Nhãn

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)

                      Ký ức làng Cùa

                        Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

                                     Chương hai
  
                                                       2

Vợ chồng Lê Văn Vận được Khúc Đàm cắt cho ngôi nhà ba gian giáp bờ ao. Ngôi nhà này trước là chỗ ăn nghỉ của tá điền những lúc thời vụ, mấy năm gần đây lão chuyển họ ra Trại Sen để tiện trông nom khu ruộng màu nên vẫn bỏ không. Hoá ra chàng ngư phủ làm ruộng cũng chẳng kém gì thả lưới bắt cá trên sông. Chưa đầy một vụ, đường cày của hắn đã thẳng tắp, gốc rạ đều lật úp, phơi màu đất vàng suộm dưới ánh mặt trời. Việc đồng áng Vận làm băng băng chẳng kém gì những tá điền kỳ cựu đã từng lĩnh canh nộp tô gần như suốt đời ở nhà chánh tổng. Nhưng việc làm ưa thích nhất của Lê Văn Vận là xay lúa, giã gạo. Cái cối xay to đùng, lão Phó Đạc đóng vốn để cho hai người vậy mà một mình hắn quay có nửa buổi đã hết chín thúng thóc. Giã gạo Vận cũng làm một mình trừ những lúc có cô vợ khoèo tay đứng giúp chút ít cho đỡ mỏi chân. Cần giã bằng gỗ nhãn vừa to vừa nặng, cứ nâng lên hạ xuống theo nhịp chân của gã thuyền chài, mỏ chày nện xuống cối thình thịch, đều đều buồn tẻ. Công việc xay giã phần lớn được làm vào buổi tối. Với ngọn đèn Hoa kỳ ám khói đặt ở cạnh tường, Vận vừa nhún chân vừa đếm. Được chừng bốn năm trăm chày, chẳng cần bốc lên thử, hắn cũng biết hạt gạo đã trắng bong còn cám thì mịn và mát lạnh như bột lọc.
Có lần, bà Ba từ buồng lẻn xuống nhà ngang cùng giã với Vận. Một tay hắn bám giá đỡ, một tay xoa vào cái bụng đã lùm lùm của Thị Lánh khẽ hỏi:
- Mấy tháng rồi nhỉ ?
- Hình như năm tháng.
- Sao nhanh thế ?
- Còn nhanh gì nữa. - Lánh thì thầm - Cái Hài thế nào ?
- Chưa có gì . - Vận vòng cả hai tay ôm ngang bụng bà Ba, áp môi vào gáy cô ta nói nhỏ - Thôi, lên nhà kẻo ông ấy nghi .
Cái bụng của bà Ba mỗi ngày một to ra thì niềm vui của nhà họ Khúc càng lớn. Chánh Đàm dự tính, nếu trời thương cho được thằng con trai thì lão sẽ làm khao. Sắp đến ngày ở cữ, bà Cả Huê cấm ngặt không để Thị Lánh làm bất cứ việc gì , hàng ngày bắt uống thuốc dưỡng thai của lang Chìa bên kẻ Bòng. Bà Ba ngán thuốc đến tận cổ, lại sợ cái thai to quá không ra được, chết cả mẹ lẫn con thì khốn, bèn ngầm đổ thuốc xuống ao. Lũ cá trắm chờn vờn bên dưới uống vào lớn như thổi. Những hôm thuốc bị  hất ra vườn sau, chúng nổi lên hàng đàn, nhô hẳn đầu hỏi mặt nước, bơi theo vòng tròn, miệng hớp hớp không khí.
Đến kỳ sinh nở, bà Ba đau bụng ba ngày mà đứa bé vẫn chưa ra. Chánh Đàm hoảng quá cho đón hai bà đỡ cùng một lúc để phòng bất trắc. Gần sáng, nước ối vỡ nhưng ngôi thai ngược, một chân thò ra trước, mà chỉ nhìn chân thì không biết được là trai hay gái. Bà cả Huê thắp hương lầm rầm khấn trước bàn thờ phật Quan Âm mong ngài phù hộ độ trì cho Thị Lánh mẹ tròn con vuông. Chánh Đàm mặt tái mét cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại trước cửa buồng làm bà Hai bưng nồi nước thang mai hoa từ bếp lên xuýt chạm phải, gắt:
- Ông ngồi yên một chỗ cho chúng tôi nhờ.
Trong này, hai bà đỡ đang cãi nhau vì không bà nào chịu bà nào. Mỗi bà đều có cái lý riêng trong thuật xử lý ngôi thai mà chẳng quan tâm đến sản phụ đang nằm tô hô trên chiếc giường ba xà, mặt bóng nhẫy mồ hôi, hai mắt lờ đờ còn miệng thở như say nắng. Cặp đùi bà Ba lúc này có vẻ mập mạp hơn bình thường. Bàn chân bé xíu, tím ngắt của đứa trẻ thò ra khỏi âm hộ, ngọ nguậy chẳng khác gì cái vòi ở đầu ổ kén sâu khoai làm những sợi lông đen nhánh, loăn xoăn, ướt nhớp nháp phía trên bờ mu cũng lúc lắc theo như là bị gió thổi. Tình trạng nguy kịch ấy kéo dài chừng hai khắc thì Khúc Thị Hài đã sang làng Vạc đón được ông lang Thược. Ông này nổi danh khắp huyện Nam Thành về thủ thuật đỡ những ca đẻ khó và món thuốc gia truyền chữa bệnh sa đì. Việc làm đầu tiên là ông ta tống cổ hai con mẹ bẻm mép ra khỏi buồng, sau đó cho sản phụ uống một gói thuốc bột pha lẫn với mật ong. Ông cấm mọi người, kể cả chánh Đàm lảng vảng gần buồng rồi đóng sập cửa lại. Khi bàn chân thai nhi đã được ấn vào, lang Thược nhẹ nhàng xoa bụng bà Ba, vừa tìm cách xoay thai. Không đầy một khắc, ngôi thai trở lại thuận chiều, đứa bé lọt lòng mẹ khóc váng lên. Tiếng khóc của nó khoẻ đến nỗi mấy nhà hàng xóm bên kia bờ tường xây cao quá đầu cũng nghe tiếng. Chánh Đàm là người nhảy bổ vào đầu tiên. Đến khi nhìn thấy giữa hai đùi nhăn nheo đứa bé là một cái chim xinh xinh thì lão khóc nấc lên quỳ sụp trước mặt bà Ba. Thị Lánh tuy mất khá nhiều sức qua những lần rặn đẻ nhưng vẫn cố mỉm cười với chồng. Sau cơn vượt cạn, người đàn bà như được lột xác. Những gì là trần tục đều để lại phía sau. Trước mặt Khúc Đàm là một người thiếu phụ xinh đẹp, toả ánh hào quang rực rỡ như một tiên nữ giáng trần. Thằng bé vừa dài vừa rộng, mắt sáng, mũi nở trông ra dáng con nhà. Khi con trai đầy cữ, chánh Đàm đặt tên là Khúc Luận, đồng thời làm cỗ khao toàn thể chức sắc làng Cùa và họ hàng nội ngoại. Những dịp mở tiệc lớn như thế này, trong thực đơn đãi khách nhất thiết phải có món thịt ếch. Đây là truyền thống lâu đời của làng Cùa, mâm cao cỗ đầy đến mấy, thiếu đặc sản "gà đồng" cũng vứt.
Thật may, dịp ấy vào cuối tháng ba, bắt đầu có mưa rào. Trận mưa đầu tiên nước đã mấp mé bờ ruộng. Đồng gần đồng xa, lúa đang thì con gái, gặp mưa rào và sấm đầu mùa lớn nhanh như thổi.  Mới chập tối, cả làng đã náo nức chuẩn bị cho buổi soi ếch đầu tiên trong năm. Đây là một cuộc tàn sát tập thể trên quy mô lớn tuy chỉ dùng phương tiện thô sơ nhưng tỏ ra rất hiệu nghiệm. Phổ biến nhất là đuốc. Đuốc làm bằng tre hoặc nứa khô chẻ nhỏ, buộc chặt, cháy rất đượm. Nhà giầu hoặc dân làm nghề chuyên nghiệp thì lên chợ Cháy mua đèn hộp sắt hình trụ có nắp gắn kính dầy như một khối chỏm cầu để hội tụ ánh sáng gọi là đèn "". Đèn "ló" thắp dầu lạc hoặc mỡ lợn, phía sau có tay cầm, bên trên là bộ phận thông khói gồm nhiều lá tôn mỏng xếp nếp. Cả hai loại phương tiện này đều nhằm cùng một mục đích là làm cho ếch loá mắt không nhảy được, chờ người đến tóm.
Từ canh hai, trời bắt đầu mưa nặng hạt, thỉnh thoảng lại có vài tiếng sấm lạc lõng từ đâu đó vọng về. Khắp cánh đồng đèn đuốc sáng như sao sa. Cha nào con ấy, anh nào em ấy, thậm chí chồng nào vợ ấy, áo tơi nón lá, tay đuốc tay chụp sẵn sàng vào trận. Lê Văn Vận cặp đôi với thằng Đà, cháu bà cả Huê mới từ làng Báng sang chơi. Cái đèn của Vận có mặt kính pha lê trong suốt không một gợn bọt, dày hai đốt ngón tay nên độ chiếu sáng rất xa. Mưa mỗi lúc một lớn. Nhiều bờ ruộng đã ngập. Đứng trên đống Ba Tầng, Vận nhìn khắp lượt các cánh đồng Chùa, đồng Hẻm, đồng Gà, đồng Chó Đá... đâu đâu cũng có ánh lửa chập chờn như đêm hội hoa đăng. Những ngọn đuốc khô nỏ cháy rần rật, tàn bay tứ tung như pháo hoa cà hoa cải theo từng nhịp bước lép nhép trên thảm cỏ lưỡi mèo ram ráp. Những hạt mưa đan chéo nhau đập lộp bộp vào nón lá rồi chảy thành vệt theo sườn áo tơi lấp loáng trong ánh lửa vàng nhạt hoặc đùng đục bởi những quầng khói loãng. Chàng ngư phủ bắt đầu cuộc tảo thanh từ một bờ ruộng trũng mọc dầy cỏ gà lẫn với cỏ chỉ. Đây là khu ruộng nhà chánh Đàm, bờ rộng hơn bốn tấc, đắp cao, thế mà đôi chỗ đã ngập lút, nước chảy rào rào. Một chú ếch cốm lưng nổi gai xanh, nhọn và bóng láng, cặp mắt như bị thôi miên bởi ánh lửa nhấp nhoáng phát ra từ thứ dụng cụ ma quái. Nó ngồi chống hai cẳng chân, mõm hếch lên phô ra trước "sát thủ" cái ức trắng toát như là khoe bộ cánh mới thửa được sau chuyến ngủ đông. Một tay rọi đèn, tay kia nâng chụp, Vận thận trọng nhích dần từng bước về phía con mồi, đến khi gã ếch cốm ngờ nghệch hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị chàng rể nhà họ Khúc dùng hai ngón tay túm chặt eo lưng. Bằng động tác thành thục, thằng Đà xoay lưng chìa chiếc vịt tre ra, và chú ếch cốm nhanh chóng bị tống vào qua lớp hom mềm cùng với lũ bạn xấu số. Đã ngớt mưa. Lúc này ếch nhái đang say. Đây là cơ hội vàng để tranh thủ "lèn" cho đầy giỏ. Phía bên kia, mấy chị em nhà đĩ Nhụt không có chụp. Con Nhinh chị cả, khua cây đuốc nứa dài hơn cả người nó, cháy rần rật để cho lũ em gồm năm đứa con gái, mỗi đứa chỉ nhỉnh hơn nhau cái chỏm, lội chòm chọp thi nhau vồ. Con Nhinh, con Nhính, con Nhỉnh mặc quần đùi, áo cánh nâu, không tơi, không nón, ướt từ đầu đến chân nhưng chẳng biết lạnh là gì. Mỗi khi vồ được một chú ếch, mấy chị em lại hét toáng lên. Con Nhút, con Nhít bé quá cũng đòi đi theo. Hai đứa cởi truồng đầu đội nón gủ bé tí trông như cây nấm. Đi được nửa bờ, con Nhít không theo kịp các chị, trượt chân ngồi xệp xuống, khóc hu hu. Cái Nhính quay lại đỡ em mới biết, nó ngã bị đỉa bám vào bẹn. Con chị tức quá, phát vào mông một cái: "Ai bảo mày cứ theo đi quẩn chân chúng tao ?". Con bé gan lỳ, nhiều lần mẹ đánh không khóc nhưng có tật sợ đỉa. Con Nhính quát:
- Bây giờ mày phải lên gò Dứa kia mà đứng, chốc nữa chị Nhinh quay lại đón.
Con bé lắc đầu quầy quậy:
- ứ ừ  ! Em sợ ma lắm.
- Thì đi . - Con chị lầu bầu - Nhưng lần sau bị đỉa cắn tao không gỡ cho đâu.
Cặp vợ chồng Thường Rỗ từ tối đến giờ đã chộp được lưng lửng vịt. Chị vợ còn trẻ, béo ục ịch, mỗi bước đi thình thịch như voi, thỉnh thoảng lại ngủ gật. Anh chồng bực mình quát:
- Đi khẽ thôi không ếch nó nhảy xuống ruộng hết.
Thường Rỗ là tay chân của chánh Đàm. Tay này nghiện thuốc lào, thỉnh thoảng lại lên sườn đống giở điếu cày ra hút sòng sọc. Thuốc ngấm, có khi hắn lăn quay ra bất tỉnh như người mắc bệnh động kinh, nhưng chỉ ít phút sau lại ngồi dậy xem như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thường nổi tiếng là tay chụp ếch lão luyện. Từ trên gò đống đi xuống, vừa tắt qua dải bờ ngăn đôi chân ruộng cấy lúa tám đen với mảnh chiêm trăng đã làm đòng, hắn thoáng thấy một con ếch cụ ngồi chồm chỗm gần ngay lợi nước, điệu bộ hết sức cảnh giác. Toàn thân con ếch gần như vàng sẫm, lốm đốm hoa trắng. Cặp mặt của nó khá linh động cứ đảo đều đều theo mỗi vòng quay của cây đuốc. Thường Rỗ không lạ gì loại ếch đã thành tinh này. Chúng rất có kinh nghiệm trong việc đánh lừa cánh thợ săn. Phải thật bình tĩnh mới tóm được. Hắn khẽ hất chân về phía sau cho vợ lùi lại rồi nâng cần chụp nhích dần từng bước không hề phát ra một tiếng động nhỏ. Cây chụp gần như bất động nhưng ngọn đuốc lại chuyển động liên tục để tạo nguồn sáng ổn định cùng với hàng trăm ngàn tàn lửa vãi tung toé, nhằm mê hoặc thị giác đang rối loạn của con ếch già. Con ếch vẫn ngồi nghe động tĩnh. Một lúc sau nó gại gại  chân sau chuẩn bị làm cú nhảy thoát hiểm vì đánh hơi thấy mùi tử thần thì Thường Rỗ đã phóng chụp từ một vị trí bất ngờ, trúng vào cái lưng lốm đốm. Con ếch bùng nhùng trong tấm lưới gai giẫy giụa một cách tuyệt vọng. Có lẽ đó là một vị ếch thủ lĩnh mà từ trước đến nay chưa bao giờ Thường Rỗ bắt được. Khoảng trống canh tư, cái vịt to bự của vợ chồng hắn đã gần đầy. Hắn lại lên gò đống làm mồi thuốc cho tỉnh ngủ. Lần này Thường Rỗ không say nhưng vợ hắn thì đã quá mệt vì giỏ ếch nặng lệch cả sườn, luôn miệng giục về. Hắn bảo:
- Chịu khó tí nữa, tôi kiếm thêm con cạp nong về ngâm rượu.
Vừa nói Thường Rỗ vừa nhảy xuống nong nước, định sang khu đồng Cổ Cò, tự nhiên thấy mắt cá chân đau nhói như chạm phải gai nhọn. Hắn co chân định nhổ vứt đi thì thoáng thấy một vật loằng ngoằng trườn về phía trước. Rắn! hắn vội huơ đuốc cho ngọn lửa bùng lên. Trời ơi  ! Một con cạp nia bằng về néo đập lúa, khúc đen khúc trắng đang lẩn vào giữa đám cỏ thài lài. Thường Rỗ lặng người. Rắn đen trắng cắn nếu để chậm, thuốc tiên cũng đành bó tay. Vết thương của hắn phồng lên rất nhanh, chưa đầy nửa khắc, mu bàn chân phải đã sưng húp, buốt như có hàng ngàn vạn mũi kim chích vào. Vợ Thường Rỗ vốn to họng, lại trong lúc thần hồn nát thần tính, khóc toáng lên như bò rống. Tiếng gào của chị ta vang xa đến mức hầu như tất cả dân soi ếch trên đồng đều dỏng tai nghe:
- ối giời ơi ! Có ai làm ơn làm phúc cứu chồng tôi. Nó bị rắn hổ lửa cắn sắp chết rồi.
Mấy chị em nhà đĩ Nhụt vồ ếch gần đấy, nghe tiếng vợ chồng Thường Rỗ gào, chạy đến trước nhất, đứng trơ mắt nhìn nạn nhân nằm như phục trên bờ cỏ. Tiếp đến là lão Khính cựu mõ làng. Lão này đến bên Thường, định nâng hắn dậy dìu lên sườn đống, nhưng vì sức lão yếu, mà tay này lại to như con trâu trương, đành chịu phép chờ cánh trai tráng. Lúc ấy, Lê Văn Vận và thằng Đà đang ở khu ruộng Chùa, khá xa đống Hủi. Nghe tiếng kêu la vọng đến Vận bảo thằng bé:
- Ta quay lại phía ấy xem có chuyện gì xảy ra rồi về.
Thằng Đà gật đầu:
- Đầy vịt rồi, nhét thêm nữa sợ chết ngạt không để được đến hôm làm khao.
Khi hai anh em len vào đến nơi thì Thường Rỗ đã gần như phát cuồng. Người hắn nóng hầm hập, hai mắt trợn trừng toàn lòng trắng. Nhìn bộ dạng, Vận biết nếu không cấp cứu kịp thời, nọc độc ngấm vào máu thì trong vòng vài giờ nữa là hắn về chầu trời. Vốn là dân chài giầu kinh nghiệm, lại học được môn chữa rắn độc từ một bà già người Mán, đi ra ngoài, nhất là vào ban đêm, bao giờ Vận cũng mang sẵn thuốc bột đặc trị. Trước hết chàng ngư phủ tháo dây đeo giỏ buộc chặt cổ chân Thường Rỗ rồi cạy mồm hắn đổ thuốc vào. Đợi một lát, thuốc ngấm, Vận và Cả Nhỡ thay nhau cõng về làng. Qua miếu Bà, Hắn vòng ra phía sau vặt một nắm lá, nhai nát vắt nước bắt Thường Rỗ nuốt. Hắn sốt ly bì ba ngày ba đêm. Ngày thứ tư bắt đầu ăn được tí cháo. Vợ Thường Rỗ mừng quá vừa quỳ xuống lạy sống chàng rể cụ chánh vừa khóc rưng rức.
Đám đầy cữ làm năm mươi tám mâm mời gần ba trăm khách. Quan phủ Đông Giàng đánh xe ô tô đít vịt đen bóng về tận cổng làng mừng cậu bé một xấp lụa Hàng Châu. Chủ nhà mời quan phụ mẫu ngồi mâm nhất cùng luật sư Trần Phi và đốc tờ Albert Nguyễn mới du học ở Đại Pháp về. Thực đơn phần lớn được chế biến từ ếch. Lão vệ Sót đã có mấy năm làm bồi cho Tây lai Marty là một chuyên gia thượng thặng về kỹ thuật nấu nướng. Món ếch tẩm bột rán ròn chỉ dùng hai đùi, rán đến đâu ăn đến đấy cho nóng. Vệ Sót đóng trang phục như đầu bếp nhà hàng cao lâu, mũ bồ đài cao lênh khênh, áo trắng, tạp dề trắng, tay cầm đôi đũa dài khoắng vào chão mỡ sôi sùng sục. Khi đùi ếch đã vàng, lão dùng vỉ nhôm vớt ra xếp vào các đĩa. Mùi thơm ngào ngạt kích thích đến tận con tỳ con vị. Nhưng hấp dẫn hơn cả lại là ếch om củ chuối tuy nghe ra có vẻ tầm thường. Thứ này chỉ nên lấy đùi của ếch cốm, xương còn mềm, dùng sống dao dần nhẹ, ướp nắm muối, gia vị để một lúc cho ngấm. Củ chuối tây chọn những cây chưa ra buồng, thái chỉ hoặc mài nhỏ, ngâm nước vài lần, luộc kỹ, vắt sạch rồi mới cho mẻ cùng đùi ếch đã đảo qua mỡ nóng vào, đun sôi chừng nửa giờ là được. Những phần còn lại chỉ cần thêm ít thịt nạc, băm nhỏ, nặn thành viên cho vào chảo mỡ nóng, sau đó vớt ra nấu măng chua hoặc canh cải làm món thang giã rượu thì không gì hiệu nghiệm hơn.
Tri phủ Đỗ Khánh khoái món ếch om củ chuối. Lão ăn như hùm đổ đó. Đến cuối bữa quan phụ mẫu nửa đùa nửa thật bảo Khúc Đàm:
- Dịp tới có khi thầy chánh phải cho bản phủ mượn tay vệ Sót ít lâu để hắn dạy bọn đầu bếp nấu các món đặc sản từ ếch.
Chánh Đàm mặt tươi rói chắp tay cung kính:
- Đã là lệnh của quan lớn chúng tôi đâu dám không tuân theo.
Viên tri phủ xua tay:
- ấy, đây là việc nhà chứ có phải ở công đường đâu mà nhà thầy đa lễ.
Tiệc được nửa chừng, bà Ba từ nhà xuống bế theo Khúc Luận vào chào quan khách. Thằng bé mặc áo đỏ, mũ nhung đỏ, vòng bạc, xuyến vàng loảng xoảng nơi cổ chân cổ tay, cười toe toét trơ hai hàng lợi đỏ hơn. Bà mẹ mặc áo phin nõn, cổ khoét hơi rộng, yếm hoa hiên, tóc vấn trần, cặp mắt lúng liếng. Nhìn dung nhan Thị Lánh, tri phủ thích lắm, quên cả miếng đùi ếch rán tẩm bột sắp đưa lên cái miệng đầy răng vàng nhờn mỡ, mắt chăm chắm vào khuôn ngực như muốn lột trần người thiếu phụ ra. Viên luật sư Tây học thấy chướng quá, tức mình hích nhẹ vào sườn quan phụ mẫu. Lão chợt tỉnh, vội đứng dậy cúi đầu chào bằng cử chỉ rất nịnh đầm:
- Xin có lời chào bà Chánh.
Thị Lánh liếc xéo Đỗ Khánh, thoáng đánh giá đối tượng rồi nhoẻn miệng cười đáp lễ:
- Quan lớn hạ cố đến ... thật vinh hạnh cho nhà em quá.
Đốc tờ Albert nguyễn thì thầm vào tai viên luật sư bằng tiếng Pháp:
- Liệu lão chánh có giữ được bà ta ?
Luật sư Trần cũng đáp khẽ bằng một câu cách ngôn Pháp mà cả phương Đông và phương Tây đều dùng:
- Hoa thơm mỗi người hưởng một tí.
Lê Văn Vận tiếp loại khách nhà quê ở ngoài rạp, nhìn bà Ba bế con đi đi lại lại, hắn lặng lẽ mỉm cười.
Trong số khách mời chỉ có bố con nhà Khúc Kiệt là không đến. Tuy là em ruột nhưng từ lâu Khúc Kiệt đã coi thường tư cách ông anh nên cấm các con không đứa nào được lai vãng đến nhà chánh Đàm. Ngược lại, chánh Đàm cũng khinh em trai là phường hủ nho, dài lưng tốn vải, chỉ chăm chăm tầm chương trích cú trong mấy quyển sách thánh hiền đã mục nát mà quên rằng vợ con đang đói rách.
Khúc Kiệt đông con, toàn đặt tên đẹp: Văn, Vĩ, Nhân, Nghĩa, Lễ. Lũ con trai giống bố, đứa nào cũng lười, mọi việc đồng áng dồn lên vai bà vợ cùng mấy cô con gái. Khúc Kiệt không biết cày bừa, suốt ngày hết ê a đọc Ngũ kinh lại tha thẩn ngắm mấy chậu cây cảnh hoặc đàm luận với đồ Sách về điển cố vua Vũ mới cưới vợ được lệnh trị thuỷ, ba lần đi qua cổng mà không vào nhà. Trong khi ấy, cơ ngơi của Khúc Đàm lên như diều. Mỗi lần có việc ra ngoài lão cưỡi con ngựa bạch bờm nâu, cổ đeo nhạc đồng kêu loong coong làm ông em càng tức. Được ít lâu, Khúc Kiệt bắt các con đắp tường bịt cổng chính mở lối đi sang phía nhà vệ Toan. Bà vợ thấy chuyện lạ, nghĩ ông chồng đọc sách nhiều hoá rồ liền hỏi:
- Ông điên à ! Mở cổng về phía ấy để ngửi chuồng xí nhà hàng xóm.
Khúc Kiệt gàn cũng chẳng kém gì đồ Sách thủng thẳng bảo:
- Nghe tiếng nhạc ngựa điếc tai không đọc sách được.
Nhà Khúc Kiệt thuộc loại nghèo nhất nhì làng Cùa, so ra có lẽ chỉ hơn dân tá điền vì còn có vài sào ruộng. Quanh năm lão đánh chiếc quần lửng vải bố nhuộm vỏ só dầy như da trâu, vá hàng chục mảnh, có khách mới dám mặc bộ chúc bâu rung rúc may từ mấy năm trước. Ngẫm nghĩ về thân phận mình, có lúc lão ôm mặt khóc hu hu như trẻ con bị đánh đòn. Bà vợ là người hiền lành, chịu thương chịu khó lựa lời an ủi:
- Cái số vợ chồng mình nó thế, ông đừng tự dằn vặt nữa.
Khúc Kiệt nghe vợ nói càng đau lòng, giọng nhoè đi trong nước mắt:
- Mười mấy năm đèn sách, giờ tay trắng vẫn hoàn tay trắng, bà nghĩ làm sao tôi chẳng tủi thân. Người đời nói đúng, "giầu tại phận, trắng tại da". Cứ suy từ lão chánh Đàm ra thì biết. Một gã du thủ du thực bám đít Tây mà mua được hàm cửu phẩm thế có ngược đời không cơ chứ.
- Bác ấy đối xử với nhà mình đâu đến nỗi bạc tình, chỉ tại ông cố chấp.
Khúc Kiệt quắc mắt lườm vợ:
- Đời tôi từ trước đến nay chưa từng xin xỏ đứa nào một đồng kẽm. Chết thì thôi chứ đây đếch thèm luỵ phường trọc phú.
Một hôm đồ Sách sang chơi mang cho Khúc Kiệt mượn mấy cuốn sách về khoa xem tướng và thuật phong thuỷ. Thực ra từ lâu lão không tin vào các trò dị đoan, hơn nữa ông thân sinh, thời làm nghề đạo chích, đã dùng nó như một phương tiện bịp bợm thiên hạ để thực hiện những hành vi bất lương nên càng tỏ ra dị ứng.
Đồ Sách bảo:
- ở đời nhìn nhận sự việc cực đoan quá dễ hỏng việc. Đây toàn là sách thánh hiền cả, bác cứ đọc thử rồi sẽ thấy cái lợi của nó.
Khúc Kiệt lắc đầu:
- Cảm ơn bác. Tôi chừng này tuổi rồi, chẳng dại gì để mấy thứ nhảm nhí ấy mê hoặc.
Đồ Sách có vẻ không phật ý, thủng thẳng nói:
- Thời thế giờ đã thay đổi. Thiên hạ khối kẻ lắm tiền, rửng mỡ, muốn hối lộ thánh thần để yên lòng với những thứ của cải bất nghĩa. Mà tôi với bác đang bị cái nghèo đẩy đến chân tường. "Cùng tắc biến, biến tắc thông". Sách nói vậy. Thế thì hãy thử đọc xem.
Hoá ra sách đoán tướng số và thuật phong thuỷ không hẳn chỉ là trò nhảm nhí. Càng đọc Khúc Kiệt càng thấy không thể dứt ra được. Trong một trăm lẻ tám phép dự đoán số phận qua các đặc điểm nhân dạng có đến quá nửa là dựa vào những chi tiết rất mơ hồ, nói kiểu nào cũng được. Nghĩa là người xưa đã giành một khoảng mở đáng kể cho khả năng quan sát, phân tích và phán đoán của các nhà tướng số học. Còn thuật phong thuỷ thì các nhà trước tác bàn khá kỹ ở phần khái luận. Họ phân tích thấu đáo mối tương quan giữa âm dương với ngũ hành cũng như quá trình biến đổi của các quẻ trong bát quái. Từ những việc lớn như xây cung điện, làm đình miếu đến cách đặt áo quan lúc mai táng đều được kiến giải tường tận chứng tỏ một cách nhìn liên thông, hài hoà giữa vũ trụ và nhân sinh, giữa cái trừu tượng và cái cụ thể, rất không nên coi thường.
Sau hơn nửa năm nghiền ngẫm, mọi thứ dường như đã tinh thông, Khúc Kiệt xách ô, cắp tráp ra đi. Bà Thìn thấy chuyện lạ, hỏi:
- Thầy nó đi đâu thế ?
Khúc Kiệt thản nhiên bảo:
- Mấy người bạn trong hội đồng môn đã tìm cho một chỗ ngồi dạy học. Tôi đến đấy xem sao ?
- ở làng nào ?
- Xa. Đợi lúc về tôi bảo.
Thực ra, làm gì có đồng môn nào mời. Hôm ấy chính là ngày đầu tiên Khúc Kiệt khai nghiệp hành nghề thày tướng. Lão tự nhủ: "Từ nay ta sẽ dấn bước trên con đường thiên lý. Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường, gối đất nằm sương, tắm bụi trần chính là cái nghiệp của nhà phong thuỷ. Chung quy cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, còn việc cứu nhân độ thế đâu cần đến phường hủ nho như lão". Mải ngẫm nghĩ sự đời, chân thập thững đường quan, trời đã ngả bóng lúc nào không hay. Đây là buổi chiều lãng du đầu tiên đối với thầy khoá nghèo kiết xác trên con đường đi tìm lại chính mình. Buổi chiều ấy tuyệt đẹp nếu nhìn từ con mắt thi nhân. Vòm trời trong suốt cao thăm thẳm xanh màu hồ thuỷ, đây đó vài gợn mây trông giống hình vảy cá vừa trắng vừa mỏng phản chiếu một cách yếu ớt ánh nắng đang nhạt dần khi mặt trời xuống gần đỉnh núi Tam Tầng. Trên cao, một con diều hâu với cặp cánh dài, xoè rộng bay là là bao quát toàn bộ dải đồng lúa xanh thẫm. Gió đã chuyển heo may. Lẫn trong gió hình như thoang thoảng mùi ngọc lan từ một ngôi đền nào đó ẩn hiện dưới vòm cây cổ thụ bên đường. Tức cảnh sinh tình, bất giác Khúc Kiệt ngâm nga hai câu trong bài "Đằng Vương các tự" của Vương Bột:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi
Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc[1]
Chập tối, Khúc Kiệt vào làng Vân Hà xin nghỉ trọ. Chủ nhà là một ông già tuổi ngoài sáu mươi tóc bạc trắng mà dáng vóc còn tráng kiện. Gia chủ làm cơm thết đãi khách sau khi được ông thầy tướng mới nhập môn đoán cho vài chi tiết cơ bản về tiền vận. Lời thầy khá mơ hồ chẳng khác gì "Thoán truyện" trong "Kinh Dịch". Đến phần hậu vận thì Khúc Kiệt lên giọng thao thao bất tuyệt phán như thánh sống vì có hơi men bôi trơn cổ họng. Chủ nhà có lẽ cũng biết gã thày tướng bịp bợm nên chỉ im lặng thỉnh thoảng gật đầu ra vẻ khuyến khích. Sáng hôm sau trước khi khách ra đi, ông chủ dặn:
- Tối nay, nếu không tìm được chỗ nào tiện hơn xin hãy về nhà tôi. Cứ hỏi Hàn Hành mấy làng quanh đây ai cũng biết. Tôi có câu chuyện muốn bàn với tiên sinh…
Khúc Kiệt cảm thấy Hàn Hành có điều gì bí ẩn. Trong nhà không có bóng dáng phụ nữ. Giúp việc cho chủ nhân chỉ có hai người đàn ông đứng tuổi mà một trong hai người đó có lẽ câm. Suốt mấy hôm vật vờ trên đường, chẳng có ma dại nào thỉnh, lão lê cặp chân mệt mỏi, định bụng về nghỉ nhờ Hàn Hành vài bữa rồi đi phương khác kiếm ăn. Cũng như buổi gặp ban đầu, chủ nhà lại sửa mâm rượu tiếp đãi rất là nồng hậu. Đêm ấy, khi chỉ còn hai người bên điếu thuốc lào và ấm chè tàu, Hàn Hành bảo:
- Trước đây tôi cũng đã có mấy năm làm nghề thầy tướng.
 Khúc Kiệt giật mình. Trong bụng hơi hoảng nghĩ rằng thế nào cũng bị chủ nhà lật tẩy. Hàn Hành nói tiếp:
           - Cũng là trò lừa thiên hạ lấy tiền thôi. Nhưng nghề này bạc lắm. Tôi hỏi thật. Mấy hôm vừa rồi có kiếm được chút nào không ?
Khúc Kiệt đứng dậy chắp tay vái chủ nhà:
- Xin tiên sinh đại xá cho, tôi vốn là thày đồ, đạo học giờ đã đến hồi mạt vận, đành phải lang thang kiếm bát ăn.
Hàn Hành kéo Khúc Kiệt ngồi xuống, rót thêm một chén rượu rồi bảo:
- Làm nghề này bây giờ chẳng những khó sống mà lại còn nhếch nhác. Tôi thấy bác là người có ý chí lại đang ở vào thời bĩ, nên gia nhập tổ chức của chúng tôi.
-Bác bảo tổ chức gì ? - Khúc Kiệt tỏ vẻ nghi ngờ - Không phải là đi ăn cướp đấy chứ ?
- Không. - Hàn Hành nhẹ nhàng giải thích - Đây là một tổ chức chính trị có sứ mệnh cứu dân cứu nước, thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than do một số nhà ái quốc sáng lập gọi là đảng Cộng sản.
- Thế thì tôi biết, nhưng nghe nói từ năm canh ngọ đến nay, hầu hết các thủ lĩnh của đảng đã bị người Pháp xử tử hoặc lĩnh án chung thân khổ sai. Phong trào của họ đang tan rã.
Hàn Hành mỉm cười thông cảm:
- Không phải thế. Đành những năm qua có không ít cán bộ nòng cốt hy sinh nhưng đảng vẫn còn nhiều chiến sỹ trung kiên đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, giành độc lập dân tộc. Đảng này lấy đấu tranh giai cấpchuyên chính vô sản làm phương châm hành động, mục đích cuối cùng là xây dựng một Nhà nước độc lập, công bằng, hạnh phúc, phồn vinh... không có tình trạng người bóc lột người. Tôi có một số sách báo anh em ở trên tỉnh gửi về, bác đọc qua sẽ hiểu phần nào.
- Chắc là phong trào ở đây đang phát triển mạnh ?
- Cơ sở của Đảng thì mới xây dựng được một vài nơi nhưng quần chúng nhân dân nhất là nông dân ở vùng này rất nhiệt tình ủng hộ Cách mạng. Nếu bác bằng lòng thì ở lại đây luôn. Nhà tôi chính là đầu mối liên lạc của Đảng với các địa  phương trong tỉnh.
Sau khi làm lễ tuyên thệ gia nhập tổ chức, Khúc Kiệt được phân công cùng làm việc với nhóm Hàn Hành gọi là đội "Nghĩa dũng" chuyên trừng trị những kẻ phản dân hại nước làm tay sai cho Pháp. Sinh hoạt phí của họ được quỹ đảng chu cấp. Quỹ này khá lớn do một số nhà tư sản yêu nước quyên góp để mua vũ khí và các phương tiện hoạt động cách mạng.
Từ ngày gặp Hàn Hành, Khúc Kiệt không về nhà. Lão chẳng thèm nhắn vợ con một lời. Tết năm ấy cũng bặt vô âm tín. Dân làng Cùa nghĩ rằng lão đã chết. Nghề thầy tướng lúc này xem ra rất có tác dụng trong việc liên lạc giữa các cơ sở cách mạng. Những tên địa chủ ác bá, quan lại tàn ác lần lượt bị trừng trị. Nổi tiếng nhất là vụ khử viên tri huyện Nam An, thường gọi là huyện Ký. Huyện Ký người được một mẩu nhưng to ngang, cái cổ bè bè như cổ trâu mộng lúc nào cũng đỏ tía giống hệt da gà chọi. Lão ăn bẩn như chó, nghĩa là thượng vàng hạ cám không chê bất cứ thứ gì, rất rương xứng với hoàn cảnh xuất thân là một gã thầy cò, chuyên xui nguyên giục bị và viết đơn thuê cho những kẻ nhiễu sự thích đưa nhau đáo tụng đình. Hắn ngồi trị nhậm chưa đầy ba năm mà vùng Nam An đã xác xơ, dân tình ta oán, uất khí ngất trời.
Hôm ấy, huyện Ký làm giỗ bố. Thực khách phần lớn là chánh tổng, lý trưởng, phó lý cùng một số nhà giầu trong hạt và các thuộc viên huyện đường. Mọi người sắp sửa vào mâm thì có chiếc ô tô chạy thẳng vào tư dinh. Huyện Ký nhìn chiếc xe hơi bóng loáng biết là khách quý lật đật ra đón. Người tài xế mở cửa. Một thanh niên vận Âu phục thong thả bước xuống, theo sau là ông lão bộc hai tay bưng gói quà bọc giấy trang kim thắt dây lụa đỏ cung kính bẩm:
- Quan huyện Nam Ngạn biết hôm nay là ngày kỵ cụ cố nên sai tôi đưa công tử mang chút hoa quả sang thắp hương, mong quan lớn chiếu cố, nhận cho.
 Huyện Ký thoáng nghĩ: "Mình với lão huyện Nam Ngạn từ trước đến nay có đi lại với nhau bao giờ, sao hắn lại biết ngày giỗ ông cụ ? Hẳn phải có ẩn ý gì đây ? à phải. Có thể lão muốn nhắm con Loan cho gã công tử bột này chăng? Thôi được. Cứ biết thế đã". Hắn sai người nhận lễ và bảo:
- Quan nhà thật chu đáo. Mọi việc đã xong, xin mời công tử vào lão lên nhà trên xơi chén rượu nhạt.
Chàng thanh niên cúi đầu từ tạ:
- Thành thật xin lỗi quan lớn, hiện giờ chúng tôi còn có chút việc trình với quan Tuần, xin hẹn dịp khác.
Chiếc ô tô rời huyện đường chừng nửa giờ thì một tiếng nổ long trời làm huyện  Ký toi mạng khi hắn cùng mấy tên gia nhân mở gói quà biếu trong từ đường. Trong vụ này, một cựu học sinh trường Bách Nghệ mượn xe gắn biển số giả, đóng vai "công tử bột" con quan huyện Nam Ngạn, còn người lão bộc không ai khác chính là Khúc Kiệt. Màn kịch ngoạn mục gây ra tiếng nổ trong tư dinh huyện Ký làm chấn động cả tỉnh. Viên công sứ Pháp Đờ Guýt xanh thì nghi cho những người Quốc dân đảng chủ mưu nhưng tuần phủ Vũ Nho thì biết chắc đó là Cộng sản. Dân chúng Nam An hoan hỉ ra mặt. Thực hiện trót lọt công việc, Hàn Hành, Khúc Kiệt được thưởng hai trăm đồng Đông Dương. Một lần ngồi uống rượu với nhau Hàn Hành bảo:
- Lôi kéo bọn chánh tổng, lý trưởng chẳng qua chỉ là hình thức mang tính mặt trận. Nhóm chúng ta mới là hạt nhân của tổ chức Cách mạng. Những vụ thanh trừng bọn tay sai tàn ác như huyện Ký vừa rồi phải tuyệt đối  bí mật. Hở ra là mất mạng như chơi. Từ nay ta tạm nghỉ ít bữa để tránh sự rình mò của mật thám.
- Phải, tôi cũng muốn giành chút thời gian đọc lại mấy cuốn sách về chủ nghĩa Cộng sản.
- Đúng đấy. Chủ trương của ông Mã khắc tư[2] vĩ đại lắm.

(Xem tiếp kỳ sau)








[1] Hai câu trên là của nhà thơ Vương Bột (649-676)đời nhà Đường trong bài tự " Đằng vương các",Tản Đà dịch thànhlục bát:  Cánh cò bay với ráng sa
                                                Một vùng trời nước bao la một màu.
[2] Mã khắc tư : Karl Marx, phiên âm theo từ Hán Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét