Nhãn

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Ký ức làng Cùa (Tiếp theo)

              Ký ức làng Cùa

                         Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh




                                             Chương sáu



                                                                        2


Đến tháng thứ tư thì cái bụng của Nhân không thể giấu được nữa. Những người phát hiện ra sự kiện này trước hết là đám phụ nữ xóm Đình. Bà Cả Huê vội chớp thời cơ, Trong âm trí người đàn bà đáo để này đã mường tượng ra hình ảnh cô con gái xinh đẹp của lão em chồng bị gọt tóc bôi vôi trên chiếc bè chuối nổi phập phềnh giữa sông Lăng trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ.
Về phần mình, trước khi cử Trương Tòng đi báo quan, Ngô Quỳnh không ngờ được sự việc lại phức tạp đến thế. Ông ta chỉ muốn gã Việt Minh trai lơ biến khỏi làng Cùa càng sớm càng tốt để hắn khỏi phá hỏng kế hoạch tán tỉnh Khúc Thị Nhân của mình. Chuyến này mà Khúc Kiệt kéo quân về thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu con gái ông ta bị làng phạt vạ. Viên Lý trưởng thầm nghĩ, thời thế sắp thay đổi rồi mà bà vợ goá lão Chánh Đàm vẫn thù dai như đỉa. Thật là đồ ngu. Phải tìm cách xử lý ngay, nếu không con mẹ đồng bóng ấy kích động cánh Phó lý Kiền, cửu Nghi, binh Tào vốn rất hăng hái trong việc bảo vệ hương ước thì cô ta khó mà thoát khỏi hình phạt.
Chập tối hôm sau, Lý Quỳnh sang nhà Nhân. Cửa vẫn đóng im ỉm. Ông ta sinh nghi liền xách tay thước ra bờ ao Quan. Loanh quanh gốc cây gạo đổ khá lâu, vị Lý trưởng đa tình lại vào vườn chuối tìm kiếm. Khu miếu hoang vẫn hoàn toàn im ắng thỉnh thoảng có tiếng cú rúc, chứng tỏ quanh đây vắng người. Một ý nghĩ chợt thoáng qua, Ngô Quỳnh hấp tấp chạy lên đê. Từ xa, một bóng người hiện ra lờ mờ dưới ánh sao đêm, vai quàng khăn gói lững thững đi dọc bờ sông. Trên cao, một con vạc lẻ loi từ rừng Hóp hối hả sải cánh sang bên kia cồn Vành bắt đầu cho buổi kiếm ăn. Mặt sông đen thẫm, thỉnh thoảng mới dậy lên tiếng lao xao lười nhác như tiếng thở dài của kẻ thất tình khi bất chợt có ngọn gió mệt mỏi từ Ngã ba Môi trườn về. Người phụ nữ thẫn thờ, một mình đối diện với dòng sông, thỉnh thoảng lại ngẩng lên nhìn bầu trời sao. Lý Quỳnh lặng lẽ đến bên khẽ gọi:
- Cô Nhân!
Người phụ nữ không quay lại, thản nhiên bước xuống mép nước.
- Cô Nhân! Đừng làm thế. Đời người ta đâu phải con sâu cái kiến mà bỗng chốc bỏ phí.
- Ông Lý về đi! - Nhân lạnh lùng bảo.
Ngô Quỳnh bước dấn lên giọng dứt khoát:
- Sau vụ Nhật càn năm trước, tôi đã hứa với ông khoá chăm sóc cô. Hoàn cảnh lúc này cũng có chỗ khó nói nhưng mà …. ý tôi đã quyết.
Lý Quỳnh chưa nói hết câu thì Nhân đã gieo mình xuống nước. Ông ta hốt hoảng, để nguyên cả quần áo nhảy theo. Đêm cuối tháng không trăng. Mặt sông vẫn mờ mờ phản chiếu những vệt sao lưa thưa viền quanh đám mây bạc hình dạng như con cá sấu vắt ngang cồn cát. Sông chảy không xiết lắm nhưng đoạn này thường có nước quẩn, ông Lý phải lặn ngụp một lúc khá lâu mới đưa được Khúc Thị Nhân lên bờ.
Sáng hôm sau, Lý Quỳnh sang nhà, thấy Nhân đã dậy được liền trách:
- Sao cô dại thế. Đời con gái còn dài, tội gì mà chết.
Nhân cười nhạt:
- Ông cứu tôi làm gì. Chết như thế còn thanh thản hơn là để làng đóng bè trôi sông.
- Cô lầm rồi .  - Ngô Quỳnh thong thả bảo . - Tôi thách đứa nào ở vùng Ba Tổng này dám động đến sợi tóc trên đầu cô.

Nguyên khí (Tiếp theo)



NGUYÊN KHÍ

Hoàng Minh Tường

                      
                    2. NGUYỄN KHUÊ

                                Quân thân chưa báo lòng canh cánh
                                        Tình phụ cơm trời áo cha

                              (Ngôn chí - 8 - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi ) 

Bấy giờ là mùa thu Nhâm Tuất (1442), Đại Bảo năm thứ ba, đời vua Lê Thái Tông. Khắp kinh thành Đông Kinh, dân chúng đều kháo nhau về ông vua trẻ mới chớm hai mươi  tuổi đã có tới sáu vợ và sinh liền trong hai năm ba hoàng tử. Bọn trẻ con chăn trâu vùng Kẻ Mui truyền nhau bài đồng dao rằng:
Thả đỉa ba ba
Con gái đàn bà
Gặp nhà vua trẻ
Liền sinh con rồng
Vua phong Hoàng hậu
Rồi phế  như không
Vua lập Thái tử
Lấy rắn thay rồng
Ai muốn vận may
Muốn truyền ngôi báu
Thì về kinh ngay...
Bài đồng dao này ám chỉ  Lê Nguyên Long, tức vua Lê Thái Tông.
Số là, năm Quý sửu (1433) sau khi vua Lê Thái Tổ băng, theo di chiếu, người kế  vị ngôi báu, được truyền cho Lê Nguyên Long, con thứ, lúc đó mới 11 tuổi.
Trước đó, các quan trong triều và  dân chúng trăm họ đều đinh ninh rằng, nhất định đức Thái Tổ sẽ truyền ngôi cho con trưởng là  Quốc Vương Tư Tề, đã 24 tuổi, võ nghệ cao cường, trí dũng mưu lược. Tư Tề tuổi trẻ nhưng chí cao, từng theo cha trên khắp nẻo đường chinh chiến, chưa đầy 20 tuổi đã theo kế sách của Nguyễn Trãi cùng Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin để kết thúc cuộc binh đao trong hòa hảo. Quốc vương Tư Tề từng được các đại thần như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú và Nguyễn Trãi phò tá, tiến cử làm người kế vị ngôi báu. Vậy mà kết cục lại không phải như vậy. Đức vua Lê Thái Tổ, cho tới lúc lâm chung vẫn không thể quên lời nguyền với Huệ phi Phạm Thị Ngọc Trần, mẹ Nguyên Long, bên bờ sông Khả Lam năm nào...

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Nguyên khí


HOÀNG MINH TƯỜNG


 NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết                                           

“Nguyên khí” là cuốn tiểu thuyết viết về hai nhân vật lịch sử nổi tiếng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ thời Lê sơ (thế kỷ XV) của nhà văn Hoàng Minh Tường, được Nhà xuất bản DÂN KHÍ ấn hành năm 2014, mạng Amazon và shop Người Việt  phát hành. Là tiểu thuyết lịch sử nhưng thực chất lịch sử chỉ là điểm tựa tạo niềm cảm hứng cho tác giả thể hiện quan điểm thẩm mỹ thông qua hệ thống nhân vật và bối cảnh xã hội hư cấu. Lịch sử nhân loại thường được ghi chép không mấy trung thực, nhất là với lịch sử Việt Nam, qua hàng ngàn năm chống ngoại xâm và nội chiến khốc liệt giành vương quyền đã để lại nhiều điểm mù mờ, tạo nên những góc khuất, cho đến ngày nay vẫn còn là những câu hỏi lớn. Vì vậy, không lạ gì, khi cùng một sự kiện ghi trong Quốc sử, nhưng mỗi nhà văn lại có quan điểm khác nhau khi khai thác và sử dụng tư liệu. Vì thế,  Alxandre Dumas (cha) khi viết tác phẩm “Ba chàng ngự lâm” (Les trois mousquetaires) đã từng tuyên bố Lịch sử chỉ cái đinh để nhà văn treo bức tranh vẽ theo trí tưởng tượng của mình”. Có thể xem như đó là một tuyên ngôn của nghệ thuật.
Về mặt phương pháp sáng tác, “Nguyên khí” hầu như không chịu sự chi phối của thi pháp tiểu thuyết lịch sử truyền thống. Tác giả phá vỡ hệ thống quy phạm vốn đã được “tiêu chuẩn hóa”. Ông có vẻ như không coi trọng lắm các sự kiện lịch sử, mà tập trung khai thác bản chất lịch sử thông qua thao tác phản biện.
Có thể nói, viết “Nguyên khí”, Hoàng Minh Tường thay đổi hẳn bút pháp nếu so với “Gia phả của đất” và “Thời của thánh thần”. Mạch truyện không theo trình tư tuyến tính mà phát triển theo kiểu gián cách. Hệ thống nhân vật lịch sử và hiện tại đan xen vào nhau cùng với những bình luận ngoại đề của nhân vật hay của chính tác giả, tạo nên một văn bản nghệ thuật hấp dẫn, trong đó có không ít trường đoạn mang yếu tố trào lộng, giễu nhại của phương pháp sáng tác Hậu hiện đại.
Tính chân thực của “Nguyên khí” được dẫn dắt bởi mạch truyện linh hoạt kết hợp giữa các sự kiện lịch sử và hư cấu nghệ thuật xung quanh vụ án Lệ Chi Viên làm người đọc bị bất ngờ qua hàng loạt tình huống giầu kịch tính. Câu chuyện bắt  đầu bằng việc ông trưởng tộc họ Đoàn xứ Đoài bất ngờ tìm được bộ “Long Thành tạp ký”  bằng chữ Hán , ghi chép về vụ án Lệ Chi Viên do cụ tổ Ứng Nhân Đoàn Khâm để lại từ năm trăm năm trước. Và cũng từ bộ sách quý này mới nảy sinh ra chuỗi nhân vật giầu cá tính, đầy bản lĩnh nhưng cũng thấp thoáng chút hài hước là hai “nhà buôn văn hóa” Cao và Thấp, giáo sư Hán học Hoàng, tiến sĩ Bùi La Việt, chủ nhiệm Huỳnh Đạo. Tuyến nhân vật hiện đại này tuy mỗi người một vẻ, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là đều kính trọng, tôn vinh Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, đồng thời tìm mọi cách trả lại danh dự cho hai danh nhân văn hóa sau cái chết oan khuất của họ cách đây hơn bảy trăm năm.
Có thể xem, “Nguyên khí” là một văn bản nghệ thuật kết hợp giữa  quá khứ và hiện tại, được soi rọi bằng nhãn quan thấu thị của người cầm bút lách vào những góc khuất thời gian mà không bị chi phối bởi ý thức hệ, nhằm tìm ra được chân tướng lịch sử vốn bị mù mờ do các sử gia để lại.
Nguyên khí là bi kịch không chỉ một thời của giới trí thức Việt Nam. Nó là nỗi đau tận tâm can của nhiều thế hệ bởi chúng ta chưa tự thắng được sự hèn yếu của mình.
Đặng Văn Sinh

   
“… HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA. NGUYÊN KHÍ  THỊNH THÌ THẾ NƯỚC MẠNH MÀ HƯNG THỊNH, NGUYÊN KHÍ SUYTHÌ THẾ NƯỚC YẾU MÀ THẤP HÈN. VÌ THẾ CÁC BẬC ĐẾ VƯƠNG  THÁNH MINH KHÔNG ĐỜI NÀO KHÔNG COI   VIỆC GIÁO DỤC NHÂN TÀI, KÉN CHỌN KẺ SĨ,  VUN TRỒNG NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA LÀM CÔNG VIỆC CẦN THIẾT…”

Thân Nhân Trung
( Văn bia Tiến sĩ năm Nhâm Tuất,1442)
VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM
HÀ NỘI


“ … Tấn thảm kịch thực sự của Nguyễn Trãi là tấn thảm kịch của một vĩ nhân sống trong một xã hội quá ư bé nhỏ.”

                                                           YVELINE  FÉRAY

 

                                                             SG. Ngày 16/8 Nhâm Thìn (1/10/2012)
                                                                  PHÁT PHẪN TRƯỚC THƯ


1. ỨNG NHÂN ĐOÀN KHÂM


             Tình  thư một bức phong còn kín
                  Gió nơi đâu gượng mở xem

                        (Cây chuối - Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)


Có khách lạ từ Hà Nội về thăm ông thủ từ đình làng Động.
Chiếc xe Vios màu bạc từ đường nhựa đi thẳng vào cửa đình. Hai ông khách, một trung niên một trẻ, ông trung niên cao gầy, tương phản đến hài hước với ông trẻ béo lùn đeo kính cận, giống hệt như hai thầy trò Don Quixote và Sancho Panza của văn hào Miguel de Servantes  nước Tây Ban Nha. Hai ông khách thông thạo đường đi nước bước còn hơn cả người làng, đến tận phòng cụ thủ từ, thì thào với cụ điều gì đó khoảng nửa tiếng đồng hồ, rồi phóng xe đi ngay.
Ngày hôm sau, một đoàn năm người, do cụ thủ  từ dẫn đầu, đón taxi ra gặp hai vị khách. Được hai ông tận tình hướng dẫn, đưa đi gặp ban này, phòng nọ, sở kia, nhưng quan trọng hơn cả là họ được gặp sư trụ trì chùa Thái Cực.
- A di đà Phật - Sư trụ trì cung kính chắp tay đáp lễ và nói - Làng ta phúc lộc cao dày. Phải có duyên có phước lắm mới được đức Phật độ trì.
Nói rồi sư trụ trì đưa người làng Động vào hậu cung, tận mắt nhìn thấy một tấm bia đá hình chữ nhật chi chít chữ nho, bề rộng chừng hai gang tay, chiều cao hơn ba gang tay, xung quanh chạm nổi hoa dây và rồng phượng. Tấm bia dựng áp tường, phía dưới là một ngăn tủ chìm, xếp vừa một hòm sắc cổ, trong đó có những bảo vật của làng Động từ hơn năm trăm năm trước.
Công việc xác nhận, bàn giao và đưa tấm bia đá cùng hòm sắc cổ về làng được tiến hành lặng lẽ, khẩn trương, nhưng cũng phải kéo dài hai mươi mốt ngày mới hoàn tất.
Một lễ mở cửa đình bất thường giữa mùa hè đã được các cụ phụ lão làng Động tiến hành suốt ba ngày ba đêm. Sau kỳ lễ, tấm bia đá được gắn vào chân tường phía bên tả  nhà bái đình, còn chiếc hòm sắc cổ phủ  vải điều đã được trang trọng đặt vào hậu cung, trước ngai thờ Thánh, nơi lưu giữ các báu vật linh thiêng của làng.