Nhãn

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Thơ Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Thái Bình)

"Chuộc yêu"*, Thu Nguyệt dám "bán cả kinh thành"!

             Đặng Văn Sinh

Mới cầm tập sách, lướt qua trang bìa, hẳn không ít người dị ứng với cái tên có mùi vị cải lương, nhưng khi đọc rồi mới thấy Chuộc yêu của Nguyễn Thị Thu Nguyệt đầy tâm trạng. Đó là thứ tâm trạng khắc khoải của một hồn thơ lúc nào cũng như muốn cháy lên thành ngọn lửa, nhưng để nuôi dưỡng được ngọn lửa ấy thì chị  lại có vẻ rất ngu ngơ "trong cuộc thế trăm năm cát lầm gió bụi". Đọc thơ Thu Nguyệt, ta có cảm giác, một vùng tiềm thức của tác giả đôi lúc bị kích hoạt nhưng chưa đủ độ hưng phấn để thoát khỏi trạng thái tiềm ẩn. Hình như, chính bởi trạng thái mù mờ ấy mà tác giả có được những câu thơ trời cho.
Nói một cách dễ hiểu, thơ Thu Nguyệt là thơ tâm trạng được viết bằng chính những trải nghiệm cuộc đời. Chị thay mặt cho số đông phụ nữ, những công dân thuộc phái yếu, cũng không ít tham vọng, cùng với niềm đam mê nhưng luôn bị thua thiệt trong một xã hội mà niềm tin thì đang bị bào mòn, còn nỗi chán chường cứ mỗi ngày một gia tăng. Từ Phía sau quầng sáng mặt trời, qua Nước mắt đá đến Chuộc yêu, tuy cái tên khác nhau, thời gian cũng khác nhau, nhưng cả ba tập thơ đều cùng một phong cách. Đó là nỗi lòng nhà thơ trải rộng cùng với tiếng thở dài lẫn trong những giọt nước mắt, nhưng "chủ thể trữ tình" cố nuốt vào lòng trong sự kìm nén đầy nữ tính.

Đọc thơ tình trong Chuộc yêu, nhất là những bài thuộc thể loại tự do, người ta có cảm giác như là những mảnh vỡ được bắn ra từ vụ nổ tiểu bigbang trong một tâm hồn đa cảm sau cơn sang chấn tinh thần. Nhận xét này càng được củng cố bởi hàng loạt câu thơ, tuy cách diễn đạt khác nhau nhưng đều có mẫu số chung: mất lòng tin vào tình yêu, nghi ngờ tính bền vững của cấu trúc gia đình truyền thống và ước muốn trở lại thời con gái để "chuộc yêu" dẫu có phải bán cả kinh thành.
Nếu coi thơ chỉ là một chút ký thác tâm trạng của kẻ lãng du trên hành trình tìm kiếm thứ vinh quang hão huyền, đến lúc chồn chân mỏi gối, trở về cát bụi với hai bàn tay trắng, thì Thu Nguyệt còn làm được nhiều hơn thế, cho dù ván cờ đã tàn và cuộc chơi kết thúc. Thơ chị không hẳn là ẩn ức tâm lý, sự đổ vỡ tình cảm gia đình hay ân oán giang hồ mà dường như là những chiêm nghiệm mang tính dự báo cho cả một thế hệ những người từng coi tình yêu là lẽ sống, thậm chí đặt cược cả cuộc đời vào nó. Từ nhân vật trữ tình sắm vai chủ thể trong thơ, người đọc không mấy khó khăn nhận ra, tình yêu được cái "tôi" nhắc đi nhắc lại nhiều lần là thứ tình cảm "cuối mùa", buồn đến nao lòng, đầy ắp những hoài niệm được "lôi về" từ quá khứ tuy không kém phần cuồng nhiệt nhưng cuối cùng vẫn chỉ là những mảnh ký ức rời rạc hiện ra như ảo ảnh. Quy luật muôn đời là thế. Vũ trụ luôn vận hành trong sự tuần hoàn vô thủy vô chung. Nhưng cuộc sống con người và cái gọi là tình yêu chỉ là hữu hạn, có mở đầu và kết thúc không ngoài vòng sinh tử. Nuối tiếc những gì không còn thuộc về mình nữa là trái quy luật tạo hóa. Biết vậy mà Thu Nguyệt vẫn cố tình níu kéo thời gian bởi chị là một hồn thơ đa cảm, đa tình, lắm nỗi đam mê. Thế nên mới có chuyện dã tràng xe cát hay nằm đếm sao trời.
Nhưng nói gì thì nói, ở địa hạt tình yêu, Thu Nguyệt có cách cảm, cách nghĩ về những thứ dường như không còn là của mình ở thời hiện tại đều được quy chiếu vào thân phận người phụ nữ như một trò chơi định mệnh:
Cùng phận đàn bà áo mỏng/ Lắt lay cơn gió cuối mùa/ Phận em khác chi đời chị/ Chông chênh đèo dốc thì đi (Mong manh).
Chỉ những người phụ nữ từng đi qua những cuộc tình mới nhìn được đến tận cùng bản chất của thứ "đạo" chết người này vốn lắm trò quỷ thuật đùa giỡn đám chúng sinh mê muội. Đã có quá nhiều ngôn từ êm ái, dịu ngọt chỉ để vinh danh sức mạnh thần thánh của khoa "trái tim học" mà không biết rằng, bên cạnh sự say đắm nồng nàn là nỗi đắng cay, thậm chỉ cả hận thù. Kho từ vựng ái tình quả thật vô cùng phong phú, sinh động nhưng cũng đầy cạm bẫy chẳng khác gì giọng hát của các nàng Sirene mê hoặc đám thủy thủ trên Địa Trung Hải trong trường ca Odyssée. Nói như vậy là để ghi nhận ở Thu Nguyệt về cách diễn đạt các dạng thức tinh tế của tình yêu, trong đó có những liều thuốc an thần làm dịu đi cơn sốc tâm lý, mà trước hết là với chính mình. Trong "đạo" của tình yêu hầu như không có con đường đi đến trái tim và cách ứng xử chung cho mọi người. Tất cả đều là kinh nghiệm riêng của từng cá thể. Có lẽ vì thế luôn có sự lặp đi lặp lại cùng một chuỗi sai lầm, nhưng rất hiếm khi rút ra bài học từ những người đi trước. Đợi có thể xem là hiện tượng phổ biến nhưng đã mấy ai hiểu thấu tâm trạng người viết sau những con chữ ngỡ như hờn dỗi kia:
Anh cứ hẹn để một đời em đợi/ Thơ viết cho anh em đốt gửi lên trời/ Thương mình quá em không nhìn gương nữa/ Trời cuối thu đổ lá bời bời. (Đợi)
Cũng có thể "anh" và "em" ở đây chỉ là danh xưng tưởng tượng, những đại từ phiếm chỉ, nhưng cái tình ký gửi trong ấy lại vô cùng cụ thể. Đó là những vần thơ dung dị, đôi khi nghe có vẻ mòn sáo nhưng đằng sau nó là cả một niềm khao khát của một con tim tan vỡ. Khó có thể tìm được những vần thơ, dù rung động sợi tơ lòng đến mấy, để làm hồi sinh một tình yêu đã chết, nhưng bằng vào ngòi bút khá là tinh tế, nhà thơ tự họa được chân dung mình trong một chiều thu "lá rụng bời bời", thì nỗi buồn ấy dễ dàng tìm được những tâm hồn đồng điệu. Hạnh phúc, đau khổ, trải nghiệm và suy ngẫm là những "công đoạn" liên tục không tách rời nhau của những cuộc tình, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể cân đo đong đếm được giá trị định tính cũng như định lượng của nó. Thu Nguyệt có kỹ năng biến thái sinh động trong cái cách diễn đạt một cuộc tình đổ vỡ dưới nhiều dạng thức khác nhau, mà đọc rồi, ta thấy không phải là không có lý:
Qua sông người rút ván cầu/ Tôi con đò nát chở câu thơ buồn/ Nương nhờ mái dột quê hương/ Chở che tôi những đoạn đường tôi đi (Cả tin 2)
Nếu nói bằng ngôn ngữ thông tục thì người phụ nữ, nhân vật trữ tình trong thơ, bị một gã Sở Khanh nào đó, lừa lấy mất cả tuổi xuân. Nàng đã yêu hắn hết mình, nhưng rồi gã "qua cầu rút ván" theo kiểu" ba mươi sáu chước chước gì là hơn", còn lại con đò rách nát. Trách mình cả tin, hận người lường gạt, đùa giỡn với tình, người phụ nữ chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng, trở về nương bóng nhà xưa. Thế nhưng, nếu luận đến cùng kỳ lý về cái được, cái mất, thì chưa hẳn người phụ nữ đã mất hết những gì đã trao gửi người tình xưa nếu bình tĩnh nhìn lại quá khứ. Hạnh phúc chỉ là khoảnh khắc, hiếm khi là vĩnh viễn. Không thể kéo lùi được thời gian bởi đó là quy luật. Tình yêu cũng như thời gian, nói như một nhà hiền triết phương Tây, "người ta không thể hai lần cùng tắm trên một dòng sông", cuộc đời này không hiếm những cô gái bị người tình phụ bạc nhưng mấy khi tình yêu trở lại, ngoài những dòng tâm sự ngậm ngùi cảm thán:
Một tôi với bóng tôi thôi/ Chiều thu lá đổ bời bời về đâu? (Cả tin 2)
Viết về sự cô đơn, Thu Nguyệt có cách diễn đạt làm người đọc ngỡ như mình cũng có tâm trạng trống vắng với nỗi cô đơn của người trong cuộc qua bài Độc hành 1. Bài thơ như tiếng thở dài của ai đó trong cảnh cô liêu bởi gam màu lạnh được tác giả lấy hình ảnh "chiều mưa", "nhà vắng" làm bối cảnh. Những thi liệu quen thuộc như "chén yêu", "chén tình", "giọt phù vân", "rượu", "một gối", "một giường" đầy tính ước lệ, ào ạt tràn vào thơ, vượt qua một thời lãng mạn tuổi hoa niên, khuấy đông tâm hồn đa cảm. Với "người thơ độc hành", tình yêu không còn sự chi phối của"Đạo", mà dường như đã phá vỡ quy ước truyền thống, mất khả năng kiểm soát bởi con tim đã thương tổn. Chủ thể sáng tạo và cái tôi trữ tình như hòa làm một sau khi đã ngấm hơi men trong cuộc độc hành đầy mạo hiểm:
Một mình say. Một mình thôi/ Thương cây nến cháy khóc đời trầm luân/ Dốc ly cạn giọt phù vân/ Để tôi quên hết nợ nần đắng cay. (Độc hành 1)
Nếu Độc hành được xem là khúc bi ca đưa tiễn một mối tình đã tắt hơi nhưng vẫn còn chút vấn vương, thì Đá mồ côi được hiểu như là sự đoạn tuyệt dứt khoát, gỡ bỏ một cách triệt để những trầm tích từng lắng đọng bấy lâu trong miền ký ức. Cũng như Độc hành, tâm sự ngổn ngang bằng thể loại lục bát, vừa mang tính tự sự vừa biểu đạt được những rung động tâm hồn, Đá mồ côi mượn lục bát để giải tỏa những ẩn ức. Có thể nhận thấy, tinh thần chủ đạo trong Đá mồ côi vừa có sự dàn trải của nỗi lòng, vừa có sự chiêm nghiệm lẽ đời sau khi cái "tôi" chủ thể đã đủ kinh nghiệm nhìn lại bản thân mình bằng con mắt phê phán. Từ nỗi đau một người, tác giả nhìn thấy nỗi đau nhân thế:
Đã mang thân kiếp làm người"Hữu thân hữu khổ" trách giời mà chi"/ Dở dang đã chẳng là gì/ Xem như đổ vỡ cũng vì hết duyên. (Đá mồ côi).
"Hết duyên", nghe thật xót xa nhưng với cuộc đời của một người phụ nữ, dù là tuyệt thế giai nhân cũng khó thoát khỏi cái vòng luân chuyển nghiệt ngã ấy. Cho nên chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên chính là phương án tối ưu để tự giải phóng mình khỏi sự cầm tù của sự mặc cảm. Đá mồ côi, xét về mặt âm hưởng, khi đọc lên, từng cặp lục bát ngân nga như tiếng chuông đồng vọng trong khung cảnh thê lương của một chiều thu vàng úa. Cảnh vật ấy ngụ tình người tạo nên nỗi buồn sâu thẳm:
Lá vàng rụng bởi mùa thu/ Thiên đường xa đến mịt mù ai ơi!/ Đá còn có đá mồ côi/ Một mình tôi hát cho vơi tháng ngày. (Đá mồ côi).
Từ Độc hành 1 sử dụng hình thức lục bát, lấy rượu gây cảm hứng cho nỗi cô đơn, đến Độc hành 2, Thu Nguyệt phá vỡ kết cấu uyển chuyển với nhịp điệu trầm bổng của thể thơ truyền thống vốn dung nạp nhiều yếu tố ước lệ, bằng hình thức tự do, câu ngắn câu dài xen kẽ, tạo nên một trật tự hỗn độn. Đó chính là sự mô phỏng dòng cảm xúc hỗn loạn trong cơn chuếnh choáng bởi ly rượu mạnh, nên sự chừng mực của câu chữ cũng như nhạc điệu vốn rất hài hòa hầu như vắng bóng, mà thay vào đó là những câu thơ...loạn nhịp. Vẫn chỉ có một mình với những mảnh ký ức mơ hồ và...rượu, nhưng thái độ thì mạnh mẽ, lạnh lùng đầy cảm khái. Đọc những dòng dưới đây, khó có thể làm người đọc nghĩ rằng, nhân vật trữ tình hiện hữu trong thơ kia lại thuộc về phái yếu:
Rót chén càn khôn/ Mừng ngày sinh./ Tay phải cụng ly cùng tay trái/ Cho men nồng quyện với đắng cay.(Độc hành 2)
 Để khép lại một thời yêu đến si cuồng, thay cho "nhân vật" của mình, tác giả viết hai câu kết đầy chất hiệp khách:
Một mai hết tuổi về trong cỏ/ Nhấp chén độc hành với đìu hiu. (Độc hành 2)
Tuy nhiên,Tình yêu và những hệ lụy nhân sinh mà Thu Nguyệt ký thác vào thơ chỉ là một phần của Chuộc yêu. Thơ chị đa dạng với nhiều thể tài, mà một trong số đó là những diễn ngôn về nhân tình thế thái. Là nhà thơ thuộc về"phe nước mắt" nhưng những cảm nhận của chị về thời cuộc cùng với con người trong mối tương quan xã hội đầy nghịch lý lại có khuynh hướng phản biện. Lại nữa, cũng bởi tâm hồn đa cảm, dễ xúc động nên chị luôn cảm thông với những cảnh đời ngang trái bằng cách nói của riêng mình với tư cách công dân như là một thông điệp nghệ thuật. Từ Đức tin đến Thiên đường, Nhân danh, Làng Lòi, Cả tin 1, Cả tin 2, Chênh vênh, Chỉ không còn em, và cuối cùng là Đừng, đều mang giọng điệu thương xót, cảm thông vô số thân phận éo le trong những hoàn cảnh bất bình thường. Cùng với những giọt nước mắt của một thi nhân đa cảm, trước cảnh đời đen bạc, nơi mà sức mạnh đồng tiền chi phối mọi quan hệ xã hội, Thu Nguyệt đã hơn một lần tuyên chiến với thói đạo đức giả của những kẻ xanh vỏ đỏ lòng. Loại người ấy có thể nhổ toẹt cả vào những giá trị văn hóa vốn được xem là nền tảng của đạo đức con người:
Đồng tiền hai mặt/ Phải - trái giá trị như nhau/ Mặt người chỉ có một/ Cả tin. Dại bạc mái đầu. (Cả tin 1).
Lòng tin và đồng tiền là hai hiện tượng khác nhau cùng có mặt trong mọi thời đại, nhưng ở mỗi thời đại, do những giá trị văn hóa, đạo đức và luật pháp chi phối, mối quan hệ giữa chúng có những cách ứng xử khác nhau. Ở một môi trường mà mọi chuẩn mực sống đều bị suy thoái, khi hai mặt của đồng tiền nhảy múa, có thể làm thay đổi cả niềm tin thiêng liêng nhất, biến người lương thiện thành kẻ lưu manh. Bài thơ như là một cách ngôn, chỉ trong khoảng hai chục từ, tác giả đã khái quát được diện mạo của một xã hội khuyết tật, đang tiềm ẩn căn bệnh trầm kha nhưng lại sợ uống thuốc đắng. Cũng bởi cuộc sống bị tha hóa hình thành những gương mặt sấp ngửa, dễ thay đổi như con bài xúc xắc, đạo đức và nhân cách giống như trò chơi phù phiếm, nên người ta mặc nhiên vẽ ra đủ thứ thiên đường lừa phỉnh không ít người nhẹ dạ cả tin, nhưng dù có đốt đuốc soi giữa ban ngày cũng chẳng thể tìm ra thiên đường của mẹ, của con:
Nào ai biết vì sao con phiêu bạt?/ Những điều con mơ ước/ Cách thiên đường bao xa?/ (Thiên đường)
Và cuối cùng, nhân danh những người mẹ và những đứa trẻ bị đẩy xuống dưới đáy xã hội, nhà thơ gửi một câu hỏi lên chín tầng trời:
 Thiên đường của con mẹ gửi vào đâu? (Thiên đường)
Thu Nguyệt không phải là nhà thơ của riêng mình và không phải lúc nào cũng chỉ viết cho mình. Chị như một thân phận chót đa mang nghiệp văn chương, và có những lúc cái nghiệp ấy vận vào mình như là "sứ mệnh". Vì thế, trong Chuộc yêu, có những bài, mới lướt qua, ta cứ nghĩ là một tâm sự riêng, nhưng rồi thong thả đọc lại và ngẫm nghĩ, mới hay, nó lại là của mọi người. Cả tin 1. Cả tin 2, Chỉ không còn em là những ví dụ điển hình. Đọc Chỉ không còn em, ta thấy cái tình của người viết thật là chân thành. Không một cảm xúc giả dối nào khiến một nhà thơ có thể viết được những câu gan ruột làm người đọc bàng hoàng xúc động như nỗi bất hạnh của chính người thân mình:
Ba năm đã qua đi/ Cỏ mọc kín mồ em/ Tôi lạc giữa nghĩa trang trong bóng chiều chới với/ Lạnh buốt nơi em nằm./ Nhức nhối nước mắt tôi. (Chỉ không còn em).
Đến Làng Lòi, Thu Nguyệt lại chuyển từ thể loại tự do về lục bát vốn dễ bày tỏ lòng mình bằng hồn thơ dân tộc, cảm thông với số phận của những người phụ nữ cả tin, đem tuổi thanh xuân của mình đi tìm kiếm vinh quang, nửa đời người, dắt díu nhau về làng Lòi âm thầm nuôi những đứa con không bố. Người ta lãng quên các chị ngay sau khi tôn vinh các chị như những  anh hùng. Cả một thế hệ thiếu nữ góp phần làm nên vinh quang dân tộc bỗng chốc trở thành quá khứ:
Như là cổ tích ngày xưa/ Một làng làm mẹ mà chưa có chồng/ Máu người đã chảy thành sông/ Bão giông đã tạnh cải ngồng đã dưa. (Làng Lòi).
Từ thân phận con tốt trong cuộc chiến ý thức hệ, những người con gái  mười tám, đôi mươi bỏ lại ước mơ giữa đại ngàn Trường Sơn, cảm ơn Đấng Tối cao vì đã không bị vùi xác dưới làn bom rải thảm B­52 hay gục ngã bởi những cơn sốt rét ác tính. Trở lại đời thường mà vết thương tâm hồn thì không bao giờ kín miệng, họ là nhân chứng lịch sử nhưng lịch sử lại gần như quên họ. Những "phế nhân" ấy cõi lòng thì lạnh ngắt, còn chút niềm tin lại ở mãi trên trời:
Phật thì ngồi ở trên cao/ Tiếng chuông con thỉnh làm sao tới giời? (Làng Lòi).
Cảnh ngộ những người phụ nữ dở dang ấy chính là đám lê dân đông đảo tiêu biểu cho số phận dân tộc. Về một mặt nào đó, có thể xem họ cũng là những giá trị văn hóa bị thời hậu chiến làm tổn thương. Vết thương tinh thần ấy được Thu Nguyệt nói bằng giọng điệu của riêng chị, nghe mà xót xa cay đắng.
Với tư cách người cầm bút, khi nhận định về nhân tình thế thái, Thu Nguyệt có những bài thơ văn xuôi giầu hình ảnh, ngôn ngữ bộc trực, thấm đẫm tinh thần công dân, vượt ra khỏi câu chữ mòn sáo, vươn đến tầm suy tư về cuộc sống hiện hữu:
Hàng tỷ khối cát dưới lòng sông được móc lên/ Để san lấp những cánh đồng bờ xôi ruộng mật/ Biệt thự, vi la mọc lên như nấm/ Những ngôi làng cổ ngàn năm tuổi/ sau một đêm lũ quét/ Không còn dấu vết!/ Thiên nhiên đòi nợ bù vào cát ở đáy sông! (Đừng).
Và hệ quả của những hành vi đối đầu với thiên nhiên của những chủ nhân vốn sẵn thói kiêu căng, tham lam vô lối, nhưng ở tầm văn hóa thấp, lại giải thích thảm họa bằng ngụy thuyết:
Đừng ngụy biện bởi trái đất đang nóng lên hay nước biển dâng/ Cũng đưng hỏi tại sao giữa thủ đô nhan nhản chợ người./ Đừng đổ tại trời bất công! (Đừng).
Đừng là lời kết của tập thơ 36 bài, nhưng Đừng cũng mở ra một cách nhìn khác về con người, thiên nhiên và mối quan hệ hai chiều của nó.
So với những tác phẩm đã xuất bản trước đây, Chuộc yêu là tập thơ mang âm hưởng buồn man mác. Nỗi buồn ấy chính là tiếng lòng của nhà thơ suy ngẫm về "thân phận tình yêu" trong những thăng trầm thế sự. Buồn cũng là một giá trị thẩm mỹ khi mà nó đem đến cho người đọc nguồn cảm hứng về cái đẹp.
              
Chí Linh, 04 /6/2012

             ĐVS

* Chuộc yêu, thơ Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Thái Bình), NXB Hội Nhà văn, 2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét