Nhãn

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Ký ức làng Cùa




Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

             Chương chín  (Tiếp theo)
 

Sau khi rời khỏi làng Cùa, cuộc đời Nhân lại sa vào một bi kịch. Hôm ấy, bụng mang dạ chửa, Nhân cắp gói quần áo đi dọc triền đê, mấy lần định nhảy xuống sông Lăng nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng lại chần chừ không nỡ. Khoảng nửa chiều có con đò dọc đậu ở bến Tam Giang sắp xuôi Vạn Giã, cô đánh liều bước xuống xin đi nhờ về kẻ Lủ. Nhìn thấy cô gái xinh đẹp ăn mặc nền nã tay chủ đồng ý ngay. Hắn ta trạc ba tư ba nhăm, rậm râu, tóc húi móng lừa, bắp tay bắp chân cuồn cuộn, ngực nở mày rậm, đặc biệt cặp mắt hoang dại như mắt chó sói nhìn ai cũng muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Nhưng bà chủ thuyền còn ghê gớm hơn nhiều. Mụ ta có khi phải hơn chồng năm bảy tuổi, nhác trông chẳng khác gì loại Tú Bà chuyên nghề buôn son bán phấn, đã hết thời xuân sắc phải xuống sông chạy đò dọc. Nhìn thấy Nhân, bà ta ghét lắm định tống cổ lên bờ. Ngữ này cho xuống thuyền chỉ hỏng đám chân sào. Chưa biết chừng gã chồng háo sắc nát rượu kia cũng thèm rỏ rãi cũng nên. Nghĩ vậy mụ ta gọi Nhân vào trong khoang hỏi :
- Cô tên là gì?
- Thưa bà, cháu tên là Nhân.
- Quê quán?
- Thưa . . .ở làng . . .Yên Ninh. -  Nhân buột miệng nói dối.
- Cô có mang phải không?
- Cháu . . .chót dại.
Bà chủ thuyền gật đầu khẽ “hừ” một tiếng :
- Hiểu rồi. . . Bây giờ phải cho cái thai ra đã.
- Thưa bà! Cháu…

Nguyên khí


               NGUYÊN KHÍ
                   Tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường

         9. ỨC TRAI TIÊN SINH


               Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
               Trông thế giới phút chim bay. 

                    ( Mạn thuật 4 – Quốc âm thi tập – Nguyễn Trãi)


Lại nói về quan Thừa chỉ Hành khiển Nguyễn Trãi.
Tận dụng những ngày ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã dồn hết tâm trí để hoàn thành bộ “Quốc triều Hình luật” mà ông đã hứa với vua Lê Thái tổ trước phút ngài lâm chung. Đây cũng chính là phần hai của “Bình Ngô sách” mà ông từng tâu lên Bình Định vương khi hội kiến người ở Lam Sơn. Ông từng nói với Lê Lợi:“Giành lại nước trong nanh vuốt giặc Ngô lúc này là vô cùng gian nan cực khổ, nhưng không phải là bất khả. Thời Trần thế giặc Nguyên Mông còn lớn gấp bội giặc Minh bây giờ. Vó ngựa quân Mông Cổ từng tung hoành khắp mặt đất, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, giặc Thát dày đạp Trung Nguyên, khiến người Hán mấy chục năm sau còn khiếp sợ. Vậy mà đến nước Nam ta thì thất bại. Hưng Đạo Đại vương cùng vua tôi nhà Trần ba lần làm cho giặc Nguyên Mông vỡ mật, Thái tử Thoát Hoan phải chui ống đồng mới toàn mạng… Chỉ cần chúa công dùng chước “mưu phạt tâm công” biết đánh vào lòng người, biết dựa vào sức dân, thì nguy nan đến mấy, Đất Nước cũng có ngày giành lại được. Nhưng thưa chúa công, giành được độc lập đã khó, nhưng xây nền tự chủ còn nguy nan gấp bội…”
Rất tiếc là ngay sau khi giành được độc lập, vua Lê Thái tổ đã quá say sưa chiến thắng, choáng ngợp vì vinh quang, tự mãn về công đức, đem lòng nghi kỵ công thần, thích nghe  bọn xu xiểm, bỏ ngoài tai lời nói thẳng. Tiếp đến là những năm ông vua trẻ Lê Thái Tông ham chơi, ít chịu học, ưa dùng bọn lộng thần. Vì thế việc lớn nhất là xây dựng rường cột quốc gia, đưa triều chính vào kỷ cương, khuôn trăm họ sống theo luật pháp… vẫn chưa làm được.
 Nguyễn Trãi cáo quan, bãi triều, tiếng là trí sỹ, ẩn dật, nhưng tất cả tâm trí sức lực vẫn dồn hết cho bộ “Quốc triều Hình luật” mà ông đã thai nghén từ thuở “góc thành nam lều một căn”. Rồi từ hơn chục năm nay, ông cùng các văn thần đồng môn đồng tuế  bao phen lao tâm khổ tứ, đào bới từ những tàng thư bị giặc Minh tiêu hủy để tìm vốn liếng còn lại của ông cha, nhờ các đoàn sứ thần sưu tầm các bộ hình luật của các triều đại Đường, Tống, Minh… để tra cứu, tham khảo. Bây giờ thì bộ sách đồ sộ “Quốc triều Hình luật” gồm 6 quyển, 13 chương, hơn 700 điều, đã hầu như hoàn thành, đang nằm trên án thư kia. Đó sẽ là món quà quí giá nhất mà Trãi này sẽ dâng lên đức vua để ngài phê chuẩn ban bố cho trăm họ. Nước Nam ta từ nay sẽ có quốc luật, quy định mọi hoạt động của nhà nước từ triều đình đến hương xã, từ quan đến dân; mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hoá, chủ quyền, lãnh thổ, bang giao, quân sự, thuần phong, mĩ tục; một bộ luật kỳ vĩ, là rường cột quốc pháp cho  muôn sau.

VÔ ĐỀ

VÔ ĐỀ
(Cảm tác về một chữ “ngông” trong thơ Nguyễn Văn Diệp)

Ai về nhắn bác Diệp nuôi ong(1)
Thơ bác dạo này vẫn…vú mông?(2)
Mật đặc dăm thùng thơm vị nhãn(3)
Đường thi mấy “bị” tỏa mùi…ngông
Một đời dâu bể cười như mếu(4)
Thế sự vô thường có lại không
Mới biết trăm năm là khoảnh khắc
Kinh Thầy (5) cuồn cuộn chảy về đông.

Chí Linh, 21/6/2015
Đặng Văn Sinh
Ghi chú:
(1): Nguyễn Văn Diệp là chuyên gia nuôi ong nổi tiếng của vùng Nam Sách, Hải Dương.
(2): Thơ Đường Nguyễn Văn Diệp thường có những bài hài hước mang yếu tố sex.
(3): Ong được thả ở vùng nhãn mùa ra hoa nên mật có hương thơm của nhãn.
(4): Nguyễn Văn Diệp tuổi Mão (1939), đồng khóa với nhà văn Tô Đức Chiêu, tốt nghiệp ĐH Bách khoa, nhưng gia đình bị quy lên địa chủ, ông thân sinh bị xử tử trong CCRĐ, chẳng những không được trọng dụng mà còn luôn bị kỳ thị thành phần giai cấp.
(5): Con sông chảy bên cạnh làng An Ninh (nay là 2 thôn An Đông và Anh Đoài, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương).