Nhãn

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Chuyện tiêu cực ở Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương

Chuyện tiêu cực ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương
Ngày 16-2-2012, một số hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương (dưới đây gọi là Hội) gửi đơn tố cáo ông Hà Huy Chương, Chủ tịch Hội khi điều hành hoạt động Hội đã vi phạm pháp luật về công tác tổ chức và tài chính.
 Tỉnh ủy Hải Dương đã giao cho Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy, xác minh làm rõ các nội dung tố cáo trong đơn. Ngày 11-5-2012, UBKT Tỉnh ủy ra Thông báo số 53-TB/UBKTTU kết luận về 9 nội dung tố cáo (trong số 18 nội dung) đối với ông Hà Huy Chương, tuy nhiên, thông báo này không được các hội viên tố cáo đồng tình.
Theo đơn tố cáo, năm 2008, Hội được UBND tỉnh cấp 100 triệu đồng in hai cuốn sách “Mĩ thuật Hải Dương” và “Kiến trúc Hải Dương” (gọi tắt là “Mĩ thuật” và “Kiến trúc”), mỗi cuốn 50 triệu đồng. Giấy phép cho in 300 cuốn nhưng ông Hà Huy Chương quyết định in 1.000 cuốn sách “Mĩ thuật” với giá 123.000 đồng/cuốn để bán lấy lãi. Tổng số tiền in cuốn “Mĩ thuật” lên đến 123 triệu đồng, do đó không có tiền trả cho nhà in. Ông Chương cùng kế toán làm chứng từ khống, lập hợp đồng giả in cuốn sách “Kiến trúc”, rút tiền, trả cho nhà in. Đến nay, cuốn “Kiến trúc” vẫn chưa in nhưng chứng từ khống đã được quyết toán.
              Ông Hà Huy Chương, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hải Dương.

UBKT Tỉnh ủy Hải Dương nêu sai phạm của ông Hà Huy Chương trong Thông báo số 53: In thêm 700 cuốn sách không có giấy phép xuất bản, không bàn bạc, thống nhất trong Thường trực và Ban Chấp hành, việc nhập, xuất sách “Mĩ thuật” chưa đúng quy định hiện hành, việc giao cho kế toán cơ quan Hội quản lí kho sách là chưa đúng với quy định về nguyên tắc quản lí tài chính, tài sản công. Những sai sót trên, trách nhiệm thuộc về đồng chí Hà Huy Chương. Tuy nhiên, phần kết luận thông báo lại quá nhẹ, chỉ yêu cầu ông Hà Huy Chương “rút kinh nghiệm”. Các hội viên cho biết: Tỉnh cho Hội in 300 cuốn sách “Kiến trúc”, ông Chương lập chứng từ khống là đã in, rút tiền ngân sách ra để trả vào số tiền sách “Mĩ thuật” ông tự in thêm. Đến nay, sách “Kiến trúc” vẫn chưa được in ra, đáng lẽ ông Chương phải khắc phục bằng cách bỏ tiền túi ra in trả cuốn sách “Kiến trúc”, nhưng UBKT không yêu cầu như vậy. Thế là sách không in, tiền Nhà nước vẫn mất mà ông Chương không phải chịu bất cứ hình thức kỉ luật nào, “kinh nghiệm” rút ra là lần sau cứ sai phạm...
Trong Báo cáo giải trình ngày 18-12-2011 gửi UBKT, ông Chương cho biết “số sách “Mĩ thuật” bán đã có lãi so với kinh phí hỗ trợ, trả được nợ nhà in 123 triệu đồng”, nhưng sự thật như sau: Giá in 123.000 đồng/cuốn; ông Chương bán giá 150.000 đồng/cuốn, lãi 27.000 đồng/cuốn. UBKT xác nhận đã bán được 289 cuốn, tức tiền lãi do bán sách là 7.803.000 đồng, là không trung thực! Để xem xét sai phạm của đảng viên và xử lí đúng, cần tuân theo Hướng dẫn số 11-HD/UBKTTW ngày 24-3-2008 của UBKT Trung ương thực hiện Quy định số 94-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lí kỉ luật đảng viên. Hướng dẫn 11 xác định vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản phải bồi thường thiệt hại một lần có giá trị 20-50 triệu đồng, rất nghiêm trọng là từ 50 triệu đồng trở lên hoặc có hành vi tham nhũng, gây dư luận xấu. So sánh quy định trong Hướng dẫn 11 với số tiền lãng phí, thất thoát trong việc in sách “Mĩ thuật”, kết luận của UBKT Tỉnh uỷ Hải Dương rõ ràng không nghiêm.
Một số Trưởng ban Hội VHNT tỉnh Hải Dương trình bày với phóng viên về sai phạm của ông Hà Huy Chương trong quản lí chi tiêu...
Trong đơn tố cáo của các hội viên Hội VHNT tỉnh Hải Dương có một phần quan trọng nói về tài chính bất minh. Năm 2004, Trung ương cấp cho Hội 240 triệu đồng để tài trợ cho hoạt động và sáng tác. Năm 2010, số tiền này nâng lên 540 triệu đồng, được chia làm 2 mục chi: 200 triệu đồng để đầu tư tác phẩm của 12 ban; 300 triệu đồng chi cho các hoạt động sinh hoạt, giao lưu… (lấy tròn số). Số tiền 200 triệu đồng đầu tư tác phẩm được: chi 80 triệu đồng cho Ban Mĩ thuật của ông Hà Huy Chương, 120 triệu đồng chi cho 11 ban còn lại, mỗi ban khoảng 10 triệu đồng. Kết quả thực tế là tiền đầu tư cho tác phẩm không tăng là bao, có nơi còn bị cắt bớt. Tiền ăn và họp hành vẫn giữ mức từ năm 1978, nhuận bút quá hạn hẹp, khi đi trại xa hội viên còn phải đóng thêm 3 triệu đồng (đi Đà Lạt). Nhưng mỗi lần đi xa về, ông Hà Huy Chương lại chỉ đạo Văn phòng phải kê tăng gấp hai, gấp ba để thanh toán và rút tiền chia nhau. Anh chị em cho biết trong nhiều năm, số tiền chi bồi dưỡng cho anh em không hề tăng.
Hội có 12 ban và 5 chi hội. Ông Hà Huy Chương làm báo cáo trình UBND tỉnh là hiện có 10 chi hội, xin kinh phí cấp bổ sung. Năm 2009, UBND tỉnh cấp thêm cho mỗi chi hội 5 triệu đồng, tổng cộng là 50 triệu đồng. Năm 2010, UBND tỉnh nâng lên 70 triệu đồng, để chi đủ cho các chi hội “ma”. Số tiền này chỉ có ông Hà Do, bà Thanh Vấn ở chi hội Sân khấu vừa qua vào xin kinh phí bị gây khó dễ, lên tỉnh kêu việc mới vỡ lở. Tuy nhiên chỉ có ông Huy Chương và bà Thương Huyền (Phó Văn phòng) biết.
Ngay cả bức tranh được cho tác phẩm là “nghệ thuật” với chất liệu rẻ tiền, ông Hà Huy Chương kết hợp với kế toán và bà Thương Huyền hợp thức hóa để rút tiền, bức tranh chỉ đáng giá 300-400 triệu đồng đã quá sức tưởng tượng của giới Mỹ thuật và anh chị em Hội VHNT Hải Dương. Vậy mà ông Chương tăng vống lên 1,5 tỉ đồng tương đương 3.500 tấn thóc, vì bức tranh này bị bỏ xó từ lâu... Điều này càng khẳng định ông Hà Huy Chương, Chủ tịch Hội và đồng phạm của ông lạm dụng chức vụ, quyền hạn để rút tiền ngân sách một cách hợp pháp?!...
Hằng năm, tỉnh Hải Dương tổ chức lớp viết văn trẻ. Có năm mời 20-25 học viên tập trung 15-20 ngày, có năm kéo dài một tháng, sau đó in một tập tác phẩm dưới tên “Hoa nắng sân trường”. Thông thường, Hội in 400 cuốn, giá thành hơn 10.000 đồng/cuốn, tổng chi khoảng 4-5 triệu đồng. Năm 2009, tỉnh Hải Dương chi 60 triệu đồng cho đợt tập trung các em, sách không in nhưng vẫn kê khống là in sách 10 triệu đồng. Năm 2010, tỉnh chi 90 triệu đồng, sách không in, nhưng vẫn kê khai có in. Năm 2011, tỉnh chi 100 triệu đồng, Hội có in sách và giải trình in gộp hai năm để rút tiền, nhưng số trang không tăng được bao nhiêu, khổ sách có tăng chút ít. Điều khó hiểu là việc không có đầu sách, không có tác phẩm kèm theo làm chứng từ quyết toán mà Sở Tài chính vẫn đồng ý cho rút tiền?
Căn cứ Quyết định số 41/2009/QĐ-UBND ngày 18-12-2009 của UBND tỉnh Hải Dương, ngày 24-6-2011, Hội đồng Xét tặng giải thưởng VHNT Côn Sơn công bố Quy chế làm việc của Ban Sơ khảo giải thưởng VHNT Côn Sơn-Hải Dương lần thứ VI (2006-2010). Ông Hà Huy Chương, Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương chọn bà Trương Thị Huyền (bút danh Trương Thị Thương Huyền, dưới đây xin gọi là Thương Huyền), giao cho làm Thư kí giải Côn Sơn. Các hội viên cho biết, bà Thương Huyền là giáo viên bổ túc văn hoá cấp II huyện Thanh Miện, trình độ Cao đẳng Sư phạm, được tuyển về làm Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hải Dương từ năm 2003, dù chưa từng viết văn, viết báo. Khi được ông Hà Huy Chương chọn làm Thư kí giải, theo quy chế, bà Thương Huyền đọc tác phẩm, không có quyền bỏ phiếu. Nhưng nếu thực hiện đúng quy chế thì bà Thương Huyền sẽ không có tiền trả thù lao. Bà lên kêu với ông Hà Huy Chương và ông đồng ý để bà tham gia bỏ phiếu, dù không đọc tác phẩm. Các hội viên khác bất bình. Ông Chương đáp: Quy chế do con người đặt ra thì cũng sửa được. Nói rồi ông tự ý sửa luôn quy chế. Ngồi trên ghế thư kí của giải, bà Thương Huyền có điều kiện làm sai lệch so với thực tế đã chấm, người đoạt giải cao bị hạ xuống thấp, người đoạt giải thấp được nâng lên cao v.v…
Điều 4, mục 2d Hướng dẫn số 11 của UBKT Trung ương chỉ rõ đảng viên lãnh đạo không thực hiện đúng quy chế, quy định, quy trình trong công tác chỉ đạo điều hành để xảy ra tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, mất đoàn kết hoặc các tiêu cực khác thì phải xử lí cảnh cáo, nếu có chức vụ thì phải cách chức.
Phan Hương - Ngọc Phi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét