3.
GIÁO SƯ HOÀNG NGUYÊN
Bui có một niềm trung hiếu cũ
Chẳng nằm, thức dậy
nẻo ba canh
( Bảo kính
cảnh giới -31- Quốc âm Thi tập - Nguyễn Trãi)
Hôm ở nhà ông trưởng họ Đoàn Nghĩa từ làng Động ra, Đỗ Chí
Cao bỗng vỗ đánh đét vào trán, chỉ khác Ácsimét là Cao không reo Eurêka mà reo
« ối trời ơi », đến nỗi Ngô Tháp giật mình, suýt lao xe vào gốc cây.
- Tao nghĩ
ra rồi. Lái xe thẳng đến nhà giáo
sư Hoàng Nguyên. Chỉ có mister này mới
dịch nổi «Long Thành tạp ký ».
- Em biết
rồi. Đại chuyên gia về văn học Trung Quốc đấy. Công nhận bản dịch Mạc Ngôn
của ông Hoàng rất hay. Nhưng đó là văn
học Trung Quốc hiện đại. Chứ đây là Hán Nôm cổ. Một lĩnh vực hoàn toàn khác.
- Thế thì
chú mày chẳng hiểu gì - Cao bĩu môi - Ông
Hoàng Nguyên từng có hơn mười năm công tác tại Bắc Kinh, chuyên nghiên
cứu về Bách Việt. Đi khắp các xó xỉnh của cái nước Tàu mênh mông. Lại sang cả
Hồng Kông, Ma Cao, Đài Bắc. Chữ Tàu kim cổ, làu làu. Tao đã được hầu chuyện ông
nhiều lần. Trí nhớ siêu phàm. Kiến văn sâu rộng. Nguyên khí quốc gia đấy.
- Ông này
quả là chuyên gia số một về Mạc Ngôn. Sách của ông ra, em xếp hàng mua đầu
tiên. Mạc Ngôn rất có thể đang nằm trong tầm ngắm của Hội đồng Văn học Nobel…
- Chuyện
này thì miễn bàn. Tao đã có một buổi đến thỉnh giáo ông Hoàng về toàn bộ tác phẩm của Mạc Ngôn.
Tao bảo, sau khi Mạc Ngôn viết « Ma chiến
hữu », ẩn ý Việt Nam xâm lược Trung
Quốc thì hầu hết trí thức Việt Nam tẩy chay không đọc. Ông nhà văn này cũng chỉ
là công cụ tuyên truyền của Chủ nghĩa Mao mà thôi. Ông Hoàng bảo: Quyển này
chắc Mạc Ngôn viết do đơn đặt hàng của Đặng Tiểu Bình. Tớ biết, họ sẵn sàng gắp
lửa bỏ tay người. Nhưng nhìn đại quát, Mạc Ngôn vẫn là nhà văn đại diện cho
tiếng nói của nhân dân Trung Quốc. Nếu viết huỵch toẹt những gì mình nghĩ thì
nhà cầm quyền đời nào họ cho in. Có khi còn bị bỏ tù. Thế nên ông ta đi giữa
ranh giới đỏ và trắng, nói zậy mà
không phải zậy, tức là ông ta phải
uốn éo lách nhà cầm quyền. Bọn kiểm duyệt ức ngang cổ mà không làm gì được.
Dịch tác giả này mà chỉ chuyển ngữ thuần túy là không thành. Người dịch phải
mộng du với tác giả, cùng đi với các nhân vật, đi suốt các vùng đất mà tác giả
chọn làm bối cảnh. Ví dụ, viết « Cao
lương đỏ », nếu không được sống ở vùng Cao Mật thì làm sao biết được
loại rượu «Thập bát lý hồng » đặc sản của vùng này, không kém gì Mao Đài.
« Thập bát lý hồng », tức là đi suốt mười tám dặm vẫn còn say, mặt
vẫn đỏ. Thì ra người Cao Mật có bí quyết, là khi làm men, phải đái vào, mới ra
hương vị đặc trưng. Mạc Ngôn có ba cuốn sách tựa đề đều có chữ đỏ, đó là «Cao lương đỏ », « Củ cải đỏ »
và « Cây vẹt đỏ », làm nên
danh hiệu « Mạc Ngôn tam hồng ». Cuốn « Hồng thụ lâm », dịch đúng nghĩa đen là rừng vẹt đỏ, loại cây vẹt ở vùng Giang
Nam, mùa thu lá đỏ ối rồi rụng thối rữa bốc mùi khủng khiếp. Phải dịch nghĩa
bóng là « Rừng xanh lá đỏ » mới
văn chương và đúng ý đồ tác giả muốn nói về sự tha hóa của quyền lực. Nhân vật
bí thư khu ủy Tần giả dối tởm lợm đến lộn mửa. Thấy Lâm Lam, con gái của bí thư
huyện ủy dưới quyền, xinh đẹp, ham hố, hắn giả vờ xin cưới cho thằng con thiểu
năng, để rồi loạn luân với con dâu, đẻ ra thằng Đại Hổ, chủ trại ngọc trai tàn
bạo và sa đọa. Xã hội Trung Quốc hiện
lên như một quái thai trong thế giới hiện đại.