Bài học tồn vong từ
thảm họa
Hoàng Xuân Phú
Mọi giàu sang vô nghĩa
Nếu dân tộc diệt vong
Đối với đất nước mặt trời mọc,
05/05/2012 là một ngày đặc biệt: Lò cuối cùng trong số 54 lò điện hạt nhân của
Nhật Bản ngừng hoạt động. Một số lò phải ngừng vĩnh viễn. Một số lò đang được
kiểm tra an toàn. Số còn lại đã qua kiểm tra an toàn, nhưng vẫn chưa được hoạt
động trở lại, vì còn bị nhân dân và chính quyền địa phương phản đối. Như vậy,
sau 46 năm kể từ khi dòng điện hạt nhân đầu tiên được hòa vào lưới quốc gia,
mạng điện Nhật Bản lại sạch điện hạt nhân[1].
Hàng ngàn người Nhật đã tuần hành trên đường phố Tokyo để chào mừng sự
kiện này[2]. Họ đại diện cho đông đảo
người dân Nhật có xu hướng chống lại điện hạt nhân. Khảo sát của GlobeScan cho
thấy: Tỷ lệ chống xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới tại Nhật Bản đã tăng từ 76%
vào năm 2005 lên 84% vào cuối năm 2011[3].
Nhưng niềm vui của họ kéo dài không lâu. Sau một thời gian vận động ráo
riết, trong cuộc họp với một số bộ trưởng chủ chốt sáng ngày 16/06/2012, Thủ tướng
Yoshihiko Noda đã công bố quyết định cho khởi động lại hai lò phản ứng số 3 và
4 của nhà máy điện hạt nhân Oi tại tỉnh Fukui vào đầu tháng 07/2012[4]. Quyết định này đã làm đa số người dân Nhật
Bản thất vọng. Theo thăm dò dư luận của Mainichi, 71% số người được hỏi ý kiến
chống lại việc vội vã tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Oi, trong khi chỉ có
23% là đồng tình ủng hộ[5]. Vậy là thiểu số lại thắng đa số. Còn lẽ phải thì
thuộc về ai? Để trả lời câu hỏi này, và quan trọng hơn là để trả lời câu hỏi có
nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam hay không, ta hãy cùng nhau đúc
kết một số bài học từ thảm họa Fukushima.
Phượng hoàng
trụi cánh
Lò phản ứng
hạt nhân thương mại đầu tiên của Nhật Bản mang tên Tokai-1, được xây dựng từ
năm 1961, hòa lưới điện từ cuối năm 1965 và phát điện trong 33 năm[6]. Từ đó đến nay, nhiều nhà máy điện hạt nhân
được xây dựng trên đất Nhật Bản, nhất là sau khi năng lượng hạt nhân được xác
định chiếm vị trí ưu tiên chiến lược quốc gia vào năm 1973. Đầu năm 2011, 50 lò
phản ứng hạt nhân với tổng công suất khoảng 45 GWe đã sản xuất gần 30% tổng
điện năng quốc gia. Theo kế hoạch trước đây, tỷ trọng điện hạt nhân ở Nhật Bản
sẽ tăng lên 41% vào năm 2017 và 53% vào năm 2030[7].
Nhật Bản có
thừa năng lực tài chính, công nghệ và nhân lực để đạt được mục tiêu kể trên.
Hẳn không ai nghi ngờ về điều đó, sau khi đã chứng kiến dân tộc Nhật Bản như
phượng hoàng, vùng dậy từ đống tro tàn của Đại chiến Thế giới lần thứ 2, vươn
lên một cách kỳ diệu và nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai
trên thế giới. Thế nhưng, tương lai quốc đảo khựng lại, rồi đột ngột ngoặt sang
hướng khác, sau phút giây định mệnh ấy...
Đúng 14 giờ 46
phút 23 giây ngày 11/3/2011, trận động đất mang tên Tohoku bắt đầu xảy ra[8].
Sau 23 giây, sóng áp lực lan tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của
TEPCO (Tokyo Electric Power Company), nằm cách tâm chấn 163 km. Động đất làm
hỏng một số thiết bị của trạm biến thế, khiến mất nguồn cấp điện từ bên ngoài,
và các máy phát điện dự phòng tự động khởi động[9]. Động đất cũng gây ra nhiều
hư hại ở các lò phản ứng. Tại nhà lò số 1, đường ống bị vỡ và nước phụt ra[10],
một hệ thống làm lạnh khẩn cấp tự khởi động lúc 14h52, nhưng sau 11 phút thì
tắt ngấm[11]. Tại nhà lò số 3, một hệ
thống đường ống chính và một bộ phận làm lạnh khẩn cấp bị hư hại...[12]. May mà lò phản ứng số 5 và 6 đang ngừng hoạt
động để bảo dưỡng định kỳ, nên mức độ thiệt hại giảm đáng kể[13].
15h35, tức là
49 phút sau khi động đất bắt đầu, một cơn sóng thần cao khoảng 14–15 mét ập đến
nhà máy Fukushima Daiichi và trùm lên cả 6 lò phản ứng hạt nhân[14]. 6 phút sau
các máy phát điện dự phòng ngừng hoạt động. Ác quy dự phòng nếu không bị trục
trặc thì cũng chỉ cấp điện trong một thời gian ngắn. Xe phát điện từ xa không
đến được bởi tắc nghẽn giao thông[15].
Khoảng 70 xe phát điện của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và của một số cơ
sở lân cận được điều động tới, nhưng bị chựng lại trước hiện trường ngổn ngang
đổ vỡ. Đấu vào trạm điện không được vì đang bị ngập nước, nối ra xa cũng không
xong vì dây điện mang theo quá ngắn. Sau khoảng 24 tiếng đồng hồ, kể từ khi
thiên tai xảy ra, đường nối giữa một xe phát điện và lò phản ứng số 2 mới được
thiết lập, nhưng sau chốc lát đã bị cắt đứt bởi vụ nổ khí hyđrô trong lò số 1.
Hai ngày sau, những mảng bê tông bắn ra từ vụ nổ khí hyđrô ở lò số 3 lại làm hư
hại một số xe phát điện. Tận ngày 21/03/2011, tức là sau 10 ngày vật lộn, họ
mới nối được nhà máy Fukushima Daiichi với mạng điện công cộng[16].
Do mất điện và
một số máy móc đã bị động đất, sóng thần làm hỏng, hệ thống làm lạnh bị tê
liệt. Nhiệt độ trong lò phản ứng và trong bể đựng nhiên liệu hạt nhân (spent
fuel pool - bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng) tăng vụt, làm nước bay hơi
nhanh, khiến nhiên liệu hạt nhân bị phơi trần. Trong lò phản ứng số 1, chỉ sau
5 tiếng đồng hồ kể từ khi động đất, nhiên liệu hạt nhân đã bị phơi trong không
khí. Suốt 6 giờ liền, nhiệt độ bên trong bó nhiên liệu lên đến 2.800°C. Các bó
nhiên liệu hạt nhân nóng chảy trong 16 giờ, rơi xuống và khoét thủng đáy bể áp
lực (reactor pressure vessel)[17], rồi
rơi tiếp xuống nền bể chứa (containment vessel) và khoét một hố sâu khoảng 70
cm trong lớp bê tông dày 7,6 m. Nhiên liệu hạt nhân trong hai lò số 2 và 3 cũng
rơi vào tình trạng tương tự: Bị hư hại và nóng chảy, một phần rơi xuống đáy bể
áp lực, một phần rơi xuống nền bể chứa[18].
Khi trực thăng
chở Thủ tướng Naoto Kan hạ cánh ở Fukushima (07h11 ngày 12/03/2011), thì khoảng
5 tiếng đồng hồ đã trôi qua, kể từ lúc Chính phủ ra lệnh TEPCO phải xả áp
(venting) từ lò phản ứng. Nghe tin việc đó chưa được tiến hành, ông hét lên:
“Vẫn chưa xả áp sao?”[19]. Thủ tướng Kan sốt ruột như đang ngồi trên lửa, bởi ý
thức được rằng chậm phút nào nguy phút ấy, vì áp suất trong bể chứa đã lên quá
cao. Lúc 02h30 ngày 12/3/2012, áp suất trong bể chứa của lò số 1 đã lên đến 840
kPa tuyệt đối, trong khi nó chỉ được thiết kế cho áp suất vận hành tối đa là
427 kPa tương đối (tương ứng với 528,3 kPa tuyệt đối). Nếu không nhanh chóng xả
bớt khí nén để giảm áp suất thì tai họa khôn lường. Hiển nhiên, khi xả áp thì
một lượng lớn phóng xạ sẽ bị tung ra môi trường. Nhưng nếu không chủ động xả
áp, thì hậu quả còn có thể khủng khiếp hơn nhiều.
Gấp gáp như
vậy, nhưng không thể tiến hành xả áp ngay lập tức, vì phải đợi đến lúc sơ tán
xong những người dân đang sinh sống trong quận Okuma, nơi nhà máy tọa lạc. Vả
lại, mọi người còn đang lúng túng, không tìm được tài liệu hướng dẫn cách mở
van xả áp bằng tay trong hoàn cảnh mất điện, nên đành phải đoán mò để lên
phương án hành động. Hơn nữa, không thể dễ dàng phái người lao vào khu vực tối
mò, không liên lạc được với bên ngoài, và ô nhiễm phóng xạ vượt quá giới hạn
cho phép con người trụ lại lâu. Chỉ còn cách là huy động một số người cảm tử,
được trang bị mỗi quần áo chịu lửa, bình dưỡng khí cá nhân và đèn pin, rồi mò
mẫm đi vào chốn hiểm nguy, với tinh thần “lần cống hiến cuối cùng” và phương
châm “tùy cơ ứng biến”. Sau khoảng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi Chính phủ ra lệnh
xả áp và 5 tiếng từ khi nhóm cảm tử đầu tiên xuất phát, vượt qua bao hiểm nguy
và trắc trở, họ mới nối được máy nén khí di động với một van xả áp vận hành
bằng khí nén vào lúc 14h00, và 30 phút sau áp suất trong bể chứa của lò số 1
mới có dấu hiệu giảm xuống[20]. Kết quả xả áp muộn mằn đã hạn chế đáng kể nguy
cơ rình rập, nhưng không ngăn kịp vụ nổ xảy ra lúc 15h36, gây ra bởi khí hyđrô,
từ bể chứa thoát ra qua các khe tiếp nối, và tích tụ quá nhiều trong nhà lò
(reactor building)[21].
Hai vụ nổ tiếp
theo xảy ra lúc 11h01 ngày 14/03/2011 tại lò số 3 [22] và lúc 06h20 ngày 15/03/2011 tại lò số
2[23]. Trước đó công nhân cũng đã tìm
cách mở van để xả áp ở hai lò ấy, nhưng có van thì không tiếp cận được vì phóng
xạ nơi đó quá cao, van tiếp cận được thì lại không mở được hoặc mở mãi mới ra,
có van mở được một lúc thì nó lại tự động đóng. Phải nói thêm rằng các van an
toàn này, do Tập đoàn General Electric của Mỹ chế tạo, đã được thiết kế để có
thể mở bằng tay, nhưng trên thực tế thì những thiết bị được cam đoan là hoàn
hảo ấy đã phản chủ. Thất bại này không chỉ làm cho phía Nhật choáng váng và
phải trả giá quá đắt, mà cơn sóng sốc tâm lý còn lan sang cả Mỹ, bởi hai nước
này có nhiều nhà máy điện hạt nhân sử dụng những công nghệ tương tự như ở nhà
máy Fukushima Daiichi[24].
Trong hai ngày
đầu, cả Chính phủ và TEPCO đều chỉ tập trung chống chọi với sự cố trong các lò
phản ứng, và bỏ qua các bể đựng nhiên liệu. Đó là nơi lưu trữ những bó nhiên
liệu hạt nhân đã sử dụng xong, nhưng nhiều khi cũng có cả những bó nhiên liệu
đang sử dụng dở hoặc còn mới nguyên. Khi mực nước làm lạnh trong bể tụt xuống,
các bó nhiên liệu hạt nhân phơi ra không khí và bị hư hại vì quá nóng. Nguy
hiểm hơn nữa là phóng xạ từ các bể này dễ thoát ra môi trường, vì chúng không
nằm trong khu vực được bảo vệ kỹ lưỡng như lò phản ứng. Tại bể đựng nhiên liệu
của lò số 4, nhiệt độ vào sáng 14/03/2011 tăng lên 84°C,[25] và khoảng 06h00 sáng ngày 15/03/2011 thì xảy
ra một vụ nổ[26].