Nhãn

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Hoa mận dại

                Hoa mận dại

                    Truyện ngắn của Đặng Văn Sinh

 H
ôm ấy tôi phải qua sông sang bờ bắc kiểm tra mặt bằng thi công, vừa xuống bến, chợt thấy một người đàn bà chống nạng tập tễnh từ dưới thuyền bước lên. Chị ta gác nạng vào gò đất bên cạnh rồi cúi xuống buộc dây neo thuyền, mái tóc dày màu hạt dẻ, hơi quăn đổ xuống bờ vai. Khi người đàn bà ngẩng lên, tôi bỗng giật thót người, trống ngực đập thình thịch, vội vã quay đi, bước gần như chạy. Ở tuổi ngót nghét năm mươi của tôi, mọi tác nhân kích thích để tạo nên những cơn sốc tâm lý xem như hoàn toàn được loại trừ. Vậy mà, kh thật, vừa nhìn thấy người phụ nữ ấy tôi có cảm giác như là bị choáng. Cuối cùng thì cũng về đến trụ sở công trường, tôi lao vào phòng như một cơn lốc, nằm vật xuống giường, chẳng buồn khép cửa.
          Đúng là người ấy, người mà tôi từng mắc nợ cách đây ba mươi năm…

                                                      *


          Những năm đầu thập kỷ sáu mươi, chúng tôi thuộc lớp công nhân quốc phòng đầu tiên được điều động lên vùng biên giới mở đường 228A. Anh chị em còn rất trẻ, phần lớn là thanh niên nông thôn ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Công trường phiên chế thành hai mươi bốn đại đội, gọi tắt là C (xê). Tôi ở C22, làm đoạn đường từ bản Nậm Cắn qua chân đèo Mã Phục. Ở khoảng giữa của đoạn này có chiếc cầu bê tông bắc qua con suối Khem gọi là cầu Nậm Pạng. Chúng tôi lên rừng chặt tre làm mấy dãy nhà tranh lợp nứa hai bên bờ suối, một bên nam, một bên nữ. Non nước Cao Bằng gợi trong tôi ấn tượng mạnh về sự hùng vĩ. Những cánh rừng trúc mềm mại xanh ngút ngàn. Những dải đường mòn uốn lượn thấp thoáng vắt trên sườn dốc. vài bông lau lẻ loi phất phơ trong gió ngàn âm u. Bên bờ suối, những cánh hoa mua tím nhạt, đẹp đến nao lòng, cứ rơi dần dưới ánh chiều hoang dại. Ngay cả nắng của vùng biên ải này cũng có cái gì khác lạ. Đó là thứ nắng nhạt nhòa không màu sắc, dửng dưng, vô tình như những đám mây bạc phếch lửng lơ trên vòm trời tai tái. Một không gian vừa thực vừa mộng mơ như thế dễ gợi lên trong tâm hồn lớp thanh niên vừa mới trưởng thành những ý tưởng lãng mạn cho dù công việc hàng ngày chẳng lãng mạn chút nào.
          Sáng, dậy lúc năm giờ. Ai muốn tập thể dục hay chạy tùy ý. Còn nếu không, những anh lười, nằm nán lại dăm bảy phút cũng chẳng sao, miễn là ăn sáng xong, phải xách “đồ nghề” ra hiện trường đúng giờ. Hằng ngày, chúng tôi dùng xà beng, cuốc chim đào đất đá trên sườn núi để nâng cấp con đường cũ vốn hẹp, lắm cua, lắm dốc thành tuyến quốc lộ rộng tám mét. Tiểu đội (gọi tắt là A) tôi có mười bốn người do anh Túc làm A trưởng, chị Đài làm phó. Năm ấy tôi mười bảy, thuộc loại trẻ nhất. Tuy có chút học vấn (tôi đã học hết lớp chín phổ thông), nhưng vì là con trai nông thôn, ít va chạm với thế giới bên ngoài, lại nhút nhát, luôn bị dân thị xã xếp vào dạng “cua đồng”.
          Trong tổ có một cô tên là Sa. Nàng có vẻ ngoài gần giống con gái châu Âu. Cánh con trai thường gọi là Natasa. Sa hai mươi tuổi, cao khoảng mét sáu nhăm, da trắng hồng, sống mũi thẳng, tóc màu hạt dẻ, xoăn tự nhiên, không dài nhưng dày, lúc nào cũng bồng bềnh như sóng. Nàng mặc bộ quần áo lao động nữ, thêm chiếc mũ lưỡi tra đội lệch trên đầu, trông vừa hấp dẫn lại vừa có vẻ ngang tàng. Lúc làm việc Sa thường ít nói, nhưng qua ánh mắt, cử chỉ, tôi biết đó là một phụ nữ có ý chí mạnh mẽ. Một hôm, tôi được phân công chở đất với Sa. Chiếc xe khá nặng đã được kéo sát bờ vực, mỗi chúng tôi giữ một bên càng rồi nâng thùng đổ xuống suối. Tôi cao hơn Sa nửa đầu, khi nghiêng người kéo xe về,chẳng biết do vô tình hay hữu ý, mái tóc loăn xoăn của nàng đổ nghiêng phủ lên má. Cảm giác của tôi lúc ấy rất khó nói thành lời. Nó là một cái gì đấy vượt ra ngoài ấn tượng thông thường, không thể phân tích bằng lý trí. Cho mãi đến bây giờ, khi mà đầu đã hai thứ tóc, đi khắp tứ xứ giang hồ, đã thể nghiệm không ít cuộc tình trăng gió, vậy mà, mỗi khi nghĩ dến nàng, trong ký ức tôi vẫn thoang thoảng đâu đây hương thơm nồng nàn của những búp tóc mềm.
          Chiều chiều, cứ hết giờ làm việc, tắm giặt, cơm nước xong là con trai, con gái ngồi hai bên bờ suối, nhìn ngắm nhau và trêu nhau. Thích nhất là những đêm trăng cuối hè, gió tây nam từ dãy Phù Đinh thổi về chạy dọc triền suối. Thoang thoảng trong gió có lẫn hương thơm man mát của hoa doi, mùi ngai ngái của hoa dâu da và nhất là vị hăng hắc nồng nồng của hoa mận dại trái mùa. Đoạn suối Khem chảy qua lán của chúng tôi khá rộng, nếu không mưa lũ có thể lội qua được. Đêm nằm thao thức, nghe nước chảy dưới chân cầu, lòng bâng khuâng một nỗi nhớ vu vơ.
          Tôi có cảm giác là cánh con trai, anh nào cũng tìm cách tán tỉnh Sa, nhưng bọn con gái lại đối xử khá lạnh nhạt với nàng. Có thể nàng biết điều đó. Một lần, bất chợt nhìn vào mắt nàng, tôi thoáng thấy những nét buồn. Thật ra chuyện không có gì khó hiểu, và nguyên nhân của  sự xa lánh ấy chính là những định kiến hẹp hòi của phần lớn lớp người trẻ tuổi vừa ra khỏi lũy tre làng, chưa từng trải nghiệm cuộc đời. Mẹ Sa vốn là cô gái xinh đẹp của làng Hạ, bị ông bố là lý trưởng ép gả cho một viên sĩ quan Pháp. Thời Nhật đảo chính, gã đồn trưởng bại trận bỏ rơi người thiếu phụ đang bụng mang dạ chửa, xuống tàu về nước. Bà sinh ra nàng trong chiếc lều vịt chơ vơ giữa cánh đồng hoang đang mùa nước ngập. Sau này, thỉnh thoảng Sa kể cho tôi nghe về hoàn cảnh mẹ con nàng. Nỗi khổ thì nhiều nhưng Sa chỉ kể từng đoạn, cứ đến chỗ gay cấn nhất thì ngừng, chẳng khác gì nàng Sê hê ra dát kể chuyện cho hoàng đế Ả Rập nghe trong truyện cổ tích “Nghìn lẻ một đêm” vậy.
          Có lần, sau khi ăn cơm chiều xong, tôi mang đàn ra bờ suối, ngược mãi lên phía thượng lưu, vào rừng doi, vừa đi vừa huýt sáo khe khẽ. Chọn được tảng đá dưới tán cây doi lớn, tôi ngồi xuống chỉnh dây dạo bài “Nụ cười sơn cước”. Đây là bản nhạc tôi ưng ý nhất, đã dày công tập luyện. Rõ ràng, việc dùng xà beng chọc đất cũng như gồng mình đẩy xe cút kít đến toát mồ hôi với chuyện solo guitar, miêu tả hình tượng bằng âm thanh, hồi tưởng lại mối tình lãng mạn của nhạc sĩ với người con gái xinh đẹp vùng sơn cước, với tôi, chẳng có gì tương đồng. Vào đúng đúng lúc đang mơ màng trong giai điệu valse êm ả với tiết tấu khá chậm của đoạn kết “ Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng, dệt mấy cung yêu thương, gửi niềm trong trắng của những bông hoa rừng, đời đời không tàn …”, chợt nghe có tiếng động nhẹ. Từ dưới suối, Sa bưng chậu quần áo bước lên bảo :
          - Phan đàn hay lắm.
          Tôi hơi bất ngờ về cuộc gặp gỡ này :
          - Sao chị đi giặt xa thế?
          Nàng đặt chậu xuống, lắc nhẹ cho mái tóc gọn về một bên rồi nói như chẳng có chuyện gì xảy ra :
- Nước suối đầu nguồn bao giờ cũng trong hơn, với lại, chốc nữa Sa còn hái dâu da.
Lúc ấy chẳng biết ma quỷ nào xui khiến , tôi buột miệng bảo :
          -  Chị có đôi bàn tay đẹp thật.
          Nghe vậy, mặt Sa thoáng biến sắc. Nàng nhìn bàn tay mình, ngập ngừng một lúc rồi khẽ bảo :
          - Phan có muốn xem không ?
          Tôi hơi hoảng :
          - Chị Sa ! Tôi muốn nói là…
          Nhưng nàng đã đến sát bên tôi, người cúi xuống, đặt đôi bàn tay lên tay tôi, hỏi lửng lơ :
          - Thế này mà đẹp à ?
          Tôi được nhìn nàng trong một khoảng cách rất gần, gần đến mức hơi thở của nàng phả nóng cả một bên tai. Đó là đôi bàn tay búp măng với những ngón thon thon như hình tháp bút, màu trắng hồng, lần đầu tiên tôi thấy trên đời. Nhìn đôi cổ tay tròn có ngấn và bàn tay mềm mại đẹp như bàn tay Đức Mẹ, bất giác tôi chạnh lòng bảo :
          - Bàn tay này mà mà đẩy xe ba gác thì phí quá…
          Nàng rút tay lại, khẽ hỏi :
          - Phan có thích không ?
          Tôi thật thà nói :
          - Thích cũng chả được, vì đó là tay chị kia mà...
          Nàng đứng dậy, bê chậu quần áo bước đi, được mấy bước, quay lại, giọng như đùa :
          - Nếu thích, Sa cho đấy…
          Sa không được vào Đoàn. Thời bấy giờ, người ta thường có ấn tượng không mấy thiện cảm với những gì thiếu rõ ràng minh bạch. Trong các cuộc họp chi đoàn, tôi là người luôn đấu tranh bênh vực nàng, liền bị quy chụp là “tiểu tư sản”, thái độ tư tưởng “có vấn đề”.Với Sa lại khác, nàng ít quan tâm đến việc người ta nói gì về mình. Nàng sống theo cách riêng, một tính cách mạnh mẽ, độc lập, khiến nhiều người lầm tưởng là sự kiêu ngạo.
          Theo quy định của công đoàn, hàng tháng, mỗi người phải góp hai tạ củi cho nhà bếp. Rừng bạt ngàn. Củi các loại không thiếu. Ngày chủ nhật, chúng tôi thường rủ nhau vào khe Bầu, chưa đầy nửa buổi đã chặt được hàng chục vác. Lấy củi cũng có cái thú của nó. Bởi vì, dọc theo khe suối có khá nhiều cây vả. Những quả vả rừng treo lủng lẳng trên cành to cỡ nắm tay, màu vàng nghệ hoặc hung đỏ. Cái quý nhất của quả vả là lớp mật dày, trong suốt như thạch, ngọt sắc tựa đường phèn. Có hôm tôi tìm được cả một chùm. Tôi ăn mấy qua còn dành cho Sa. Nàng bửa đôi quả vả đưa cho tôi một nửa , giọng nửa đùa nửa thật:
          - Con trai chỉ háo “của ngọt”.
          Cánh con gái lại thích kiếm củi trên đèo Dẻ. vùng ấy có nhiều mận. Mận rừng bé bằng ngón tay, ăn vừa chua vừa chát. Chẳng biết cái thứ quả dại ấy bổ béo gì mà tất cả các nàng, không trừ một ai, cứ đến trưa chủ nhật là kéo nhau đi hái về hàng túi xách ăn với muối. Mùa xuân, hoa mận nở trằng rừng, mùi hăng hắc lẫn trong gió, ngửi thấy cứ có cảm giác nôn nao trong người. Hôm ấy, trên đường đi làm về, Sa bảo :
          - Chốc nữa Sa lên đèo Dẻ lấy củi, Phan có đi không ?
          Tôi hơi ngại vì như thế là mất giấc ngủ trưa, hai giờ chiều đã phải có mặt ở công trường sẽ rất mệt. Định từ chối nhưng khi quay lại, thoáng thấy trong mắt nàng có cái nhìn hơi lạ, tôi khẽ hỏi :
          - Chị lại muốn ăn mận dại chứ gì ? Đợi đến chủ nhật không được sao?
          Nàng bĩu môi không nói gì mà chỉ khẽ “hứ” một tiếng.
          Chúng tôi giong xe cải tiến ngược lên dốc Trắng. Trời oi nồng. Dàn đồng ca bất tận của ve rừng rền rĩ những điệp khúc chói tai, vô hồn, nghe đến sốt ruột. Sườn dốc hơi cao, khó đi nhưng nhiều củi. Sa thu gom những cành khô bị cánh sơn tràng khai thác gỗ bỏ lại. Tôi dùng dao quắm chặt, bó thành vác sau đó lần lượt lăn xuống chân núi. Chừng nửa giờ, công việc hoàn tất. Nhìn thấy những vết xây xát trên bàn tay búp măng, tôi ái ngại bảo:
          - Sao chị không mang găng vào? Tay đẹp thế kia mà không biết giữ gìn.
          Lúc này có vẻ như Sa không mấy quan tâm đến chuyện đôi tay. Nàng kẹp tóc cho gọn lại, cầm nón rồi bảo :
           - Lên trên kia hái mận.
          Vừa leo được một đoạn Sa lại bảo :
          - Phan nhìn xem dãy núi trước mặt có gì lạ không ?
          Theo tay nàng, tôi chỉ thấy dãy núi cao đối diện với đèo Dẻ chạy dài như một vòng cung xanh, nổi bồng bềnh trên lung lũng mây trắng đành lắc đầu :
          - Chịu, chị nhìn thấy cái gì ?
          Sa tủm tỉm cười :
          -  Núi Nàng Tiên đấy.
          - Thì sao?  – Tôi hỏi bâng quơ.
          - Này nhé, mỏm phía bên trái, hơi thấp một chút, có sườn đá màu xám kia là đầu nàng tiên. Chóp cao nhất vồng lên quanh năm mây phủ mỏng như tầm khăn voan là khuôn ngực, còn dãy Phù Đinh vừa dài vừa vuốt dần xuống chẳng giống đôi chân nàng là gì.
          Tôi nói đùa :
          - Người đẹp đang say sưa giấc nồng, chị có thấy những đám mây trắng trên ngực nàng phập phồng không ?
          Sa đánh mắt nguýt tôi :
          - Thôi, Phan lên hái mận đi.
          Tôi chọn một cây cao, hơi khó trèo nhưng nhiều quả chín rồi dặn nàng:
          - Chị ở dưới lấy nón hứng, khi nào đầy tay tôi thả xuống.
          Mận rừng khó hái. Tôi chỉ muốn chiều Sa chứ thực ra chẳng hứng thú gì với thứ quả hoang dại và chát sin sít ấy. Khi đã được nửa nón, ước chừng thời gian nghỉ trưa sắp hết, tôi đu người chuyền xuống cành thấp nhất cách mặt đất khoàng hơn hai mét hái những quả cuối cùng. Cành này cũng thuộc loại to nhưng nó đâm ngang không có điểm tựa. Tôi nằm bò xuôi với dần ra ngoài, vừa túm được mấy quả chẳng ngờ cành gẫy. Đứng dưới, Sa vội quẳng nón, giơ tay lên theo phản xạ tự nhiên. Tôi rơi vào đúng người nàng. Cả hai cùng ngã. Lúc bị rơi, tôi chẳng thể nhớ mình ở tư thế nào. Có lẽ bản năng mách bảo, cần phải nhanh chóng bấu víu vào một cái gì đó để giữ được dù chỉ phần ngàn sự sống. Chính vì thế, khi nhìn thấy mấy chiếc cúc nơi cổ áo nàng bị đứt, để lộ khuôn ngực căng tròn, mịn như cẩm thạch, tôi xấu hổ quay mặt đi, định đứng dậy nhưng một bên chân tê dại không nhấc được. Sa lấy tay trái gạt mớ tóc ra sau vai rồi rướn người áp bầu vú nóng hổi vào ngực tôi, thở gấp “ Có đau không?”. Tôi run bắn, lắp bắp chẳng nói được thành lời. Sa lại thì thầm trong hơi thở nồng nàn “Có thích không? Sa cho…”. Thú thực, lúc đầu tôi sợ lắm nhưng rồi chẳng hiểu bởi nguồn sức mạnh nào, bất ngờ, tôi ghì chặt lấy nàng, rúc đầu vào ngực nàng “Sao cho nhiều thế, chị không giữ lại cái gì cho riêng mình?”. Nàng nhoẻn miệng cười kéo tôi đứng dậy: “Trên đời này Sa chỉ cho một người thôi…, nào giờ thì xuống xếp củi vào xe rồi về đi làm”.
          Sa nhận được thư. Ngoài mấy dòng của mẹ, trong phong bì còn có bức thư viết bằng tiếng Pháp của một người tên là Gerrard (Giê ra). Tất nhiên là Sa không đọc được. Tôi phải huy động tất cả vốn Pháp văn tự học cộng với sự trợ giúp của cuốn từ điển dày cộp mượn của một ông bác sĩ nha khoa mới dịch lõm bõm được nội dung bức thư. Giê ra chính là bố đẻ Sa. Có lẽ, sau này khi đã về Pháp, bị lương tâm cắn dứt nên ông ta đã thông qua Tòa đại sứ, nhờ tìm giúp người vợ Việt Nam cùng đứa con gái bị bỏ rơi năm xưa. Bà mẹ chẳng biết làm thế nào, đành gửi kèm bức thư lên để tùy Sa quyết định. Trong thư, viên cựu đồn trưởng ngỏ ý muốn bảo lãnh cho nàng sang Pháp. Nghe tôi dịch xong, Sa vò nhàu bức thư, châm lửa đốt. Tôi hỏi, nàng bảo: “Đây là quê hương Sa, Sa không đi đâu cả”.
          Chuyện rồi cũng đến tai các cấp lãnh đạo vốn rất nhạy cảm với những gì nằm ngoài nguyên tắc Tổ chức. Người ta bảo tôi có quan hệ bất chính với một cô gái có lý lịch không trong sạch, lại còn liên quan đến “yếu tố nước ngoài”. Tay bí thư Đoàn bắt làm kiểm điểm. Không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến thế nhưng tôi nhất định không viết vì quan hệ của chúng tôi hoàn toàn trong sáng. Chỉ còn một ngày nữa là hết hạn, buổi tối cô phân đoàn trưởng vừa thoát nạn mù chữ do chính tôi dạy lại đến giục. Nghĩ mãi, cuối cùng tôi lấy giấy bút ra phóng mấy chữ thật to: “Tôi không có khuyết điểm”, sau đó cất vào hòm, đợi đến chiều mai, đúng đến những phút cuối cùng mới nộp. Có điều, vào đúng cái ngày cuối cùng của thời hạn ấy, đã xảy ra chuyện chẳng lành…
          Hồi ấy, đơn vị thường xuyên phát động các phong trào thi đua bằng các chiến dịch để đẩy nhanh tiến độ thi công theo lời dạy của Bác Hồ vĩ đại: “ Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Đoạn đường đèo Dẻ đi khe Bầu do Đoàn thanh niên đảm nhận gọi là “Công trình 26 tháng 3”. Tuy nhiên, chúng tôi làm không được hăng say lắm. Có những hôm ông đội trưởng cho thắp đuốc bắt chuyển đất đến tận nửa đêm, sáng ra anh chị nào cũng mệt phờ, lại đói nữa, thanh thử quân số ốm đau liểng xiểng. A tôi nhận phải vòng cua dốc đứng, cao đến mười tám thước. Khối lượng tuy lớn nhưng được cái đất chỉ thuộc nhóm hai, nhóm ba dễ đào. Làm được ba ngày, tôi nhận thấy, nếu cứ tiến hành công việc theo lối cũ, nghĩa là, cánh con trai leo tít lên đỉnh dốc, buộc dây an toàn ngang lưng chọc xà beng, đám con gái ở dưới dùng xẻng xúc lên xe cút kít đẩy ra bờ suối thì năng suất chẳng được là bao, mất điểm thi đua là cái chắc. Suy nghĩ mãi tôi mới đưa ra ý kiến tập trung đào khoét sâu phía dưới núi như hàm ếch, sau đó dùng xà beng thúc phía trên, đất sẽ dồn xuống nhiều hơn. “Sáng kiến” không có gì mới nhưng quả thật tiến độ thi công nhanh hẳn. Gần trưa, anh Túc, anh Bách và tôi cố đánh cho xong tảng đất khoảng hai chục khối cho nó đổ hẳn để đầu giờ chiều chị em có việc làm ngay. Lúc ấy, anh Túc cùng tôi cúi lom khom moi đất bên trong. Chị Đài với Sa dùng cuốc kéo ra ngoài. Tảng đất có hiện tượng nứt ở giữa. Tôi đã chú ý đề phòng nhưng thật không ngờ nó sập nhanh đến thế,vì vậy chỉ kịp hét lên “tất cả ra ngay!” thì trước mắt đã tối sầm, không biết gì nữa.
          Tai nạn xảy ra bất ngờ nhưng may không ai chết. Anh Túc cũng chỉ bị qua loa, riêng Sa, lúc ấy lao vào cứu tôi nên bị tảng đá lẫn trong khối đất đè dập bàn chân. Đến ngày thứ ba, vết thương càng nặng, vết thương có nguy cơ hoại thư, tay y sĩ vườn mới quyết định đưa nàng ra bệnh viện tỉnh. Nhưng lúc ấy đã quá muộn. Chẳng còn cách nào tốt hơn, các thày thuốc đành phải cắt…
          Nghe tin, tôi lạnh sống lưng, bỏ trạm xá, cuốc bộ ra thị xã. Sa nửa nằm nửa ngồi, lưng dựa vào chăn, mắt lơ đãng nhìn mà như không nhìn lên đám kèo cột đen sì đặc những bồ hóng của căn phòng bệnh viện. Thấy tôi, nàng cười nhợt nhạt, giọng châm biếm :
          - Phan đi thăm bệnh nhân đã xin phép lãnh đạo chưa?
          Tôi cầm tay nàng :
          - Tại tôi mà chị mất một bàn chân, tôi ân hận lắm.
          Sa lại cười nhưng nụ cười đã bớt phần chua chát :
          - Có lẽ đấy là số phận của Sa, Phan đừng tự trách mình nữa .
                                    
*
*   *
          Sau khi ra viện, Sa được bố trí làm cấp dưỡng. hằng ngày nhìn thấy nàng vất vả với chiếc nạng gỗ quanh quẩn trong khu nhà ăn tập thể tôi thương lắm nhưng chẳng giúp gì được. Cuối năm ấy, C22 được tách làm đôi, một nửa chuyển vào Quảng Bình, phần còn lại sáp nhập với C24 tiếp tục mở đường thông sang cửa khẩu Pò Peo. Vậy là tôi phải ra đi. Hôm chia tay tôi ngậm ngùi nói với nàng :
          - Hết chiến tranh tôi sẽ về làng Hạ tìm Sa…
          Sa lặng lẽ nhìn tôi, đến khi mắt tôi nhòe đi nàng mới lắc đầu bảo :
          - Đừng, thời chiến chẳng biết thế nào mà nói trước. Sa chỉ mong Phan giữ mình để sau này làm nên sự nghiệp.
          Tôi vào Quảng Bình rồi Quảng Trị, dọc ngang khắp mọi nẻo đường Trường Sơn, tuần nào cũng viết thư cho Sa nhưng chỉ nhận được của nàng một lá, còn sau đó bặt vô âm tín.
          Đầu năm sáu chín, trong lúc đang chuyển đá lát đường ngầm khe Bưởi, chúng tôi bị dính bom tọa độ. Trận bom thật khủng khiếp. Tiểu đội mười ba người, bốn hy sinh, bảy bị thương nặng. Tôi gãy hai xương sườn phải nằm bệnh viện gần ba tháng. Vì những “thành tích” đạt được trong mấy năm, và, nhất là đã “phấn đấu rèn luyện tư tưởng”, bỏ hẳn được tác phong tiểu tư sản, tôi được các vị lãnh đạo đáng kính cho ra Hà Nội học đại học Giao thông. Trước lúc lên trường, tôi gửi thư cho Sa theo địa chỉ cũ. Vẫn không có hồi âm. Không thể chờ được nữa, tôi quyết định tìm về làng Hạ. Lần này tôi lại chậm chân. Người làng cho biết, mẹ Sa đã mất cách đây hai năm, nàng lại ra đi và từ bấy đến giờ chưa về…
          Tôi lầm lũi đạp xe đến nơi sơ tán làm thủ tục nhập học. Suốt bốn năm, cứ vài tháng tôi lại về làng Hạ nhưng nàng vẫn như bóng chim tăm cá. Sau khi tốt nghiệp tôi được phân công về một đội khảo sát thiết kế thuộc Ban xây dựng 67. Năm 78, tôi vào Nam trung bộ phụ trách khâu kỹ thuật của Dự án cải tạo hệ thống cầu đường bị phá hủy trong chiến tranh phá hoại. Ngày tháng qua đi, cuộc hành trình tìm về quá khư hầu như vô vọng. Đã đến lúc không thể cứ sống mãi với những kỷ niệm của một thời máu lửa. Dù sao thì cũng phải tìm một chỗ dựa tinh thần để neo lại cánh chim giang hồ trước khi trượt sang bên kia dốc cuộc đời. Năm ba mươi ba tuổi, tôi lấy vợ - một cô giáo dạy văn cấp 3 – tuy không sắc sảo nhưng đảm đang, yêu chồng, thương con. Năm tám hai, tôi đi tu nghiệp ở Nga, bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ bộ môn “Cầu bê tông dự ứng lực”, về nước lại được giao một số trọng trách của ngành. Và rồi, thật không thể ngờ có cuộc gặp hôm nay…
*
*  *
          Tôi đứng ở cổng, chần chừ mãi chưa dám bước vào nhà. Nhà nàng khá rộng, phía trước là vườn cây ăn quả. Ở góc vườn, gần mương nước, có một cây cao, tán sum suê choán cả một khoảng đất rộng. Đang tiết xuân, mưa phùn lất phất, hoa nở trắng xóa, cánh bay lả tả, chập chờn như vờn như mua trong gió lạnh. Tôi chợt ngửi thấy mùi hăng hắc. Thôi đúng rồi. Hoa mận dại…
Tôi vào đến sân đúng lúc người đàn bà kẹp nạng vào nách bước ra. Vừa thấy tôi, nàng sững người. Tôi bước nhanh khẽ gọi: “Sa”…
Không thể ngờ được, người phụ nữ trước mặt tôi đây chẳng khác Sa năm xưa là mấy, duy có mái tóc hạt dẻ đã ngả màu, đôi chỗ diểm vài sợi bạc. Nàng bảo :
           - Sa biết Phan mới về công trường, chiều qua cứ chờ…
          Tôi lặng lẽ nhìn vào mắt nàng, một đôi mắt thâm quầng có vẻ mệt mỏi nhưng luôn ánh lên những cái nhìn nhân hậu. Rồi Sa kể cho tôi nghe về đoạn đời từ khi nàng chia tay với tôi ở công trường Cầu đường Cao Bằng. Một năm rưỡi sau lúc tôi vào quảng Bình, Sa nhận được tin mẹ ốm nặng. Nàng xin nghỉ phép năm, đến nhà mới biết bà mắc chứng ung thư di căn. Không thể đành lòng ra đi, Sa gửi điện xin nghỉ tiếp chăn sóc mẹ. Được bốn tháng, mẹ qua đời, nàng lên công trường nhưng phòng tổ chức đã có quyết định buộc thôi việc. Người ta còn gửi công văn cho địa phương thông báo về việc nàng “đào ngũ”.
          Một chiều mưa, Sa đi trên con đò dọc xuôi Hải Phòng tìm về nhà người dì ruột mà nàng chưa bao giờ biết mặt thì bất ngờ thuyền bị trận lốc nhấn chìm. Người lái đò và năm hành khách tử nạn. Sa được một anh thuyền chài cứu sống. Anh tên là Thảo, suốt năm tháng lênh đênh trên con thuyền đánh cá ở cửa sông Rào. Khi được biết tình cảnh của Sa, chàng ngư phủ ngỏ lời :
          - Tôi nói chuyện này, nếu có điều gì không phải mong cô bỏ quá…
          Nàng gật đầu :
          - Vâng, tôi xin nghe.
          Anh thuyền chài ngập ngừng :
          - Tôi là thằng con trai độc thân, từ nhỏ đã không còn bố mẹ. Hãy ở lại đây với tôi. Thề có trời cao chứng giám, nếu tôi phụ bạc em, thì lúc chết không nhắm được mắt.
          Nghe Thảo nói, Sa lấy hai tay bưng mặt khóc tức tưởi. Nàng khóc vì nghĩa cử của người đàn ông hào hiệp và khóc cho cả số kiếp long đong của mình.
          Khi đã thành vợ chồng, Thảo đưa Sa về ngụ cư nơi xóm Trại cạnh sông Rào. Một năm sau, bé Vân ra đời cũng là lúc Thảo nhập ngũ rồi vào chiến trường. Anh đi chưa đầy năm thì có giấy báo tử gửi về xã. Thông cảm với cảnh ngộ mẹ góa con côi, các vị chức sắc ở xã  giao cho nàng chở đò ngang trên sông Rào. Suốt từ bấy đến nay, con đò gắn với nàng như là số phận .
          Nghe Sa kể xong, tôi bảo :
          - Vậy là từ khi cháu Vân đi lấy chồng Sa lại sống một mình…
          Nàng gượng cười :
          - Bước sang tuổi năm mươi rồi còn gì, mà Phan cũng đã bốn bảy phải không?
          Tôi thoáng nghĩ đến con đò, khẽ gật đầu rồi hỏi nàng :
          - Chỉ tầm này sang năm là cây cầu làm xong, lúc ấy, con đò của Sa…
          Nàng khẽ gật đầu :
          - Các anh trong xã vận động Sa nghỉ từ lâu rồi, nhưng ngặt một nỗi, bọn trẻ xóm này chẳng đứa nào chịu chở đò ngang. Bây giờ Phan về làm cầu tức là sắp giải thoát cho Sa khỏi mái chèo.
          Tôi lại vụng về cầm tay Sa. Vẫn bàn tay búp măng nhưng không còn mềm mại như xưa. Lòng bàn tay giờ đã phủ đầy chai bởi bao năm cầm chèo. Nàng để yên bàn tay trong tay tôi, mắt nhìn xa xăm:
          - Chuyện đã qua thì cho nó qua, Phan đừng làm gì rối tung lên nữa. Cho đến giờ, Sa vẫn không ân hận, vì đã có một quãng đời, tuy ngắn ngủi nhưng đẹp nhât, được sống hạnh phúc với người mình yêu.
          Nghe nàng nói tôi chợt thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi biết, lúc này, giữa tôi và nàng có một khoảng cách vô hình, rất mong manh nhưng không dễ gì vượt qua. Dường như hiểu được tâm trạng tôi, Sa vui vẻ bảo :
          - Đến mùa mận chín, nếu Phan còn ở công trường, sang đây hái quả cho Sa. Cây mận dại này, Sa mang hạt giống từ mãi Cao Bằng về…

     Trà Lĩnh, Cao Bằng, mùa hạ, năm Quý Mão
                      ĐVS


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét