Nhãn

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

"PHÊ BÌNH KÍ HIỆU HỌC", MỘT CUỐN SÁCH CẦN ĐỌC




Đặng Văn Sinh


Trưa ngày 6 tháng 9, tôi nhận được cuốn sách PHÊ BÌNH KÝ HIỆU HỌC của nhà nghiên cứu lí luận, phê bình văn học Lã Nguyên gửi tặng theo đường chuyển phát nhanh. Cuốn sách do NXB Phụ nữ ấn hành, khổ 15.5x 23.5 cm, in 1200 bản vừa mới xuất xưởng, còn thơm mùi mực.

Lã Nguyên chỉ là bút danh. Tên thật của ông là La Khắc Hòa, PGS.TS, từng nhiều năm là giảng viên Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tôi đã được đọc một số bài viết của ông đăng trên tuần báo "Văn nghệ" và tạp chí "Nghiên cứu văn học" về văn học Hậu hiện đại. Các tiểu luận của ông đều có giá trị học thuật, thậm chí như những bài học nhập môn chẳng những cho người sáng tác mà còn có tác dụng khai mở khá nhiều vấn đề vốn còn rất mù mờ đối với giới nghiên cứu phê bình xưa nay vẫn chỉ viết theo phương pháp "Hiện thực Xã hội chủ nghĩa".
"Phê bình kí hiệu học" là cuốn sách dày dặn (400 trang) với 14 tiểu luận và một phụ lục. Cuối sách có lời bạt của GS.TS Trần Đình Sử được viết rất công phu mà tôi đã đọc trên trang FB của ông trước khi nhận được sách của Tiến sĩ La Khắc Hòa.
Ngoài phụ lục, tác phẩm chia làm hai phần TIẾNG NÓI THỜI ĐẠI và NGÔN NGỮ TÁC GIẢ. Những bài viết ở phần TIẾNG NÓI THỜI ĐẠI, có thể xem như những nghiên cứu trên bình diện tổng quát từ lý thuyết, còn phần NGÔN NGỮ TÁC GIẢ chính là đem những lý thuyết ấy soi rọi vào từng nhà văn và những sáng tác cụ thể của nền văn học Hiện thực Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gần hai phần ba thế kỷ qua với những diện mạo, sắc thái đặc thù của nó.
Về lý thuyết "Phê bình kí hiệu học", ở Việt Nam, Lã Nguyên được coi là người nghiên cứu chuyên sâu. Ông đem đến cho nền phê bình văn học vốn dĩ khá mờ nhạt một không khí mới và phương pháp nghiên cứu mới, khác hẳn lối phê bình xã hội học dung tục luôn có xu hướng bình, tán tùy hứng nặng về màu sắc chính trị.
Ở phần NGÔN NGỮ TÁC GIẢ, Lã Nguyên đưa ra một số gương mặt văn học tiêu biểu thuộc khuynh hướng sáng tác Hiện thực Xã hội chủ nghĩa trong nền văn học Việt Nam đương đại, trong đó có những nhà văn từng được suy tôn vào hàng "trưởng lão" như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tố Hữu v.v..., sau đó, ông sử dụng lý thuyết KÍ HIỆU như một phương pháp luận cơ bản để khảo sát tác phẩm của họ theo trình tự, cuối cùng rút ra kết luận cụ thể của từng trường hợp.
Trong 8 gương mặt văn học được Lã Nguyên nghiên cứu, tôi mới chỉ kịp lướt qua tiểu luận "Thơ Tố Hữu - Kho 'kí ức thể loại' của văn học từ chương...", nhưng sau khi đọc xong, tôi thật sự ngỡ ngàng bởi cách tiếp cận và lý giải thơ Tố Hữu của ông. Theo tác giả, chiến lược diễn ngôn của thơ Tố Hữu lại là TRUYỀN THUYÊT, một thể loại văn học có từ thời trung đại. Từ chiến lược diễn ngôn ấy dẫn đến sự lựa chọn ngôn ngữ thế giới quan và các mô thức tu từ.
Lã nguyên phát hiện ra Tố Hữu đã kiến tạo "ba bức tranh thế giới" băng ba loại ngôn ngữ thế giới quan. Đó là "ngôn ngữ nhà binh", "ngôn ngữ dòng tộc" và "ngôn ngữ hội hè". Tác giả cũng khẳng định, thơ Tố Hữu là loại thơ tuyên truyền cổ động nhưng nó réo rắt có sức mạnh lôi kéo công chúng một thời bởi nó được biểu đạt bằng "bốn mô thức tu từ" là "Thệ", "Hịch", "Ca thi" và "Đại cáo". Qua cách phân tích và dẫn chứng rất thuyết phục của tác giả, người đọc dễ dàng nhận ra ngay bản chất thơ Tố Hữu là gì, nó nằm trong hệ hình thẩm mĩ nào và vì sao nó chỉ là sản phẩm tinh thần của một thời.
Đọc tiểu luận này, tôi càng ngộ ra, muốn nhận xét, bình giá một tác phẩm văn học, trước hết cần phải biết cách đọc. Mà muốn biết cách đọc thì phải được trang bị lý luận cơ bản. Không ai phê phán ta nhận xét, bình giá một cuốn sách bằng cảm tính. Nhưng đấy chỉ là nhất thời. Sau những cảm xúc ban đầu của sự tiếp nhận là cả một đại dương mênh mông về thi pháp...
Bến Tắm, 7.9.2018
Đ.V.S.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét