toà pháp đình luận tội. Ông biết không, các đề lao đầy ấp người Nhị Khê, Chi Ngãi rồi. Hai trăm mười bẩy người của ba họ. Riêng trai đinh có bốn mươi chín người, còn toàn người già, đàn bà, trẻ con. Thương nhất là thằng cháu nội Nguyễn Nghĩa Tương, con ông Cả Khuê. Nó cứ khóc đòi ông nội cho đổi tên, vì lũ bạn cứ chê tên xấu, tương cà mắm muối.
Que củi:
- Ông làm tôi bật khóc đây này…Ôi chao, kẻ độc tài bất cần luật pháp. Chúng có quyền ngồi lên luật pháp mà ị…ị.
Câu chuyện của hai người lính đề lao khiến Nguyên Phong và Tiểu Mai rụng rời. Kế hoạch cướp ngục của Nguyên Phong bị thất bại ngay từ khi mới bắt  đầu. Thời gian không cho họ làm chuyện tày đình đó. Bởi đại lao nằm giữa kinh thành, tường cao hào sâu, quân tướng bâu quanh đông như kiến cỏ.Một con chim, một con chuột cũng khó qua lọt. Đến như  Nguyên Phong, võ nghệ siêu quần, thông thiên độn thổ như thế mà vẫn chưa tìm cách nào tiếp cận đại lao. Phương án khả thi nhất chỉ có thể là đào hầm ngầm từ ngoài vào thẳng nơi giam Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ như trước đây Nguyễn Khuê và lão Câm đã đào ở chùa Huy Văn.
Nếu đường hầm chùa Huy Văn phải đào trong một tháng, thì đường hầm vào đại lao là mịt mù vô định.
 
                                           ***

Chưa bao giờ Nguyên Phong mong gặp ông nội như  những ngày này. Chỉ cần gặp ông nội, nhìn  ánh mắt ông, nghe một lời khuyên của ông, chàng sẽ có thêm sức mạnh, có kế sách hay, biết mình phải làm gì. Với Nguyên Phong, ông nội là  một đại tướng bách chiến bách thắng, là người có sức khoẻ vô địch, võ nghệ siêu quần và mưu lược hơn người. Dường như chưa có bất cứ việc gì ông nội không làm  được. Như một niềm tin với với đấng siêu nhiên, chàng tin rằng cuộc giải cứu Ức Trai và Lễ nghi Học sỹ khỏi đại lao,với những người khác là không thể, thì đối với ông nội có thể dễ như thò tay vào trong túi lấy đồ vật.
Từ hôm điểu thư báo tin ông nội đang trên đường bắc hành, không thấy một mẩu tin nào nữa,vì giữa kinh thành, điểu thư sẽ bị  các cung thủ triều đình hạ gục. Phương tiện truyền tin lợi hại đã không thể phát huy tác dụng, nhưng linh tính cho chàng biết, Đào công đã có  mặt ở kinh thành. Nhưng ông nội giờ đang ở đâu, làm gì, bao giờ chàng có thể gặp, thì vẫn mịt mờ bóng chim tăm cá.
Cho đến khi khắp kinh thành loan tin ngày 16 tháng tám, án tru di ba họ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ sẽ xử tại pháp trường Ô Cầu Bò thì Nguyên Phong và Tiểu Mai cùng ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Trời hỡi trời, ông xanh kia không có mắt!”
Cả hai dường như suy sụp. Hôm nay đã rằm. Chỉ  còn một ngày nữa. Họ như chuột chạy cùng sào. Không còn cách gì để cứu ngục được nữa rồi.
Bỗng có một người trẻ tuổi đến mua rượu. Vừa uống anh ta vừa nhìn quanh quan sát và cố ý  để Nguyên Phong nhìn thấy một sợi dây vải màu hoa đào đeo ở cổ tay trái. Đây là tín hiệu chứng tỏ người của ông nội phái đến. Lúc trả  tiền, anh ta nói nhanh: “Đầu giờ Tuất hẹn gặp  ở gốc cây gạo bờ sông”.
Gốc cây gạo bờ sông, chính là nơi  mọi  người  hẹn  nhau đưa Tiệp dư Ngọc Dao cùng Hoàng tử Tư Thành trốn từ chùa Huy Văn sang làng Bắc Cầu. Chỉ những người có mặt buổi tối hôm ấy mới biết gốc cây gạo. Vậy ai đã hẹn vào đầu giờ Tuất tối nay? Cả Khuê hay mấy ni cô ở chùa Huy Văn, hay hai gia nhân nhà  quan Thái bảo Ngô Từ? Nếu không có những người kia thì tại sao ông nội lại biết gốc cây gạo và  hẹn gặp? Nguyên Phong và Tiểu Mai cố phỏng đoán. Nguyễn Khuê  thì không phải. Ngay sau hôm vừa  ở Côn Sơn về, ông đã bị bắt cùng bà  mẹ kế Phùng Thị Nhạn và bầu đoàn anh em, thê tử, cháu chắt họ Nguyễn ở Nhị Khê đông tới hơn trăm người.Cũng có thể là hai gia nhân giỏi võ nghệ nhà quan Thái bảo Ngô Từ. Cũng có thể là những ni cô ở chùa Huy Văn.
Đầu giờ Tuất, theo hẹn, Nguyên Phong và Tiểu Mai đến gốc cây gạo bờ sông Cái. Đêm nay rằm Trung thu. Vậy mà cả hai đều quên bẵng. Mấy hôm nay cả kinh thành Thăng Long hầu  như  bị bóp chết  bởi những cuộc lùng sục, bắt bớ, tra khảo. Phố phường, quân doanh, chùa chiền, chợ búa…chỗ nào cũng như nhà ngục. Lam Sơn hội, theo lệnh của Hội chủ Nguyễn Thị Anh cho người trà trộn khắp làng trên xóm dưới để lùng bắt họ hàng, thân thích của hai kẻ giết vua. Nhiều bạn bè, đồng liêu, đồng môn, thông gia của Nguyễn Trãi đều chối bỏ những mối quan hệ vốn có, hoặc tình nguyện li khai. Nhiều học trò của Ức Trai bị bắt, bị bức cung, buộc phải tố giác thầy, có người bị o ép quá, còn vu ra những điều tệ bạc… Thực sự là Thăng Long như không có tết Trung thu. Thảng hoặc, đâu đó ở mấy làng ven sông hình như cũng có tiếng trống ếch thì thùm của bọn trẻ con. Nhưng không ai có thể vui được, khi ngày mai triều đình xử chém mấy trăm người, trong đó có quan đầu triều Nguyễn Trãi và quan Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Có vẻ như trời đang vần vụ một cơn bão xa. Trăng rằm bị những đám mây rách tơi tả  quét qua, lúc mờ lúc tỏ.
Không thấy ông nội. Nguyên Phong chỉ thấy một đoàn người ngựa chừng ba chục, cả nam và nữ, toàn những người trẻ tuổi, tay cầm binh khí đủ loại. Họ chít khăn, bịt mặt, để không lộ diện.
Nguyên Phong bỗng nắm tay Tiểu Mai, ra hiệu, khi nhận ra Đinh Lân, con trai Thái phó Đinh Liệt, Trịnh Công Diễm, con trai thứ chín Thái uý Trịnh Khả, và Nguyễn Sư Hồi, con trai Quốc công Nguyễn Xí, ba chàng công tử đã đến giải cứu cho Tiệp dư Ngọc Dao đêm 20 tháng bẩy vừa rồi. Thì ra ngoài ba công tử họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Đinh còn có các công tử con nhiều vị công thần … cũng có mặt ở đây. Họ từng là đệ tử của quốc vương Tư Tề, học trò của Trịnh Khả, Lê Quốc Hưng…, ai nấy đều võ nghệ cao cường, lại sẵn lòng nghĩa hiệp...Nguyên Phong vội dắt Tiểu Mai đến thi lễ.
- Thưa các sư huynh. Chúng tôi là gia thần của quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi và Lễ  nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Tướng công tôi và  toàn gia bị oan ức tày trời…Rất mong được các hảo hán vì đại nghĩa cứu giúp…
Công tử Trịnh Công Diễm ra hiệu cho mọi người chú ý, rồi nói:
- Rất hân hạnh được hội ngộ cùng tráng sĩ  và tiểu thư. Thưa các chiến hữu, đây là tráng sĩ Đào Nguyên Phong và Tiểu Mai, hai hảo hán võ  nghệ siêu quần của trường  phái Trúc Lâm tam tổ… Vậy là từ giờ phút này, anh em chúng ta sẽ cùng hội cùng thuyền. Đêm nay, dưới ánh trăng rằm Trung thu, bên dòng sông Nhĩ Hà chảy qua kinh kỳ Thăng Long này, chúng ta nguyện thề sẽ xả thân vì đại nghĩa, quyết ra tay cứu hai người con vĩ đại nhất của nước Việt…

                                          ***


Bây giờ nói về pháp trường Ô Cầu Bò.  Đây vốn là đám đất rộng chừng hơn chục mẫu  ở phía tây nam kinh thành, là một cửa ô  của thành Đại La xưa. Nơi đây có một con ngòi sâu chảy ra sông Tô Lịch. Qua ngòi là một chiếc cầu tre cao lênh khênh, muốn qua, nhiều người phải bò, gọi là Cầu Bò. Thời thuộc Minh, đây là khu trại lính, nay quân sĩ thường dùng làm nơi tập ngựa, luyện voi. Chọn nơi đây làm pháp trường vì xung quanh đã có sẵn hào sâu và đê cao do quân Ngô để lại. Chỉ cần làm hàng rào và cho quân trấn bốn cửa thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, tuyệt đối an toàn.
Một kỳ đài bằng tre gỗ được khẩn cấp dựng trên một gò đất cao. Kỳ đài chia thành ba bậc. Bậc trên cùng cờ quạt, võng lọng, nghi trượng, mao tiết ngợp trời, là nơi ngự của Vua và Hoàng Thái hậu cùng các đại thần từ nhất phẩm đến tam phẩm. Bậc thứ hai là các quan tứ phẩm trở xuống. Bậc thứ ba là nơi xử của Chánh toà và Hội thẩm Toà đại hình. Phía trước kỳ đài, là một dải đất hình chữ nhật, nơi đã dựng sẵn hai trăm mười bẩy hàng cọc, cao thấp khác nhau, ứng với từng lứa tuổi. Đặc biệt, có hai chiếc cọc được dựng tách ra trên một vạt đất cao vượt. Đây sẽ là vị trí giành riêng cho hai tử tù nguy hiểm nhất: Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.
Mặc dù tới giờ Thìn pháp đình mới mở, nhưng từ nửa đêm rằm Trung thu, dân chúng các ngả đã ùn ùn đổ về kinh. Tò mò. Hiếu kỳ. Muốn xem mặt ông vua hai tuổi và bà Thái hậu mười tám tuổi đã goá chồng. Muốn nhìn thấy mãng xà đội lốt người đàn bà giết vua. Muốn chứng kiến một cuộc thảm sát ba họ lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt. Muốn chia sẻ nỗi đau quá lớn. Muốn tiễn biệt tác giả “Bình Ngô đại cáo” bất hủ…Đủ thứ lý do để đám người nghèo khổ dắt díu nhau đi. Từng đoàn người đói rách, mặt đen sắt vì thiếu ăn, hoặc xanh bủng vě bệnh tật. Những đứa trẻ không quần áo,bụng lép tới xương, hoặc bụng ỏng đít beo, đêm qua ngồi bụi tre nhìn lên trời mơ được gặp chị Hằng. Những thân thích họ hàng, người cùng làng cùng tổng ở tít vùng Hương Ngải, Côn Sơn, ở làng chiếu Hới, Hải Triều, ở Nhị Khê, Khuyến Lương, Canh Hoạch, Phú Xuyên…Họ đi và họ bị cuốn đi. Nhưng  hầu hết những dòng người ấy đều bị chặn lại tại các cửa ô. Quân lính đứng dàn hàng ngang, thành mấy lớp. Gươm giáo tua tủa chĩa vào đoàn người. Tiếng loa ra rả: “ Loa…loa…loa…Hoàng Thái hậu lệnh cho dân chúng ai về nhà nấy. Pháp trường Ô Cầu Bò không đủ sức chứa... Cần đảm bảo an toàn cho phiên toà, để không bị các thế lực thù địch lợi dụng trà trộn…Ai cố tình đến pháp trường sẽ bị xử chém…” Thật là chuyện ngược đời. Mở phiên toà mà lại không dám cho dân chúng dự. Việc đáng ra phải thanh thiên bạch nhật mà lại giấu giếm vụng trộm… như mèo…Dân chúng la ó, giễu nhại. Đa phần vì sợ hãi, vì chán nản, đành bỏ về, hoặc tụ bạ quanh gốc đa, góc chợ nghe ngóng, bàn tán. Chỉ một số vì quá hiếu kỳ, vì quá thương cảm, cố tìm cách luốn lách đến được vòng ngoài pháp trường.
Cho tới lúc Nguyên Phong và Tiểu Mai len vào tới hàng rào tre, nơi ranh giới cuối cùng của pháp trường Ô Cầu Bò, thì bị một hàng rào dày đặc cấm binh cản lại. Đám đông la ó muốn vượt qua khoảng trống để vào sát đoạn đầu đài. Lập tức bốn thớt voi lừng lững tiến đến bốn phía, theo sau là quân cấm binh. Vòi voi huơ đến đâu, đoàn người dẫm đè lên nhau lui tới đó. Chỗ này lui thì chỗ kia tiến. Dù đã ngăn chặn các ngả, vẫn có tới cả một biển người bao quanh, sẵn sàng tràn lên nuốt chửng cái khoảng trống mỗi ngày một thu hẹp.
Nguyên Phong và Tiểu Mai đau đáu nhìn về phía kỳ đài. Trong đầu Nguyên Phong hình dung ra cảnh tượng của thời khắc sắp tới. Nhà vua, Thái hậu và các đại thần sẽ từ phía kia tiến lên kỳ đài. Các quan toà đại hình sẽ ngồi ở chỗ kia. Và xế đó là đội quân đao phủ, hai trăm mười bẩy tên trong sắc phục quần đỏ áo đen, chân quấn sà cạp trắng, mỗi tên vác một thanh đao to bản, ánh thép sáng loáng. Kỳ lạ nhất là đội đao phủ đeo toàn mặt nạ mười hai con giáp. Những chiếc đầu trâu sừng cong vút, những mặt hổ phù dữ tợn, những “Trư Bát Giới”, “Tôn Ngộ Không” như đồ đệ của Đường Tăng, những chú mèo, chú dê láu cá, những con chuột ranh ma, con mãng xà quỷ quái…Đội quân ngục hình như vừa từ dưới âm phủ chui lên.
Tướng công và Đức bà cùng bà Phùng Thị Nhạn, cụ Đồ Thư, rồi Nguyễn Khuê, Nguyễn Tích, Nguyễn Bảng và bầu đoàn ba họ sẽ từ hướng nào đi ra? Nguyên Phong và Tiểu Mai cùng căng mắt nhìn, phán đoán. Họ sẽ đi từ góc kia. Cả ông bà già và trẻ con, có nhiều đứa còn ẵm ngửa, có thiếu phụ bụng chửa vượt mặt. Ai cũng mặc đồ trắng, đeo gông và bị nối vào nhau bởi những dây xích. Bọn trẻ nhìn xa như chơi trò dung giăng dung giẻ…
Tiểu Mai bỗng bật khóc. Nín đi, em! Nguyên Phong một tay nắm chặt đoản côn, một tay bóp chặt bàn tay nàng. Chúng mình sắp làm việc lớn...Chúng mình sẽ như Kinh Kha nhập Tần…                             
 Đã quá giờ Thìn. Mây vần vụ báo hiệu một cơn bão xa. Phía kỳ đài vẫn không thấy động tĩnh gì. Tiểu Mai và Nguyên Phong như đứng trên đống kiến lửa, lặng lẽ dõi mắt tìm kiếm khắp bốn phía pháp trường. Đào công đang ở đâu?Nguyên Phong tin chắc rằng trong đám người đang bết lại như những đám giẻ rách kia, nhất định có một ông già râu bạc, gương mặt như tạc bằng gỗ lim, đôi mắt tinh anh quắc thước vừa từ xứ Nghệ ra. Nguyên Phong tin là ông nội đã nhận ra mình và Tiểu Mai. Ông nội chỉ xuất hiện khi đến giờ động thủ. Còn các công tử Trịnh Công Diễm, Nguyễn Sư Hồi, Đinh Lân và các tráng sĩ tối qua vừa họp bàn mưu kế giờ chắc cũng đang ở quanh đây? Không thể nghi ngờ sự ngưỡng vọng Ức Trai và sĩ khí ở họ. Họ vẫn bí mật tập kết ở một nơi nào đó hay cũng đang trà trộn trong đám dân chúng đen đặc kia để chờ lúc động thủ?
Một hồi tù và bỗng rúc lên, lộng óc.
Đám dân chúng như chuyển động rùng rùng sẵn sàng lấp tràn khoảng trống còn lại.
Một người hốt hoảng chen từ đâu đó tới gần chỗ Nguyên Phong. Tiểu Mai bỗng nhận ra ông, khẽ kêu lên:
- Ông Cả Ngỗi.
Đúng là ông Cả Ngỗi, chủ quán rượu gần chùa Huy Văn.
Giả đò như không nghe tiếng Tiểu Mai, ông Cả Ngỗi nói to cho mọi người cùng biết:
- Một đoàn công tử con các quan đại thần vừa phi ngựa đến đây liền bị vây bắt hết . Nghe nói họ định cướp pháp trường.
Nguyên Phong thất kinh. Tiểu Mai lảo đảo ôm lấy chàng. Cái ôm xiết thật thân yêu và đau đớn. Chưa bao giờ Nguyên Phong cảm thấy tình yêu của Tiểu Mai dành cho chàng lại da diết như vậy.
- Loa loa…
Một viên quan võ từ phía sau kỳ đài thúc ngựa tiến ra. Ông ta vừa cho ngựa đi nước kiệu vừa huơ chiếc loa dài ngoẵng ngoáy lên trời.
- Loa loa…Bớ muôn dân trăm họ…Nghe lệnh truyền của Hoàng Thái hậu: Vì lý do đột xuất, phiên toà xử trảm Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và ba họ tạm hoãn.     Dân chúng giải tán, ai về nhà nấy. Khi nào xử sẽ có lệnh truyền sau, loa…loa…loa…
Tiếng ông Cả Ngỗi lạc giữa biển người đang trào lên như có cơn sóng thần:
- Triều đình sợ sự thật, sợ lẽ phải, sợ dân chúng bà con ơi. Họ không dám xử công khai. Họ lừa chúng ta rồi!


                                                 ***


Đúng như lời ông Cả Ngỗi, pháp trường Ô Cầu Bò chỉ là pháp trường giả.
Cuộc hành quyết hai người con ưu tú của Đại Việt và ba họ đã bí mật diễn ra vào giờ Dần, tức tờ mờ sáng ngày 16, trong quân doanh phía tây thành, nơi làm bãi luyện voi của vệ quân thiết đột do Nhập nội kiểm hiệu Thái bảo Lê Bôi đóng bản doanh.
Cơn mưa bão ập xuống, khi cuộc hành quyết vừa xong.
Đất trời quằn quại trong gió giật, mưa tuôn mờ mịt.
M áu theo nước mưa chảy thành dòng đỏ ối, tuôn như suối, dồn về ba chiếc hố to mới đào, như ba cái ao.
Lính thu dọn pháp trường hất xác người xuống xuống ba hố ấy. Xác người chồng lên nhau. Toàn những xác không đầu.
Theo lệnh của Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh, các thủ cấp già trẻ trai gái ba họ được dựng trên những cọc tre, cắm xung quanh thành trong một tháng. Riêng hai thủ cấp của tặc thần Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ thì mang treo trước cửa thành phía Nam để bố cáo dân chúng. Kẻ nào dám đến lấy thủ cấp, sẽ bị lăng trì.
Có một điều kỳ lạ: Ngay trong đêm mưa bão 16 tháng tám ấy, hai thủ cấp bêu   trước cửa Nam thành bỗng không cánh mà bay.
Quan quân triều đình hốt hoảng bổ đi tìm suốt một tháng ròng, nhưng bặt vô âm tín.
Cả mấy tháng, mấy năm sau dân thành Thăng Long còn  đồn đại mãi về chuyện lạ kỳ này. Người thì cho rằng, hai hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc vì  quá thương Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ  đã thuê người lén lấy trộm hai bộ thủ cấp đem chôn. Việc này bị lộ, gần tháng sau hai hoạn quan này bị Nguyễn Thị Anh xử chết. Có người lại nói như đinh đóng cột rằng, chính quan Tổng quản Hành quân Thái uý Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, vì quá ân hận không dám đứng ra bảo vệ Đức Bà và Ức Trai, nên đã cho người làm việc này. Chín năm sau có kẻ tố giác, cả hai võ quan đầu triều và hai con trai họ đều bị giết.
Duy có điều này, thì chỉ có Trời mới biết:
 Chính cái đêm mưa gió bão bùng ấy, có một ông già mặc chiếc áo tơi, đội nón Ma Lôi, khoác một túi vải sau lưng, cùng một đôi trai gái, cả hai đẹp như thiên thần, lặng lẽ đi gom hai chiếc thủ cấp. Lính cấm binh đứng canh đều tuốt gươn chém ba người, nhưng chỉ bằng những đường đoản côn, bốn tên lính đều bị bay đầu như người ta chặt chuối.

                   LỜI CUỐI SÁCH



Đúng ngày 16 tháng tám âm, ngày giỗ Ức Trai tiên sinh và quan Lễ Nghi Học sĩ, cũng là ngày giỗ trận họ Nguyễn Nhị Khê, Chi Ngải, họ Nguyễn Hải Triều cùng các họ Trần, họ Phùng, họ Lê…thì tác phẩm “ Long thành tạp ký” của “Đoàn gia văn phái” do giáo sư Hoàng Nguyên và Thọt bỉ nhân Bùi La Việt dịch và chuyển âm xong. Người mừng nhất, mừng hơn cả hai nhà văn hoá Đỗ Chí Cao và Ngô Tháp, chính là chủ nhiệm Huỳnh Đạo. Ông thức hai ngày hai đêm liền soạn email rồi lần lượt gửi thư điện tử cho các đại diện “Nguyễn Trãi Club” trong nước và các châu lục.
Kế hoạch xuất bản và quảng bá, hội thảo, đã được lên phương án chi tiết, chính xác từng ngày.
Bỗng từ  làng Động, một tin động trời: Đêm rằm Trung thu, kẻ  trộm đã dỡ ngói, chui từ trên trời xuống, đột nhập hậu cung điện thờ đình làng, lấy đi hộp sắc cổ mang từ chùa Thái Cực về, trong đó có năm quyển sách chữ nho, bản gốc của bộ “Long thành tạp ký”.
Rụng rời, choáng váng, hốt hoảng, rồi suy sụp trông thấy là  hai ông Thấp ông Cao, chuyên viên văn hoá. Không phải hai ông sợ cánh buôn sách cổ Sài Gòn đòi lại tiền. Mà nguy nhất là hai ông sợ đi tù. Chứ sao nữa? Nguỵ tạo ra “Long thành tạp ký”, nguỵ tạo ra lịch sử, tội danh ghi rành rành trong bộ luật hình sự. Các cơ quan chức năng bảo vệ văn hoá sẽ  không để các ông yên. Các ông cố tình nguỵ tạo ra một văn bản cổ, nguỵ tạo một trường phái văn chương “ Đoàn gia văn phái” với những tác giả Đoàn Khâm, Đoàn Sinh, Đoàn Lương, Đoàn Thiện Phổ….vô danh để viết lại lịch sử, bóp méo lịch sử. Rồi lại mời những kẻ nhân thân không rõ ràng  như “Thọt bỉ nhân”, Hoàng Nguyên…, để chuyển âm, dịch nghĩa, hiệu đính. Rồi bói toán, lên đồng, gọi hồn nữa chứ…Chà chà…cả một loạt vấn đề rắc rối.
Để thật chắc ăn và tránh gặp chuyện rầy rà, ông Cao ông Thấp một mặt đề nghị hai dịch giả Hoàng Nguyên và Bùi La Việt tập trung hoàn chỉnh thật tốt lại bản dịch, một mặt cùng trung tá Philip và ông Huỳnh Đạo về làng Động. Trung tá Philip giờ đã chuyển về P90, cơ quan chuyên bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Một chuyên án  mang mã số LTTK- 01 được thành lập. Với vốn kinh nghiệm lâu năm, và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trung tá Philip tin rằng cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra thủ phạm vụ trộm di sản văn hoá vô giá này.
Công việc tìm kiếm còn khó hơn mò kim đáy biển. Nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng rằng bản gốc “Long thành tạp ký” có ngày sẽ trở về làng Động.
Rất may, bản photo “Long thành tạp ký” vẫn có giá trị như một kỳ thư. Nhờ sự bảo trợ của các cơ quan Văn hoá, của “Nguyễn Trãi Club”, đặc biệt  là sự tận tình, giám chịu trách nhiệm của Nhà Xuất bản X. cuối cùng “ Long thành tạp ký”, phần cốt lõi của tiểu thuyết “Nguyên Khí”, với những chương, những đoạn in nghiêng trong tác phẩm, đã đến tay bạn đọc.




              Khởi thảo tại TP Hồ Chí Minh, 16 tháng 8 Nhâm thìn, ( 1.10.2012)
                            Hoàn thành tại Hà Nội  tháng 7, Quý tỵ,( 8. 2013)
                                                                                                                                             HMT


 Chú thích:
(*)Thuật hứng-25 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét