Nhãn

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Ký ức làng Cùa

               Ký ức làng Cùa

            Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

                       Chương bốn
                                (Tiếp theo)

                                                3

   S
au trận lũ mười một ngày, nước rút mới thấy quan phủ Đông Giàng cưỡi ngựa về vùng Ba Tổng. Không phải ông ta quan liêu mà cái chính là nước lũ phá hỏng nhiều đoạn đường, ô tô không đi được. Chả lẽ các bậc " dân chi phụ mẫu" lại lội bộ hàng mấy chục cây số từ phủ đường về làng Cùa chỉ để an ủi những xác chết.
Đã nhận được công văn từ trước, cánh chức dịch lếch thếch kéo ra đình bàn nhau xin miễn thuế. Ngôi đình làng, thường gọi là đình Cả, to và đẹp vào bậc nhất hàng tổng, giờ tan hoang , xơ xác đến thảm hại. Bùn đất, rác rưởi phủ dày hàng tấc trên sàn gỗ lim. Một con chó trụi sạch lông, cái miệng ngoác ra toàn răng là răng, chẳng biết của nhà ai, chễm chệ "ngự" trên long án thành hoàng trong hậu cung, thỉnh thoảng lại rên ư ử vì đói. Tám bộ cánh cửa bức bàn bị gẫy, đổ liểng xiểng , trôi giạt khắp ao. Một bộ gọng vó bè với chiếc lều đã tước hết rơm rạ mắc cứng vào cây mẫu đơn ngay trước sân đình. Cái đầu con voi đá bên tả vu vỡ một miếng khá lớn, trông như vừa bị chém.

            Các hào mục đón quan bằng đủ thứ y phục vớ được sau trận thuỷ tai. Phó tổng Lê Bang khăn xếp, áo the thâm nhưng chỉ còn một vạt, vạt kia cụt đến thắt lưng. Mấy hôm trước, ông ta  ngã trên sàn để thóc xuống, bị sai khớp, giờ, mỗi khi ra ngoài vẫn phải chống gậy. Chánh tổng Cao Lộng đánh chiếc quần short nhà binh bằng kaki vàng nhưng lại kiếm được chiếc áo the mới trùm lên. Lão ta đứng yên còn tạm được, nhưng nếu bước đi là cặp giò dài ngoẵng đen nhẻm với đôi đầu gối củ lạc lòi ra chẳng khác gì Táo Quân sắp lên chầu Thiên Đình. Hài hước hơn cả là lý trưởng Ngô Quỳnh. Đầu ông ta quấn khăn xếp to tổ bố như chiếc đai thùng gỗ đựng chượp, quần cháo lòng ống thấp ống cao, khoác chiếc pađờ xuy bằng dạ đen nhà binh mà hàng khuy đồng đã tuột gần hết. ống tay và nhất là hai vạt bị gián nhấm thủng lỗ chỗ. Sở sĩ lý Quỳnh ăn mặc kỳ quái như thế là bởi hòm khoá chuông quần áo nhà ông ta bị nước cuốn cùng với toàn bộ gia sản ngay sau khi vỡ đê. Bà vợ và hai cô con gái còn thảm hại hơn, mất sạch váy áo nên mấy hôm nay không dám ra ngoài. Nhìn đám thuộc hạ ăn mặc nhếch nhác, lố lăng như một lũ hành khất, tri phủ Đỗ Khánh lắc đầu thở dài:
- Bản chức đã sức cho tri huyện Nam Thành bảo các thày hằng năm phải đốc thúc dân phu tu bổ các đoạn đê xung yếu nhất là chỗ điếm Bài Vân, thế mà chỉ kéo bè kéo cánh kiện cáo nhau rồi lại ngả vạ đánh chén để tai họa xảy ra khổ cho dân, chuyện này biết ăn nói thế nào với quan Tuần.
Phó tổng Lê Bang khẽ kéo vạt áo cho kín bụng, khom người khẽ nói:
- Bẩm quan, sức nước năm nay còn lớn hơn cả năm ất Sửu. Trận lũ này thực ra là tại trời, sức người không chống lại được, cúi mong quan lượng tình xét miễn thuế cho vùng Ba Tổng.
Lý Quỳnh nóng quá, cứ ngọ nguậy trong chiếc áo dạ Tây, đưa mắt cho chánh tổng Cao Lộng rồi hắng giọng:
- Vùng Ba Tổng thì làng Cùa thiệt hại nặng nhất. Số người chết là bốn mươi bẩy. Toàn bộ lương thực, hoa màu mất sạch. Chúng con lo rồi đây còn nhiều người chết đói nữa.
Những tiếng cuối cùng của Lý Quỳnh nghèn nghẹn như là ông ta sắp khóc. Viên tri phủ, dù đã nắm được tình hình thiệt hại sau trận lũ, nét mặt vẫn thản nhiên chẳng có vẻ gì là xúc động. Trước khi lên ngựa cùng đám tuỳ tùng về gặp quan huyện Nam Thành Cáp Văn Tòng, ông ta chỉ nói lấp lửng mấy câu:
- Việc này bản phủ sẽ làm công văn trình lên tỉnh đường để quan Tuần xin chỉ thị của người Nhật. Hiện nay quân đội Thiên Hoàng đang đánh nhau với phe đồng minh, rất cần chiến phí nên chưa biết thế nào mà nói trước.
Quả nhiên, mười ngày sau quan huyện Nam Thành có trát sức cho dân vùng Ba Tổng vẫn phải đóng thuế đinh, điền theo hạng ngạch như cũ. Làng Cùa xa tỉnh xa huyện, từ sau vụ lụt đến giờ chẳng biết thiên hạ sự diễn biến ra sao. Bị rơi vào thế cùng quẫn, đằng nào cũng chết, họ bàn nhau kéo lên phủ Đông Giàng gặp nhà chức trách. Cùng lúc ấy Khúc Kiệt về làng. Ông ta về ban đêm mang theo cả một đội quân mặc toàn quần áo đen, súng ống lỉnh kỉnh giống như một toán thổ phỉ. Thủ hạ của Khúc Kiệt giúp ông ta dựng lại ngôi nhà. Họ đông người, làm rất nhanh, sau đó chia thành từng nhóm, đi khắp làng thu dọn rác rưởi, chôn xác súc vật chết, tìm kiếm người mất tích ở đầm Ma hoặc dọc theo các bãi chuối ở triền sông Lăng. Số khác làm một cuộc tổng vệ sinh, cọ rửa đình Cả, lắp lại  cánh cửa. Đình Cả là ngôi đình lớn nhất tổng Kim Đôi. Cột lim bằng vòng tay ôm, sàn gỗ gụ dày bốn phân, nhẵn bóng, ghép khít đến mức gần như không nhìn thấy mối nối.
Khúc Kiệt lôi ở đâu về chiếc trống đại to hơn cả cái ang đựng thóc, mặt bưng bằng da con trâu đực thiến, đặt trên giá gỗ ngay cửa đình. Sáng sớm ngày mười chín, mọi người chưa kịp thức dậy đã nghe thấy tiếng rùng rùng như sấm động đúng ba hồi chín tiếng. Cả làng hôm ấy nghỉ việc kéo nhau ra đình. Lý trưởng Ngô  Quỳnh tức lắm, sai tuần đinh bắt Khúc Kiệt nhưng rốt cuộc chính ông ta  lại bị cánh quân áo đen trói gô giam vào hậu cung. Lê Bang đang khám thuế ở Bối Khê nghe tiếng trống lạ tai tưởng là có cướp vội hấp tấp lên ngựa phi nước kiệu về Cùa. Ông ta vừa đến đầu làng đã bị trói giật cánh khuỷu dẫn vào đình thao cho mấy tay súng canh giữ. Phó lý Dần thấy làng có biến liền ăn mặc giả làm người đánh chài, luồn ra đồng Mả Gạch định lên huyện báo quan. Lão vừa thò đầu ra khỏi bụi tre nhà cả Phê thì một người áo đen lưng thắt đai da đeo hai quả lựu đạn to bằng cái chày giã cua đang đứng đái ở góc vườn nhìn thấy. Hắn ta nâng khẩu Mútxcơ tông lên vai quát:
- Ông kia, đi đâu ?
Phó lý Dần đã vượt ra khỏi hàng rào, nhớn nhác nhìn quanh, chỉ thấy có một người lên co cẳng chạy.
- Đứng lại ! - Người mặc áo đen kéo khoá nòng rê nhanh mũi súng về phía ông phó lý.
Ông ta có vẻ hiếu kỳ, vừa nhảy lò cò như là con khỉ bị sập cạm gẫy chân, vừa ngoái lại nhìn khẩu súng dài ngoẵng trên vai người áo đen. Tay thủ hạ của Khúc Kiệt chơi trò mèo vờn chuột chỉ muốn doạ cho viên phó lý sợ một mẻ vãi đái ra quần rồi ngoan ngoãn quay trở lại. Ai ngờ ông ta chạy mỗi lúc một xa, sắp sửa ra khỏi tầm đạn: "Lão mà thoát thì đoàn trưởng Khúc xử tử mình mất". Hắn chợt hoảng lên và vội vã kéo cò. Một tiếng nổ chói tai như tiếng pháo đùng. Đằng kia, phó lý Dần khựng lại, hai tay ông ta chới với đưa ra phía trước, loạng choạng một lúc khá lâu mới ngã xuống khoảnh ruộng vẫn còn ngập nước sau trận lũ. Ngoài đình, Khúc Kiệt đã tập trung được hầu hết dân làng Cùa cả đàn ông lẫn đàn bà. Mọi người còn đang ngơ ngác chưa biết chuyện gì xảy ra thì ông ta bước lên chiếc bục cao kê bằng hai chiếc án thư của nhà chưởng bạ Giang bắt đầu hiểu dụ. Khúc Kiệt lúc này trông oai phong như một viên thủ lĩnh quân sự trước đám dân chúng dốt nát trong bộ y phục đen tuyền. Khẩu súng lục nòng dài thò cả ra ngoài cái hộp to đùng bằng gỗ sơn đen, kéo trễ chiếc đai da xuống ngang hông làm bụng ông ta thót lại như con chão chuộc. Bẩy tám năm đi khỏi làng, Khúc Kiệt đã dày dạn phong sương, không còn dấu vết nhăn nhúm, thiểu não của ông đồ gàn ngày trước. Mỗi tác phong của họ Khúc đều mạch lạc, dứt khoát, từ cử chỉ chém tay đưa mắt đến hất hàm ra lệnh đều chứng tỏ thứ uy lực tối thượng mà những kẻ dưới quyền phải nhất nhất chấp hành. ở nhà, vợ Khúc Kiệt và nhất là mấy đứa con không thể tin được chồng mình, bố mình thay đổi nhanh đến thế. Họ đều biết đấy là ông ta nhưng đồng thời lại không phải là ông ta, bởi một gã "bạch diện thư sinh" ngày xưa chỉ biết nhẫn nhục phó thác số phận cho thần may rủi, ép bụng nhịn đói đọc sách thánh hiền, bỗng chốc đứng sừng sững trước bàn dân thiên hạ tuyên ngôn bằng những lời hết sức táo bạo:
- Thưa bà con, từ khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, chúng câu kết với thực dân Pháp, đàn áp, bóc lột nhân dân ta vô cùng tàn bạo. Chắc mọi người còn nhớ chuyện hai tên giặc Lùn xả kiếm chém ông phó Đắc vì trong nhà có khẩu súng "dóp" hồi cuối tháng trước. Gần đây nhất là việc cô Thời con ông hương Ngạch bị hiếp ở chợ Cháy giữa ban ngày. Tội ác của chúng thật trời không dung, đất không tha. Chính vì vậy, Mặt trận Việt Minh khẩn thiết kêu gọi toàn thể đồng bào vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước độc lập tự do, thực hiện chính sách người cày có ruộng, tiến tới chủ nghĩa Cộng sản làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Trước mắt, chúng ta phải đoàn kết chống lại chủ trương thu mua thóc tạ và nhổ lúa trồng đay của Nhật. Ai cũng biết, vùng Ba Tổng vừa bị trận vỡ đê khủng khiếp. Chỉ qua một đêm mất sạch nhà cửa, tài sản, hoa màu, chết gần trăm mạng người. Giờ đây nhiều nhà đã bỏ làng kéo đi bốn phương khất thực. Các quan lại cai trị chẳng những không cứu đói cho dân mà còn về hùa với giặc đè cổ dân nghèo ra tróc thuế. Tôi xin hỏi, làng Cùa của chúng ta có nộp cho họ không ?
- Không nộp !
Hàng trăm cái miệng gào lên đồng loạt làm rung chuyển cả mái đình. Những tiếng hô đầy phẫn uất dội vào hậu cung làm Lê Bang và Ngô Quỳnh sởn gai ốc. Mấy ông này vốn rất ngu ngơ về chính trị, cứ nhận được trát quan trên là "án khoa nhi hành" chẳng nghĩ gì đến nỗi cơ cực của dân đen, giờ thời thế đã thay đổi, lão thầy đồ họ Khúc kéo quân về, tính mệnh cả bọn chắc là nguy đến nơi rồi. Sân đình Cả lát gạch Bát Tràng rộng thênh thang, phía bên trái có dãy nhà ngang hơn chục gian để cánh nhà bàn phục vụ những ngày vào đám. Đội quân áo Đen của Khúc Kiệt đặt đại bản doanh tại đây mà chẳng cần vào hậu cung “xin phép” lý trưởng Ngô Quỳnh. Lính của Khúc Kiệt toàn người thiên hạ, phần lớn còn trẻ măng, có những gã chưa đến mười bảy, anh nào mặt cũng lạnh tanh, sát khí đằng đằng. Cứ vài hôm lại thấy một toán chừng bảy tám người vượt sông Lăng sang làng Bòng chuyển lương thực về. Kẻ Bòng lắm ruộng nhiều thóc gạo, tha hồ mua. Sau này mới biết, từ ngày vùng Ba Tổng vỡ đê, lái Lự kiêm luôn cả nghề buôn gạo. Những năm dạy học trước đây, Khúc Kiệt có đôi lần qua lại với lão lái trâu, giờ ông ta trở thành nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho đội quân áo Đen. Dạo ấy lúa cũng đã đỏ đuôi nhưng phải nửa tháng nữa mới được gặt. Lái Lự phất lên trông thấy nhờ đầu cơ lương thực nhưng lão cũng biết tự bảo hiểm cho tính mạng, phòng khi bàn cờ thế sự xoay vần, bằng cách bỏ ra bốn tấn chiêm trăng chẩn cấp cho những nhà sắp chết đói vùng Ba Tổng.
Từ hôm phó lý Dần bị bắn chết, các vị chức sắc sợ xanh mắt không anh nào dám ra khỏi cổng. Lê Bang, Ngô Quỳnh được thả về nhưng vẫn bị Khúc Kiệt cử người giám sát. Một đêm lý Quỳnh lẻn sang nhà chánh Đàm gặp bà cả Huê. Bà này đang căm Khúc Kiệt vì ông ta ra lệnh trưng thu toàn bộ số thóc còn lại sau trận lụt chuyển ra đình. Việc làm này hẳn là có liên quan đến mối hiềm khích giữa hai anh em họ Khúc hồi lão Chánh còn đương chức. Bà Huê chẳng nể nang gì, luôn miệng chửi Khúc Kiệt là quân thổ phỉ. Chiều nào bà ta cũng chõ mồm sang nhà em chồng cạnh khoé. Khúc Kiệt thường xuyên vắng mặt vì còn phải cai quản đám tay chân ngoài đình. Vợ lão vốn hiền lành, nghe bà Cả chửi ngoa ngoắt mãi không chịu được bảo Khúc Vĩ:
- Mày mang cái đũa quấy cám lợn sang quật vào  mồm mụ ấy ra cho tao.
Cô con gái ,là Khúc Thị Nhân, lúc ấy đã mười bẩy vội can:
- Đừng. Bác ấy xót của không biết kêu ai, chửi bới cũng là lẽ thường. Có trách là trách bố ấy. Làng Cùa còn ối nhà giàu nứt đố đổ vách sao không bắt nộp hết thóc mà lại trưng thu của bác Cả.
Khúc Vĩ lẩm bẩm:
- Chuyến này có khi bố làm chánh tổng.
Khúc Văn cười nhạt mắng em:
- Thời buổi nhiễu nhương trắng đen lẫn lộn, biết thế nào mà mày nói càn.
Cuối cùng thì lý Quỳnh cũng tìm cách báo được cho quan huyện Nam Thành. Tri huyện Nam Thành đã biết tiếng đội quân áo đen vội trình lên phủ Đông Giàng. Viên tri phủ lập tức cử ngay một cơ lính nai nịt như sắp sửa đi trận hành quân về làng Cùa. Đường từ phủ lỵ về làng Cùa xấp xỉ ba chục cây số. Tốp lính Triều đình chân đất, nón chóp đỏ, vác súng mút vừa đi vừa chạy gằn dưới trời nắng gắt, anh nào anh ấy vã mồ hôi hột. Viên đội khố xanh, mặt bèn bẹt có cặp tai vểnh lên như tai chuột, kè kè bên sườn bình rượu bằng nhôm hình quả lê chốc chốc lại mở nắp tu một ngụm. Mặt hắn đỏ gay, mái tóc rễ tre cờm cợp chờm xuống tận gáy trông chẳng khác gì một tay lận rừng đã lâu mới có dịp hạ sơn. Chạy phía sau viên đội là một phó lãnh binh người xứ Nghệ. ông ta theo nghề cung kiếm dễ đến ba chục năm, sức khoẻ đã giảm sút nên tham gia vận động dã chiến kiểu này xem ra không mấy thích hợp. Vai khoác súng, nòng hướng lên trời, lưng đeo bạc đà, quân dụng nặng trĩu, ngài chỉ huy vừa chạy vừa thở hắt ra như sắp hết hơi. Vừa may gặp một cái quán bỏ không cạnh đống Lủi, ông ta hạ lệnh cho lính tạm nghỉ. Nhìn thấy hai bên đường là khu đồng màu của làng Bảo Nham trồng toàn dưa chuột, các thầy quyền chẳng ai bảo ai, nhất loạt lao xuống ruộng, vặt đầy nón ngồi nhai rau ráu.
Khoảng cuối giờ thân, đám quan quân phủ Đông Giàng về đến địa giới làng Cùa. Họ nhanh chóng tản ra theo đội hình chiến đấu rồi bắc loa kêu đối phương ra đầu hàng. Trong này Lê Bang, Ngô Quỳnh trèo lên tầng hai nhà bà cả Huê chuẩn bị trợ chiến theo phương thức "nội công ngoại kích". Đội quân áo Đen, sau một thời gian ở làng Cùa đã nắm chắc địa hình địa vật. Họ lại được phần lớn dân nghèo ủng hộ nên không hề tỏ ra mất bình tĩnh. Mấy tay thám sát vòng ngoài cho biết, bọn lính chỉ có khoảng ba bốn chục tên. Việc làm đầu tiên là giám sát nhà bà cả Huê không cho Lê Bang và Ngô Quỳnh thoát ra ngoài. Sau đó họ cử các tay súng có kinh nghiệm chiến đấu trấn giữ hai cổng làng và những nơi hiểm yếu đề phòng địch đột nhập bất ngờ. Đêm xuống rất nhanh. Sương giăng giăng như khói che mờ ánh trăng hạ tuần hắt xuống sân đình thứ màu bềnh bệch nhạt nhẽo. Từ phía đầm Ma có con cuốc lẻ đàn nào đó kêu một cách nhẫn nại thứ âm thanh đều đều khắc khoải làm đêm vùng chiêm càng hoang dã, bí hiểm. Lũ chim nước, sau cơn Hồng thuỷ, chẳng biết ở đâu kéo về hàng đàn hàng lũ, suốt đêm lần mò ở khu ruộng trũng. Bóng của chúng lúc tụ lại như một đám mây xám, lúc lại toẽ ra thành vô số đốm trắng nhợt, bay là là trên mặt đầm, vỗ cánh phành phạch gọi nhau bằng đủ thứ ngôn ngữ như đang chuẩn bị cho "Dạ Hội Cò Vạc". Trên cây me nhà Thường Rỗ, một con cú rúc lên mấy tiếng nghe rợn người. Con cú có những chiếc lông trắng ở đầu cánh này trước vẫn trú ngụ ở cây gạo gần nhà phó lý Dần. Từ khi ông ta chết, chẳng hiểu sao nó lại chuyển về đây. Nghe tiếng cú, Thường Rỗ sợ quá mở cửa ra sân nhặt một hòn gạch ném lên cành cây. Hắn yên trí vào nhà chắc mẩm con chim đã bay đi nơi khác. Chẳng ngờ tay bắt ếch vừa thiu thiu con quái điểu ấy  lại rúc mấy tiếng làm hắn giật bắn như vừa bị bóng đè.
Cuộc chạm súng bắt đầu vào sáng hôm sau khi một đội viên áo Đen của Khúc Kiệt bị bắn vào chân. Anh ta là một trong ba người gác cổng chính. Tên phó Lãnh binh sau mấy lần gọi loa, không thấy trong làng động tĩnh gì liền dàn quân theo hàng chữ nhất. Trước khi vào cuộc, hắn ra lệnh cho bọn thuộc hạ bắn một loạt thị uy. Các đội viên áo Đen lặng lẽ chờ cho đám lính đến đúng cự ly mới bình tĩnh kéo cò. Họ vốn là những tay thiện chiến đã từng chạm chán đủ loại khố xanh, khố đỏ thậm chí cả trùm cướp Lý Ba Mùi ở vùng Hạ Diễn nên không dễ gì khuất phục. Sau loạt đạn đầu tiên, bốn gã tốt đen đã về chầu ông vải. Ba tên khác bị thương nặng. Một thằng đạn sượt vào yết hầu. Viên đội phải cởi chiếc bao vàng giống như ruột tượng quấn quanh cổ hắn đến ba vòng mà máu vẫn phun ra như xối. Phía cổng hậu, Khúc Kiệt cho năm tay súng phục ở cửa nhà quản Thông. Bọn lính quét một loạt đạn trước khi nhảy vào chiếm hai cánh gà làm cứ điểm để phát triển vào làng. Mấy tên vừa lom khom ôm súng nhớn nhác nhìn quanh thì một loạt tiếng nổ hất chúng ngã xuống bờ ao. Một thằng lồm cồm bò dậy, xoay mũi súng định nháy cò lập tức bị cú song phi trời giáng vào bụng, ngã sóng soài. Những tên còn lại sợ quá, quẳng súng xin hàng. Khúc Kiệt cho điệu chúng về đình Cả. Ông ta hỏi tên lính mặt già cấc có nốt ruồi bằng ngón tay út đậu ngay cạnh lỗ mũi bên phải :
- Tại sao lão tri phủ Đông Giàng biết chúng tao về làng Cùa ?
- Bẩm quan, cái đó tôi không được biết.
- Thế thì ai biết ? Nói mau !
- Bẩm, ông phó Lãnh binh đang còn ở ngoài làng.
- Còn những ai biết nữa ? - Khúc Kiệt nhìn hết lượt mấy tên bị bắt rồi quát - Muốn ăn đạn phải không ?
Tên lính già sợ chết chỉ liều vào cai Huyến đang ôm sườn nhăn nhó vì ngón đòn hiểm của một đội viên áo Đen:
- Có lẽ ông Cai biết.
Một đội viên lôi xềnh xệch cai Huyến đến trước mặt Khúc Kiệt. Tên này còn nhát gan hơn cả thuộc hạ của mình, chưa đợi tra hỏi đã khai  vanh vách:
- Bẩm quan lớn, sở dĩ quan phủ biết được là vì ông lý Quỳnh cho người lên huyện Nam Thành mật báo có một toán thổ phỉ về xúi dân làng Cùa nổi loạn.
- Được lắm !- Khúc Kiệt cười nhạt - Các anh giam bọn này vào hậu cung chờ tóm hết lũ sâu mọt ngoài kia rồi ta sẽ hỏi tội chúng.
Kết thúc đợt tấn công thứ ba, đạo quân của Triều đình gần như đã mất hết nhuệ khí. Tay phó Lãnh binh bị một viên đạn xuyên vào mông và bốn chiến binh què cẳng. Lũ này bò lê lết lên sườn đống Mả Hủi để cho đồng bọn băng bó. Một thằng máu ra nhiều quá, mặt xanh như chàm đổ, miệng rên hừ hừ, thỉnh thoảng lại giật nảy lên như người mắc chứng kinh phong cấp.
Lần đầu tiên trong đời dân làng Cùa chứng kiến cảnh chạm súng giữa hai đội quân. Lúc đầu những kẻ hiếu kỳ còn chạy ra xem, sau thấy đạn bay chiu chíu, rồi người bị thương máu thảy nhoe nhoét thì hốt quá, vợ chồng con cái lôi nhau vào nhà, đóng cửa lại. Đến trưa hôm sau tình hình trở nên đặc biệt nguy hiểm , vì những viên đạn bắn vô tội vạ của lũ quan binh đã giết chết gã thợ rèn méo mồm và làm thằng Quyết thọt , đang kéo bễ bị vỡ quai hàm. Họ rủ nhau đến nhà chánh Đàm. ở đây có tường gạch chắn chắn, đạn súng mút khó có thể xuyên thủng được. Những nhà khác đào hầm ngay dưới gầm giường, nghe tiếng sung là bảo nhau chui xuống.
Viên suất đội căn cứ vào tấm sơ đồ lý Quỳnh vẽ tìm cách lọt được vào làng bằng lối cổng hậu. Hắn bị một viên áo Đen phát hiện nhưng bắn trượt. Tên này chạy vòng vo một lúc thì bị lạc đường. Đáng lẽ rẽ tay trái vào nhà bà cả Huê để gặp lý trưởng thì hắn lại quặt phải đến ngay cổng nhà Khúc Kiệt, bị Khúc Văn tống cho một gậy từ phía sau, chỉ nghe đến "hự" một tiếng rồi ngã chúi về phía trước. Khúc Vĩ cướp ngay khẩu súng nòng dài, bẻ quặt hai tay để Khúc Văn trói lại giải ra đình. Ngay lập tức, Khúc Kiệt cho người vào nhà chánh Đàm lôi lý Quỳnh ta hỏi tội. Lý trưởng không phải tay vừa, chối phắt việc cử Trương Hoà lên huyện báo quan. Chỉ đến khi Khúc Kiệt cho giải viên suất đội từ hậu cung ra đối chất lão mới cúi đầu nhận tội.
Đội quân áo Đen thiết lập pháp trường trên một gò đất nổi giữa ao đình. Lý Quỳnh mắt bịt băng đen bị trói vào cây tre đực chôn cao quá đầu. Lão sợ quá, bĩnh cả ra quần làm  mấy người lính áo đen phải bịt mũi. Vào lúc năm tay súng đã lên đạn sắp sửa hành quyết thì từ sau đình, một người con gái tóc tai rũ rượi chạy đến bờ ao. Cô ta chẳng thèm vén váy, nhảy ào xuống nước và chỉ một thoáng đã leo lên gò đất đứng chắn trước mặt Ngô Quỳnh. Thì ra là Khúc Thị Nhân. Cô ta gần như gào lên về phía sân đình:
- Không được bắn ông Lý ! Có bắn thì bắn tôi đây này.
Khúc Kiệt không hề dự kiến tình huống này. Ông ta ngớ người ra một lúc rồi mới quát con gái:
- Nhân ! Không việc gì đến mày. Về ngay !
Cô con gái nước mắt ròng ròng, giọng thổn thức:
- Bố mà bắn ông ấy tức là tự tay giết cả nhà. Nhà ta từ trước đến nay không có thù hằn gì với dân làng vì sao bố lại dẫn bọn người áo Đen vác súng ống về làm loạn cả lên ?
 Khúc Kiệt nghiến răng kèn kẹt:
- Đồ ngu ! Mày thì biết gì, không về nhà tao cho người trói lại bây giờ.
Khúc Thị Nhân giang hai tay về phía trước, mặt vênh lên:
- Đây, bố lấy súng bắn chết tôi đi !
Lúc ấy dân làng đã kéo ra đứng chật cả bờ ao nhưng tất cả đều im lặng theo dõi cuộc đấu khẩu giữa hai cha con họ Khúc. Khúc Kiệt đang phân vân chưa biết làm thế nào thì ngoài cổng làng tiếng súng lại rộ lên. Ông ta quay lại bảo viên phó chỉ huy:
- Cứ tạm giam hắn vào hậu cung rồi sẽ tính sau, trước mắt phải đối phó với bọn quan binh đã.
Khúc Thị Nhân lội từ dưới ao lên trông cô đẹp mê hồn. Cái nốt ruồi bằng hạt đậu màu hồng đậu dưới mắt trái giống như hạt ngọc trang trí tự nhiên làm gương mặt cô trở lên hấp dẫn đặc biệt. Cô bước đi trong tiếng sột soạt của tấm váy sồi còn ướt sũng nước vẽ thành những vệt vằn vèo trên nền gạch chỉ lát nghiêng. Vợ lý Quỳnh một người đàn bà phốp pháp, cặp mông thây lẩy như mông lợn thiến, quỳ xuống trước mặt cô con gái họ Khúc vái lấy vái để:
- Muôn ngàn lần đội ơn cô. Không có cô, hôm nay ông nhà tôi đã thành ma đói. Cầu trời phật phù hộ cho cô sống lâu trăm tuổi.
Khúc Thị Nhân đỡ bà béo dậy chép miệng bảo:
- Ơn với huệ gì. Tôi phải liều ra đấy vì không muốn họ Khúc gây thù chuốc oán với cả làng.
Đêm hôm ấy, Khúc Kiệt vào hậu cung hỏi viên suất đội:
- Các anh đã chết bao nhiêu lính ?
Tay đội khố xanh lưng vẫn còn đau ê ẩm, nửa nằm nửa ngồi, trả lời miễn cưỡng:
- Trước khi tôi vào làng là bảy, bị thương bốn.
- Còn "ngài" phó Lãnh binh ?
- Bị đạn xuyên vào mông, có lẽ đã được đưa về huyện.
- Các anh chắc đang đợi viện binh ? - Khúc Kiệt châm chọc.
Viên suất đội phát bẳn:
- Viện binh cái con khỉ. Giờ là lúc hỗn quân hỗn quan, lão tri phủ còn đang lo cái mạng của hắn, hơi đâu nghĩ đến chúng tôi.
- Hiện tại ông là chỉ huy cao nhất ở đây. - Khúc Kiệt bảo - Nếu ông đồng ý đầu hàng rút quân về phủ, chúng tôi sẽ thả ông cùng mấy gã bị bắt hôm trước.
Tay suất đội gật đầu :
- Có gì mà chẳng đầu hàng. Tôi phục các ông sát đất đấy, nhưng ông cần phải biết, lúc này người Nhật mạnh hơn người Pháp nhiều. Họ mà kéo về đây làm cỏ làng Cùa thì các ông sẽ thành ma không đầu.
            Viên đội trưởng áo Đen cười nhạt :
            - Ông doạ chúng tôi đấy à ?
Sáng sớm hôm sau, đám quan binh bại trận thất thểu lê bước trên đường quan về phủ Đông Giàng. Khúc Kiệt trở thành thủ lĩnh cao nhất vùng Ba tổng. Thanh niên các làng hữu ngạn sông Lăng nô nức rủ nhau gia nhập đội quân áo Đen. Họ là lực lượng tự vệ thường trực, sẵn sàng cơ động đến những nơi có biến, nổ súng chiến đấu.
Vụ này vùng Ba Tổng chắc sẽ được mùa. Những cánh bãi sau khi nước rút, trước vẫn bỏ hoang giờ cũng lốm đốm đuôi gà. Lúa ba giăng ở chân ruộng vàn bông dài hạt thưa nhưng chắc quả , đổ rạp xuống, xếp lên nhau vàng óng như lụa tơ tằm. Trên các khoảnh cao sản vùng đồng Quan, Cổ Cò, Mả Me đâu đâu cũng nhấp nhô sóng lúa. Mùi thơm  mát của dự hương, mùi nồng nồng của lúa tám đen lẫn với mùi ngai ngái của rạ tươi mới xén lan toả khắp đồng xa đồng gần, thậm chí còn được gió đẩy lên cao lơ lửng giữa bầu trời làm không gian sực nức không khí mùa màng.
Làng Cùa trở lại cuộc sống thanh bình như nó vốn có. Ruộng bà cả Huê thẳng cánh cò bay, lúa chín vàng rực chạy suốt từ chân tre đình Cả đến tận đầm Ma. Tá điền lại chuẩn bị liềm hái, quang gánh chuẩn bị cho một mùa gặt mới. Đầu tháng trước, vì đói nhiều nhà đã bán lúa non lấy tiền đong gạo, giờ rủ nhau đến làm thuê cho bà Chánh.
Khúc Luận đã lớn bổng lên. Ngoài giờ học, cậu ta suốt ngày la cà ở ruộng vừa xem tá điền cắt lúa vừa bắt bọ muỗm và chim cút. So với châu chấu cào cào thì bọ muỗm thuộc loại côn trùng quý phái. Chúng chỉ xuất hiện vào vụ gặt tháng mười như là một thứ tặng vật quý giá của ông trời giành riêng cho lũ trẻ nhà quê. Bọ muỗm khoác bộ cánh xanh lá mạ hoặc vàng rơm, con to cũng chỉ bằng ngón tay út nhưng dáng dấp mềm mại, cặp râu dài linh động và một thân hình thon thon như chiếc thoi dệt vải. Bọ muỗm ban đêm thường đậu trên nhánh lúa chín, nhất là ruộng tám xoan hoặc dự hương uống những giọt móc trời có lẫn hương thơm đồng điền. Ban ngày chúng la cà ở các bờ nước nhấm nháp chút cỏ non rồi quay về tránh nắng trong những thửa ruộng sắp gặt. Mỗi khi tá điền cắt gần hết một khoảnh, cào cào châu chấu và bọ muỗm bị dồn vào góc. Chúng bay loạn xạ như là đàn thiêu thân ban đêm gặp phải ánh đèn. Các bác lực điền vừa xén lúa xoàn xoạt vừa quờ tay vơ những con muỗm béo múp, bụng đầy trứng, lặc lè như những chiếc tàu bay chuồn chuồn sắp sửa hết xăng. Bắt được bao nhiêu, thợ gặt lại đưa cho thằng Luận. Từ sáng đến trưa thế nào cũng được lưng giỏ. Những con tự tay vồ được, thằng bé rủ bọn trẻ cùng xóm đốt lửa nướng ngay tại ruộng. Bọ muỗm nướng chín mỡ chảy ra béo ngậy. Cuối buổi, mặt đứa nào cũng nhem nhuốc, dính đầy tro than. Khúc Luận còn có biệt tài bắt chim cút. Những chú chim cút tròn ung ủng, lông xám, vào vụ gặt béo núc nhưng lủi rất nhanh tuy rằng không biết bay. Thằng bé có khả năng định vị tuyệt vời và óc phán đoán chính xác nơi con chim chui vào trong hàng loạt những mô rạ giống hệt nhau. Nó chỉ việc chắn hai tay hai phía rồi nhích dần vào giữa thế làm tóm được con mồi. Có hôm, Khúc Luận bắt được cả một lồng nhưng nó không phải là đứa ăn độc. Trước khi về nhà, thế nào thằng bé cũng chia cho lũ trẻ trâu mỗi đứa một con. Bọn này thường là đem về nuôi nhưng chỉ ít ngày sau lũ chim đồng đã bị mèo vồ hoặc xổng chuồng lủi mất.
(Xem tiếp kỳ sau)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét