« Cụ rùa » Hồ Gươm : rùa vàng hay thủy quái ?
Trương Nhân Tuấn
Trước hết « cụ » có phải là « rùa » thật không đã ?
Tôi không phải là nhà « rùa học » nhưng tôi dám chắc rằng « con rùa già ghẻ lở » (mượn chữ của Trương Duy Nhất) mà nhiều người gọi là « cụ rùa », hiện sống trong Hồ Gươm, không phải là rùa. Tôi dám chắc vì tôi đã từng thấy vài lần con « thủy quái » có hình dáng tương tự như thế ở các nơi tại miền trung và miền nam VN. Một loại thú có dạng như rùa, mai mềm, cổ dài, đặc biệt có cái đầu khá giống đầu rắn, hay thụt ra thụt vào làm người ta liên tưởng đến thứ khác (của đàn ông), cũng gọi là « đầu rùa ». Các loại thủy quái này là loài ăn tạp, tức thứ gì cũng ăn, sống ở môi trường nước ngọt như sông, hồ… Rùa thiêng trong lịch sử của VN là loại rùa vàng, tức « kim quy ». Rùa và thanh kiếm Thuận Thiên của vua Lê Lợi hay thần Kim Quy với nỏ thần của vua An Dương Vương đều là « rùa vàng ». Theo các tranh ảnh minh họa (trên nhiều sách vở) hiện nay tại VN thì rùa vàng có mai cứng và trên mai có vân. Con thủy quái Hồ Gươm là loại « rùa » đen, mai mềm láng mướt không có vân, là loại sinh sống trong vùng ao tù nước đọng, là giống vật đê tiện (bên Tàu người ta hay chửi « rùa đen », tương tự như sỉ vả là đồ đê tiện), và đặc biệt nó rất hung dữ. Con thủy quái ở Hồ Gươm, theo các bài viết đã đăng gần đây, thì nó ăn cả cá chết, thậm chí… chó chết.
Rùa thiêng nào mà ăn cả cá chết, chó chết ?
Tôi thấy loại « thủy quái » Hồ Gươm nhiều lần. Lần đầu vào khoảng các năm 75,76 ở khu vực sông Bé, tỉnh Phước Long. Thời điểm này khu vực Phước Long, sông Bé có nhiều công trường phá rừng, tôi có dịp đến đây với tư cách « thanh niên xung phong ». Con « thủy quái » này bị những chú thợ rừng (tức thợ chuyên cắt gỗ) ở đây bắt được. Đó là một loài thú có mai như rùa nhưng trên mai láng mướt, không có vân, màu xanh đen (y chang như con thủy quái mà nhiều người gọi là « cụ rùa Hồ Gươm »). Con này khá lớn, hai người khiêng bằng cái đòn tre lồ ồ to bằng băp chân mà cây đòn cong oằn. Lần thứ hai tôi thấy tại Pleiku, do người dân tộc thiểu số bắt được. Điều mà tôi ghi nhận là hai con thú này có tiếng kêu quái dị ghê tai và rất hung dữ. Bị trói chặt mà cái đầu vẫn cố thò ra cắn mọi thứ mà nó thấy trước mắt. Con nào cũng bị dao thọc vào miệng, chém vào đầu nhưng vẫn không bớt hung dữ. Hỏi thăm, có người nói đó là loại « cua đinh », người khác thì nói là con « giải ». Không ai nói con thủy quái này là « rùa ». Con đã thấy tại Phước Long, nghe kể, bị bắt là do mắc lưỡi câu, nhưng không phải cắn mồi câu, mà là ăn con chình đã cắn câu (chình là một loại lươn nhưng lớn hơn nhiều lần). Con chình chỉ còn lại cái đầu, to bằng cái chén. Thử tưởng tượng con thủy quái này hung tợn biết bao nhiêu ! Rùa thiêng nào như thế !
Con thủy quái ở Hồ Gươm không thể gọi là « cụ rùa ». Gọi thế là xúc phạm đến « rùa thiêng » trong lịch sử VN, tức là xúc phạm đến danh dự và tình cảm của cả dân tộc VN. Càng không thể gọi nó dưới tên khoa học « rùa Lê Lợi ». Có thể đây là loại cua đinh (hay giải), tức một loại rùa nước ngọt. Có thể con thủy quái Hồ Gươm là loại rùa nước ngọt đặt biệt chỉ có tại Việt Nam. VN không hiếm những loại thú đặc biệt, chỉ có tại khu vực này, như con « sao la ». « Rùa vàng » (và thanh kiếm Thuật Thiên của vua Lê Lợi) là một loại rùa trong huyền thoại, như thần Kim Quy.
Dân tộc nào cũng thế, lúc còn mông muội thì hay dựa vào các huyền thoại, hay đặt ra các huyền thoại, để phấn khích ý chí của cộng đồng vào việc đấu tranh (vói thiên nhiên hay kẻ thù) để sinh tồn. Các câu chuyện như Lê Văn Tám, bác Hồ tìm đường cứu nước… đều là huyền thoại. Chuyện con thủy quái Hồ Gươm, nay đã trở thành « quốc sự », tức việc nước. Nhà nước đã huy động đội ngũ « khoa học » và tiền của của nhân dân để cứu « cụ rùa ». Không ai chống việc làm sạch Hồ Gươm hay việc bảo vệ một con vật sắp tuyệt chủng. Nhưng phong con vật lên thành « thánh », huyền thoại hóa nó, thì quả là tâm lý của lãnh đạo cũng như tâm lý của những nhà khoa học VN rõ ràng đã có vấn đề.
Tệ hại hơn là việc « ném đá » vào người trí thức bộc trực như anh Trương Duy Nhất.
Dân tộc VN, ở vào thế kỷ 21, không lẽ vẫn còn mông muội như vào thời còn ăn lông ở lỗ, vẫn còn tin tưởng ở những chuyện hoang đường ?
Từ khi thực hiện cái gọi là dự án chữa trị rùa Hồ Gươm tiêu tốn khá nhiều tiền của (?tỷ đồng), thông tin rùa Hồ Gươm vắng bóng trên các trang web. Tôi cảm thấy rằng có lẽ sau khi bắt và nuôi trong bể chữa trị mấy tháng ròng, đem lại cho các vị thực thi dự án món lợi hời, con rùa này đã chết queo thì phải với cái tin mù mờ: ngày...tháng... hồi...giờ cụ rùa được bí mật thả về với môi trường hồ gươm...
Trả lờiXóa