Nhãn

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo kỳ trước)





Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


                  PHẦN THỨ HAI

Chương mười                                  

2


Toán dân quân hơn chục người dưới sự chỉ huy của Xã đội trưởng Bùi Quốc Tầm mang theo bảy khẩu súng trường, năm quả lựu đạn mỏ vịt và một cuộn thừng trâu rời làng Cùa lúc năm giờ chiều. Bọn này phần lớn là dân lực điền, chân bàn cuốc, gai đâm không thủng, chạy bộ chục cây số chẳng bõ bèn gì. Bùi Quốc Tầm con ông Bùi Khắc Nhũ, tiên chỉ làng Đậu Khê. Ông Nhũ làm nghề thiến lợn, quanh năm xách thòng lọng khắp mấy tổng Kim Đôi, Ngân Đôi, Cao Xá, đến ngõ nào cũng cất giọng lanh lảnh bằng một ngữ điệu rất truyền cảm: Thiến lợn ơ! Tài thiến lợn của Bùi Khắc Nhũ vùng Ba Tổng không ai bì kịp.Vừa vào đến cửa chuồng, con lợn chưa kịp nhận ra người lạ thì một cẳng đã bị thít thòng lọng lôi ra. Ông thợ chụm ngón tay xoa nhẹ dưới háng, gãi gãi mấy cái như một trò đùa rồi bất ngờ đưa xoẹt một đường dao làm chú ta giãy nảy lên. Chỉ một loáng, hai hạt cà đã được móc ra nằm gọn trong chiếc bát da lươn . Lấy vợ từ lúc mười sáu tuổi, đến năm ba mươi sáu vợ Bùi Khắc Nhũ đẻ liền bảy cô con gái. Trong nhà toàn vịt giời, lúc nào cũng cãi nhau chí choé, mất thớ với cánh đàn ông trong giáp, họ Bùi liền nghĩ đến chuyện đi gửi thiên hạ. Vốn sẵn máu phong tình, bác thiến lợn không khó khăn lắm trong việc thả lời ong bướm tán tỉnh các cô quá lứa nhỡ thì hoặc đàn bà goá nạ dòng. Một trong những đối tượng say Bùi Khắc Nhũ như điếu đổ là bà phó Nhu chồng chết từ ba năm trước có cô con gái câm, đã mười tám trăng tròn mà không có anh trai làng nào đánh tiếng. Ông Nhũ qua lại làng Báng chừng già nửa năm thì bà phó Nhu có mang, ít lâu sau sinh được thằng con trai mặt giống bố như tạc nhưng cặp chân lại vòng kiềng. Bà Nhũ mừng lắm dắt bảy cô con gái mang một làn trứng và cặp gà mái ghẹ sang thăm cậu quý tử và nhận bà Nhu làm chị em. Thằng cu Tầm được hơn hai tuổi thì cô Câm lại có mang. Dân làng Báng tức lắm, họ cử đám tuần đinh rình ở đống Chùa lừa bắt Bùi Khắc Nhũ tống vào bao tải quẳng xuống ngòi. Số bác thiến lợn còn may, bao không buộc túm đầu, ông ta giãy giụa một lúc, uống vài ngụm nước thì tuồn  được ra. Sau này Bùi Quốc Tầm lớn lên hay về Bối Khê thăm bố, còn ông Nhũ, cho đến cuối đời tuyệt nhiên không dám trở lại kẻ Báng.

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Ký ức làng Cùa (tiếp theo)



 
Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh


                  PHẦN THỨ HAI

Chương mười
                                               

         1

Tháng bảy năm năm tư, làng Cùa bắt đầu Cải cách ruộng đất. Ban chỉ đạo có ba thành viên do một người dong dỏng cao, tóc xoăn, khoảng hăm bảy hăm tám tên là Lạc làm Đội trưởng. Đội Lạc xuất thân thành phần cố nông. Bố mẹ quanh năm làm mướn cho lý Đăng. Một năm nước lụt vỡ đê, mất mùa, bà mẹ ra sông Vệ mò tôm chết đuối mất xác. Tháng tư năm Dậu, sau trận đói khủng khiếp, đồng điền bỗng như có phép lạ, lúa tốt bời bời, khắp xóm dưới làng trên chỗ nào cũng thấy mùi no ấm. Dân kẻ La trông ngóng từng ngày, nóng lòng nóng ruột chờ lúa đỏ đuôi là gặt thử làm một bữa cơm mới cho bõ những ngày ăn củ chuối hoặc rễ rau rền lẫn với cháo cám. Lạc còn nhớ, nửa đêm hôm ấy ông Lục ra thửa ruộng lĩnh canh cắt trộm mấy chục lượm mang về nhà vò rồi cho vào cối giã. Thóc tươi, nhiều hạt còn xanh lè nhưng cuối cùng cũng được nấu thành cơm. Đó là nồi cơm trắng toả mùi thơm đặc biệt hấp dẫn làm cả hai bố con đều nuốt nước miếng ừng ực. Cơm vừa bắc ra bất ngờ Lạc bị một cơn đau bụng dữ dội. Người anh ta toát mồ hôi hột, hai thái dương nhức như bị thít bằng một thứ đai sắt cứ mỗi lúc lại xiết chặt thêm. Ông Lục phải giã ngải cứu vắt nước cho uống nửa giờ sau mới đỡ. Khi Lạc ngủ, ông bố đói quá mở vung nồi xúc cơm ăn trước. Thức ăn chỉ có nắm cua với mấy ngọn rau lang luộc nhưng vì đã bốn ngày chưa có gì vào bụng nên ông đánh liền một lúc sáu bảy bát. Ngon quá. Ông định làm thêm bát nữa cho đỡ thèm rồi đi nấu cháo cho Lạc, bỗng nhiên cảm thấy trong bụng như có cái gì vỡ ra kêu đến bục một tiếng. Ông rùng mình, toàn thân ớn lạnh rồi nằm vật xuống không biết gì nữa. Cơn đau làm Lạc kiệt sức, ngủ mê mệt gần tối mới tỉnh dậy thì thấy ông bố nằm co quắp dưới nền nhà, người đã lạnh cứng. Anh ta sợ quá chạy ra cổng hô hoán. Cụ khoá Lềnh ở kề hàng rào sang sớm nhất, nhìn thấy bộ dạng ông hàng xóm, chép miệng bảo:
- Rõ khổ! Bác ấy ăn cơm mới no quá bục dạ dày.

Tìm hiểu về một số bài thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn

Tìm hiểu về một số bài thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn

Trần Tư Tề
(Nghiên cứu sinh Trung văn, Đại học Đông Hải, Đài Loan)

1-      Lời đầu
Thơ “Vô đề” do Lý Thương Ẩn sáng tác thường rất khó hiểu nhưng lại vô cùng hấp dẫn các thế hệ độc giả. Đối với thể loại thơ này, Lý Thương Ẩn từng giải thích: “Sở vũ hàm tình câu hữu thác” (Mưa Sở ẩn chứa cái tình đều có sự ký thác). Từ những nét lớn trên mà xét, thơ của ông nằm trong số ít, riêng biệt có sự ký thác, phần lớn đều lấy tình yêu nam nữ làm đề tài, diễn tả tình ý triền miên, hình ảnh sinh động, khiến độc giả mọi thời đại đều nhiệt tình tán thưởng.
Có thể nói, thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn thuộc dòng bác học tuyệt mỹ, phong cách riêng biệt, xứng đáng là một trường phái trong dòng thơ tình yêu cổ đại Trung Hoa.(1) Lưu Đại Kiệt cũng nhân xét: “Thơ ‘Vô đề’ của Lý Thương Ẩn thuộc thể loại trữ tình, nghệ thuật diễn đạt đặc sắc, được truyền bá rộng rãi, có ảnh hưởng lớn đối với hậu nhân. Đọc những bài thơ này, chúng ta càng hiểu, Lý Thương Ẩn miêu tả tình yêu bằng thủ pháp kỳ diệu. Ông có sở trường nghiêm túc mà không khinh bạc, trong sáng mà không nông cạn, có tình cảm chân thực trong sự thể nghiệm chân thực, trữ tình mà sâu sắc, ý tứ tinh tế mà thâm viễn”.(2)
Những bài thơ này luôn diễn tả thứ tình cảm chân thành, ai oán, buồn thảm, không chỉ làm xúc động lòng người bằng thi luật tinh xảo, cảnh ngộ u sầu mà còn ở âm điệu hòa hợp, khiến người đọc “nhất xướng tam thán”. Đồng thời, cùng một lúc, lại có sự hòa điệu, khiến người đọc nhận được sự giao cảm giữa âm điệu và sắc thái. Đó chính là điều làm cho rất nhiều độc giả, qua cả ngàn năm, vui vẻ đón nhận sự kỳ diệu của nó.(3) Nói cách khác, sở dĩ, thơ Lý Thương Ẩn được nhiều người hân hoan đón nhận chính là bởi thể loại “Vô đề”.