Tọa đàm văn học:
Tiểu thuyết “Lửa đắng” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn
Đặng Văn Sinh
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (Ảnh: Phan Hữu Đố)
Sáng 5 tháng 9 năm 2011, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm về tiểu thuyết “Lửa đắng” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Đây là cuốn tiểu thuyết đoạt giải ba trong cuộc vận động viết tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ III chào mừng Đại lễ ngàn năm Thăng Long.
Chủ trì buổi tọa đàm là nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Khác Trường và nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Tiến sĩ Lê Thành Nghị, chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam đọc lời đề dẫn. Các nhà phê bình Phong Lê, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Phạm Xuân Nguyên, các nhà văn Nguyễn Hoàng Sơn, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Khắc Trường ... phát biểu cảm nhận về tác phẩm dưới những góc nhìn khác nhau nhưng đều thống nhất quan điểm đây là cuốn tiểu thuyết luận đề chính trị, ít nhiều đã có bước đột phá vào “vùng cấm”, được bạn đọc nhiệt tình đón nhận. Trong số những ý kiến phát biểu (không có văn bản), nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã có những nhận xét sắc sảo, rất chính xác về việc nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trong quá trình viết phải đối thoại với chính mình. Nhà văn Hoàng Minh Tường thì cho rằng, một số nhân vật trong “Lửa đắng” thuộc hiện thực giả tưởng. Nhà phê bình Trần Đình Sử nhận xét đây là cuốn tiểu thuyết viết theo phương pháp Hiện thực XHCN, một phương pháp gần như đã bị loại bỏ vì bản thân nó còn nhiều bất cập.
Đáng sợ hơn cả vẫn là bài phát biểu tràng giang đại hải “hành” cử tọa của giáo sư Phong Lê. Ông GS này có tật đao to búa lớn, hễ cứ xuất hiện trong đám đông là y như muốn dạy dỗ người ta bằng thứ kiến văn “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Riêng ông chiếm trọn 45 phút với đủ thứ trên giời dưới biển hầu như chẳng ăn nhập gì với nội dung cuốn sách. Ở Đại hội Nhà văn vừa qua, GS Phong Lê đã bị các đại biểu nhiều lần vỗ tay “mời” xuống, nhưng có vẻ như ông không muốn và cũng chẳng cần rút kinh nghiệm, cho dù biết rời khỏi diễn đàn đúng lúc cũng là một thứ văn hóa. Giáo sư Phương Lựu chỉ thua GS Phong Lê về thời gian, nhưng cũng không kém ông cựu Viện trưởng Viện Văn học về những lý thuyết sáo rỗng, cũ mèm, sặc mùi mỹ học Xô Viết của “đồng chí” Staline cùng hàng loạt trích dẫn kinh điển. Thật không hiểu, cho đến giờ này mà ông vẫn cố tình vận dụng những thứ đã lỗi mốt ấy vào việc minh định một tác phẩm văn học thời đổi mới.
Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Phan Hữu Đố)
Các nhà văn Đặng Văn Sinh, nhà văn Tô Đức Chiêu và PGSTS Bích Thu đọc tham luận. Các bản tham luận đều xoay quanh vấn đề Cải cách hành chính và chống tham nhũng mà “Lửa đắng” đã đặt ra. Đây là những vấn đề nhạy cảm trong giai đoạn hiện nay, có làm được hay không cần phải có thời gian và sự quyết tâm của những người có trách nhiệm ở tầm vĩ mô. Dưới đây là toàn văn bản tham luận đọc tại cuộc tọa đàm của nhà văn Đặng Văn Sinh.